Tháng tám sắc thu vàng, Hạ gia diễn ra một sự kiện lớn — Trưởng tử Hạ gia - Hạ Ôn Ngọc đứng đầu bảng kì thi Hương năm nay.
Vì thế tất cả bằng hữu thân thích đều đến thăm hỏi, cùng nhau thu xếp đồ dùng tiền bạc cho hắn vào kinh đi thi. Bởi vì châu phủ huyện nha cũng rất hào phóng quyên tặng một khoản, làm cho Hạ gia từ trước đến giờ chưa từng dư dả như vậy.
Kỳ thực tất cả mọi người đều không thể dự đoán được Hạ Ôn Ngọc lại đạt giải Nguyên — bởi vì chưa có ai từng thấy hắn ngâm thơ viết văn cả.
Trong thời đại này, một nho sinh nếu muốn được người khác thưởng thức, khen ngợi, thậm chí thanh danh lan xa. Cách duy nhất chính là viết nên một áng thơ hay được người người ca tụng.
Mà làm thế nào để có thể truyền tụng được một bài thơ hay?
Chính là được các ca nữ xướng lên bài thơ đó. Ngươi phải tới giáo phường câu lan, phải gặp gỡ những danh kỹ đứng đầu bảng, làm quen với các nàng thì mới được.
Giống như thi nhân Liễu Vĩnh*, gần năm mươi tuổi mới đỗ tiến sĩ, cả cuộc đời đều là thất bại cùng chán nản. Thế nhưng mỗi một bài thơ từ ông vừa viết xong, ngay lập tức sẽ được truyền khắp phố lớn ngõ nhỏ, thậm chí ngay cả hoàng đế cũng nghe được, vậy cho nên chúng mới được lưu truyền suốt ngàn năm sau này.
*Liễu Vĩnh (1004-1054) là quan nhà Bắc Tống, và là nhà làm từ nổi tiếng ở Trung Quốc. Từng đi thi nhiều lần nhưng đều trượt, về già mới đỗ Tiến sĩ. Ông là một nhà văn có tầm ảnh hưởng xã hội tương đối lớn.
Vì vậy lại càng không thể tránh khỏi việc làm bạn tâm giao với các ca nữ.
Mà Hạ công tử Hạ Ôn Ngọc nhà ta. Hắn vốn không thích viết thơ, cho dù ngẫu nhiên viết mấy bài thơ thì cũng không hợp với phong cách thời đại này.
Chịu ảnh hưởng từ tiền triều, nói đến trường phái "Tây Côn Thể*", nhóm thi nhân văn phong hoa mỹ đều hận không thể trích dẫn điển tích điển cố trong từng câu chữ. Nhưng văn chương của Ôn Ngọc công tử lại học theo phong cách Luận Ngữ, ngôn từ giản dị gần như văn nói. Tất nhiên sẽ không được xem trọng.
Cũng may Ôn Ngọc công tử vận khí dồi dào, giám khảo chấm bài lại là một người cực kì yêu thích phong cách Hàn Dũ, chỉ hận không thể bắt đầu lại phong trào cổ văn*. Hơn nữa nội dung kì thi lần này - Luận Ngữ, Mạnh Tử*, sử luận, thời thế sách*, tất cả đều là những thứ mà Ôn Ngọc công tử am hiểu nhất.
*Phong trào cổ văn đời Đường (thế kỷ VIII – IX Trung Quốc), các tác giả tiêu biểu như Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên,... có ý thức chống lại lối văn hình thức chủ nghĩa, kiểu cách biền ngẫu, khôi phục lối văn trong sáng, giản dị đời trước.
*Mạnh Tử (sách) là một tác phẩm triết học, đạo đức học và chính trị học về Mạnh Tử và các môn đệ của ông.
*Thời thế sách: Bàn về các vấn đề, các sự việc quan trọng của đất nước.
Vì thế Ôn Ngọc công tử thành công đạt được giải Nguyên.
Cũng vì thế, người đến Hạ gia cầu hôn bỗng nhiên chen chúc nhau mà tới. Ôn Ngọc công tử liền trở thành chàng rể hiền vang danh khắp vùng.
Tuy rằng Ôn Ngọc công tử thật ra có rất nhiều tật xấu, cổ hủ, nhạt nhẽo, cứng đầu lại còn xấu tính...
Thế nhưng hắn có một ưu điểm có thể che đậy hết một đống khuyết điểm này, đó chính là — CỰC, KÌ, ĐẸP.
Ôn Ngọc công tử đẹp vô cùng, cả huyện này ai ai cũng biết. Mày như tranh họa, mắt tựa xuân thủy, môi thắm chu sa, khuôn mặt sáng sủa, thắt lưng thon dài hệt như trúc. Tướng mạo nan miêu nan họa, cốt cách như tiên hạc. Vì thế hàng xóm láng giềng đều gọi hắn là "Đại Hạc".
Nói tóm lại, may mắn Ôn Ngọc công tử có vẻ ngoài dễ nhìn, một đống nhân cách bị thiếu sót kia của hắn mới không làm cho người khác thấy nhàm chán, trái lại khiến cho người ta cảm thấy cái tính ngạo kiều này thực đáng yêu...
Mà hiện tại, đệ đệ "Đại hạc" là "Tiểu hạc" vẫn còn ở trên Mặc Tử sơn.
Tiểu Bình An ngồi xổm trong đình nhỏ, đang nghiêm túc tự mình tính toán.
—— Cậu định trở về nhà, sau đó ở lại vài ngày, rồi lại cùng ca ca đến kinh thành chơi, tiếp đó sẽ đi ăn thật nhiều thật nhiều món ngon.
Nhõng nhẽo ăn vạ rất nhiều ngày, Minh Dương Tán Nhân cũng chỉ còn cách đáp ứng cậu.
"Con muốn đến kinh thành cũng được, nhưng mà phải tuyên thệ rồi mới có thể đi."
"Tuyên thệ cái gì ạ?"
"Không được nói cho người khác con là đệ tử Mặc gia, càng không được phô diễn 'Cơ Xảo' trước mặt người khác, dù chỉ là một chút."
"Ớ?" Một đôi mày lá liễu cụp lại thành hình chữ bát (八), Tiểu Bình An rất không đồng ý, cậu học "Cơ Xảo" chính là để khiến cho mọi người khen ngợi cậu cơ mà. Học suốt năm sáu năm xong đột nhiên bảo không cho khoe với người ta, thế này là thế nào?
Vì vậy Bình An cúi gằm mặt, tỏ vẻ bất mãn mà nhỏ giọng ngập ngừng nói: "Rõ ràng Tạ Tử Ngọc sư huynh thường xuyên đi kinh thành, hơn nữa còn thường xuyên bày trận cho người khác, còn có những sư huynh khác..."
"Có điều thứ con học không phải 'Trận Pháp', mà là 'Cơ Xảo'. "
Minh Dương Tán Nhân lấy ngón tay chọc chọc vào ót Bình An: "Con phải nhớ kỹ, cả đời đều phải ghi nhớ trong lòng, 'Cơ Xảo' là tà đạo. Là vì ở thời điểm nguy nan nhất, nó sẽ trở thành một liều thuốc cực mạnh để có thể xoay chuyển được tình thế. Nếu cứ mãi cố chấp với thứ này, thậm chí dương dương tự đắc, bản tâm con sẽ bị hủy hoại mà thành cái sai lớn nhất của con."
"Vâng ạ." Đứa nhỏ gật đầu, cái hiểu cái không mà nhìn ông.
"Sư phụ ơi, thế khi nào thì mới tính là lúc nguy cấp ạ?"
"Con phải tự mình chứng kiến sự đời mới có thể hiểu được, cho nên đến kinh thành cũng là điều tốt..."
Bình An về tới nhà, cũng đã thấy được sự đời rồi.
Bà mai bà mối đứng xếp hàng thành từng tốp ra ra vào vào. Một người mà như có đến hai cái lưỡi, xoắn cả vào nhau mà ba hoa chích choè, khiến cho người ta nảy sinh ảo giác các cô nương trong huyện này đều là thiên tiên hạ phàm. Hơn nữa mỗi ngày còn có rất nhiều bức họa vẽ đủ loại cô nương cùng với ngày sinh tháng đẻ cứ quanh quẩn trước mặt Hạ lão gia...
Cảnh này khiến Hạ Bình An không thể không tỉ mỉ đánh giá ca ca mình, vài năm không gặp nhau, ca ca cao lên rất nhiều. Sau lễ đội mũ*, mái tóc dài đều được cột cao lên, lộ ra chiếc cổ thon dài càng tôn thêm vẻ đẹp. Mới trước đây là đôi mắt to tròn, sau khi lớn lên liền dài nhỏ hơn, một đôi mắt phượng xinh đẹp khẽ chuyển động lại thêm phần phong thái. Thanh âm cũng trở nên trong trẻo hơn rất nhiều.
*Lễ đội mũ: Ngày xưa người con trai đủ 20 tuổi phải làm lễ đội mũ, hay còn gọi là Nhược Quan, để xác nhận người đó bước vào gia đoạn trưởng thành.
Vì thế Bình An cười tủm tỉm tán dương: "Nếu đệ mà là nữ, nhất định phải gả cho ca ca!"
Hạ Ôn Ngọc dùng quyển Luận Ngữ đập thật mạnh vào đầu Hạ Bình An: "Tên ngốc nhà đệ, toàn nói hươu nói vượn."
Nói về tình hình hiện tại, thư sinh đi thi tất nhiên phải mang theo thư đồng. Nhưng Hạ gia nào có thể mời được thư đồng? Chính vì vậy, Bình An thân là đệ đệ lập tức xung phong nhận việc, đảm nhiệm vị trí tiểu thư đồng đi theo ca ca... Kỳ thực có cậu đi theo thì cũng chỉ xách một cái bao bố nhỏ mà thôi.
Quanh đi quẩn lại vẫn phải đi, Hạ Tranh viết phong thư để con mang đến đưa cho bạn đồng liêu. Dù sao giá cả phòng ở trong kinh thành cũng không giống nhau, có thể tá túc được ở nhà người ta mới tốt.
Sau đó ông ngoắc ngoắc tiểu nhi tử.
Bình An hoạt bát chạy qua.
Hạ Tranh nói với cậu: "Ca ca con tính tình quật cường bướng bỉnh, dễ khiến người khác không vừa ý, tới kinh thành rồi, con nên bảo vệ ca cho tốt."
"Được ạ!" Tiểu Bình An vui vẻ vỗ ngực.
"Đi đi, gọi ca con đến đây."
Hạ Ôn Ngọc đến.
Hạ Tranh nói với hắn: "Đệ đệ con nhẹ dạ cả tin, dễ bị người ta lừa, tới kinh thành rồi, nhớ che chở nó một chút."
"Vâng." Hạ Ôn Ngọc trả lời.
Nhìn hai đứa con một lớn một nhỏ chuẩn bị ra đi, người làm cha mẹ lại không thể yên lòng.
_________________
Đông Nam
Lục Trầm ngồi trước án thư, vẫn như trước chỉ mặc một cái áo choàng đen đã cũ mèm, tóc tùy ý xõa ra rối tung lên, sắc mặt chưa bao giờ hết tái nhợt. Một tay chống trên bàn, một tay cầm sách chú giải.
Hàng mày nhăn lại.
Cũng không biết xảy ra biến cố gì, Lí Hạp lại không xuất binh đi Mạc Bắc.
Cho nên Mạc Bắc càng không nhất thiết phải tiến công Chiêu Quốc*. Vì vậy kế hoạch đánh gọng kìm Chiêu Quốc của Lục Trầm đều bị ngâm nước nóng.
*Từ đây trở đi tác giả đều viết là Đại Chiêu hay Chiêu Quốc, không phải Chính nữa, thế nên mình xin phép sửa hết thành Chiêu.
"Hắn muốn ta chạy đến kinh thành." Lục Trầm nói với mưu sĩ của mình.
"Tới kinh thành, chẳng phải là tự chui đầu vào lưới?" Lâm Trọng Phủ hỏi lại hắn.
"Cũng chỉ còn cách này thôi." Suy nghĩ một lát, Lục Trầm ra quyết định.
Ngày hôm sau, Lục Trầm gọi Ba Trát lại.
"Ta muốn đi kinh thành, sự vụ ở Đông Nam giao cho ngươi quản lí."
Ba Trát quan sát Lục Trầm, phía sau hắn là một cái bao bố đơn giản.
"Mình ngươi đi?"
"Ừ."
Lục Trầm không hề nhìn hắn, bắt đầu thu dọn giấy bút trên bàn mình.
Ba Trát đứng sau hắn, chốc lát lại hỏi: "Ngươi không đề phòng ta à?"
"Ta đề phòng hay không cần gì phải cho ngươi biết?" Lục Trầm mắt cũng không nâng.
Ba Trát cười khà khà. Hắn muốn ám sát Lục Trầm cũng không phải một lần hai lần. Chỉ là người này dường như không bao giờ đề cập đến chuyện này. Mới đầu Ba Trát cảm thấy đây chẳng khác nào sỉ nhục hắn, cực kỳ phẫn nộ.
Thế nhưng vài năm này sớm chiều ở chung, suy nghĩ của Ba Trát đã thay đổi. Về phần thay đổi như thế nào, chính hắn cũng không rõ. Tóm lại, tên này mặc dù chẳng phải thiện nhân, nhưng nói chung thì người không phạm ta ta không phạm người.
"Lục Trầm, cả ngày ngươi cứ viết đi viết lại cái gì vậy?" Ba Trát hỏi.
"Là thơ."
Ba Trát sửng sốt, hắn còn tưởng rằng Lục Trầm nhất định sẽ không nói cho hắn, ai ngờ tên này lại thành thành thật thật trả lời.
"Ngươi biết viết thơ à, người như ngươi vậy mà cũng có thể làm thơ đấy nhỉ?" Ba Trát cười nói.
Lục Trầm không để ý đến hắn, tiếp tục thu dọn chồng giấy Tuyên Thành chính hắn viết lên.
"Ai dạy ngươi viết thơ?" Ba Trát tiếp tục hỏi.
Thân hình Lục Trầm hơi khựng lại.
Những ký ức thật lâu, thật lâu trước đây như mây khói quất quít, rời rạc hiện lên trước mắt hắn.
"Hồi còn nhỏ, nương ta dạy." Lục Trầm thản nhiên trả lời.
Trước khi rời đi, Lục Trầm nhắc nhở Ba Trát lần cuối: "Có vấn đề gì thì hỏi Lâm tiên sinh."
Cứ như vậy, Lục Trầm khởi hành từ Đông Nam.
Hạ Bình An cũng từ Kim Lăng lên đường.
Vốn không hề quen biết, lại cùng một đích đến - chốn Đông Kinh mộng hoa phồn thịnh.
___________________
* "Tây Côn Thể" là một trường phái thi ca nổi bật thời nhà Tống, có "Tây Côn Thù Xướng Tập" nổi tiếng. Những bài thơ thuộc trường phái này ngôn từ hoa lệ chau chuốt, thanh luật hài hòa, vế đối tinh tế gọn gàng. Nhưng xét về tổng thể, nội dung tư tưởng của các bài thơ trường phái Tây Côn thường nghèo nàn, trống rỗng, cách li khỏi thực tế xã hội, thiếu thốn tình cảm chân thực.
- HẾT CHƯƠNG 10-