Chai Thời Gian

Chương 1:




Nếu cất được thời gian trong chai
Điều đầu tiên tôi mong được làm
Là chắt chiu giành dụm từng ngày
Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua
Chỉ để giành trọn chúng bên em
Nếu có thể khiến tháng ngày kéo dài bất tận
Nếu lời nói có thể biến ước ao thành hiện thực
Tôi sẽ lưu giữ mỗi ngày như báu vật
Và vẫn mãi như vậy
Tôi sẽ giành trọn chúng bên em
Nhưng dường như chẳng bao giờ đủ thời gian
Để làm hết những điều mình muốn
Một khi ta nhận ra mình khao khát điều chi
Tôi đã tìm kiếm đủ lâu để hiểu rằng
Em chính là người
Mà tôi muốn đồng hành qua thời gian
Nếu tôi có một chiếc hộp chỉ giành cho ước nguyện
Và những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực
Chiếc hộp đó sẽ chẳng có gì đâu
Ngoài kí ức
Về cách em đáp lại những ước nguyện kia.
“Chai thời gian”, Jim Croce
Ca khúc “Chai thời gian” của Jim Croce phát ra từ chiếc máy hát tự động của một quán cà phê nhỏ ven đường khiến tôi dừng bước. Từ lâu, rất lâu rồi, tôi đã không nghe lại bài hát này, như thể nó đã biến mất khỏi kí ức của mọi người và bị ém nhẹm vào một xó xỉnh tối tăm nào đó.
“Này Béo, đừng về vội.” Một giọng nói trong trẻo vang lên từ góc phòng. Tôi ngẩng đầu khỏi hộp đàn vĩ cầm, ngạc nhiên quay về phía người nói.
“Chị chưa muốn về nhà.” Chủ nhân của giọng nói xách hộp đàn vĩ cầm đi về phía tôi. “Muốn đi loanh quanh một chút.”
“Vậy đi cà phê đâu đó nhé?” tôi gợi ý, đoạn đưa tay gạt một lọn tóc dính trên trán. Chị gật đầu thay câu trả lời.
“Tóc cậu lại dài ra rồi đấy.” Chị nhìn tôi. “Tốt nhất là đi tỉa đi.”
“Vội gì,” tôi vừa đáp vừa chìa tay đỡ lấy hộp đàn của chị. “Để em cầm.”
“Cảm ơn,” chị lầm bầm gỡ cặp khỏi vai tôi. “Bọn mình bỏ đám này vào ô tô đi, đỡ phải vác theo.”
“Chị nói cứ như mấy thứ này nặng bằng cả trái đất ấy.” Tôi bật cười bước đi, hai tay duỗi thẳng, mỗi tay xách một hộp đàn vĩ cầm, chị đi đằng sau ôm cặp sách của tôi.
“Chú Maen!” chị gọi người lái xe đang ngồi đợi trên ghế băng trước cửa phòng nhạc. “Chú cho cặp sách và hai cái đàn này vào xe đi.”
“Vậy còn cô thì sao ạ, thưa cô?” Chú Maen đỡ lấy đàn và cặp, nhìn chị dò hỏi.
“Tôi đi dạo cùng Béo một lát. Chú có thể lái xe theo,” chị nói và nắm lấy tay tôi, nhảy chân sáo xuống cầu thang, để lại người lái xe bối rối đứng đó nhìn theo.
Chúng tôi đi qua cổng trường vào một con đường nhỏ. Hàng cây kèn hồng dọc hai bên đường thả rơi những cánh hoa hồng rực như chào đón. Những bụi cỏ và lau sậy đung đưa trong gió nhẹ. Xa xa, chúng tôi có thể thấy sen trắng nở rộ trong một đầm nước rộng.
“Chị mà có mấy vại tiền, chị sẽ mua một mảnh đất ngay đây và xây một ngôi nhà nhỏ nổi giữa đầm,” chị vừa nói vừa đưa tay ghì cổ tôi.
“Ý hay đó, Jom,” tôi cười. “Như thế chị có thể tập đàn mà không sợ bị ném gạch.”
“Ôi quỷ tha ma bắt cậu đi, Béo!” Chị ôm đầu tôi lắc. “Cậu không bao giờ khuyến khích chị được một câu.”
“Em thuộc loại trâu buộc ghét trâu ăn mà. Em sẽ ghen tức chết mất.”
Jom cười khe khẽ.
“Cậu định đưa chị đi đâu?” chị hỏi khi chúng tôi đến ngã tư, đoạn quay lại nhìn chiếc xe Mercedes-Benz bóng lộn đang rì rì theo chúng tôi cách đó một quãng.
“Đừng lo, em không bán chị đâu mà sợ,” tôi chọc.
“Chị chả lo chuyện đó. Ai mà thèm mua một con vịt xấu xí như chị chứ, gầy nhom, lẻo khoẻo, lóng ngóng, kén ăn lại còn bướng nữa?”
“Ra quán cóc đi,” tôi quyết định rồi đưa chị đi dọc con đường lát đá ong dẫn tới quán cóc – vài tấm tôn múi gác lên mấy chiếc cọc và bên dưới là chao ôi các loại nước ngọt cùng đủ thứ linh tinh.
“Dễ thương quá!” Jom ngồi xuống một chiếc ghế đẩu gỗ ba chân, hài lòng nhìn ngó xung quanh. “Chị thích chỗ này, rất có phong vị quê hương.”
“Cà phê đá chứ?” tôi hỏi chị rồi quay về phía người phụ nữ trung niên đang đứng sau một nồi nước bốc hơi nghi ngút “Cô ơi, hai cà phê đá ạ.”
“Cậu ăn kẹo không?” Jom vừa hỏi vừa nhấc nắp bình thủy tinh đầy ắp kẹo, lấy một thanh kẹo lạc đưa cho tôi.
“Thế còn chú Maen?” Tôi nhìn ra chiếc xe đang đậu kín đáo bên lề đường. Nắng chiều phản chiếu trên kính cửa và chắn bùn mạ crôm, một hình ảnh tương phản hoàn toàn với dãy lều tạm bợ xám xịt kéo dài mãi phía sau.
“Đừng để ý đến chú ấy.” Jom cắn thanh kẹo lạc trong tay. “Chú ấy quen rồi. Có khi chú ấy phải đợi cha chị cả nửa ngày.”
“Mình nghe nhạc đi?” Tôi đưa mắt nhìn về chiếc máy hát cũ mèn ở góc quán.
“Này, cầm lấy.” Chị thọc tay vào túi đồng phục, rút ví ra đưa tôi. Tôi đón chiếc ví, mở ra lấy vài đồng một bạt.
“Chị thích nghe bài nào?” tôi vừa hỏi vừa đứng dậy.
“Gì cũng được,” chị đáp. “Nhưng đừng nặng quá.”
Tôi tới bên máy hát chọn bài “Chai thời gian”. Giai điệu bài hát phá tan không khí uể oải của buổi chiều ảm đạm. Món cà phê đá đã tan chảy thành nước trong khi chúng tôi cứ đút tiền vào để nghe lại bài hát ấy, nghe mãi.
“Về thôi.” Jom dịu dàng nói. Máy hát đã ngừng từ lâu. Đám ruồi nhặng bắt đầu bâu lấy hai cốc cà phê và làm phiền chúng tôi. Mùi thịt ôi phảng phất đâu đó.
“Chị sẽ cho cậu quá giang về nhà.” Chị đặt tiền cà phê xuống bàn rồi đi trước tôi ra xe. Chú Maen vội vã ra khỏi xe kính cẩn mở cửa sau.
Chiếc xe lăn bán ngược lại hành trình nó vừa đi, qua con đường nhỏ, đầm nước rộng và hàng cây kèn hồng, hướng ra con đường lớn. Mặt trời hầu như đã lặn hẳn. Bóng tối đang tỏa ra ngay sau lưng chúng tôi, như tấm màn dày chuẩn bị buông xuống cuối vở diễn.
“Này Béo.” Jom nhìn tôi khi xe dừng lại đầu phố nơi tôi sống. “Mai cậu lại đưa chị tới quán cóc đó, nhé?”
“Tất nhiên là được,” tôi đồng ý, đoạn túm lấy cặp sách cùng hộp đàn vĩ cầm rồi rời khỏi xe.
Jom vẫn ngoái lại nhìn tôi quan tâm cho tới khi chiếc xe Mercedes khuất dạng trong bóng tối giăng trước mặt.
Mẹ tôi ngẩng đầu khỏi chiếc bình đang vẽ dở khi tôi bước vào nhà.
“Làm sao mà mày về muộn thế hả?” bà vừa hỏi vừa bỏ cặp kính ra đặt lên bàn.
“Hôm nay con có tiết nhạc, sau đó con đi dạo với Jom.”
“Ngoan chưa!” Mẹ nhìn tôi khinh bỉ khi tôi ngồi xuống chiếc ghế mây. “Thay vì mau chóng về nhà, mày lại tùy ý lông bông ngoài đường.”
“Ôi thôi nào mẹ.” Tôi cởi tất ra ném đi.
“Giờ tao chẳng còn có thể nói gì mày nữa phỏng?” Mẹ cao giọng. “Mày giờ cũng thánh tướng như bố mày đấy nhỉ?”
Tôi khó chịu nhìn mẹ. Gần đây, bà thay đổi quá nhiều. Từ một phụ nữ hiền dịu thong dong, bà đã trở nên nóng nảy và có thể vô cớ mà ỏm tỏi lên.
Tôi thường hồi tưởng lại nhưng ngày đã qua khi mình và em gái còn nhỏ. Thời ấy, chúng tôi còn sống trong ngôi nhà cũ bên sông. Thậm chí ngay cả bây giờ tôi vẫn còn nghe thấy tiếng xuồng máy rè rè và tiếng nước rẽ ra thành những gợn sóng dọc bờ sông. Đôi lúc, xuồng cà phê đi men bờ, kéo những hồi còi hối hả để thu hút khách.
Buổi tối, mẹ đưa hai chúng tôi ra ngồi trên hiên nhà. Bà chậm rãi chải tóc cho em gái tôi như thể đó là một công việc trang trọng, ấy vậy mà ánh mắt bà không rời bến tàu lấy một giây. Có những ngày chúng tôi ngồi như thế cho tới tận khi lũ đom đóm quanh những cây lamphu bên rìa nước bắt đầu lập lòe và hàng đàn muỗi vo ve bên tai chúng tôi.
Tôi không biết chắc lúc đó chúng tôi đang đợi điều gì, có thể là người cha luôn về nhà rất muộn, hay thứ gì đó khác, hoặc thậm chí một điều mà chúng tôi không biết.
“Ning về chưa ạ?” tôi hỏi sang chuyện khác.
“Chưa,” mẹ xẵng giọng, nom chực nói thêm điều gì, nhưng rồi bà im lặng.
Tôi nhìn bà lần nữa rồi đứng dậy, nhặt tất lên gác.
Tôi đóng cửa phòng ngủ và cảm thấy tự do khi rốt cuộc cũng được ở một mình. Ngoài trời, gió đang rít. Cây xoài bên cửa sổ oằn oại, cành lá cà vào kính cửa. Trời bắt đầu mưa lâm thâm, những hạt mưa phủ mờ cửa sổ. Tôi nhìn bóng mình trên kính, một cậu trai thể xác đã lớn nhưng thiếu cái nhiệt huyết của tuổi mình. Người ngợm không đến nỗi nào, chắc vậy, nhưng đôi vai còng phản thùng tiết lộ cái bạc nhược bên trong. Tôi không biết từ lúc nào đã thành ra thế này. Nom như thời gian đã dần dần gắn chặt gánh nặng khổ đau, rối loạn và áp lực gia đình lên đôi vai tôi, và giờ đây, khi đã nhận thức rõ về chúng, tôi khó mà chịu đựng lâu hơn.
Tôi tới bên cửa sổ, nhìn vào hình phản chiếu lòe nhòe thấy một người lạ, như trước đây vẫn thế. Trên tấm kính, nhè nhẹ, bằng đầu ngón tay, tôi vẽ một con thuyền mành nhỏ, một ngọn núi, mặt trời, những cây dừa đung đưa. Tôi mơ về biển cả và những ngày đã qua từ lâu khi cha có lần dẫn cả nhà ra biển. Lúc đó tôi mới cao có từng này. Cha để tôi ngồi trên vai ông còn tay dắt Ning và ba chúng tôi thong thả đi dọc bờ biển trong khi mẹ nằm trên ghế dài quan sát mấy bố con. Chúng tôi đi xa tới mức mẹ chỉ còn là một chấm nhỏ trên cát. Thật kì lạ, tuy tôi và Ning luôn gần mẹ hơn cha, song chính mẹ là người trở nên xa cách với chúng tôi.
Trong tâm trạng u ám ấy, tôi nghĩ về Jom. Chị như bờ bến của cuộc sống của tôi - bờ có tình yêu, ấm áp và đủ đầy. Chị và tôi chỉ có một điểm chung, đó là không ai trong chúng tôi thực sự có bạn thân. Trong khi những vấn đề gia đình đè nặng lên vai tôi, khiến tôi thu mình lại và tự ép mình phải trưởng thành thật nhanh, thì của cải lại tách Jom khỏi bạn bè, giam chị vào nỗi cô độc. Cha chị càng rót nhiều tiền cho chị vào trường học, chị càng bị cô lập khỏi bạn học. Chị như một nàng công chúa bé nhỏ quý giá trong mắt thầy cô – một cô công chúa tuyệt vời, mỏng manh, giàu có, không tì vết, nhưng than ôi, chính điều ấy lại biến chị thành nàng công chúa cô độc nhất thế gian. Tiền không thể mua cho chị dù chỉ một người bạn.
Tôi hớ như in một trong những ngày đầu chúng tôi biết nhau. Chị hỏi tôi sau này muốn học tiếp ở đâu.
“Sinlaparkorn,” tôi bảo chị. “Em muốn thành họa sĩ.”
“Tốt cho cậu.” Chị mỉm cười. “Nhưng còn mấy năm nữa. Biết đâu cậu sẽ đổi ý....”
“Thế còn chị thì sao, Jom? Đây là năm cuối cấp của chị rồi. Có ý định gì chưa?”
“Chưa,” chị đáp rồi nhìn ra ngoài bãi cỏ nơi bọn trẻ đang chơi rất hào hứng. “Chị chỉ muốn ra khỏi nơi này. Chị chán ngấy nó rồi.”
Tôi lặng lẽ nhìn chị và nghĩ rằng mình hiểu chị - hiểu nhau như một người bạn đồng lứa, không phải là một cậu trai mười bốn và một thiếu nữ mười bảy tuổi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.