Sao em lại có thể tính toán kỹ lưỡng đến thế trong mọi lúc? Không phá cái cũ thì không xây được cái mới? Đối với Đằng Tuấn, em cũng thấy vậy à? Hay là lúc nào em cũng lý trí đến mức máu lạnh với tất cả mọi người và mọi việc?
Không bao lâu sau, trong phòng bệnh của viện điều dưỡng, Hướng Viễn và Diệp Bỉnh Lâm đã có cuộc thảo luận bí mật kéo dài đến bốn tiếng đồng hồ nhưng không ai biết nội dung trò chuyện của họ. Một tuần trước khi bước sang năm mới, Giang Nguyên đã nhận được quyết định xử lý cuộc ẩu đả lần đó: người cầm đầu đánh nhau của cả hai bên – Đằng Tuấn và lão Phùng, vì vi phạm nghiêm trọng luật lệ của công ty nên buộc cho thôi việc, những người tham gia "nhiệt tình" vào vụ ẩu đả thì bị phê bình kiểm điểm hoặc phạt trừ tiền lương.
Đối với Đằng Tuấn mà nói, cũng có một số đồng hương thầm bức xúc cho cậu nhưng mọi người hiểu rõ, họa gây ra thì phải có một người giơ đầu chịu đòn, hơn nữa lần này công ty ngoài phạt Đằng Tuấn ra, hoàn toàn không thiên vị những công nhân chính thức như trước kia bởi kể cả lão Phùng ở lỳ trong Giang Nguyên hưởng cuộc sống no đủ cũng bị công ty đuổi việc như Đằng Tuấn. Đối với những công nhân hợp đồng ngoại tỉnh quen chịu lép vế trước công nhân chính thức mà nói thì chuyện này cũng xem như đã nhổ bỏ cái gai cũng thấy thoải mái. Còn về Đằng Tuấn ra mặt hộ người khác, kết quả lại trở thành vật thế thân có oan uổng hay không thì đã không còn là chuyện gì quan trọng nữa, tất nhiên sẽ chẳng còn ai bị dị nghị.
Lão Phùng là người đầu tiên bị cho thôi việc trong đám nguyên lão nên cũng xem như là mở ra một tiền lệ, chuyện này đã làm dấy lên một cơn sóng lớn trong đám công nhân chính thức cùng "giai tầng" với ông ta. Trước đây, họ chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ có ngày bị một tờ công văn lạnh lẽo đuổi ra khỏi công ty một cách tuyệt tình như thế. Song những người có liên quan ở phòng nhân sự đã giải thích rất rõ ràng, công ty làm như thế là hoàn toàn dựa vào luật pháp, có nhân chứng vật chứng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng rất hợp lý. Những công nhân cũ đã quen với sự thảnh thơi, định kê cáo gối ngủ ngon trong vô lo để bám trụ công việc tới ngày cuối cùng ý thức được vị trí của mình kỳ thực không hoàn toàn ổn định như họ hằng tưởng tượng. Mấy năm nay, sở dĩ họ có thể vững như núi không phải do Giang Nguyên không dám động đến họ mà là nhờ Chủ Tịch vẫn niệm tình cũ, không muốn làm gì họ. Nhưng lần này, cuối trang văn kiện, chữ ký rành rành giấy trắng mực đen không phải của Diệp Bỉnh Lâm thì là ai?
Sự bất an và nguy cơ chưa từng có trước đó đã khiến đám công nhân chính thức bắt đầu hoảng loạn. Một số người trong số họ không ngừng kích động lão Phùng đến tìm Diệp Bỉnh Lâm nói cho rõ ràng, nhắc lại tình xưa nghĩa cũ, không chừng Chủ Tịch sẽ thay đổi suy nghĩ. Hoặc nếu không thì nói vài lời mềm mỏng với Hướng Viễn – người phụ trách việc này – rồi tự kiểm điểm mình thì sự việc có lẽ sẽ còn có thể xoay chuyển. Nhưng lão Phùng là người tính khí nóng nảy cương trực, tuy hiểu rằng mình rời khỏi Giang Nguyên sẽ khó tìm được một nơi tốt như vậy nhưng đâu thể mặt dày đi xin xỏ được. Trước mọi người, ông ta đã nghiến răng nói: "Lão đây không tin là không dựa vào cái đám khốn vong ân phụ nghĩa ấy thì không sống nổi."
Lúc làm thủ tục nghỉ việc, lão Phùng lên gặp Diệp Khiên Trạch, anh đối diện với người công nhân tuổi tác đáng tuổi cha mình, có phần không nhẫn tâm nhưng lão Phùng lại chỉ vào mặt anh mắng nhiếc không kiêng kỵ gì: "Lão đây đã hồ đồ mà cậu còn hồ đồ hơn! Mẹ kiếp, cậu chỉ là một con rối bị đàn bà nắm trong tay. Cậu cứ chờ mà xem, mấy năm nữa Giang Nguyên sẽ thuộc về họ Diệp hay họ Hướng!"
Khi mọi người vẫn chưa kịp hoàn hồn sau đợt phong ba này thì một quả bom tấn kinh khủng hơn đã rơi xuống. Một lần tại hội nghị nhân viên quản lý trung tầng trở lên, Diệp Khiên Trạch đã thay mặt cha mình là Diệp Bỉnh Lâm tuyên bố phương án cải cách mới của công ty: tất cả các bộ phận sản xuất đều phải theo hình thức khoán công, xưởng trưởng là người nhận khoán công việc, chỉ cần cung ứng đủ cho công ty đúng định mức bảo đảm, hoàn thành chỉ tiêu sản xuất đã được chỉ định, nếu vượt quá định mức sẽ là phần lời của mình. Công ty cũng chỉ có một yêu cầu đối với người nhận khoán công việc, xưởng sẽ phân rõ từng định mức đến từng cá nhân, cho dù là công nhân chính thức hay lão làng đều bị hủy bỏ lương cố định, tất cả công nhân đều được phát lương theo tình hình hoàn thành định mức của mình, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Tất nhiên, để biểu hiện sự ưu đãi vừa phải với công nhân chính thức, công ty sẽ phát cho họ tiền trợ cấp không nhiều hơn năm trăm tệ mỗi tháng mang tính tượng trưng.
Công ty đã khoán công việc cho từng xưởng thì những xưởng phụ trách tất nhiên sẽ cố hết sức để vượt định mức, do đó định mức đưa xuống từng cá nhân sẽ không thấp, dựa vào khả năng và trình độ hiện nay của các công nhân chính thức thì bọn họ muốn hoàn thành định mức như công nhân hợp đồng thì đúng là đã khó lại càng thêm khó. Đó là một bài toán rất đơn giản, trong lòng mỗi người đều có một bàn tính, lượng công việc hoàn thành ít thì thu nhập sẽ ít, dù có trợ cấp thêm đi nữa, đừng nói là không thể đạt được mức thu nhập cũ mà ngay cả mức thu nhập như một công nhân hợp đồng cũng khó. Hơn nữa, trong phương án này đã nói rất rõ, nếu không làm được có thể chuyển tới vị trí mà mình làm được, càng thoải mái thì thu nhập càng thấp. Tóm lại, Giang Nguyên sẽ giữ lời hứa của Chủ tịch, tuyệt đối không dễ dàng đuổi việc một công nhân chính thức nào, Giang Nguyên mãi mãi giành vị trí cho họ, mãi mãi cho họ cơm ăn áo mặc nhưng ăn no được hay không thì phải dựa vào chính họ.
Như vậy thì những nguyên lão vốn hưởng thụ ưa đãi bấy lâu đời nào chịu tuân theo. Trong một thời gian dài, văn phòng công ty đều có những công nhân chính thức đến oán thán, có người làm ầm ĩ, có người kì kèo mặc cả, có người chửi bới om sòm, đương nhiên cũng có kẻ xuống nước van nài. Thế nhưng, người mà họ trông mong nhiều nhất, luôn đứng về phía họ là Diệp Bỉnh Văn thì giờ phút này lại làm ra vẻ không liên can gì đến mình, nói rằng ông ta cũng không thể giúp được gì rồi phủi mông ra nước ngoài "khảo sát" công việc. Diệp Khiên Trạch tuy kiên nhẫn ngồi nghe họ tố khổ, nhẹ nhàng khuyên nhủ nhưng khi đề cập đến mấu chốt câu chuyện thì cùng đành bất lực bảo đó là quy tắc của công ty. Nếu tìm Hướng Viễn thì càng bị trợ lý của cô ngăn ngoài cửa phòng, cho dù gặp được thì cô cũng chỉ một lời từ chối. Hướng Viễn nói mình chỉ có thể quản lý đến cấp xưởng trưởng, còn về nội bộ xưởng phân công thế nào thì cô không quản lý nổi, có việc gì cứ đi tìm người nhận khoán công việc của xưởng, đó là chuyện nội bộ tập thể của họ.
Đó mới là sự cao minh của Hướng Viễn, dù mọi người đều biết việc đề xuất và thực hiện phương án đó là do một tay cô mà ra nhưng như thế thì họ cũng làm được gì? Người trực tiếp đối diện những khúc mắc đó không phải là cô mà là xưởng trưởng đã nhận khoán công việc. Cũng như những gì cô đã nhắc đến khi thuyết phục Diệp Bỉnh Lâm, chỉ cần chia cho xưởng trưởng chút lợi ích thì tính tích cực của nhân viên quản lý sẽ tăng cao, thế thì, sẽ có người giành giật mà làm. Phong ba là khó tránh khỏi nhưng bất cứ việc gì nếu đa số có lợi thì sẽ không kéo dài lâu. Phía công nhân hợp đồng cũng xem như thực hiện được công bằng quyền lợi với công nhân chính thức ở một mức độ nào đó, tuy thu nhập chưa chắc tăng rõ nhưng tính tích cực lao động rõ ràng cao hơn nhiều. Công nhân chính thức cố làm căng cũng vô ích, sức mạnh vững chắc của họ cũng chính là xưởng trưởng của họ mà xưởng trưởng đã có được lợi ích thì đương nhiên sẽ đi theo cải cách. Số còn lại dù có bất mãn đến đâu cũng đành chịu bởi công ty không hề vi phạm hợp đồng, chỉ cần họ muốn thì vẫn có thể làm việc ở Giang Nguyên, hơn nữa khi ở lại tuy không được sung sướng như trước kia song cũng không đến nỗi chết đói, nếu ra khỏi Giang Nguyên thì liệu họ còn đi đâu được?
Tất nhiên cũng có một số ít ngoại lệ, Trần Hữu Hoà nhân viên cũ luôn làm việc tại xưởng sản xuất công cụ và chịu trách nhiệm phân công công nhân là một trong số đó. Trần Hữu Hoà là nguyên lão trong công ty, vốn là người giám sát phòng thí nghiệm khoa Cơ điện của đại học G, đến Giang Nguyên này với Diệp Bỉnh Lâm, có thể nói Giang Nguyên bao nhiêu tuổi thì ông ấy cũng làm việc ở đây bấy nhiêu năm. Điều hiếm có là Trần Hữu Hoà không tỏ ra lười biếng và hợm hĩnh như đám nhân viên chính thức kia, ông ta đối đãi với mọi người khá hoà nhã, làm việc cũng khá nghiêm túc, tuy tốc độ có hơi chậm song tính tình cũng khá tốt, cũng có chút tình bạn với Diệp Bỉnh Lâm. Trước kia, khi Diệp Bỉnh Lâm còn khoẻ mạnh, mỗi khi Tết đến, Trần Hữu Hoà đều đến nhà họ Diệp chơi, chúc vài câu may mắn với chủ nhà, vì thế nhà họ Diệp cũng thân thuộc với ông ta, anh em Diệp Khiên Trạch khi thấy ông ta đều gọi là bác Trần.
Xưởng sản xuất công cụ sau khi nhận khoán công việc với tốc độ của ông ta thì tiền có được trong tay ít đến thảm thương. Ông ta là người thành thật, suốt ngày chỉ biết thở ngắn than dài, càng đêm thì mắt càng lèm nhèm đau nhức.
Có lần, số ốc vít Trần Hữu Hoà đếm quá thấp so với yêu cầu của xưởng khiến tiến độ của toàn nhóm bị ảnh hưởng. Lão Trần biết mình có lỗi nên cúi đầu không nói tiếng nào, tay không ngừng, quả thực không chờ nổi nên nhóm trưởng đến giúp một tay, lại bất ngờ phát hiện ra số lượng lão Trần đếm trước đó có sai sót nghiêm trọng. Nhóm trưởng là người trẻ tuổi cứng rắn, không thể nhịn nổi nên đã nổi giận đùng đùng, mắng mỏ lão Trần vô dụng, nếu không phải là lợi dụng cái mác công nhân chính thức thì đã không biết bị đá đi nơi nào từ lâu rồi, nếu bắt buộc phải bám víu nơi này thì cũng không nên ở lại trong xưởng làm người khác mệt thêm.
Lão Trần tuy hiền lành song đã sống đến ngần ấy năm, chưa bao giờ bị ai chỉ vào mũi xỉ nhục như vậy, huống hồ đối phương là công nhân hợp đồng được làm nhóm trưởng. Ông ta vừa thẹn vừa giận, lúc ấy đã đến tìm xưởng trưởng, bảo rằng nếu chê ông ta bất tài vô dụng thì ông ta cũng không phải người không có sĩ diện, không làm nữa là được chứ gì. Ai ngờ xưởng trưởng cũng không níu giữ, chẳng nói chẳng rằng đưa luôn ông ta lên phòng nhân sự làm thủ tục.
Lão Trần vốn chỉ tức giận mà nói thế, vẫn ngây thơ hy vọng sẽ có người giữ lại nhưng việc đến nước này thì lại hối hận, song cũng không tìm ra cách nào khác, đành cứng miệng bảo từ chức cũng được nhưng bắt buộc phải Chủ tịch tự tay ký tên mới chấp thuận. Ông ta còn hỏi thăm viện điều dưỡng nơi Diệp Bỉnh Lâm đang điều trị, mấy lần tìm đến nhưng lần nào cũng thất vọng, Diệp Binh Lâm không đi điều trị cả ngày thì cũng không biết đã lang thang đến phòng bệnh nhân nào khác để chơi cờ rồi.
Trần Hữu Hoà vô cùng thất vọng, về sau có người nhắc nhở, bây giờ người được Diệp Bỉnh Lâm xem trọng nhất Giang Nguyên chính là Hướng Viễn, vợ của Diệp Khiên Trạch. Thế là ông ta chuyển sang tìm Hướng Viễn, nói rõ tình hình, tuy ngoài miệng vẫn nói là chỉ cần Diệp Bỉnh Lâm ký tên, ông ta sẽ đi ngay, không làm phiền Giang Nguyên thêm nhưng trong lòng vẫn nuôi hy vọng. Một mặt ông ta vẫn muốn thông qua Hướng Viễn để Diệp Bỉnh Lâm biết đến tình hình cố hữu, mặt khác lại mong muốn Hướng Viễn giúp đỡ mình vượt qua khó khăn.
Hướng Viễn vui vẻ đón lấy đơn từ chức của Trần Hữu Hoà, hai hôm sau, cô đưa lại tờ đơn có thêm chữ ký của Diệp Bỉnh Lâm cho ông ta, cùng với đơn từ chức còn có một tệp tiền mặt.
Lúc ấy, Hướng Viễn đã nói thế này: "Bác Trần, tôi được gả vào Diệp gia khá muộn nên cơ hội được làm quen với bác không nhiều, nhưng nghe Diệp Khiên Trạch đã nhắc đến, bác đã cùng Giang Nguyên đi suốt hai mươi mấy năm qua quả không dễ dàng gì. Bác nói muốn đi, tôi cũng rất tiếc nhưng cũng không thể miễn cưỡng bác được. Đơn từ chức bố chồng tôi đã xem, ông cũng có ý này, nếu ở lại Giang Nguyên không còn vui vẻ gì nữa thì chúng tôi có níu giữ cũng không được. Đây là chút lòng thành của bố chồng tôi, cũng có chút phần của tôi, số tiền này không liên quan gì đến công ty, chỉ là Diệp Bỉnh Lâm đưa cho một người bạn cũ. Đi khỏi Giang Nguyên rồi, bác có thể làm ăn nhỏ, cho dù hưởng phúc bên con cháu thì có chút tiền bên mình vẫn tốt hơn".
Trần Hữu Hoà không bao giờ ngờ rằng lại có kết quả này, ông ta đã ở Giang Nguyên nửa đời người, cảm thấy mình dù có rời khỏi đây thì cũng là nghỉ hưu một cách đường hoàng. Ai ngờ đâu chỉ với mấy câu trong lúc nóng giận mà đến Diệp Bỉnh Lâm cũng vui vẻ toại nguyện cho mình, xem ra trong công ty ông thực sự là phế vật. Ông ta giữ lấy đơn từ chức và món tiền đó trong tay, đau đớn buồn bã, cũng không nói nổi câu nào, nước mắt ứa ra.
Cũng vào buổi chiều hôm đó, Diệp Khiên Trạch đến văn phòng của Hướng Viễn, chần chừ muốn nói gì đó lại thôi.
Hướng Viễn rót cho anh cốc nước rồi ngồi xuống bên cạnh, cười nói: "Em sợ nhất là dáng vẻ này của anh, rốt cuộc là chuyện gì vậy?".
Diệp Khiên Trạch khẽ nói: "Anh nghe bảo bác Trần muốn thôi việc, em để bác ấy đi à?".
"Anh không có ý đó nhưng Hướng Viễn... bác Trần chỉ tức giận nói thế thôi, chắc em cũng biết mà."
"Vậy anh bảo em phải làm sao? Trách xưởng trưởng của nhóm ấy hay là nhóm trưởng? Họ cũng có làm sai đâu. Em đã nhận lời anh, ngoài những người gây chuyện xấu cho công ty ra thì sẽ không bao giờ đuổi bất cứ nhân viên cũ nào. Em cũng có nuốt lời đâu, là do bác ấy không thích ứng được tình thế hiện nay, chủ động yêu cầu đi đấy chứ."
"Cũng đâu đến nỗi không còn cách nào khác. Bác ấy không làm được việc ở xưởng thì đổi cho vị trí khác. Giang Nguyên lớn như vậy, chẳng lẽ không có công việc nào sắp xếp cho bác ấy ư? Hướng Viễn, để bác ấy quay về đi, anh nói thì bác ấy sẽ nhận lời thôi. Bác ấy đã lớn tuổi rồi, không còn cạnh tranh nổi với người trẻ, giờ mất việc thì chẳng biết dựa vào đâu."
"Giang Nguyên sắp xếp cho bác Trần một công việc là chuyện nhỏ nhưng liệu bác ấy có chịu làm ở những vị trí đó hay không? Nếu em phá lệ, một Trần Hữu Hoà nữa xuất hiện thì phải làm sao? Người ta sẽ nghĩ gì? Đã sắp xếp cả rồi thì cái cách đó còn ý nghĩa gì?".
Diệp Khiên Trạch nhất thời nghẹn giọng nhưng vẫn không từ bỏ ý định đấu tranh cho Trần Hữu Hoà: "Bác ấy khác. Bác ấy là bạn thân của nhà anh, chúng ta không thể đối xử với bác ấy như thế được".
"Anh xem anh kìa, chỉ biết lo nghĩ cho người khác, nói đến môi khô nứt ra cũng chẳng biết. Uống chút nước đi". Hướng Viễn nhẹ nhàng đẩy nước đến trước mặt Diệp Khiên Trạch, thấy anh hớp một ngụm mà vẫn lơ đãng thì đành nói tiếp: "Nói đến tình bạn với Trần Hữu Hoà, Diệp Khiên Trạch chẳng lẽ trong lòng bố anh không biết rõ hơn anh sao? Đơn từ chức là do chính tay ông ký, anh biết vì sao không? Việc gì cũng có quy tắc của nó, mà quy tắc đều bình đẳng với mọi người. Với đạo nghĩa của tình bạn, có thể giúp bác ấy ngoài quy tắc nhưng với lập trường của công ty thì hãy để bác ấy đi. Công ty giờ đang phát triển, mỗi khi đi một bước đều phải trả giá. Không phá cái cũ thì không xây cái mới được, đó là nguyên nhân em không giữ bác ấy. Nếu anh thấy em sai thì có thể mời bác ấy quay lại nhưng anh phải nghĩ xem anh có làm đúng không?".
Diệp Khiên Trạch nhìn Hướng Viễn một lúc lâu với vẻ nghi ngại rồi nói: "Anh nói không lại em nhưng Hướng Viễn sao em có thể tính toán kỹ lưỡng đến thế trong mọi lúc? Không phá cái cũ thì không xây được cái mới? Đối với Đằng Tuấn, em cũng thấy vậy à? Hay là lúc nào em cũng lý trí đến mức máu lạnh với tất cả mọi người và việc?".
Nhắc đến Đằng Tuấn, đôi mắt Hướng Viễn thoáng ảm đạm rất nhanh, đối với kết cục bị khai trừ. Đằng Tuấn rất khó chấp nhận vì cậu luôn kiên định tin rằng mình đã làm đúng. Cậu chẳng nói gì trước mặt Hướng Viễn nhưng Hướng Viễn không quên được ánh mắt của chàng trai thật thà hiền lành lúc ấy: thất vọng, cam chịu, phẫn nộ. Tất nhiên cô càng không quên được những lời chỉ trích đẫm nước mắt của Hướng Dao.
Hướng Dao nói cô quá ngu ngốc khi tin Hướng Viễn lo nghĩ cho mình và sẽ giúp Đằng Tuấn. Thì ra Hướng Viễn một tay cất nhắc Đằng Tuấn rồi lại khiến Đằng Tuấn rơi xuống, tất cả chỉ là một âm mưu. Hướng Viễn chỉ chứng minh mình cô có thể đưa một người lên cao thì cũng có thể khiến người đó ngã đau hơn.
Lúc kéo Đằng Tuấn bỏ đi, Hướng Dao cũng quẳng đơn từ chức của mình lên người Hướng Viễn. Cô nói: "Tôi không làm nữa. Chị bắt anh ấy nghỉ việc cũng được, tôi sẽ theo anh ấy. Anh ấy đi đâu thì tôi theo đó". Đó là câu cuối cùng khi Hướng Dao bỏ đi.
Hướng Viễn đặt lên tay Diệp Khiên Trạch, tay anh còn lạnh hơn tay cô.
Hướng Viễn nói: "Không phải tất cả mọi người, tất cả mọi việc em đều làm thế nếu không hôm nay em đã chẳng ngồi ở đây".
Diệp Khiên Trạch quay đầu đi, hít một hơi thật sâu, một lúc sau mới chậm rãi nắm chặt tay Hướng Viễn. Lúc đó họ đều không ngờ rằng, Trần Hữu Hoà rời công ty chưa đầy một tuần, do lơ đãng lúc qua đường đã bị một chiếc xe chở cát đâm phải ở ngay gần cửa nhà, chết ngay tại chỗ.
Nhận được tin buồn, Diệp Khiên Trạch chìm vào sự thinh lặng chưa bao giờ có, Hướng Viễn một mình thay mặt Diệp gia và công ty đến lĩnh đường. Cô nhìn thẳng và bước qua gia quyến của Trần Hữu Hoà như không nhìn thấy ánh mắt thù hận và căm ghét của họ, thành khẩn đốt cho ông ta ba nén hương.
Cái chết của Trần Hữu Hoà khiến Diệp Khiên Trạch mấy ngày liền không thoát ra khỏi trạng thái đau lòng khó gọi tên. Hướng Viễn tan sở về nhà, dù muộn đến đâu, cô cũng nhìn thấy ánh đèn hắt ra từ khe cửa thư phòng khép hờ của anh, nhưng bên trong chẳng có chút động tĩnh nào.
Diệp Khiên Trạch vốn trước giờ thích tĩnh lặng xem sách một mình nhưng sau khi kết hôn, anh đã dời địa điểm đọc sách từ thư phòng sang phòng ngủ để dựa vào đầu giường bật đèn đọc sách, vừa đợi Hướng Viễn về. Hướng Viễn biết cửa phòng khép hờ của Diệp Khiên Trạch là một tín hiệu lặng lẽ, anh vẫn chưa cởi được nút thắt trong lòng nhưng cô cũng không vội giải thích, hoặc có thể, cô không hề cho rằng mình cần phải giải thích trong chuyện này.
Mấy ngày liền, Hướng Viễn tắt đèn ngủ được một lúc, mới phát hiện ra Diệp Khiên Trạch về phòng, nằm xuống cạnh mình nhưng chẳng ai lên tiếng. Có lúc nửa đêm tỉnh giấc, Hướng Viễn mơ màng dụi mặt vào lưng người nằm cạnh nhưng anh luôn quay lưng lại với cô, chỉ nói một câu: "Ngủ đi, đừng để bị lạnh".
Hướng Viễn nghĩ, mỗi người đều có cách để bản thân nghĩ thông suốt, Diệp Khiên Trạch là người trọng tình cảm, tâm trạng anh sa sút vì chuyện của Trần Hữu Hoà thì cô không lấy làm lạ. Lúc này, nên để anh yên tĩnh có lẽ cũng không phải chuyện xấu.
Một tuần sau, Hướng Viễn nghe nói Diệp Khiên Trạch yêu cầu phòng hành chính giao một khoản "tiền hỗ trợ" cho người nhà của Trần Hữu Hoà với lý do "qua đời vì việc công". Tuy trong lòng cô cảm thấy không thoả đáng nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng bỏ qua, không chừng như vậy sẽ khiến anh thoải mái hơn một chút. Thế nhưng, khi hoá đơn "tiền hỗ trợ" mà phòng hành chính kê ra theo yêu cầu của Diệp Khiên Trạch đến tay Hướng Viễn, cô chỉ nhìn lướt qua rồi dứt khoát gọi ngay cho phòng kế toán và phòng hành chính bảo tạm thời dừng việc này lại.
Không ngoài dự đoán của cô, hôm ấy, Diệp Khiên Trạch không thể tiếp tục "yên tĩnh đọc sách" trong thư phòng nữa, lúc Hướng Viễn đi ngang cửa, anh đã đứng ở đó.
"Hướng Viễn, có rỗi không, anh muốn nói chuyện".
Hướng Viễn gật đầu: "Được". Cô mỉm cười nói thêm: "Em có thể nói không rỗi với người khác nhưng sao nói câu này với anh được".
"Vào rồi ngồi xuống nói chuyện được chứ?", Diệp Khiên Trạch nghiêng người nói.
Hướng Viễn bước lại gần, một tay tựa vào khung cửa rồi nói: "Bây giờ em rất sợ ngồi nói chuyện mặt đối mặt, có lẽ do hậu di chứng của việc gần đây thường xuyên bàn việc với khách hàng, chỉ cần ngồi xuống là lại không kìm được mặc cả này nọ, cố gắng giành giá tốt. Hai chúng ta còn cầu kỳ thế để làm gì? Em thích nghe anh nói thế này. Được thôi, nói đi, anh đã ủ rũ suốt mấy ngày nay rồi". Cô thấy anh không nói gì thì nói nửa đùa nửa thật hỏi: "Chắc không phải chuyện của Trần Hữu Hoà chứ?".
Diệp Khiên Trạch không cười mà tiếp tục: "Anh nghe nói em đã giữ phiếu chi tiền hỗ trợ cho gia đình Trần Hữu Hoà lại?".
Hướng Viễn như có chút thật vọng, cười mỉa mai: "Em cứ tưởng đây là chuyện chỉ nên nói ở phòng làm việc chứ? Không phải em giữ phiếu chi lại mà là để họ lấy về làm lại. Phòng hành chính hồ đồ quá rồi. Cho dù phá lệ đãi ngộ Trần Hữu Hoà nhưng tiền hỗ trợ cũng không nên gấp ba lần quy định công ty như thế, vậy là sao chứ? Đúng là làm bừa."
"Là anh bảo họ làm thế!"
"Tại sao?", Hướng Viễn nhướn mày tỏ vẻ kinh ngạc.
Diệp Khiên Trạch nói: "Tại sao phải thế? Cũng chỉ là vấn đề tiền bạc thôi mà. Người thì đã chết rồi, đừng nói hỗ trợ gấp ba lần, cho dù ba mươi lần, ba trăm lần thì có thể khiến người chết sống dậy được sao? Đối với gia đình bác Trần, những gì bây giờ chúng ta có thể làm cho họ được cũng chỉ có tiền thôi".
Hướng Viễn nắm lấy tay Diệp Khiên Trạch, nói: "Khiên Trạch, em biết bây giờ anh rất đau buồn nhưng phải nói thật, tiền không thể cho như vậy được. Em thừa nhận bản thân coi trọng tiền hơn anh nhưng cũng không đến nỗi bủn xỉn với người đã chết. Vấn đề ở chỗ Trần Hữu Hoà chết vì sự cố ngoài ý muốn, đây vốn là sự thực ai ai cũng rõ. Nếu cho gia đình họ tiền hỗ trợ gấp ba lần thì chẳng những họ sẽ không cảm kích công ty, cũng không biết đó là do anh nhân hậu mà sẽ nghĩ rằng Giang Nguyên và chúng ta cảm thấy tội lỗi nên mới quyết định hỗ trợ gấp ba lần cho nhân viên đã nghỉ việc. Tiền là chuyện nhỏ nhưng chúng ta cũng không thể làm bừa, nhận hết tội lỗi vốn không phải do chúng ta gây ra được".
"Tội lỗi không do chúng ta gây ra? Em nghĩ rằng chúng ta không làm sai à?", Diệp Khiên Trạch lẩm bẩm.
"Phải", Hướng Viễn đáp chắc nịch. Cô đặt tay lên vai anh, nói tiếp: "Đó là một sự cố, không phải lỗi của anh, cũng mệt sao? Khiên Trạch, vì chuyện của Trần Hữu Hoà mà anh đã buồn bã đau khổ hơn tuần nay rồi. Bây giờ bác ấy đã mồ yên mả đẹp, hãy để chuyện này qua đi có được không? Em không muốn thấy anh đau buồn nữa. Bên nhà Trần Hữu Hoà, chúng ta sẽ hỗ trợ cho họ số tiền theo luật định của công ty, nói rõ hơn, đó là công ty niệm tình hai mươi mấy năm làm việc của bác ấy nên đưa cho họ chút tiền an ủi, chẳng phải nghĩa vụ và trách nhiệm mà là giúp đỡ. Còn về chuyện anh vẫn nhớ tình cũ, chúng ta hoàn toàn có thể giúp gia đình họ bằng những cách khác."
"Được, nếu em đã nghĩ thế, anh cũng định để con trai của bác Trần vào Giang Nguyên làm việc... xem như là đãi ngộ bác Trần lúc còn sống."
Hướng Viễn lập tức nhận ra ý tứ trong lời của anh, đột ngột biến sắc, không suy nghĩ gì mà nói ngay: "Làm sao thế được! Anh muốn giúp con trai bác ấy vào công ty thì cũng được nhưng còn định hướng chế độ nhân viên chính thức thì không được, tuyệt đối không được. Bây giờ đám nhân viên chính thức kia là tâm bệnh của cả công ty, em nghe anh và cũng nghe lời bố, không sửa đổi hợp đồng của họ thì để những người đó tự đào thải, nghỉ hưu người nào là bớt được người ấy, nhưng làm sao có thể tiếp tục chế độ dùng người hoang đường này được? Tóm lại em không đồng ý".
Diệp Khiên Trạch lạnh nhạt: "Đó chẳng phải cách giúp gia đình họ trực tiếp và thực tế nhất hay sao? Vợ bác Trần ở nhà nội trợ, hai người con đều không có công ăn việc làm ổn định, con trai lớn của bác ấy đã từng làm ở đội thi công công trình, em cũng từng nói là Giang Nguyên tương lai sẽ đi từ sản xuất mở rộng ra thi công công trình nên chẳng phải đang thiếu những người như thế sao? Cho anh ta nhận đãi ngộ của một nhân viên chính thức là yêu cầu của anh ta và anh đã nhận lời".
Diệp Khiên Trạch vừa dứt lời, sắc mặt Hướng Viễn lạnh lùng hẳn, cô nói: "Thì ra anh đã hứa hẹn với người ta, nói với em một tiếng chẳng qua là do phép lịch sự thôi đúng không? Diệp Khiên Trạch, lương thiện cũng có giới hạn nếu không sẽ làm hại người tốt. Con trai Trần Hữu Hoà dựa vào đâu mà "yêu cầu" anh? Hôm nay, anh đáp ứng yêu cầu của anh ta, ngày mai sẽ lại có vô số yêu cầu khác. Chuyện này đừng có mơ!".
Hiếm có người nào chọc giận được Hướng Viễn mà chính mình lại không thay đổi sắc mặt, thế nhưng buồn một nỗi là, Diệp Khiên Trạch là một trong số đó - có lẽ cũng là người duy nhất. Anh khẽ cười: "Hướng Viễn, anh và em làm chủ Giang Nguyên nhưng em đừng quên, anh cũng có quyền quyết định một việc gì đó."
Câu này vừa thốt ra, Hướng Viễn đờ người một lúc, giận quá lại hoá cười: "Anh nhắc chuyện này với em? Phải rồi, sao em quên được, anh mới mang họ Diệp, cả cái Giang Nguyên này đều là của anh, anh muốn làm gì lại không được?".
Diệp Khiên Trạch nắm lấy cổ tay Hướng Viễn trước khi cô bỏ đi, hạ giọng: "Thôi, chúng ta suy nghĩ khác nhau, đừng cãi cọ vì chuyện này nữa".
Hướng Viễn hít một hơi thật sâu: "Được, chúng ta không cãi nhau. Em mệt rồi, ngủ trước đây".