Ân Oán Quan Trường

Chương 37: Tấm ngân phiếu giả




Trịnh Châu
Hà Nam trên hết là Bố Chính Ty, kế đó có Phủ đến Châu rồi là Huyện.
Trịnh Châu là một Châu trực thuộc tỉnh, Tri Châu thuộc Tống ngũ phẩm, ngang hàng Tri phủ. Trịnh Châu lớn bằng phủ Khai Phong.
Khu vực lớn, châu thành rộng, sự buôn bán phồn thịnh, sự ăn chơi cũng phồn thịnh tương đương.
Trịnh Châu còn là một trục lộ thương mãi quan trọng, kể cả nguồn thủy lộ, vì thế tửu quán, trà đình mọc lên càng ngày càng nhiều hơn, ngân hàng cũng lớn.
Đến Trịnh Châu là muốn gì có nấy chỉ cần phải có tiền.
Có tiền là muốn mua tiên cũng được.
Câu nói đó rất đúng trong nhiều chỗ và nói đến Trịnh Châu càng thấy đúng nhiều hơn.
Trà đình tửu điếm và bên sau của nó. Bên sau của nó là sòng bạc là thanh lâu.
Ở đây, kiếm tiền khó lắm, nhưng muốn tiêu tiền thì dễ lắm.
Vì thế, nhưng kẻ nhàn hạ tung tiền để mua vui, phần đông là những thương buôn giàu có, những ông chủ của hạng cung đình.
Có những người không phải là hào phú địa phương thì cũng là bậc hào phú từ nơi khác đến, những kẻ đó thường thì là nhưng kẻ ra vào nhiều nhất trong mấy ngân hàng.
Họ từ xa đến, họ không mang tiền, họ chỉ mang ngân phiếu, từ ngân phiếu đó, họ lấy tiền ra ở ngân hàng và tiêu từ ngân hàng được trải đều cho mọi giới.
Thông Ký Ngân Hàng.
Đó là một ngân hàng lớn nhứt của Trịnh Châu.
Bây giờ đang đúng Ngọ, từ ngoài vào tận cửa của Thông Ký Ngân Hàng có hai người chậm chậm đi vào.
Một người đại hán lực lưỡng, một người văn nhã trong chiếc áo trắng thư sinh.
Chắc phải là hai chủ tớ.
Hai người đi thẳng vào quày tiền.
Bây giờ là giờ cơm, chỉ có một tên tiểu nhị giữ quầy tiền.
Vừa thấy hai người khách bước vào là tên tiểu nhị đã nhắm đúng "mục tiêu". Hắn đã biết phải tiếp ai rồi.
Những người suốt năm suốt tháng chỉ lo chuyện đếm tiền, họ nhìn tiền đã hay mà nhìn kẻ có tiền cũng giỏi lắm.
Tên tiểu nhị nhìn người áo trắng và toét miệng cười :
- Khách quan cần chi xin dạy bảo?
Đúng là người "chẳng biết điều", người áo trắng đã không đón tiếp sự nồng hậu đó, hắn lại chỉ sang gã đại hán áo đen :
- Không, tiếp vị kia, tôi chưa gấp.
Không còn cách nào hơn, tên tiểu nhị đành phải quay sang gã đại hán áo đen.
Thật là lạ, cũng y con người đó nhưng bộ mặt tươi cười của hắn tắt thật nhanh, khi hắn đến trước mặt gã áo đen, mặt hắn nặng trầm trầm :
- Cái gì?
Gã đại hán "đáp lễ" ngay, hắn đập mạnh lên mặt bàn :
- Con mắt chó thì luôn thấp, cái này.
Hắn dằn tay lên mặt quày hàng một tấm ngân phiếu.
Là kẻ hàng ngày sống với đồng tiền vô ra như nước, tự nhiên là dễ dàng dính lại kẻ tay chút không khó lắm, nếu tỏ ra biết điều, chính vì thế nên hạng tiểu nhị ở kho bạc thường thường rất biết cái nào nuốt được cái nào nuốt không nổi, tùy theo đó mà có thái độ "thích nghi".
Tiếng mắng của người khách không lọt vào tai hắn, hình như loạt tiếng nói đó chỉ phớt qua màng tai rồi lắc đầu chạy luôn, nên hắn cầm tấm ngân phiếu lên rồi để xuống thản nhiên :
- Xin lỗi, tấm ngân phiếu này không thể lấy tiền được vì đã bôi sửa.
Chuyện thật quá rõ ràng, tấm ngân phiếu đề rõ năm mươi lạng, thế nhưng dưới hàng chữ sẵn có đó lại thêm một chữ "năm", chữ thêm này tuồng chữ hoàn toàn khác biệt không cần phải nghiên cứu so đo, chỉ nhìn qua là biết ngay chữ được "thêm".
Gã đại hán hỏi :
- Ai sửa?
Tên tiểu nhị đáp :
- Hỏi anh chớ sao lại hỏi tôi.
Gã đại hán thộp ngực tên tiểu nhị :
- Mẹ họ ai sửa? Lúc ta tiếp nhận ngân phiếu này thì nó như vậy đó, bây giờ muốn trận thượng hả? Mẹ, ta đập nát cái ngân hàng chuyên ăn thịt uống máu người này của chúng bây cho coi.
Tên tiểu nhị khiếp quá, mặt xanh như tàu lá, hai tay hắn ôm lấy cổ tay tên đại hán vẫn còn nắm chặt ngực áo hắn vì rung bần bật :
- Anh... Anh làm cái gì vậy? Làm cái gì vậy?
Nói gì thì nói, hai bàn tay của tên tiểu nhị cũng vẫn y như thằn lằn ôm cột đá đối với cánh tay của gã đại hán nói không được mà giựt cũng không ra, hắn lớ quớ như con gà chết nước.
Người nho sinh áo trắng bây giờ mới dừng hắn :
- Vị khách nhơn, có gì thì nói chứ nắm ngực người ta làm chi?
Tên đại hán nhìn tên tiểu nhị :
- Xin công tử đến xử giùm một tiếng, tấm ngân phiếu này lúc tôi nhận được đã là như thế này rồi, vậy mà hắn cứ nói là không chịu đổi...
Người nho sinh áo trắng nói :
- Tấm ngân phiếu này các hạ có được từ đâu?
Gã đại hán đáp :
- Ăn được trong một sòng bạc đó, lúc tên chết dầm đó trao cho tôi thì nó như thế ấy chứ tôi có sửa mẹ gì.
Người nho sinh áo trắng cười :
- Các hạ ăn bạc ở đâu? Người thua ấy là người như thế nào?
Gã đại hán đáp :
- Tại hạ Lục Dương, cái tên tiểu tử bị thua này tôi không có quen, cũng không biết tên tuổi gì cả, không biết hắn từ trong cái tổ nào chui ra cả. Công tử nghĩ coi cờ bạc mà, chỉ cần biết tiền chứ đâu có ai cần biết người làm coi cho mệt.
Người nho sinh áo trắng cười :
- Thật thì cũng phải, bây giờ tôi có một cách này không biết các hạ có đồng ý hay không. Như thế này nghe, cứ hỏi lại ngân hàng xem tấm ngân phiếu này của ai sau đó hỏi lại thêm cái chữ "năm" này là cái thêm hay là nó như thế. Nếu nó là như thế thì ngân hàng phải trả tiền cho đệ. Nhưng nếu có người thêm vô thì ngân hàng chỉ trả lại cho các hạ cái số đúng của nó, nghĩa là năm mươi lượng chẵn, như vậy không ai thiệt thòi được không?
Gã đại hán chớp chớp mắt :
- Công tử vốn là người đọc sách biết nhiều hiểu rộng, công tử đã nói thế thì tôi còn biết nói làm sao, chỉ có điều lỡ họ giựt nuốt mất tấm ngân phiếu của tôi rồi thì làm sao?
Người nho sinh áo trắng lắc đầu :
- Không đâu, Trịnh Châu là chỗ có vương pháp hẳn hòi với lại số năm mươi lượng đối với ngân hàng không có nghĩa lý gì đâu. Nhưng nếu vạn nhất có ai giựt của các hạ, thì tôi bảo đảm bồi thường cho.
Gã đại hán coi bộ quá mức bằng lòng, hắn nói :
- Như thế thì tốt quá vậy.
Người thư sinh áo trắng cười cười đưa tay ngoắc tên tiểu nhị :
- Ra đây, mời ra đây đi.
Tên tiểu nhị do dự, hắn có phần quá ngán gã đại hán đứng ngoài mà đôi mắt vẫn hầm hừ...
Người nho sinh áo trắng nhướng mắt :
- Những lời tôi nói vừa rồi anh không có nghe thấy hay sao.
Tên tiểu nhị gật đầu :
- Nghe, nghe rồi chứ.
Người nho sinh áo trắng cầm tấm ngân phiếu trên mặt quầy hàng và nói :
- Anh có biết tấm ngân phiếu này của ai không?
Tên tiểu nhị lắc đầu :
- Tôi không biết, cái đó phải hỏi quản lý.
Gã đại hán nói :
- Dễ quá, quản lý của ngươi chết xó ở đâu? Gọi hắn ra đây.
Hắn chưa dứt lời từ bàn sau ló ra một lão cao cao, có bộ râu dê dưới cằm, tay hãy còn chùi miệng lia lịa, có lẽ lão vừa mới buông đũa.
Tên tiểu nhị lật đật đón nói :
- Tam gia có người tìm...
Lão quản lý nhướng mắt "Ai?"
Nhưng vừa nhận ra có khách hàng bên ngoài, lão vội bước nhanh ra và hỏi :
- Nhị vị có chuyện chi?
Gã đại hán hầm hầm :
- Chuyện gì? Đập nát cái ngân hàng này chớ chuyện gì?
Lão ló đầu ra và mới hỏi một câu là đã bị thồn vào họng lão chu chu cái mỏ nhưng vẫn chưa biết làm sao.
Người nho sinh áo trắng nói :
- Quản lý, câu chuyện như thế này.
Hắn kể lại chuyện hắn vừa chứng kiến và cuối cùng là thêm ý kiến của hắn như để nói với gã đại hán vừa hỏi.
Lão quản lý im lặng lắng nghe, đôi mắt nghi ngờ của lão ném liên hồi về phía tên đại hán cuối cùng, lão móc cặp kính lão ra gắn lên mắt nhìn chằm chằm vào tám ngân phiếu.
- Cũng không cần xem kỹ, tôi làm cái nghề này đã mấy mươi năm rồi, nhìn qua là biết ngay cái chữ "năm" sau cùng này là có người mới thêm vào.
Gã đại hán đập mạnh tay lên quầy tiền, cái bàn toán trên mặt quầy văng tưng lên, hắn chụp luôn lấy cái bàn toán chồm tói xán vào đầu tên quản lý.
Người nho sinh áo trắng lật đật đưa tay cản lại và cười nói với tên quản lý :
- Quản lý biết chắc tấm ngân phiếu này là do người chủ của nó thêm vào một chữ đó chớ?
Lão quản lý gật liền :
- Chớ sao, mấy mươi năm trong nghề rồi mà qua mắt tôi sao được? Rõ ràng quá mà, nét chữ khác xa!
Người nho sinh áo trắng trầm ngâm :
- Không chừng người nhà của họ thêm vào...
Lão quản lý quả quyết :
- Không bao giờ, nếu chủ của nó hoặc người nhà của chủ nó có muốn thêm thì tự nhiên phải có ghi chú, chớ không khi nào lại thêm ngang như thế đó đâu.
Người nho sinh áo trắng hỏi :
- Quản lý không thể sai người mang đi hỏi lại chủ của nó sao?
Tên quản lý lắc đầu :
- Không cần phải hỏi, tấm ngân phiếu này có chủ ở vùng này mà. Đâu phải xa lạ gì mà làm cái chuyện thất công vô ích đó.
Nói xong là lão lôi kính xuống, quăng tấm ngân phiếu lên mặt bàn rồi quay vào trong.
Người nho sinh áo trắng gọi :
- Quản lý, cái chữ số sau cùng có thể là thêm vô, nhưng năm mươi lượng kia là đúng thì đáng lý...
Lão quản lý trừng trừng đôi mắt :
- Ngân phiếu mà thêm bớt sửa đổi thì trở thành vô hiệu, tự thêm sửa là đã phạm pháp rồi, ta không gọi quan là dễ dãi rồi đó.
Người nho sinh áo trắng mỉm cười :
- Nếu thế thì chuyện này tôi không xen vào nữa.
Gã đại hán trợn mắt thét lớn :
- Khoan, quản lý, bây giờ tiền của ta bây giờ phải đòi ai?
Lão quản lý hất mặt :
- Ai trao cho anh thì anh đi kiếm họ chớ hỏi ai?
Lão bỏ đi vào trong một nước.
Lão quản lý nói không sai, nhưng sai ở chỗ là lão nói không đúng chỗ, nói rõ hơn là lão nói không đúng với đối tượng.
Gã đại hán chống hai tay lên mặt quầy nhảy phốc vào trong hắn móc ngọn chủy thủ trong lưng ra chĩa thẳng vào người tên quản lý :
- Nói một câu, có đổi tiền cho ta hay không?
Đôi mắt lão quản lý chỉ quen nhìn bạc chứ không quen nhìn "thép" cho nên vừa thấy ngọn chủy thủ là lão chuồn ngay, nhưng lão làm sao nhanh hơn gã đại hán, hắn đã túm ngay lão như chụp ngay một con mèo.
Lão quản lý la lớn :
- Cái gì... làm gì kỳ cục vậy?
Tên tiểu nhị đứng xa hơn nên hắn lùi tuốt vào trong.
Gã đại hán quắt mắt :
- Đứng lại, thằng chết dầm, ngươi mà nhích chân là ta thọc ngươi trước đó.
Tên tiểu nhị há hốc miệng nhưng không kêu ra tiếng và chân hắn cũng dính luôn xuống đất.
Lão quản lý run lẩy bẩy :
- Công tử... xin công tử...
Người nho sinh áo trắng chậm rãi :
- Tôi đã có cách giải quyết hợp tình hợp lý, thế mà quản lý lại không chịu nghe thì tôi biết làm sao?
Lão quản lý lập cập :
- Chịu, chịu, chịu ngay, Đinh Quán hãy mang tấm ngân phiếu sang tây phòng tính cho Vân đại gia.
Gã đại hán hầm hầm :
- Đi ngã trước đây, ta nói đúng lý, nếu ngươi có manh tâm đi báo quan làm trở ngại cho ta thì ta...
Hắn đưa ngọn chủy thủ gí sát vào "hang lươn" của lão quản lý và gằn gằn :
- Ta nói trước kẻo nói ta làm hiểm, báo quan một cái là ta thọc cái này vào đó nghe chưa.
Không biết mũi thép lạnh tới mức nào, nhưng lão quản lý vừa nghe chạm vào da là lão phát rét :
- Đinh Quán, Đinh Quán không cho phép ngươi đi báo quan nghe chưa.
Tên tiểu nhị vâng dạ liên hồi và lùi tuốt ra ngoài.
Gã đại hán hầm hừ :
- Mẹ nó, thằng già chó chết, rượu mời ngươi cứ không chịu uống, nói chuyện phải cứ ngoan ngoãn cố không nghe...
Hắn xô một cái mạnh, lão quản lý lảo đảo thối lui và té ngồi xuống một cái ghế, cũng may là lão chụp kịp thành ghế gượng lai chớ không thì cũng đã nằm luôn dưới gạch.
Gã đại hán dùng ngọn chủy thủ xỉ vào mặt lão :
- Mẹ họ, ngồi im đó nghe, lộn xộn một cái ta cắt gân nhượng của ngươi đó nghe.
Lão quản lý bây giờ thì thật là ngoan ngoãn, bắt lão không động là lão ngồi trơ trơ, nhưng nếu có bảo lão động thì chắc lão cũng không động được, vì tay chân của lão đã cóng cả rồi.
Gã đại hán quay lại cười ngay với người nho sinh áo trắng :
- Công tử, xin công tử nán lại đây làm chứng giùm tôi một chút.
Người nho sinh áo trắng gật đâu :
- Không đâu, chưa đi, tôi cũng không có chuyện gì gấp. Tôi định đem bỏ vào đây một số bạc để kiếm lời, nhưng xem tình hình này thì chắc phải tìm ngân hàng khác chắc hơn.
Lão quản lý vụt đứng phắt lên :
- Công tử ngân hàng của chúng tôi có số lời cao...
Gã đại hán trừng mắt :
- Mẹ họ, nghe đến bạc là cặp mắt sáng rỡ lên, ngồi xuống.
Ngọn chủy thủ trong tay hắn ngóc lên, lão quản lý quay trở lại, lão ngồi xuống mà gần như không dám làm lung lay chiếc ghế.
Một lúc sau, tên tiểu nhị hớt hải chạy vào, mồ hôi tuôn ra ngoài áo :
- Tam gia, không có Vân đại gia ở nhà...
Lão quản lý biến sắc.
Người nho sinh áo trắng hỏi :
- Tại sao ngươi biết người họ Vân không có ở nhà.
Tên tiểu nhị chưa kịp trả lời thì tên đại hán đã quát :
- Có phải ngươi đi chơi một vòng rồi về đây nói láo phải không?
Tên tiểu nhị lập cập :
- Không có, không có... tôi có đi thật, vừa định gõ cửa nhà Vân đại gia thì chợt có người nhà của Vân đại gia bước trở tới nói rằng Vân đại gia không có ở nhà, nghe nói Vân đại gia đên Phong Đô nào đó cả ngày mới trở về.
Người nho sinh áo trắng nhìn gã đại hán :
- Đã thế thôi thì hai ngày sau các hạ trở lại, vả lại ông quản lý đây cũng đã bằng lòng hỏi lại chủ của tấm ngân phiếu tưởng không có gì phản trắc đâu.
Gã đại hán giắt ngọn chủy thủ vào lưng, giọng hắn vẫn hầm hầm :
- Hôm nay vì có tiếng nói của công tử đây, ta tạm cho các ngươi được thong dong vài ngày nữa đó.
Hắn chống tay lên quày nhảy phóc ra ngoài giựt luôn tấm ngân phiếu trên tay của tên tiểu nhị và quay lại cúi mình vòng tay trước mặt người nho sính áo trắng rồi quay thẳng ra ngoài cửa.
Người nho sinh áo trắng quay lại nói với tên quản lý :
- Ông quản lý nè, tôi thật tình khuyên ông một câu, từ đây về sau, bất cứ người nào thái độ của ông cũng nên mềm mỏng hơn chút nữa nghe.
Nói xong, hắn chắp tay sau đít thong thả đi ra, cũng không thèm nói chuyện gởi tiền.
Lão quản lý đứng thộn người, trong óc như một núi chỉ rối, tự nhiên là lão bàng hoàng lo sợ, nhưng cái làm cho lão bị đứt ruột là người nho sinh áo trắng không chịu gởi tiền. Lão biết coi người lắm, nếu người nho sinh áo trắng mà chịu gởi, thì đó là một số lợi đối với lão không phải nhỏ...
° ° °
Ra khỏi cửa Thông Ký Ngân Hàng, người nho sinh áo trắng rẽ xuống hướng đông.
Quẹo thêm một ngả rẽ nữa, bên góc tường trở ra ba người: Hải Minh, Nhạc Tấn, Xa Lôi.
Vừa bước ra là Hải Minh đã toét miệng cười :
- Thiếu chủ, màn vừa rồi thiếu chủ thấy sao? Hải Minh có đường thành kép chánh rồi đó.
Tề Ngọc Phi cười cười :
- Một vở kịch cũng cần có nhiều vai, một vai có diễn hay cách mấy cũng đâu có thành vở kịch.
Đám Hải Minh cũng cười, mặt họ đầy vẻ thắng cuộc.
Tề Ngọc Phi quay lại hỏi Nhạc Tấn :
- Được mối chưa?
Nhạc Tấn đáp :
- Được chớ theo sát đuôi hắn mà không được là sao. Hắn vừa gõ cửa là thuộc hạ y theo lời thiếu chủ dặn, tới bảo vị Vân đại gia đã tới Phong Đô, không biết hai tên tiểu nhị đó có điều gì không?
Hải Minh biểu môi :
- Cái thằng chó đó mà biết cái con mẹ gì.
Tề Ngọc Phi hỏi :
- Khang Anh đâu?
Nhạc Tấn đáp :
- Hắn đang giữ cửa.
Tề Ngọc Phi vẩy tay :
- Đi ngay!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.