Bước qua cánh cửa ngôi trường đại học Bắc Kinh, Liễu Địch phát hiện cô tiến vào một thế giới hoàn toàn mới mẻ.
Cô không biết Yến Viên (Yến Viên: Khuôn viên đại học Bắc Kinh, nằm ở phía Tây thành phố Bắc Kinh) lại rộng lớn như vậy, hồ Vị Danh sương khói mờ mịt, quanh bờ cây cối xanh ngát, các khu giảng đường trung tây kết hợp, khu nhà ở tao nhã đẹp đẽ như vậy.
Có lẽ người dân sống lâu đời ở Bắc Kinh cũng chưa chắc đã đi hết khu vực này, từ các dãy nhà cổ kính trang nghiêm như cung đình đến khu biệt thự nằm trong vườn cây rợp bóng.
Liễu Địch không biết Yến Viên có đông nhân tài như vậy. Một ông già trông rất bình thường đi thong thả trong sân trường có thể là một nhân vật được kính trọng của giới học thuật. Bạn cùng phòng ký túc xá có thể là "trạng nguyên" của một tỉnh nào đó. Nơi này tụ tập anh tài của cả nước, nơi này có nền giáo dục tốt nhất. Ở đây, không ai dám tự xưng là "thiên tài", cũng chẳng có người nào dễ dàng chịu thua. Ai nấy đều cố gắng học tập, âm thầm đọ sức.
Liễu Địch không biết bầu không khí học thuật ở Yến Viên lại tự do và nồng đậm như vậy. Ở nơi này, các loại tư tưởng, các loại quan điểm, các loại bè phái, các loại phương pháp đều có đất dụng võ. Bạn có thể tự do phát biểu quan điểm của bạn, tự do lựa chọn phương pháp học tập thích hợp, tự do phát huy tài năng của mình. Thái Nguyên Bồi tiên sinh từng đề xướng và xác lập phong cách "thu gom tất cả" của nhà trường, đến bây giờ vẫn được áp dụng. Sinh viên có thể không lên lớp, nhưng rất hiếm người lười biếng, ai nấy đều nỗ lực, đầu óc không ngừng tư duy. Trong trường hầu như ngày nào cũng dán thông báo về các buổi báo cáo học thuật và tọa đàm. Đến buổi tối, thư viện đèn đóm sáng trưng, cả tòa nhà thư viện như con thuyền lớn lướt qua ngọn sóng trên mặt biển tối đen để tiến về phía trước...
Liễu Địch kinh ngạc, cảm thán và hưng phấn vô cùng. Cuối cùng cô cũng có thể lý giải câu nói của thầy Chương, đây là thánh đường của tinh thần và tri thức nhân loại. Cô như một đứa trẻ lang thang, đột nhiên lạc vào thánh đường kỳ diệu này, khiến cô nhất thời rối mắt và luống cuống. Tuy không thể lập tức lĩnh hội tinh túy của Bắc Đại, nhưng Liễu Địch hoàn toàn say mê. Bắc Đại là nguyện vọng lớn nhất của cô, ngôi nhà của cô.
Liễu Địch sốt sắng lao vào vòng tay của Bắc Đại, ra sức hấp thu tri thức. Cô nhanh chóng tìm thấy cảm giác mà thầy Chương từng nhắc tới: như cá gặp nước.
Trong niềm hưng phấn và say mê tột độ, Liễu Địch không vội đi tìm giáo sư Tô Văn. Nhưng ngày thứ ba sau khi nhập học, giáo sư Tô Văn đã tự tìm đến cô. Thế là Liễu Địch đi theo giáo sư về nhà ông, "Trúc Ngâm Cư" nằm trong khu Kính Xuân Viên của Bắc Đại.
Kính Xuân Viên nằm bên cạnh Lãng Nhuận Viên, hai khu vực này có diện tích mặt nước khá lớn, ở đây xuất hiện nhiều cây cầu bằng đá nối liền nhau, tạo thành vẻ đẹp hoang sơ. Trong Kính Xuân Viên đều là những ngôi nhà thấp, nằm xen lẫn lùm cây xanh, giống như phong cảnh thị trấn nhỏ thơ mộng ở Giang Nam.
Bên trong Kính Xuân Viên còn có ao sen. Nhìn những đóa sen màu hồng nổi bật trên phiến lá xanh, Liễu Địch bất chợt nhớ đến tản văn "Ánh trăng bên hồ sen" của Chu Tự Thanh. Không biết ánh trăng ở ao sen này có đẹp như bài văn đó. Nhà của giáo sư Tô Văn tọa lạc ở một rừng trúc nhỏ đằng sau ao sen.
Vừa đi vào rừng trúc, Liễu Địch liền cảm thấy ánh sáng tối dần. Trên lối đi trải đầy những hòn đá vụn. Dưới tán trúc dày đặc, đến hòn đá cũng được nhuộm một màu xanh trong suốt. Gió thổi qua lá trúc, phát tiếng kêu xào xạc. Nơi tận cùng thấp thoáng mấy ngôi nhà ngói màu xám và tường màu trắng. Bức tường trắng có một cánh cửa gỗ nhỏ, màu đỏ thẫm. Bên trên cánh cửa viết ba chữ ngay ngắn: "Trúc Ngâm Cư". Hai bên dán câu đối: "Nhàn xứ huề thư hoa hạ tọa, hưng lai đắc câu trúc gian ngâm"(Đại ý: Nhàn rỗi cầm sách ngồi dưới hoa, hứng thú đến được câu Trúc gian ngâm), người viết là "Hải Thiên kính đề". Liễu Địch bất giác thầm cảm thán: " Câu đối hay quá! Chữ đẹp quá! Tên người rất tuyệt!".
Đi vào cổng, Liễu Địch phát hiện bên trong là cái sân tương đối lớn. Trong sân có một đình nhỏ, mái vàng cột đỏ. Trên cây cột cũng treo một câu đối giấy đen chữ vàng: "Số can tu trúc thất gian ốc, nhất tịch thanh phong vạn hách vân"(Đại ý: Trong khu rừng trúc có bảy gian nhà, trên trời gió mát vạn rãnh mây). Liễu Địch lại cảm thán: "Rất có khí phách!". Cô nhìn kỹ, người viết câu đối vẫn là "Hải Thiên kính đề".
Trong sân nhỏ đúng là có bảy gian nhà mái bằng, phía đông và tây có hai gian nối liền nhau, ba gian phòng chính còn lại là phòng khách, phòng uống trà và thư phòng. Bảy gian nhà được nối với nhau bằng hành lang dài. Trước mỗi cửa phòng đều trồng hai cây hải đường tứ phủ rất lớn.
Một điều khiến Liễu Địch ngạc nhiên là ngoài nhà bếp, sáu gian phòng còn lại đều được đặt những cái tên tao nhã và treo câu đối tương ứng. Phòng chính giữa gọi là "Nhã Tập Đường", phòng uống trà bên cạnh có tên "Trà Tiên Cốc Vũ", thư phòng gọi là "Kim Thạch Ốc". Phòng ngủ của vợ chồng giáo sư Tô Văn là "Thê Thê Lư"...
Liễu Địch vừa xem, vừa đọc, vừa thưởng thức, cô không khỏi thán phục tài năng của chủ nhân ở nơi đây. Cô chú ý, người viết các câu đối đều là "Hải Thiên". Hải Thiên là ai? Liễu Địch thầm nghĩ, người có tên Hải Thiên nhất định là người tài hoa và có học vấn. Nhưng người đó có mối quan hệ như thế nào với giáo sư Tô?
Sau đó, giáo sư Tô đưa Liễu Địch tới gian phòng ở phía Tây. Phòng ngủ ở đó có tên "Sảng Ấp Trai", phòng bên cạnh có tên khiến Liễu Địch giật mình "Hải Thiên Thư Ốc"(Phòng sách của Hải Thiên).
Liễu Địch không nhịn nổi, quay người hỏi giáo sư Tô Văn: "Giáo sư, Hải Thiên là ai vậy ạ? Nhất định có quan hệ thân thiết với giáo sư đúng không ạ?"
"Tất nhiên!" Bác gái Tô ở bên cạnh nở nụ cười hiền từ: "Đó là con trai của hai bác."
"Hả? Hóa ra con trai của giáo sư." Liễu Địch bỗng hiểu ra vấn đề. Chả trách Hải Thiên tài hoa xuất chúng như vậy. Chỉ qua những câu đối và chữ viết, Liễu Địch có thể đoán đó là người am hiểm văn học cổ điển, có tâm hồn cao quý, thì ra được di truyền từ giáo sư Tô Văn. Liễu Địch đột nhiên nảy sinh lòng ngưỡng mộ với Hải Thiên, cô rất muốn gặp chàng trai "Hải Thiên" đó.
"Anh ấy đang ở đâu ạ? Có ở Bắc Kinh không ạ?" Liễu Địch hỏi thăm dò.
"Không, con trai bác không ở Bắc Kinh, nó làm việc ở tỉnh khác." Giáo sư Tô Văn trầm ngâm: "Hai gian phòng này vốn là của Hải Thiên. Bây giờ nó không ở đây, hai gian phòng để trống mấy năm rồi." Ngữ khí của ông có vẻ buồn bã, ánh mắt ông dừng lại ở tấm biển đề "Hải Thiên Thư Ốc", chắc là ông đang nhớ người con trai ở phương xa.
Sau đó, giáo sư Tô đột nhiên quay sang Liễu Địch, ông cất giọng nhiệt tình và chân thành: "Liễu Địch, con hãy dọn đến đây sống đi. Dù sao hai gian phòng này cũng bỏ trống, chi bằng con đến ở với hai bác. Hai bác sẽ chăm sóc con."
Liễu Địch ngẩn người, cô không ngờ giáo sư Tô lại đưa ra đề nghị này. Cô mới chỉ gặp giáo sư Tô hai lần, làm sao có thể nhận sự quan tâm yêu thương của ông?
Liễu Địch vội vàng từ chối: "Không cần đâu ạ, không cần làm phiền hai bác đâu ạ..."
"Phiền gì chứ?" Bác gái Tô tiếp lời. Bà có khí chất cao quý nhưng rất hiền từ và nhiệt tình. Nụ cười của bà rạng rỡ đến tận khóe mắt: "Liễu Địch, bác và con tuy lần đầu tiên gặp mặt, nhưng bác không coi con là người ngoài. Lần trước, bác Tô của con về đến nhà liền kể ngay với bác, ông ấy vừa nhìn thấy con đã thích con ngay. Âu cũng là duyên phận. Con thử nghĩ xem, cả nước có bao nhiêu người thi vào Bắc Đại, vậy mà mỗi bài thi của con xảy ra vấn đề, người đi điều tra lại chính là bác Tô của con, lúc điều tra còn tình cờ gặp..." Bác gái Tô im lặng một hai giây rồi nói tiếp: "Trùng hợp như vậy, chúng tỏ con và chúng ta rất có duyên đúng không? Ngôi nhà này lớn như vậy, Hải Thiên không biết bao giờ mới quay về. Mấy năm nay chỉ có hai ông bà già này trông nom bảy gian nhà, lạnh lẽo và cô độc biết bao..." Thanh âm của bác gái Tô bỗng trở nên thê lương và nặng nề: "Hai bác rất hy vọng có ai đó sống cùng hai bác, để hai bác cảm thấy không khí gia đình thật sự."
"Đúng đấy, Liễu Địch." Giáo sư Tô Văn nhìn Liễu Địch bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương. Giọng nói của ông trịnh trọng, chân thành và chua xót: "Nếu con không không chê, con hãy coi nơi này là ngôi nhà ở Bắc Kinh của con, con hãy coi hai bác là bố mẹ ở Bắc Kinh của con."
Liễu Địch cảm động nhìn hai ông bà già tóc bạc trắng. Ánh mắt buồn bã và sự nhiệt tình của họ khiến cô không thể tiếp tục từ chối.
Thế là Liễu Địch trở thành "khách quen" của Trúc Ngâm Cư. Nói thật, tuy Liễu Địch rất yêu Bắc Đại, nhưng môi trường vệ sinh vừa bẩn vừa loạn ở ký túc xá khiến Liễu Địch phát sợ. Vì vậy, cô cứ cách hai ba ngày lại chạy đến Trúc Ngâm Cư. Hai ngày nghỉ cuối tuần, cô ở lì cả ngày. Cuối cùng, giáo sư Tô cũng có thể thuyết phục Liễu Địch dọn đến "Sảng Ấp Trai". Ông nói: "Cả hai gian phòng ở phía Tây đều thuộc về con, con có thể sử dụng đồ đạc và sách vở tùy ý, Hải Thiên sẽ không tức giận đâu. Chỗ nó ở bây giờ cũng có rất nhiều sách."Vì vậy, hai gian phòng ở phía Tây trở thành thế giới của Liễu Địch.
Khi mới dọn vào "Sảng Ấp Trai", Liễu Địch có một cảm giác xa xỉ. Không phải bởi vì gian phòng này xa hoa lộng lẫy. Ngược lại, "Sảng Ấp Trai" rất đơn giản. Tường quét vôi màu trắng, nền xi măng sạch sẽ, cửa sổ lớn khiến căn phòng tràn ngập ánh sáng. Bên ngoài cửa sổ đều là cây trúc. Buổi trưa, ánh nắng chiếu qua lá trúc lấp lánh. Bên cửa sổ là một bàn sách, trên bàn là một ngọn đèn làm bằng thân cây trúc. Một chiếc giường gỗ kê sát vào bờ tường, vỏ chăn màu xanh lục nhàn nhạt được thêu tay bốn con tiên nga, sải cánh dài trên tầng mây. Trên tường treo một bức tranh vẽ cây trúc đen rất sống động. Bức tranh không có tiêu đề, cũng không đề tên người vẽ, nhưng xem ra là tác phẩm của chủ nhân gian phòng này.
Đúng vậy, nơi này rất mộc mạc giản dị, nhưng lại toát ra vẻ cao nhã, khiến con người có cảm giác hòa nhập vào thiên nhiên. Liễu Địch rất thích màu xanh lục mát mắt của gian phòng. Buổi tối nằm trên giường, nghe giai điệu của lá trúc, ngắm nhìn hình bóng của cây trúc và cây hải đường giao nhau trên tấm rèm cửa màu xanh nhạt, Liễu Địch mới hiểu hết hàm nghĩa của hai từ "Sảng Ấp"(mát mẻ). Những lúc như vậy, cô bất giác cảm thán trong lòng: "Người viết ra những câu đối tuyệt tác như Hải Thiên, không biết là bậc kỳ tài như thế nào?"
Sau khi khám phá "Hải Thiên Thư Ốc", sự ngưỡng mộ của Liễu Địch về "kỳ tài" Hải Thiên càng tăng thêm mấy phần.
"Hải Thiên Thư Ốc" là một phòng sách nhỏ. Bên trong ngoài một cái bàn và một cái ghế, bốn bề đều là giá sách. Liễu Địch phát hiện, sở thích đọc sách của Hải Thiên khác thầy Chương. Ở đây đa phần là sách tôn giáo, chính trị, địa lý...Những loại sách này gần như vắng bóng trên giá sách của thầy Chương.
Ngoài ra, nơi này không có một cuốn liên quan đến văn học, văn học cổ điển, văn học hiện đại hay những tác phẩm vô danh mà người nước ngoài thích sưu tầm. Không như giá sách của thầy Chương, đều là tác phẩm kinh điển.
Nhưng cũng khó trách, giáo sư Tô chuyên nghiên cứu văn học cổ điển, "Kim Thạch Ốc" của ông có rất nhiều sách văn học cổ điển nên con trai ông cần gì sưu tập mấy thứ đó. Liễu Địch tùy tiện mở ra xem, cô phát hiện mỗi cuốn sách đều có gạch chân những câu cần nhấn mạnh hay viết lời nhận xét. Liễu Địch thấy nét chữ quen quen, nghĩ kỹ mới nhận ra giống chữ viết trên các câu đối ở Trúc Ngâm Cư, đều là bút tích của Hải Thiên. Liễu Địch không thể tưởng tượng, một người còn trẻ tuổi sao có thể đọc nhiều sách như vậy?
Sau đó, Liễu Địch tình cờ phát hiện ở một góc giá sách một quyển có tên gọi "Hải Thiên kỳ ngữ". Đó là một cuốn sách không dày không mỏng, Liễu Địch xem ngày tháng, cuốn sách xuất bản từ bảy năm trước. Cô mở trang đầu tiên, đập vào mắt cô là tấm hình một chàng trai trẻ. Chàng trai có mái tóc đen, bờ trán rộng, sống mũi cao. Điểm thu hút nhất là đôi mắt, đôi mắt đen nhánh, sáng ngời, tràn đầy sức sống, toát ra nội hàm phong phú và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đây là một gương mặt tương đối sáng sủa và nam tính. Liễu Địch bị người trong ảnh hoàn toàn thu hút.
Sau đó, cô nhìn thấy dòng chữ giới thiệu tác giả bên cạnh tấm ảnh: "
Hải Thiên, nam, 21 tuổi, nguyên quán Giang Tô, hiện học khoa Trung văn đại học Bắc Kinh. Từ nhỏ yêu thích văn học, từng có vô số bài viết trên các báo và tạp chí. Là người có cách nhìn độc đáo, khả năng quan sát tinh tế, văn phong sắc bén, tình cảm chân thực. Được coi là tác giả trẻ có triển vọng nhất trên văn đàn".
Liễu Địch không khỏi kinh ngạc. Đây là sách xuất bản từ thời Hải Thiên học đại học, người này không biết là "thiên tài" như thế nào? Liễu Địch đem cuốn "Hải Thiên kỳ ngữ" về "Sảng Ấp Trai". Không hiểu tại sao, tim cô đập thình thịch, như thể đang đọc trộm nhật ký của người khác.
Buổi tối hôm đó, cô đọc một lèo hết quyển sách này. Đây là một cuốn tuyển tập tản văn. Liễu Địch bất giác bị quan điểm độc đáo, khả năng quan sát tinh tế và sắc bén, cũng như ngôn từ của cuốn tản văn thu hút.
Ví dụ trong bài "Văn học và phê bình văn học", Hải Thiên viết: "Làm một nhà phê bình văn học rất khó. Đầu tiên, anh ta phải có khả năng thưởng thức văn học, tiếp theo là phải có quan điểm khách quan và không thành kiến. Yếu tố thứ nhất còn dễ, yếu tố thứ hai không đơn giản một chút nào.
Một nhà phê bình văn học mang nặng thành kiến làm sao có thể giúp độc giả? Hơn nữa ở thời đại hỗn loạn này, rất nhiều người mượn phê bình văn học để đạt mục đích mắng chửi người khác, khiến độc giả không thể lựa chọn. Độc giả không biết lựa chọn tác giả nào, tác giả cũng không biết lựa chọn phương hướng sáng tác nào. Như vậy, phê bình văn học hoàn toàn đánh mất giá trị.
Trên thực tế, độc giả thường lựa chọn tác giả và tác phẩm mình thích. Bọn họ tiếp thu được bao nhiêu là vấn đề của bọn họ, không cần người khác giúp đỡ, càng không cần sự giúp đỡ của các nhà phê bình văn học.Theo tôi thấy, thứ duy nhất có thể đánh giá giá trị một tác phẩm không phải là độc giả, cũng không phải các nhà phê bình, mà là thời gian. Một tác phẩm vượt qua khảo nghiệm của thời gian chính là một tác phẩm hay. Nếu tác phẩm tồi tệ, chẳng cần người khác phê bình công kích, sẽ tự động bị thời gian đào thải. Một nhà văn không cần quan tâm đến sự phê bình và công kích của người khác, mà chỉ cần trung thực với bản thân, có trách nhiệm với tác phẩm của mình là được."
Một bài viết sắc bén đến từng câu chữ, có lý đến từng câu chữ. Liễu Địch chưa từng đọc một bài phê bình chân thực và sâu sắc đến thế.
Càng khiến Liễu Địch kinh ngạc hơn, không phải là quan điểm độc đáo của Hải Thiên về văn học, mà là khả năng nhìn xuyên thấu nhân sinh của anh. Trong bài "Danh dự và cái chết", anh viết:
"Danh dự là gì? Nói trắng ra, danh dự chính là cách nhìn của người khác về bạn. Bạn có danh dự hay không, không phải vấn đề bản thân bạn có trong sạch hay không, mà là vấn đề người khác có thừa nhận bạn hay không? Vì vậy từ xưa đến nay, rất nhiều người dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch và bảo vệ danh dự của bản thân. Cách làm này tuy tiêu cực nhưng cũng hữu hiệu nhất. Bởi vì trong hiện thực cuộc sống, con người không dễ thông cảm cho người sống, mà dễ thông cảm cho người chết. Con người thường nhớ tới khuyết điểm của người sống. Một khi người đó chết đi, con người sẽ dễ nhớ đến ưu điểm của họ. Vì vậy, dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch, tuy phải bỏ cả mạng sống nhưng phần lớn có thể đạt được mục đích. Chỉ là, khi mỗi sinh mệnh sống tìm cách bảo vệ danh dự, càng nghiệm chứng một cách sâu sắc sự tàn khốc của xã hội."
Liễu Địch đọc đi đọc lại bài viết này. Cô cảm thấy nó quá sắc bén và nặng nề, đề cập đến tầng sâu vấn đề mà cô không thể chạm tới. Vậy mà Hải Thiên đã nhìn thấu xã hội và nhân sinh năm 21 tuổi, chứng tỏ anh có khả năng quan sát tinh tế và tư tưởng sâu sắc đến mức nào?
Có điều, Liễu Địch luôn cảm thấy hình như cô đã được lĩnh giáo phong cách "đánh một phát trúng chỗ hiểm" này ở đâu đó. Nhưng cảm giác này như hình bóng vụt qua đầu óc, cô không thể nắm bắt cũng không thể nhìn thấy. Tóm lại, những ngày này, Liễu Địch từ kinh ngạc đến cảm thán, từ cảm thán đến tán thưởng chàng trai chưa hề gặp mặt Hải Thiên. Sau khi đọc xong quyển "Hải Thiên kỳ ngữ", cô càng phục sát đất, thậm chí sùng bái Hải Thiên.
Đêm hôm đó, cái tên Hải Thiên khắc sâu vào trí óc Liễu Địch. Gương mặt chàng trai trẻ nhiệt tình trên tấm ảnh lần đầu tiên xuất hiện trong giấc mơ của cô.
***
Vợ chồng giáo sư Tô Văn chăm sóc Liễu Địch rất chu đáo. Ở giáo sư Tô, Liễu Địch cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của người cha. Đặc biệt, giáo sư Tô cũng nghiên cứu văn học cổ điển, điều này khiến Liễu Địch càng thấy ông giống bố cô. Nhưng trong lĩnh vực văn học cổ điển, trình độ của giáo sư Tô tất nhiên hơn bố cô nhiều lần.
Bác gái Tô cũng thể hiện tình cảm của người mẹ. Mỗi lần Liễu Địch đến Trúc Ngâm Cư, bà đều chuẩn bị các món Liễu Địch yêu thích, khiến cô không khỏi ngại ngùng. Khi cô nói không cần phiền hà, bác gái Tô chỉ mỉm cười hiền từ: "Có gì đâu. Trước đây, Hải Thiên nhà bác lúc nào cũng chén sạch sẽ. Nó thường nói với bác: "Mẹ à, nếu con biến thành béo phì, mẹ phải chịu trách nhiệm đấy nhé." Lúc đó nó rắn chắc khỏe mạnh lắm. Mấy năm nay nó sống ở bên ngoài..."Bà lắc đầu, thở dài: "Không biết thành bộ dạng gì rồi."
Tiếng thở dài của bác gái Tô khiến Liễu Địch xót xa trong lòng. Tại sao Hải Thiên không thường về nhà? Có lẽ anh quá bận rộn. Liễu Địch biết vợ chồng giáo sư Tô rất nhớ con trai của họ. Giáo sư Tô hiếm khi nhắc đến Hải Thiên, nhưng ánh mắt ông vẫn vô tình bộc lộ sự nhớ nhung. Còn bác gái Tô thường kể chuyện Hải Thiên với Liễu Địch. Một lần, bác lấy tập album ảnh Hải Thiên từ bảy tám năm trước cho Liễu Địch xem. Không hiểu tại sao, Liễu Địch bỗng có cảm giác Hải Thiên rất quen mặt, phảng phất cô đã từng gặp ở đâu nhưng không nhớ rõ. Có lẽ Hải Thiên phù hợp với hình tượng "nam tử hán" trong lòng cô. "Nam tử hán" trong lòng? Hai má Liễu Địch nóng ran.
Sau đó, Liễu Địch giở đến tấm ảnh Hải Thiên chơi bóng rổ. Động tác chơi bóng rổ của anh rất thoải mái và đẹp mắt. Liễu Địch ngẩng đầu, gương mặt cô lộ vẻ ngạc nhiên: "Anh Hải Thiên cũng biết chơi bóng rổ sao bác?"
"Nó là đội trưởng đội bóng rổ khoa Trung văn." Bác gái Tô cất giọng tự hào: "Lúc đó, đội bóng của khoa Trung văn là đội duy nhất chơi ngang ngửa đội bóng rổ của trường. Hải Thiên chơi bóng rổ rất xuất sắc. Con không biết đâu, mỗi lần nó chơi bóng rổ, các sinh viên nữ đi cổ vũ rất đông."
"Trong đó chắc chắn có bạn gái của anh ấy phải không ạ?" Liễu Địch hỏi nhỏ, gương mặt cô ửng hồng.
"Bạn gái ư? Không có." Bác gái Tô lắc đầu: "Hải Thiên khó tính lắm. Không giấu con, trong bốn năm đại học, không biết bao nhiêu cô gái theo đuổi nó nhưng nó chẳng để mắt tới một ai cả. Yêu cầu về bạn gái của nó quá cao. Hải Thiên không bận tâm đến vẻ đẹp bề ngoài, nhưng phải có khí chất, phải đạt đến cảnh giới tinh thần của nó, như nó từng nói: "linh hồn hòa nhập". Haizz..." Bác gái Tô lại thở dài: "Không phải bác khen con trai mình, cảnh giới tinh thần của nó quá cao, người bình thường không thể nào với tới."
Liễu Địch gật đầu đồng tình. Giáo sư Tô ngồi bên cạnh đột nhiên mở miệng: "Hải Thiên là người rất nghiêm túc với chuyện tình cảm, vì thế nó không dễ dàng mở cánh cửa trái tim. Một lần, một người bạn của nó, cậu lưu học sinh người Pháp thất tình nên đòi tự sát. Hải Thiên đã lôi cậu ấy đến "Sảng Ấp Trai", ở bên cậu ấy suốt ba ngày ba đêm. Bác nghe nó hét với cậu bạn: "Cậu không thể chết, trừ khi, tình yêu của cậu đáng đổi bằng sinh mệnh. Nếu chết, cậu cũng nên chết cho người xứng đáng giành được tình yêu của cậu". Câu nói này đã thức tỉnh cậu du học sinh, cũng khiến bác rất cảm động. Con biết không? Nếu yêu một người con gái nào đó, Hải Thiên nhà bác sẽ yêu cô ấy bằng cả sinh mạng của mình. Lúc cần thiết, nó có thể chết vì cô ấy."
Liễu Địch thở dài. Người con gái khiến Hải Thiên có thể hy sinh cả mạng sống chắc phải siêu phàm thoát tục, có lẽ không phải con gái nhân gian mà là tiên nữ.
Bác gái Tô cũng cảm thán: "Tôi nghĩ cả cuộc đời này, chắc Hải Thiên tìm không ra người con gái như vậy?".
||||| Truyện đề cử: Nhan Tiểu Thư, Em Mãi Là Người Tình |||||
"Chả biết đâu được." Giáo sư Tô liếc Liễu Địch bằng ánh mắt mang hàm ý sâu xa: "Nó xa nhà lâu như vậy, có lẽ đã tìm được người con gái vừa ý cũng không biết chừng."
Liễu Địch chú ý đến ánh mắt của giáo sư Tô, trong lòng cô hơi hoảng loạn. Cô biết, từ lúc đọc cuốn "Hải Thiên kỳ ngữ", mỗi khi nghe nhắc đến hai từ "Hải Thiên", trái tim cô vụt qua một thứ gì đó mà cô không thể nắm bắt, cũng không dám đối diện, đồng thời không thể phủ nhận sự tồn tại của nó. Lẽ nào giáo sư Tô đã phát hiện ra tâm tình này của cô? Liễu Địch quan sát giáo sư Tô, trong mắt ông không hề có sự hoài nghi hay chế giễu.
Để che giấu sự hoảng loạn, Liễu Địch mỉm cười nói: "Đến Tết anh Hải Thiên kiểu gì chẳng về nhà. Nếu có bạn gái, anh ấy nhất định sẽ dẫn về gặp hai bác."
Lần đầu tiên gọi "anh Hải Thiên"(Hải Thiên ca, cách gọi thân thiết), Liễu Địch bỗng thấy hơi ngượng ngùng. Vợ chồng giáo sư Tô đột nhiên trầm mặc. Một lúc sau, giáo sư Tô lên tiếng: "Đúng vậy, Hải Thiên nên về nhà rồi. Bất luận thế nào, Tết này bác cũng phải nghĩ cách kêu nó về nhà."
Trời ạ, một chuyến về thăm nhà cũng bắt bố "nghĩ cách", Hải Thiên chắc là người làm việc điên cuồng? Tuy nhiên, Hải Thiên sắp về nhà. Tết này cô sẽ được gặp Hải Thiên. Liễu Địch rất mong mỏi được gặp nhân vật lẫy lừng mà cô mong đợi. Thậm chí cô nghĩ, để được gặp Hải Thiên, cô có thể không về quê ăn Tết.
Buổi tối hôm đó, Liễu Địch về "Sảng Ấp Trai " từ sớm. Lúc nằm trên giường, cô mơ hồ nghe thấy bác gái Tô nói: "Cô bé Liễu Địch với Hải Thiên của chúng ta đúng là một đôi trời sinh."
Sau đó, Liễu Địch nghe tiếng giáo sư Tô thở dài: "Chỉ đáng tiếc..."
"Sao thế?" Bác gái Tô hỏi: "Đến cô bé xuất sắc như vậy, Hải Thiên cũng không ưng à?"
"Chỉ e.." Thanh âm của giáo sư Tô trở nên nặng nề: "Chỉ e Liễu Địch không ưng thằng bé."
Mình không ưng Hải Thiên? Liệu có chuyện đó sao? Liễu Địch nghĩ thầm, đột nhiên cảm thấy rất thẹn thùng. Dù sao, Hải Thiên cũng sắp trở về. Cuối cùng cô cũng được gặp Hải Thiên.
Cứ như vậy, hình bóng của Hải Thiên tràn ngập trong tâm trí Liễu Địch. Cuộc sống đại học vô cùng bận rộn, vô cùng phong phú, tràn đầy lý tưởng và ước mơ. Liễu Địch bận tiếp thu tri thức, bận khám phá, bận mơ ước, bận khát khao, bận phấn đấu. Thế là, cái tên Chương Ngọc dần nhạt nhòa trong đầu óc Liễu Địch, trở thành một hình bóng mơ hồ chôn sâu trong ký ức của cô.