Ai Hát Giữa Rừng Khuya

Chương 4: Oanh cơ




Ngày xưa khi nước Ðại Pháp vừa mới dựng nền Bảo Hộ, thì dân ta sống theo các tục lệ cổ hủ; đường sá thành thị thuở ấy chưa được mở mang rộng rãi; trong nước còn đang thời loạn lạc, cướp bóc tứ tung, các tay anh hùng lục lâm hoành hành khắp chốn mà nền trị an thì chưa lấy gì được vững vàng.
Ở các chốn đô thành, dân cư có lẽ được yên ổn đôi chút. Các quan cai trị một mặt thì hết lòng truy nã những đảng phản kháng, một mặt thì ra công mở mang khai khẩn các miền bình địa, đặt ra luật lệ mới và xây đắp các trường học để đưa dần trí thức con em trong nước, với nền văn học Âu Tây. Lúc ấy mới là cuộc sơ khai, làm gì đã có đường sá quang đãng, làm gì đã có hỏa xa và đèn điện? Ông bà chúng ta vẫn sống bần tiện trong những căn nhà tranh hoặc ngói lụp sụp, tối tăm ẩm thấp, sự sinh hoạt của các cụ mãi về sau này mới tăng bề sạch sẽ và sung sướng chút ít. Nói ra dài dòng lắm, tôi chỉ kể qua thầy cô được rõ rằng cách ăn ở lúc ấy thì rất lùi xùi khốn cực, về phương diện vật chất văn học và luân lý, thì lại là một câu chuyện khác.
Bởi chưa có nhiều đường sá, sự đi lại và sự vận tải là một điều khó khăn hiểm trở vô cùng. Ngoài Bắc Kỳ, đi đứng còn được dễ chịu đôi chút, bởi lẽ, từ trấn nọ qua trấn kia - trừ các châu ở vùng Thượng Du - không có núi rừng ngăn cản. Vả chăng đồng bằng rộng rãi, phẳng phiu, các gian phi trộm cướp hết nghề tìm sào huyệt làm nơi căn cứ để trú ẩn lâu bền. Còn như ở đất Trung Kỳ, Thanh Nghệ này, ôi thôi! Trộm cướp không biết bao nhiêu mà kể! Vì rằng xứ Trung Kỳ eo hẹp, mé Ðông tuy giáp bể song mé Tây lại tiếp ngay với núi rừng, hóa nên quân gian tìm ra nhiều chỗ đất có thể làm tổ quỉ lắm. Ðường sá lại gập ghềnh nguy hiểm, khi lên thác khi xuống đèo, khi qua rừng, khi ven núi, thực là khi khu, khó nhọc. Từ Thanh Hóa, theo đường thiên lý ra xứ Bắc, tất phải trèo đèo Tam Ðiệp, mà đèo Tam Ðiệp nó có phải đất xa lạ gì, chính là về hạt Ðồng Giao ta đó! Thuở trước chỗ này rừng núi rậm rạp gấp mười ngày nay, chỉ dùng để làm trường hỗn chiến cho mấy toán quan mai phục bắn nhau, giết nhau để chiếm quyền lợi hoặc cho Chúa Nguyễn trong Nam, hoặc cho Chúa Trịnh ngoài Bắc. Chỗ này lại còn là nơi thắng địa cho các loài mãnh thú, cho các khách lục lâm; hổ cứ ở đó hàng đàng, kẻ cướp nấp ở đó hàng toán, thực là một chốn nguy hiểm đến tột bực, đi qua đấy không chết vì đạo quân đạo tặc, thì lại bỏ xác dưới các móng vuốt hùm thiêng.
Thế mà ngày nay vẫn thường có kẻ can tràng len lỏi đi qua, đánh bạo với sự chết, không hề sợ hãi. Chả lã vì đường sá đầy tai nạn mà đành bó tay ngồi ở xó nhà, không dám vượt rừng núi từ Nam ra Bắc, để cho con đèo Tam Ðiệp, lâu dần, phải hóa ra một nơi hoang vắng, không hề có dấu chân người? Khó nhọc đến đâu thì khó nhọc, nguy hiểm đến đâu thì nguy hiểm. Lúc có việc quan trọng cần kíp, lúc phải quay cuồng xoay xở để mưu thực, nào ai còn suy nghĩ nữa, còn dùng dằng lo sợ chi nữa, còn ngại ngùng chẳng dám băng mình xông pha cửa ải ngọn đèo? Những lúc cần sống cần hăng hái để sống, một người con gái cũng còn đủ can đảm vượt nghềnh xuống thác, huống hồ là lũ nam nhi!
Mà cũng bởi có hai kẻ "liễu yếu đào tơ" dám len lỏi vào chốn ma thiêng nước độc, hổ dữ dội, cướp hung tàn này, nên mới có câu chuyện ngày hôm nay, một chuyện rùng rợn ghê người, nghe phải lạnh mình sởn gáy.
Số là, một buổi về mùa xuân, cách đây chừng sáu mươi năm về trước, quan nguyên Tri phủ Nho Quan, sau khi làm Sơn Hưng Tuyên tổng đốc, được ba năm thì cáo bệnh về dưỡng lão ở hạt đó, nhân được chiếu chỉ nhà vua phong cho làm Ðông Cái đại học sĩ, lại vừa đẻ được một công tử đầu lòng, thiết một lễ ăn mừng rất long trọng trong năm ngày; có tiệc, có đàn, có cô đầu mời rượu, bắt bài bông, nhảy múa và hát ca, lại có cả phường tuồng và phường chèo thiện nghệ lần lượt diễn các tiết mục hay nhất ròng rã suốt năm đêm ngày. Bởi thế, các giáo phường ở mọi vùng lân cận phủ Nho, đều rủ nhau tới phủ đường xin hát.
Tiếng đồn dinh quan Thượng Nho Quan (đó là tên mà dân gian đặt ra để gọi cụ Ðông Các) có đãi tiệc chạy mãi vào Thanh Hóa; các thiếp mời gửi từ hai ba tháng trước, tất cả các quan xứ Bắc và các quan phủ huyện ở lân cận tỉnh Ninh Bình mỗi người đều nhận được một tờ hoa tiên màu hồng chói lọi, trên có mấy hàng chữ Lan Ðình đen lay láy, rất mỹ lệ sắc sảo viết bằng một thứ mực hảo hạng, thơm ngát, hình như có lẫn mùi xạ, mùi trầm. Thiếp đó gửi cho quan phủ Quảng Hóa, Hà Trung, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, và cho các quan huyện Tống Sơn, Nga Sơn, Mỹ Hóa, Quảng Tế, Thụy Nguyên, Lôi Dương, Yên Ðịnh v.v...
Quan Thượng Nho Quan là một tay cự phách trong làng nghiên bút, bốn đời ông cha ngài đều được phong tước, đến đời ngài thì đỗ Cử Nhân đệ tam danh trường Nam Ðịnh rồi đỗ tiến sĩ đệ bát danh. Trong hoạn trường, ngài quen thuộc rất nhiều, đối đãi với ai cũng thuần hậu, có tình, nên các bạn đồng liêu đều một lòng kính nể quý mến ngài, coi ngài vào hàng thầy chớ không phải vào hàng bạn. Như thế cũng không lấy gì làm quá đáng: trong đám quan lại thời ấy, một phần đông đã thụ giáo của ngài.
Cũng bởi vậy nên khi được tin báo ngài ngoại ngũ tuần mới sinh công tử đầu lòng, lại được thăng hàm Ðông Các, các thượng quan và các quan phủ huyện khắp xứ Bắc cùng trong hai chấn Thanh - Nghệ gửi đưa đồ lễ đến mừng nhan nhản: từng lớp lính cơ nón sơn, áo nâu nẹp đỏ, khố lục, sà cạp điều, khiêng lễ mễ những cái nịp nặng trĩu trên có phủ nhiễu hồng; lại có đứa đội trên đầu những cái hòm bọc da đen niêm phong cẩn thận, trông chả khác gì một đoàn gia đình nhà trai đem các đồ nạp thái đến nhà gái. Họ đi từng cánh một, đông lắm, cùng chỉ hướng Bắc tiến hành cứ theo dọc con đường thiên lý mà ra khỏi cương giới xứ Trung Kỳ, rồi còn đi, đi nữa.
Nhập với bọn họ, có một ích lợi rất lớn, là đi đường xa khỏi bị những tai nạn cướp bóc - vì họ là lính quan - lại tránh cả được sự bị hổ ăn thịt - vì đông người thì hổ không dám hành hung. Hỏi ra mới rõ bọn họ cùng ra cả Nho Quan, dâng lễ mừng quan Ðông Các. Một người đồn mười, mười người đồn trăm, trăm người lại đồn nghìn, bởi thế mà xa gần khắp xứ Bắc và phía bắc xứ Trung Kỳ, chẳng ai không biết nhà quan Thượng Nho Quan có đại tiệc ăn khao mời khắp mặt quan viên hàng xứ.
Các giáo phường nghe đồn đại đều rủ nhau đi Nho Quan một chuyến, may ra kiếm được ít nhiều, càng hát hay càng hậu thưởng, gặp dịp sẽ có cơ hội phát tài to, đủ sống trong nửa năm không phải vất vả. Các phường đều hội nhau lại, đi nhập bọn với tốp lính quan khiêng lễ vật đông như người trẩy lễ hội đền. Trong hạt Bàn Thạch phủ thọ Xuân tức là nguyên quán của giáo phường, thuở ấy có hai cô đào chính tông hát hay có tiếng, đã được giải đình đám đến mười lần. Hai chị em nhà đó sản nghiệp chẳng có gì, lại mồ côi cha mẹ từ thuở còn ấu trĩ, phải sống nương nhờ vào người anh cả, mà người anh lại góa vợ, cũng nghèo. Anh thì làm kép, gẩy đờn khuôn cho các em theo nhịp, gõ phách, gõ sênh họa theo mà hát, kiếm ăn kể cũng không lấy gì làm sung túc nếu hai đứa em không có chút nhan sắc hơn người.
Cha mẹ ba anh em nhà ấy thuở xưa đều là những tay lỗi lạc, mẹ là một nàng danh kỹ, một đời nổi danh tài tử, cha xuất thân là công tử con nhà thế phiệt, thi ba khoa đều nhượng bản Tôn Sơn, nên ngán nỗi khoa trường lận đận, bực mình bỏ nhà đi ngao du sơn thủy, mà hát hay đến quên cả giai cấp, lấy ca nhi làm vợ, rồi đổi nghề nghiên bút ra nghề đàn dịch, tự làm một tên kép cho vợ hát, sống một cuộc đời túng quẫn nhưng thanh nhàn...
Cuộc sinh hoạt lãng mạn của người cha đã để di tích trên thế gian trong ba đứa con thơ cùng lãng mạn, tài hoa vì truyền thống. Người anh cả, Văn Quản, từ thuở còn nhỏ, đã thích thổi ống tiên, ống địch, khi lớn lên thì chiếm giải quán quân trong nghệ thuật bốn cung đàn đáy, cả vùng chẳng có ai đàn lịch sự và thánh thót não ruột hơn chàng. Quản lấy một người vợ ả đào gần nhà, nhưng người vợ ấy, sau ba năm chăn gối, bỗng thụ bệnh mà thác, không để lại đứa con nào. Quản đành ôm hận sống cô độc giữa hai người em gái; đời tuy có bạn mà cũng vẫn quạnh hiu tẻ lạnh, khiến điệu đàn, những đêm mưa tuôn gió lớn, càng bổng trầm chua xót thế nào!...
Hai người em gái, trái lại, tính khí bao giờ cũng thản nhiên vui vẻ, bởi họ chưa từng bị nỗi thất tình thấm thía như ông anh. Nàng thứ nhất Huyền Cơ, thanh rất trong, âm rất tinh nhưng hơi kém bề diễm lệ; nàng cũng đẹp, song chỉ đẹp một cách dễ coi, xinh xắn - người nhỏ nhắn mà da ngăm ngăm - không lấy gì làm khuynh quốc khuynh thành.
Nàng thứ hai, Oanh Cơ thì là công trình tuyệt mỹ tuyệt xảo của Hóa Công, gồm cả thanh âm lẫn nhan sắc. Ðó là một người đà bà độc nhất vô nhị trong một thời, mà cứ trong khoảng năm sáu trăm năm, mới được gặp một lần trên cõi phàm tục. Con người ấy chả kém gì Tây Thi, Muội Hỉ, Ðắc Kỷ, quý Phi, nàng đẹp, một vẻ đẹp oái ăm, huyền bí, oanh liệt, lại dịu dàng, tựa hồ đấng thiêng liêng đem hết cả bao nhiêu tinh túy của non sông cây cỏ mà chung đúc vào nhan sắc ấy. Tóc nàng là một đám mây thu chan chứa những vẻ êm đềm mơ mộng; mỗi lần làn tóc ấy xõa tung chấm gót, thì rõ ràng là một dải hắc tuyền cuồn cuộn, óng ả, nhẹ nhàng; nét bút họa công khi vẽ đến phải cả quyết, lại ngập ngừng, làm thế nào cho suối tóc nõn nà đen mượt kia cũng phảng phất giống một đám lục vân nặng trĩu những niềm u uẩn, mà phủ lên một hình hài tiên nữ, muôn phần yểu điệu, thanh kỳ...
Nói đến khổ người của mỹ nhân. Tả làm sao cho hết mọi vẻ siêu phàm, xuất chúng? Nội trong các bậc giai nhân trong lịch sử, mỗi người đẹp một vẻ riêng, như Thúy Kiều khác với Thúy Vân, Tây Thi khác Trịnh Ðán, dẫu cùng "mười phân vẹn mười" cả. So sánh nà Oanh Cơ với các giai nhân đó, cũng chưa biết nàng kém xa họ, hay họ phải lu mờ trước vẻ mỹ lệ của nàng. Chỉ biết nàng không béo mập tựa Dương Quý Phi, cũng không ẻo lả, mai cốt cách, liễu dung hình như mấy ả tiểu thư bị nhốt trong cung cấm. Oanh Cơ là một người tầm thước, hơi mảnh khảnh dong dỏng cao, lưng ong, ngực nở, thực là "trúc mọc sân đình". Ông Tạo Hóa đã muốn cho ai đẹp, thì cái đẹp đó gồm đủ muôn vẻ mỹ miều, từ tiếng nói nụ cười cho đến nét đi điệu đứng, không cái gì là không ngộ không tươi. Oanh Cơ là một thiếu nữ có hạnh phúc được Hóa Công ban cho muôn vẻ mỹ miều ấy. Thoạt đến tuổi 15, 16, ai trông thấy nàng cũng phải tấm tắc khen ngợi.
Các con gái thời cổ nhất là con gái thôn quê, yếm sẻ, váy hàm ếch, dây lưng sồi, áo vá vai, khăn mỏ quạ, thì mấy chị trông "sạch nước cản"; mà dù có sạch nước cản, thì nào đâu đã có các màu mè bề ngoài để tăng nhan sắc của mình? Phàm giả đã mặc váy, mặc yếm, quần áo lòa xòa, khăn khố sùm sụp, thì bao nhiêu nét yểu điệu, bao nhiêu đường óng ả, mà trời đã phó cho để gợi tình cảm của bọn đàn ông, chúng nó đều bị giấu kính cả đi, đè nén không cho lộ ra được thế thì lấy gì mà tô điểm trau chuốt cho nhan sắc, một mai, khuynh quốc với khuynh thành? Theo cổ tục, con gái không được để ngực phồng lên mà mang tiếng, phải buộc giải yếm cho chặt, mặc yếm cho sát, làm thế nào cho ngực bằng phẳng, lép kẹp đi thì thôi. Bị tục lệ hủ lậu ấy bó buộc, có được phô trương vẻ lộng lẫy thiên nhiên củ tấm ngực mình đâu mà chăm chút cho nó đẹp?...
Nàng Oanh Cơ là một thiếu nữ đã chịu ẩn mình sau thứ quần áo thô lỗ ấy, vậy cho nên nhan sắc nàng mới gìn giữ được lâu bền. Nếu không, ắt hẳn từ lâu kia, nàng không còn tuyết trong giá sạch nữa! Nàng càng khó lòng giữ gìn trinh bạch, vì nàng là một cô đầu! Cái bộ y phục cổ hủ của nước Nam ta thuở xưa, tuy nó có nhiều điều bất tiện và thiếu mỹ thuật, song nó cũng có chỗ ích lợi. Nhất là Oanh Cơ!
Vẻ đẹp tuyệt diệu của nàng, mãi sau này mới có người nhận biết; còn khi nàng chưa xuất giá, chỉ một mình nàng, Huyền Cơ được rõ mà thô! Huyền Cơ đã say mê sắc đẹp của Oanh, tự ví mình như một nô tỳ mà coi em như một nữ chúa đáng thờ đáng kính...
Không tài nào tạc đúng pho tượng tuyệt mỹ của nàng Oanh Cơ được, người ta chỉ nên dùng sự tưởng tượng vẽ trong không gian và thời gian một thân hình Vệ Nữ Á Ðông, một thứ vệ nữ nhỏ nhắn, xinh xinh, mềm mại dịu dàng, mà cũng nghiêm trang, oanh liệt.
Nhỏ nhắn mềm mại, đó là mấy đức tính của khổ người Oanh Cơ, còn như vẻ lẫm liệt oai nghiêm, chỉ có riêng ở nét mặt giai nhân, nhất là trong đôi mắt. Ðôi mắt ấy trong veo như nước hồ thu những hôm trời quang đãng; đôi đồng tử đen như mảnh huyền không vết, lại sáng ngời như chứa điện ở trong. Con mắt là dăm dài dài như mắt bồ câu; có lúc là đà ngây ngất như mắt chim thư gọi chim hùng, có lúc đăm đăm mơ mộng như hướng về cõi xa xăm, lại có lúc trông sâu sắc bí mật như đượm vẻ lạnh lùng dữ dội. Cũng vì đôi mắt giai nhân, mà nó hiện ra muôn vẻ diễm lệ dịu dàng.
Tất cả tinh thần và nguyện vọng u uẩn của một người đàn bà, chúng nó như nấp ở cả sau con mắt, có lắm khi hiện ra rõ rệt, trông mắt là đoán được người. Dù đẹp tinh thần hay đẹp vật chất, cái đẹp ấy cũng chỉ ở đôi mắt; sở dĩ so sánh các giai nhân, cũng toàn là cân nhắc giá trị của đôi mắt đó mà thôi!
Ðôi mắt sắc sảo, tuyệt mỹ của Oanh Cơ, đã đẹp mà lại còn được cái miệng tươi đỏ của nàng phụ thêm để tăng dung nhan nàng lên mãi mãi. Cái miệng đó có đôi môi son thắm hơi cong lên như một vành cung. Bao giờ nó cũng tươi, cũng đẹp, cũng như đóa hoa hồng hàm tiếu.
Oanh Cơ không những chỉ có sắc đẹp, mà nàng lại có thanh nữa. Nàng hát rất hay, giọng trong trẻo, đầm ấm, khi não ruột lúc lâm ly, dịp khoan dịp nhặt, điệu bổng điệu trầm, thánh thót véo von; giọng nàng thật là một cây đàn muôn điệu mà nàng tựa hồ như làm bá chủ tất cả các âm thanh, muốn sai khiến chúng thế nào cũng được.
Những hôm ngoài trời mưa phùn rả rít, gió bấc vi vu, những hôm mà lòng người tự nhiên cũng thấy bị đè nén nặng nề bực bội, những hôm đó mà được ngồi trong căn nhà cỏ, trước ngọn đèn dầu, cầm chiếc dùi nguyệt quế để gõ vào tiểu cổ, thưởng thức vài khổ hát của nàng Oanh Cơ, thì các thú tao nhã đậm đà của sự thẩm âm rũ sạch lòng mình hết những nổi ưu phiền ô trọc, đưa tâm hồn mình lâng lâng lên cõi thơm tho sáng lạng, tưởng có phải chết sau phút thanh kỳ đó, thực không ân hận tí gì!
Thực vậy, ai đã được hạnh phúc nghe Oanh Cơ và Huyền Cơ hát, nhất là nghe Oanh Cơ thì không bao giờ có thể quên được giọng thanh tao thánh thót ấy. Cái giọng nỉ non âm ỉ, lúc chứa chan tình cảm, lúc man mác buồn... giọng hát ấy trong hơn tiếng trúc, đầm hơn tiếng tơ tinh... Oanh Cơ là một con chim tuyệt quý mà tiếng hót vô song đã làm rực rỡ cả một thời dĩ vãng không tên; nàng là một ca nhi sống trong bóng tối, nhưng tài sắc nàng đã trùm đời, đã khiến đấng Hóa Công tạo ra nàng lại phải ghen với nàng, mà gây ra nỗi thảm họa sau này, tấn bi kịch xảy ra giữa chốn rừng thẳm núi thiêng. Giữa hạt Ðồng Giao độc địa, mà hiện chúng ta đang ở.
Oanh Cơ là kẻ sống sót sau tấn bi kịch ấy. Nàng là một cái mồi ngon mà loài mãnh thú rất thèm thuồng ham muống, chỉ lăm le rình để bắt tha đi. Người đáng quan tâm chú ý nhất trong chuyện này, chính là nàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.