Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 14: Bồ tát vô ngại




Bồ Tát Vô Ngại --
Bảo-Hoà ngổ ngáo nói vậy, nàng những tưởng rằng nhà sư sẽ giận lắm. Không ngờ nàng thấy nhà sư rùng mình, rồi quay đi, không dám nhìn nàng nữa. Đến đó thầy trò Địch Thanh vào quán, gọi mấy món ăn. Địch Thanh thấy anh em Bảo-Hoà, y tiến lên chỉ vào mặt:
- Con nha đầu kia! Mi theo chọc phá ta hơn tháng qua. Tưởng mi trốn đâu, không ngờ hôm nay ta bắt được mi ở đây.
Địch Thanh dơ tay chụp Thiệu-Thái, kình lực tay y phát ra mạnh vô cùng. Y nhắc bổng Thiệu-Thái lên. Tay kia chụp Bảo-Hoà. Nhà sư lạng mình đứng trước nàng, quát lên:
- Ngừng tay!
Địch Thanh cười nhạt, vung tay tát nhà sư một cái. Nhà sư không đỡ, né đầu tránh khỏi. Tay phải nhà sư chĩa ngón chỏ ra. Véo một tiếng, vai Địch Thanh đau nhói. Y phải buông Thiệu-Thái ra.
Đông-Sơn lão nhân kêu lên:
- Tiểu sư phụ! Phải chăng vừa rồi tiểu sư phụ xử dụng Lĩnh-nam chỉ, đã thất truyền.
Nhà sư chắp tay đáp lễ:
- Lão nhân thực tinh mắt. Tiểu tăng mới luyện được có ba thành.
Địch Thanh định tấn công nhà sư, nhưng y chợt nhớ nhiệm vụ của mình, không được hiển lộ thân thế. Vì vậy y chỉ vào mặt Bảo-Hoà:
- Nể mặt tiểu sư phụ, ta tha cho anh em mi lần này.
Nói rồi hai thầy trò mua mấy tấm bánh chưng, rồi ra đi. Bấy giờ anh em Thiệu-Thái mới tạ lỗi với nhà sư. Hai bên tuổi còn trẻ, họ trao đổi với nhau nhiều về nhiệm vụ. Nhà sư cho biết, ông tuân lệnh sư phụ âm thầm theo giúp anh em Thiệu-Thái thu thập tin tức về bọn gian tế Tống.
Thế là hai bên cùng kết thành bạn. Họ âm thầm theo dõi thầy trõ Địch Thanh. Nhà sư tuyệt đối chiều Bảo-Hoà. Nàng muốn nhà y ăn trộm bánh của thầy trò Địch Thanh, cho nàng móc nhân ăn, rồi bỏ chuột chết vào. Nhà sư làm theo ngay. Nàng muốn nhà sư đem vàng Đại-Việt, đổi vàng Đại-tống trong túi hành trang thầy trò Địch Thanh, nhà sư cũng cố thực hiện cho được.
Tịnh-Huyền nghe xong, bà suy nghĩ, hỏi Thanh-Mai:
- Thanh-Mai, nhà sư đó thuộc phái Đông-a chăng?
Thanh-Mai lắc đầu:
- Nhà sư nhảy ra cứu Bảo-Hoà bằng thân pháp Đông-a. Y chụp nàng nhảy lên bằng thân pháp Mê-linh. Hai chiêu quyền đánh Địch Thanh thuộc bộ Thiên-vương chưởng của phái Sài-sơn. Khó có thể quyết định ông ta thuộc môn phái nào.
Công chúa Bảo-Hoà hỏi Đinh Ngô-Thương:
- Đinh tiết độ sứ. Tôi có một thắc mắc: trong khi Hồng-hương thiếu niên bao vây bọn Địch Thanh hùng hùng, hổ hổ. Bỗng nhiên bọn chúng đọc lên một tràng quái gở, lập tức đám Hồng-hương thiếu niên cúi đầu tạ tội. Tại sao vậy?
Đinh Ngô-Thương bứt rứt:
- Thần cũng không rõ. Xin điện hạ để thần điều tra, rồi phúc bẩm sau.
Đinh Ngô-Thương đặt tiệc trong dinh mời mọi người ăn. Sau bữa tiệc, Tạ Sơn đứng lên hỏi:
- Đinh tiết-độ-sứ, tiểu tướng muốm gặp một số người trong trấn có việc cơ mật. Mong tiết-độ-sứ giúp cho.
Theo chức quan triều Lý, thì tiết-độ-sứ cao hơn điện-tiền chỉ-huy-sứ nhiều. Song tiết-độ-sứ là chức quan trấn nhậm ở xa. Còn điện-tiền chỉ huy sứ là chức quan tín cẩn vừa chỉ huy lực lượng bảo vệ nhà vua, vừa trông coi hệ thống tình báo quốc gia. Nên các quan lớn nhỏ đều kiêng nể. Nghe Tạ Sơn hỏi, Ngô-Thương tỏ ý lo lắng:
- Chỉ-huy sứ cần gặp những ai?
- Tôi muốn gặp em ruột của tuyên-vũ-sứ là Đàm An-Hòa cùng viên hiệu úy Vi Bản, chúa ngục Vương Dương, các cai ngục.
Đàm Toái-Trạng gọi tên quân hầu vào truyền lệnh. Một lát bẩy người tới. Đàm An-Hòa vừa trông thấy Tịnh-Huyền, Huệ-Sinh, Nùng-Sơn tử v.v. Y chỉ mặt mọi người nói:
- Thưa Đinh đại nhân, mấy tên này ăn trộm bảo vật của sứ-đòan. Hôm qua tôi bắt giam, không hiểu sao chúng ở đây?
Đinh Ngô-Thương tái mặt, hỏi:
- Bằng vào cớ gì mi dám bảo những vị này là quân trộm cướp?
Mặt Đàm An-Hòa tái nhợt. Y đứng chết trân. Đinh Ngô-Thương khoan khoái trong lòng. Y xuất thân làm quan võ, vào sinh ra tử không biết bao phen. Y lại là bạn thời thơ ấu của đương kim thiên-tử (Lý Thái-tổ). Con gái y được tuyển làm thứ phi của thái-tử Phật-Mã, tước phong Khai-thiên vương. Mai này hoàng đế băng hà, thái-tử lên nối ngôi, con gái y đương nhiên thành hoàng-hậu, mẫu-nghi thiên-hạ. Y được phong tiết-độ-sứ tổng-trấn vùng Cửu-chân. Trong khi đó Đàm Toái-Trạng chỉ là một viên đô-thống. Em gái Trạng được tuyển vào làm quí-phi cho hoàng-đế, dù Trạng chẳng có công gì cũng được bổ làm tuyên-vũ-sứ Thanh-hóa, quyền hành không thua Thương. Hai bên thường xẩy ra xung đột lặt vặt. Nay y thấy em Trạng là An-Hòa, vô phép với công-chúa, thì, y chắc họ Đàm đến ngày tàn.
Y nói với Tạ Sơn:
- Tôi xin trao bẩy tên này cho điện-súy, tùy nghi điều tra.
Tạ Sơn gọi đô-thống Nguyễn Khánh vào:
- Phiền đô-thống đem bẩy người này ra lấy khẩu cung, rồi cho tôi biết rõ ngọn nguồn việc đánh thuốc độc sư thái cùng công-chúa.
Tạ Sơn kể sơ lược mọi biến chuyển trong mấy ngay qua cho Đinh Ngô-Thương nghe. Thương kinh tâm động phách. Y biết rằng dù Tịnh-Huyền có tâm Bồ-tát, dù Huệ-Sinh là cao tăng đắc đạo, luật lệ đương thời tuy có nhiều điều châm chước song anh em họ Đàm khó tránh khỏi bay đầu.
Đợi Nguyễn Khánh giải ba phạm nhân đi rồi, Tạ Sơn kính cẩn nói với công-chúa Bảo-hòa:
- Công-chúa điện-hạ. Khi rời Thăng-long, thần theo Khai-quốc vương đến đây. Bây giờ không rõ Quốc-vương đi đâu. Mọi việc xin công chúa phát lạc.
Công-chúa Bảo-hòa gật đầu:
- Được, tôi xin đảm trách.
Bà nói với mọi người:
- Bọn Triệu Thành, Địch Thanh sang Đại-Việt với năm nhiệm vụ. Thứ nhất tìm di thư thời Lĩnh-nam. Điều này chúng thành công đôi chút là phăng ra đầu mối. Điều thứ nhì là dò xét tình hình trong nước ta. Điều này chúng thành công lớn, vì đã dụ dỗ được một số người Việt, quan lại làm gian tế cho chúng. Tuy nhiên Tạ điện-súy đã nắm được đầu mối. Thứ ba là chúng dụ dỗ các trang, động vùng Bắc Đại-Việt. Điều này chúng khá thành công. Song chúng tôi khắc có biện pháp đối phó. Điều thứ tư là dụ dỗ võ lâm Đại-Việt sang dự cuộc tuyển võ năm tới. Mục đích của chúng muốn anh hùng thiên hạ giết nhau. Còn lại bao nhiêu, trở thành thù hận nhau. Những người trúng cách, sẽ được phong chức tước, cầm quân đánh dẹp các vùng lân bang cho chúng. Như cao thủ Tây-hạ, Đại-lý, Thổ-phồn đánh Đại-Việt. Cao thủ Đại-Việt đánh Liêu. Cao thủ Liêu đánh Tây-hạ, Đại-lý. Điều này tôi trở về kinh tâu phụ hoàng rồi định liệu. Điều thứ năm là dụ dỗ Chiêm-thành, hầu Chiêm sẵn sàng đánh phía sau ta, rồi chúng cất quân đánh phía trước.
Bà quay sang hỏi Tôn Trung-Luận:
- Tôn tiền bối. Người là hậu duệ của anh hùng thời Lĩnh-nam. Qua lời tường thuật của cháu Mỹ-Linh, tôi thấy tiền-bối có tấm lòng son với xã tắc, lại tài kiêm văn võ. Thế mà tiền bối cứ mai một ở thôn dã chẳng đáng tiếc ư? Bình-nam vương Triệu-Thành nhà Tống đã phong chức tước cho tiền bối. Ngụ ý của y tuy thâm hiểm, song cũng là điều đáng cho tôi suy nghĩ. Đản hiện theo em tôi hành quốc-sự. Tôi xin thượng tấu về triều, trọng dụng tiền bối.
Tôn Trung-Luận đáp:
- Công-chúa hiểu cho hoàn cảnh đặc biệt tôi phải giả nhận chức tước của bọn Tống...
Mỹ-Linh đến cạnh Trung-Luận cầm tay ông:
- Bác Luận à. Cháu là bác Luận cháu cũng làm thế. Một là lừa cho bọn cướp đánh nhau, ta đứng ngoài vỗ tay. Hai là tránh bị chúng đánh cho thiệt thân. Cô của cháu có dám trách bác đâu? Bác chịu khó ra gánh vác việc nước, nối chí tiền nhân xưa.
Một là lời nói của Mỹ-Linh trong, ngọt. Hai là thái độ của nàng bình dân, ấm áp. Tôn Trung-Luận cảm động:
- Luận này nguyện tuân lời công-chúa điện hạ.
Công chúa Bảo-hòa nói với đám trẻ Trần Anh, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm:
- Các con còn nhỏ tuổi, sớm hấp thụ đựơc cái tự hào dân tộc. Văn có thể học mà có. Võ có thể tập mà thành. Còn thiên tính hứơng về đại-nghiã dân tộc rất hiếm hoi. Cô sẽ nói với bố mẹ các cháu, đem các cháu về Thăng-long theo học ở trường Quốc-tử-giám. Tiền chi phí nuôi dữơng, cô lo hết.
Trần Anh, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm là những đứa trẻ ham vui, thích đùa nghịch, hiếu động. Chỉ vì may mắn ở gần đền thờ Tương-liệt đại-vương, Lệ-hải Bà-vương, hằng ngày nghe phụ huynh nhắc nhở công nghiệp người xưa, chúng khâm phục, mộng làm những gì đại sự quốc gia, trong khi những đứa cùng tuổi chỉ biết đánh khăng, đánh đáo. Mấy ngày qua, chúng như lạc đừơng vào lịch-sử. Chúng được nhìn, được nghe những gì thấy trong sách vở. Chúng được nói truyện, ăn uống cùng với những vị hoàng-tử, công-chúa. Mà hoàng-tử, công- chúa lại đối xử với chúng trong tình thương yêu hơn cả cha mẹ chúng đối với chúng. Ba đứa đến trước công-chúa Bảo-hòa cùng phò-mã Thân Thừa-Quý qùi gối:
- Chúng con tạ ơn công chúa, và phò-mã..
Nùng-Sơn tử nhắc chúng:
- Phàm hành đại lễ với cha, mẹ, chú, bác, cô, dì thì lạy bốn lạy. Đối với hoàng-đế, hoàng-tử, công-chúa, sư-phụ thì lạy tám lạy. Công-chúa mở rộng lòng từ bi, thương yêu các con, nhận nuôi các con, vậy các con lạy bốn lạy coi như lạy bố mẹ nuôi.
Bốn đứa trẻ lậy đủ bốn lạy. Quận-chúa Thân Bảo-Hòa hỏi mẹ:
- Mạ mạ ơi. Cả ba đứa này đều là em con cả sao?
- Ừ. Nào bây giờ anh chị em nhận nhau đi.
Từ lúc gặp nhau, Mỹ-Linh và Thân Thiệu-Thái cứ quấn quýt bên cạnh nhau, hết truyện nọ sang truyện kia. Hai người là anh em con cô, con cậu, song hoàn cảnh khác nhau. Mỹ-Linh học văn, học võ, mà chưa một chút kinh nghiệm. Còn Thân Thiệu-Thái học võ nhiều hơn học văn. Hàng ngày cùng bố mẹ ruổi ngựa dọc biên thùy dẹp trộm cướp, phòng quân Tống, kinh lịch có thừa. Truyện trò tưởng không bao giờ hết. Thiệu-Thái đang say truyện, nghe mẹ nói vội ngừng lại. Thân Bảo-Hòa nói:
- Này ba đứa, nghe chị nói đây.
Hà Thiện-Lãm cười:
- Dạ em nghe.
- Ở vùng Lạng-châu không kêu thân-mẫu bằng mẹ, mà kêu bằng mạ mạ. Còn bố thì kêu giống như miền xuôi. Trong nhà ta có ba anh em. Lớn nhất là anh Thiệu-Thái. Tốt bụng, bởi vậy bụng lớn gần bằng cái trống. Trong bụng anh có một đàn hổ.
- Hổ???
- Ừa. Người ta nói ăn như hổ. Trong bụng anh ý có đàn hổ. Bởi vậy ăn bao nhiêu cũng không biết no. Tướng anh ụt ịt như con lợn, chúng ta gọi anh bằng lợn.
Bị em gái trêu, Thiệu-Thái dơ tay phẩy một cái làm như tát yêu hụt. Thân Bảo-Hòa tiếp:
- Anh Thiệu-Thái có tật cả ngày không nói một câu. Kế đó là anh Thiệu-Cực. Anh Cực thì miệng như con két, nói cả ngày. Anh Cực trấn thủ Lạng-châu thay bố, mẹ. Anh Cực khôn ngoan, linh lợi, mưu trí. Vì vậy bọn ta gọi anh ấy là cú rừng.
Thuận-Tông kinh ngạc:
- Cú rừng! Cái tên xấu quá.
- Không xấu đâu! Con cú thường cúi đầu ủ rũ. Thế mà trong đầu nó tính toán trăm mưu nghìn kế. À, còn chị, trước chị là con út. Bây giờ có bọn em mất chức út.
Công chúa Bảo-hòa bẹo má Trần Anh:
- Ta cùng phu-quân theo dõi bọn Tống, không ngờ thêm được ba đứa con. Như vậy ta có sáu đứa tất cả. Ngày xưa Quốc-tổ, Quốc-mẫu có những 100 con. Ta cần nuôi thêm 94 đứa nữa.
Bà kính cẩn nói với Tịnh-Huyền:
- Cô mẫu. Thiện-Lãm đã được Nùng đạo trưởng thu làm đệ tử. Thần nhi kính xin cô mẫu mở tâm Bồ-đề thu hai cháu Lê Thuận-Tông, Trần Anh làm đệ tử. Một mai chúng sẽ là rường cột quốc-gia, là sứ giả hoằng dương đạo pháp.
Tịnh-Huyền mỉm cười:
- Duyên phúc biết mấy.
Hai đứa trẻ quì trước Tịnh-Huyền lễ tám lễ, cùng gọi:
- Sư phụ.
Bà xoa đầu hai đứa trẻ:
- Hôm nay sư phụ thu hai con làm đệ tử. Các con trở thành đệ tử ngoại đồ của phái Mê-linh. Tên Mê-linh như các con biết là thủ đô thời Lĩnh-nam. Sau khi vua Bà tuẫn quốc ở Cẩm-khê, các tướng tiếp tục kháng chiến, hoặc ẩn thân vào dân chúng. Những người còn sống sót tiếp tục truyền thụ võ công cho đệ tử. Suốt gần, một nghìn năm, diễn ra trước sau 24 cuộc khởi binh, thì 20 là do con cháu di thần thời Lĩnh-nam. Như các con biết thời Lĩnh-nam có các phái Tản-viên, Sài-sơn, Long-biên, Quế-lâm, Khúc-giang, Hoa-lư, Cửu-chân. Trong gần nghìn năm, các võ phái không ngớt tranh chia rẽ. Võ phái này hại võ phái kia. Trong võ phái thì chi phái này hại chi phái kia. Nói xấu, dèm pha nhau rồi tiến tới chém giết nhau. Đến thời Thập-nhị sứ quân còn tàn hại hơn nữa. Mỗi võ phái theo một sứ quân tàn sát đồng đạo. Vật cùng tất phản, uốn qúa hóa cong. Đến lúc tưởng tan nát hết, thì nảy ra hai thiên tài võ học, đó là thiền-sư Vô-Ngại thuộc phái Tiêu-sơn và Hoa-Minh thần-ni thuộc phái Long-biên. Hai vị này mời các tôn sư võ học tới họp, rồi đưa ra ý kiến chỉ giúp một mình vua Đinh. Vì vậy vua Đinh thắng hết các sứ quân, thống nhất sơn hà.
Thanh-Mai hỏi:
- Sư phụ, con nghe bố con nói rằng thiền-sư Vô-Ngại, trước khi làm chưởng môn phái Tiêu-sơn, ngài tu ở chùa Sơn-tĩnh, thuộc Cửu-chân. Ngài có thu nhiều đệ tử người Trung-quốc phải không?
Tịnh-Huyền đưa mắt nhìn Huệ-Sinh :
- Đại-sư, việc này bần ni không rành cho lắm.
Huệ-Sinh đáp:
- Gần như thế. Đời thứ mười bản phái, có bốn cao tăng đắc đạo. Đó là La Qúi-An, Pháp-Thuận, Ma-ha Kỳ-vực (Mahamaya) và Vô-Ngại. Võ công, Phật-pháp đều siêu đẳng. Tổ Vô-Ngại có sang Trung-quốc thuyết pháp nhiều năm. Trong lúc ẩn cư tại chùa Sơn-tĩnh, một đại thi hào đời Đường là Thẩm Thuyên-Kỳ có tới thăm. Thẩm nghe người thuyết pháp trong mười ngày. Giác ngộ, Thẩm xin qui y. Thẩm được ngài truyền Phật-pháp, chứ Thẩm không học võ công Tiêu-sơn. Thẩm có làm bài thơ tạ ngài nguyên văn như sau:
Thượng-sĩ sinh Thiên-trúc,
Phân thân hóa Nhật-nam.
Nhân trung xuất phiền não,
Sơn hạ tức Già-lam.
Hiện diện hơn mười người, thế mà chỉ riêng quận chúa Thân Bảo-Hòa nghe đọc đọan thơ trên, trong lòng tự nhiên bừng bừng như có ánh sáng chiếu vào. Nàng gật đầu liên tiếp. Lê Thuận-Tông hỏi:
- Chị Bảo-Hòa, bốn câu tên nghĩa là gì vậy? Thơ đã bằng chữ Hán, lại mang ý nghĩa cao-siêu của nhà Phật thì bọn em làm sao hiểu được?
Bảo-Hòa cười đáp:
- Thẩm gọi tổ Vô-Ngại là Thượng-sĩ. Thượng-sĩ cùng nghĩa với Bồ-tát. Ý Thẩm nói Tổ trước đây chính là đức Phật sinh ở Thiên-trúc, nay phân thân giáng thế xuống đất Nhật-nam. Lòng ngài trong sạch. Bao nhiêu phiền não đều biến đi. Dưới núi ngài dựng Già-lam.
Huệ-Sinh đọc tiếp:
Tiểu-gỉan hương vi sát,
Nguy phong thạch tác am.
Đằng ái vân gian bích.
Hoa thê thạch hạ đàm.
Tuyền hành u cung hảo.
Lâm quải dục y kham.
Thân Bảo-Hòa lại giảng:
- Thẩm ca tụng cuộc sống của ngài. Ngài giặt quần áo phơi ở giữa rừng hương, nào là cảnh khe suối thơm, ngài ngồi hóng mát, nào là cảnh am làm bằng đá. Chim rừng được hạnh Bồ-tát của ngài truyền cho cũng biết tập thiền định. Vượn đứng nghe giảng kinh. Xung quanh ngài, vách đá dây mây cuốn, hoa trên mặt đầm xếp lớp lên như thang.
Huệ-Sinh đọc tiếp:
Đệ tử ai vô thức,
Y vương tích vị đàm.
Siêu nhiên hổ khê địch,
Chích thọ hạ hư lam.
Thân Bảo-Hòa giảng:
- Thẩm tự hận rằng mình ngu tối, chưa thông hiểu Phật pháp, ngồi đàm luận cùng sư phụ, đến hổ còn kinh ngạc, nhìn ra khắp nơi khói lam bay mịt mờ.
Thanh-Mai suy nghĩ một lát, nàng hỏi Huê-Sinh:
- Bạch sư bá, đệ tử có một vài thắc mắc về tổ Vô-Ngại và Thẩm Thuyên-Kỳ. Kỳ sinh năm Bính-thìn, tức niên hiệu Hiển-khánh nguyên niên đời Đường Cao-tông (656), chết năm Qúi-sửu niên hiệu Khai-nguyên nguyên niên đời Đường Huyền-tông (713). Trong khi đó tổ Vô-Ngại lại tham gia vào việc thống nhất của vua Đinh, tức cách nay chưa tới trăm năm. Không lẽ tổ sống đến ba trăm tuổi?
Huệ-Sinh gật đầu:
- Cháu thực thông minh. Để bần tăng giảng cho cháu nghe. Chắc cháu có biết về thuật đầu thai, đổi xác trong nhà Phật chứ?
- Dạ cháu có nghe. Truyện này bên xứ Tây-tạng. Đức Quan-thế-âm phân thân đầu thai vào một vị cao tăng, cai trị xứ này. Khi về gìa, thấy xác mình sắp mục, ngài nằm nhập thiền, rồi thình lình xuất hồn bay về một hướng nào đó, Nơi ấy ngài biết sắp có đứa trẻ ra đời. Ngài nhập vào xác đứa ấy. Trong khi ngài xuất hồn bay đi, các đệ tử của ngài tụ lại trên bờ ao trong cung của ngài nhìn xuống nước. Hồn ngài bay đi đâu, bóng in dưới nước. Khi thấy rõ ngài nhập vào xác đứa trẻ rồi, thì lập tức vào điện kiểm lại thân thể ngài, quả nhiên ngài đã viên tịch. Xác ấy được đem đốt đi. Rồi họ kéo nhau tới nhà đứa trẻ sơ sinh, rước đứa trẻ đó về thay ngài làm Đạt-lai Lạt-ma.
Mỹ-Linh hỏi:
- Chị Thanh-Mai à. Thế nhỡ hồn đứa trẻ đó không phải đức Quan-thế âm phân thân thì sao?
- Sau khi đem đứa trẻ về nuôi, đợi nó lớn lên, các đệ tử phải thử thách nó. Như hỏi lại những truyện hồi tiền kiếp ngài sống, xem có đúng không. Như khi ngài sắp tịch, thì ngài làm nhiều bài kệ bí mật bỏ bào một tráp niêm phong kín. Đợi khi đứa trẻ lớn, bắt trả lời về nội dung từng bài kệ một. Nếu tất cả mấy bài đều đúng. Bấy giờ mới cho làm lễ đăng quang. Không lẽ ngài Vô-Ngại cũng là Quan-thế-âm phân thân?
Huệ-Sinh gật đầu:
- Ngài nguyên là Tôn-gỉa A-Nan tái sinh.
Mọi người cùng bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Huệ-Sinh tiếp:
- Ngài giáng sinh vào niên hiệu Canh-tý, niên hiệu Phổ-thông nguyên niên đời Lương Vũ-Đế, bên Trung-nguyên (520). Năm Đinh-tỵ, niên hiệu Khai-hoàng thứ mười bẩy, đời Tùy Văn-Đế (599), khi thấy xác mình sắp mục, ngài gọi đệ tử lại trăn trối rằng Ta thấy giòng giống Việt sắp bị tuyệt diệt. Ta giáng sinh làm tăng, mong mở lại nước. Truyện chưa thành thì xác mục. Sau đây ta bay về phương nam, tìm trẻ sơ sinh, tái nhập thế. Ta để lại năm bài kệ làm tin, gói trong năm bao thư. Các người đợi kiếp sau ta sáu tuổi sẽ có cái mà thử. Nói rồi nhập thiền. Đệ tử y lời, ra suối nhìn bóng hồn ngài bay in xuống mặt nước, thấy rõ hồn ngài nhập vào một trẻ sơ sinh. Hôm sau đệ tử của ngài tới nhà bố mẹ đứa trẻ nói cho biết, xin đem về nhà nuôi. Bố mẹ đứa trẻ đứa trù trừ không tin hỏi con rằng : Nếu phải hồn đại-sư Vô-Ngại thì chớp mắt năm cái . Đứa trẻ không nói được, chớp mắt đủ năm lần. Thế là đứa trẻ được đem về chùa Tiêu-sơn nuôi. Sau sáu năm, đứa trẻ đã lớn. Đệ tử đem từng bao thư, bắt đọc bài kệ bên trong. Đứa trẻ thuộc làu, đọc trơn tru.
Thân Bảo-Hòa hỏi:
- Thế ngài Vô-Ngại mà Thẩm Thuyên-Kỳ được gặp là ngài thứ mấy
- Là Vô-Ngại thứ nhì.
Thân Thiệu-Thái hỏi:
- Bạch thầy, thế ngài Vô-Ngại bị hủy diệt rồi tái nhập xác trước sau mấy lần?
- Tất cả bốn lần. Sau khi xác lần thứ tư mục. Ngài gọi chư đệ tử lại dặn: Kỳ này ta đi luôn. Từ nay nước Việt lại tái lập. Ta không còn phải bận tâm nữa . Sau đó tịch.
Mỹ-Linh gật đầu:
- Thế gian đều có Phật tính. Ai cũng thành Phật được cả. Duy có lời nguyện là quan trọng. Hạnh nguyện của ngài A-Nan với đất Việt quả thực phúc đức vô vàn. Con nghĩ những Bồ-tát như thế nhất định không chịu thành Phật đâu. Không chừng ngài còn tái sinh nữa. Con nghe đời thứ mười một phái Tiêu-Sơn còn hai vị đắc pháp nữa. Con chỉ biết pháp danh một vị là Sùng-Phạm. Còn một vị nữa, con không biết.
Huệ-Sinh chỉ vào bức tranh vẽ một hòa thợng mập ú, cười toe tóet tay cầm tràng hạt treo trên tường:
- Là Bố-Đại hòa thượng.
Tất cả mọi người hiện diện đều bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Mỹ-Linh mở to mắt:
- Là ngài à? Ngài không phải là Di-Lặc bồ-tát à? Hồi ở trong cung, con thờ ngài, ước mong được thấy ngài.
Huệ-Sinh nhìn học trò với con mắt thương cảm:
- Con sẽ được như ý.
Thân Bảo-Hòa chợt nói:
- Phàm các vị Bồ-tát đều có hạnh nguyện cả. Khi các vị thực hành xong lời nguyện, mới chịu thành Phật. Di-Lặc tôn giả đâu phải mới giáng sinh lần đầu ở nước Việt mình?
Huệ-Sinh gật đầu:
- Đúng thế, ngài giáng sinh lần này là lần thứ ba.
Mỹ-Linh suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Sư phụ! Thế lần thứ nhất ngài giáng sinh, vào lúc nào?
- Vào thời Lục-triều, tại nước mình, ở vùng Quảng-đông bây giờ. Cái tên Bố-Đại có từ đó?
Thuận-Tông hỏi:
- Đại sư! Bố-Đại nghĩa là gì vậy?
- Bố là vải, đại là cái túi. Nguyên đi đâu ngài cũng đeo cái túi vải. Ai cúng dàng gì, ngài cũng nhận hết, rồi ngài đem cho bọn trẻ con. Lần thứ nhì ngài giáng sinh ở trấn Nghệ-an bây giờ, bấy giờ gọi là Nhật-nam. Ngài vân du sang Trung-quốc vào đời Đường, thuyết pháp cho chúng sinh. Trong những người nhiều hạnh được gặp ngài có thi sĩ Trương Tịch. Trương Tịch làm bài thơ khen ngợi ngài.
Huệ-Sinh hỏi Thanh-Mai:
- Cháu có biết gì về thi sĩ Trương Tịch không?
Thanh-Mai ngồi ngay ngắn lại:
- Thưa sư bá có. Trương Tịch (767-830) tự là Văn-Xương, người đất Hoà-châu thuộc vùng Ô-giang đời Đường. Đỗ tiến sĩ niên hiệu Trinh-nguyên. Lúc đầu ông dạy học ở Quốc-tử-giám. Sau lên Quốc-tử-giám tư nghiệp. Cuối cùng ông làm đến chức tiết độ sứ. Bài thơ ông làm để ca tụng ngài Bố-Đại như sau:
Độc hướng song phong lão,
Tùng môn bế lưỡng nha,
Phiêu kinh thượng tiêu diệp,
Quải nạp lạc đằng hoa,
Thứu thạch tân khai tỉnh,
Xuyên lâm tự chủng ma.
Thời phùng Nam-hải khách,
Man ngữ vấn thùy gia?
Thuận-Tông hỏi Mỹ-Linh:
- Thơ chữ Hán khó quá. Chị giảng cho em nghe đi.
Mỹ-Linh vuốt tóc sư đệ, rồi nàng dịch:
Ở trên tuyệt đỉnh núi,
Cửa thông hai cánh gài.
Viết kinh trên láø chuối,
Treo áo lạc hoa mây.
Tạc đá đào giếng mới,
Mở rừng trồng cây đay.
Nếu gặp khách Nam-hải,
Tiếng man hỏi nhà ai?
Bảo-Hòa hỏi:
- Lần đầu ngài có tên Bố-Đại, thế lần thứ nhì ngài mang tên gì?
- Lần thứ nhì, ngài vẫn mập, vẫn đeo túi vải, người ta vẫn gọi ngài là Bố-Đại, nhưng ngài có pháp danh là Duy-Giám.
Mỹ-Linh « á » lên một tiếng:
- Sư phụ, con biết rồi, ngài được vua Đường mời sang kinh đô Trung-nguyên thuyết pháp. Lúc trở về, lại một thi sĩ lừng danh thời thịnh Đường là Giả-Đảo làm thơ tiễn ngài. Bài thơ như sau:
Giảng kinh Xuân điện lý,
Hoa nhiễu ngự sàng phi,
Nam-hải kỷ hồi hoá?
Cựu sơn lâm lão qui.
Súc phong hương tốn ấn.
Lộ vũ khánh sinh y.
Không thủy ký như bỉ.
Vãng lai tiêu tức hy.
Thuận-Tông lại đưa mắt nhìn Mỹ-Linh cầu cứu. Mỹ-Linh nhoẻn nụ cười:
- Để chị dịch cho Tông nghe:
Giảng kinh trong cung điện,
Ngự viên hoa Xuân bay.
Tha hương từ mấy độ?
Núi cũ về từ nay.
Mưa rơi trên áo bạc.
Gió thổi hương ấn phai.
Biển không là thế đó,
Xa vắng tin nào hay?
Thiện-Lãm hỏi Thanh-Mai:
- Thế còn thi sỉ Giả-Đảo? Ông là ai?
- Ông người Triệu-châu (Hà-bắc) thủa nhỏ ở vùng Tung-sơn Hà-nam. Ông đỗ tiến sĩ niên hiệu Đại-lịch đời Đường (766-779). Sau khi đó được bổ làm Mật-thư tỉnh hiệu thư lang. Cuối cùng lên tới chức tư-mã Hàng-châu. Ông là một trong mười thi sĩ danh tiếng, được tặng danh hiệu Thập tài tử Đại-lịch .
Bảo-Hòa nhìn sư thái Tịnh-Huyền:
- Thưa thái cô, nước mình tưởng mất, song nhờ các thiền sư mà dựng lại được. Vì vậy, người ta thường nói Thầy tăng mở nước Phật Giáo quả thực đã cứu dân mình.
Tịnh-Huyền liếc nhìn Thân Bảo-Hòa, bà thấy dường như đứa cháu này với bà như đã quen nhau từ nhiều kiếp. Bà nói:
- Phúc đức qúa. Cháu có hạnh Bồ-tát, chỉ nghe qua mà đã hiểu ý người xưa. Bây giờ bần ni xin tiếp. Sau khi vua Đinh thống nhất sơn hà, các tôn sư gặp nhau, thành lập môn phái. Phái Tiêu-sơn, Đông-a mới thành lập, không có gì thay đổi. Phái Sài-sơn, Tản-viên vẫn giữ nguyên. Phái Cửu-chân, Long-biên, Hoa-lư, Khúc-giang, Quế-lâm thống nhất thành phái Mê-linh. Đệ tử Tây-vu của công-chúa Hồ Đề tự thống nhất thành phái Tây-vu.
Lê Thuận-Tông hỏi:
- Bạch sư-phụ, tôn chỉ của phái Mê-linh thế nào?
- Lấy tinh thần Lĩnh-nam làm yếu chỉ: tất cả cho đất nước. Hy-sinh thân mình, hy-sinh gia-đình, môn phái cho đại cuộc dân tộc. Bất cứ thời nào, sau khi hoàn thành sứ mạng, cũng không nhận tưởng thưởng của triều đình. Tổng-đàn của bản phái hiện giờ đặt tại Mê-linh, không xa với tổng đàn phái Tản-viên.
Trần Anh hỏi:
- Bạch sư phụ, hồi nãy sư-phụ dạy rằng thu bọn con làm ngoại đồ. Vậy thế nào là ngoại đồ? Con nghĩ đệ tử là đệ tử chứ sao lại là ngoại đồ. Thế có nội đồ không?
- Con hỏi thực phải. Kể từ khi thành lập, các chưởng môn nhân bản phái đều là tỳ-kheo ni. Vì vậy khi thu đệ tử chúng ta chia làm hai. Nội đồ là những đệ tử được thọ giới tỳ-kheo thành tăng ni. Còn ngoại đồ là đệ tử tục gia. Các con là đệ tử tục gia nên ta gọi là ngoại-đồ.
Lê Thuận-Tông hỏi:
- Sư phụ đã thu bao nhiêu đệ tử rồi?
- Trước các con, ta thu ba nữ đệ tử. Thể lệ bản phái, lấy chữ sau của sư phụ đặt làm chữ đầu cho đệ tử. Sư phụ của ta pháp đanh Duyên-Tịnh, thì pháp danh của ta là Tịnh-Huyền. Ba sư tỷ của các con có pháp danh Huyền-Thanh, Huyền-Lam, Huyền-Ninh.
Lê Thuận-Tông chỉ Thanh-Mai hỏi:
- Chị Thanh-Mai, anh Tự-Mai cũng là đệ tử của sư phụ phải không?
- Không hoàn toàn. Hai người là đệ tử phái Đông-a, nhưng qui y tam bảo với ta. Ta là bản-sư của hai người, chứ không phải sư-phụ. Bản-sư cao qúi hơn sư-phụ nhiều.
Thân Bảo-Hòa xen vào:
- Người học võ chỉ có một sư-phụ mà thôi. Khi muốn học thêm võ với người khác phái, thì phải hỏi sư phụ mình. Sư phụ có đồng ý mới được học. Còn ngược lại trong đạo Phật khi gặp một người đạo pháp cao hơn, mình kính cẩn nghe dạy dỗ, thì người đó thành bản-sư, không cần phải hỏi bản sư mình nữa. Cho nên người Phật-tử có nhiều bản sư. Các em thường niệm Nam vô bản sư Thích-ca Mâu-ni Phật . Ngài cũng là bản sư vậy.
Tịnh-Huyền nhìn Thân Bảo-Hòa mỉm cười.
Lê Thuận-Tông chợt nhớ ra điều gì:
- Mấy hôm nay con thấy nào là bác Trung-Từ, nào là bọn Tống, kể cả sư phụ đều bận tâm về bộ Dụng binh yếu chỉ và bộ Lĩnh-nam vũ kinh. Như vậy võ công thời Lĩnh-nam thất truyền hết rồi hay sao? Không lẽ từ hồi ấy đến giờ võ công không tiến hơn được chút nào cả, mà phải tìm di thư?
Tịnh-Huyền gật đầu:
- Đúng đấy.Võ công thời Lĩnh-nam đã mất đi căn bản. Người sau chỉ nhớ được phân nửa. Rồi từ cái phân nửa đó, sáng chế thêm ra. Nếu bây giờ tìm được toàn bộ võ công Lĩnh-nam mà hợp những gì mới sáng chế ra, thì thực bao la vô cùng. Tóm lại võ công Tản-viên, Sài-sơn, Tây-vu, Mê-linh là võ công có từ xưa. Rồi cách đây năm trăm năm, do Thiền-công nhập vào nước ta, nên có thêm phái Đông-a, và Tiêu-sơn. Tuy vậy người ta tìm kinh sách cũng có, mà tìm kho tàng Tần-Hán, Âu-Việt cũng có.
Bọn trẻ nhao nhao lên:
- Sư phụ! Kho tàng đó nhiều vàng lắm phải không?
Bà đưa mắt nhìn Thanh-Mai. Thanh-Mai nghiêm nghị:
- Các em ngồi im lặng chị kể cho nghe về hai kho tàng này. Bất cứ nước nào, dù Tống, dù Việt, dù Chiêm... ai tìm được kho tàng ấy, coi như nước trở thành giầu có súc tích.
Trần Anh hỏi:
- Kho tàng Tần-Hán chắc của người Tầu, còn kho tàng Âu-Việt hẳn của tộc Việt.
- Đúng thế. Trước hết chị kể về kho tàng Tần-Hán. Khi vua Văn-vương nhà Chu diệt Trụ, phong tám trăm chư hầu. Hàng năm các chư hầu tiến cống châu ngọc, vàng bạc không thiếu gì. Trải tám trăm năm, kho tàng trở thành khổng lồ. Tần diệt nhà Châu chiếm kho tàng đó. Tần đem quân diệt bẩy nước, thống nhất thiên hạ. Bao nhiêu của cải cướp được đem về Hàm-dương. Hán tiến quân vào Hàm-dương cướp kho tàng ấy, sau chôn ở nền điện Vị-ương, gọi là kho tàng Chu-Tần. Đời Hán, đem quân đánh cướp các nước xung quanh, cùng chư hầu tiến cống, thành kho tàng Tây-Hán. Khi Vương-Mãng cướp ngôi nhà Hán. Y gộp hai kho tàng làm một thành kho tàng Tần-Hán, đem chôn ở hồ Động-đình. Khi vua Trưng thành đại nghiệp, sai đào lên mang về Lĩnh-nam. Số bảo vật phải chở trên năm mươi xe mới hết.Thuận-Tông sáng mắt ra:
- Chà lớn quá. Thế kho tàng đó chôn ở đâu?
- Khoan đã. Bây giờ nói về kho tàng Âu-Việt. Quốc tổ phong trăm con, mỗi người trấn nhậm một nơi. Hàng năm các hoàng tử mang châu báu về dâng ngài. Trải tám mươi tám đời vua Hùng, qua mấy ngàn năm, các Lạc-hầu, Lạc-tướng dâng về triều không biết bao châu báu. Kho tàng đời Hùng chất cao như núi. Vua An-dương diệt vua Hùng, chiếm kho tàng ấy. Vua An-dương cai trị tộc Việt, được các Lạc-hầu, Lạc-tướng tiến cống cũng thành kho tàng nữa. Triệu Đà chiếm Âu-lạc, y chập hai kho tàng làm một, đem về để ở Phiên-ngung. Con cháu Triệu Đà bị Hán diệt. Kho tàng lọt vào tay Trường-sa vương nhà Hán, gọi là kho tàng Âu-Việt. Sau kho tàng ấy chuyển chủ, thuộc Trường-sa vương Công-tôn Thiệu. Khi Trưng Nhị giúp Hán đánh Công-tôn Thiệu. Đặng Vũ hứa ai vào thành Bạch-đế đầu tiên, y sẽ cho kho tàng ấy. Thiên-ưng lục tướng bắt sống Công-tôn Thiệu, vào thành đầu tiên. Kho tàng do đó trở về Lĩnh-nam. Trưng Nhị sai Hồ Hác đem về Lĩnh-nam chôn cất.
Ngừng một lúc, Thanh-Mai tiếp:
- Sau khi thành đại nghiệp, vua Trưng sai đào kho tàng Tần-Hán về cất một nơi. Khi công chúa Phùng Vĩnh-Hoa cùng Bắc-bình vương Đào Kỳ chép bộ Lĩnh-nam vũ kinh, cũng chép cả nơi chôn cất hai kho tàng ấy.
Mỹ-Linh đã nghe Khai-quốc vương nói về kho tàng này nhiều lần, chi tiết hơn Thanh-Mai, song đây thuộc cơ mật quốc gia, nàng không dám nói ra. Chỉ thêm vào mấy lời:
- Vì vậy, suồt hơn nghìn năm nay, võ lâm Hoa, Việt thi nhau tìm bộ Lĩnh-nam vũ kinh. Nếu tìm ra, sẽ trở thành giầu có vô cùng, theo đó luyện tập, thành anh hùng vô địch.
Đến đấy một tên tiểu-hiệu vào hành lễ với Đinh Ngô-Thương:
- Khải bẩm đại nhân có Sùng-ban lang-tướng Ngô An-Ngữ cùng phu nhân xin vào tiếp kiến.
Ngô-Thương gật đầu:
- Cho vào.
Một vị tướng tuổi trên ba mươi cùng một thiếu-phụ nhan sắc xinh tươi bước vào. Cả hai đều đeo kiếm. Ngô An-Ngữ hành lễ quân cách với Đinh Ngô-Thương.
- Tiểu tướng nhận được chỉ dụ của Khai-quốc vương đem bản bộ quân mã thuộc quyền vào đóng trên đảo Nghi-sơn thi hành nhiệm vụ đặc biệt. Tiểu tướng trình diện đại-nhân, để xin giúp đỡ chiến thuyền chở quân ra biển.
Đinh Ngô-Thương gật đầu:
- Bản nhân sẽ cung cấp cho tướng quân đầy đủ vào giờ Dần ngày mai tại cảng Bắc.
Chợt thấy trong phòng có Trần Thanh-Mai. Ngô An-Ngữ ngạc nhiên:
- Thanh-Mai, sư muội cũng ở đây sao?
Thanh-Mai kính cẩn:
- Thưa sư huynh, em theo hầu bổn sư dự lễ tế Lệ-hải Bà-vương mới xong. Sư huynh vẫn mạnh chứ ?
Ngô An-Ngữ chỉ thiếu phụ đi cùng:
- Đây là vợ của sư huynh, tên là Hàn Diệu-Chi.
Diệu-Chi thấy Tạ Sơn cũng tỏ vẻ mừng:
- Chú Sơn. Công việc chưa xong ư? Cô ấy cũng đi cùng với anh chị vào đây có cả các cháu nữa, đang ở ngoài xe.
Nàng hướng ra ngoài gọi:
- Thuần-Trúc vào đây. Anh Sơn ở trong này.
Thiếu-phụ tên Ngô Thuần-Trúc lưng đeo kiếm bước vào.
Thuần-Trúc, Diệu-Chi nhìn thấy Tịnh-Huyền. Cả hai quì mọp xuống đất:
- Đệ tử Hàn Diệu-Chi, Ngô Thuần-Trúc tham kiến sư thúc.
Tịnh-Huyền phất tay ra hiệu miễn lễ:
- Các con đi đâu đây?
Nguyên Ngô An-Ngữ là đệ tử phái Đông-a, giữ chức Sùng-ban lang-tướng dưới quyền Khai-quốc vương. Chàng là đệ tử của chưởng môn Trần Tự-An, thân sinh Trần Thanh-Mai. Vì vậy Thanh-Mai thấy chàng vội vấn an, và gọi là sư huynh. Chàng có em gái tên Ngô Thuần-Trúc, cùng bạn là Hàn Diệu-Chi được sư thái Tịnh-Tuệ thu làm đệ tử. Ngô Thuần-Trúc kết hôn với Tạ Sơn. Trúc lại mai mối bạn mình là Hàn Diệu-Chi cho anh. Hai cặp tài tử đều đầu quân dưới trướng Khai-quốc vương ở Trường-yên. Mới đây Khai-quốc vương tiến cử Tạ Sơn lên chức điện-tiền chỉ-huy-sứ, thống lĩnh Ngự-lâm-quân. Còn Ngô An-Ngữ thống lãnh đội quân hộ vệ Khai-quốc vương, kiêm tổng trấn thành Trường-yên. Tạ Sơn đẫn đạo quân Ngự-long theo hộ tống Khai-quốc vương với công-chúa Mỹ-Linh vào Cửu-chân dự lễ tấn phong bà Triệu. Tạ Sơn chưa về, thì Ngô An-Ngữ được lệnh đem đạo quân Quảng-thánh vào trấn trên đảo Nghi-sơn với nhiệm vụ bí mật. Khi đi, Ngữ mang theo vợ cùng hai con tên Tuấn, Hiến theo. Thấy chồng đi lâu chưa về, vợ Tạ Sơn là Ngô-thuần-Trúc cũng dẫn con gái là Tạ Thuần-Khanh theo đi du lịch xem cảnh trí Cửu-chân. Không ngờ đến đây, họ gặp nhau.
Ngô An-Ngữ thấy Lý Mỹ-Linh, vội hành lễ:
- Tiểu tướng xin tham kiến công-chúa điện-hạ.
Lý Mỹ-Linh hỏi:
- Ngô tướng quân. Tôi có đôi thắc mắc, xin tướng quân cho biết tướng quân nhận lệnh trực tiếp từ chú hai tôi, hay qua trung gian người khác? Chú tôi hiện ở đâu?
- Thưa, tiểu tướng không rõ vương-gia ở đâu. Từ hôm vương gia cùng công chúa Nam du đến giờ, tiểu tướng chưa gặp lại người. Còn lệnh thì tiểu tướng nhận từ Khu-mật-viện. Trong lệnh, Khu-mật-viện nói rõ rằng do chỉ dụ của vương-gia.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.