Cẩm Khê Di Hận

Chương 25: Ứng Đào mộng, há Tiên cung, di tích cổ kim tồn bí sử




Từ xa xa, đoàn thiết kị Hán rầm rộ phi tới. Tướng đi đầu nhìn sang bên sông, không một bóng người, không một tiếng ngựa, chỉ có chiếc xe do một ngựa kéo, đậu ở bờ sông. Y ngừng lại quan sát một lúc, rồi ra lệnh cho thiết kị dàn trận báo vơí Mã Viện. Một lát Mã Viện cùng Phan Anh, Trần Nghi-Gia tới.
Viện tần ngần:
– Hôm trước thằng Sún Lé kéo cờ là kế nghi binh, giả làm ngu, phục binh đánh Lưu Long hao binh, tổn tướng. Chúng khôn lắm. Bây giờ lại làm nghi binh nữa để dọa ta đấy. Dư đệ, ngươi đừng sợ.
Viên tướng đó là em Mã Viện tên Mã Dư, hiện lĩnh chức đại tướng quân. Nghe lời Viện nói, y truyền quân vượt sông. Y sai một đội thám mã đi trước. Một lát thám mã trở lại báo cho biết: Trên đường đi không một bóng người, không một vết tích phục binh, chỉ có hai mươi gò nhỏ, một gò lớn, là mồ chôn thiết kị bị thiệt mạng hôm trước mà thôi.
Mã Dư phất cờ báo cho Mã Viện biết. Viện qua sông nói với Mã Dư:
– Em tiếp tục cho quân vượt sông, đi đoạn hậu. Ta dẫn quân tiến trước, chiếm đèo An-phùng đã. Để chậm trễ, giặc kéo đến chiếm mất thì khó lòng tiến quân được.
Mã Viện cùng Phan Anh, Trần Nghi-Gia dẫn thiết kị rầm rộ lên đường. Khi qua hai mươi cái gò chôn quân Hán y dừng ngựa ngẫm nghĩ một lúc, nói:
– Ta thề giết thằng Sún Lé, trả cái thù này.
Y dẫn tướng sĩ lên đường. Đào Nhất-Gia đứng trên chót vót ngọn cây nhìn rất rõ. Đợi cho Mã Viện đi xa. Chàng cầm cờ phất một cái. Hoàng Pháp-Hải cầm tù và thổi. Mười cái gò chôn giặc Hán mở tung ra. Mười chiếc xe chở Thần-nỏ chạy ngược về phía bến Đông-vu.
Mã Dư đang chỉ huy bộ binh vượt sông. Thình lình thấy mười cỗ xe song mã kéo tới. Y không hiểu xe đó của mình hay của địch. Xảy ra đâu một hồi tù và nổi lên. Mười cỗ xe dàn hàng ngang, hướng vào đội hình quân Hán tác xạ. Mỗi loạt, mỗi xe bắn ra hơn nghìn mũi tên. Chỉ loạt đầu, hơn vạn người đổ xuống. Quân Hán kinh hoàng, chưa kịp phản ứng, thì Thần-nỏ đã bắn được trên hai mươi loạt. Mã Dư chỉ phía trước hô:
– Xông lên cướp Thần-nỏ!
Quân Hán cầm lá chắn hô lên một tiếng, cùng xung phong đánh cướp Thần-nỏ. Một tiếng tù và rúc lên, các xe chở nỏ bắn liền hai loạt rồi rút lui. Thiết kị đuổi theo. Đuổi được mươi dặm thì lại một tiếng hú vang dội. Từ dưới các bụi cỏ, hơn ba trăm Thần-hổ đội đất chui lên, gầm rung động rừng núi, xông vào trận Hán. Quân Hán hoảng hốt, bỏ mộc, quăng vũ khí chạy. Các xe Thần-nỏ quay trở lại bắn theo. Quân Hán lội sông, dẫm lên nhau chạy sang bờ bên kia.
Đào Nhất-Gia nói với Pháp-Hải:
– Bây giờ, bố bảo thằng Mã Dư cũng không dám vượt sông. Nếu chúng vượt sông. Em dùng Thần-nỏ bắn cản. Nếu chúng liều mạng qua được bên này. Em cho xe chở Thần-nỏ rút lui, dùng Thần-hổ tấn công. Cố đừng cho chúng qua sông.
Đào Nhất-Gia trở về chỗ phục quân. Chàng cùng hơn trăm đười ươi leo lên chiếc gò chôn giặc Hán, kéo lá cờ Lĩnh-Nam ngồi chờ Mã Viện.
Mã Viện tiến quân đến sát đồi An-phùng. Tiền quân báo:
– Trên đồi có quân trấn đóng. Sườn núi có hơn mười hàng rào. Không rõ quân trên đồi bao nhiêu người.
Mã Viện thở dài:
– Trước đây ta nghe nói Phương-Dung chỉ giỏi nghề quân sư. Phùng Vĩnh-Hoa chỉ giỏi mưu mẹo. Trưng Nhị giỏi đốc chiến. Còn Thánh-Thiên có tài quân sư như Phương-Dung, nhiều mưu như Vĩnh-Hoa, dùng binh như Trưng Nhị. Bây giờ ta mới biết. Hôm trước Lưu Long đem mười vạn binh bị Sún Lé rồi Công-tôn Thiệu, giết chết trước sau bốn vạn. Ngô Anh đánh Khúc-giang bị Đào Phương-Dung giết mất hai vạn. Trong khi bên Lĩnh-Nam chỉ mất có mấy trăm người.
Y lắc đầu:
– Ta xuất quân bí mật đến trời cũng khó biết. Thế mà Thánh-Thiên đã cho quân chặn mất đường tiến về Thường-sơn của ta. Đồn kiên cố thế kia, nếu đánh được cũng phải hao bốn năm vạn người. Làm sao bây giờ?
Giữa lúc đó, thám mã báo:
– Sún Lé chỉ huy hai mươi dàn Nỏ-thần với ba trăm con hổ đánh hậu quân. Hơn hai vạn người chết. Quân phải lui về bên kia sông.
Quân sĩ náo loạn lên. Mã Viện cầm kiếm quát:
– Ai náo loạn ta chém liền.
Y dặn Phan Anh, Trần Nghi-Gia:
– Hai người bảo vệ hậu quân. Để ta đánh quặt trở lại. Nếu không chúng mình sẽ bỏ xác lại đây mất.
Mã Viện cùng thiết kị dẫn đầu, rút quân. Từ xa xa, y nhìn thấy cờ Lĩnh-Nam bay phất phới trên gò chôn giặc Hán. Cạnh đó, Sún Lé ngồi chễm trệ. Bên cạnh có đoàn đười ươi đứng hầu.
Mã Viện nghiến răng thề:
– Ta phải giết tên Sún Lé này mới hả dạ.
Y phi ngựa xông tới, vượt qua mười gò chôn xác chết. Thình lình một hồi tù và thổi lên. Các gò mở tung cửa. Từ trong xông ra mười dàn Thần-nỏ. Thần-nỏ bắn như mưa vào quân Hán. Phan Anh, Trần Nghi-Gia vung kiếm gạt tên. Thoáng một cái, Thần-nỏ bắn được sáu loạt. Hơn vạn thiết kị ngã xuống. Người la, ngựa hí vang trời.
Mã Viện đã kinh nghiệm về Thần-nỏ. Y nói: – Thần-nỏ chỉ bắn được mười loạt. Phải cần một thời gian ngắn, mới nạp đủ tên bắn tiếp. Lợi dụng lúc đó, ta xông lên, đánh cướp nỏ.
Quả đúng như lời Mã nói. Thần nỏ bắn hết mười loạt. Mã cùng Phan, Trần dẫn đầu. Phía sau thiết kị xông lên. Một tiếng hú vang trời đất. Từ ven rừng, ba trăm con beo đen như gấm, chui từ dưới đất lên, xung vào trận. Quân Hán kinh hồn bạt vía, bỏ vũ khí chạy vào rừng. Chu Quảng-Khánh phất cờ cho báo đuổi theo.
Bị Thần-báo, Thần-nỏ vây. Mã Viện, Phan Anh, Trần Nghi-Gia cùng múa kiếm đánh dạt phía đông, chạy biến vào rừng mất hút. Chu Quảng-Khánh hú lên một tiếng, hơn hai mươi con báo đuổi theo ba người.
Thấy Mã Viện bỏ chạy. Đám tướng sĩ còn lại quăng vũ khí đầu hàng.
Đào Nhất-Gia kiểm điểm lại, hai vạn thiết kị của Mã Viện chết vạn rưỡi. Còn năm ngàn đầu hàng. Chu Quảng-Khánh cho lệnh hàng binh ngồi lại một chỗ, truyền Thần-báo bao vây. Vũ khí để một nơi.
Chu Quảng-Khánh hỏi Đào Nhất-Gia:
– Anh Lé ơi! Chúng ta chỉ có hơn ba trăm con báo, với hơn trăm người. Làm sao cai quản năm ngàn quân Hán? Không lẽ giết hết chúng đi, lần sau ai đầu hàng mình nữa?
Đào Nhất-Gia ngẫm nghĩ một lúc. Chàng cầm bút viết tờ báo cáo cho Thánh-Thiên, sai Thần-ưng mang đi. Lát sau Thần-ưng trở lại. Chàng lấy thư ở trong ống tre dưới chân Thần-ưng mở ra đọc. Bất giác chàng mỉm cười nói với Chu Quảng-Khánh:
– Công chúa Thánh-Thiên quả là thần nhân.
Chàng móc trong túi ra một bình thuốc, dơ lên cao nói với quân Hán:
– Các ngươi mới đầu hàng. Ta không tin. Vậy mỗi người phải uống một viên thuốc Trung-thành. Uống vào rồi, sẽ không phản được nữa. Ai không uống, ta cho báo ăn thịt liền.
Hàng binh nhận thuốc uống. Phút chốc đều ôm bụng kêu đau.
Đào Nhất-Gia nói:
– Sau khi uống thuốc, các ngươi đều đau bụng. Nội trong một ngày không có thuốc giải, các ngươi sẽ đứt ruột ra mà chết. Bây giờ, các ngươi hãy cầm vũ khí, đến bên Đông-vu cùng ta đánh Mã Viện. Sau trận đánh, ta cho các ngươi thuốc giải.
Hàng binh reo lên một tiếng lĩnh vũ khí.
Vừa lúc đó Hoàng Pháp-Hải cùng mười dàn nỏ thần từ bến Đông-vu rút trở về. Đào Nhất-Gia hỏi:
– Pháp-Hải! Sao lại bỏ chạy?
– Không bao giờ. Anh Lé ơi! Anh quên mất mỗi Thần-nỏ chỉ có thể bắn hai mươi lần, mỗi lần năm trăm mũi tên sao? Thần-nỏ hết tên, em phải rút về.
Chu Quảng-Khánh cũng nói nhỏ vào tai Đào Nhất-Gia:
– Thần-nỏ của em cũng chỉ còn bắn được hai loạt nữa. Anh định thế nào? Chi bằng mình rút về đồi An-phùng, ngay mới kịp. Quân Hán giờ này đang qua sông rồi kìa.
Đào Nhất-Gia cho lệnh các dàn Thần-nỏ rút về An-phùng. Chàng cùng đám hàng binh, thần hổ, thần báo dàn trận sẵn sàng chiến đấu.
Đến chiều, Mã Viện cùng Phan Anh, Trần Nghi-Gia đem quân tới. Đào Nhất-Gia từ sau trận thủng thỉnh tiến ra. Chàng chắp tay nghiêng mình:
– Thống lĩnh Thiên-ưng binh đất Lĩnh-Nam, Đào Nhất-Gia kính chào Phục-ba tướng quân. Từ Trường-an cách biệt, trải năm năm. Nay mới được gặp tướng quân. Hồi này tướng quân trông mập mạp đáo để, thịt chắc thơm ngon lắm. Sáng nay tôi định chờ tướng quân đem cho hổ, báo đớp ít miếng. Không ngờ tướng quân bỏ chạy, để lại năm ngàn kị binh. Họ hàng Lĩnh-Nam rồi.
Mã Viện quát lớn. Phan Anh bên phải, Nghi-Gia bên trái cùng vọt ngựa tấn công Đào Nhất-Gia, Hoàng Pháp-Hải, Chu Quảng-Khánh.
Đào Nhất-Gia hú lên một tiếng. Sư Thần-hổ, Thần-báo cùng đám hàng quân xung vào trận. Chu Quảng-Khánh điều khiển hơn hai mươi Thần-báo vây Trần Nghi-Gia kín như thành đồng vách sắt. Hoàng Pháp-Hải cho Thần-hổ vây Phan Anh. Đào Nhất-Gia đứng trên mình ngựa, có năm mươi đười ươi hộ tống. Chàng cầm cờ điều khiển quân xung vào trận.
Đám hàng binh đánh thục mạng, hy vọng được thuốc giải. Còn quân Hán bị các tướng đốc tiến lên. Mã Viện nhảy vọt về sau trận, đứng đốc chiến. Hổ gầm, báo kêu, ngựa hí, quân reo. Gươm đao chạm nhau choang choảng. Mã Viện nhìn về trận Lĩnh-Nam, y thấy Đào Nhất-Gia đứng đốc chiến như một đại tướng kinh nghiệm. Y gọi mười võ sĩ, đệ tử Liêu-đông tứ ma:
– Ta cho đánh mở đường. Các ngươi xung vào trận giết thằng oắt con kia cho ta.
Mười võ sĩ cùng xông vào trận, đánh dạt đám hàng binh Hán. Đào Nhất-Gia nhìn qua, chàng biết cái gì sắp xảy ra chàng cho đám đười ươi hộ tống xung vào trận. Song đười ươi làm sao địch lại bọn võ sĩ có võ công cao cường. Đào Nhất-Gia hú lên gọi Thần-hổ tới, bao vây đám võ sĩ.
Quân Hán đông hàng hàng, lớp lớp tiến lên. Đám hàng binh Hán bị giết hết. Trận Lĩnh-Nam bắt đầu túng thế. Thần-hổ, Thần-báo bị thương, chết hơn trăm. Thình lình một mũi tên bắn trúng vào bụng Đào Nhất-Gia. Chàng nghiến răng nhổ mũi tên ra. Máu chảy có vòi. Chàng xé áo băng bụng lại. Tuy đau thấu tâm can, nhưng chàng nghĩ: -Nếu để binh sĩ biết ta bị thương, e mặt trận vỡ mất. Đằng nào cũng chết, chi bằng ta đứng đốc chiến cho đến cùng.
Vì vậy chàng cầm cờ cương quyết đốc chiến.
Trần Nghi-Gia vung kiếm giết được ba Thần-báo. Vòng vây dãn ra. Y thị vọt người lên cao lia kiếm vào ngực Đào Nhất-Gia. Chàng trầm người xuống tránh khỏi thế kiếm hiểm ác. Phan Anh nhảy lên ôm lấy chàng định bắt sống. Chàng huýt sáo. Bốn con trăn trong bọc đeo bên cạnh cùng vọt ra quấn lấy y. Tuy Phan Anh bắt được chàng, song y lại bị mấy con trăn quấn khắp người. Cả hai ngã lăn xuống ngựa.
Đào Nhất-Gia nghĩ rất nhanh:
– Ta bị lòi ruột, đằng nào cũng chết. Vậy ta cùng chết với tên Phan Anh này. Còn hơn để ta chết một mình.
Nhất-Gia bị Phan Anh ôm cứng lấy ngực, ngực y áp vào sống lưng chàng, vì vậy tay được tự do. Chàng cố với tay, rút thanh kiếm ra rồi nghiến răng cầm kiếm đâm vào bụng mình. Kiếm xuyên qua bụng chàng, thấu tới ngực Phan Anh, đúng giữa tim.
Phan Anh trông rất rõ. Song y bị trăn quấn, không thoát ra được. Thanh kiếm xuyên qua ngực Đào Nhất-Gia, trúng giữa tim y. Y dãy mấy cái rồi buông Đào Nhất-Gia ra.
Nhát kiếm đâm qua bụng, đau thấu tâm can, song tiếng hú, gầm tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, làm cho hùng khí bốc dậy, Đào Nhất-Gia nghiến răng nhổ kiếm. Máu lại tuôn ra. Chàng xé vạt áo một tử sĩ bên cạnh, băng lấy bụng mình. Một con đười ươi thấy vậy, nó chạy tới đỡ chàng lên mình ngựa. Mắt chàng hoa lên, chân thúc vào bụng ngựa, hướng đèo An-phùng.
Sún Lé mơ mơ tỉnh tỉnh, không biết bao lâu. Chàng giật mình thức dậy, thì thấy mình nằm trên nệm cỏ. Cạnh chàng có Chu Quảng-Khánh đang ngồi khóc.
Chàng hỏi:
– Quảng-Khánh! Anh chưa chết sao? Đây là đâu?
Quảng-Khánh khóc:
– Anh bị thương. Ngựa chở anh về đèo. Bọn em dùng Thần-hổ, Thần-báo vừa đánh vừa lui. Tới chân đèo, thì Công-tôn vương gia cùng Hùng Bản dẫn Thần-ưng, Thần-nỏ xuống cứu, đánh với quân Mã Viện. Quân Viện đang đánh lên đèo. Thần-nỏ hết tên. Thần-hổ, báo-chỉ còn hơn ba mươi con, đều bị thương. Từ qua đến giờ, trăm Thần-tượng của Đào Khang bị chết gần hết, còn đâu mười thớt gì đó. Chỉ có sư Thần-ưng còn có thể tham chiến được.
Đào Nhất-Gia hỏi:
– Còn quân sĩ thế nào?
– Bị thương, chết gần vạn. Còn hơn vạn, chiến đấu cầm chừng. Nghe đâu Mã thái-hậu, Lưu Long, Phùng Đức phá vòng vây mười lần, sáu vạn quân chết mất ba. Còn ba vạn bị thương gần hết. Phía mình Lã Văn-Ất, Lại Quan đều tử trận. Đoàn Thần-ngao, Thần-hầu chỉ còn đâu gần trăm. Vì vậy Mã Viện cương quyết chiếm đèo An-phùng giải vây Thường-sơn. Công chúa Thánh-Thiên truyền công-chúa Đông-triều Lê Chân lui quân cho Lưu Long xuống núi, rồi tiêu diệt. Trận đánh cuối cùng, Mã thái-hậu bị tử thương. Lưu Long bỏ quân chạy thoát. Trong trận này Vũ Hải-Diệu, Lê Diệu-Tiên đều tử trận. Sư Thần-long, Thần-phong bị lửa đốt tan rã. Hiện chỉ tập họp được một phần mười. Phùng Đức bỏ trốn, bị công-chúa Lê Chân thúc quân bao vây. Y nhảy xuống biển biến mất, không rõ sống chết ra sao.
Đào Nhất-Gia rất quan tâm đến Đào Lục-Gia. Chàng hỏi:
– Sún Đen ra sao?
– Sún Đen đứng đốc chiến, bị trúng một đao vào vai. Anh ấy vẫn cương quyết giữ trận. Nhờ vậy Thần-ngao đẩy lui được giặc. Trận chiến gần tàn, anh ấy lại bị một đao vào bụng, ruột lòi ra. Anh ấy nhét ruột vào, tự băng bó lại. Giữa lúc đó thì tin tức của chúng mình đưa về rằng các sư hổ, báo, long tử trận hết. Biết mình khó sống, anh ấy cắn ngón tay, xé vạt áo, viết biểu tạ tội với hoàng đế. Biểu viết chưa xong, anh ấy kiệt lực chết.
Đào Nhất-Gia nghe truyện, đau đớn biến đi mất. Chàng cười lớn:
– Thế là mười vạn quân của Lưu Long bị diệt. Đúng như chỉ dụ của Trưng-đế. Chúng ta chỉ chết có mấy người, mà thành công lớn. Đại thắng rồi còn gì nữa. Em ta chết, ta chết cũng không ân hận gì. Ha! Ha! Trước khi xuất trận ta đã nói: Chiến sĩ ra trận không chết cũng bị thương.
Đến đó có tiếng vũ khí, tiếng người la hét. Quảng-Khánh chạy ra ngoài quan sát một lúc, trở vào nói:
– Đồn bị tràn ngập. Quân mình đang tử chiến. Anh nằm nghỉ. Em cương quyết chiến đấu đến chết.
Đào Nhất-Gia gắng gượng ngồi dậy, nhưng không nổi. Chàng nằm nghe tiếng vũ khí chạm nhau choang choảng. Sức mạnh ở đâu đến, chàng ngồi bật dậy, chống kiếm đứng lên. Trước mắt chàng, Công-tôn Thiệu đang đấu với Mã Viện, Trần Nghi-Gia. Đào Khang xua năm thớt voi cuối cùng chiến đấu tuyệt vọng. Quân Hán dùng tên bắn lên. Chốc lát năm Thần-tượng đều ngã xuống.
Đào Khang ngửa mặt lên trời kêu lớn:
– Trưng-đế chỉ dụ Làm tướng là chúa của quân sĩ. Quân là tướng. Tướng là quân. Nay Thần-tượng của ta chết hết. Ta sống làm chi?
Chàng dơ kiếm lên cổ tự tử.
Mã Dư đang đấu với Chu Quảng-Khánh, Hoàng Pháp-Hải. Võ công Dư rất cao. Hai chàng vừa đánh vừa lui. May nhờ hai Thần-hổ còn sống sót trợ chiến, hai chàng lui đến chân phiến đá lớn. Mã Dư kêu lên;
– Bỏ kiếm đầu hàng! Ta sẽ tha cho.
Quảng-Khánh, Pháp-Hải đưa mắt cho nhau ra hiệu. Hai người quăng vũ khí, quì xuống xin hàng.
Mã Dư mừng quá tiến lên định truyền quân trói hai người lại. Thình lình hai người vọt lên. Mỗi người một bên cùng cầm đao trủy thủ đâm vào người Mã Dư. Mã Dư không phòng bị, bị trúng hai đao vào sườn, ngực. Song y chỉ bị thương. Y vung kiếm lên, Pháp-Hải, Quảng-Khánh đầu một nơi, mình một nẻo.
Công-tôn Thiệu, Hùng Bản chiến đấu tuyệt vọng. Hai người vừa chống đỡ vừa lui dần. Công lực đã cạn hết.
Thình lình hàng ngũ quân Hán rối loạn, một đội quân Lĩnh-Nam hùng hổ xông lên. Trần Tứ-Gia dẫn đầu. Ông đánh một chưởng, Trần Nghi-Gia bay bổng lên cao, rơi xuống, dãy dụa mấy cái rồi nằm im. Ông đánh chưởng thứ nhì, Mã Viện nghiến răng đỡ. Binh một tiếng, y bật lui lại mấy bước, oẹ một tiếng, miệng phun máu. Đạo vệ sĩ xông vào tử chiến cứu chúa. Trần Tứ-Gia tung chưởng lên, mỗi chiêu một tên tan xương nát thịt. Khi ông giết hết đám võ sĩ, thì Mã Viện, và quân Hán đã rút khỏi đồi.
Quận chúa Lý Lan-Anh đi theo đạo quân Trần Tứ-Gia. Nàng hỏi Hùng Bản:
– Sư đệ! Anh Sún Lé đâu?
Hùng Bản thở dốc nói:
– Em không biết nữa.
Đào Nhất-Gia cố lên tiếng:
– Lan-Anh! Anh ở đây.
Lý Lan-Anh tiến lên đỡ Đào Nhất-Gia. Chàng thở nhát ngừng nói:
– Lan-Anh! Chậm mất rồi! Anh không còn sống được nữa.
Công-tôn Thiệu ngồi xuống cạnh Đào Nhất-Gia. Ông hộc lên một tiếng, miệng phun máu có vòi. Trần Tứ-Gia đỡ ông dậy. Công-tôn Thiệu lắc đầu:
– Đa tạ Trần huynh! Nhất sinh tôi chịu ơn của anh hùng Lĩnh-Nam. Lại kết bạn với Tây-vu Thiên-ưng lục tướng. Mã Viện quân đông, cố đánh đèo. Bốn sư trưởng tượng, báo, hổ, ưng đều tử trận. Chúa tướng chỉ còn Hùng Bản. Tôi bị trúng hai chưởng của Trần Nghi-Gia. Tạng phủ nát hết, không còn sống được nữa.
Ông nói với Đào Nhất-Gia:
– Sún Lé! Anh em mình đánh nhau rồi kết bạn. Anh chịu ơn Lĩnh-Nam. Hôm nay cùng chết với em. Thế là sau Sún Cao đến em. Tây-vu lục tướng chết mất hai, mà Lĩnh-Nam vẫn còn giặc dã.
Đào Nhất-Gia đưa tay phải nắm lấy Công-tôn Thiệu. Tay trái nắm tay Lý Lan-Anh. Chàng ngửa mặt lên trời than:
– Trời hỡi trời! Đất nước ly loạn còn nhiều. Sao tôi phải chết thế này! Làm sao tôi có thể cầm quân đuổi giặc nữa?
Công-tôn Thiệu từ từ gục xuống đùi Đào Nhất-Gia. Đào Nhất-Gia gục đầu vào lòng Lý Lan-Anh, chàng nói phều phào:
– Lan-Anh! Lé chết rồi. Lé đền nợ nước. Lan-Anh đã cho Lé tình yêu, cùng Lé lặn lội gian nan. Giữa đường Lé chết, không trả được ơn Lan-Anh...
Chàng nấc lên một tiếng, qua đời.
Lý Lan-Anh khóc lớn:
– Sún Lé! Sún Lé! Anh không thể chết được. Trời ơi!
Nàng cầm con dao nhỏ tự đâm vào ngực, rồi gục xuống cạnh chồng.
Thám mã báo cho biết: Mã Viện rút quân khỏi Chương-giang. Đang trên đường về Kinh-châu. Trần Tứ-Gia truyền thu nhặt xác tử sĩ chôn cất. Còn tử thi các chúa tướng, chở về Thường-sơn.
Nắng chiều vàng úa, gió hiu hiu thổi, xác người, xác thú nằm rải rác khắp đèo. Một vài Thần-ưng còn sống sót đậu trên cây kêu lên những tiếng thảm não.
...
Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh, Đào Tam-Gia nhận lệnh trấn giữ đồi Tuyệt-long. Lê Ngọc-Trinh bàn:
– Trong ba mặt trận, mặt Tuyệt-long của chúng mình quan trọng nhất. Địa thế trống trải, tiền hậu thọ địch. Núi không cao, sườn thoai thoải, ít cây, địch tấn công lên dễ dàng. Chúng ta có bốn vạn người, đương đầu với tám vạn của Ngô Anh, Vương Hùng. Ấy là chưa kể Mã Viện có thể tăng viện thêm. Bây giờ chúng ta phải làm gì?
Đào Phương-Dung ngẫm nghĩ một lúc, nói:
– Cái đèo An-phùng này địa thế cực kỳ hiểm trở. Chị Thánh-Thiên giao cho Công-tôn Thiệu hai vạn binh, lập đồn, cố thủ. Một người thủ, mười người đánh chưa chắc đã thắng. Còn nhiệm vụ của chúng ta lại khác. Chúng ta thủ để tiêu diệt giặc. Khi giặc mệt mỏi, ta xuất kỳ binh truy kích tiêu diệt. Vì vậy ta phải chia lực lượng làm ba. Phần trấn thủ núi. Phần đánh tiêu hao khi địch mới tới. Phần phục kích, đuổi theo.
Sư trưởng Thần-tượng Lê Hằng-Nghị đứng lên nói:
– Cách đây mấy ngày. Sư huynh Đào Nhất-Gia dùng hư hư, thực thực đánh tiêu hao hơn vạn kị binh Hán. Bây giờ chúng ta cũng đón đường, đánh tiêu hao quân Ngô Anh, Vương Hùng. Không biết ý sư tỷ thế nào?
Sư trưởng Thần-phong Đào Nương gật đầu:
– Em nghĩ. Sư tỷ cử một đội quân quyết tử phục ở rừng Đông-ba. Bọn Ngô Anh, Vương Hùng tất sẽ dồn trú lương thảo tại đây. Đợi khi chúng xuất quân, mình đem phục binh đốt lương thảo, ắt chúng phải lui về cứu viện. Bấy giờ chúng ta đuổi theo đánh một trận, tất chủ lực chúng tan.
Đào Phương-Dung cầm ấn kiếm để lên bàn. Bà gọi Đào Tam-Gia:
– Bên tả ngạn sông Đông-khê có rừng Đông-ba. Bọn Ngô Anh, Vương Hùng tất sẽ dồn trú lương thảo tại đây. Sư huynh đem năm nghìn quân, với sư Thần-hầu, Thần-ngao, Thần-long ém trong rừng. Đợi khi chúng qua sông đánh Tuyệt-long, đêm đến đem quân đốt lương thảo. Sau khi đốt lương thảo phải tổ chức phục binh cẩn thận. Bọn Ngô Anh sẽ trở về cứu viện. Sư huynh thử ước lượng xem. Nếu chúng trở về tấn công. Sư huynh cầm cự được bao lâu?
Sún Lùn ngẫm nghĩ một lúc, đáp:
– Có hai trường hợp cần phân biệt. Nếu chúng rút về, mà sư muội đuổi theo sau. Ta thừa sức cản chúng. Còn ngược lại, ta chỉ có thể làm chậm bước tiến của chúng trong vòng nửa ngày.
Đào Phương-Dung gật đầu. Bà trao binh phù cho Lê Ngọc-Trinh:
– Sư tỷ đem hai vạn quân, phục ở Phong-lăng. Vương, Ngô đem quân cứu viện Thường-sơn bị ta đánh rát quá, chúng không vượt qua Tuyệt-long được, bấy giờ chúng phải băng qua rừng Phong-lăng. Rừng Phong-lăng rậm rạp, sư tỷ phục binh, đánh tỉa, tiêu diệt chúng.
Đào Phương-Dung gọi Phan Tương-Liệt:
– Em chia Thần-báo làm hai. Một nửa phục sẵn ở sườn núi Tuyệt-long, đề phòng giặc đánh úp. Một nửa mang theo chị. Ủa, sao em không cỡi ngựa mà lại cỡi bò?
Phan Tương-Liệt cười:
– Hồi ở Tây-vu, một hôm em dàn báo tập trận. Em thấy con bò tót này. Em ra lệnh cho báo bao vây. Con bò tót hung hăng húc ba con báo bị thương. Em phải tung hơn hai mươi con trăn mới bắt được nó. Từ đấy em dùng để cỡi.
Đào Phương-Dung, Phan Tương-Liệt dẫn quân lên đường. Bà hỏi:
– Tương-Liệt! Năm nay em bao nhiêu tuổi rồi?
– Thưa chị mười bảy đúng!
– Lần đầu xuất trận. Em có sợ không?
– Sợ giặc ư? Người ta thường nói Sợ giặc như sợ cọp! Đến cọp, báo em còn sai chúng như sai chó, thì sợ gì? Thân làm chiến sĩ, giữ đất tổ, không chết cũng bị thương. Em không sợ.
Đào Phương-Dung phối trí quân mã, rồi cùng Phan Tương-Liệt lên ngọn cây cao quan sát. Bà nói với Tương-Liệt:
– Đất nước mình đẹp thế này, mà trải qua mấy trăm năm bị giặc Hán cai trị. Bây giờ mới lập lại, mà chúng không để cho mình yên. Khổ thực.
Tương-Liệt hỏi:
– Chị có nhớ nhà không?
– Nhớ chứ! Nhà chị có ba anh em, sống hạnh phúc biết bao. Khi anh hùng Lĩnh-Nam đánh Trung-nguyên. Anh Hiển-Hiệu mới cưới vợ được ba ngày, phải lên đường làm đại tướng. Khi ra đi, phần hùng khí bốc dậy, phần phải xa mẹ, xa các em và... xa vợ mới cưới. Anh ấy có làm một bài thơ.
– Chị có nhớ bài thơ đó không?
– Nhớ chứ! Để chị đọc cho nghe:
Chinh táp hành quân xuất Ngọc-quan,
Tam quân như nhất một hào đoan.
Thiên lý trì khu thiên lý mộng,
Nhất trùng ly biệt nhất trùng quan.
– Thơ bằng chữ Hán à? Chị dịch nghĩa cho em nghe được không?
– Ừ! Để chị dịch cho nghe:
Cờ lên ngọn ải Ngọc Quan,
Muôn người như một, thép gang không bằng,
Dặm nghìn, giấc mộng chẳng an,
Biệt ly, xá kể dậm ngàn viễn chinh.
– Thơ chữ Hán nghe chẳng thú tý nào cả. Chị biết không? Anh Sún Lé lấy quận chúa Lý Lan-Anh, rồi cứ phải xa nhau, anh ấy cũng làm thơ. Thơ bằng tiếng Việt. Tình lắm.
– Ừ! Anh Lé là đệ tử bác cả. Thành ra anh ấy nhỏ tuổi, mà vai lớn. Chị phải kêu bằng sư huynh. Em có nhớ câu thơ nào của anh Lé không?
– Sao không, để em đọc cho chị nghe:
Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Qua cầu ngã nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp, anh sầu bấy nhiêu.
Tường-Liệt hỏi:
– Em nghe nói anh Hiển-Hiệu nhỏ tuổi, mà cầm quân ra trận như một lão tướng. Mưu kế tính toán rất cẩn thận. Không ngờ lại giàu tình cảm thế! Chị Hồng-Thanh nghe bài thơ, chắc phải khóc.
– Dĩ nhiên! Chị ấy làm hai câu thơ đáp lại:
Nhất thi khẳng khái anh hùng lệ,
Bách chiến sơn hà cố quốc tâm.
Để chị dịch cho nghe:
Anh hùng khẳng khái đôi giòng lệ,
Bách chiến một lòng với nước non.
Phan Tương-Liệt vỗ tay:
– Chị dịch hay quá. Này! Mối tình giữa công-chúa Vĩnh-Hòa với anh Quí-Minh có ướt át như anh Hiển-Hiệu với chị Hồng-Thanh không?
– Gấp trăm lần. Công chúa tìm thấy ở anh Quí-Minh con người hào sảng, tinh thần trong sáng, nhất dạ với non sông. Hơn nữa một loại anh hùng đa tình như Trần Tự-Sơn, Đô Dương. Công chúa mới tình nguyện ở lại Lĩnh-Nam muôn dậm theo anh Quí-Minh chinh chiến.
– Hồi trước anh Sún Lé nói với em: Cái tình là cái chi chi? Các anh hùng Lĩnh-Nam lấy vợ, lấy chồng Trung-nguyên nhiều quá nhỉ!
– Ừ! Chu Tường-Qui lấy Quang-Vũ. Anh Quí-Minh lấy Vĩnh-Hòa. Đào Nhất-Gia lấy Lý Lan-Anh. Công chúa Gia-hưng Trần Quốc lấy Trấn-ham vương Vương Phúc, Đào Nhị-Gia lấy Vương Sa-Giang. Anh Đào Nghi-Sơn lấy Chu Thúy-Phượng... Dường như Cu Bò sắp lấy công-chúa Đoan-Nhu.
Ghi chú của tác giả: Sau khi Đào Hiển-Hiệu, Đào Quí-Minh, Đào Phương-Dung tuẫn quốc. Dân chúng vùng Nam-hải lập đền thờ, dựng tại nơi xảy ra trận đánh. Ngày nay, tại phía bắc Quảng-Đông, nơi giao hội hai con sông Đông-khê, Chương-giang còn dấu tích chiến trường cũ. Mùa Xuân năm Nhâm-Tuất, 1982 tôi theo các cuốn phổ, tìm đến nơi quan sát, hầu tường thuật truyện xưa cho đúng, tôi đã thuê thợ tạc vào vách núi Thường-sơn câu thơ của Đinh Hồng-Thanh làm lúc tiễn đưa Đào Hiển-Hiệu lên đường:
Nhất thi khẳng khái anh hùng lệ,
Bách chiến sơn hà cố quốc tâm.
Về bốn câu thơ của Đào Hiển-Hiệu, hai câu thơ của Đinh Hồng-Thanh, hiện nay còn chép cuốn phổ tại đình làng thôn Thổ-quan, tổng Hữu-nghiêm, huyện Thọ-xương, Hà-Nội, nơi thờ ba ngài. Chỉ độc giả anh hùng Lĩnh-Nam mới biết các câu thơ trên được sáng tác trong trường hợp nào.
Có tiếng Thần-ưng vọng lại. Phan Tương-Liệt chỉ về phía trước:
– Giặc sắp tới rồi! Chị coi kìa! Thần-ưng bay trên đầu, mà chúng không để ý. Không biết đạo quân của Vương Hùng hay Ngô Anh?
Bụi từ xa bốc lên mịt mù. Lát sau đoàn kị mã rầm rộ đến rừng Đông-ba thì dừng lại. Kị mã đi đầu cầm cây cờ, trên cờ hàng chữ Uy viễn đại tướng quân Ngô. Tương-Liệt chỉ ngọn cờ:
– Thằng Ngô Anh đến trước. Không biết nó đợi thằng Vương Hùng rồi vượt sông hay vượt trước?
Một đội kị mã ước hơn trăm tiến về bờ sông Đông-khê.
Đào Phương-Dung nói:
– Bọn chúng đi thám thính trước. Chị cho em toàn quyền quyết định. Phải giết trọn vẹn! Không để tên nào chạy thoát.
Phan Tương-Liệt truyền cành cây xuống đất. Nó lấy trong bọc ra bộ quần áo nâu kiểu Lĩnh-Nam mặc vào, rồi cỡi trên lưng bò tót. Nó đánh bò vượt sông Đông-khê. Sang đến nơi, nó cho bò gặm cỏ. Còn mình ngồi trên lưng, cầm ống tiêu thổi, mắt lơ đãng nhìn trời.
Đội kị mã rầm rập tới bờ sông. Viên chỉ huy thấy một thiếu niên ngồi trên lưng bò thổi tiêu, mắt nhìn trời như không để ý đến việc đời. Y gò ngựa hỏi:
– Thằng bé kia! Lại đây ta hỏi.
Tương-Liệt lờ đi như không nghe thấy. Nó bỏ ống tiêu vào túi, cất tiếng hát nghêu ngao. Viên chỉ huy kị mã vọt ngựa lên, cầm roi quất vào đầu nó. Nó chờ cho roi sắp trúng đầu, nghiêng người tránh, ngã lăn xuống đất. Nó lồm ngồm bò dậy chửi:
– Con mẹ mày! Tại sao mày đánh ông?
Nó chửi bằng tiếng Việt. Viên đội trưởng ngơ ngác không hiểu, y hỏi:
– Mi nói gì?
– Tao bảo tao đ. mẹ mày, đẻ ra mày.
Viên đội trưởng càng ngơ ngác:
– Mày biết nói tiếng Hán không?
Tương-Liệt nói tiếng Hán:
– Biết thì biết. Song ông hỏi làm gì?
– Tao có việc gấp, muốn hỏi mày.
– Tại sao phải gấp. Nước ông có cụ Khổng-Tử chẳng nói rằng Muốn mau, không thành công (Dục tốc bất đạt) đó sao?
Viên đội trưởng nổi nóng. Y hỏi:
– Mày có thấy quân Lĩnh-Nam đóng ở gần đây không?
– Tôi không nói! Ông cho tiền tôi mới nói.
Viên đội trưởng móc túi, ném cho nó một ít bạc. Hỏi:
– Quân Lĩnh-Nam đóng ở đâu? Bao nhiêu người?
– Tôi chỉ biết họ đóng ở núi An-phùng, Thường-sơn đông lắm. Mấy hôm nay đánh nhau với quân Hán mù trời. Cả hai bên chết vô kể, thây chất thành đống lớn.
– Thế phía sát bên sông có quân không?
– Không. Sao ông dốt thế. Nếu có tôi đâu dám chăn bò ở đây. Vì có quân ắt có đánh nhau. Nước tôi có câu Ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi.
Viên đội trưởng ra hiệu cho cả bọn vượt sông. Phan Tương-Liệt cầm ống tiêu thổi. Tiếng tiêu đổi giọng nỉ non, thê thảm. Đội kị mã vừa tới bên kia sông. Thình lình một đàn ong bay đến vù vù, nhào xuống đốt. Cả bọn la hoảng. Quăng vũ khí, dùng tay vuốt mặt, ôm đầu.
Một hồi tù và nổi lên. Tên từ trong rừng bắn ra như mưa. Phút chốc gần trăm kị mã đều chết hết. Tuyệt ở chỗ tên, ong chỉ bắn, đốt người. Còn ngựa thì vô sự.
Tương-Liệt gọi:
– Trâu Xanh! Xuất hiện đi thôi.
Trần Ngọc-Tích, tức Trâu Xanh từ trên cây, truyền xuống đất. Nó vỗ ngực bồm bộp:
– Mày thấy tao hay không? Kế hoạch của tao tuyệt chưa?
– Dĩ nhiên là hay. Bây giờ mày cho chôn xác bọn này lập tức.
– Chúng mình lột quần áo bọn này, bện người bù nhìn, cho mặc vào, trêu thằng Ngô Anh chơi. Còn xác chúng nó để đây. Tao gọi Thần-ưng ăn thịt.
Nó cầm tù và thổi lên tu tu. Một lát Thần-ưng bay đến rợp trời. Nó cầm cờ phất bốn cái. Đoàn Thần-ưng đáp xuống. Phút chốc gần trăm xác quân Hán chỉ còn là những bộ xương, thịt được tỉa, gọt rất kỹ.
Nó lại cầm tù và thổi. Đoàn Thần-ưng bay bổng lên trời, đáp vào khu rừng gần đó. Ven sông Đông-khê chỉ còn lại hai đứa trẻ.
Đào Phương-Dung từ trên cao nói vọng xuống:
– Một đội tế tác gần năm mươi tên nữa sắp tới.
Trâu Xanh Trần Ngọc-Tích bảo Phan Tương-Liệt:
– Mày nấp vào bên đường! Để tao xuất hiện.
Miệng nói, nó nhún nhảy mấy cái, ngồi trên lưng con bò. Nhưng nó không biết thổi tiêu. Nó cầm ống tiêu trên tay, miệng hát nghêu ngao mấy câu hát bình dân vùng Giao-chỉ. Đội quân Hán tới gần. Liếc qua, nó biết không phải đội tế tác, mà là một viên đại tướng đi quan sát trận thế, với trên năm mươi quân hầu.
Nó nhận ra viên tướng là Ngô Anh. Ngô Anh thấy một thiếu niên to béo, mặt mũi khôi ngô ngồi trên lưng con bò, lòng nghi hoặc, vẫy tay gọi:
– Thằng bé kia! Lại đây ta hỏi.
Trâu Xanh thúc bò lại gần. Nó chắp tay cúi rập người xuống:
– Cháu kính chào đại tướng quân.
Ngô Anh hỏi:
– Sao cháu biết ta làm đại tướng quân?
– Dạ, trông thấy tướng ông oai phong khác thường. Cháu đoán ra.
– Cháu có thuộc đường đất vùng này không?
– Thưa nhắm mắt cháu cũng chạy khắp nơi mà không sợ lạc.
– Vừa rồi cháu có thấy một đội quân Hán qua đây không?
– Thấy! Ông đội trưởng cho cháu chỉ bạc. Ông dặn cháu chờ ở đây! Hễ thấy quân Hán tới thì báo cho biết ông đi về phía kia.
Tay nó chỉ về phía rừng Phong-lăng, tiếp:
– Qua sông Đông-khê, có ba đường đi. Đường đi phía Bắc đến bến Đông-vu. Đường đi phía Nam đến núi Tuyệt-long. Trên núi quân Lĩnh-Nam đóng la liệt khắp nơi. Ông muốn qua đó, e khó lắm.
– Cháu có biết đường nào khác đến núi Thường-sơn không?
– Có, con đường Phong-lăng qua rừng. Cháu thuộc làu. Ít người biết lắm.
Ngô Anh móc túi liệng cho nó một lượng bạc, bảo:
– Cháu hãy theo ta về trại. Đêm nay cháu dẫn đường cho ta đến núi Thường-sơn. Ta sẽ thưởng cho cháu thêm nhiều vàng bạc.
Trâu Xanh đành lên lưng bò tót. Nó vỗ vào mông con bò. Con bò lồng lên chạy nhanh không kém gì ngựa. Trong khi bò lồng, nó cảm thấy lưng nặng nề. Bấy giờ nó mới chợt nhớ ra: Sư trưởng Lê Hằng-Nghị nhờ nó sai Thần-ưng về Phiên-ngung xin Hồ Đề cho một ít thuốc táo bón chữa voi. Nó sai Thần-ưng đi. Thần-ưng mới mang về cho nó mười hộp thuốc. Nó bỏ luôn vào cái túi trên lưng, rồi quên mất. Bây giờ vô tình nó mang cả túi đi.
Đến trại Hán. Ngô Anh gọi một viên tướng Hán:
– Hạng Kiệt, mi trông coi cháu này cẩn thận. Cho nó ăn uống đầy đủ. Nó sẽ làm hướng đạo cho ta. Đêm nay ta đánh úp núi Thường-sơn. Nó không có ngựa, ngươi cho nó một con.
Hạng Kiệt dắt Trâu Xanh Trần Ngọc-Tích ra khu chuồng ngựa. Nó làm bộ ngơ ngác hỏi:
– Ngựa ở đâu nhiều thế này? Dễ thường có tới vạn con chắc.
– Hơn thế nữa! Hai vạn con.
Nó suýt xoa chạy bên đông, ngó bên tây, quan sát địa thế khu chuồng ngựa. Hạng Kiệt cho nó một con ngựa rồi dặn:
– Ta có việc bận. Mi ở đây tập cỡi ngựa, để đêm nay còn ra trận.
Hạng Kiệt đi rồi. Trâu Xanh chợt nghĩ được một kế. Nó lấy bình thuốc chữa táo bón voi xuống, tự nhủ thầm:
– Mình bỏ thuốc vào tầu đựng nước uống của ngựa. Trước khi ra trận, bọn kị mã thế nào cũng cho ngựa uống nước. Ngựa chạy một quãng, thuốc ngấm, chúng đi té re hết. Không còn đủ sức xung trận.
Nó đem thuốc chia thành từng phần, đến bỏ vào những thùng chứa nước cho ngựa. Vừa làm xong, nghe tiếng Thần-ưng kêu trên không. Nó vội huýt sáo gọi. Thần-ưng đáp xuống, nó moi trong ống tre dưới chân Thần-ưng ra tờ giấy. Thì ra lệnh của Đào Phương-Dung:
Từ bến Quân-ba đến núi Thường-sơn là Phong-lăng. Em làm sao dẫn Ngô Anh qua ngả đó. Ta sẽ cho phục binh đánh úp.
Nó lấy cục than viết thư trả lời:
Đêm nay Ngô Anh sẽ dẫn quân đánh úp vào phía sau quân ta ở chân núi Thường-sơn. Chúng đi đường mòn Phong-lăng. Em đã đánh thuốc độc kị mã của chúng vô dụng.
Qua canh một, Ngô Anh gọi các tướng, truyền lệnh lên đường. Y bảo Trần Ngọc-Tích đi trước dẫn đường. Y đích thân dẫn đầu. Vừa tới bến Quân-ba, thì có tiếng ngựa hí inh ỏi, rồi tiếng chân ngựa rầm rập. Y cho lệnh quân sĩ phục vào ven đường.
Đoàn ngựa tới nơi. Y định ra lệnh tấn công, thì nhận ra các kị mã mặc quần áo Hán. Y hô lớn:
– Dừng ngựa!
Ngựa vẫn tiếp tục đi. Y vọt người lên, chộp cổ một tên kị mã, liệng xuống đất. Vừa liệng, y cảm thấy có gì bất ổn, vì tên lính nhẹ quá. Y chạy lại coi, thì ra kị mã làm bằng cỏ, mặc quần áo binh Hán.
Quân sĩ đã lùa cả bầy ngựa lại. Gần trăm người bằng cỏ nằm dài dưới đất. Trên lưng mỗi con ngựa có một gói vải. Y sai gỡ xuống, mở ra. Quân sĩ trông thấy đều la hoảng, vì đó là bộ xương người còn tươi, máu me tanh hôi, nhưng không còn tý thịt nào.
Ngô Anh than:
– Thôi rồi! Gần trăm quân tế tác của ta không còn nữa.
Vốn tính can đảm, lại tự hào võ công tuyệt đỉnh. Y nói với Trâu Xanh:
– Chúng ta tiếp tục lên đường.
Tới bến Quân-ba, y cho lệnh vượt sông. Quân sĩ qua sông, không một trở ngại. Trâu Xanh đi trước dẫn đường, xuyên qua rừng. Càng vào sâu trong rừng đường càng hẹp. Cuối cùng ngựa nối đuôi nhau đi hàng một. Tới canh ba, thình lình có tiếng trống thúc vang lừng. Ngô Anh kinh hãi:
– Ta tiến quân bí mật, đến các tướng cũng không hay. Sao giặc biết mà đón đường? Bây giờ giặc đổ ra đánh, ta xoay sở làm sao đây?
Y vội tuyên lệnh đổi tiền đội ra hậu đội, lui binh. Trong khi mải hò hét, y quay lại không thấy Trâu Xanh đâu nữa.
Có tiếng tù và thổi. Tên từ trong rừng bắn ra. Ngô không biết địch ở đâu, bao nhiêu người. Chỉ thấy tiếng hò hét, tiếng quân Hán trúng tên rú lên. Tiếng kêu khóc thảm thiết. Quân Lĩnh-Nam như bóng ma, thoắt hiện, thoắt ẩn. Tiếng đao chém xuống thân quân Hán phầm phập.
Ngô Anh bỏ ngựa, dùng khinh công chạy ngược trở ra bến Quân-ba. Kiểm điểm lại. Hai vạn quân đi đầu, còn được hơn ngàn.
Đoàn kị binh đi sau, không tiến được, ùn lại ở bờ sông Đông-khê.
Bỗng tiếng trống thúc vang lừng. Đèn đuốc sáng rực. Một đội quân hùng tráng từ trong rừng tiến ra. Đi đầu là một nữ tướng, dáng người xinh đẹp tuổi khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu, lá cờ bay phất phới, trên có hàng chữ Trấn-Nam đại tướng quân, Đăng-châu công-chúa Đào. Nữ tướng chắp tay hành lễ:
– Tiểu nữ Đào Phương-Dung, xin tham kiến Uy-viễn đại tướng quân.
Ngô Anh liếc mắt thấy Trâu Xanh cỡi ngựa đứng sau Đào Phương-Dung. Y chỉ tay hỏi:
– Mi... mi là...
Trâu Xanh bước ra:
– Tiểu tướng Trần Ngọc-Tích, lĩnh chức Thiên-ưng tướng quân, xin tham kiến Ngô đại tướng quân.
Ngô Anh biết mình trúng kế. Định một trận sống chết. Bỗng quân sĩ la hoảng. Y nhìn về phía rừng Đông-ba, ở đó lửa bốc lên ngút trời, tiếng quân reo, ngựa hí inh ỏi. Y biết trại mình đang bị tấn công. Y cầm kiếm ra lệnh:
– Trước mắt có giặc, rút cũng chết. Phải quyết chiến một trận. Mới hy vọng còn đường sống.
Bên trận Lĩnh-Nam nổi một hồi trống. Trâu Xanh cầm tù và thổi lên. Có nhiều tiếng tù và hưởng ứng. Hơn ba mươi Thiên-ưng tướng đứng trên các ngọn cây đốt đuốc sáng rực. Tay cầm cờ phất chỉ huy Thần-ưng tấn công. Quân Hán vội chia cặp đứng tựa vào nhau, chống với Thần-ưng.
Từ trong rừng, có nhiều tiếng gầm gừ, những con báo lốm đốm, từ trên cây nhảy xuống xung vào trận. Quân Hán hoảng hốt, quăng vũ khí, vượt qua sông Đông-khê mà chạy.
Đào Phương-Dung cầm cờ chỉ theo:
– Ai bắt, giết được Ngô Anh, ta sẽ thăng lên ba cấp. Bao nhiêu vàng bạc thu được trong trận, ta thưởng cho hết.
Đoàn chiến sĩ Lĩnh-Nam xung lên. Phía trước Thần-báo, phía trên Thần-ưng yểm trợ. Quân Hán chạy được hơn mười dặm, thì gặp đội thiết kị tới. Thiết kị dàn trận, xung vào trợ chiến.
Quân Lĩnh-Nam chỉ hơn vạn người với đoàn Thần-ưng, Thần-báo. Đào Phương-Dung truyền lui lại dàn trận.
Tham tướng nói với Ngô Anh:
– Tướng quân phải bắt cho được nữ tướng kia, thì mới mong thắng trận này. Y thị là em con nhà chú của Đào Kỳ, võ công kém Mã Viện một chút. Song tài dùng binh hơn bất cứ một đại tướng Hán nào.
Ngô Anh hô thiết kị xung vào trận. Bên này Thần-ưng, Thần-báo cùng tấn công. Bốn xe chở Thần-nỏ tác xạ thẳng vào quân Hán.
Đào Phương-Dung đứng trên bành voi. Tay cầm cờ đốc chiến. Một bên là đội thiết kị hơn ba vạn người. Một bên có hơn vạn người, với đoàn Thần-ưng, Thần-nỏ, lợi hại. Trận chiến diễn ra khốc liệt giữa đêm khuya. Tiếng ngựa hí, quân reo, ưng hét, báo gầm rung động trời đất.
Cạnh Đào Phương-Dung là Trâu Xanh đốc chiến. Trận chiến đang diễn ra khốc liệt. Tự nhiên các chiến mã bên Hán dừng lại. Chúng hí lên những tiếng đau đớn. Trâu Xanh nói với Phương-Dung:
– Thuốc ngấm. Chiến mã vô dụng rồi.
Đào Phương-Dung phất cờ, Thần-nỏ dàn ra bắn sang trận Hán liền bốn loạt. Mỗi loạt mấy trăm người ngã xuống. Thiết kị xưa nay chỉ quen đánh nhau trên ngựa. Bây giờ ngựa tự nhiên sinh chứng không dùng được nữa. Hàng ngũ rối loạn.
Vừa lúc đó, thám mã chạy đến báo với Ngô Anh:
– Thưa đại tướng quân, trại đã bị một tướng trẻ dẫn đoàn khỉ, chó sói tới chiếm mất rồi. Chúng ta không còn đường về.
Quân Hán náo loạn, bỏ vũ khí chạy. Đào Phương-Dung phất cờ hô lớn:
– Đuổi theo! Không cho một tên sống sót.
Quân Lĩnh-Nam reo hò đuổi theo tới trời sáng.
Đào Phương-Dung về tới núi Tuyệt-long, thì gặp một đoàn xe dài hàng dặm, trên chở lương thảo. Đó là quân Sún Lùn chiến thắng trở về.
Đào Phương-Dung hỏi:
– Sư huynh! Tình hình thế nào?
– Còn thế nào nữa. Ngô Anh để lại hơn ngàn quân giữ trại. Ta xua Thần-hầu, Thần-ngao, Thần-long chiếm trong chốc lát. Ta giết sạch quân Hán. Đốt lửa làm rối loạn lòng Ngô Anh. Sau đó chất lương thảo lên xe.
Đoàn quân chiến thắng trở về. Đào Phương-Dung nhìn thấy Thánh-Thiên đã ở trên núi Tuyệt-long từ hồi nào. Nàng vội xuống ngựa tham kiến. Thánh-Thiên nắm tay Đào Phương-Dung:
– Em thấy không? Kế hoạch đã định như vậy. Nào ngờ đâu, Trần Ngọc-Tích bị Ngô Anh bắt, mới đưa đến việc đánh thuốc độc chiến mã Hán, và dẫn Ngô Anh vào rừng. Chỉ với hai giờ, mà em đã điều được đoàn quân vào phục trong rừng. Chị thực không bằng em.
Đào Phương-Dung cười:
– Chị khen quá làm em ngượng.
– Hai vạn kị binh, hai vạn bộ binh của Ngô Anh tan rã. Y chỉ còn một vạn quân. Còn đạo của Vương Hùng, hôm trước bị Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga tiêu hao mất hai vạn. Nếu hai đứa hợp quân lại, cũng chỉ được bốn vạn. Ta không sợ nữa. Bây giờ ta cho lệnh đánh chiếm núi Thường-sơn, giết Mã thái-hậu. Như vậy mới khiến Vương Hùng, Ngô Anh tung hết số quân còn lại vào trận.
Đào Phương-Dung lo lắng:
– Em lo mặt An-phùng. Với hai vạn quân, liệu Công-tôn Thiệu với sư huynh Đào Nhất-Gia có chịu nổi không?
– Chịu, thì chịu nổi. Ta liệu nếu Mã Viện nướng hết năm vạn quân, cũng không chiếm nổi An-phùng. Nếu y tiếc quân, rút lui thì thôi. Bằng y tung hết quân vào, An-phùng thất thủ, ta mất hai vạn người, Hán mất mười vạn. Tuy vậy, ta lệnh cho Trần Tứ-Gia rằng sau khi diệt đội quân Lưu Long, giết Mã thái-hậu, lập tức đem một đội quân tiếp viện cho Công-tôn Thiệu.
Bà viết lệnh truyền cho Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga, sai Thần-ưng mang đi.
Đào Phương-Dung hỏi:
– Trường hợp Mã Viện rút quân. Ta có nên cho truy kích không?
Thánh-Thiên lắc đầu;
– Nếu Mã đánh được An-phùng, tất y đem quân tới Thường-sơn. Sở dĩ ta để Thường-sơn không diệt, vì muốn vây Mã thái-hậu, để cho Mã Viện, Ngô Anh, Vương Hùng đem quân cứu viện. Bây giờ Mã, Ngô, Vương đều đã tới. Ta diệt Thường-sơn. Chúng thấy Mã thái-hậu chết rồi, tất rút quân. Quân Ngô, Vương ta để sư muội đuổi theo. Tàn quân của chúng ắt gặp Mã Viện, cùng rút. Trên đường rút chúng sẽ đụng phải các đại tướng hét ra lửa của Lĩnh-Nam.
– Chị muốn nói Trần Quốc, Vương Phúc, Sa-Giang, Sún Rỗ, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa phải không?
– Đúng! Ta độ chừng họ đốt phá các căn cứ đóng chiến thuyền, diệt hủy quân Hán rồi rút về. Trên đường về gặp tàn quân của Mã. Họ chỉ đánh một trận ắt diệt được y.
Có Thần-ưng mang thư từ An-phùng tới. Trần Ngọc-Tích cầm thư trình lên. Thánh-Thiên tiếp thư đọc. Bà kêu lên:
– Quả đúng như chúng ta ước tính. Mã Viện thí quân đánh An-phùng, mở vòng vây cho Thường-sơn. Sư hổ, báo, tượng bị tan rã. Sún Lé bị thương nặng. Quân Mã Viện đánh lên tới lưng chừng đèo rồi.
Bà gọi sư trưởng Thần-hầu Phan Cung:
– Em dẫn một toán Thần-hầu, đi dọc theo bờ sông Đông-khê, tiến tới bên Đông-vu, leo lên các ngọn cây, treo thực nhiều cờ Lĩnh-Nam làm kế nghi binh. Mã Viện bị ta lừa nhiều phen, y thấy phía sau tự nhiên có cờ Lĩnh-Nam, tất lui quân lại. Trong khi đó Trần Tứ-Gia, có thời giờ tiếp viện An-phùng.
Phan Cung hú lên một tiếng dài liên miên bất tuyệt. Y cùng đoàn Thần-hầu lên đường khẩn cấp.
Bỗng ngựa lưu tinh đến báo:
– Lệnh chiếm Thường-sơn của công-chúa tới đúng lúc Lưu Long, Phùng Đức từ trên núi đánh xuống. Không cần ta phải đánh lên. Các sư trưởng Thần-ngao, phong, long, hổ, hầu tử trận. Công chúa Đông-Triều, Nguyệt-Điện đều bị thương. Quân Hán bị diệt hết. Lưu Long, Phùng Đức bảo vệ Mã thái-hậu chạy trốn. Mã-hậu bị Thần-ngao cắn vào bụng lòi ruột. Tây-vu thiên ưng tướng Đào Lục-Gia bắt sống y thị. Song máu ra nhiều quá, y thị chết rồi. Lưu Long, Phùng Đức trốn mất. Đào Lục-Gia bị thương nặng, có biểu tâu về triều rồi chết.
Thánh-Thiên thở dài:
– Ta ước tính lầm. Ta tưởng Lưu Long không thí quân đến độ đó. Y tung cả sáu vạn người đánh xuống. Lê Chân ít quân. Thành ra lực lượng Tây-vu gánh hết. Ta thiệt mất bốn sư phong, xà, ngao, hầu.
Bà đang ngồi thẩn thờ. Quân vào báo:
– Có sứ giả của Trần Tứ-Gia xin yết kiến.
Thánh-Thiên đứng bật dậy:
– Thôi rồi! Công-tôn Thiệu với Đào Nhất-Gia còn đâu nữa?
Quả nhiên sứ giả đến tâu trình:
– Khải tấu công-chúa. Trần Tứ vương tới cứu viện đúng lúc An-phùng chiến đấu tuyệt vọng. Các sư trưởng tượng, báo, hổ, ưng đều tuẫn quốc. Công-tôn vương gia cùng Tây-vu Đào Nhất-Gia bị thương rất nặng, lát sau cũng tuẫn quốc. Mã Viện thấy Thường-sơn bị chiếm, quân hao, tướng tổn, đã rút lui.
Thánh-Thiên, Đào Phương-Dung, Đào Tam-Gia đồng buông tiếng khóc.
Đào Tam-Gia than:
– Tây-vu Thiên-ưng lục tướng sống bên nhau từ nhỏ. Tình như ruột thịt. Sún Cao sớm tuẫn quốc, không ngờ trận Nam-hải này Sún Lé, Sún Đen lại hy sinh. Nay chỉ còn Sún Rỗ đang trên đường tiến binh cùng sư tỷ Trần Quốc. Sún Hô đóng ở hồ Động-đình, và Sún Lùn này.
Thánh-Thiên cho kiểm điểm, chôn cất tử sĩ, khâm liệm thi hài các tướng hầu đem về nguyên quán an táng.
Có tin tế tác báo:
– Mã Viện, tập trung tàn quân của Lưu Long, Phùng Đức, Vương Hùng, Ngô Anh. Tổng cộng được gần mười vạn, thanh thế nổi dậy. Y đã kéo tới ngã ba sông Chương-giang, Đông-khê hạ trại. Y định tiến đánh xuống nam, yểm trợ các đạo thủy quân.
Thánh-Thiên cười, nói với các tướng:
– Vô ích! Dù y làm gì chăng nữa cũng không cứu vãn được tình thế. Giờ này y chưa biết công-chúa Gia-hưng Trần Quốc đang âm thầm đánh phía sau lưng y. Ta không cần đánh, chờ mấy ngày, y được tin báo hậu quân bị đốt lương thảo, tất quân sĩ náo loạn. Ta đánh một trận thì phá được. Nhưng phải làm sao cho Mã Viện không dám tiến quân.
Lê Chân bàn:
– Lưu Long trúng kế Đào Nhất-Gia, Mã Viện cũng bị trúng kế hao binh tổn tướng. Ngô Anh trúng kế Đào Phương-Dung. Bây giờ chúng ta chỉ cần dùng nghi binh. Mã Viện đa nghi, tất không dám tiến quân. Trường hợp y vẫn tiến quân. Ta tìm cách giết một đại tướng của y, làm y nản chí, mất tinh thần.
Hôm sau quân báo:
– Có sứ giả của Mã Viện xin vào yết kiến.
Thánh-Thiên truyền cho vào. Sứ giả quì gối làm lễ:
– Thần Mã Dư, bái kiến Công-chúa điện hạ.
Thánh-Thiên truyền kéo ghế mời ngồi. Bà ôn tồn hỏi:
– Mã tướng quân tới đây có việc chi?
Mã Dư nghe tiếng Thánh-Thiên dùng binh tài nhất Lĩnh-Nam, ngang với Nghiêm-Sơn, mưu trí như Phùng Vĩnh-Hoa, cương quyết như Trưng Nhị, và tài quân sư như Nguyễn Phương-Dung. Y những tưởng Thánh-Thiên có tướng mạo kinh thế hãi tục. Không ngờ trước mắt y, chỉ thấy ở Thánh-Thiên một thiếu nữ tuổi chưa quá ba mươi, ôn nhu văn nhã, nói năng từ tốn, lịch sự.
Y kính cẩn:
– Khải tấu Công-chúa, Mã tướng quân muốn xin Công chúa cho mang ngọc thể Thái-hậu về an táng.
Thánh-Thiên chưa kịp trả lời, Đào Tam-Gia đứng cạnh lên tiếng:
– Mã thái-hậu chủ trương diệt Lĩnh-Nam, hại thái thượng hoàng Trần Tự-Sơn, gây ra trận đánh Nam-hải, khiến nghĩa huynh Công-tôn Thiệu của ta chết. Hai trong Thiên-ưng lục tướng tuẫn quốc cùng trọn quân đoàn bốn tan rã. Ta phải đem xác y thị băm ra từng mảnh, trộn với phân bò mới hả giận. Đâu có thể trả xác về cho các ngươi dễ dàng như vậy.
Thánh-Thiên an ủi Sún Lùn:
– Sư đệ đừng quá giận. Truyện đâu còn đó.
Bà nói với Mã Dư:
– Tướng quân về nói với Phục ba tướng quân Tân-tức hầu cùng Phiêu-kị đại tướng-quân Thận-hầu rằng ta muốn được gặp các vị ngày mai tại bến Đông-vu hầu trực tiếp thương lượng về vụ này.
Bà truyền Trần Tứ vương thay mặt đãi khách. Tiệc tan cho về.
Đông-Triều công-chúa Lê Chân hỏi:
– Sư tỷ định mượn xác Mã thái-hậu, trì hoản tiến binh của Mã Viện thêm một thời gian nữa phải không?
Thánh-Thiên mỉm cười gật đầu. Đàm Ngọc-Nga bàn:
– Ngày mai thế nào Mã Viện cũng đem đại quân dàn ra. Mình nên bố trí cẩn thận trước thì hơn.
Thánh-Thiên lắc đầu:
– Lưu Long bị Sún Lé dùng hư hư, thực thực lừa. Mã Viện bị Sún Lé giả ngây giả dại lừa. Đào Phương-Dung lừa Ngô Anh. Bây giờ ta làm ngây làm dại, để Mã Viện điên đầu, không ước tính được mình sẽ hành động ra sao. Ta phá y mới dễ.
Bà gọi Trần Ngọc-Tích:
– Em cho Thần-ưng tuần phòng trong vòng trăm dặm. Nhất cử nhất động của Mã Viện, cho ta biết, để còn phản ứng kịp thời.
Bà nói với Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh:
– Ta cần đề phòng mặt sau. Hai em đem bản bộ quân mã lên đèo An-phùng dồn trú, cho binh sĩ sẵn sàng chuẩn bị tác chiến. Nếu giặc tới đánh, chỉ nên cố thủ trên núi.
Sáng hôm sau, Thánh-Thiên ngồi trên bành voi. Cạnh bà có Đào Tam-Gia cỡi ngựa đi theo. Phía trước một đội binh trên trăm người. Phía sau, một chiếc xe hai ngựa, chở quan tài đựng xác Mã thái-hậu.
Mã Viện, Lưu Long, Phùng Đức, Ngô Anh, Vương Hùng đã dàn trên năm vạn quân sẵn. Chúng tưởng Thánh-Thiên mang đại quân theo. Không ngờ bà chỉ mang có trên hai trăm quân. Lưu Long nói nhỏ:
– Bọn Lĩnh-Nam ưa dùng hư binh. Thánh-Thiên là đại tướng giỏi bậc nhất Lĩnh-Nam, tính tình thận trọng. Đời nào y thị chỉ mang theo có một đội quân trăm người ? Tôi nghĩ giờ này y thị đã cho quân đánh phía sau mình.
Mã Viện chột dạ. Nhưng đã trót đối diện với Lĩnh-Nam, không lễ bỏ trốn? Y đành cho ngựa tiến tới trước trận.
Thánh-Thiên thủng thỉnh đến trước trận nói với Mã Viện:
– Tân-tức hầu! Hôm qua tôi có ước hẹn, đem thánh thể Thái-hậu trả về. Vậy hôm nay xin trao cho quân hầu.
Cỗ xe hai ngựa từ sau tiến ra. Mã Viện truyền các tướng xuống ngựa, khiêng quan tài Mã thái-hậu về trận. Y ngơ ngác tự hỏi:
– Con nhỏ này không biết có giả ngu giả dại không? Khi ta mang đại quân đến, mà nó chỉ mang có hai trăm tên quân, thực là ngu quá đỗi. Nếu ta hô một tiếng, thì bọn chúng bị băm ra như chả liền.
Y lên tiếng:
– Bản soái thành thực cảm tạ Công-chúa điện hạ.
Thánh-Thiên nhỏ nhẹ:
– Không dám. Từ khi Lĩnh-Nam phục quốc đến giờ, không hiểu tại sao Mã tướng-quân hai lần mang quân đánh chúng tôi. Thế là thế nào?
Mã Viện hiên ngang đáp:
– Đất không hai mặt trời, thiên hạ không hai vua. Tôi chỉ biết tuân theo mạng lệnh thiên tử mà thôi. Cũng như công-chúa vậy. Tôi vì Kiến-Vũ. Công chúa vì Trưng-đế. Ai vì chúa ấy. Giữa tôi với công-chúa đâu có thù oán nhau? Đào Tam-Gia nói:
– Chúa ngươi thực xảo quyệt. Trước đã hứa trả Lĩnh-Nam cho người Lĩnh-Nam tại điện Vị-ương, rồi nuốt lời. Sau lại ban tờ đại cáo thiên hạ, rồi cũng nuốt lời. Như vậy gọi là thiên tử ư?
Lưu Long quát lớn:
– Thằng Lùn kia! Ta vì chịu ơn các ngươi trao trả thánh thể Thái-hậu, chứ không ta hô lên một tiếng. Quân ta sẽ băm ngươi ra như chả. Ngươi hãy câm miệng lại.
Đánh nhau, Lưu Long có thể hơn Sún Lùn. Chứ đánh võ mồm, muôn ngàn lần y không bằng nó. Sún Lùn cười lớn:
– Quang-Vũ phong cho ngươi làm Thận hầu. Thận là chu đáo, toàn vẹn. Thế mà ngươi mang đi hai mươi vạn quân. Một mình ngươi nướng hết mười vạn. Tên Ngô Anh nướng hết bốn vạn. Tên Vương Hùng nướng hết hai vạn. Bây giờ chỉ còn bốn vạn. Ngươi còn xứng đáng với cái tên Thận nữa không? Được, ngươi hãy chỉnh lại bị quân mã đi. Ta hẹn mười ngày sau, cùng ngươi quyết đấu một trận tại đây. Ngươi có dám nhận lời không?
Lưu Long gật đầu:
– Được! Mười ngày nữa, giờ thìn quyết đấu.
Hai bên cho lui quân. Trên đường về Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga thấy nét mặt Sún Lùn có điều gì kỳ lạ. Hai người bàn với Thánh-Thiên cả buổi, mà cả ba không đoán ra. Họ biết Sún Lùn đã làm một việc gì quỉ quái bí mật, nhưng không ai đoán được.
Đoàn người về tới núi Tuyệt-long. Từ xa Thánh-Thiên thấy trên trời có tới năm đoàn Thần-ưng bay lượn. Mỗi toán hơn trăm con. Bên sườn núi, quân sĩ dàn ra uy nghi. Bà ngạc nhiên hỏi Lê Chân:
– Có gì lạ vậy?
– Em cũng không biết nữa.
Trần Ngọc-Tích nói:
– Có một nhân vật thân thế rất lớn mới tới Tuyệt-long. Em đi vắng, ở nhà bọn Trâu cho Thần-ưng bay lên cao tuần phòng, hộ vệ.
Thánh-Thiên vừa lên tới trại. Một giọng nói quen thuộc ấm áp, uy nghiêm lạ lùng vọng ra:
– Ta xin lỗi các em, đã đến bất thần, không cho các em biết trước.
Tiếng nói của vua Trưng. Thánh-Thiên hô mọi người quì xuống khấu đầu. Vua Trưng vẫy tay:
– Miễn lễ! Miễn lễ! Kìa Trần Tứ sư thúc. Người cũng ở đây ư?
Trần Tứ-Gia kính cẩn tâu:
– Thần tuân lệnh của công-chúa Thánh-Thiên, trấn thủ Thường-sơn, vì vậy cũng có mặt ở đây.
Phía sau Trưng-đế, có Trưng Nhị, Nguyễn Thành-Công, Nguyễn Tam-Trinh, cùng quần thần. Thánh-Thiên tường trình chi tiết các trận đánh. Trưng-đế hài lòng. Ngài ban chỉ dụ:
– Lĩnh-Nam ta hiện có nhiều tướng tài hơn Trung-nguyên. Điều mà trước đây ta hằng lo lắng trong lòng, vì nước mới phục hồi. Về võ công ta nhiều cao thủ hơn Hán. Dân ta yêu nước hơn dân Hán. Tướng ta trung liệt hơn tướng Hán. Ta chỉ còn lo, tướng ta không thiện chiến bằng tướng Hán. Qua trận đánh hồ Động-đình, trận Tượng-quận, trận Nam-hải. Ta thấy mình đủ tướng tài.
Giao-chỉ vương Trưng Nhị tiếp:
– Mới ngày nào, cả Lĩnh-Nam có mình Đào Kỳ biết cầm quân, khi trợ Hán đánh Thục. Tại Xuyên-khẩu, Bạch-đế, các tướng theo lệnh truyền sao làm vậy. Bảo đánh, cứ y lệnh mà làm. Trận hồ Động-đình, Phật-Nguyệt chỉ cần giao mặt này cho tướng này, mặt kia cho tướng kia. Song trận hồ Động-đình vẫn còn nhỏ hẹp. Trận Nam-hải mới tỏ tài các tướng. Thánh-Thiên giao mặt biển cho Trần Quốc. Phụng-hoàng cho Đào Phương-Dung. Khúc-giang cho Lê Chân. Đồi An-phùng cho Công-tôn Thiệu. Công-tôn Thiệu giao cho Đào Nhất-Gia cản giặc. Nhất-Gia tự có kế hoạch, như một đại tướng.
Trưng Đế truyền tế các tử sĩ, truy phong, phủ tuất gia đình. Ngài ban chỉ đem xác Công-tôn Thiệu về quàn ở Trường-sa, chờ Vương Phúc, Sa-Giang về nhìn mặt rồi sẽ chôn sau. Sắc phong:
Hiển uy Trung-dũng đại vương.
Truyền lập đền thờ.
Tính chung từ hôm xảy ra trận chiến Nam-hải. Phía trên bộ hao hơn vạn người. Trận An-phùng mất hai vạn nữa, đều thuộc quân số đạo Nam-hải. Trần Tứ-Gia lệnh lấy quân địa phương bổ xung liền. Dùng tráng đinh thay quân địa phương.
Số tướng sĩ chết hơn nghìn người. Quan trọng nhất là Trường-sa vương Công-tôn Thiệu, Đào Nhất-Gia, Đào Lục-Gia với tám sư trưởng thuộc quân đoàn bốn Tây-vu. Truyền thống Tây-vu hồi đó, khi các tướng soái tử trận, thân thể được tắm rửa sạch sẽ, đặt ngay ngắn trước đài, cho đạo quân diễn hành qua, rồi mới khâm liệm với hoa khô.
Đào Tam-Gia đặt mười thi thể các chúa tướng Tây-vu trước một đài bằng gỗ. Xung quanh mỗi xác chết phủ đầy hoa tươi. Bốn góc đài, đều có trăm con vượn đứng gác. Cứ theo tài liệu tại các đền thờ anh hùng tuẫn quốc, thì vua Trưng phong chức tước như sau:
Tây-vu Thiên-ưng Quốc Công Đào Nhất-Gia. Tuẫn quốc hai mươi hai tuổi.
Tây-vu Thiên-ưng Quốc Công Đào Lục-Gia. Tuẫn quốc hai mươi tuổi.
Thi hài sau được đưa về chôn ở Cửu-chân. Đền thờ bị phá hồi quân Trương Phụ sang đánh Đại-Việt (1407)
Sư trưởng Thần hầu Lại Quan, tước Liệt Hầu. Tuẫn quốc mười bảy tuổi. Thi hài được đem về chôn tại Giao-chỉ. Ngày nay còn thờ ở đình Thượng-Thanh, xã Thanh-cao, huyện Thanh-oai, tỉnh Hà-tây.
Sư trưởng Thần ưng Hùng Bàn, tước Liệt Hầu. Tuẫn quốc mười chín tuổi. Thi hài được đưa về Giao-chỉ. Ngày nay còn đền thờ ở xã Ninh-xá, phủ Thuận-thành, tỉnh Hà-bắc. Cùng thờ chung với sư trưởng Thần ngao, quân đoàn ba Tây-vu Trần Thiêm-Bình.
Sư trưởng Thần-ngao Lã Văn-Ất, tước Liệt Hầu. Tuẫn quốc mười chín tuổi. Thi hài được đưa về Giao-chỉ. Ngày nay còn được thờ tại đình Kênh-cầu, làng Dân-chủ, xã Yến-mỹ, tỉnh Hải-hưng.
Sư trưởng Thần-báo Chu Quảng-Khánh. Tước Liệt Hầu. Thi hài được đưa về Giao-chỉ. Ngày nay còn có đền thờ tại xã Cẩm-giàng, huyện Tiên-sơn, tỉnh Hà-bắc. Thờ chung với Lê Diệu-Tiên, Hoàng Pháp-Hải. Không rõ tuẫn quốc lúc bao nhiêu tuổi.
Sư trưởng Thần-phong Vũ Hải-Diệu. Tuẫn quốc mười tám tuổi. Thi hài được đưa về Giao-chỉ. Tước Hải-Diệu quận chúa. Ngày nay còn có đền thờ tại Thượng-ngõa, phía Bắc cầu Phùng. Tỉnh Hà-bắc.
Sư trưởng Thần-long Lê Diệu-Tiên. Tuẫn quốc mười sáu tuổi. Thi hài được đưa về Giao-chỉ. Tước Diệu-Tiên quận chúa. Ngày nay còn đền thờ ở xã Cẩm-Giang, huyện Tiên-sơn, tỉnh Hà-bắc. Thờ chung với Chu Quảng-Khánh, Hoàng Pháp-Hải.
Sư trưởng Thần-hổ Hoàng Pháp-Hải. Tuẫn quốc hai mươi tuổi. Thi hài được đưa về Giao-chỉ. Ngày nay còn đền thờ tại xã Cẩm-giàng, huyện Tiên-sơn, tỉnh Hà-bắc. Cùng thờ chung với Lê Diệu-Tiên, Chu Quảng-Khánh. Tước liệt hầu, Thần-dũng đại tướng quân.
Sư trưởng Thần-tượng Đào Khang. Tuẫn quốc mười chín tuổi. Thi hài được đưa về Giao-chỉ. Tước Thần-Oai đại tướng quân, liệt hầu. Ngày nay còn thờ tại đình làng Phú-hòa, xã Bình-phú, tỉnh Hà-bắc.
Sau khi Trưng-đế sai đọc sắc phong. Thánh-Thiên đệ trình tấu chương của Đào Lục-Gia trước khi chết để lại. Trưng-đế cầm mảnh áo lụa đầy máu, trên đó chữ viết run rẩy. Chứng tỏ khi viết Lục-Gia đã kiệt lực rồi. Ngài nhận ra, chính là vạt áo trước đây ngài ban thưởng cho Tây-vu Thiên-ưng lục tướng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.