Câm

Chương 14:




29.
Hôm sau khi trời vừa tờ mờ sáng, bác gác cổng đã bị đánh thức. 
Kế đến gia nhân dậy sớm nấu cơm bị đánh thức, bà quản gia bị đánh thức, toàn bộ trên dưới trong nhà – trừ hai vị vẫn đang nằm trong phòng ngủ lầu hai – đều choàng tỉnh.
Người giao sữa đi xe đạp đến. Trông thấy một cô gái đứng trước cổng nhà thiếu gia, anh ta cầm hai bình thủy tinh sữa nhảy lên bậc thang, vừa đưa sữa cho bác gác cổng vừa chào hỏi: “Chào buổi sáng thưa tiểu thư. Lát nữa tôi mới giao sữa đến nhà ngài thị trưởng cô ạ, phía đông thành…”
Cô gia sư sớm tinh mơ đã đến gõ cửa, bị ngăn không cho vào nên tâm trạng chẳng vui vẻ gì cho lắm. Người giao sữa chưa nói xong đã bị cô nôn nóng ngắt lời: “Biết rồi, từ nay về sau nhà ta không uống sữa, khỏi đưa nữa!”
Người giao sữa chẳng hiểu mình đã nói gì chạm nọc đến thiên kim tiểu thư. Anh ta tháo găng tay đếm chỗ tiền bác gác cổng đưa cho, trước khi leo lên xe đạp còn lẩm bẩm: “Thị trưởng muốn uống sữa cũng phải ra cửa hàng, tiểu thư tới cửa nhà người ta cũng phải xem ngày, ôi…”
Thiên kim tiểu thư tức đến độ giậm chân bình bịch. Cô quấn chiếc áo khoác trên người chặt thêm một chút, bàn tay phải cầm chiếc xắc tay lộ ra ngoài trời, cóng đến phát run. Bác gác cổng đổ sữa vào siêu nước đặt trên bếp lò để giữ ấm. Bác hỏi tiểu thư: “Bẩm cô, thiếu gia nhà chúng tôi phải một lúc nữa mới dậy. Cô có muốn vào sưởi ấm một chút không?” 
Cô gia sư liếc nhìn căn phòng nhỏ của bác gác cổng với vẻ chán ghét, không thèm bước vào. 
Thiếu gia ôm nhóc câm ấm sực ngủ đến ấm sực trong gian phòng ấm sực. Bà quản gia cẩn thận gõ cửa một lúc lâu mới nghe thấy có tiếng lục đục bên trong. Thiếu gia cởi trần, hé cửa ra với bộ mặt cau có.
“Có chuyện gì?” Bà quản gia chưa kịp mở miệng, thiếu gia đã đè cuống họng nói nhỏ, “Đợi một chút, ta mặc quần áo, ra ngoài rồi nói.”
Cả đêm hôm qua nhóc câm bị chà đạp tàn ác, đến giờ vẫn đang say ngủ. Thiếu gia lo làm cậu tỉnh giấc.
Bà quản gia theo thiếu gia xuống lầu, báo cho anh biết chuyện của cô gia sư – tức thiên kim tiểu thư nhà thị trưởng. Anh vừa cài cúc áo vừa hỏi: “Cô ta tới làm gì? Chắc không phải đến làm loạn thay cho người cha báu bở kia đấy chứ?”
Đương nhiên là không phải.
Tối hôm trước khi ngài thị trưởng trở về, cô gia sư đã ở nhà chờ đến sốt ruột. Cô lo thứ nhất là thiếu gia sẽ nói cho cha biết nhóc câm chính là em trai cô, lo thứ hai là cha sẽ phát giác việc cô đã tra ra tung tích cậu từ lâu.
Nhiều năm nay thị trưởng đối xử với cô con gái dễ bảo lại kín miệng này khá tốt, còn nhiệt tình giúp đỡ cô đi tìm em trai. Đổi lại, cô gia sư cũng có đôi chút thiện cảm với ngài ta. 
Nhưng từ hôm sinh nhật lục thái thái, nghe chính miệng thiếu gia nói em trai bị cha cố tình vứt bỏ, tâm tình tiểu thư bắt đầu gợn sóng.
Em trai dẫu là ruột thịt, nhưng xa cách nhiều năm như thế nên tình cảm nào có mấy mặn mà. Tìm được cậu về là việc tốt, song thiếu gia không sẵn lòng trả người. Cha tuy không phải cha ruột, nhưng địa vị danh vọng lẫn phú quý vinh hoa lại thực sự là lợi ích rành rành. Tiểu thư sống trong nhung lụa đã quen, chẳng hề mong muốn có bất cứ điều gì đổi khác.
Vì vậy khi thấy “cha” hồn vía thất kinh đi vào nhà, từ những lời kể lộn xộn của ngài ta mà tiểu thư cũng đại để suy luận được ra dự định của thiếu gia. Nếu sự tồn tại của nhóc câm được công khai thì bí mật cha vứt bỏ con chẳng chóng thì chầy cũng sẽ bại lộ, huống gì ngài ta còn vừa mới chọc giận thiếu gia.
Một khi những kẻ đang rình rập trong bóng tối kia bò ra, chúng sẽ cắn chết người “cha” bất tài vô dụng này của cô trong tích tắc.
Ý thức rõ những mối nguy ấy, từ sáng sớm cô gia sư đã tìm đến với mục đích đàm phán cùng thiếu gia. 
“… Cho nên các người lại một lần nữa không cần em ấy?” Thực ra thiếu gia chưa ngủ đẫy giấc, quần áo cũng không quá chỉnh tề. Khuôn mặt anh lộ vẻ phẫn nộ nhàn nhạt trước những lời cô gia sư nói.
Từ lúc vào nhà cô giáo vẫn chưa cởi áo khoác. Cô ủ ấm tay bằng cốc nước nóng bà quản gia rót cho, cuống quýt phủ nhận: “Không phải đâu. Nếu thiếu gia đồng ý đưa em ấy về nhà thì đương nhiên tôi rất vui lòng. Ngặt ở chỗ vấn đề mặt mũi của cha tôi, không thể công bố rằng em ấy là em trai mười mấy năm trước bị bỏ rơi của tôi được, mà là…”
“Là quà tôi đưa tới cửa nhà vợ chưa cưới để mua vui cho cô ta? Hay là cái gì? Tiểu thư thật sự nghĩ một ngày nào đó chúng ta còn có thể kết hôn ư? Cha con hai người quả nhiên là cùng một giuộc, không biết dơ mặt y như nhau, những lời này mà cũng dám nói cho được?”
Khuôn mặt đông cứng đến tái nhợt của tiểu thư bất chợt hồng lên, không biết là do đã ấm người lại hay là do tức giận, “Anh!” 
Thiếu gia tựa lưng vào gối dựa trên sô pha, mệt mỏi day day lông mày nói tiếp: “Tôi biết tiểu thư đến đây vì cái gì, nhưng tôi muốn khuyên cô một câu: những thứ cô cho là còn quan trọng hơn cả ruột rà máu mủ ấy, nhóc câm nhà chúng tôi thèm vào.”
Thiếu gia thoáng liếc lên trên lầu, “Chuyện điều tra tiểu thư còn nhanh chân hơn tôi, hiểu rõ sự tình hơn tôi, hẳn cũng biết em ấy đã phải trải qua những gì trong quá khứ. Nếu em trai tôi bị kẻ khác hại thành như thế, tôi nhất định phải xé xác chúng ra. Tiểu thư thì sao?” 
Thiếu gia bảo sẽ xé xác người, kì thật đây không phải nói đùa. Người đời đồn đại cha thiếu gia khắc vợ, hễ cưới ai là chết người nấy, chỉ có lục thái thái căn mệnh cứng cỏi mới trụ lại được. Thế nhưng cô gia sư biết, những người đàn bà gặp tai ương bệnh tật kia đều là những kẻ từng gây khó dễ cho mẹ thiếu gia, hoặc ngăn cản bác sĩ khám bệnh cho em trai anh.
Thiếu gia nhìn bộ dạng run rẩy của cô, trong lòng tột cùng khinh ghét. Sống cả đời ăn trắng mặc trơn mà tâm tính vẫn kém xa nhóc câm. “Tiểu thư về đi, đừng đến tìm chúng tôi nữa. Chừa lại chút mặt mũi cho bản thân và cả ngài thị trưởng đi.”  
Cô gia sư nín thinh, tay bấu chặt cốc nước. Cô biết ngay từ đầu mình đã không có lý, bị nói như thế này cũng là đáng lắm.
Thiếu gia không muốn mất thời giờ giằng co với cô. Từ khi bắt đầu ngủ chung, nhóc câm không rời anh ra được, đi lâu một chút là cậu sẽ tỉnh dậy. Thiếu gia bèn đứng dậy lên lầu. Cô gia sư đột nhiên gọi anh.
“Đợi một chút, đợi một chút, thiếu gia,” thiếu gia ngoảnh đầu nhìn, cô gia sư bắt đầu lấy đồ ra khỏi chiếc xắc tay mang theo bên mình, “Tôi mang cho em ấy mấy thứ. Đây là sách ảnh tôi hứa mua cho em ấy lúc đến đây dạy chữ. Tiếp nữa là cái này, chuỗi vòng đeo tay này mẹ tôi từng rất thích, lúc còn bé em ấy cứ nhìn thấy là cười. Cái này là ảnh chụp và quần áo em ấy mặc lúc mới chào đời, tôi có giữ lại hết. Đây là ảnh cả gia đình, chỉ còn một bức này, chưa kịp in thêm…” 
Thiếu gia càng thêm khó chịu với tiết mục dịu dàng quan tâm đầy đột ngột này, định biểu diễn cho ai xem đây, “Tôi đã nói là em ấy thèm vào, tiểu thư cũng bị điếc như em ấy à?” 
Chẳng biết từ lúc nào cô gia sư đã bắt đầu rơi nước mắt, cái tật thích khóc giống nhóc câm như đúc. Thiếu gia không định đứng nhìn người ta khóc lóc hết ngày, giọng điệu cũng chậm rãi hơn đôi chút, “Cô về đi, mấy thứ này cũng cầm hết cả đi, không tiễn.”  
Cô giáo không lấy lại những món đồ đặt rải rác trên bàn, chỉ đứng dậy nói với anh: “Thiếu gia, tôi có lỗi với em trai, nhưng tốt xấu gì tôi cũng là chị ruột em ấy. Tôi biết mình không có tư cách, nhưng vẫn mong anh đối xử tốt với em ấy, cho em ấy một danh phận. Không thể nào…”
Thiếu gia không thiết nghe cô lảm nhảm tiếp, bước qua khúc ngoặt cầu thang lên lầu về phòng ngủ.
Lần thứ hai mở cửa, nhóc câm quả nhiên không yên giấc như lúc thiếp đi trong ngực thiếu gia. Anh vén chăn lên kéo cậu vào lòng. Nhóc câm dù đang ngủ vẫn tìm được tư thế dễ chịu nhất.
Thiếu gia ôm cậu, hơi thở dần đều đặn trở lại. Anh nhắm mắt chờ cơn buồn ngủ ập đến một lần nữa. 
Nhóc câm mơ một giấc mơ. Trong mơ, cậu được đưa đến nhìn những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, quả nhiên phát hiện mình và thiếu gia vẫn ở bên nhau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.