Bốn Năm Phấn Hồng

Chương 68: Diệp Ly bị đuổi học




Vào một ngày khi học kì hai của năm thứ ba sắp kết thúc, buổi trưa khi tan học, dòng người từ trong các khu học xá đổ ra rồi dần dần tản ra như thác lũ tách thành từng dòng nhỏ. Nhưng những dòng nước nhỏ này lại tụ thành vòng tròn trước cổng khu chung cư.
Tháng đó là tháng tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức được tổ chức mỗi năm một lần tại trường chúng tôi. Trước cổng khu chung cư có đặt một tấm bảng tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức. Vòng tròn đó chính là nhóm người tụ tập xung quanh tấm bảng tuyên truyền.
Lúc đi qua, tôi thấy rất nhiều người vây quanh chỗ đó, thấp thoáng nghe thấy từ gì đó như "đuổi học".
Tôi tự nhiên thấy căng thẳng, trong lòng hoảng sợ vô cùng. Một cảm giác lo sợ không tên không biết từ đâu ùa vào trong lòng tôi.
Hoàn toàn là trực giác. Một người vốn chẳng bao giờ tụ tập để xem những cảnh tượng náo nhiệt như tôi lại đang ra sức chen vào đám đông. Giống như bị một thế lực thần bí nào lôi kéo khiến tôi không ngừng đẩy hết mọi người đứng cản phía trước, tiến sát đến tấm bảng tuyên truyền.
Đó là 1 tấm bảng rộng hai mét vuông. Một hàng giấy mười sáu tờ được dán ngay ngắn phía trên. Giấy trắng mực đen.
Hình như chỉ liếc qua tôi đã thấy một tờ giấy trong số đó có viết như sau: Diệp Ly, nữ, người tỉnh... vùng..., sinh viên khoa... của trường niên khoá 2000.
Tháng 4 năm 2003, bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi ăn cắp ba lô tại thư viện trường.
Sinh viên này sau khi khai báo cho biết đã rất nhiều lần thực hiện hành vi ăn cắp tại thư viện. Theo Điều 21 quy định của trường, quyết định kỉ luật không công nhận tư cách sinh viên của Diệp Ly.
Hiệu trưởng...
Người tôi bắt đầu run lên, tại sao vậy, tại sao mỗi khi như vậy tôi lại cảm thấy lạnh, cái lạnh từ dưới chân cứ trào dâng lên khiến tôi không ngừng run lên bần bật. Diệp Ly bị đuổi học. Cô ấy bị đuổi học thật rồi. Trong số những người bị đuổi học có Diệp Ly. Diệp Ly bị nhà trường đuổi học vì tội ăn cắp. Cô ấy dần dần biến mất trong sân trường. Đầu tôi đau khủng khiếp, lú lẫn, mơ hồ, thờ ơ và lạnh lẽo. Cảm thấy chút gì đó thất vọng, vết thương như nhìn thấy được, thậm chí là có thể nhìn thấu cả bên trong.
Cách thể hiện sự sợ hãi như một con thú hoang bị thương của Diệp Ly cứ như đang hiện trước mắt tôi. Toàn thân sũng máu, ánh mắt kinh hoàng của cô ấy, ánh mắt vội vàng lướt qua khuôn mặt tôi. Bước chân của cô ấy chạy như bay, những bước chân đã giẫm đạp lên con tim tôi. Tất cả như đang rối tung lên, lần luợt hiển hiện trước mắt tôi.
Bảng tuyên truyền ngày hôm đó có dán tổng cộng mười sáu tờ kỷ luật như vậy. Lời mở đầu mỗi trang giấy đều là những lời sỉ nhục tên tuổi và quê hương của họ. Phần ở giữa viết một cách "trịnh trọng" những từ như là trộm cắp, đánh nhau gây sự, mại dâm. Phần cuối cùng là những lời lẽ không công nhận tư cách sinh viên, nghe chua chát đến não lòng. Trên bảng tuyên truyền có dán tên mười sáu sinh viên, còn phía dưới thì có vô số sinh viên xúm lại để ngó nghiêng, bình luận và chế giễu hoặc có người trên khuôn mặt hiện rõ sự bình thản rồi cứ thế bước ra, để lại kẽ hở cho những sinh viên khác xúm lại tiếp tục xem và bình luận, vậy cũng coi như là đã đạt được mục tiêu giáo dục, tuyên truyền đạo đức của nhà trường.
Mười sáu người, đối với ngôi trường có hơn một vạn sinh viên này thì con số đó vẫn chẳng là gì, tỉ lệ không quá một phần một nghìn. Từng tờ kỉ luật này cũng chẳng là gì, ngoài một vài cái tên mà tôi thấy quen, những cái tên khác chỉ đọc rồi lại quên ngay. Vậy mà, tên của mười sáu bạn đó sẽ suốt đời bị gắn liền với sự sỉ nhục, cuộc sống đại học sẽ mãi mãi là những kí ức không thể quay lại từ đầu, tờ kỉ luật này sẽ thay đổi con đường cuộc đời họ và vĩnh viễn không thể nào quên được.
Một bước sa ngã mà phải hối hận cả đời.
Tôi phải cố chen ra từ trong đám đông sinh viên vây quanh đang xô đẩy nhau. Ánh mặt trời hôm đó đẹp vô cùng. Đó là khi tan học, sinh viên trong trường cứ tụ lại như dòng nước lũ từ phòng học đổ dồn về phía nhà ăn và kí túc xá. Ánh nắng chiếu trên khuôn mặt họ, những khuôn mặt trẻ trung và căng tràn nhựa sống. Gió xuân cùng ánh nắng ập thẳng vào mặt khiến mắt tôi cay sè.
Tôi luôn lo lắng e sợ sẽ có một ngày như vậy, và ngày đó đã đến. Diệp Ly bị đuổi học thật rồi.
Thực ra khi chúng tôi biết được tin này thì Diệp Ly đã rời khỏi trường. Cô ấy sống ở khu kí túc xá. Lớp tôi chỉ có năm nữ sinh sống ở đó. Nă người sống ở khu kí túc cũ đã như một nhóm người bị lãng quên, một xó xỉnh bị lãng quên. Toàn bộ những cuộc đấu đá tranh giành đố kị của con gái hoặc hay ho hơn hoặc khốc liệt hơn đều tập trung ở khu kí túc xá mới.
Vì vậy mà Diệp Ly ra đi lúc nào, lúc đi có khóc hay không, khi đi có mang theo những món đồ yêu thích của mình hay không, khi đi có tạm biệt ai không, ví dụ như anh chàng đã tặng 99 bông hồng cho cô ấy hồi năm thứ ba chẳng hạn...
Tôi chẳng biết điều gì trong số ấy cả. Cô ấy ra đi không nói một lời. Giống như một lần tự sát bí mật, cô ấy tự giết chính mình, cô ấy sẽ không bao giờ xuất hiện trước mặt chúng tôi nữa.
Tôi không biết là hằng năm ở các trường đại học có bao nhiêu sinh viên bị huỷ hoại như thế. Trong những năm tháng sau này của cuộc đời, họ sẽ phải trải qua những đau khổ và hối hận như thế nào nữa. Suốt quãng đời còn lại, vì tờ kỷ luật này họ sẽ đi như thế nào trên con đường gập ghềnh và đầy gian khổ tiếp theo.
Tôi vẫn không quên được cô ấy. Không có cách gì để quên được, giống như không thể quên cái ngày hôm đó, cái ngày mà khi bước ra từ cánh cổng lớn của thư viện, ngôi trường thân thuộc này đã khiến tôi có cảm giác mình bị mất phương hướng.
Muốn nói thật nhiều nhưng bây giờ đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Trường năm nào cũng thực hiện tháng tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức. Mà tuyên truyền giáo dục tư tưởng và đạo đức tuyệt đóố không phải là làm một cái bảng tuyên truyền rồi coi như đã đạt được mục tiêu. Chúng tôi đều là những đứa trẻ đang lớn, ai có thể quan tâm nhiều hơn tới chúng tôi và dẫn dắt chúng tôi? Không thể cứ để sinh viên lần lượt lầm đường lạc lối, rồi cuối cùng lại khai trừ họ. Khai trừ một sinh viên đối với trường học mà nói đó chẳng qua chỉ là một tờ giấy, một cái tên, một con dấu, còn đối với sinh viên, điều đó có nghĩa là huỷ hoại hoàn toàn. Có ai muốn như vậy? Có ai tình nguyện như vậy?
Chúng tôi đều không muốn bi kịch đó xảy ra, chúng tôi thực sự chỉ muốn sống thật tốt, học tập thật tốt mà thôi. 
Cuộc sống đại học sau này, xin hãy...
Hãy sống và trân trọng nó. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.