A Khinh

Chương 18:




Năm năm sau, Thành Bái bị giáng chức thành tri huyện Linh Lăng, hắn dẫn theo mấy người tôi tớ, chuẩn bị hành trang đơn giản rồi rời khỏi kinh thành.
Đang lúc thanh minh, mưa phùn lã lướt, khi xe chạy trên đường phố thì một mùi thơm chưa từng ngửi qua thoảng bay vào trong kiệu, Thành Bái không khỏi nói: “Đây là món gì, thơm quá.” Hắn cho xe tạm dừng, gọi người thiếp thân tiểu đồng tên Cận Thư xuống xem thử, mua một phần đem lên.
Cận Thư nói: “Tâm đại nhân thật thản, lúc này mà còn ăn vặt trên chợ.” Gã nói thầm rồi xuống xe, một lát sau cầm theo một bọc giấy trở về, bên trong là bánh nhỏ nóng mới ra lò, bánh hoa quả lăn vừng, mỏng mỏng giòn giòn, xác nhận là món ăn do người Hồ truyền tới đây.
Thành Bái ăn một cái, còn lại bọc trong giấy đặt lên trên bàn nhỏ.
Cận Thư nói: “Đại nhân luôn như vậy, lúc nào mua đồ ăn trên chợ cũng chỉ ăn mấy cái, còn lại đều đặt ở trước mặt, tại sao vậy chứ?”
Thành Bái cười nói: “Ta thích nếm thử đồ ăn nóng mà thôi.”
Lúc ra khỏi kinh thành, Thành Bái nâng mành xe nhìn ra ngoài, chỉ thấy ruộng đồng mênh mông ẩn trong làn mưa bụi như khói, hắn không khỏi nhớ tới tình cảnh năm xưa khi mới tới kinh thành.
Vài năm trôi qua, vẫn tịch liêu như trước.
Năm ấy, sau khi đại trưởng lão và A Khinh từ biệt hắn, dường như tất cả suy khí của Thành Bái cũng biến mất. Thí tuyển Nho học lần hai hắn thuận lợi thông qua, đầu xuân năm sau lại tham gia khoa thi chính thức, cuối cùng hắn cũng đứng đầu bảng vàng. Lễ bộ Thượng thư Nghiêm Dực trở thành ân sư của hắn.
Trên dưới Thành gia vui mừng khôn xiết, người gặp người trốn sao chổi xui xẻo Bái thiếu gia chớp mắt đã biến thành sao Văn Khúc hạ phàm, những chuyện xui xẻo trước kia như lời Mạnh Tử nói là do trời giao trọng trách thử thách người tài.
Bởi vì Diệp Pháp Sư nên hoàng đế lại càng không thích Hoàng Lão học. Diệp Pháp Sư ở pháp trường do sấm chớp rền vang mà không thấy được sự tình, chuyện này bị triều đình nghiêm cấm đàm luận, nó chỉ âm thầm lưu truyền trong dân gian. Có lời đồn nói rằng, Diệp Pháp Sư bị tội là vì hoàng thượng muốn diệt bỏ Đạo học tạo bước đường cho Nho học, Diệp Pháp Sư thấy hoàng đế không chịu tỉnh ngộ nên mới ở pháp trường dùng lôi điện để cảnh tỉnh, sau đó phiêu nhiên rời đi.
Quả thật từ đó về sau Nho học dần đắc thế. Nghiêm Thượng thư trở thành Thừa tướng, ông hết sức bồi dưỡng tài năng cho Thành Bái. Trong vài năm, Thành Bái từ một Lễ bộ Văn thư nho nhỏ thăng lên làm tứ phẩm Ngự Sử.
Lúc này thiên hạ đều vứt bỏ Đạo pháp Lý học (), Nhàn Vân Quan cũng từ lâu đã không còn ai tới. Lại có quan viên góp lời với hoàng đế dỡ bỏ tất cả đạo quán trong kinh, trục xuất tà đạo, đốt mọi sách để tránh truyền ‘độc hại’.
() học thuyết Tống Nho
Thành Bái cảm thấy thực sự không đến mức đó liền dâng tấu chương, hắn viết, Khổng thánh nhân đã từng hỏi chuyện với Lão Tử. Đạo học với Nho học vốn tương thông, đều là giáo hóa khuyên nhủ người hướng thiện, là đạo lý truyền lại cho thế nhân đời sau. Người dùng tà thuật và chính đạo không quan hệ với nhau. Đọc sách đốt sách là hành vi đi ngược lại với người đời trước.
Tấu chương vừa dâng lên đã tới tay Nghiêm Thừa Tướng, Nghiêm Dực vừa đọc đã nhất thời kinh sợ. Không ngờ rằng học trò mình tự tay đề bạt bồi dưỡng lại là một kẻ ăn cây táo rào cây sung.
Mấy ngày sau, Thành Bái vì làm việc thất trách mà bị lột bỏ hàm Ngự Sử, cách chức thành tri huyện thất phẩm ở Linh Lăng.
Thành gia nghe được tin tức này ai nấy đều ngây người. Thành viên ngoại và cha Thành Bái cũng chỉ có thể dùng những lời lẽ linh tinh để an ủi bản thân “Đứa nhỏ này vốn không hiểu đạo lý đối nhân xử thế, nó không ở trong triều mà đến một địa phương khác tự mình làm chủ cũng rất tốt”
Thông gia Cam lão gia đang cầm cây gậy dọa thằng cháu trai đọc sách, sau khi nghe được tin tức này liền bỏ cây gậy xuống đất, làm quan không dễ vẫn là nên thuận theo tự nhiên.
Láng giềng ai ai cũng xì xào bàn tán, xem ra suy khí cũng không dễ dàng trừ tận gốc.
Nhưng Thành Bái lại không quan tâm lắm, mấy năm nay hắn liên tục thăng quan tiến chức, song lại có cảm giác càng ngày càng vô nghĩa, lần xui xẻo này thật ra là để thể nghiệm cảm giác thân thiết và kiên định đã lâu không trải qua.
Đi vào Linh Lăng phải đi bằng đường thủy, hắn dựa vào lan can ngắm cảnh sông núi nước non, một đường đi vô cùng thoải mái. Mà lúc ở trên thuyền ngắm cảnh cũng thường có cá tự động nhảy lên trên mạn thuyền, nhảy tới cạnh chân hắn, ban đêm cũng không vì hơi nước hay gió trên sông mà cảm thấy lạnh. Vô cùng thuận gió thuận nước mà tới được Linh Lăng.
Linh Lăng nằm ở phía nam, vì vậy mà mọi người trong kinh thành đều nghĩ nó là một nơi nguy hiểm vì khí độc. Sau khi Thành Bái đến đây lại ngoài ý muốn phát hiện, huyện nhỏ này là một nơi sơn minh thủy tú, người dân lại chất phác, là một nơi giàu có sung túc và phồn hoa. Tri huyện Linh Lăng và tri phủ Bản Châu trước kia hàng năm đều khóc than với triều đình, bọn chúng cầm khoản lương thực cứu tế ở trong cái ‘ổ’ phú quý mà khoái hoạt, vì ăn uống vô độ mà dẫn đến bệnh tật, vì thế mới rời khỏi cái chức vị này để Thành Bái tiếp nhận. Lúc rời khỏi huyện còn lôi kéo tay Thành Bái khóc chân thành một lúc.
Thành Bái đến là lúc mùa vải chín muồi. Lần đầu tiên trong đời Thành Bái được ăn quả vải chín mới hái từ trên cây xuống, mấy người thiếp thân tùy tùng cũng một mạch ăn hết hai giỏ lớn, trên mũi hoặc khóe miệng hay cằm của mỗi người đều dính miếng vụn.
Thành Bái nhanh chóng viết thư báo bình an, lại đóng gói hai sọt đặc sản địa phương là thịt xông khói, thịt giăm bông, bánh ngọt và thư cùng gửi về nhà, mong tổ phụ và phụ thân yên tâm.
Buổi tối, Thành Bái tắm rửa xong xuôi liền đi dạo trong viện, hắn ngẩng đầu nhìn trăng rằm, bỗng ngửi được một luồng hỏa khí, hắn theo mùi đi đến góc rẽ của hành lang thì phát hiện tiểu đồng Cận Thư đang ngồi chồm hổm bên cạnh chậu than thả giấy vàng vào trong đó, hắn liền hỏi: “Ngươi đang làm gì?”
Cận Thư cả kinh đứng bật dậy, người ấp a ấp úng. Thành Bái nghiêm mặt hỏi lại, Cận Thư mới lắp bắp nói: “Ban sáng, lúc Chu thúc bọn họ theo đại nhân đưa tiễn lão tri huyện thì thấy một con chó mực đang đứng trên nóc nhà.”
Thành Bái sửng sốt: “Ngươi….. ngươi nói cái gì?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.