Ăn No Mới Có Sức Yêu Đương

Chương 4.3:




Nấu ăn Đây là lần thứ ba tôi dọn nhà, lần này quyết tâm thuê một phòng trọ thật tốt, tự mua đồ gia dụng, mua thêm nồi áp suất, nồi nấu canh, nồi xào các loại trong nhà bếp, ngay cả mâm bát đũa cũng mua một bộ lớn. Âm thầm thề rằng lần này phải đối xử tốt với bản thân, phải làm cho cuộc sống của mình sinh động hơn.
Thực tế tôi không hay nấu cơm, ở nơi thành phố xa lạ này, chiều nào tan làm tôi toàn mua đồ ăn sẵn bán ở ngoài về, đôi khi nghỉ phép thì gọi giao hàng nhanh bên ngoài chuyển đến, cùng lắm thì nấu mì tôm ăn, dạ dày đang điên cuồng gào thét cần thức ăn bình thường an ủi. Lúc làm việc, nhìn thấy người nhà đồng nghiệp mang cơm hộp ở nhà đến, thịt xào nhỏ, sườn xào xếp từng dãy, gà ninh, trong lòng không phải không hâm mộ.
Dọn dẹp nhà cửa xong xuôi mới bắt đầu làm chút gì đó thưởng cho bản thân. Nhớ lại, đầu tiên là thịt kho mẹ thường làm, miếng thịt hiện lên bóng loáng, béo ngậy mà không mỡ, cộng thêm hầm chung với khoai tây, vừa vặn giết luôn một con sâu thèm ăn. Vì vậy lúc tan ca tôi vội vã đi chợ mua đồ ăn, mua khoai tây với thịt lợn rồi về nhà, dựa theo công thức nấu ăn trên mạng, ước chừng phải nấu hai tiếng mới có thể bưng thịt kho lên bàn ăn. Kết quả rõ ràng là thất bại, thịt thì cứng, khoai tây lại quá mềm, lượng muối cho vào cũng không vừa, mặn cực kì. Tôi cố gắng ăn vài miếng, cuối cùng đành phải đổ nguyên cả xoong thịt vào thùng rác, sau đó xuống lầu mua suất cơm thịt ăn.
Tiếp theo lại muốn ăn món cá kho bình thường mẹ hay làm. Tôi rất thích ăn cá, cá mẹ làm hợp khẩu vị tôi nhất. Làm cá trước, sau đó thêm ớt đã đâm nhuyễn, mới đó thôi mà món ăn đã tỏa ra mùi hương thơm lừng, sau đó cắt cà rốt thành hạt lựu rồi bỏ vào kho chung. Tôi thường xuyên thấy mẹ kho cá kiểu này, trong đầu suy nghĩ, hẳn là không tệ như trước đâu. Lúc cá chín thì nhấc nồi, nước dùng cũng hết sôi sùng sục, da cá bắt đầu đổi màu, nhưng hình như thêm nước hơi nhiều, cuối cùng trong nồi cá thịt một nơi xương một nơi, không giống cá kho tí nào. Nhưng khi ăn thử miếng đầu tiên, mùi vị cũng hơi giông giống, so ngon hơn so với thịt kho lần trước. Không muốn đổ đi, nên ăn với cơm sạch sành sanh. Buổi tối nằm trên sô pha, vỗ vỗ cái bụng căng đầy, khó mà nói nên lời, thật thỏa mãn.
Thế nên, cứ cách hai ba ngày lại làm cơm một lần, nhưng tay nghề thì không dám khoe khoang, cứ không quên bỏ muối thì cũng quên bỏ đường, làm ba lần thì hai lần không ăn được, vẫn luôn nhớ đến mùi vị trước kia khi còn ở nhà, rõ ràng đã hỏi mẹ rồi nhưng trời vẫn phụ lòng người. Cứ như thế qua hết một tháng, sự nhiệt tình nấu cơm bị công việc bận rộn với tay nghề kém cỏi làm cho nguội lạnh dần, những nồi áp suất, nồi nấu canh rồi nồi xào kia cũng bị tống vào lãnh cung, cơm ở tiệm ăn nhanh lần nữa xuất hiện trên bàn ăn, tiếp tục hành hạ dạ dày đáng thương.
Hôm đó mời khách hàng xong, cơm trên bàn ăn bữa đó không hợp khẩu vị, lại còn nhiều dầu mỡ, cộng thêm uống nhiều rượu, về khuya dạ dày bắt đầu đau. Ngày thứ hai dứt khoát không thể ngồi dậy, ói đến hôn mê bất tỉnh. Mơ mơ màng màng nằm trong nhà, trong đầu chỉ muốn ăn cháo trắng mẹ nấu. Mũi cay cay, nước mắt gần như rơi xuống, nắm điện thoại trong tay gọi về nhà.
“Mẹ ơi, con muốn ăn cháo mẹ nấu.”
“Bình thường ở nhà kêu con ăn thì ba lần bốn lượt không thích, sao bây giờ lại muốn ăn?”
“Cháo trắng phải nấu hơi nhừ một chút, nước thêm nhiều hơn khi nấu cơm, gạo ít lại, còn nhớ thêm chút lạp xưởng, bắt nồi lên bếp nấu, cắt mỏng thôi, trộn chút rau cải muối, gọt thêm mấy miếng cà rốt, cuối cùng trộn rau xà lách với dầu hào.”
“Đúng là con nhóc ham ăn.”
Nói mấy câu, vẫn còn chút luyến tiếc cúp điện thoại, cho dù rất muốn ăn, nhưng cứ chần chừ mãi mới bò dậy, uống thuốc, đi xuống lầu mua một chén cháo trứng muối, mặc dù cháo không mềm lắm nhưng vẫn cố ăn để lấp đầy bụng, lên tinh thần cho ngày tiếp theo.
Cách mấy ngày, bỗng nhiên nhận được đồ từ quê gửi lên. Một bọc lớn căng phồng, không biết là cái gì, chỉ cảm thấy nặng nặng. Buổi tối về nhà, mở ra nhìn một cái, thì ra là mẹ gửi đồ ăn lên. Bà tự mình làm lạp sưởn, nhìn một cái là biết, màu đỏ chiếm hết túi, cách một lớp gói bảo quản vẫn có thể ngửi thấy xùi xông khói thật thơm. Có thêm một túi cá đã được làm sạch, có kèm theo tờ giấy dặn dò, chỉ cần rửa lại lần nữa đặt vào nồi bắt lên bếp là có thể ăn rồi. Còn có một chai tiêu, một túi cà rốt, cuối cùng còn có mấy quả trứng vịt mặn, đã được nấu, đặt trong hộp giữ tươi, mười mấy quả nhét đầy cả hộp.
Tôi gọi điện cho mẹ, cố làm bình thản nói: “Mẹ ơi, con nhận được đồ rồi, nhiều như vậy, ăn cả năm cũng không hết.” Mẹ ở đầu bên kia điện thoại cũng bình thản nói: “Từ từ mà ăn, có thể nấu với cháo, tránh cho con heo thèm ăn là con ăn hết.” Bà dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Mẹ không ở cạnh con, gửi con mấy đồ ở nhà, con ăn thì cũng đỡ nhớ chút ít.”
Tôi lặng lẽ cúp điện thoại, vào phòng bếp nấu một ít lạp xưởng, cắt một miếng nóng hổi, mùi thơm lan tỏa khắp căn phòng. Tôi hít một hơi sâu, mùi hương kia làm tôi như say đi, tay run run đưa thức ăn lên miệng. Đúng rồi, chính là mùi vị này, là lạp xưởng với đường phèn và rượu Thiệu Hưng. Miếng thịt lớn được cắt thành hình hạt lựu, được bọc trong ruột heo, đem phơi khô, lại đặt trong một thùng lớn xông khói một ngày, mới có mùi vị ngon đến cực hạn như thế này.
Đến giờ phút này, nước mắt của tôi trào khỏi bờ mi.
Buồn chán thì nấu cơm, vui vẻ thì ăn cơm Khi thái hành tây chúng ta luôn nghĩ đây là một việc rất nhàm chán: biết rõ sẽ chảy nước mắt nhưng vẫn cố cầm dao thái cho đến khi hai mắt đỏ lên, thái hành tây một cách máy móc. Cũng giống việc thái khoai tây, mỗi miếng phải đều và mỏng, mỗi sợi khoai cũng phải đều, đây là một công việc nhàm chán, không thể quá chậm chạp cũng không thể quá khoan thai, chỉ có thể thực hiện một cách bình tĩnh và lặng lẽ. Đôi khi muốn ninh một nồi nước dùng, sau khi nước sôi thì thả thịt bò nạm vào và đun nhỏ lửa trong hai giờ, lát sau lại xem nước dùng có trong hay không, sau đó rắc hạt bo bo, chờ hạt nở ra rồi thả thêm củ từ đã được thái vuông vức và táo đỏ vào. Vặn to lửa một lần nữa để hương vị của thịt bò ngấm vào củ từ, vị ngọt của táo đỏ và hạt bo bo cũng tỏa ra theo. Rắc một chút muối vào nồi, khi hơi nước bốc lên thì có thể bắc ra, khi đó có thể yên tâm. bưng nồi lên bàn, để bạn có thể buông tay. Phải nấu trong ba giờ cũng sẽ lấy đi sự kiên nhẫn của chúng ta, than thở tại sao không thể nhanh chóng nấu một bữa ăn ngon để tiết kiệm thời gian đọc được nhiều cuốn sách hay, xem được nhiều bộ phim thú vị cũng như làm quen được rất nhiều bạn. Mọi ngóc ngách của căn bếp nhỏ đều quen thuộc đến mức không thể làm quen được nữa, quãng thời gian đợi thức ăn được nấu chín thực sự không mang lại một cảm giác mới mẻ. Do đó, những đầu bếp giỏi đều rất cô đơn, nấu ăn trong cô đơn, chịu được khói bếp, chịu được sự chờ đợi, ấy mới là mĩ vị nhân gian.
Song có lẽ khác với lúc ăn cơm. Ăn cơm là một chuyện rất thú vị, khi những món ngon được bưng lên bàn thì đầu tiên đôi mắt sẽ sáng rực lên, thức ăn tựa cô gái xinh đẹp, món xào gây khó chịu, món hầm dịu dàng, món rau trộn khéo léo, còn món kho lại đầy chín chắn, mỗi cô có một sự tuyệt vời riêng. Ăn phải một món dở nhất vô tình lại trở thành một vướng víu giữa môi và răng, một cảm giác hạnh phúc vỡ òa trong miệng trong thoáng chốc, niềm vui sướng từ đáy lòng đến như vậy đó. Càng đông người ăn càng vui, tiếng đũa chạm vào nhau vang lên liên tục, thịt gà kho mềm dai với tỏi có thể gây ra cuộc tranh giành khốc liệt, mọi người chẳng ai nói ai đã “đánh chén” sạch sẽ. Ngược lại, bản thân ăn ở nhà cũng rất vui, không cần phải ăn mặc gọn gàng, có thể ngồi có thể nằm, làm sao bản thân cảm thấy thoải mái nhất. Cầm điều khiển từ xa chuyển kênh yêu thích của mình hoặc vừa ngồi khoanh chân trên sô-pha từ từ thưởng thức món ăn vừa đọc cuốn sách yêu thích, quả là cảnh tượng thần tiên. Một phút hứng chí muốn ăn bánh canh, nhưng khuấy lại là một chuyện phiền toái. Đun sôi nước, nhào bột mì, khuấy đều liên tục bằng đũa và trộn đều với nước, sau đó đánh trứng gà, thái bí ngô và nhặt bó cải chíp, cuối cùng đừng quên đập nhỏ một ít tỏi. Phi tỏi và tiêu cho thơm, cho lần lượt các thứ mì, bí ngô, cải chíp vào nồi nước dùng đã đun sôi, rắc thêm một ít tôm, sau cùng đổ trứng gà và rắc hành lá xắt nhỏ sau khi đã tắt lửa. Mang theo chút mệt mỏi cuối cùng còn sót lại, bưng nồi ra làm tổ tở sô-pha, rót bia rồi bắt đầu ăn; con mèo trong nhà liên tục dụi đầu vào chân làm tôi nhớ lại hồi bé bà ngoại không muốn nấu bữa tối quá nhiều nên chỉ nấu một nồi bánh canh như thế này, tôi cứ càm ràm đó không phải một bữa tối nghiêm túc, kết quả là bị bà đánh cho một trận tơi bời, cuối cùng vẫn phải ngoan ngoãn ăn. Sau khi đã ăn uống no nê thì thoải mái duỗi chân, nghĩ thầm trong đầu ngày mai sẽ rửa bát lại càng thấy vui vẻ hơn.
Lý do tôi sẵn sàng lặp đi lặp lại cùng món rán món xào trong ngày là vì để có thể tạo cơ hội ăn một bữa cơm nóng hổi với gia đình, với bạn bè. Nấu ăn có thể vô vị nhưng ăn cơm chưa chắc đã vô vị. Đời người còn dài lắm, chỉ mong nếu bản thân có cơ hội được ăn bánh canh giống như trong trí nhớ thì cũng cảm thấy ấm áp và mãn nguyện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.