Bốn Năm Phấn Hồng

Chương 64: Học bổng




Dù cho ở đại học tôi chỉ một vài lần giành được học bổng, dù cho tôi trốn học nhiều hơn đi học thì tôi cũng không thể tán thành với thái độ học tập của bạn trai Trịnh Thuấn Ngôn, huống hồ là một nữ sinh năm nào cũng giành được học bổng loại một như Trịnh Thuấn Ngôn. 
Bốn năm đại học, tôi đã có một số lần giành được học bổng, nhưng lần khó quên nhất lại là một lần đáng lẽ giành được nhưng cuối cùng lại để tuột mất. Chúng ta luôn luôn ghi nhớ khá rõ những nỗi đau.
Ở đại học tôi học rất tệ nhưng nhiều lần giành được học bổng, lúc là học bổng loại một, khi là học bổng loại hai, thực ra điều này chẳng liên quan gì đến việc học giỏi hay học dốt, hơn nữa việc xếp loại học bổng chuyên ngành của trường chúng tôi hầu như đều dựa vào điểm trung bình cộng tất cả các môn học, thậm chí điểm thể dục cũng có thể giúp bạn kéo điểm, mỗi học kì chỉ có hai, ba môn chuyên ngành như vậy nên khoảng cách không lớn. Phần trên đây cũng đã có một số người bạn qua mạng châm biếm cái sự kém cỏi và không uyên bác của tôi, tôi tôi không hề phản bác lại mà khiêm tốn tiếp thu sự phê bình đó. Tôi viết chuyện này cũng giống như hồi nhỏ đứng trên bục giảng để tự kiểm điểm vây. Tôi rất ít khi đi học, những giờ trốn học nhiều hơn những giờ đi học. Mà dù có đi học thì cũng như không. Không đi học mà biết học thuộc lòng thì cũng có thể giành được học bổng. Nói vậy có vẻ như là đang nói khoác thì phải? Nhưng thực tế lại đúng như vậy đấy. Bài thi những môn khoa xã hội ở trường đại học quả thực là sự thử thách trí nhớ của mọi người. Bạn có thể học thuộc lòng cả quyển sách chỉ trong một ngày, bạn muốn được điểm cao ư? Điều này về cơ bản là rất khó. Tôi cũng đã từng có một cảm nhận sâu sắc rằng mình không sánh kịp với những người bạn mà dù có mưa gió cũng không cản trở đến việc lên lớp của họ, họ luôn luôn ngồi ở bàn đầu tiên, chăm chú theo dõi bài và có thể ghi bài như một cái máy in. Khi tôi giành được học bổng loại một trong năm học thứ nhất, tôi cảm thấy mình giống như một tên trộm hoặc một tên cướp, dùng những thủ đoạn phi pháp để lấy đồ của người khác. Và khi thấy đám bạn nhìn chòng hcọc vào tấm bằng chứng nhận danh dự đỏ chót của mình, tôi đã thầm hạ quyết tâm sẽ không làm chuyện có lỗi với đông đảo quần chúng nhân dân như vậy nữa. Cho nên tôi không giành học bổng thêm lần nào nữa. Bạn thấy đấy, tôi lại tự tìm lí do cho mình rồi. 
Phải nói rõ thêm, việc năm thứ haiko giành được học bổng chuyên ngành là nguyện vọng lúc tôi học năm thứ nhất. Nhưng việc năm thứ hai tôi không giành được học bổng cá nhân lại làm cho tôi một lần nữa nhìn thấy rõ một vài mặt tối của trường đại học.
Tôi không phải là một phần tử năng động trong trường, không như một vài bạn, ví dụ như La Nghệ Lâm chẳng hạn, làm hội trưởng hay chủ tịch gì đó, hội họp không ngớt, đi đường thì lúc nào cũng như chạy, chạy đi làm những việc chẳng liên quan gì đến niềm vui cuộc sống. Tôi chỉ làm những việc mà tôi thích làm. Tôi thích viết, bởi vì viết văn làm tôi không cô đơn, không có người nói chuyện thì có thể tự nói với chính mình. Hơn nữa, viết văn lại có thể kiếm được tiền, kiếm được tiền thì có thể mua được quần áo đẹp. 
Chỉ với một lí tưởng nhỏ bé của một cô gái trẻ như vậy mà tôi đã viết văn, tôi mang tác phẩm của mình đi xin học bổng cá nhân. Lần này, nếu có thể giành được học bổng thì tôi có thể ngẩng cao đầu rồi, đó là do tôi đã nỗ lực mà giành được chứ không phải là do khôn vặt hay do may mắn. Những việc ở trong trường luôn rất rắc rối, xin có một suất học bổng thôi mà cũng phải dấu nọ dấu kia, tôi đã chạy đi khắp nơi, đóng đủ những cái dấu cần đóng, nhưng tôi lại không nhận được học bổng. Khi chủ nhiệm lớp nói với tôi rằng đơn của tôi không được phê chuẩn, trong lòng tôi cảm thấy rất thất vọng. Thất vọng. Tôi nghĩ hay là do nỗ lực của mình chưa đủ, có thể là về phương diện này trong trường vẫn còn nhiều người khá hơn tôi. Lại hỏi một người bạn đã giành được vị trí thứ ba trong đại vận hội toàn quốc, với thành tích như vậy, ai có thể cạnh tranh được cơ chứ? Cô ấy cũng không nhận được học bổng cá nhân? Tôi vô cùng kinh ngạc, không ngờ là nhân tài của trường lại nhiều đến vậy. Nhờ việc mất học bổng của cá nhân mình, tôi mới có thể thấy được rằng ngôi trường đáng buồn của chúng tôi lại có cả một số lượng lớn nhân tài hùng hậu đến vậy, điều này khiến tôi thực sự cảm thấy rất vui.
Nhưng khi biết được rằng có bạn giành được học bổng cá nhân chính là nhờ làm cán bộ sinh viên, chỉ viết một bài báo xíu xiu trên tờ Sở Thiên đã có thể giành được học bổng văn học cá nhân, tôi vô cùng phẫn nộ. Tôi không quan tâm là có bao nhiêu người cũng giành được học bổng cá nhân đó, cô ta giành được học bổng chỉ với một bài văn, còn tôi với một trăm bài lại không thể giành được hay sao?!
Người đó chính là La Nghệ Lâm. 
Tôi vốn không phải là người theo đuổi danh vọng, nhưng nỗi uất ức đó làm sao mà tôi chịu được cơ chứ? Tôi phải kiến nghị vì những bài văn tuy nhỏ bé nhưng chân thật của mình! Cầm đống giấy tờ xin học bổng và những bài văn đã được đăng, tôi lao đến văn phòng của khoa. Trường có cơ quan chuyên đánh giá các loại học bổng và chứng nhận danh dự, có cái tên rất đẹp là Ủy ban Đánh giá Học bổng Đại học X. Lần đó, phụ trách bình chọn học bổng là một giáo viên họ Trần, một người đàn ông có thân hình béo mập.
Tôi lao đến văn phòng của ông ấy, nhìn thấy tôi đứng sừng sững ở cửa văn phòng với vẻ mặt đầy sát khí, ông ấy sốt ruột nói: "Vào đi, còn chần chừ ở đó làm gì?" Tôi tiến đến trước mặt ông ta, đập vào mắt tôi là khuôn mặt nần nẫn thịt của ông ta, thật là một người xấu tiêu biểu, bây giờ lại còn công tư không phân minh nữa chứ! Chính ông ta đã tước mất học bổng của tôi! Thật ghê tởm, ghê tởm đến chết mất thôi.
Trước khi đến trước mặt ông ấy, tôi đã tưởng tượng ra đủ mọi tình huống và nộ khí ngút trời. Ví dụ như lấy đống giấy tờ của tôi đập vào mặt ông ta, hoặc là chỉ thẳng vào mặt ông ta mà mắng: "Cái đồ nhà ông, ông có biết tiếng tăm của ông trong giới sinh viên đã tồi tệ đến mức nào không? Tôi chỉ nhìn thấy ông là đã thấy kinh tởm rồi!" Hay như dán một bài báo chữ to, viết ra những lời nói và việc làm của ông ta khiến cho người khác phẫn nộ, vân vân. Chỉ trách sao tôi lại quá lương thiện, đến báo thù người khác cũng không nghĩ ra những thủ đoạn nham hiểm. Điều này thì phải học tập vua Trụ nhà Thương. 
Nhưng, khi khuôn mặt bự thịt ấy ở ngay trước mắt thì tôi chợt ý thức được rằng người đàn ông xấu xí này phụ trách các công tác như kết nạp Đảng, đánh giá học bổng và bảo lưu kết quả nghiên cứu cho sinh viên, các quyền hành lớn đó đều nằm trong tay ông ta cả. Tôi cãi nhau với ông ta thì có gì hay ho cơ chứ? Chỉ có mấy trăm đồng tiền học bổng nhưng điều mà tôi phải trả giá là sau này không ngừng bị ông ta "chỉnh", bị ông ta "trù" cho đến khi tốt nghiệp cũng không cựa nổi mình. Bây giờ cứ cho rằng tôi là Tôn Ngộ Không thì ông ta chính là Như Lai, trừ khi tôi không đi học nữa thì mới có thể đập chết ông ta bằng một gậy Như Ý. Trong một khoảng thời gian mười giây tôi đã nghĩ đến những điều đó, và rồi tôi đã nhũn nhặn nói rằng: "Em thay mặt lớp đến tìm thầy hiệu trưởng để đưa cho thầy mấy thứ".
Ông ta nói mà chẳng thèm ngẩng đầu lên: "Thầy hiệu trưởng sáng nay đã đi họp rồi. Giấy tờ của em để đến chiều hãy nộp".
"Dạ. Cảm ơn thầy Trần ạ". Tôi nói với giọng nhũn nhặn và nhạt nhẽo, sau đó lặng lẽ ra khỏi văn phòng. Đám giấy tờ rối rắm kia nằm gọn trong lòng tôi một cách vô ích. Đống giấy tờ ụp vào ngực tôi một cách thảm thương. Những bài văn cô đơn và quật cường của tôi. Tôi mềm yếu còn người đời thì lọc lõi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.