Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 51: Phần Ba - NHỮNG NHÂN TỐ MỚI




Đang rôm rả bàn về chuyện mấy trận thắng vang dội của quân Giải phóng miền Nam trong tháng, ông Sắc bỗng đột ngột hỏi ông Ẩn:
- Anh đánh giá thế nào về tay Đình?
- Nói chung đó là loại người tôi không thích.
- Không thích vì lẽ gì?
- Ở đâu tồn tại loại người như tay Đình thì ở đó việc mất đoàn kết nội bộ thường xuyên xảy ra.
Ông Sắc rót nước đưa cho ông Ẩn:
- Theo anh tay Đình chống lại ông Kim vì mục đích gì?
Ông Ẩn cười kín đáo:
- Tôi cũng chịu, không nghĩ ra. Tôi chưa tiếp xúc nhiều với ông Kim, nhưng qua vài lần tranh luận với ông này về Hợp tác xã nông nghiệp, tôi thấy ông Kim là con người bộc trực, thẳng thắn, không biết giấu mình. Một con người sẵn sàng quên mình vì sự nghiệp. Một điều tôi thấy rất quý ở ông ta là lúc nào cũng nghĩ đến người khác. Đặc biệt là lo nghĩ đến cuộc sống no đủ cho nông dân.
Ông Sắc gật gù tán đồng:
- Tôi hoàn toàn tán thành với nhận xét của anh về anh Kim. Tôi đã có dịp nói chuyện với anh Kim nhiều lần. Tôi rất có thiện cảm với anh ấy. Cảm phục nữa là đằng khác. Học vấn của anh Kim không bằng anh và tôi. Nhưng tư duy của anh ấy vượt ra ngoài học vấn của mình. Một con người không bao giờ chấp nhận sự bảo thủ và trì trệ. Đôi lần nói chuyện với anh Kim xong, tôi lại nghĩ vẩn vơ. Không khéo tính cách mạnh mẽ của anh Kim sẽ gây nên mối họa cho anh ấy.
- Bơi ngược dòng nước hay chạy ngược chiều gió, không phải ai cũng an toàn để đi đến đích.
Ông Sắc và ông Ẩn mải nói chuyện không hề để ý đến Đình đang đứng thập thò ở ngoài cửa, tần ngần nửa muốn vào nửa không. Cuối cùng không cưỡng được, Đình bước vào.
- Hai anh đang hội ý à?
Ông Ẩn đáp lại:
- Chúng tôi ngồi uống nước nói chuyện tào lao với nhau chứ có hội ý hội tứ gì đâu. Anh ngồi uống nước.
Đình cầm chén nước ông Sắc đưa:
- Các anh ở Linh Sơn về khi nào?
- Mười hai giờ trưa nay thì về đến đây - Ông Ẩn đáp.
- Tình hình trên ấy thế nào hả anh?
- Bọn mình vừa ngồi lại với nhau để nhận định xong.
- Có đúng là ở Hợp tác xã Cao Sơn có chuyện cho xã viên phá lúa để trồng khoai lang không?
Ông Ẩn bắt đầu cảm thấy khó chịu khi Đình giở món bài cũ ra. Ông nói lạnh nhạt:
- Có chuyện đó nhưng xảy ra cách đây hai vụ lúa rồi.
Đình chưng hửng nhưng cố vớt vát:
- Một hành động phá hoại sản xuất không thể tha thứ được. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thế nào cũng tiếp tục phát triển trong các vụ tới.
Ông Sắc nhìn Đình bằng đôi mắt thiếu thiện cảm:
- Anh làm tuyên huấn chưa tìm hiểu kỹ đầu đuôi sự việc đã vội kết luận như vậy thì thật nguy hiểm.
- Lúa là cây lương thực cao cấp mà phá đi để thay vào đó thứ lương thực chỉ dùng để làm chất độn, anh bảo không phải cố tình phá hoại sản xuất là gì?
Ông Ẩn đặt chén nước đang uống xuống bàn:
- Lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ như anh. Nhưng khi chúng tôi xuống tận nơi để xem xét thì không phải như thế.
- Có phải do địch phao tin đồn nhảm để gây chiến tranh tâm lí không anh?
Ông Sắc bịt mũi hắt hơi theo lối hài hước của riêng ông, còn ông Ẩn cười thành tiếng:
- Chẳng phải địch phao tin đồn nhảm mà chuyện có thật. Cách đây chừng vài ba vụ lúa gì đó, có một anh đội trưởng ở Hợp tác xã Đằng Xá thấy lúa cấy đã hơn một tháng, nhưng do khâu làm đất không kỹ, lại gặp phải đợt rét đậm dài ngày, phần thì thiếu phân bón nên cây lúa không làm sao lên nổi. Nhìn thấy khả năng mất trắng, anh ta quyết định cho phá số diện tích lúa xấu để thay vào đó cây khoai lang. Việc làm của anh ta lúc đầu cũng bị một số người lên án là phá hoại giống như anh. Nhưng kết quả anh đội trưởng ấy đã cứu cho đội anh ta thoát khỏi nạn đói giáp hạt, trong khi các đội khác mất bao nhiêu công chăm bón cây lúa, kết quả thu chưa được bảy cân thóc một sào, ôm nhau chịu đói.
Đình cười chữa ngượng:
- Thế mà tôi cứ tưởng.
Ông Sắc châm biếm:
- Cũng may là anh chưa đưa chuyện anh đội trưởng phá hoại ấy ra nói ở các hội nghị quân dân chính đảng.
- Tôi giữ một nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt của công tác tuyên huấn là chuyện gì chưa nắm chắc thì không khi nào được phát ngôn công khai giữa các đám đông.
- Hôm nay anh không hỏi chúng tôi về chuyện phá lúa trồng khoai lang ở Cao Sơn thì anh sẽ nói gì với những người nghe anh nói chuyện thời sự? Là có kẻ phá hoại sản xuất hay địch phao tin đồn nhảm để gây chiến tranh tâm lí?
- Tất nhiên tôi sẽ tìm hiểu kỹ sự việc trước khi nói chuyện với mọi người.
Thấy thái độ Đình bắt đầu tỏ vẻ không bằng lòng với những lời nói của ông Sắc nên ông Ẩn tìm cách nói sang chuyện khác:
- Tôi thấy anh Đình lúc nào cũng quan tâm đến tình hình của Hợp tác xã nông nghiệp nhỉ.
Đình như bắt được câu chuyện trúng với ý mình nên nói ngay:
- Hiện nay có nhiều cách đánh giá rất khác nhau về hiện tình của các Hợp tác xã nông nghiệp. Vì thế cũng nảy sinh ra các quan điểm khác nhau. Trong đó có nhiều đồng chí cho rằng, do vội vàng muốn đưa Hợp tác xã lên quy mô nên đã đưa năng suất lúa tụt dốc không phanh, đẩy tình cảnh nông dân vào tình cảnh khốn khổ hơn lúc nào hết. Do đó họ muốn làm một cuộc cách mạng đối với Hợp tác xã, mà thực chất là muốn đưa nông dân trở lại con đường làm ăn cá thể…
Ông Sắc cắt lời Đình:
- Ý anh Đình muốn nói đến anh Kim phải không?
- Không phải chỉ một mình đồng chí Kim mà còn rất nhiều đồng chí khác trong Ban chấp hành đảng bộ tỉnh chúng tôi cũng đang có những quan điểm lệch lạc ấy. Nhiều lần tôi đã đề nghị họp Ban chấp hành đảng bộ hoặc thường vụ để đấu tranh với những quan điểm sai trái này, nhưng chẳng hiểu vì lí do gì đồng chí Kim cứ né tránh. Mãi tới hôm vừa rồi mới chịu triệu tập họp thường vụ.
Ông Ẩn tỏ vẻ quan tâm:
- Họp thường vụ có vấn đề gì không?
- Đấu tranh với nhau rất quyết liệt nhưng chẳng đi đến đâu. Tiện đây tôi muốn nghe ý kiến đánh giá của các anh về vấn đề này như thế nào để chúng tôi có cơ sở dựa vào đó để đấu tranh với những quan điểm sai trái đang diễn ra trong đảng bộ của chúng tôi.
- Sao anh không dùng chính kiến riêng của mình để đấu tranh mà phải dựa vào nhận định đánh giá của chúng tôi? - Ông Sắc hỏi.
- Các anh là những phái viên của Ban bí thư cử xuống để nghiên cứu và chỉ đạo phong trào Hợp tác xã nông nghiệp ở Phước Vĩnh, tôi nghĩ những ý kiến của các anh là hết sức chính xác và có sức nặng hơn của tôi.
Ông Ẩn khó chịu ra mặt:
- Anh Đình ạ. Đánh giá chính xác tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay không đơn giản như anh nghĩ đâu. Cái đúng, cái sai không có một ranh giới rõ rệt nên rất khó nhận diện. Sau nhiều lần đi khảo sát một số Hợp tác xã trong tỉnh Phước Vĩnh trở về, không phải chúng tôi không gặp phải lúng túng khi đánh giá việc làm của một số Hợp tác xã. Lấy ví dụ như Hợp tác xã Hồng Vân ở huyện Vĩnh Hòa chẳng hạn. Giao ao của Hợp tác cho các hộ gia đình thả cá rồi ăn chia với nhau là sai. Lấy đất của Hợp tác chia cho xã viên làm vụ xen canh cũng là sai. Nhưng những việc làm sai đó lại cải thiện đời sống rõ rệt cho người nông dân. Vậy anh bảo đánh giá thế nào về Hợp tác xã Hồng Vân đây? Tất nhiên khi làm việc với lãnh đạo Vĩnh Hòa và xã Hồng Vân, chúng tôi phê phán kịch liệt việc làm trên. Vì nó đi ngược lại với đường lối tập thể hóa của Đảng ta. Không ngăn chặn kịp thời nó sẽ phát sinh theo một chiều hướng tiêu cực rồi hối không kịp.
- Như vậy, mọi việc làm trái với đường lối tập thể hóa là sai rồi còn gì nữa.
- Có thể sai trên lí thuyết. Còn đánh giá thực tế thì phải cân nhắc cẩn thận. Có thế mới khỏi rơi vào tình trạng tránh một sai lầm này lại mắc phải một sai lầm khác.
Đình gõ gõ mấy ngón tay xuống bàn, đầu gật gù. Cả ông Ẩn lẫn ông Sắc đều không hiểu Đình gật gù vì lí do gì. Thất vọng hay tán thành?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.