Anh Sẽ Không Hay Biết

Chương 1:




Tôi tên là Hàn Tĩnh, được sinh ra ở một thị trấn nhỏ ở phía Bắc.
Mối quan hệ giữa bố mẹ tôi rất tệ, họ thường cãi vã hay thậm chí là lao vào đánh nhau, đập phá mọi đồ đạc trong nhà cho đến khi không còn thứ gì có thể đập được nữa.
Khi còn nhỏ, tôi luôn sợ hãi mỗi khi họ cãi nhau, nhưng rồi sau nhiều lần như thế, tôi đã không còn cảm giác gì nữa.
Đó là một ngày rất bình thường, mẹ tôi tát bố tôi một cái, ông ấy liền bỏ đi, từ đó về sau không bao giờ quay lại nữa.
Họ ly dị khi tôi sáu tuổi, tôi không cảm thấy buồn vì chuyện đó, tôi chỉ cảm thấy cuộc sống như ác mộng này cuối cùng cũng đã kết thúc.
Khi nói về quyền nuôi con, bố tôi chỉ nói, “Ai thương con này thì nuôi nó, còn nếu không ai muốn nuôi thì cứ đẩy nó ra đường cho xe cán chết quách đi.”
Kể từ đó tôi sống với mẹ, chúng tôi chuyển đến một căn nhà gỗ hẻo lánh, sống nương tựa lẫn nhau.
Mẹ tôi xin được việc làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, mỗi ngày ngoài việc phải đứng bán hàng, còn phải leo thang cao để khuân vác những cái hộp nặng nề, lòng bàn tay mẹ đầy những vết chai.
Tôi học tại ngôi trường tiểu học số 2 của huyện cách nhà một cây số. Hàng ngày đi học hay về nhà tôi cũng chỉ lủi thủi một mình. Khi mẹ không kịp nấu ăn cho tôi, tôi sẽ tự làm nóng thức ăn thừa hoặc mua một túi mì ăn liền ở cửa hàng nhỏ rồi nấu ăn.
Từ nhỏ tôi đã học hành rất nghiêm túc, thành tích học tập cũng rất tốt, luôn đứng đầu trong mỗi kỳ thi. Mỗi lần mẹ nhìn thấy giấy khen của tôi, bà sẽ rất vui vẻ.
Tôi muốn thoát khỏi cuộc sống tồi tệ như vậy càng sớm càng tốt, và học tập là cách duy nhất tôi có thể làm.
Vì vậy tôi liều mạng học tập chính vì có thể để rời khỏi cái huyện nhỏ này.
Đến năm cấp 2, tôi thi đậu về trường trung học công lập tốt nhất trong huyện – Trường cấp 2 số 6, mẹ tôi cũng trả hết nợ năm đó mà bố nợ.
Từ ngày lên cấp 2, tôi không còn là người đứng đầu lớp nữa, vị trí đó đã trở thành của Trần Mặc.
Động lực học tập mỗi ngày của tôi từ “đạt điểm cao” thành “vượt qua” cậu ta, nhưng dù cho tôi có cố gắng như thế nào thì lúc nào cậu ta cũng hơn tôi mười điểm.
Cậu ta vẫn cứ như thế, bộ dạng vô cùng thoải mái, giống như việc đạt điểm cao này không tốn một xíu sức lực nào, làm cho tất cả nỗ lực của tôi chỉ là việc lấy trứng chọi đá.
Ở cái độ tuổi mà tôn sùng tài năng kia, với một Trần Mặc vừa thông minh lại hoạt bát vô cùng được mọi người yêu thích.
Ngược lại, đối với những người học tập chăm chỉ mỗi ngày như tôi, nhận xét của mọi người lại là "Cô ấy chỉ chăm chỉ chứ không thông minh bằng Trần Mặc”, hoặc là “Cậu xem, cô ấy chả có sở thích nào cả, mỗi ngày chỉ biết học tập, kém xa Trần Mặc.”
Nỗ lực đã trở thành một từ ngữ xúc phạm và những nỗ lực của tôi chẳng là gì trong mắt họ.
Tương tự như vậy, nhận xét của họ không có ý nghĩa gì đối với tôi.
2.
Tôi và Trần Mặc đã trở thành đối tượng so sánh phổ biến của mọi người. Mà thực tế rằng, ngay cả khi chúng tôi học chung một lớp, chúng tôi vẫn chưa từng nói gì với nhau quá ba câu.
Nói một cách chính xác thì, tôi và tất cả mọi người trong lớp hầu như không nói chuyện nhiều.
Dần dà, lời đồn “Hàn Tĩnh lạnh lùng” và “Hàn Tĩnh ỷ vào việc học giỏi mà bơ người khác” từ từ lan truyền trong lớp.
Tôi không làm gì khác ngoài việc quá im lặng cả.
Tôi biết họ ghét tôi không phải vì tôi thật sự đúng là một người đáng ghét, chỉ là ai cũng đều cần một lối thoát cho cảm xúc của mình và cũng cần một người nhận những điều tiêu cực ấy, còn tôi vô tình lại trở thành người đó.
Các cô gái học cấp 2 đều thường thích tạo nhóm nhỏ, lớp tôi cũng có vài nhóm như thế, họ tự động loại trừ tôi và một bạn nữ khác ra.
Họ ghét tôi vì không hợp tính cách còn ghét cô bạn kia vì sau lần sốt cao lúc còn nhỏ đã gây ảnh hưởng đến trí não của cô ấy.
So với cô ấy, tôi còn may mắn hơn chút, bởi vì thành tích là rào cản bảo vệ lớn nhất của tôi, miễn là giáo viên còn thích tôi, họ chỉ có thể chế giễu tôi mà thôi.
Họ sẽ cười nhạo tôi “nhà quê” vì một năm tôi chỉ mang hai đôi giày. Khi giáo viên khen tôi làm tốt, họ nói tôi là “mọt sách”. Hay cả khi tôi không để ý đến những lời đồn đại, họ nói rằng tôi “giả tạo”, chỉ biết nịnh bợ giáo viên.
Tôi cũng chả thèm so đo với họ làm gì, miễn là tôi không bị đánh và họ không xúc phạm đến nhân cách và nhục mạ người thân của tôi thì tôi cũng có thể không quan tâm đến họ.
Bởi vì họ chỉ muốn nhìn thấy tôi thất vọng và bất lực, tôi càng tức giận, họ càng thích thú.
Nhưng với cô gái ấy, nó không đơn giản chỉ là vài câu châm chọc lạnh lùng như vậy. Mọi người luôn nói thẳng “đồ ngốc”, “đầu óc có vấn đề”, cô ấy lại phản ứng chậm chạp, trước những từ ngữ làm tổn thương người khác này, dù tức giận đến đâu thì cũng chỉ đỏ mặt, không nói được lời nào.
Tôi không thể đứng trước đám đông lên tiếng bất bình vì cô ấy, chỉ có thể đưa một tờ khăn giấy mỗi khi cô ấy đi ngang qua trong giờ tự học để lau nước mắt. Sau đó lại tiếp tục chờ đợi những sai lầm tương tự cứ lặp đi lặp lại.
Tôi cố phớt lờ những ác ý của bọn họ, một mực vùi đầu vào sách vở, âm thầm đọ sức cùng Trần Mặc.
Nhanh hơn, nhanh hơn nữa.
Hãy để tôi có thể thoát khỏi nơi này và không bao giờ quay lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.