1976

Chương 4:




Đám nhóc con vây xem lúc nãy đã giải tán, tôi quay lại nhìn Vương Câu Đắc Nhi nước mắt nước mũi tèm lem và dì Vương hai mắt đẫm lệ đang cố nhìn nhau.
Bây giờ đi rồi? Rời xa gia đình rồi? Sau này còn có thể về hay không? Trong đầu tôi trống rỗng, mây đen phiền muộn giăng đầy trong lòng.
Lúc đi ngang qua Trương gia, đám hồng tiểu binh lúc nãy còn nhoi nhoi giờ khắc này đều nhìn qua, trong mắt lộ ra hâm mộ và ganh tị. Tôi bày ra vẻ mặt hung ác lạnh lùng nhìn ra cửa sổ, làm đám hồng tiểu binh không nói được lời nào. Trong lòng tôi ngoại trừ đắc ý thì còn có một cảm giác khác, cảm giác đó giống như được "báo thù rửa hận" vậy. Nói chung loại cảm giác này có chút quen thuộc.
Tôi cố nhớ xem cảm giác này đã xuất hiện khi nào. Đúng rồi, là lúc A Hoa cắn người áo đen trong đám tang bà nội, chẳng phải là loại cảm giác này hay sao?
Còn có, A Hoa đâu rồi? Trong lòng tôi bắt đầu bối rối, lại cố gắng đè nén xuống dưới, hỏi Vương Câu Đắc Nhi: "A Hoa đâu?"
Vương Câu Đắc Nhi lau nước mắt xong nhìn tôi, không nói nên lời. Từ nhỏ cậu ta đã đặc biệt có nhiều nước mắt rồi, phải mất một lúc lâu mới nói đứt quãng: "Mẹ tớ nói, không thể mang A Hoa theo được..."
Vậy thì ai sẽ cho nó ăn? Tôi nói với mẹ đang ngồi ở hàng ghế phía trước: "Mẹ, sau này A Hoa có đến tìm thì mẹ cho nó ăn được không?"
Mẹ nói: "Được, được. Bao nhiêu tuổi rồi, đừng gọi mẹ nữa, phải gọi là mẫu thân." Tôi không nói gì, thầm nghĩ sau này còn có bao nhiêu cơ hội gọi "mẹ" hay "mẫu thân" nữa đâu? (thứ lỗi em ngu muội, không biết sự khác nhau giữa mẹ với mẫu thân khi dịch ra Tiếng Việt phải thay từ gì:3)
Xe rời khỏi cổng thôn, tôi quay đầu lại nhìn một cái, đột nhiên nghe thấy tiếng chó sủa "gâu gâu", Vương Câu Đắc Nhi cũng quay đầu lại xem. Nhìn kỹ một lúc mới thấy, ôi! Đó không phải là A Hoa sao? Thì ra nó đang ở cổng thôn đợi chúng tôi!
A Hoa thấy hai tiểu chủ nhân đều đi rồi, cố đuổi theo như điên, vừa chạy vừa lớn tiếng sủa. Lái xe cũng nghe được, liền tăng mạnh chân ga. Chúng tôi tì lên cửa thủy tinh, trơ mắt nhìn con vật nhỏ màu vàng đáng thương chạy phía sau, cách chúng tôi càng lúc càng xa. Xe quẹo qua một ngả rẽ, tuyệt tình chạy về phía trước...
Tôi nghe thấy tiếng sủa của A Hoa như có như không, trong lòng vô cùng khó chịu. Vương Câu Đắc Nhi ngồi thẳng lại, nước mắt lại rơi lã chã. Không biết cậu ta lấy nước mắt ở đâu ra mà nhiều như thế, thậm chí tôi còn nghe thấy tiếng "lộp bộp" đang rơi xuống.
Xe chạy một lúc lâu, hứng thú khi được ngồi xe của tôi cũng dần dần biến mất. Trên đường có rất nhiều người vây xem chúng tôi, nhưng tôi không có một chút tinh thần nào mà vẫn để bộ mặt lạnh lùng như trước. Xe lại quẹo một cái, vẫn chạy băng băng, lại qua một lúc xe giảm tốc độ. Bên ngoài có người vội vàng kéo túi lớn túi nhỏ đi, cũng có người thì xách túi hành lý giống tôi.
"Tiên sinh, đến bến tàu rồi." Tôi nghe được người lái xe nói với cha.
"Cảm ơn." Cha nói: "Phiền anh đợi một lát."
"Mười phút năm mươi lăm hào."
Chúng tôi xuống xe, hai chân tôi như nhũn ra không bước nổi. Vương Câu Đắc Nhi vẫn còn đang khóc, cậu ta hết khóc cha khóc mẹ rồi đến khóc A Hoa.
"Còn năm phút nữa thuyền xuất phát, biết vậy đã đi sớm một chút rồi." Cha đứng trong gió nhẹ đẩy chúng tôi đi nhanh, nhìn con thuyền đang đậu ở bến, trong mắt tràn đầy đau khổ và bi thương. Mẹ nhẹ đặt tay lên đầu Vương Câu Đắc Nhi, nhẹ nhàng an ủi cậu. Nhìn mặt mẹ dịu dàng thế này làm tôi có chút hâm mộ cậu ta, cho tới bây giờ mẹ vẫn chưa từng cho tôi đãi ngộ này.
Mẹ nói: "Các con đều chưa được đến trường, đến nơi rồi thì dù có được đến trường hay không vẫn phải cố gắng tìm cơ hội học tập. Mộ Đông đã biết chữ rồi, thế Canh Vân đã biết chưa nhỉ?"
"Chưa ạ." Cậu ta vẫn còn khóc, thút tha thút thít đáp lời.
"Vậy thì để Mộ Đông chỉ cho con nhé!" Mẹ lại nói với tôi: "Đến Thanh Đảo rồi con sẽ gặp một vài người, dù trong điều kiện thế nào vẫn phải cố học tập. Không học thì không tìm được lối thoát đâu."
Tôi gật đầu.
Cha như ảo thuật mà móc ra hai tấm vé tàu, giao cho tôi và Vương Câu Đắc Nhi nói: "Lên thuyền phải dùng đến cái này, cầm cho chắc nhé."
Tôi ngây ngốc, hoảng sợ nói: "Cha, cha mẹ không tiễn chúng con sao?"
Cha mẹ cùng giật mình một cái, tựa như căn bản không nghĩ đến việc sẽ đưa chúng tôi đến Thanh Đảo, cha nói: "Các con tự đi được rồi, cha mẹ muốn nhanh về nhà. Chú của con đang ở Thanh Đảo đợi con."
Lòng tôi dâng lên cảm giác mất mác, giống như một đại thiếu gia đang sống an nhàn hạnh phúc bỗng chốc biến thành đứa trẻ bị vứt bỏ. Tôi bất đắc dĩ nhận lấy vé tàu, cùng mọi người đi đến chỗ bến tàu.
Chiếc tàu lớn mà chúng tôi sẽ lên phát ra một tiếng "Ô____", tôi vội vàng bịt chặt lỗ tai lại. Cha nói: "Lên thuyền thôi." Rồi giúp chúng tôi bước lên.
"Mẹ có cất bánh trong túi của con, là bánh mật và một chai nước, các con lên thuyền nhớ ăn nhé. Đi rồi không được kén ăn nữa đấy." Đôi mắt mẹ dường như đang ngấn nước, nhưng tôi biết mẹ nhất định sẽ nhịn xuống. Con người mẹ so với đàn ông còn muốn kiên cường hơn, tôi chưa thấy mẹ khóc bao giờ.
Chúng tôi hối hả chen chúc trong đám người cùng lên thuyền, lòng tôi rất loạn nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh. Tôi vừa mới vội vàng từ biệt ông nội, bây giờ là cha mẹ, đến cả Liên Vân Cảng cũng phải vĩnh viễn rời xa sao?
"Làm sao con tìm được chú?" Tôi hỏi mẹ.
"À đúng rồi." Mẹ giống như đột nhiên nhớ ra chuyện gì: "Quên nói với con, chú của con sẽ cầm một cây gậy trúc, bên trên có treo một tấm vải màu đỏ."
Cha tôi sầu khổ nói: "Lâm tiên sinh, cha sẽ viết thư cho con, còn gửi tiền cho con, con nhận rồi đưa cho chú và thím của con. Con biết chữ rồi phải không? Vậy nếu được hãy hồi âm cho cha nhé."
Tôi "Vâng" một tiếng, trong lòng cay cay.
Hành khách phần lớn đã lên thuyền, chiếc thuyền cỡ lớn chen chúc toàn người là người. Tôi và Vương Câu Đắc Nhi đứng ở lan can, cố nhoài người ra ngoài, im lặng nhìn cha mẹ. Vương Câu Đắc Nhi không còn khóc nữa, ngược lại bây giờ người phải đau khổ ly biệt chính là tôi.
Trong lòng tôi chua chát, nhớ tới dì Vương đã từng nói "Sao có thể không khóc", vậy bây giờ tôi có thể khóc được rồi sao? Nhưng sợ rằng cha mẹ sẽ không cho. Tôi nhớ tới A Hoa, nhớ tới ông nội, nhớ tới bà nội đã vĩnh viễn về cõi tiên, nhớ tới những vật hồi môn được chôn kỹ, nhớ tới con đường đá xanh do ông nội trải... Tôi nhớ tất cả tất cả...
Thanh Đảo ở nơi nào? Cái tên nghe rất êm tai, nhưng trong lòng tôi nó vẫn mãi kém xa Liên Vân Cảng. Đối với với một người thì không có nơi nào có thể thay thế được cố hương.
Thuyền chậm rãi rời bến, tôi lại nhớ đến lời mình đã từng nói: "Sẽ không để mọi người phải lo lắng." Tôi dùng sẽ một tia kiên cường cuối cùng của bản thân cải trang thành một Lâm Mộ Đông chính chắn vững vàng. Hai tay tôi đặt trên lan can, lông mày nhẹ nhíu lại, học bộ dáng giơ tay của ông nội, cũng không nhúc nhích, cứ yên lặng như thế mà chăm chú nhìn cha mẹ, cho đến khi không còn nhìn thấy nữa...
Bầu trời hôm nay u ám nặng nề, giống như sắp đổ một trận mưa. Tôi ngẩng đầu nhìn trời, cố nén không cho nước mắt chảy ra. Không biết bây giờ mẹ thế nào, có phải cũng giống như tôi, muốn khóc nhưng không thể để nước mắt chảy ra?
Tôi thật sự rất ghét chia ly. Nó quá đau khổ, nước mắt cứ muốn tràn ra làm người ta chua xót. Nhưng chung quy ai cũng phải chia ly, thứ đứng đằng sau điều khiển tất cả chính là thời gian. Con người khi còn sống mấy ai tránh khỏi đối mặt với tan tan hợp hợp, mọi chuyện đều được ông trời an bài cả rồi, có duyên nhất định sẽ gặp nhau, vô duyên thì sớm muộn gì cũng phải phân ly.
Thế nhưng lòng tôi vẫn còn một nghi hoặc cực lớn – vì sao những đứa nhóc trong thôn vẫn chưa rời đi, Tiểu Lục Tử vẫn còn, Phúc Sinh cũng ở lại, tại sao chỉ có mỗi tôi và Vương Câu Đắc Nhi phải đi? Có phải là nhà chúng tôi sẽ gặp chuyện gì không?
Mãi đến sau này tôi mới biết được người lớn trong nhà chúng tôi sáng suốt đến nhường nào. Đưa hai đứa trẻ chúng tôi đến ở nhà người thân là bần nông, sẽ không có ai nhận ra mà điều tra chúng tôi.
Có rất nhiều đứa trẻ cùng gia cảnh với chúng tôi, người lớn trong nhà đều bị phê đấu, con nít không còn ai chăm sóc phải chịu cảnh đói rét mà chết. Những đứa trẻ kia phải gánh trên lưng tội danh "Cẩu tể tử" oan uổng, hằng ngày sống trong sự ghẻ lạnh của người đời. Còn những thanh niên gia cảnh trung lưu, trong thời văn cách cũng không tìm được một nửa kia, có người bị khinh bỉ, thậm chí còn tự sát. (Phê đấu: công khai xử tội)
Hôm nay khi ngồi xe đi xa, nhìn thấy áo dài của ông nội tung bay trong gió, cái người cường tráng ấy rõ ràng đã già rồi, mặc dù lưng không bị còng nhưng hiển nhiên đã không còn tinh lực của tuổi trẻ nữa. Nhìn một đám hồng tiểu binh vây quanh ông nội, không biết vì cái gì mà lòng tôi liền chùng xuống, không thể phấn chấn nổi. Tôi có một dự cảm không hay, dường như còn cảm nhận được mùi vị của máu tanh.
Trên thuyền rất chật chội, tôi không biết nhiều người thế này muốn đến Thanh Đảo để làm gì. Tôi và Vương Câu Đắc Nhi không dám đi lung tung, chỉ biết dựa vào lan can ngơ ngác đứng một chỗ.
Vương Câu Đắc Nhi rụt rè hỏi tôi: "Mấy giờ rồi?"
"Tớ cũng không biết." Nói xong tôi thoáng nhìn bốn phía xung quanh, thấy một ông chú đeo đồng hồ đứng bên cạnh, liền len lén liếc trộm, nói với Vương Câu Đắc Nhi: "Mười một giờ ba mươi, mẹ nói với tớ rằng chúng ta sẽ đến Thanh Đảo trước khi trời tối."
"Thanh Đảo là một hòn đảo sao?"
"Chắc vậy." Trước kia tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề này, giờ vừa nghe Vương Câu Đắc Nhi nói cũng cảm thấy rất có khả năng, tôi bất giác khẩn trương: Nếu như Thanh Đảo là một hòn đảo, vậy nhất định là một mảnh đất không tốt, ít nhất nó không bằng cố hương của tôi – Liên Vân Cảng – là một mảnh đất cách biệt với đất liền thì sao có thể tốt cho được? Ngẫm một hồi cuối cùng tôi cũng hiểu ra.
Vương Câu Đắc Nhi tựa như không có cảm giác an toàn, lại hỏi tôi: "Cái người... chú của cậu ấy, nếu chú ấy không đến đón chúng ta thì sao?"
Bị cậu ta hỏi như thế, trong lòng tôi đã sớm dự liệu rồi, cha mẹ tôi đã làm việc thì sao có thể để trẻ con lo lắng chứ? Nhưng tôi vẫn an ủi cậu: "Sẽ tới, bởi vì người nhà chúng tớ rất giữ chữ tín."
"Cậu nói vậy..."
Tôi "Ôi trời" một tiếng chặn họng cậu ta lại: "Cậu đừng có hỏi tớ nữa, tớ cũng không biết mà."
Vương Câu Đắc Nhi cũng nhìn ra được tôi đang phiền muộn nên không hỏi tôi nữa. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến chuyện của mình – đến Thanh Đảo ở với chú rồi không biết có còn bị ăn đòn hay không? Lúc còn ở nhà, cha mẹ đánh tôi rất nhiều lần, bà nội thì bênh vực tôi. Tôi có thể trở nên biết điều hơn, nhưng lỡ như bị đánh thì còn có ai bênh tôi nữa không?
Tôi nhớ tới bà nội, đột nhiên giật mình một cái, vội vàng đem túi hành lý mở ra, sờ vào khe hở bên trong áo bông. Ôi, may quá, cây trâm ấy vẫn còn, tôi liền thở ra một hơi dài.
"Cậu tìm gì thế?" Vương Câu Đắc Nhi vừa hít mũi vừa hỏi tôi.
"Cái gì?" Tiếng sóng rất lớn, hơn nữa Vương Câu Đắc Nhi nói chuyện không rõ chữ, tôi không nghe được cậu ta nói gì.
"Cậu đang tìm cái gì?"
"Tớ không nói cho cậu biết đâu."
Vương Câu Đắc Nhi ngượng ngùng liếc tôi một cái: "Tớ thấy cậu thay đổi rồi, Khánh Hoa, cậu vẫn còn là bạn tốt nhất của tớ chứ?"
"Tớ thay đổi gì nào?" Thật sự tôi không muốn đáp lời Vương Câu Đắc Nhi.
"Cậu không giống như trước nữa, Khánh Hoa..."
"Tớ không phải là Lâm Khánh Hoa nữa." Tôi nghiêm túc sửa lời cậu: "Về sau gọi tớ là Lâm Mộ Đông."
Vương Câu Đắc Nhi híp mắt liếc tôi, giống như đang mất hứng: "Lâm Mộ Đông? Sao cậu lại sửa tên thế?"
"Cha tớ đổi cho tớ đấy." Tôi không nhìn lại cậu ta: "Cậu muốn uống nước không?"
"Dưới thuyền có kìa."
"Đó là nước biển, mặn lắm." Tôi lấy chai nước ra uống một ngụm, vì thuyền chồng chềnh mà một ít nước bị đổ lên áo trắng của tôi, tôi có chút bực bội. Vương Câu Đắc Nhi thấy thế liền "Ôi" một tiếng, nói: "Mẹ tớ chưa bao giờ cho tớ mặc đồ trắng, nói mặc như thế dễ bám bẩn."
Lúc sau chúng tôi ngồi bên nhau nghỉ ngơi cạnh một cái bàn, có một cặp vợ chồng đi ra, chúng tôi liền tranh thủ đến ngồi vào vị trí của họ. Một ông chú miệng đầy mùi thuốc lá và rượu hỏi tôi: "Nhóc con, mấy đứa bao nhiêu tuổi?"
Vương Câu Đắc Nhi không chớp mắt trả lời: "Bảy tuổi."
"Tính theo tuổi ta sao?"
"Đúng thế ạ."
Sao ông chú này lại hỏi kỹ như thế? Tôi thầm nghĩ thế, sợ sẽ có chuyện không hay.
"Nhóc này, mấy đứa đi một mình sao?"
Tôi sợ ông ta là người xấu, vì vậy khẽ nhích sang một bên nói: "Không, cha mẹ con ngồi bên kia."
Quả nhiên sau khi ông ta nghe xong lời này chỉ "Ồ" một tiếng rồi chắp tay sau lưng rời đi. Tôi nói với Vương Câu Đắc Nhi: "Sau này có người lạ hỏi thì để tớ trả lời, cậu ngồi yên một bên là được rồi."
"Ờ."
Chúng tôi dựa vào nhau nhìn bọt nước bắn lên dưới thân thuyền, không một ai lên tiếng. Tôi lấy bánh rán mật ra chậm rãi ăn, muốn dùng đồ ăn để lấp kín vết thương đang rỉ máu trong lòng. Thật sự rất nhớ nhà, nhớ ông nội và bà nội, nhớ đám nhóc chơi cùng, nhớ những khoảng thời gian đã qua...
Thuyền đã xuất phát được một lúc lâu, tôi ngồi trên ghế cảm thấy hai chân đã tê rần. Tôi và Vương Câu Đắc Nhi không ai muốn mở miệng nói chuyện, tâm trạng cả hai đều rất sa sút. Những người ban nãy còn đứng trên thuyền dường như đều đã mệt mỏi, có người lấy ghế xếp ra ngồi, có người ngồi bẹp trên mặt đất.
Tôi nhìn thấy một bà cụ run rẩy lấy ra một tờ báo, trải xuống sàn rồi ngồi lên. Bà cụ kia ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, quần áo đơn giản mà quý khí, nhìn khí chất của bà rất giống với bà nội. Nhìn bà cụ làm tôi lại nhớ đến bà nội, tôi vẫn chăm chú nhìn bà ấy, phảng phất như được thấy bà nội của mình. Tôi rất muốn tới nói với bà vài câu, nhưng cuối cùng vẫn không dám.
Đang suy nghĩ miên man, có một đứa nhóc hồng tiểu binh đi tới, đột nhiên dùng giọng nói bén nhọn chỉ vào bà cụ: "Bà không cảm thấy thẹn sao! Dám ngồi lên tờ báo in vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, bà có ý gì hả?"
Câu nói này làm hấp dẫn ánh mắt mọi người, ai nấy đều nhao nhao ghé mắt tới xem. Tôi giật mình, nhìn đứa nhóc so với tôi thì không lớn hơn là bao kia đang hung hăng trợn mắt, giống như một kẻ mạnh đang ăn hiếp kẻ yếu hơn. Tôi cũng chạy đến coi, quả nhiên bà cụ kia ngồi lên tờ báo có in chân dung lãnh tụ.
Hình như lỗ tai bà không tốt lắm, cẩn thận hỏi lại: "Xảy ra chuyện gì thế cậu bé?"
Thằng nhóc kia tức giận đỏ mặt, cảm thấy bà cụ đang trêu cợt nó, liền giương nanh múa vuốt định đánh người. Không biết có cái gì kích thích bảo tôi bước nhanh qua, cản trước mặt bà cụ, một tay mạnh mẽ cầm chặt tay thằng nhóc kia, sau đó dùng lực bẻ ngoặc ra sau.
"Ui da__" Vẻ mặt thằng nhóc nhăn nhó, con mắt trừng lớn hét to một tiếng. Tôi buông tay ra nhìn ánh mắt sợ hãi của nó, thấp giọng nói: "Xéo đi."
Tuổi của tôi và thằng nhóc ấy không chênh nhau là mấy, nhưng tôi cao hơn nó một cái đầu, nhìn nó giống như một đứa trẻ trong gia đình nghèo khó, ăn không đủ no mặc không đủ ấm, không chỉ thấp hơn tôi mà so ra còn gầy yếu hơn. Nó không ngờ sẽ có người tới can thiệp, trong lòng vô cùng tức giận nhưng bị tôi uy hiếp thì chỉ biết đen mặt bỏ đi.
Tôi đứng đó không nói gì, quay lại xem bà cụ, chỉ thấy bà run rẩy nắm chặt tay tôi, răng của bà đã rụng hết, bà nói với tôi: "Cậu bé này, cảm ơn cháu đã giúp một bà cụ đã gần đất xa trời như ta..."
Bà nội cũng ít khi gọi tên tôi, lúc nào cũng gọi tôi là "cậu bé..." Tôi không biết phải trả lời thế nào, nhưng nghe bà nói vậy trong lòng tôi rất khó chịu, cứ như bà nội đang nói với tôi "Bà là người đã gần đất xa trời rồi" vậy. Tôi cố mở lớn mắt, không để nước mắt rơi xuống. Tôi không muốn để bà nội nhìn thấy tôi khóc.
Tôi đỡ bà cụ đến chỗ ngồi của mình, Vương Câu Đắc Nhi cũng đứng lên, đưa mắt nhìn bà không biết phải làm gì. Tôi nhỏ giọng nói với cậu: "Chúng ta đi thôi!"
Tôi kéo Vương Câu Đắc Nhi quẹo trái quẹo phải một hồi, cậu ta hỏi tôi: "Tại sao phải đi?"
Tôi nhỏ giọng nói: "Tớ sợ thằng nhóc đó dẫn người lớn đến tìm chúng ta."
Chúng tôi tìm một góc khuất yên tĩnh, cùng nhau dựa vào vách thuyền. Vương Câu Đắc Nhi thật lợi hại, rõ ràng đang đứng mà ngủ cũng không bị ngã. Xem ra cậu ta đã mệt gần chết rồi, nếu không sao lại ngủ như thế được. Thật ra tôi cũng rất mệt, nhưng Vương Câu Đắc Nhi ngủ rồi tôi cũng không dám ngủ, mở to hai mắt trông chừng hành lý.
Không đợi đến thời khắc "trước khi trời tối" trong trí nhớ của tôi đến, thuyền đã cập bến Thanh Đảo rồi. Tôi có chút hưng phấn, nhưng xen lẫn một chút đau thương. Đây là thành phố mà chúng tôi sẽ sống những ngày tháng tiếp theo sao? Người tha hương như cây cỏ héo, không có nhà để mà về.
Tôi đánh thức Vương Câu Đắc Nhi, lúc này thuyền đã bỏ neo cập bến rồi, hành khách xung quanh chúng tôi lục tục rời đi, chúng tôi bị kẹp giữa đám người, cùng đi theo. Phải đi rất lâu mới xuống khỏi tàu. Tôi và Vương Câu Đắc Nhi đều vứt vé tàu đi rồi, bây giờ tôi vẫn còn chút hối hận, sao không giữ lại làm kỷ niệm chứ.
Tôi chợt nhớ ra một điều: "Cậu giúp tớ tìm một người đàn ông cầm gậy trúc, bên trên treo một tấm vải đỏ, người đó chính là chú của tớ."
Vương Câu Đắc Nhi rất lẹ mắt, không đợi tôi nói xong đã kêu lên: "Có phải bên kia không?"
Tôi nhìn theo hướng tay cậu ta, quả nhiên có một cây gậy trúc thật, cũng may mà Vương Câu Đắc Nhi nhanh chóng tìm được. Tôi vỗ vai cậu ta, bày ra vẻ khâm phục. Tôi muốn đến chỗ chú nhưng người quá đông, nhìn một hồi lại không biết là ai đang giơ gậy.
Chúng tôi chui vào trong đám người, rất nhanh đã bị người lớn vây vào chính giữa, không nhìn thấy gậy trúc đâu nữa. Cũng may tôi nhớ kỹ phương hướng, vì vậy ôm chặt túi hành lý ở trước ngực, cố gắng lách người chen về hướng đó. Cứ đi như vậy suốt nửa phút, trước mặt tôi xuất hiện một người, nhìn lên thấy một cây gậy trúc có treo vải đỏ. Tôi dời ánh mắt xuống một chút, lập tức nhìn thấy một gương mặt già nua – gương mặt kia so với cha tôi còn già hơn vài tuổi.
Chắc đây chính là chú của tôi rồi!
Vương Câu Đắc Nhi trốn sau lưng tôi, nhút nhát đưa mắt nhìn. Tôi nhỏ giọng kêu: "Chú.. chú?"
Gương mặt kia hạ thấp xuống, thoáng cái liền thấy được tôi, sau đó nếp nhăn trên mặt giật giật mấy cái lộ ra bộ dáng tươi cười, chú ấy lớn tiếng kêu lên: "Này, Thục Phượng mau tới đây! Cuối cùng cũng chờ được rồi!"
Tôi lập tức thấy một phụ nữ đứng tuổi đội khăn trùm đầu chen ra từ trong đám người, nhìn chúng tôi, lộ ra hàm răng vàng, vui vẻ nói: "Ai nha cuối cùng cũng tới rồi!"
_______________________________
*Thanh Đảo: là thành phố nằm ở phía đông tỉnh Sơn Đông, trên bán đảo Sơn Đông, Trung Quốc.
*Liên Vân Cảng: là một địa cấp thị tỉnh Giang Tô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.