Ánh Nắng Sưởi Ấm Đời Nhau

Chương 1: Gặp người đúng lúc.




Thân hình nhỏ bé, gầy gò của Yến Thư ôm chặt lấy hông trái của một cậu thanh niên trẻ tuổi. Cô bé vừa khóc lóc thảm thiết, vừa giật mạnh tà áo của người đối diện, miệng lặp đi lặp lại lời cầu xin hết sức vô lí.

"Anh!!! Em có thể làm em gái của anh được không ạ, xin anh hãy cứu em thoát khỏi nơi này, em hứa sẽ ngoan ngoãn làm việc nhà, em ăn rất ít, không tốn cơm nhiều đâu ạ, xin anh hãy cứu em với ạ!"

Trương Thịnh không chút động lòng, lạnh nhạt hất tay bé Thư ra. Anh nhìn bóng dáng nhỏ nhắn đang thút thít khóc bằng vẻ mặt tiều tụy, hai hốc mắt thâm quầng thiếu sức sống. Song lại quay sang nhìn tấm bạt đen tạm bợ đang nhô lên đặt bên cạnh. Em gái của anh – Ngọc Thương, cô em gái bé bỏng anh yêu thương hết mức, giờ đây chỉ còn là một cái xác không hồn, đến dung nhan còn chẳng thể nhận dạng được nữa.

Vốn dĩ hôm nay Trương Thịnh đến đây là để chuộc em gái ruột của mình – Ngọc Thương. Anh đã trông ngóng biết bao, hạnh phúc đến nhường nào khi trong tay đã dành dụm đủ số tiền để chuộc lại đứa em gái tội nghiệp bị bán đi không thương tiếc. Anh hận mụ đàn bà mẹ kế, hận luôn người cha vô tâm vô tánh chỉ biết hưởng thụ khoái lạc, rượu chè, cờ bạc. Lý do anh quyết định đi theo cha sau khi gia đình đổ vỡ là vì không muốn đứa em gái phải chịu cảnh sống với người bố bạc tình. Anh chỉ mong mẹ và em được sống bình yên về sau là đã mãn nguyện lắm rồi. Ấy thế mà ông trời lại trêu đùa cuộc đời của anh, nhẫn tâm cướp đi người mẹ ruột thân yêu. Bỏ lại đứa em gái và anh trên quãng đời hiu quạnh này.

Hết cách, Trương Thịnh chỉ còn có thể cắn răng chịu khổ mà đem Ngọc Thương đến sống cùng gia đình hiện tại. Dù mẹ ghẻ đay nghiến đánh đập hai anh em đến như thế nào, chỉ cần họ có nhau là đủ, họ tự hứa sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc cho đối phương trên quãng đường còn lại.

Nhưng rồi trong một lần đi chuyển hàng xuống thành phố, anh phải vắng nhà suốt một tuần liền. Bà ta đã nhân lúc đó đánh thuốc Ngọc Thương, giao cô bé cho bọn buôn người rồi nhận lại một khoản tiền béo bỡ.

Khi về nhà không thấy em đâu, Trương Thịnh như hóa điên, tra hỏi cho bằng được bà mẹ kế xấu xa, và câu trả lời tỉnh bơ ngày hôm ấy của mụ đã khắc sâu vào tâm trí anh: "À! Con nhóc bần hèn đó hả. Tao bán rồi. Đợi nuôi nó lớn thì đến bao giờ nó mới chịu đi làm để cung phụng cho cái nhà này. Mày thì khác, sức trai tráng làm được việc hơn một đứa con nít ranh nhiều. Mà tao nghĩ tao đã làm một việc rất có ích với mày rồi chứ nhỉ? Không có nó, mày đỡ phải chăm sóc thêm một miệng ăn. HA… HA…"

Bà ta vẫn thản nhiên tiếp tục nói: "Một là mày cuỗm cái xác đó về. Hai là đừng hỏi vì sao sau này không lập được mộ để thờ cúng. Đừng để cái thứ đó nằm lăn lốc ở đây ô uế hết nơi kinh doanh của cha mày đấy."

Tiếng nói chua chát của người đàn bà vang lên oang oảng kéo Trương Thịnh về lại thực tại.

Anh giật mình, nhìn xuống cô bé đang ôm hông mình mà khóc lóc ỉ ôi, lại ngước mắt nhìn qua tấm bạt màu đen một lần nữa. Đây không phải là mơ. Hết thật rồi. Em gái của anh đã chết thật rồi!

Yến Thư vẫn xiết chặt tà áo của Trương Thịnh, liên tục khóc van xin nỉ non. Trong tiềm thức của một cô bé tám tuổi khi ấy cho rằng, nếu bây giờ để người thanh niên này rời đi, chắc chắn sẽ chẳng còn ai có thể cứu bản thân ra khỏi chốn địa ngục kia nữa.

Tất cả những bị kịch cô bé Trịnh Yến Thư này đã trải qua, phải kể về cớ sự ngày hôm ấy, ngay sau khi đưa cơm trưa cho người dượng - chồng của dì út...

"À… Thư nè, mày ăn bánh không?"

Dượng út với nét mặt láo liên, cầm trên tay một bọc bánh tiêu mà đung đưa trước mặt bé Thư.

Thấy bánh ngon, cô bé ngốc nghếch mắt sáng rỡ như vớ được vàng, cười toe toét "dạ vâng" rồi chìa tay ra theo phản xạ.

"Ấy khoan!"

Gã dượng út khẽ thu túi bánh về, nụ cười khả ố khi nãy lại một lần nữa nở trên khóe miệng: "Giúp dượng một việc này đi rồi dượng sẽ cho mày hết cả bọc luôn."

"Dạ việc gì ạ?"

Yến Thư vẫn đưa gương mặt ngây ngô của mình nhìn gã đàn ông cao liêu xiêu đang ngồi trước sạp cá.

"Trời nắng nóng quá nên dượng tính vào trong cái chòi đằng sau thay bộ đồ khác cho mát mẻ. Mày vào lều chung với dượng rồi vừa ăn bánh vừa giúp dượng canh xung quanh. Mất công lỡ ai đó đi qua mà bắt gặp thì ngượng chết mày ơi."

Nói rồi gã đưa mắt nhìn xung quanh như đang tìm kiếm một điều gì đó, đang là giờ nghỉ trưa nên chợ cũng vắng vẻ hơn phần nào.

"Dạ dượng út. Chuyện này đối với con dễ như ăn bánh thôi ạ."

Thế rồi hai người tiến vào chiếc chòi cũ kĩ nằm nấp sau sạp cá. Bé Thư đứng phía trước, bắt đầu thoăn thoắt bóc bánh ăn ngon lành. Gã dượng Út ngồi phía sau bắt đầu tiến hành toan tính đê tiện của mình, cởi phăng chiếc áo ám mùi cá tanh rình, sau đó là từ từ kéo khóa quần xuống. Tay lão rung cả lên vì phấn khích.

"Thư này. Mày phải ngồi với dượng thì mới che được cho dượng chứ."

Yến Thư không mảy may nghi ngờ, nhẹ nhàng ngồi xuống đùi dượng Út theo lực kéo tay của gã.

Ngay khi gã vừa chạm nhẹ vào hai bên đùi mềm mại của cô bé thì đúng lúc này, dì út Đẹt từ đâu xuất hiện, bắt gặp đúng lúc bàn tay thô ráp của chồng đang đặt lên đùi đứa cháu.

Vốn dĩ tam quan méo mó của lão chồng đây, Út Đẹt chẳng còn lạ gì nữa. Nhưng ngặt nỗi máu ghen tuông của phụ nữ là điều không thể tránh khỏi, riêng đối với hạng người ưa bạo lực như mụ chằn tinh đây lại càng khó tránh.

Út Đẹt như hóa thú dữ, mụ vồ đến kéo Yến Thư khỏi người chồng. Cô bé ngây ngốc vẫn còn chưa hiểu chuyện gì thì một cú tát vang trời đã giáng xuống gương mặt bầu bĩnh, miếng bánh hẵng còn đang nhai trong miệng cũng vì thế mà phun khỏi miệng.

"Dì…"

"Về nhà liền cho tao. Bữa nay mày tới số rồi, tao cho mày no đòn!"

Út Đẹt đánh mắt sang lão chồng hẵng còn lóng ngóng chỉnh lại quần áo, quát gắt: "Còn ông hôm nay không bán hết số cá này thì đừng hòng về nhà!"

Nói rồi, bà ta lôi xồng xộc Yến Thư ra về, mặc kệ cô bé có khóc lóc hoảng sợ ra sao.

Vừa về đến nhà, dì Út Đẹt đã thô bạo ném bé Thư vào góc sân, lôi ra cây roi mây vừa mảnh vừa dài, cứ thế mà vụt tới tấp vào người cô.

"Chừa này, chừa này! Đã bảo đưa cơm cho dượng rồi về liền để làm việc khác. Thế mà dám rong chơi, ham ăn hơn ham làm. Tao đánh cho mày nhớ. Kẻo sau này lại hư thân mất nết như con gái mẹ của mày nữa. Chừa này!"

"Huhu! Con biết lỗi rồi. Dì tha cho con!"

Tiếng khóc đến xé ruột xé gan của Yến Thư vang vọng khắp làng. Hàng xóm cũng quá quen thuộc với tình cảnh này nên chẳng mấy ai đoái hoài qua can. Đến khi đánh mệt tay, Út Đẹt mới chịu dừng lại.

Dì ta bắt cô bé đứng úp mặt vào tường rồi hả hê vào nhà rót trà uống một cách thư thái. Vừa nãy thua vài ván bài khiến tâm trạng bực tức không thôi, may sao bắt gặp chồng mình định giở trò với bé Thư nên Út Đẹt đã đem tất cả trút giận hết lên người đứa bé gái tội nghiệp.

Lúc này bà hàng xóm kế bên cũng vừa qua đến: "Mày lại bị bả đánh nữa hả? Ê Út Đẹt! Có trong đó không?"

"Gì đấy! Nãy đã chào tạm biệt rồi còn gì?" Út Đẹt khệ nệ bước ngược lại ra sân, thấy bà Tư Hẻo đã xuất hiện từ bao giờ.

"Nhắc lại chuyện ban nãy chi cho tức. Bỏ qua đi. Nè! Bà muốn đi đổi gió không?" Tư Hẻo cười lém lỉnh.

"Đổi gió? Đánh thua vài trận thôi là muốn đổi mạng luôn rồi. Chứ ở đó có gió gì mà đổi."

"Nói gở không. Nãy mẹ chủ xị sòng bài rủ hội chị em mình ngày mai qua Casino chơi. Mẻ bao xe. Đánh hết tiền thì về. Bữa tôi đi xem bói được nghe bảo là mai ngày tốt đấy, biết đâu hốt được bộn tiền đó."

"ĐÙ! Mẹ đó sao hào phóng dữ. Chắc chồng trên thành phố mới gửi tiền về hay gì ta. Mà cũng được đó. Hên lúc nãy tôi dứt sớm nên còn rủng rỉnh lắm. Đi thì đi."

"Được vậy chốt ha. Để tôi qua báo cho mẻ biết."

Nói rồi bà Tư Hẻo chạy vụt đi trong nháy mắt, để lại khoảng sân tĩnh lặng cùng tiếng thút thít của bé Thư.

"Chà! Nghe danh Casino đã lâu. Chưa chi nay có cơ hội thăm thú rồi đây. Lần này đáng để thử lắm."

Rồi như lóe lên một suy nghĩ nào đó, Út Đẹt khẽ quay mặt nhìn sang bóng lưng gầy gò đang rung lên vì đau của Yến Thư, khóe miệng dì ta chợt nở một nụ cười không thể nào xảo quyệt hơn.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.