[BJYX|Doãn Ngôn] Quan Sơn Tửu

Chương 3: Luận trên triều




Chương 3: Luận trên triều
Mặc dù Ngôn Băng Vân bị thương nặng, thế nhưng nguyên khí vẫn còn, lại tuổi trẻ thân thể tráng kiện, một khi ý niệm muốn sống bắt đầu trỗi dậy thì tốc độ khôi phục cũng tiến triển cực kỳ nhanh. Hai ngày sau y đã có thể xuống giường đi lại trong chốc lát, Hoắc Bắc Lương không dám trì hoãn, sau khi thương lượng cùng Tạ Doãn thì quyết định lập tức khởi hành, quay về kinh phục mệnh.
Ngôn Băng Vân vốn dĩ là khâm phạm trọng yếu của triều đình, theo quy củ thì phải ngồi xe chở tù, thế nhưng Tạ Doãn đã chuẩn bị đủ áo bông ấm cùng áo choàng dày cho y, còn đưa cả bình nước nóng mà Hoắc Bắc Lương vốn chuẩn bị cho hắn để y dùng. Dọc đường còn nhều lần dừng lại ở các thành trấn, mục đích chỉ vì muốn tìm đại phu thay băng đổi thuốc cho vết thương của Ngôn Băng Vân. Hoắc Bắc Lương thầm nghĩ đây tuyệt đối là phạm nhân được đãi ngộ tốt nhất trong số tất cả những khâm phạm mà gã từng phụng mệnh dẫn về, nếu không phải Ngôn Băng Vân là thân nam tử, Hoắc Bắc Lương gần như đã hoài nghi y bị Ngũ hoàng tử nhìn trúng, tương lai mười phần thì có đến tám chín phần sẽ trở thành Ngũ hoàng phi...
Cứ đi một đoạn lại ngừng một lát như vậy, vừa tốn công vừa mất thời gian hơn lần trước nhiều, tận sáu ngày sau bọn họ mới tới Kiến An. Hoắc Bắc Lương chiếu theo thông lệ bình thường, trước hết cần phải đưa Ngôn Băng Vân vào chiếu ngục. Tạ Doãn đứng ngay bên ngoài giương mắt nhìn theo, Hoắc Bắc Lương tâm tư linh hoạt, lập tức nói vài câu an ủi:
"Điện hạ yên tâm, Cẩm Y Vệ làm việc tuân theo hoàng mệnh, trước khi Hoàng thượng lên tiếng, không ai dám động vào Ngôn công tử."
Tạ Doãn bị người khác vạch trần cũng không quá để ý, chỉ mỉm cười nói:
"Hoắc đại nhân giữ đúng chức trách của bản thân như vậy, thảo nào luôn được phụ hoàng coi như cánh tay phải."
"Điện hạ quá khen, lần này toàn bộ hành trình Hoắc mỗ đều là dựa vào Ngũ hoàng tử chỉ điểm mới không phạm vào sai lầm."
Hai người thay nhau vỗ mông ngựa* một trận, sau đó mới đi đến điện Văn Hoa phục mệnh.
(*Vỗ mông ngựa: 拍马屁 là cách người Trung Quốc dùng để chỉ hành động nịnh nọt, tâng bốc, ca ngợi ai đó để người đó vui, hòng đạt được chút lợi ích. Có nhiều cách lý giải nguồn gốc của cụm từ "vỗ mông ngựa". Trong đó có một thuyết cho là liên quan đến du mục Mông Cổ. Du mục Mông Cổ thường lấy việc nuôi được ngựa tốt làm tự hào. Những lúc dắt ngựa gặp nhau, người ta thường vỗ vỗ mông ngựa đối phương, tán thưởng mấy câu ngựa khoẻ ngựa đẹp. Có người, vì muốn lấy lòng đối phương, mặc kệ ngựa đẹp ngựa xấu, đều không tiếc lời ca ngợi, từ đó mà cụm từ "vỗ mông ngựa" ra đời. Có nhiều người hay dịch cụm từ này "vuốt mông ngựa", thế nhưng theo mình thì nó không đúng, vì chữ 拍pai có nghĩa là vỗ (đập, phủi, đánh) còn "vuốt" thì phải là 抚fu mới đúng.)
Sau khi bọn họ vào thành đã lập tức phái giáo úy tiến cung bẩm báo trước, bởi vậy Hoàng thượng đã ngồi chờ sẵn trong điện Văn Hoa rồi, ngoài ra còn có vài vị hoàng tử đã thành niên.
Đầu tiên Sùng Thanh đế lên tiếng khen ngợi Tạ Doãn cùng Hoắc Bắc Lương đã thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ, tiếp đến mới nói đến chuyện chính:
"Trẫm đã đọc qua án tông sơ thẩm mà Bắc Lương dâng lên. Vụ án Ninh Viễn thua trận đúng là có nhiều điểm đáng ngờ, vụ án này có liên quan đến thể diện hoàng thất, trẫm sẽ tạm thời không để cho Tam pháp ti tham dự bàn bạc. Hôm nay gọi các ngươi đến, là muốn nghe qua cái nhìn của các ngươi đối với vụ án này, cùng với việc nên xử trí Ngôn Băng Vân thế nào. Các ngươi cứ xem như bị trẫm kiểm tra việc học, nghĩ gì nói nấy là được, nói tốt thì có thưởng, nói không tốt cũng không bị phạt."
Tam hoàng tử Tạ Tuấn là thái tử đương triều, nghĩ rằng Hoàng thượng lệnh cho Cẩm Y Vệ bắt Ngôn Băng Vân là đã động sát tâm, làm như thế này chẳng qua là muốn có người lên tiếng ủng hộ, vì thế lên tiếng đầu tiên:
"Theo ý kiến của nhi thần, tám vạn quân Ninh Viễn thế mà lại không địch nổi sáu vạn quân Khương, chỉ có hai khả năng, một là điều binh khiển tướng sai lầm, hai là đã sớm dự mưu. Cho dù là khả năng nào thì cũng nên phạt nặng, Ngôn Nhược Hải đã chết trận thì miễn đi, chẳng qua là Ngôn Băng Vân nên thay cha chịu phạt, hơn nữa y lâm trận bỏ chạy, theo luật thì nên chém!"
"Những lời của thái tử điện hạ vừa nói quả thật là nhi thần không dám gật bừa."
Lúc Tạ Doãn vừa đứng dậy tất cả mọi người đều nhìn hắn, hệt như đang hoài nghi hắn có thật sự là Tạ Doãn hay không. Tạ Doãn thật bình thường mỗi lần thảo luận chính sự đều ngáp ngắn ngáp dài sau đó thả hồn bay lên trời, bị Hoàng thượng chỉ đích danh mới không tình nguyện mà nói một hai câu cho có lệ, sao có thể chủ động lên tiếng thế này được chứ?
Tạ Doãn khiêm tốn đúng mực đứng lên, trước hết hành lễ với Hoàng thượng rồi mới nói:
"Chưa cần nói đến vụ án thua trận này còn có nhiều điểm nghi vấn, chỉ riêng việc quân lương mốc meo cùng quân báo mất tích đến cùng là vì nguyên nhân gì còn phải đợi điều tra xác định. Hiện giờ quân tình ở biên cương phía Bắc khẩn cấp, mặc dù trong trận chiến ở Ninh Viễn quân Khương cũng có hao tổn, thế nhưng bọn chúng khí thế đang lên cao, khó mà đảm bảo được trong thời gian ngắn sẽ không ngóc đầu quay lại. Bởi vậy xử lý vụ án thua trận này cần phải kết hợp chặt chẽ với tình thế của biên cương phía Bắc, không thể để quân Khương lợi dụng thời cơ."
"Ngũ đệ quá lo." Thái tử khinh thường nói: "Trời đã vào đông, người Khương không thể chăn thả, đương nhiên là thiếu lương thực, bọn chúng trước hết còn phải quải quyết vấn đề đói bụng rồi mới có sức mà đánh trận."
Thường ngày Tạ Doãn sẽ không thích nhiều lời với vị Tam ca cả ngày chỉ biết xum xoe nịnh nọt phụ thân này, nhưng bây giờ hắn một lòng muốn cứu Ngôn Băng Vân chứ không muốn cãi vã làm gì, dằn lòng nói:
"Thái tử điện hạ có điều không biết, sau khi quân Khương phá được thành Ninh Viễn, chỉ hai ngày đã tàn sát toàn bộ dân chúng trong thành, không chỉ cướp sạch toàn bộ lương thực cùng vàng bạc châu báu trong thành, mà gian dâm giết người cướp của không có một chuyện ác nào là không làm. Phía sau Ninh Viễn chính là Đoan Châu, ba vạn phủ binh của Đoan Châu có thể kiên trì được dưới gót sắt của quân Khương? Phía sau Đoan Châu chính là đồng bằng ngựa chạy tung vó, chẳng còn bất kỳ chướng ngại nào, quân Khương giết đến dưới thành Kiến An chỉ là vấn đề thời gian."
"Theo như lời ngươi nói, thì Đại Tề ta không có quân Ninh Viễn thì không thể đánh trận được nữa sao? Nếu như quân Khương tấn công Đoan Châu, thiết kỵ của Liêu Đông nhất định sẽ không ngồi yên không để ý đến. Mà cho dù bọn chúng thật sự có bản lĩnh đánh hạ Đoan Châu đi chẳng nữa, một đường xuôi nam vẫn còn Bảo Định, Duyện Châu, Từ Châu, Dương Châu, cũng phải có đến hơn mười vạn phủ binh bảo vệ quốc gia!" Tạ Tuấn nói đến đây thì dừng lại, dập đầu trước Hoàng thượng sau đó mới tiếp tục nói: "Nhi thần có tội, những lời này vốn không thích hợp để nói, nhưng vẫn phải nói. Nếu những lời không may mà Ngũ đệ nói thành sự thật, quân Khương đánh vào Kiến An, năm vạn cấm quân của Hoàng thành nhất định có thể làm cho chúng có đến mà không có về!"
Tạ Doãn cười lạnh thành tiếng, Tạ Tuấn không khỏi cả giận nói:
"Ngươi cười cái gì?! Đang nghị sự trên triều, ngươi thân là hoàng tử, thế mà lại không biết quy củ! Có thể thấy được việc học hành thường ngày qua loa, cô phụ kỳ vọng của phụ hoàng!"
Tạ Doãn thẳng lưng ngồi quỳ trên chiếu, ánh mắt bướng bỉnh, vững vàng nói:
"Tạ Doãn ngu dốt, đương nhiên là kém xa so với Thái tử điện hạ hiền tài lại có đức, cần chính vì dân. Tạ Doãn thiết nghĩ muốn hỏi Thái tử điện hạ một câu, đợi người Khương đứng dưới thành Kiến An, thì một đường từ Hoa Bắc đến Trung Nguyên, tình cảnh sẽ như thế nào?"
"Ta chỉ đang đặt ra giả thiết! Ta đã nói kẻ địch tuyệt nhiên không thể vượt qua biên thùy! Bởi vì thiết kỵ của Liêu Đông..."
"Tại sao Liêu Đông thiết kỵ không thể ngồi yên không để ý đến?" Tạ Doãn cắt ngang lời Thái tử, nói năng khí phách: "Quân Ninh Viễn ăn lương thực mốc meo, bảo vệ lãnh thổ quốc gia trong gió tuyết của biên thùy phương Bắc, chiến đấu với kẻ địch đến tận thời khắc cuối cùng của sinh mạng, Ninh Viễn hầu bị quân địch chém đầu thị chúng, thi thể của tướng quân Thời Văn Uyên cũng bị quân Khương đâm thành cái sàng, cuối cùng đổi lại được cái gì? Hiện giờ Thái tử điện hạ và thần đệ ngồi đây để thảo luận vấn đề gì đây?"
Tạ Doãn cười cười, thế nhưng giọng nói lại lạnh lùng như ngày đông rét buốt nhất:
"Chúng ta đang thảo luận xem nên định tội quân Ninh Viễn thua trận như thế nào, nên trừng trị tội phản quốc của Ninh Viễn hầu ra sao, muốn làm sao để có thể giết con trai duy nhất của ông ấy răn đe kẻ khác!"
Hắn khoát mở tay áo, trong giọng tràn đầy mỉa mai, nói:
"Nếu ta là Liêu Đông vương, ta cũng chỉ dám ngồi yên không để ý đến."
Hoàng thượng bình tĩnh ngồi trên cao điện nâng chén trà lên thổi nhẹ, một tay đặt phía trước, hai ngón tay gõ gõ đều đặn lên trên mặt bàn gỗ sưa, lấy đó làm lời cảnh cáo. Thế nhưng Tạ Doãn cũng không bởi vì vậy mà thu liễm, ngược lại còn hành đại lễ với phụ thân mình, nâng cao giọng nói:
"Phụ hoàng, người đời đều nói, cùng chung hoạn nạn thì dễ chứ cùng hưởng an lạc thì khó, chim hết rồi cung tên xếp xó, thỏ khôn chết chó bị phanh thây*, hiện giờ vụ án Ninh Viễn thua trận còn có rất nhiều điểm đáng ngờ, nếu như lúc này phụ hoàng giết Ngôn Băng Vân thì chẳng phải là chứng thực chuyện kiêng kỵ Ninh Viễn hầu công cao át chủ sao? Liêu Đông vương thấy môi hở răng lạnh, làm sao còn có thể nguyện trung thành hết lòng vì nước? Ông ta sao có thể biết chắc được quân Ninh Viễn hôm nay không phải là thiết kỵ Liêu Đông ngày mai? Một khi quân Khương ngóc đầu quay lại tấn công Đoan Châu, mà Liêu Đông vương lại mượn cớ không xuất binh hoặc xuất binh muộn, đến lúc đó dân chúng Đoan Châu thậm chí là cả vùng Hoa Bắc sẽ biến thành một miếng thịt bò đợi bị cắt xẻ dưới loan đao của kẻ địch! Giết một Ngôn Băng Vân, làm lạnh lòng hơn mười vạn tướng sĩ biên cương, đánh đổi như vậy, không đáng!"
(*Nguyên văn "Cộng hoạn nan dịch, cộng hưởng nhạc nan, điểu tẫn cung tàng, thỏ tử cẩu phanh": xuất phát từ câu chuyện Việt vương Câu Tiễn vong ân phụ nghĩa, bức hại công thần thời Xuân Thu, để nói về người vong ân bội nghĩa, lúc khó khăn nghèo hèn thì nhờ cậy người khác, đến khi thành công sung sướng thì phản bội những người giúp mình lúc trước.)
"Tạ Doãn, ngươi hỗn xược!" Tạ Tuấn đứng phắt dậy, nổi giận chỉ tay thẳng vào mặt hắn, quát: "Ngươi dám to gan võ đoán phụ hoàng kiêng kỵ Ninh Viễn hầu công cao át chủ! Chẳng lẽ án thua trận của Ninh Viễn là do một tay phụ hoàng tạo thành sao?!"
Tạ Doãn quỳ gối ở đó, ngẩng đầu nâng cằm, không khoan nhượng nói:
"Như vậy chẳng lẽ là lỗi của Ninh Viễn hầu sao? Nếu ông ấy thật sự có lòng làm loạn thì sao có thể rơi vào kết quả thân một nơi đầu một chỗ? Ít nhất trước khi xảy ra chuyện ông ấy cũng phải sắp xếp một chỗ tốt đưa con trai của chính mình đi, chứ không phải là để y chạy thẳng đến Đoan Châu chịu chết!" Hắn một lần nữa hành lễ với phụ thân, nói: "Hôm nay phụ hoàng gọi chúng con đến đây, đã nói rõ là mỗi người đều được đưa ra ý kiến của riêng mình, không cần kiêng dè, cho nên nhi thân chính là có cái gì nói cái đó. Nhi thần học hành qua loa, không thể so với được với Thái tử điện hạ thông tuệ thiện biện, thỉnh cầu phụ hoàng đừng vì nhi thần mà tức giận."
Rõ ràng hắn mới là người nhanh mồm nhanh miệng, nói đến mức Tạ Tuấn tức đỏ mặt tía tai nhưng không biết phản bác thế nào, thế nhưng lại tỏ vẻ như phải chịu nhiều ấm ức lắm vậy. Hoàng thượng không nhịn được mà bật cười, nhưng nghĩ đến Thái tử ngoại từ việc nịnh bợ chính ông ra thì không có đến nửa phần nhìn xa trông rộng, cười cũng không cười nổi nữa. Hoàng thượng tựa vào trên bàn, liếc mắt nhìn Tạ Doãn một cái, hỏi:
"Theo như cao kiến của ngươi, thì án này nên xử thế nào?"
Tạ Doãn thong dong đáp:
"Nhi thần nghĩ là, vụ án này còn nhiều điểm đáng ngờ cần tiếp tục điều tra, trước khi tìm ra tất cả manh mối, vẫn nên để Ninh Viễn hầu được an táng long trọng, lấy đó bày tỏ niềm thương tiếc của phụ hoàng với một tấm lòng trung lương."
Hoàng thượng không đáp, chờ hắn tiếp tục, Tạ Doãn nhân thời cơ nói hết:
"Về phần Ngôn Băng Vân, tạm thời không cho y kế thừa tước vị, tạm thời giam giữ y trong thành, đợi chân tướng của vụ án Ninh Viễn thua trận rõ ràng thì bàn chuyện thưởng phạt sau."
"Hoang đường!" Tạ Tuấn lập tức trách mắng: "Nếu Ngôn Băng Vân đã sớm theo địch, quay về Đoan Châu là muốn lẻn vào kinh thành làm mật thám, hành động này chẳng phải là đang nối giáo cho kẻ tiểu nhân sao? Y xuất thân là võ tướng, thân thủ tuyệt hảo, muốn lẻn vào trong cung cũng không phải là chuyện gì khó, nhỡ may làm tổn hại đến long thể của phụ hoàng, tội này ngươi gánh được không?"
Tạ Doãn cười khẩy đáp:
"Vừa rồi Thái tử điện hạ còn nói năm vạn cấm quân có thể khiến quân Khương có đến không có về cơ mà. Sao nào? Năm vạn cấm quân giờ lại không đề phòng được một Ngôn Băng Vân à?"
Tạ Tuấn bị hắn chọc tức đến mức nói lắp:
"Ngươi ngươi ngươi...!"
"Được rồi." Hoàng thượng dùng ánh mắt khiến thái tử ngồi im tại chỗ, sau đó mới chuyển hướng sang hoàng trưởng tử Tạ Ngật, nói: "Yến vương có cao kiến gì không? Nói thử trẫm nghe."
Tạ Ngật tính tình trầm ổn, hành xử chững chạc, tuy là thứ xuất nhưng cũng rất được Sùng Thanh đế yêu mến, sau khi thành niên lập tức được phong làm Yến vương. Hắn ta ung dung điềm tĩnh đứng lên hành lễ, lời lẽ rõ ràng, nói:
"Nhi thần đồng ý với những lời mà Ngũ đệ nói. Ninh Viễn hầu đã chết trận, cho dù ông ta có thật sự phản quốc, phụ hoàng cũng nên thưởng cho ông ta được vinh táng long trọng, không phải vì ông ta, mà là vì để làm yên lòng Liêu Đông vương, Định Nam vương, cùng tất cả các tướng quân vương hầu còn sống đang đóng quân ở biên thùy. Chỉ là một hành động trấn an quân tâm thôi, lòng quân định, nước ắt sẽ an."
Hoàng thượng khẽ gật gật đầu, sắc mặt hơi nguôi đi. Tạ Ngật lại nói:
"Nếu đã ban thưởng cho Ninh Viễn hầu, vậy thì không thể giết Ngôn Băng Vân, không thể giam, cũng không thể phạt, nhưng cũng không thể thả y đi, ít nhất là hiện tại không được. Sau đó tìm một tướng tài khác đến xây dựng lại quân Ninh Viễn. Còn về phần Ngôn Băng Vân..." Hắn ta tạm dừng trong giây lát, mặt không đổi sắc nói: "Nhi thần nghĩ đi nghĩ lại, cận vệ trong quý phủ của Ngũ đệ là ít nhất trong các hoàng tử, không bằng bố trí cho Ngôn Băng Vân vào đó, như vậy vừa có thể để Ngũ đệ trông chừng y, lại vừa xem như là cho quân Ninh Viễn đầy đủ thể diện."
Lời này vừa nói ra, đến ngay cả Tạ Doãn cũng ngây người, đợi đến khi Hoàng thượng mở miệng hỏi hắn "Ngươi có bằng lòng hay không" thì mới quỳ xuống dập đầu, đáp:
"Nhi thần... không có ý kiến gì khác."
***
"Đâu chỉ là không có ý kiến gì khác." Đợi tới sau khi đám hoàng tử cáo lui, thái giám Mạc Ngôn chưởng quản Ti Lễ giám mới hầu hạ Sùng Thanh đế dùng cơm trưa, sau đó bâng quơ nhắc đến hành động khác thường của Ngũ hoàng tử ngày hôm nay, Hoàng thượng mới lắc đầu thở dài: "Trẫm thấy nó còn vui đến không nhịn được ấy."
Mạc Ngôn nhìn sắc mặt Hoàng thượng, biết rằng tâm tình của ông rất tốt, cười đáp:
"Nô tài nghe nói ngày thường Ngũ hoàng tử quả thật là rất thích kết giao với giang hồ hào kiệt, văn nhân chí sĩ. Anh danh của Ninh Viễn hầu bên ngoài rất cao, có lẽ vì vậy mà Ngũ hoàng tử ngưỡng mộ Ngôn công tử."
Vẻ mặt của Hoàng thượng tuy rằng thản nhiên, nhưng vẫn xen chút phiền muộn:
"Đứa nhỏ này luôn luôn không để tâm đến chính sự, hiện giờ xem ra, không phải là không hiểu, chẳng qua là không muốn thôi."
"Còn không phải vậy sao, hôm nay nô tài nghe điện hạ cao đàm hùng biện, giơ tay nhấc chân đúng là học được vài phần phong thái giống Hoàng thượng ngài đấy ạ."
Hoàng thượng khẽ thở dài, nói:
"Đáng tiếc nó cũng giống như mẫu phi nó vậy, từ nhỏ đã không thích bị nhốt bên trong chốn tường cao mái rộng này..."
Mạc Ngôn chia thức ăn đâu vào đấy cho Hoàng thượng, sau đó cúi đầu đứng sang một bên, nghe Hoàng thượng nói khẽ:
"Trẫm đã cô phụ mẫu phi nó, làm sao có thể lại miễn cưỡng nó nữa... Nếu nó không thích, vậy thì cứ để nó phóng túng, làm một cánh hạc tự do giữa mây nhàn, thanh thản cùng trời đất cũng tốt."
Mạc Ngôn thấp giọng nói:
"Mọi người đều nghĩ Hoàng thượng không coi trọng Ngũ hoàng tử, đâu ai biết được đó là tấm lòng từ phụ yêu thương con của Hoàng thượng đâu."
"Từ phụ..." Hoàng thượng cười khẽ như châm biếm: "Có nước thì không có nhà, từ lúc trẫm ngồi lên cái vị trí này, thì đã không thể làm trượng phu hay phụ thân của bất kỳ ai nữa rồi."
Dùng xong cơm trưa, Hoàng thượng quay về nội điện nghỉ ngơi. Mạc Ngôn ra ngoài rồi đóng cửa lại, đứng ở bên ngoài điện ngẩng đầu nhìn mặt trời chói chang trên cao. Thái giám hầu phòng Tiểu Lịch Tử vội vàng tiến lại gần, nói:
"Lão tổ tông cũng quay về phòng nghỉ trưa một lát đi, nơi này có chúng nô tài hầu hạ là được."
Mạc Ngôn không động đậy, Tiểu Lịch Tử cũng không khỏi nhìn theo, nói:
"Lão tổ tông đang nhìn gì vậy? Hôm nay mặt trời chói lóa, cẩn thận thương tổn đến mắt."
"Trăng quầng thì gió, nền ướt tức mưa." Mạc Ngôn thở dài: "Sắp trở trời rồi."
_________
Chuyên mục phổ cập kiến thức.
1. Vì cái gì Tri phủ của Đoan Châu và Thái tử nhìn thấy Hoàng thượng sai Cẩm Y Vệ đi bắt Ngôn Băng Vân về là muốn giết y.
Bình thường, những bản án ở mức độ này đều sẽ do Tam pháp ty, cũng chính là Hình bộ, Đô Sát viện, cùng Đại Lý Tự. Truyện này tác giả cơ cấu bộ máy triều đình theo thời Minh, ở thời này Cẩm Y Vệ là một tổ chức hoàn toàn độc lập, tách biệt hẳn với các cục và các bộ, trực tiếp nhận lệnh và báo cáo lại cho Hoàng đế, kiểu như sát thủ riêng của vua ấy. Hoàng thượng tìm đến Cẩm Y Vệ, tức là ông ta không muốn theo quy trình, nói như vậy cũng có nghĩa là ông ta muốn âm thầm trực tiếp xử lý sach sẽ người này. Cho nên mọi người suy đoán thánh ý mới cảm thấy lần này Ngôn Băng Vân chết chắc rồi.
2. Hai câu "Điểu tận cung tàng, thố tử cẩu phanh" (Dịch thơ: Chim hết rồi cung tên xếp xó, thỏ chết rồi chó bị phanh thây) vốn xuất xứ từ cuốn "Sử ký – Việt thế gia", nguyên văn câu nói hoàn chỉnh là: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong", có nghĩa là: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao quá, cung tốt vứt bỏ; địch quốc đã diệt, mưu thần cũng chẳng còn".
Điển tích này có từ thời Xuân Thu, khi Việt vương Câu Tiễn nhờ vào sự giúp đỡ của Phạm Lãi và Văn Chủng mà lật ngược tình thế, đánh được nước Ngô. Vua nước Ngô lúc đó là Phù Sai đã liên tiếp bảy lần xin cầu hòa với nước Việt, nhưng Văn Chủng và Phạm Lãi kiên quyết không chấp nhận. Phù Sai thấy vậy đành viết một lá thư rồi dùng tên bắn vào doanh trại của Phạm Lãi, trong thư nói:
"Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao quá, cung tốt vứt bỏ; địch quốc đã diệt, mưu thần cũng chẳng còn. Sao quan Đại Phu không lưu cho nước Ngô tôi còn lại một chút để làm cái dư địa sau này."
Phạm Lãi cũng biết rất rõ điều này, nên sau khi diệt xong nước Ngô, ông bèn lặng lẽ ra đi. Ông đặt quần áo của mình ngay bên bờ hồ, khiến mọi người đều hiểu lầm ông đã nhảy xuống hồ tự sát rồi bỏ đi. Một thời gian sau đó, ông mới viết một lá thư gửi cho Văn Chủng, trong thư viết:
"Vua Ngô có nói: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao quá, cung tốt vứt bỏ; địch quốc đã diệt, mưu thần cũng chẳng còn". Ngài không nhớ hay sao! Vua Việt môi dài mỏ quạ là người nhẫn nhục mà ghét kẻ có công. Cùng chung hoạn nạn thì dễ chứ cùng hưởng an lạc thì khó, nay ngài không đi ắt có tai vạ."
Lúc này Văn Chủng mới vỡ lẽ tại sao Phạm Lãi lại lặng lẽ ra đi. Từ đó, ông thường cáo bệnh không vào triều, thời gian lâu rồi Câu Tiễn cũng nảy sinh lòng nghi ngờ. Một hôm, khi vua tới thăm Văn Chủng đã cố ý để lại một thanh kiếm, Văn Chủng biết rất rõ ngày tận số của mình đã đến, ông hối hận thì đã quá muộn, chỉ đành nuốt hận tự sát.
Từ điển tích đó mà người đời sau hay dùng câu nói trên để nói về người vong ân bội nghĩa, lúc khó khăn nghèo hèn thì nhờ cậy người khác, đến khi thành công sung sướng thì phản bội những người giúp mình lúc trước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.