Băng Qua Dòng Sông Ấy

Chương 2:




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
6. 
Tiên sinh trồng rất nhiều hoa trên ban công, có cây biết tên có cây chẳng biết là gì. Tiên sinh nói, đợi những bông hoa ấy nở thì anh sẽ giúp tôi thực hiện một điều ước.
Thế là những ngày bình lặng tẻ nhạt có thêm một chuyện đáng mong đợi. Mỗi ngày tôi đều sẽ ngồi bên ban công chờ hoa nở, tưới nước bắt sâu. Tôi có rất rất là nhiều ước muốn, tôi viết chúng ra một tờ giấy.
Tôi muốn nằm dài trên bãi cỏ trong công viên phơi nắng với tiên sinh.
Tôi muốn chụp thật nhiều thật nhiều hình cùng tiên sinh, đặt hết hình trong phòng sách.
Tôi muốn cùng tiên sinh nuôi một chú chó, nếu là Golden thì hay quá.

Tôi đọc điều ước của tôi cho những chiếc lá nghe, hy vọng bọn chúng lớn lên thật nhanh.
Tôi đợi rất nhiều ngày, cuối cùng đợi được một mầm xanh nho nhỏ. Cây non đáng thương làm sao, nếu không phải tiên sinh ngăn cản, tôi suýt chút nữa nhổ phăng đi vì nghĩ là cỏ dại.
Tôi lại có thêm một thói quen nữa. Sau bữa tối, tôi và tiên sinh mỗi người ngồi trên một cái ghế bên ban công. Tiên sinh đọc sách, tôi nhìn chậu hoa. Có lúc nhìn đến buồn ngủ, tôi liền đứng lên đi tới bên ghế tiên sinh. Tiên sinh đặt sách qua một bên rồi vươn tay ôm tôi vào lòng. Tôi luôn treo hai cánh tay lên cổ người, gối đầu lên vai anh ngủ.
Chỉ cần ở trong vòng tay tiên sinh là sẽ mãi không bao giờ lo lắng bị ngã.
Sau khi tiên sinh đọc sách xong sẽ ôm tôi về phòng ngủ. Mới đầu tôi có làm thế nào cũng không chịu buông tay ra, cả hai tay hai chân đều bám trên người tiên sinh, tiên sinh còn giả bộ xụ mặt tức giận. Lúc sau tiên sinh về phòng ngủ luôn, tôi quấn lấy đòi anh kể những câu chuyện trong sách. Thật ra thì tôi nghe không hiểu gì, nhưng mà giọng tiên sinh rất hay, nghe sao cũng không thấy chán.
Sáng ngủ dậy hai chân đều đè lên người tiên sinh. Tiên sinh chỉ đành bất đắc dĩ chống nửa người dậy nhìn tôi, tôi lặng lẽ chôn mặt trong chăn, rụt chân về.
Trong chậu hoa ngoài ban công, cành hoa xòe ra, một xấp lá non đâm chồi.
7. 
Tôi gây họa rồi.
Nguyên nhân là vì tôi lén lút chạy vào phòng sách muốn lấy sách trên giá sách xem, kết quả đứng không vững bị ngã, kéo đổ lọ mực nước trên bàn làm bẩn giấy tờ tiên sinh viết. Tiên sinh yên lặng đứng trước bàn, nhìn trang giấy đã không kịp cứu chữa, không nhịn được thở dài.
“Sao lại chạy vào trong phòng sách?”
Tiên sinh kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi. Lần đầu tiên tiên sinh nói chuyện với tôi nghiêm túc như vậy, tôi chỉ muốn trốn khỏi phòng sách.
“Anh để sách cao như thế kia, em với hoài không tới.”
Tôi chỉ tủ sách cao lớn, luôn cảm thấy kệ trên cùng cao đến lạ. Tôi kiễng chân thế nào cũng không tới, đây không phải là lỗi của tôi.
Lòng tôi tức giận khôn nguôi, nhịn cơn đau dưới chân khập khiễng từng bước quay về phòng ngủ. Ngồi bẹp trên ban công ôm chậu hoa trong lòng. Thật ra thì tôi rất dễ dỗ, chỉ cần tiên sinh đến nói với tôi một câu không giận nữa, tôi lập tức tươi lại ngay.
Nhưng mà tôi ngồi trên đất lâu ơi là lâu mà tiên sinh vẫn chưa đến. Tiên sinh chắc chắn là cảm thấy tôi quá ngang bướng. Rõ ràng là tôi làm sai trước nhưng lại đổ trách nhiệm lên người anh. Tôi đang lưỡng lự có nên đi xin lỗi tiên sinh hay không thì tiên sinh đã đẩy cửa đi vào, trong tay bưng một đĩa bánh hoa mai(1).(1) 梅花糕(mai hoa cao) là món ăn vặt đặc sản nổi tiếng ở Giang Nam, Nam Kinh, Tô Châu, Vô Tích và các vùng khác của Giang Tô. Có nguồn gốc từ thời nhà Minh, đến nhà Thanh đã trở thành món đặc sản nổi tiếng. Tương truyền khi vua Càn Long tới Giang Nam thấy hình dạng bánh như hoa mai, màu sắc hấp dẫn nên đã nếm thử. Bánh vào miệng ngọt mà không ngán, giòn mềm vừa phải, ngon hơn cả điểm tâm trong cung đình nên vỗ tay khen ngợi. Bởi vì bánh có hình như hoa mai nên ban tên là bánh hoa mai. (Lược dịch theo Baidu)
Nguyên liệu bánh chủ yếu là bột mì, nhân đậu đỏ, v.v… nhìn hình cho dễ hình dung:”>
Tiên sinh đi tới trước mặt tôi, ngồi xuống đất theo tôi.
“Mấy hôm trước em toàn nói mớ, nói rằng muốn ăn bánh hoa mai ở quê. Anh bèn học làm, em ăn thử xem.”
Tôi bưng đĩa cầm một cái bánh hoa mai. Tôi đã không nhớ rõ bánh hoa mai có mùi vị gì nữa, nhưng mà bánh hoa mai tiên sinh làm rất ngon, chắc hẳn là mùi vị thế này.
Tiên sinh túm chân tôi kéo vào lòng, khẽ phủ tay lên mắt cá chân của tôi xoa xoa nhè nhẹ.
“Đau không? Chỗ này cũng sưng lên luôn rồi.”
Mũi tôi chua xót, bĩu môi lắc đầu: “Lúc nãy đau lắm, bây giờ không đau nữa rồi.”
Tiên sinh đưa tay vuốt ve tóc trước trán tôi, nói một cách dịu dàng: “Đều tại anh. Sách trên kệ anh đều lấy xuống để trên bàn hết rồi. Em muốn xem cái gì cũng được, không cần lo với không tới nữa.”
Bàn bị sách chiếm hết chỗ, tiên sinh chỉ có thể dời nơi viết sách ra phòng khách. Đêm hôm đó, tiên sinh không ngủ cả đêm để chỉnh sửa lại sách bị hư. Tôi ngồi bên cạnh với anh, cuối cùng thực sự không chịu nổi nên tựa vào vai tiên sinh ngủ mất.
8. 
Rõ ràng đã qua mùa mưa dầm mà trời cứ như là đánh mất thứ gì xong quay lại lấy. Một đêm nọ tôi nằm mơ, trong mơ mưa rơi không dứt. Lượng mưa lớn tạo thành một con sông, rất nhiều người đều đang chạy trốn, nhưng mà tôi không thấy tiên sinh đâu cả. Tôi sốt ruột tìm khắp nơi trong nhà, đi tới ban công mới thấy tiên sinh đang ở bên kia bờ sông. Anh giang rộng hai tay, tôi giẫm lên lan can ban công nhảy xuống nơi anh đang đứng.
Sau đó không thấy tiên sinh nữa, trong mắt chỉ có dòng sông không bờ bến. Tôi liều mạng kêu gào tên của tiên sinh nhưng không ai đáp lại.
Tôi vùng vẫy tỉnh dậy từ trong mơ, mặt mũi đầy nước mắt, chui tọt vào lòng tiên sinh. Cánh tay ôm chặt eo tiên sinh như thể chỉ cần vừa thả tay ra là tiên sinh sẽ mất tích. Tiên sinh vỗ lưng tôi nhỏ giọng dỗ dành: “Dư Xuyên, Dư Xuyên, đừng sợ, anh ở đây.”
“Em mơ thấy một con sông, anh đứng ở bờ kia sông nhìn em. Em rõ ràng đã vượt qua con sông đó rồi nhưng mà vừa ngẩng lên đã không thấy anh nữa.”
Tôi chôn mặt trong cổ áo tiên sinh, nhỏ giọng kể lại chuyện xảy ra trong mơ. Tiên sinh nghe xong trầm mặc một lúc lâu, anh nắm tay tôi sờ lên mặt mình: “Em xem này, anh ở đây mà.”
Tiên sinh dường như đã lại trưởng thành hơn một chút rồi, không biết có phải là do vẫn luôn ở với nhau hay không mà rõ ràng tôi vốn không có cảm giác phải như thế này. Trong giây phút chạm tay vào bên má tiên sinh mới nhận ra khuôn mặt của tiên sinh càng hòa nhã hơn so với lần đầu tôi gặp anh. Đó là sự điềm tĩnh ung dung đến từ người trưởng thành.
Tiên sinh lại bí mật lớn hơn sau lưng tôi.
9.
Tôi cảm thấy tên tự của tiên sinh nghe rất hay. Tiên sinh nói với tôi rằng khi con trai được 20 tuổi làm lễ đội mũ, có thể lấy tên tự. Năm nay tôi 19 tuổi, sinh nhật của tôi là vào cuối năm, qua mùa hè lại chờ hết mùa thu là có thể lấy tên tự rồi.
Nhưng mà đợi cái mùa hè dài đằng đẵng này thật phiền quá đi. Những phiến lá trong chậu hoa cũng đã vươn mình thành cành cây cao cao nhưng vẫn chẳng chịu ra hoa. Tiên sinh nói với tôi rằng phải có lòng kiên trì. Chờ hoa nở phải kiên nhẫn, chờ trưởng thành cũng phải có kiên nhẫn. Nhưng mà lỡ đâu hoa không nở thì phải làm sao đây.
Tôi thật sự không đợi kịp, thế là bèn xin xỏ tiên sinh rất lâu, vòi tiên sinh cho tôi ăn mừng sinh nhật 20 tuổi trước. Tiên sinh thở dài một tiếng trong điện thoại, sau đó mang về cho tôi một cái bánh kem.
Tôi ngồi ở bên bàn. Tiên sinh nói tuy rằng hoa chưa nở nhưng có thể cho phép tôi ước thêm một điều. Nghe nói điều ước vào dịp sinh nhật đều sẽ trở thành hiện thực. Tôi hơi tham một tí, muốn ước ba điều cơ. Tôi lấy tờ giấy danh sách viết đầy ước nguyện trước kia ra, rất nhiều điều ước bên trên đều đã bị tôi gạch bỏ. Tôi lựa trái lựa phải vẫn không hài lòng.
Cuối cùng tôi chắp tay nhắm mắt lại, ước ba điều ước của tôi một cách trịnh trọng.
Tiên sinh ngồi ở đối diện mỉm cười nhìn tôi, khóe mắt anh hằn ra vài nếp nhăn: “Em ước điều gì?”
Tôi bĩu môi, đưa tay quẹt một ít kem bơ chấm lên chóp mũi tiên sinh: “Điều ước nói ra sẽ mất linh.”
Tôi mong tiên sinh sống lâu trăm tuổi.
Tôi mong tiên sinh sống lâu trăm tuổi.
Tôi mong tiên sinh sống lâu trăm tuổi.
Bánh kem rất ngán, tôi chỉ ăn một miếng rồi kéo tay tiên sinh muốn anh lấy tự cho tôi. Tôi muốn một cái tên đôi với tự của anh, nghe hay là được.
Tiên sinh lại nói, lấy tự phải làm tôn lên tài hoa, dung mạo và phẩm hạnh của chính người đó, không thể lấy một cách tùy tiện được.* Trong raw tác giả chỉ để tự làm tôn lên tài hoa dung mạo và phẩm chất, nhưng theo mình tìm hiểu thì việc lấy tự thường là phải có mối liên hệ chặt chẽ về ý nghĩa với tên húy (danh) nữa.
Tiên sinh nói ra những tên tự mà anh nghĩ ra cho tôi, nhưng mà một cái tôi cũng thấy không vừa ý. những cái tên này nghe không có hợp đôi với tên của tiên sinh tí nào cả.
Tôi chạy vào phòng ngủ lôi ra một tờ giấy mà mấy ngày trước tiên sinh để dưới vải trải bàn, trên giấy ghi chi chít một câu thơ.
Đổi lòng ta, thay lòng người, mới hiểu nỗi nhớ sâu đậm này.(2)(2) Nằm trong bài thơ 诉衷情 · 永夜抛人何处去 (Tỏ nỗi lòng – Đêm dài người đã vứt bỏ ta ở nơi nào?) của Cố Quýnh.  
Vĩnh dạ phao nhân hà xứ khứ? Tuyệt lai âm. Hương các yểm, my liễm, nguyệt tương trầm.
Tranh nhẫn bất tương tầm? Oán cô khâm, Hoán ngã tâm, vi nhĩ tâm, thuỷ tri tương ức thâm.
Dịch nghĩa: Đêm đằng đẵng chàng vứt bỏ ta tới nơi nào? Không có một chút tin tức. Cửa phòng khép chặt, hàng mày cau chặt, mặt trăng sắp lặn về phía tây. Sao có thể nén nỗi đau này không đi tìm chàng? Ta hận gối chiếc cô đơn này. Chỉ có thể đổi cõi lòng ta với trái tim chàng thì chàng mới biết được nỗi nhớ nhung này sâu đậm đến nhường nào.
Dịch thơ:
Đêm vắng bỏ ta đi biệt mãi
Bặt âm hao
Hương các khép
Mày nép
Trăng tà mau
Sao nỡ lãng quên lâu
Gốc ốm rầu
Thông cảm nhau
Hiểu lòng nhau
Mới thấy tưởng nhớ sâu
Nguồn: Nguyễn Chí Viễn, Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, NXB Văn hoá – Thông tin, 1996
Tôi khăng khăng muốn lấy chữ này. Tiên sinh không lay chuyển được tôi, cuối cùng cầm tay tôi viết xuống giấy hai chữ Ức Thâm, lại viết thêm tự của mình ở bên cạnh.
Hứa Hoài Trạch, Phùng Ức Thâm.
Tôi giơ tờ giấy kia lên ngắm cả buổi trời, thật là xứng quá mà, tên tự của tôi và tên tự của tiên sinh xứng đôi nhất trên đời!
10. 
Từ sau ngày lấy tên tự, tiên sinh đã không gọi tôi là Dư Xuyên nữa mà gọi là Ức Thâm.
Cửa phòng sách đã bị khóa, tôi đoán là tiên sinh lắp khóa. Anh để hết sách vào trong phòng tôi, tôi không vào phòng sách anh cũng không vào.
Khi ngồi ở cạnh giường, tôi nhỏm dậy vọc tóc tiên sinh mới phát hiện vài sợi tóc hoa râm ẩn giữa mái tóc, bèn vươn tay nhổ những sợi tóc bạc kia. Tôi nhìn mình trong gương, khuôn mặt vẫn mang dáng dấp thiếu niên, nhưng mà tại sao tiên sinh trẻ như vậy mà đã có tóc bạc rồi chứ. Tôi nghĩ hoài không hiểu, chỉ thấy con người quá cực khổ. Tôi quyết định sau này nhất định tới 9 giờ là phải quấn lấy bắt tiên sinh ngủ với tôi, bắt đầu cuộc sống dưỡng sinh sớm.
Hôm đó, tôi và tiên sinh ngồi trên ban công ngắm mặt trời lặn. Tiên sinh nắm tay tôi. híp mắt nhìn hoàng hôn nơi xa xa. Anh gọi tên tự của tôi bằng giọng điệu luôn dịu dàng êm ái.
“Ức Thâm à, trước kia anh luôn cho rằng mình có thể một thân một mình thoải mái sống thoải mái tới hết quãng đời còn lại. Nhưng mà bây giờ anh đã có điều quyến luyến, anh vẫn có thể thong dong, nhưng anh muốn cùng em đi đến cuối đời.”
Trong lòng tôi nói khẽ, em đồng ý.
Ánh tà dương sa xuống đường chân trời, sắc hoàng hôn còn sót lại biến mất trong ánh đèn neon, bóng cây xôn xao trong gió, chúng tôi ôm hôn nhau dưới sự chứng kiến của bầu trời đầy sao.
11. 
Tiên sinh đứng trước gương thật lâu, anh xoay đầu sang nói với tôi: “Ức Thâm, có phải là anh già rồi không?”
Dấu chân chim ở khóe mắt anh như thể không sao xóa được. Tôi nắm lấy tay tiên sinh, mới phát hiện đôi tay ấy cũng đã trở nên thô ráp hơn rất nhiều.
“Không có, tiên sinh vẫn luôn rất trẻ mà.”
Tôi lúc lắc đầu. Tiên sinh sao có thể già cơ chứ. Già đi là cái cây bên ngoài nhà, là cơn gió trên phố, là cơn mưa vào mùa hay ghé thăm nơi đây. Chúng nó già đi mà lại ghen ghét với sự dịu dàng của tiên sinh, cho nên mới lặng lẽ mang đi một phần thời gian của tiên sinh thôi.
Nhưng mà tại sao tôi không lớn chứ. Nếu như tôi dịu dàng đủ đến mức nào đó thì bọn nó cũng có thể cướp đi thời gian của tôi để tôi lớn lên cùng tiên sinh không.
12. 
Tiên sinh bắt đầu lẩn tránh không gặp tôi. Buổi sáng tôi chưa thức dậy anh đã ra ngoài, đến tối tôi ngủ rồi anh mới trở về. Anh vẫn làm đồ ngon cho tôi ăn, nhưng mà tôi chẳng thể gặp mặt anh được.
Tôi bèn ngồi trong phòng khách trông cửa, không ăn không uống không nhúc nhích cũng chẳng ngủ nghê, ngây ngốc ngồi hai ngày. Hai ngày tiên sinh không về. Lúc không còn chống đỡ nổi ngủ gục đi, tôi nghĩ có lẽ anh không cần tôi nữa rồi.
Đến lúc tỉnh giấc đã là đêm khuya, tôi lơ mơ mở mắt mới nhận ra có một người ngồi bên giường. Anh đã tóc hoa râm, vẫn dịu dàng như xưa, anh gọi khẽ tên tôi: “Dư Xuyên.”
Tôi khóc òa lên bật dậy ôm anh, chất vấn anh có phải không cần tôi nữa rồi không. Nếu không thì tại sao lại không chịu tới gặp tôi, tại sao phải bỏ tôi lại một mình ở đây. Tiên sinh không nói lời nào mà chỉ là vuốt ve lưng tôi, lần này anh không dỗ dành tôi nữa.
13. 
Mùa mưa lại tới nữa, tiên sinh nằm trên giường nhìn tôi. Anh không còn sức để ôm tôi vào lòng. Nếp nhăn phủ đầy trên mặt anh, đã không còn nhìn ra dáng vẻ ngày đầu gặp nhau nữa.
Nhưng chẳng sao cả, mặc kệ là tiên sinh của lúc nào tôi đều nhớ rõ, tôi đều rất yêu.
Tiên sinh mở mắt nhìn tôi, miệng khẽ động muốn nói gì đó. Tôi ghé tai qua, chỉ nghe tiếng gió thoáng qua. Tiên sinh đi rồi, ngay cả một câu nói cũng không chịu để lại cho tôi.
Hoa mà tiên sinh bảo tôi trồng cuối cùng đã nở rồi.
Tôi chôn tiên sinh ở công viên dưới lầu, trồng cây hương thảo đã ra hoa kia vào ụ đất bên cạnh để nó thay tôi trông nom tiên sinh. Chờ sau này tôi trăm tuổi sẽ cùng chôn chung một mộ với tiên sinh.
14. 
Tôi suy sụp nhiều ngày mới nhận ra rằng từ sau khi tiên sinh đi rồi, cảnh hoàng hôn đẹp đẽ ngày ấy không còn nữa, đêm khuya lặng gió, bầu trời u ám.
Lúc tôi thu dọn di vật của tiên sinh, tìm ra được một chùm chìa khóa. Đó là chìa khóa cửa phòng sách. Tôi tra chìa vào ổ khóa, nghe tiếng đồng hồ tích tắc. Sau khi đến đây tôi chưa từng nghe thấy tiếng đồng hồ bao giờ. Lúc này tiếng đồng hồ kia ngập tràn trong không khí tựa như là đang đếm ngược.
Trên bàn có để một quyển sách và một bức thư.
Tôi lật quyển sách kia ra xem, trên bìa sách là nét chữ thanh tú của tiên sinh. Tôi mở thư ra, thế giới đang lặng lẽ tan biến thành từng hạt cát bay tràn vào trong thư.
15. 
Gửi tới vợ anh, Ức Thâm:
Mong khi em mở lá thư này tất cả đều ổn.
Kẻ hèn này tên Hứa Kiến Sơn, ra đời năm 1900, biết một ít thơ ca văn chương, tính nết gàn dở, một thân một mình. Nhưng được trời cao chiếu cố, cho anh sống tới trăm tuổi, lại vào lúc hấp hối sắp ra đi đã đưa anh đến nơi này, quay lại thời trai trẻ và gặp được em.
Mà lòng anh lại mang tư tâm khóa cửa phòng sách lại, chỉ muốn giữ em lại bên mình nhiều thêm một chút. Xin vợ anh đừng trách.
Đời này Kiến Sơn gặp được em là đã đủ.
Mong rằng cả đời còn lại của vợ anh luôn vui vẻ.
Hứa Hoài Trạch.
Tiên sinh thật là ngốc quá, cũng không phải là điều ước ngày sinh nhật, làm sao có thể thực hiện được chứ. Tôi đưa tay lên, không biết từ khi nào trong tay tôi siết chặt một cái đồng hồ, tích tắc tích tắc, thời gian đếm ngược đến cuối cùng. Tôi nhớ ra rồi, tôi đã chết trong trận lũ lụt do mùa mưa kia ở Giang Nam năm tôi 19 tuổi.
16. 
Tôi tên Phùng Dư Xuyên, sinh vào cuối năm 2000. Vào năm tôi 19 tuổi đến Giang Nam du học, gặp phải cơn lũ do mùa mưa, không may mắn tránh khỏi.
Vào lúc sắp chết, tôi rơi vào trong một giấc mộng đẹp. Trong mơ tôi đã sống một cuộc sống lãng mạn êm đềm với một người của trăm năm trước. Anh cho tôi hoa, một cái tên tự xứng với anh. Anh cũng cho tôi một lá thư tỏ rõ đáy lòng, cho tôi một người yêu đến chết cũng không thay đổi, cho tôi một ngôi nhà mà tôi chẳng thể nào quay về.
17. 
Người yêu dấu hỡi, hãy vượt qua con sông ấy và xuyên qua thời gian để yêu em nhé.
- Hoàn-

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.