*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Ngay cả Du Ngạn cũng phải thừa nhận trong mấy chuyện "chơi bời lêu lổng" này, Lâm Giác có thể được gọi là dày công tôi luyện.
Thư trai của Lâm Giác nằm trên con phố chính phồn hoa nhất thành đô, so với các cửa hàng đông như trẩy hội xung quanh thì nó lại trông quạnh quẽ đến lạ, thậm chí Du Ngạn phải hoài nghi thư trai này từ lúc khai trương đến giờ liệu đã bán được bức tranh chữ nào chưa. Nhưng hiển nhiên, chủ nhân của thư trai cũng chẳng hề quan tâm.
Lâm Giác rõ ràng đã bỏ ra không ít công sức cho thư trai này, Du Ngạn chỉ nhìn lướt qua đã thấy rất nhiều thứ tốt, vốn hứng thú ba phần cũng tăng lên năm phần. Chàng tiện tay cầm lên một miếng ngọc bích, ơ hờ đánh giá: "Ngọc bích này nhìn không tệ, là đồ tiền triều?"
(Ngọc bích /玉璧/: Một thứ đồ ngọc thời xưa, dẹt, hình tròn, trong có lỗ tròn.)
"Không hổ là Du huynh." Lâm Giác liếc nhìn tay chàng, giọng nói mang vẻ vui mừng khó nén, "Nó được làm ra từ tay thợ có tiếng Vạn Tuân tiền triều, đây là sản phẩm tinh xảo nhất trong số rất nhiều thành phẩm của ông, tôi phải bỏ ra không ít công sức mới tìm được."
Du Ngạn đưa ngọc bích đến trước mắt, tỉ mỉ quan sát, gật đầu: "Đúng là đồ tốt, giờ tôi thấy hôm nay đến thư trai này của huynh thật là đúng đắn."
Lâm Giác nhếch khoé miệng, trên mặt mang theo vẻ đắc chí không hề che giấu: "Phải thế chứ, tôi đã phí rất nhiều tâm tư vào đấy. Vả lại người khác tới chỗ tôi không phải cái gì cũng nhận ra được, chỉ có Du Tử Khanh huynh có con mắt tinh đời mới xứng đáng với những bảo bối này của tôi thôi."
Du Ngạn đặt miếng ngọc bích trở lại chỗ cũ, cong khoé môi: "Vậy tôi phải nhìn kĩ một chút mới được."
Lâm Giác nhún vai: "Thư trai lớn như này, huynh cứ tuỳ ý dạo chơi, ta bảo người làm pha ấm trà ngon, nhân tiện chuẩn bị mực bút, chốc nữa dù thế nào huynh cũng phải để lại một bức chữ đắt giá cho tôi, tôi muốn xem xem Du Tử Khanh huynh sau khi dẫn binh đánh trận, có còn cầm bút được hay không?"
Du Ngạn đã lâu không có lúc mãn ý như vậy, ít khi được Lâm Giác gợi lên hứng thú, phất tay: "Muốn tôi cầm bút viết, e rằng trà ngon còn chưa đủ đấy?"
Lâm Giác cười ha hả, quay mặt dặn dò chưởng quỹ ở bên cạnh: "Đi lấy mấy vò rượu ngon ta cất ở đây ra, nếu nịnh được Du công tử vui lòng viết tạm một bức nào đó, là có thể bù cho tiệm nhỏ này của ngươi nửa năm kinh doanh đấy."
Chưởng quỹ có chút kính nể nhìn về phía Du Ngạn, tất tả lui xuống chuẩn bị đồ. Lâm Giác rót cho mình chén trà, ngồi nhâm nhi, để Du Ngạn mặc ý đi dạo một mình trong cửa hàng.
Du Ngạn cũng không xa lạ, từ thời niên thiếu tài năng của chàng đã lừng danh kinh thành, mặc dù sở thích và thú vui những năm nay không ở chỗ này, nhưng không có nghĩa là những bản năng ấy sẽ bị lãng quên. Chắp hai tay sau lưng, chàng chầm chậm đi quanh quẩn trong tiệm, lần lượt ngắm nhìn những món đồ cổ bằng ngọc trên giá, tranh chữ trên tường, có món chàng sẽ dừng chân thưởng thức, mà có thứ chàng chỉ quét mắt nhìn qua liền đặt xuống.
Lâm Giác uống hơn nửa chén trà, mới tuồng như nhớ đến trong tiệm này còn có một người: "Sao nào, Du huynh, tiệm nhỏ của tôi có mấy thứ lọt được vào mắt huynh?"
"Đồ tốt thì có nhiều, nhưng không có thứ nào là độc nhất." Du Ngạn nhìn y, thuận tay cầm một cái hộp tinh xảo đặt trên quầy lên, lấy ra một quyển trục, chỉ liếc thoáng qua, lông mày nhướng lên, "Có điều Lâm huynh thật là hải nạp bách xuyên, vừa có tranh quý có một không hai của danh gia tiền triều, vừa có... ừm, để trong chiếc hộp tinh xảo này là tranh luyện chữ của Lâm huynh ngày xưa phải không?"
(Danh gia: Học giả có tiếng.
Hải nạp bách xuyên: Ý nói biển có thể dung nạp nước của hàng trăm ngàn con sông, dung nạp được tất cả.
Ở đây ý Du Ngạn là sưu tầm mọi thứ.)
Lâm Giác hơi ngạc nhiên đặt chén trà xuống, đi đến trước mặt Du Ngạn nhìn vào trong tay chàng, ngay lập tức lộ ra vẻ mặt hết sức khó coi: "Đây là thứ gì? Ai bày cái thứ này ở đây?"
Chưởng quỹ cuống quýt bước vào thì thấy cái hộp mở ra ấy, trả lời: "Là tiểu công tử quý phủ đưa đến, tiểu công tử nói tranh chữ này cậu ấy bỏ ra giá cao mới có được, giữ trong tay cũng không có tác dụng gì, nên đưa đến nhờ tiệm ta bán đi thay cậu ấy."
"Bán đi?" Lâm Giác không thể tin được cầm quyển trục đó đưa đến trước mặt chưởng quỹ, "Ngươi thấy có được mấy người đầu óc bã đậu như nó tiêu tiền mua cái thứ này về hả?"
Du Ngạn nhớ tới Lâm Giác đúng là có một huynh đệ được vợ lẽ sinh ra, nhỏ hơn y vài tuổi, được cha chống lưng cho nhập sĩ từ sớm. Đối với người ngoài, người em này trông cẩn trọng và đáng tin cậy hơn so với người con cả Lâm Giác, Du Ngạn ở trong triều cũng từng tiếp xúc vài lần, hắn quả thực phù hợp với chốn quan trường hơn Lâm Giác, song xét về tài năng và học vấn thật sự thì...
Du Ngạn lấy bức thư pháp trong tay Lâm Giác, thực ra chưa nói đến việc tranh chữ này có bán ra được hay không, so với những thứ ở trong thư trai này, nó đúng là có vẻ hơi lạc lõng. Hơn nữa vừa rồi chưởng quỹ còn nói Lâm tiểu công tử đã phải trả rất nhiều tiền cho bức tranh chữ này khiến Du Ngạn không khỏi có chút hiếu kỳ, chàng cúi đầu nhìn thấy con dấu ở góc dưới bên trái, lại gần nhìn kỹ hơn, ngờ vực hỏi: "Vân Trung cư sĩ? Người này là ai?"
Lâm Giác liếc về hướng ngón tay chàng, trên mặt hiện vẻ không tin: "Tôi tưởng là ai, thảo nào. Vân Trung cư sĩ này huynh nhất định biết, chính là Lý Thượng thư chúng ta."
Du Ngạn trầm ngâm một lúc, không chắc chắn: "Lý Phụ?" Chàng cúi đầu liếc nhìn chữ trên đó, "Nhắc mới nhớ chữ này đúng thật có chút quen mắt, tôi không ngờ Lý đại nhân... ừm, còn có loại thú vui tao nhã này."
"Có lẽ huynh không biết, Lý Thượng thư, không, lúc này phải gọi là Vân Trung cư sĩ, chữ của ông ấy hiện ở đô thành có thể nói là ngàn vàng khó kiếm, không biết có bao nhiêu quan lại quyền quý nghĩ mọi cách để có được một bức chữ của ông ta." Khoé miệng Lâm Giác hiện lên một nụ cười giễu cợt, "Nếu tiểu thiếu gia của quý phủ chúng ta dùng số tiền lớn để cầu chữ của ông thì ta không thấy ngạc nhiên chút nào."
Du Ngạn nhướng mày, nhìn chằm chằm bức chữ một hồi, rồi chợt bật cười: "Nói đến đây, tôi đột nhiên cảm thấy bức chữ này của Lý... Vân Trung cư sĩ lại có hàm ý khác."
Lâm Giác: "???"
Du Ngạn cúi đầu cẩn thận cuộn lại bức thư pháp, đặt vào trong hộp gấm: "Cũng may là tôi đến đúng lúc, nếu không đã không có cơ hội nhìn thấy bức chữ đắt giá này. Tranh này tôi lấy, ngày mai tôi sẽ kêu người chuyển bạc đến phủ huynh."
Lâm Giác vô cùng kinh ngạc: "Du Tử Khanh, không phải chứ? Chữ huynh viết năm tóc để chỏm còn đẹp hơn cái thứ này, huynh mua nó về làm gì?"
"Đương nhiên là để thưởng thức tỉ mỉ." Du Ngạn cất hộp gấm, "Đồ tôi đã xem gần hết rồi, hôm nay lấy được bức chữ này cũng không uổng công. Rượu ngon huynh chuẩn bị cho tôi đâu?"
Lâm Giác khá sốt ruột liếc hộp gấm, nghĩ thế nào cũng không ra cả căn phòng chứa toàn thứ tốt, Du Ngạn cuối cùng lại lấy một phế phẩm đến y cũng phải chê. Lâm Giác đành xua tay: "Thôi, dù sao tôi cũng chưa từng hiểu huynh. Nào, ra sân sau đi, trong vườn hoa có đào cái ao nhỏ trồng nửa ao hoa sen, giờ vừa dịp nở hoa, không so được với trong phủ huynh nhưng cũng coi như một chỗ hay để uống rượu."
Du Ngạn gật đầu, cười mỉm mang hộp gấm đi theo Lâm Giác ra vườn sau.
Vì là vườn sau của thư trai nên có chút nhỏ hẹp, nhưng lại rất độc đáo, những bông sen trong ao khoe sắc diễm lệ cùng những lá sen xanh biếc phản chiếu lẫn nhau. Du Ngạn ngồi xổm xuống một gốc cây bên cạnh bờ ao, lững lờ khuấy đảo nước trong ao vài lần, cá chép hoa ban đầu bơi bên ao lập tức tản đi. Du Ngạn không khỏi nhíu mày: "Không biết tại sao, tôi luôn cảm thấy mình không được cá chép hoa ưa."
Lâm Giác ngồi sát xuống bên chàng để mình cũng được che dưới bóng cây, ném một nắm mồi xuống ao: "Không thể nào, cá chép hoa của tôi gần người lắm, vì được cho ăn quen rồi, cứ có người đến là vây quanh bờ đòi ăn."
"Cá chép hoa nhà tôi cũng bảo gần người, nhưng mà tôi câu cá trong ao ba ngày, chưa có con nào mắc câu cả." Du Ngạn cởi giày, thò chân vào trong nước đung đưa qua lại mấy lần làm gợn lên từng làn sóng lăn tăn trong mặt ao phẳng lặng.
Lâm Giác nhìn chàng với vẻ mặt phức tạp: "Huynh câu cá trong ao sen nhà mình? Nếu tôi nhớ không lầm thì cá chép hoa trong ao nhà huynh toàn là bảo bối của cha huynh mà, huynh cứ làm khổ chúng nó như vậy, ông ấy cũng không quản huynh à?"
Có người làm bưng rượu lại đây, Du Ngạn nâng một chén uống cạn: "Thời tiết này, ông cụ đã vào núi trốn cái nóng mùa hè lâu rồi, đâu rảnh rỗi quan tâm đến cỏ cây hoa lá của mình."
Lâm Giác đăm đăm nhìn chàng một lúc: "Tôi nghĩ không hiểu sao năm đó huynh đột nhiên đổi tính vào triều làm quan, thậm chí còn ra chiến trường, nhưng bây giờ xem ra có vẻ cũng khá tốt."
Du Ngạn uống một chén rượu, híp mắt nhìn y: "Sao tôi cứ có cảm giác như huynh đang vòng vo mà mắng tôi?"
Lâm Giác rót đầy rượu cho chàng: "Tôi nào dám, tôi vẫn đang chờ Du công tử thoả chí rồi viết tạm cho tôi cái gì đây."
Du Ngạn lắc lư chén rượu trong tay, nâng mắt nhìn thấy mực bút đã chuẩn bị sẵn ở trong đình cách đó không xa, ngửa đầu uống cạn rượu trong chén, đè vai Lâm Giác đứng dậy, bước chân trần lên phiến đá nóng ran trải dưới ánh mặt trời, loạng choà loạng choạng đi vào trong đình: "Tôi đã nhiều năm không cho người khác chữ, bức này, coi như để tạ lễ vò rượu của huynh."
Khi Du Ngạn ra khỏi thư trai đã gần chạng vạng, chàng với Lâm Giác uống hai vò rượu, hứng rượu nồng nàn, không chỉ viết cho Lâm Giác, hai người còn cùng nhau ngâm thơ đối chữ, nâng chén nói cười, cũng là một khoảnh khắc vui thích hiếm có những năm gần đây. Mãi đến khi Lâm Giác không chịu nổi men rượu say ngất ngây nằm bên ao sen, được tôi tớ đỡ về nghỉ ngơi, Du Ngạn mới khước từ chưởng quỹ đưa tiễn, lảo đà lảo đảo ra cửa, trước khi đi còn không quên cầm theo bức tranh chữ của Lý Phụ.
Vừa ra khỏi cửa thư trai Du Ngạn liền thấy một chiếc xe ngựa đang chờ ở cửa bèn nheo mắt để nhìn rõ người đang đứng trước xe ngựa, chàng lắc lắc đầu, chắp tay nói: "Trì thị vệ."
Trì Triệt đáp lễ chào: "Đại nhân, Bệ hạ đã biết chuyện hiểu lầm hôm nay, lệnh thuộc hạ tới đón ngài."
"Đón ta vào cung?" Du Ngạn xua tay, chiếc áo đẹp trên người đã nhếch nhác không thể nhìn nổi qua một buổi chiều lăn lộn bên bờ ao, "Cái bộ dạng này của ta đi chỉ tổ chướng mắt Bệ hạ." Chàng nói rồi ngáp một cái, "Hôm nay ta uống hơi nhiều rượu, bây giờ buồn ngủ quá, vừa hay có Trì thị vệ đây, tiện thể đưa ta về phủ đi."
Trì Triệt thoáng nhíu mày nhưng vẫn gật đầu: "Vâng."
Du Ngạn không cần gã dìu, tự trèo lên xe ngựa, động tác lanh lẹ như không hề say. Trước khi buông rèm xe xuống chàng bỗng nói: "Ta đây không có thứ gì khác, chỉ mới tốn số tiền lớn mua một bức tranh chữ từ chỗ Lâm công tử, bèn nhờ Trì thị vệ mang về cho Bệ hạ, bảo ta gửi lễ cảm tạ Ngài phái người đưa ta về phủ." Nói đoạn đưa hộp gấm hoa lệ ra, "Làm phiền Trì thị vệ, đi thôi."