Bảy Thanh Hung Giản

Chương 1: Chương dẫn




Trùng Khánh, bia Giải Phóng.
Vạn Phong Hỏa đi tới khu vực phồn hoa bậc nhất Trùng Khánh, bước chân nhàn nhã, không nhanh không chậm, thong thả lướt qua những ngọn đèn hiện đại lấp lánh, rực sáng trước mặt tiền các cửa hàng, cũng lướt qua vô số những em gái mặt trắng xinh đẹp của Trùng Khánh.
Tay phải y xách một cái lồng chim, vốn chỉ tiện tay mang theo, giờ ý thức được càng ngày càng có nhiều ánh mắt nhìn theo sau lưng, ngón tay y bỗng cong lại kết thành dáng hoa lan.
Hành động này chẳng liên quan gì đến xu hướng tính dục hay đầu óc có bình thường hay không hết, hoàn toàn chỉ là nổi hứng nhất thời, theo lời y nói, đó gọi là cảm hứng hài hước.
Người đi xung quanh đều dừng chân lại nhìn y, còn có người lấy cả điện thoại di động ra để chụp, y nghe thấy có kẻ xì xào bàn tán phía sau: “Cosplay hả? Ông chú kia đã từng ấy tuổi, còn mê trò này sao?”
Vạn Phong Hỏa hừ một tiếng qua lỗ mũi, đúng là đồ nhóc con thiển cận, ai thèm chơi cosplay với mi?
Con chim hoàng yến trong lồng tre cũng nhảy lên nhảy xuống, bày tỏ cùng một sự bức xúc với y.
Giây tiếp theo, đi qua một cửa hiệu trang phục dành cho nam nổi tiếng thế giới, phía sau cửa kính là một manơcanh nam cao lớn quyến rũ, cằm hất lên một góc 45 độ, tay phải khẽ vạch cổ áo của chiếc vest đắt tiền, phơi bày cho người xem lồng ngực bằng nhựa đầy gợi cảm và quyến rũ, mà trên mặt kính thì lại rất khôi hài mà hiện ra bộ quần áo của Vạn Phong Hỏa.
Y mặc một chiếc áo khoác ngoài vạt đối cổ tròn, tay áo rộng, trường bào xẻ tà, giày vải bố, nếu như đội thêm một chiếc mũ quả dưa và đeo một cặp kính râm mắt tròn, thì trông sẽ giống y như một ông già lòng dạ xảo trá quản phòng sổ sách, nhưng thay vì hai cái đó y lại xách lồng chim, khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến đám con em hoàng tộc Bát Kỳ dưới ngòi bút của Lão Xá (*), khi biết không thể cứu vãn được Đại Thanh nữa thì chuyển sang sa đọa vào nuôi ưng chọi chim.
(*) Lão Xá (1899-1966), tên thật là Thư Khánh Xuân, tự Xá Dư, là một văn sĩ Trung Hoa. Ông viết nhiều tiểu thuyết về đề tài học sinh, trí thức và thị dân, nhất là về cuộc sống ở Bắc Kinh. Tác phẩm tiêu biểu của ông gồm các tiểu thuyết “Lạc đà đường tử”, “Tứ đại đồng đường”, “Miêu thành ký” và vở kịch “Trà quán”.
Đương nhiên, Vạn Phong Hỏa sẽ tuyệt không bao giờ nghĩ như thế.
Y cảm thấy, điều này thể hiện một thái độ, một cảnh giới, phần nào hé lộ ra một khí chất riêng biệt đầy bễ nghễ của tầng lớp vương công quý tộc, nếu thần thái, động tác không siêu phàm thoát tục như vậy thì làm sao mà xứng được với nghề nghiệp khác người của y?
***
Vạn sự trên đời đều có nguyên do, nghề của Vạn Phong Hỏa kỳ thực có lai lịch từ xa xưa, y thường nói với mọi người, nghề của tôi cũng có ông tổ đấy.
Ông tổ nghề tên là Bách Hiểu Sinh, người viết nên cuốn “Khí giới phổ”, có mạng lưới quen biết rất rộng, tin tức nhanh nhạy, người đời gọi là “mật thám”.
Mật thám, một nghề nghiệp cổ xưa biết bao, bởi vì lòng người còn chứa một dạ dày, nụ cười còn có thể giấu dao, sự thật vốn trăm xoay nghìn chuyển, muôn hình vạn trạng, thúc đẩy tạo ra lượng nhu cầu vẫn luôn vô cùng vô tận cho cái nghề này.
Vạn Phong Hỏa trời sinh đã là nhân tài trong nghề, sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của y mãnh liệt đến mức không ai hiểu nổi, cứ nghĩ đến chuyện một tin tức tầm phào có thể mua vào với giá thấp rồi bán ra với giá cao, thậm chí đem cho nhiều người đấu giá, có thể khuấy đục một ao nước sạch, đảo điên vô số vận mệnh, y liền kích động mà bừng bừng máu nóng, đứng ngồi không yên.
Yêu nghề đến nỗi y đổi luôn tên thành “Phong Hỏa” – một trong những hình thức truyền báo tin tức xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.
Đương nhiên, miếng bánh ngọt thị trường to như vậy, bất kỳ kẻ nào hay tổ chức nào nếu muốn độc chiếm đều sẽ bội thực mà chết, vậy nên Vạn Phong Hỏa rất tỉnh táo mà thận trọng chọn cho mình một mảng thị trường riêng.
Chính phủ, quân đội, ngoại giao, tư bản, tài chính, những lĩnh vực kiểu này y hoàn toàn không dính dáng đến.
Y chỉ buôn một loại tin tức duy nhất.
Tin tức giang hồ.
Đôi lúc, đám thanh niên sẽ tranh luận với y, trong từ điển của bọn họ, giang hồ = cổ trang = võ lâm, chỉ tồn tại trong phim điện ảnh và truyền hình, hoặc là trong tiểu thuyết, vào cái thế kỷ hai mươi mốt bùng nổ kỹ thuật số thế này, hai chữ giang hồ so với chiếc áo khoác và trường bào trên người y còn cổ xưa hoang đường hơn.
Thế nhưng Vạn Phong Hỏa lại cảm thấy, có người tức là có giang hồ, xưa nay vẫn vậy, chẳng qua là thay đổi thành một kiểu phương thức khác mà thôi.
Ví dụ như thời cổ đại thì cưỡi ngựa tung hoành nơi chân trời, còn bây giờ thì đổi thành lái xe ngang dọc khắp thế giới, xe rởm thì là ngựa kém, xe sang thì là hãn huyết bảo mã, hay ví dụ như thời cổ đại một lời không hợp thì lật bàn gây gổ, bây giờ không vừa lòng thì đem bàn phím ra phang nhau, bản chất đều là một cả.
Có lẽ từ giang hồ này nghe hơi dạt dào phong vị cổ phong quá, nếu đổi thành một từ nào đó khác tương đương, kiểu như “river-lake”, thì đám thanh niên hẳn sẽ dễ hiểu hơn.
***
Vạn Phong Hỏa xách lồng chim, leo lên cái cầu thang bẩn thỉu dẫn lên quán lẩu Lão Cửu trên tầng hai, chiếc đồng hồ gắn trên tường hiển thị đang là mười giờ rưỡi sáng, hoàn toàn không phải giờ ăn cơm, nhưng điều này cũng chẳng hề ảnh hưởng gì tới việc lúc này trong quán đã rôm rả tiếng người.
Dân Trùng Khánh cực kỳ thích ăn lẩu, bất kể tiết trời nóng lạnh hay thời gian sớm muộn, trở thành một tập quán lâu đời.
Vạn Phong Hỏa ngồi xuống một góc khuất, mặt bàn gỗ chồng chéo những khe hở nứt nẻ, bám đầy dầu mỡ, lớp dầu mỡ này hẳn cũng không phải ngày một ngày hai mà thành, giống như hóa thạch vậy, từ tầng tầng lớp lớp mà nghiên cứu ra được niên đại.
Y gọi một nồi lẩu chín ô, hai đĩa dầu đầy ắp, chín món mặn chín món chay, bày đầy một bàn, bác gái phục vụ ngoáy bút như bay, trên tờ ghi món chằng chịt nét mực, còn không quên tán gẫu với khách: “Bộ đồ của vị đại ca đây thật hiếm thấy.”
Vạn Phong Hỏa chọc đũa qua lớp dầu trong nồi: “Tôi là người hoài cổ, thích mấy thứ cũ kĩ, mấy cái đồ chơi hiện đại ấy à, chói tai chói mắt lắm.”
Bác gái phục vụ rất có tinh thần nghề nghiệp: “Đại ca khi trả tiền chắc cũng không thích quẹt thẻ nhỉ? Bình thường hẳn đều trả tiền mặt cả rồi.”
Chỉ là thuận miệng hỏi một câu, cũng không thật sự để tâm đợi y đáp lời, Vạn Phong Hỏa còn chưa mở miệng, thím ấy đã gấp gáp cầm bình giấm đưa sang bàn khác.
***
Nồi lẩu cuối cùng cũng sôi, hương thơm tỏa khắp, chim hoàng yến không biết có phải là cũng muốn ăn hay không mà cứ nhảy loạn lên trong lồng, Vạn Phong Hỏa chẳng ngó ngàng gì đến nó, rất tao nhã dùng đũa gắp thức ăn.
Lẩu chín ô đương nhiên là ngon tuyệt. Từng món từng món được thả vào, món trước món sau thả không quá liền nhau, như vậy sẽ không đến nỗi khi gắp lên cái sống cái chín. Váng đậu đều đặn mỏng tang, bỏ vào nước lẩu một loáng là ăn được, cầm đũa vớt lên, lại nhúng qua đĩa dầu, phủ lên một lớp dầu vừng óng ánh, cho vào miệng.
Đang ăn hăng say, phía đối diện chợt có người ngồi xuống.
Dù cách một làn hơi nước dày đặc, Vạn Phong Hỏa vẫn nhìn được rất rõ, đó là một người phụ nữ đứng tuổi thân hình mảnh khảnh, mặc đồ đen, tư thế ngay ngắn, mặt dài, lông mi lưa thưa như cánh rừng bị chặt phá già nửa, nhìn kỹ một chút là có thể thấy những khoảng đất trần trụi.
Vạn Phong Hỏa bất giác ngồi thẳng lưng hơn.
Người ta nói thời cổ đại mỗi lần đánh giặc, nếu người nắm giữ ấn soái là phụ nữ hoặc trẻ con thì càng không thể khinh thường, tương tự như vậy, nếu người tới là phụ nữ hoặc trẻ con, Vạn Phong Hỏa đều sẽ xem trọng hơn đôi chút.
“Chị Sầm Xuân Kiều? Đến mua hay đến bán?”
“Anh là quản lý hay chân chạy việc?”
Hai người gần như chẳng phân biệt được trước sau, đồng thời cất tiếng hỏi, sau khi hỏi là vài giây tẻ ngắt, chỉ có mặt nước trong nồi lẩu là không ngừng nảy lên ùng ục.
Vạn Phong Hỏa cười ha hả: “Đã là xã hội hiện đại rồi, mọi người đều bình đẳng, quản lý hay chân chạy việc mà chẳng giống nhau, đáng tin là được.”
Sầm Xuân Kiều nhìn y chòng chọc một hồi: “Đến bán.”
Lại hạ giọng: “Là một vụ án không có đầu mối xảy ra vào hơn hai mươi năm trước.”
Vạn Phong Hỏa theo lệ mà nói quy tắc làm việc cho bà: “Trình độ điều tra của hai mươi năm trước, chịu hạn chế khách quan về mặt kỹ thuật, phỏng chừng có không ít những vụ án chưa được giải quyết. Vụ này của chị, phải xem xem có cung cấp được manh mối có giá trị gì hay không. Chị hẳn cũng biết, chỗ chúng tôi sẽ không đặt tiền cọc trước, phải để các đồng nghiệp xem thử trước một chút xem bên kia có hứng thú không, muốn ra giá bao nhiêu. Tin tức ấy mà, chị phải hiểu là nồi nào úp vung nấy, tìm được đúng người mới có đúng giá.”
Nói xong thấy hơi khô miệng, y ngoắc tay gọi người phục vụ lại, gọi thêm một bình trà lạnh.
Ban nãy người phụ nữ kia hỏi y là chân chạy việc hay quản lý, là có ý coi thường y. Nếu như đặt vào bối cảnh truyện kiếm hiệp, y chưa chắc đã là chưởng môn nhân nhưng cấp đà chủ đường chủ gì đó thì cũng tới rồi đấy.
Lẽ ra chuyện xuất đầu gặp khách này không đáng để y tự ra mặt lắm, nhưng thời buổi này không phải là đang thịnh hành kiểu gần gũi với quần chúng sao, đến Tập chủ tịch còn vào quán bình dân ăn bánh bao nữa là. Vạn Phong Hỏa cân nhắc đôi chút, thấy tự mình dăm bữa tới gặp khách hàng thì cũng giống như tỷ phú Jack Ma lâu lâu nổi hứng đạp xe làm một chuyến chuyển phát nhanh thôi.
Sầm Xuân Kiều gắp rau thơm và hành cọng, nhúng vào đĩa dầu, đảo theo chiều kim đồng hồ ba vòng, lại đảo ngược chiều kim đồng hồ ba vòng, chỉ đảo qua đảo lại chứ không gắp bỏ vào nồi.
Vạn Phong Hỏa tỏ vẻ ân cần: “Đừng khách khí, cứ ăn đi.”
“Chỗ chúng tôi chỉ ăn tương, không quen chấm dầu.”
Rõ ràng là đang sách nhiễu, có điều làm cái nghề này, khách hàng dở quẻ kiểu nào mà chẳng từng gặp rồi, Vạn Phong Hỏa cũng không để bụng, thuận miệng hỏi một câu: “Chị là người ngoài bắc à?”
Sầm Xuân Kiều hỏi một đằng đáp một nẻo: “Phương bắc có hồ Lạc Mã, anh từng nghe đến chưa?”
Trung Quốc rộng như vậy, mấy cái địa phương sông hồ nho nhỏ y làm sao biết hết được? Vạn Phong Hỏa toan lắc đầu, Sầm Xuân Kiều lại nói tiếp.
“Hơn hai mươi năm trước, ở bên hồ có một gia đình ba người, là một cặp vợ chồng làm nghề giáo sống cùng đứa con gái chừng hai mươi tuổi, cả ba đều bị giết rất thảm, máu lênh láng đầy cả một phòng, khi cảnh sát chạy đến nơi, một bước cũng không có chỗ đặt chân.”
Vạn Phong Hỏa ừ một tiếng, lại là hiện trường án mạng à, tin tức về mấy vụ án hầu hết đều là loại này cả, y vớt mấy cọng cải cúc và rau ngải đã bị nấu nhừ lên, trong lòng thầm luẩn quẩn cái tên “hồ Lạc Mã” này, hình như thực sự đã từng nghe ở đâu đó.
“Chuyện này cũng không có gì quá ly kỳ, ly kỳ là ở chỗ ba người nhà đó, tứ chi, thân mình và cả đầu đều bị người ta xuyên dây qua, không phải là sợi dây thông thường, mà là dây câu cá. Bên hồ Lạc Mã có không ít ngư dân sinh sống.”
Vạn Phong Hỏa gắp một miếng bì bò, đang định cho vào miệng, lại từ từ bỏ xuống.
Sầm Xuân Kiều dường như không để ý đến, xuất thần nhìn đăm đăm vào nồi lẩu đang sôi sùng sục, cứ như trong đó đang hiện lên hình ảnh trong đầu bà.
“Bốn mặt tường đều đóng đầy đinh, những sợi dây đó một đầu gắn vào thân thể của ba người, đầu còn lại buộc vào đinh, đem ba cái xác dàn thành một cảnh tượng rất chân thực. Đó là cảnh một người ôm mặt, dường như đang trốn tránh, một người khác trong tay cầm dao, nhe răng cười hung tợn, tư thế như đang sắp chặt xuống, người thứ ba thì đứng bên cạnh giơ hai tay lên kéo lại, như đang khuyên can.”
Vạn Phong Hỏa đột nhiên cảm thấy môi mình khô róc, bèn nuốt vài ngụm nước miếng.
Sầm Xuân Kiều híp mắt lại, tựa như đã hoàn toàn đắm chìm vào những lời trần thuật của mình: “Người ta nói những sợi dây chăng trong hiện trường, ước chừng phải lên đến hàng trăm sợi, nhìn qua cứ như mạng nhện. Vẻ mặt của mỗi xác chết đều rất sinh động, tỷ như người nổi giận thì trợn tròn mắt, có hai sợi dây kéo mi mắt của người đó, lại tỷ như nhe răng cười, các nét cơ ở đuôi mắt và khóe miệng rất khớp với nhau. Cảnh sát nhấc bàn tay ôm mặt của người kia ra, nhìn thấy chỗ che đi bị khoét một lỗ hổng lớn.”
Bà dừng lại ở đó, không kể tiếp.
Vạn Phong Hỏa từ trong cơn run sợ hồi thần lại, dường như ý thức được điều gì, tay mò vào túi áo khoác ngoài lục lọi.
“Tiền cọc trước là hai vạn, giá sau này chúng ta sẽ thương lượng sau… Chị Sầm ở đâu vậy, hay là đến nhà khách bên chúng tôi ở đi, như vậy sẽ tiện liên lạc hơn…”
Đang nói dở, y móc ra một chiếc iPhone 6: “Đặt tiền luôn nhé? Trực tiếp… Hay là chuyển khoản?”


Bonus hình lẩu chín ô, nguyên văn là “九宫格火锅 (cửu cung cách hỏa oa)”:

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.