Ăn Bám Chính Xác Mở Ra Phương Thức

Chương 104: Quê hương và nỗi nhớ quê da diết




Âm nhạc hay, tiếng ca tuyệt diệu, những thứ này không chỉ có thính giác được hưởng thụ mà ngay cả tâm tình cũng thế.
Trong phút chốc, mọi người đều không tự chủ được mà cảm giác khung cảnh trước mắt mình như bỗng hóa thành một lữ trình đầy mộng cảnh.
Trên thảo nguyên mênh mông, ánh tà dương ngã về tây, cỏ vàng khô héo trong gió nhẹ nhàng lắc lư.
Một người, một chén rượu, đơn độc cô liêu, ngửa mặt lên trời hát vang một khúc ca.
Người nọ nhất định không quá đẹp trai, mái tóc đen nhánh, râu lún phún, mặt mũi tràn đầy cảm giác tang thương và phong sương, nhưng không hiểu sao anh ta lại sở hữu một cặp mắt rất ôn nhu.
Trông anh ta rất cô đơn, nhưng lại không phải là kiểu người cô độc, anh ta uống từng ngụm rượu lớn, rượu rớt qua khóe môi, vung vãi vào vạt áo. Cứ uống cạn một chén thì anh ta lại rót đầy một chén mới.
Lấy thẩm mỹ lúc bấy giờ mà nói, nam nhân như vậy tuyệt đối không tính là đẹp mắt, hiện tại thịnh hành là nét đẹp thanh tú, da trắng, miệng bôi chút son trung tính, dáng vẻ tiểu thịt tươi xinh xinh, hoặc là kiểu mỹ nam có ngũ quan tinh xảo giống như Thẩm Ngôn vậy.
Nhưng bất kể là niên kỷ lớn nhất như Tống Đan Đan hay tuổi nhỏ như Tống Tổ Nhi thì vào thời khắc này, bọn họ đều cảm thấy nam nhân mang dáng vẻ tang thương cùng cô đơn kia đang toát ra mị lực mười phần, làm cho lòng người không tự chủ được đều muốn nghiêng về phía anh ta.
"Hồng Nhạn trở về phương bắc
Mang theo niệm tưởng của ta
Tiếng ca vang xa, tiếng đàn rung động
Trên thảo nguyên ấm áp gió xuân
Hồng Nhạn hướng về trời xanh
Bầu trời có bao nhiêu xa xôi
Cạn một ly rót một ly
Đêm nay không say không về…"

..
Âm thanh du dương của đàn đầu ngựa cùng tiếng hát da diết của Thẩm Ngôn vẫn còn tiếp tục. Trong cái khung cảnh ban đêm yên tĩnh này, tiếng hát của hắn dễ dàng vang vọng khắp chốn thảo nguyên.
Nhân viên công tác của tổ tiết mục vốn đang ồn ào, bận bịu làm việc, giờ phút này mọi người cũng đều an tĩnh lại, gần như dừng hết công việc trong tay, tất cả cứ lẳng lặng đứng ngốc tại chỗ, cảm thụ tiếng ca khàn khàn đầy tang thương đang vang lên, thất thần ngắm nhìn bóng dáng cô đơn của chàng trai đang hát đằng xa xa.
Hình ảnh "Một mình độc ẩm với trời xanh" ấy không hiểu sao lại khiến lòng người cảm thấy chua xót đến kỳ lạ.
Ban đầu mọi người cứ nghĩ « Hồng Nhạn » là một bài hát ca ngợi thảo nguyên bao la, rộng lớn. Nhưng nghe một hồi, cuối cùng mới phát hiện đây là một bài hát kể về quê hương.
Mà quê hương luôn là một dòng chảy mềm mại nhất, đẹp đẽ nhất trong nội tâm của phần lớn mọi người.
Nỗi nhớ quê chính là thứ dễ dàng khiến người dưng cũng có thể đồng cảm được với bạn trong bất kỳ thời khắc nào.
Khóe mắt Tống Đan Đan đã rưng rưng lệ từ lúc nào không hay, Lôi Gia Âm bình thường nổi tiếng là nam hán tử, hiện giờ cũng nghẹn ngào cúi đầu, mà Nhạc Vân Bằng ngồi cạnh anh ta thì không tự chủ được dựa vào trên người Lôi Gia Âm, ánh mắt có chút thất thần.
Hai cô gái người dân tộc như Đông Lỵ Á và Cổ Lệ Na Trát lại càng khỏi phải bàn, từ lúc Thẩm Ngôn cất tiếng hát, bọn họ đã khó mà kiềm được nước mắt vì nhớ quê nhà.
Lúc còn nhỏ vui vẻ trèo đèo, lội nước, leo cây, vượt hàng rào trốn nhà đi chơi, lén lút hái trộm trái cây nhà hàng xóm, tụ tập chơi bời cùng bạn bè khắp xóm, quây quần bên mâm cơm gia đình, lắng nghe cha mẹ âu yếm kể chuyện, ru ngủ… Tất cả những niềm vui ấy bây giờ chỉ còn là ký ức. Đối với những người đã có tuổi, đấy gọi là quê hương, là nỗi nhớ quê da diết.
Có lẽ hiếm hoi ở đây cũng chỉ có Tống Tổ Nhi mới không bị ảnh hưởng cảm xúc sâu sắc như mọi người xung quanh, lúc này cô nàng vẫn như cũ, hai tay chống dưới cằm, si ngốc ngắm nhìn dáng vẻ xuất thần của Thẩm Ngôn.
Vốn dĩ tuổi tác của Tổng Tổ Nhi hãy còn nhỏ, hơn nữa nàng cũng chưa trải đời nhiều, thế nên khó lòng nào biết tới cảnh thương hải tang điền (1); lại càng chưa từng trải nghiệm cảnh còn người mất; và dĩ nhiên những địa phương, những thói quen, những tập tục của quê hương... đã sớm biến mất, chỉ còn sống ở trong trí nhớ của con người đều là những thứ mà cô nàng chưa từng kinh qua. Thế nên không thể mang nặng cảm giác buồn nhớ tiếc thương như các thành viên xung quanh được.
- ----
(1) Thành ngữ “thương hải tang điền” (滄海桑田) thường được dùng để nói về những thay đổi lớn trong cuộc đời và trong xã hội. Thành ngữ này bắt nguồn từ câu chuyện Tiên Phật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tương truyền, thời Đông Hán có ông Phương Bình, học giỏi tài cao, thi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời gian thi thố với đời, Phương Bình đã bỏ quan đi tu. Sau đó, ông đắc đạo và trở thành Phật. Một lần Phật Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán) cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô nói với Phương Bình rằng: “接侍以来已见,东海三为桑田” [Tiếp thị dĩ lai dĩ kiến, Đông hải tam vi tang điền]; nghĩa là “Từ khi hầu chuyện với ông, tôi đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu”.
Về ý nghĩa, “thương hải tang điền” hoặc “bãi bể nương dâu” đều nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi. Gần nghĩa với “bãi bể nương dâu”, trong tiếng Việt còn có các thành ngữ “sông cạn đá mòn” và “vật đổi sao dời”. Những thành ngữ này đều nói về sự thay đổi lớn lao của cuộc đời, của sự thế, nhưng không có sắc thái ngậm ngùi, nuối tiếc như “bãi bể nương dâu” hay “thương hải tang điền”. Về phạm vi sử dụng, các thành ngữ “vật đổi sao dời”, “sông cạn đá mòn” thường chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, của trời đất trong sự so sánh với cái bất biến của tấm lòng son sắt, chung thủy.
- ---
Chương sau: Muốn Ăn Bám Cũng Đâu Có Dễ

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.