About Rose About You

Chương 25:




Lúc đến nhà bà ngoại trời đã tối. Hà Hữu Dân nói đúng rồi, trong thôn bị mất điện, đồng thời nghe trưởng thôn nói là vì thôn nằm trong khu vực hẻo lánh, luôn thiếu than củi và vật tư, đã có một vài người già mẹ góa con côi không chịu nổi nên chết rét.
Đội cấp cứu đã đến vài ngày trước, bây giờ đang làm việc suốt đêm, cũng phân phát một ít vật tư cho mùa đông.
Tôi tìm đến nhà bà ngoại, trong nhà tối om, bên ngoài nhà cũng thế, xung quanh là rộng đồng và rừng núi, hàng xóm không gần nhau. Có lẽ bà không ngờ tôi sẽ về thăm bà vào lúc này, bà đã ngủ rồi.
Tôi đẩy cửa nhà ra, gọi vài tiếng vào trong nhưng không có ai trả lời. Hà Hữu Dân đưa đèn pin cho tôi, tôi bật đèn pin lên vào nhà tìm bà tôi.
Khi tôi tìm thấy bà tôi, bà đang nằm trên giường ngủ rất yên tĩnh. Tôi vốn không muốn quấy rầy bà, nhưng tôi đói rồi nên đẩy bà một cái.
“Bà ơi, con về rồi.” Tôi thấp giọng nói, bà ngoại tôi không cử động, trong lòng tôi giật thót, lời nói của trưởng thôn vẫn văng vẳng bên tai, nhưng trong những người già đã chết không có tên của bà tôi.
“Bà ơi! Bà dậy đi!” Tôi xốc chăn của bà lên, chăn lạnh như băng, tôi lại kiểm tra mặt của bà, cũng như hầm băng.
Tôi lập tức gào khóc, liên tục đẩy bà nhưng bà vẫn không đáp lại. Hà Hữu Dân chạy vào, tôi khóc đến mức không cử động được, anh ấy cõng bà tôi lên và kéo tôi chạy ra ngoài.
Lên xe, Hà Hữu Dân lái xe đến bệnh viện trên thị trấn ngay trong đêm, tôi khóc mãi, tôi biết bà tôi đã qua đời.
Bác sĩ nói rằng chúng tôi đưa đến muộn quá, bà đã chết được một thời gian. Sau khi liên lạc với bố mẹ tôi, xuất phát từ nhân tình bệnh viện đã giúp chúng tôi xử lý thi thể rồi đưa vào nhà xác.
“Có thể làm cho bà tỉnh lại không?” Tôi gần như đánh mất lý trí, ngồi trên ghế sắt lạnh lẽo ngoài cửa nhà xác, tôi không kiềm chế được nước mắt của mình, khóc mệt thì dựa vào Hà Hữu Dân ngủ một giấc. Buổi tối dài đằng đẵng đó anh ấy luôn ở bên cạnh tôi, không nói một lời an ủi.
Đã nhiều năm trôi qua, nhớ đến buổi tối đó tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh trong lòng. Mạng người mong manh biết bao, bà tôi bị chết rét, đến bây giờ tôi vẫn khó có thể tưởng tượng, không muốn tin. Tôi luôn nghĩ, nếu tôi đến sớm hơn một ngày, có lẽ bà sẽ không rời khỏi tôi đúng không, khi tôi chạy đến, bà mới tắt thở bốn, năm tiếng.
Một ngày sau bố mẹ tôi cũng đến, mẹ tôi khóc dữ hơn ai hết, chắc hẳn mẹ buồn hơn tôi, cho nên tôi không để lộ cảm xúc của mình ở trước mặt mẹ, tôi không muốn mẹ tự trách. Tôi chỉ lén buồn vào đêm tối.
Bố mẹ tôi bận rộn làm tang lễ cho bà ngoại, họ vẫn chưa chú ý đến chuyện của tôi và Hà Hữu Dân. Mấy ngày sau Hà Hữu Dân cũng nói với tôi một tiếng, nếu nhớ anh ấy hãy gọi cho anh ấy rồi đi trước. Sau đám tang tôi theo bố mẹ về Quảng Châu.
Nhưng ngày đó sau khi rời đi anh ấy đã không bao giờ trở về nữa.
Cả năm 2008 tôi không liên lạc được với Hà Hữu Dân, gọi điện cho anh ấy thì điện thoại luôn luôn tắt máy hoặc là đường dây bận. Tôi đến tìm Kỳ Cương, cậu ta cũng không biết tin tức của anh ấy, à phải rồi, anh cậu ta vẫn phải ngồi tù, tiền của chúng tôi không có tác dụng.
Kỳ Cương tiếp tục làm việc ở Quảng Châu, nhưng tôi không ở lại phòng làm việc của A Nguyệt nữa mà đến Thâm Quyến với bố mẹ, cùng lập nghiệp với họ. Sau khi bà ngoại qua đời, tôi cảm thấy sinh mệnh quá mỏng manh, tình thân chỉ có một lần trong đời này, tôi vẫn quyết định ở bên bố mẹ nhiều hơn. Dù họ không hề hết lòng cho sự trưởng thành của tôi.
Lúc ấy Thâm Quyến đã phát triển rất tốt, họ mở một công ty thủy điện nho nhỏ, thật ra thêm cả tôi cũng chỉ có bốn người, thuê một căn phòng làm việc tại nhà.
Công việc này làm những việc như lắp đặt điện nước trong trang trí và xây dựng. Lúc đầu tôi muốn dựa vào nền tảng mỹ thuật của mình, học nhận dạng bản vẽ, vẽ kết cấu, nhưng bản vẽ này và vẽ tranh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Cuối cùng vẫn không học được và trở thành “máy đếm tiền” cho bố mẹ dùng, nói dễ nghe hơn là quản lý tài chính.
Vào mùa hè, thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh đã khai mạc, khuấy động lòng người, nam nữ già trẻ đều xem, mỗi đêm gần như muôn người đổ xô ra đường. Tôi cũng không ngoại lệ, mỗi tối sau khi làm việc xong tôi đều canh giữ bên cạnh TV xem Olympic.
Nhưng tôi không giống người khác, người khác xem Quách Tinh Tinh giành huy chương vàng môn lặn, tôi gần như chỉ quan sát ống kính khán giả.
Tôi luôn có một ảo tưởng, nghĩ rằng Hà Hữu Dân có ở hiện trường xem thi đấu không, khi ống kính lướt qua, tôi có thể nhìn thấy anh ấy.
Nhưng không có, tôi vẫn không nhìn thấy anh ấy, cũng không có tin tức của anh.
Tôi cố gắng đi tìm Hà Hữu Dân, đăng báo hay gì đó nhưng vẫn chậm chạp không có manh mối.
Cuối năm đó, tôi quay lại Quảng Châu muốn đi dạo chốn cũ, tìm đến nơi Hà Hữu Dân từng mở nhà hàng, phát hiện nhà hàng đã bị phá bỏ và trở thành công trường.
Tôi hỏi bảo vệ công trường: “Ở đây xây gì vậy chú?”
“Chắc là văn phòng!” Chú ấy nói với tôi.
Rời khỏi nơi đó, tôi tìm Kỳ Cương, cùng đến chỗ cũ tụ tập. Kỳ Cương nói là cậu ta sắp kết hôn rồi, hỏi tôi có dự định gì.
“Tôi thì có dự định gì, xây dựng công ty giúp bố mẹ trước đã, bây giờ cũng là dựng nghiệp bằng hai bàn tay trắng.” Tôi nói sự thật.
“Không vội tìm người yêu à?”
Tôi lắc đầu: “Bố mẹ cũng không giục, cứ vậy đi.”
“Cũng đúng, người yêu và tiền đều không phải gió lớn thổi tới, không giục được. Nhưng trước đó cậu hỏi tôi chuyện của Hà Hữu Dân đúng không? Mấy ngày trước tôi tìm được vài tin tức, anh ta ở Hồng Kông hoặc là Canada.” Cậu ta vừa ăn vừa nói, “Tin tức chưa chắc đã đáng tin, cậu tham khảo đi.”
“Cậu nghe ai nói?” Tôi sững sờ.
Cậu ta lưỡng lự một lát: “Tiểu Yến.”
“Cậu vẫn liên lạc với cô ấy? Sao cô ấy lại biết được? Cô ấy nghỉ việc lâu rồi mà?” Tôi khó hiểu.
Kỳ Cương nhai thịt, ngẫm nghĩ rồi nhồm nhoàm nói với tôi: “Bọn tôi đều ở Quảng Châu, cũng là bạn bè nên thỉnh thoảng sẽ ăn bữa cơm. Về phần cô ấy biết được bằng cách nào… tôi cũng không hỏi, tôi tưởng cô ấy vẫn đi làm ở chỗ Hà Hữu Dân.”
“Tôi muốn gặp cô ấy!”
“Thôi, cô ấy cũng không muốn gặp cậu. Có chuyện gì tôi sẽ hỏi giúp cậu.”
Kỳ Cương nói cũng có lý, tôi rất biết ơn cậu ta, bữa cơm đó tôi mời.
Xuân đi thu đến, năm 2009 trôi qua rất yên ả và ung dung, không có chuyện gì đáng nhớ.
Tôi chỉ nhớ tôi và Kỳ Cương vẫn như trước kia, thỉnh thoảng gọi điện hoặc hẹn nhau ra ngoài uống nước.
Cậu ta nói không có tin tức của Hà Hữu Dân, mãi chưa có. Về phần Tiểu Yến, cô ấy cũng chỉ nghe đồng nghiệp cũ nói, họ cũng không biết nhiều chuyện hơn về Hà Hữu Dân.
Điều chính xác duy nhất là Hà Hữu Dân không ở nội địa, đoán chừng số điện thoại cũng đã đổi cho nên gọi tới luôn luôn tắt máy.
Trong suốt một năm, chờ đợi và tìm kiếm Hà Hữu Dân đã trở thành động lực chèo chống tôi sống mỗi ngày, hình như tôi sống tốt chỉ vì điều này, vì có thể gặp lại anh ấy mà không khiến mình trở nên chán nản.
Kỳ Cương luôn nói nếu tiếp tục như vậy thì tôi sẽ trở thành hòn vọng phu.
Nghe cậu ta nói vậy tôi chỉ có thể cười tự giễu. Thật ra hòn vọng phu tốt hơn tôi, bởi mọi người đều biết người vọng phu đang chờ chồng, nhưng không ai biết tôi đang chờ ai.
Công ty nhỏ của bố mẹ tôi dần dần mở rộng, nhân viên cũng bắt đầu nhiều lên. Họ có kinh nghiệm mở công ty, những chuyện này cũng xử lý rất thuận buồm xuôi gió. Vì vậy sau khi rảnh rỗi mẹ tôi đã sắp xếp cho tôi xem mắt.
Số lần xem mắt nhiều đến mức tôi cũng chẳng muốn đến nữa, vì đếm không nổi, tôi cũng không nhớ tên của những cô gái đó. Sau khi Hà Hữu Dân rời đi, trong lòng tôi không còn chỗ trống để chứa người khác nữa. Sau nhiều lần xem mắt thất bại, mẹ cũng lười giục tôi, mẹ chỉ xem như tôi vẫn nhớ nhung Tiểu Yến.
Lại nhớ về quá khứ, đó là mùa đông năm 2010, tất nhiên mùa đông năm đó ở Thâm Quyến không có tuyết rơi, chỉ lạnh hơn trước kia, nhưng cũng không lạnh bằng thảm họa tuyết năm 2008. Đối với người phương bắc đây cùng lắm là mùa thu.
Thời tiết ẩm ướt chứ không hanh khô như lá rụng khô quắt, mang theo hơi lạnh thổi vào trong da thịt con người.
Một buổi sáng tôi bị chuông điện thoại đánh thức, tôi mơ mơ màng màng bắt máy. Là một giọng nói quen thuộc, rất già nua.
“Cậu là…  Phí Bạch đúng không?”
“Phải, ông là ai?” Tôi trở mình ngồi dậy.
“Tôi là Steve, trước kia từng dạy cậu vẽ tranh. Còn nhớ không?”
Tôi ngẩn người mấy giây, bỗng trở nên phấn chấn, trực giác nói với tôi rằng ông ấy đến nói cho tôi về tin tức của Hà Hữu Dân.
Tôi vội nói: “Nhớ ạ, thầy Sử, thầy tìm em là vì?”
“Tôi muốn nói cho cậu một tin không may, hy vọng cậu có thể chịu đựng được. Cậu Hà Hữu Dân qua đời rồi.”
“Gì cơ? Thầy có thể…”
“Cậu Hà Hữu Dân đã qua đời tại Canada. Một phần di sản của cậu ấy ủy thác cho tôi và đại diện pháp lý liên quan chuyển cho cậu.” Ông ấy nói, nhưng tôi lại như dần mất đi thính lực, trong đầu chỉ còn lại tiếng ong ong.
Steve còn nói thêm về việc xử lý di sản của Hà Hữu Dân, ông ấy muốn gặp tôi nhưng tôi không nghe tiếp nữa rồi tắt máy. Tôi cũng không khóc, thế nhưng thứ chèo chống trong tim bỗng không còn nữa, biến mất rồi. Tôi không đau khổ buồn bã vì đã trải qua những cảm xúc này. Những ngày hàng đêm mua say, mẹ tôi hỏi tại sao tôi suốt ngày uống rượu, tôi nói là tôi nhớ bà ngoại, nhưng sự thật là tôi nhớ anh ấy, tôi nhớ Hà Hữu Dân.
Những gì tôi cảm nhận được là sự trống rỗng và hư vô. Trong đầu tôi hiện lên rất nhiều chuyện liên quan đến Hà Hữu Dân, khi mới quen anh ấy, đi nghe hòa nhạc với anh ấy, đón giao thừa với anh ấy, chia tay anh ấy, làm tình với anh ấy.
Trong phần lớn tuổi thanh xuân của tôi, Hà Hữu Dân không vắng mặt. Nhưng sau hôm nay, anh ấy sẽ mãi mãi vắng mặt.
Đó là cuối năm 2010, tính đến nay đã nhiều năm. Vì sự cố chấp của Steve, cuối cùng tôi vẫn gặp ông, nhận phần di sản riêng của Hà Hữu Dân. Anh ấy không chết vì bệnh AIDS, mà vì AIDS nên hệ miễn dịch thấp, mùa cảm cúm ở Canada Hà Hữu Dân đã bị cảm nặng, không qua khỏi cho nên đã ra đi.
“Lúc gần đi, cậu Hà nhờ tôi nói với cậu, cậu ấy vẫn giữ số điện thoại, nếu cậu nhớ cậu Hà hãy gọi điện thoại cho cậu ấy.” Steve nói với tôi.
Những thứ Hà Hữu Dân cho tôi không nhiều: một khoản tiền và căn nhà ở khu dân cư Hoa Hồng. Hiện tôi đang sống trong căn nhà đó, khoản tiền kia tôi cho bố mẹ để đầu tư.
Cũng từ ngày hôm đó, cuối cùng tôi không điện cho Hà Hữu Dân với tâm trạng lo sợ bất an nữa, nhưng tôi cũng không vì vậy mà đổi số điện thoại. Bố mẹ tôi nói số của tôi và số của họ không phải số người thân, bảo tôi đổi nhưng tôi không chịu.
Dĩ nhiên không phải tôi hy vọng Hà Hữu Dân sẽ gọi về.
Tôi chỉ biết rằng số của tôi nhất định từng có ý nghĩa quan trọng với anh, vậy nên tôi muốn giữ lại.
Giúp anh ấy giữ lại cho tôi.
Tôi đã viết xong câu chuyện của chúng tôi. Viết đến đây, tôi phải nghĩ nếu HÀ Hữu Dân không bị bệnh, không rời đi thì kết cục của chúng tôi sẽ khác phải không. Ngẫm nghĩ một lát, tôi gạt đi suy nghĩ này. Đáp án rất rõ ràng, không phải. Tôi và Hà Hữu Dân đã định trước không phải sinh ly thì là tử biệt, không thể có một tình yêu được thừa nhận, chỉ có thể chôn giấu, mọc rễ nảy mầm và nở hoa trong lòng.
Năm này qua năm khác, cuộc sống của tôi không hề trở nên tốt hơn, nhưng rất bình yên. Tôi luôn mơ thấy lời Hà Hữu Dân nói với tôi vào lần chia tay cuối cùng, anh nói nếu nhớ anh hãy gọi cho anh. Lần đầu tiên nghe, chưa bao giờ nghĩ rằng câu nói này sẽ có sức mạnh như thế. Trong đời tôi sẽ không bao giờ có được tình yêu có thể duy trì bằng một cuộc điện thoại nữa.
Câu chuyện phải kết thúc rồi, nhưng tôi chợt nghĩ hay là gọi cho anh ấy một cuộc điện thoại. Cuộc điện thoại này không cần kết nối, chỉ là tôi lại nhớ anh thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.