Eidt: Sa
“Cọt kẹt, cọt kẹt.”
Trong căn phòng lờ mờ, ông lão tóc bạc trắng đứng trước bàn, đẩy mạnh tay quay của cái cối đá nhỏ có đường kính hơn một thước, một dòng nước màu xanh lục chảy ra từ miệng cối, rơi vào bát sứ màu đen.
Nó dựa vào góc lồng sắt, từ khe hở cẩn thận nhìn lén bên ngoài, bên cạnh còn có ba, bốn đồng loại, có con nằm, có con cũng đang run lập cập nép vào một góc giống nó.
Tiếng cối đá dừng lại, ông lão bưng bát tới cái bàn khác chất đầy giấy mực. Ánh đèn dầu nhảy múa trên gương mặt già nua của lão, nỗi phấn khích khi sắp thành công bị kìm hãm bởi sự điềm tĩnh ở cái tuổi của lão khiến biểu cảm muốn cười nhưng không dám cười trên gương mặt lão trông rất quái dị.
Lão trải rộng tấm giấy màu vàng hình chữ nhật ra, lấy bút, chấm vào bát rồi vẽ ký hiệu ngoằn ngoèo lên giấy.
“Ông chủ Hứa,” lão vừa vẽ vừa lầm rầm, “Sắm quan tài cho con trai ông đi nhé!”
Gần đây lão rất ghét ông chủ Hứa vì ông ta luôn giành mối làm ăn của lão. Con trai ông ta cũng rất chướng mắt, đã khôi ngô tuấn tú thì chớ, lại còn cực kỳ thông minh, sau này chắc chắn sẽ là trợ thủ đắc lực của ông ta, nhưng giờ đang bị bệnh nặng, thật tốt quá.
Vừa nghĩ tới ông chủ Hứa khóc lóc ôm con trai độc đinh đã chết, lão thấy sao mà sung sướng quá đỗi.
Nó lẳng lặng nhìn đầu bút lông của lão lướt nhanh trên mặt giấy màu vàng, cứ mỗi một nét, nó lại run lên một cái. Bởi vì thứ nằm trong cái bát không phải là mực mà là một trong những đồng loại của nó.
Một con Phi Phi có thể nghiền ra một bát nước nhỏ, viết đủ một tờ giấy màu vàng.
Vốn dĩ nó và đồng loại không thuộc về nơi đây, chúng đã bị nhốt trong cái lồng nhỏ xíu này rất lâu rồi. Nó không nhớ chiếc lồng ban đầu thuộc về ai, cũng không rõ đã trôi qua bao nhiêu năm rồi, nó chỉ biết trước đó chúng thuộc về một lão thái giám độc ác ở trong cung. Lão thái giám không chỉ là thái giám, lão am hiểu cách nguyền rủa con rối, thường xuyên lấy kim châm đâm vào con rối. Mỗi lần lão làm vậy, trong cung sẽ có một người sống không được an ổn. Nhưng việc lão giỏi nhất là dùng chúng làm thành “mực”, vẽ những ký hiệu kỳ quặc lên giấy màu vàng, rồi lại viết tên tuổi của một ai đó, cuối cùng là đốt đi. Nhưng lão thái giám không thường làm chuyện này, trong nhiều năm chỉ có ba đồng loại của nó bị nghiền thành “mực”, mỗi lần như thế thì một vị nương nương được sủng ái bị sẩy thai, một vị tướng quân thất bại trong trận chiến quan trọng liên quan đến an nguy quốc gia, và hoàng đế vứt bỏ giang sơn của ngài.
Mong ước của ba người đều có kết cục ngược lại.
Trong ngày nước mất nhà tan, lão thái giám nằm trên giường, cười ghê rợn.
Đồ đệ của lão, là một tiểu thái giám đi theo lão ngay từ khi mới vào cung, giờ đã hơn ba mươi tuổi, gã vừa sợ vừa tò mò về sư phụ của mình. Gã biết lão thái giám có một cái lồng giam giữ tiểu yêu quái, cũng biết lão thả yêu quái vào cối đá để nghiền thành nước, nhưng gã không dám hỏi gì cả.
“Sư phụ, không giữ được, giang sơn sắp đổi họ rồi.” Gã quỳ xuống trước giường lão thái giám, “Chúng ta đi thôi.”
Lão thái giám lắc đầu: “Ta sống không được bao lâu nữa, nằm ở đây coi như được chết thoải mái.”
“Vậy con đi đây.” Gã không muốn chôn cùng, cũng không mấy quyến luyến vị sư phụ quái gở của mình.
“Nhãi con!” Lão thái giám gọi gã lại, bao năm qua, những lúc không có ai, lão luôn gọi gã như vậy.
Gã dừng chân, lại quỳ xuống, lòng vẫn ôm nỗi sợ khó hiểu với sư phụ.
“Con biết mong muốn lớn nhất đời này của ta là gì không?” Ánh mắt của lão thái giám chợt ngẩn ngơ.
Gã bối rối lắc đầu.
“Có vợ, có con, có nhà để về.” Lão thái giám thở ra một hơi rất dài, trong khoảnh khắc ấy, lão như một con người có máu thịt bình thường, nhưng tiếng cười ghê rợn lại nhanh chóng vang lên, “Nhưng ta là thái giám, ha ha ha, ta làm sao có vợ có con. Ta bị bán năm mười một tuổi, từ đó đến nay ta chỉ có một mình, đến chết cũng vậy.”
Gã không biết đáp thế nào, vẫn quỳ im ở đó.
“Nhưng ta vẫn rất vui, ít nhất không chỉ có mình ta không đạt được mong ước.” Đôi mắt vẩn đục của lão bắn ra ánh sáng hả hê độc ác, “Ngay cả hoàng đế cũng không may mắn thoát khỏi, ha ha ha.”
Gã cả kinh, bật thốt: “Sư phụ, là người làm?”
Lão thái giám chỉ cười mà không đáp, một lúc lâu sau mới nói: “Con ghé tai lại đây.”
Gã nơm nớp lo sợ tới gần.
Giọng nói khản đặc của lão thái giám truyền vào tai gã.
Trước bình minh, lão thái giám tắt thở.
Gã vội vã chạy ra khỏi hoàng cung, không lấy gì cả, chỉ mang theo một cái rương gỗ, bên trong chứa một cái lồng nhỏ cùng một cái cối đá và mấy tờ giấy màu vàng.
Hiện giờ, gã đã bằng tuổi lão thái giám khi xưa, mở một tiệm quan tài trong kinh thành, cuộc sống khá tốt, ít nhất không thiếu tiền.
Nhưng lão Hứa ở đối diện đáng ghét quá, đáng ghét y như lão Tạ, lão Hà, lão Tần hồi xưa, bộ có con là giỏi lắm hả, có con là có thể tùy tiện chế nhạo lão ư?
Lão nhớ hồi trước lão Tạ của tiệm đồ cổ chỉ vào mũi lão mắng lão là tên thái giám chết bầm, cũng nhớ hai thằng con trai của lão Tạ cố ý tè lên cánh cửa của tiệm lão. Hai đứa con nít bảy, tám tuổi, vừa tuột quần vừa xếch mắt lên nhìn lão, người qua đường ai nấy cũng che miệng cười. Nào có ai quan tâm tới phẩm giá của người neo đơn bán quan tài.
Mỗi lần bắt gặp những lời “bông đùa” hoặc cố ý hoặc vô tình ấy, lão không tức giận, chỉ cười, sau đó trốn vào góc không ai nhìn thấy, gương mặt tươi cười phút chốc thay đổi. Có đôi khi lão thậm chí còn mong mình bị bệnh nặng rồi chết quách cho xong, chết ở đây coi như cũng tốt. Lão không tự tử được, lão không có can đảm cầm dao đâm vào ngực mình, nhưng cứ sống thế này chẳng vui vẻ gì.
Mùa xuân năm ấy, khi hai đứa con trai của lão Tạ lần đầu đi xa nhà để tới một thành thị khác nhập hàng cho gia đình, vợ chồng lão Tạ căn dặn đủ điều, bảo chúng đi đường cẩn thận, bình an trở về, còn phái bảy, tám tôi tớ đi theo.
Lão ngồi trong cửa tiệm của mình như thường ngày, nhìn vợ chồng lão Tạ rơi nước mắt tiễn hai đứa con trai vàng ngọc ra cửa.
Lão chợt nhớ tới “di vật” mà sư phụ để lại cho lão.
Tối đó, lão đứng trước lò lửa, một tờ giấy màu vàng hóa thành tro trong ngọn lửa.
Khoảng ba tháng sau, trước cửa Tạ gia treo lồng đèn trắng.
Hai vị công tử được khen là thông minh nhưng mới bước vào đời thì đã một chết một bị thương. Đại công tử bị cướp biển chém chết tại chỗ, nhị công tử bị chặt đứt một chân rơi xuống biển, may mạng lớn không chết đuối, tấp vào bờ rồi được cứu. Từ ngày họ đi, vợ chồng Tạ gia ăn không ngon, ngủ không yên, hằng ngày cầu thần bái Phật, xin cho con trở về bình an, nhưng chưa từng nghĩ mong ước của mình có kết cục ngược lại như vậy.
Lão vẫn như không có chuyện gì, còn lấy thân phận hàng xóm láng giềng mà đi phúng viếng.
Nhìn lão Tạ kêu trời gọi đất, lão chợt thấy hả dạ.
Mười mấy năm sau đó, lão Tần bán vải buôn bán ế ẩm, phá sản; lão Hà bán thuốc chọc giận quan trên, bị phán lưu đày, không có cơ hội trở về nữa. Bây giờ, đến lượt ông chủ Hứa kinh doanh tiệm cầm đồ. Cái tên ngụy quân tử nhìn như phúc hậu ấy là kẻ độc ác vô cùng, gần đây thấy con trai quý báu của lão ta mắc bệnh nặng, rốt cuộc cũng có cơ hội giúp lão Hứa “đổi ngược” mong ước của lão ta.
Cây bút càng viết càng nhanh. Còn hai nét nữa là xong, chợt cửa phòng bị đạp vỡ, bảy tám kẻ đeo khăn trùm mặt màu đen cầm đao xông vào.
Đây là bọn cướp cực kỳ “đơn giản”, mục tiêu chỉ có tiền.
Buổi tối này, có mấy cửa hàng đã bị cướp.
Lão không quá tiếc tiền, nhưng đến khi bọn cướp đi tới chỗ giấu cái lồng thì lão phản kháng. Đó là “nguồn vui sống” duy nhất của lão, chúng có thể lấy tiền của lão, nhưng không thể lấy cái lồng này.
Bọn cướp tất nhiên không chịu. Một lão già có thể bị giết dễ dàng thì có tư cách gì ngăn cản chúng lấy đồ chứ? Nhưng lão vẫn sống chết ôm chầm thắt lưng tên cầm đầu: “Các ngươi có thể lấy tất cả, nhưng hãy để cái lồng lại cho ta.”
Càng trong tình huống cấp bách càng dễ phạm sai lầm, lão càng làm như thế, bọn cướp càng nghĩ cái lồng có giá trị trên trời.
Tên cầm đầu bảo lão buông tay, lão không buông. Tên cầm đầu tức giận, hất tay lão ra, xoay người đâm lão.
Lão gục xuống đất, tựa như chiếc lá khô rơi rụng. Cho tới nay, tính mạng của lão hệt như thân thể lão, không trọn vẹn, chỉ thoi thóp chờ chết. Nghe bảo cuộc sống rất tươi đẹp, nhưng lão không hiểu lắm, cái gọi là tươi đẹp lẽ nào là cảm giác khi nhìn người khác tan cửa nát nhà, than trời trách đất?
Không còn cơ hội để một ai đó trả lời lão.
Trong giây phút tắt thở, lão chợt nhớ ra một chuyện, đó là mãi cho đến hôm nay, lão sống mà chẳng có lấy một mong muốn thực sự nào.
Tên cầm đầu đá đá thi thể lão, sau đó đi tới cái lồng.
Chỗ đó rất tối, tên cầm đầu sai thuộc hạ đem đèn qua.
Chỉ chốc lát sau, căn phòng hỗn loạn. Tên cầm đầu hoảng sợ, vừa chửi đây là thứ quỷ quái gì vừa vung đao chém cái lồng.
Những kẻ khác cũng kinh hãi trước cảnh tượng đó, bốn năm con vật nhỏ xíu màu xanh lục chạy tứ tán ra khỏi cái lồng, bằng cách đập đầu xuống đất.
“Yêu quái!” Một tên nọ hét lên.
Cơn sợ hãi bất ngờ khiến trong phòng lóe lên những ánh kiếm. Tên cầm đầu và thuộc hạ chém lung tung về phía các con vật. Nhưng mấy con vật nhỏ như chuột ấy tựa như còn hoảng sợ hơn họ, chạy tán loạn, cuối cùng không con nào may mắn sống sót dưới lưỡi đao. Có con bị chặt đầu, có con bị chặt ngang mình, có con bị chia năm xẻ bảy, mặt đất nhanh chóng có những bãi nước màu xanh.
Chờ bọn cướp bình tĩnh trở lại, tên cầm đầu thở hổn hển ra lệnh: “Lục soát lần nữa!”
Bọn cướp cẩn thận lục soát mọi ngóc ngách.
Nó nấp trong hốc tường, cố gắng ép sát vào trong nhưng vẫn bị lộ tay chân ra ngoài.
Có bóng đen trùm lên đầu nó, một người đứng trước mặt nó.
Nó run rẩy nhìn kẻ đó ngồi xuống, đôi mắt lộ ra ngoài cái khăn trùm đen nheo lại.
Hắn thấy mình rồi, ánh đao lại lóe sáng. Chết thì chết vậy, dẫu sao mọi người đều chết cả rồi, dẫu sao cũng không thể về nhà được nữa. Nó nhắm nghiền hai mắt.
“A Thủy có phát hiện gì không?” Có đồng bọn phía sau hỏi hắn.
Hắn đứng dậy: “Không có. Đến cả chuột cũng không thấy.”
Nó ngạc nhiên.
Đêm đó, sự tự do bất ngờ đến với nó.
Nó thấy bọn cướp bước qua thi thể chủ nhà, mang theo của cái cướp được rời khỏi tiệm quan tài. Nó đứng trước thi thể lão tới hừng sáng, đến khi bên ngoài vang lên tiếng bước chân hỗn loạn và tiếng la hét inh ỏi, nó mới chui ra khỏi khe cửa, mãi mãi rời xa nơi đã nhốt nó bấy lâu.
Nó không hận lão thái giám, cũng không hận tiểu thái giam, nó thương hại họ.
Tin tức ông chủ cửa tiệm quan tài bị giết cùng mấy cửa hàng lân cận bị cướp nhanh chóng được truyền khắp phố lớn ngõ nhỏ, người của quan phủ chỉ đến hiện trường mấy lần rồi vụ án dừng lại ở trạng thái “đợi điều tra”, giấy niêm phong được dán lên cánh cửa của tiệm quan tài, mãi đến khi phai màu cũng không có ai bóc ra.
Mọi người nhanh chóng quên mất ông lão từng là thái giám, sự hiện hữu của lão giống như cửa tiệm quan tài của lão, không một ai thích, không hề có giá trị tưởng nhớ.