Chai Thời Gian

Chương 29:




Khi ra khỏi nhà Jom, tôi phân vân một lúc lâu, cố gắng nghĩ xem nên đi đâu và gặp ai nhưng không thể nghĩ ra.
Tôi quyết định gọi điện tới văn phòng của bố nhưng người nhấc máy cho tôi biết ông đang lên miền ngược thăm họ hàng, tôi đoán là của Waeo, vì những người thân duy nhất còn sống của ông là bà nội và ông trẻ tôi, mà cả hai đều đang ở đồn điền tại Bang Khunthian.
Khi Ning và tôi còn bé, bố đã đưa chúng tôi đi thăm bà nội, nhưng không thường xuyên lắm. Tôi nhớ nhà của ông trẻ tôi là một căn nhà sàn gỗ vừa to vừa cao lênh khênh, có nhiều loại cây và những con chó cực kỳ dữ tợn. Mỗi khi đến đó, Ning và tôi đều chùn lại, sợ rằng chúng sẽ ăn sống chúng tôi. Bà nội dáng cao to, tóc cắt ngắn như đàn ông, miệng đỏ lòm do ăn trầu và giọng nói oang oang. Thuở ấy, tôi sợ quá không dám đến gần bà hay thậm chí là nhận những món ngọt truyền thống của Thái như bánh chuối hay mứt mà bà chìa ra cho chúng tôi. Còn ông trẻ của tôi là một người đàn ông trầm lặng ít khi chuyện phiếm. Đáp lại lời chào của chúng tôi xong là ông lập tức đi mất hút vào đồn điền. Đến lúc chúng tôi phải về, ông sẽ lại hiện ra với một túi đầy những quả roi, xoài hay quả thanh trà cho chúng tôi mang về nhà. Mẹ không hoà hợp với bà lắm, vì những lý do gì tôi chưa bao giờ được biết. Vậy nên, sau khi bố bỏ đi, mẹ chưa bao giờ đưa chúng tôi đi thăm bà hay ông trẻ.
Tôi nghĩ đến Eikkarong nhưng rồi nhận ra rằng nó sẽ chẳng giúp được mấy. Dù Eik là bạn thân của tôi, nhưng xét về mặt hiểu biết cuộc sống hay kiến thức chung để ho một cuộc nói chuyện thú vị thì nó kém Porm hay Chai nhiều. Eik chỉ rành về những vấn đề trực tiếp liên quan đến nó, ví dụ như sách giáo khoa hay việc bán hàng ở cửa hàng của bố nó, thay vì bất cứ thứ gì khác. Nó không quan tâm đến chính trị, nghệ sĩ và nhà văn như Porm, nó cũng không hứng thú với Tam giác Bermuda, với bí mật của các kim tự tháp hay với người ngoài hành tinh như Chai, với lại nó cũng không nghe nhạc nước ngoài hay xem phim giống tôi, Eik thuộc loại mà chúng tôi gọi là “một cộng một bằng hai”. Nó sẽ nhảy đến tận trần nhà nếu có ai đó nói với nó điều ngược lại, có một lần nó đã đuổi theo chửi rủa Chai vì Chai quả quyết rằng “một cộng một là một” và chứng minh bằng cách cho một nắm cát lên một nắm cát khác, thành một nắm cát. Porm thường hay giễu Eik là “nạn nhân của chế độ”, một người không có suy nghĩ tiến bộ, chỉ giỏi nghe theo sách giáo khoa, học thuyết phương Tây và các thứ đẹp đẽ cùng một giuộc khác, còn Eik thì chẳng để bụng mấy lời đó lắm, trừ phi nó đang bực mình và bị Porm dồn vào đường cùng, nó mới lấy tay gõ vào đầu Porm.
Tôi vẩn vơ nghĩ về Chai. Mặc dù nó trở thành một đứa bạn khác vô dụng sau sự cố bóng đá, nói chuyện với nó vẫn đỡ hơn là tâm sự với Eik.
Tôi bắt một chiếc xe buýt ở đầu ngõ nhà Jom rồi xuống xe ở đường Tok, rồi lại từ đây lên chiếc xe buýt khác qua cầu Krungcheip để đến gặp Chai ở Daokhanong.
Chai có vẻ không ngạc nhiên lắm khi thấy tôi đến. “Sao cậu không gọi điện trước?” nó nói. “Mình đang chuẩn bị nướng.”
“Cứ làm như nhà cậu có điện thoại ấy!” tôi giễu. “Mà chuyện nướng là thế nào đấy?”
“Nhóm lửa ngoài trời,” Chai nói, đứng ra xa đề phòng. “Nhiều cỏ quá nên mình định đốt.”
“Mình trượt rồi,” tôi nói với nó đoạn thả mình xuống cái xích đu cũ dưới chân bụi canh ki na.
“Cũng tốt thôi.” Chai ngồi xuống cạnh tôi. “Những người như cậu chỉ có thể với cao đến thế. Cậu đi bán mứt Tàu còn hơn.”
“Đây không phải là chuyện đáng cười đâu,” tôi bực mình. “Đừng đùa nữa.”
“Cậu muốn mình khóc lóc rên rĩ hay thế nào đây?” Chai run người đẩy xích đu. “Nghe đây, Béo, mình cho cậu hay: đừng coi chuyện này nghiêm trọng thế. Số trượt đông đảo hơn số đỗ nhiều. Cậu nên cảm thấy tự hào vì đứng cùng hàng ngũ với những người bị đè mới phải.”
“Để mình hỏi cậu chuyện này: cậu đã bao giờ ngồi đây rồi ngất lăn quay khỏi cái xích đu này chưa?”
“Lại cậy sức lấn lướt, cậu chỉ biết thế thôi,” nó lầm bầm phàn nàn.
Chúng tôi ngồi im lặng. Chỉ có tiếng xích đu khẽ kêu kin kít.
“Thế bây giờ cậu định làm gì?” Chai bất chợt hỏi.
“Chưa biết…” Tôi giơ tay lên vuốt tóc từng chập. “Không suy nghĩ cho ra hồn được. Mình bí rồi, thật sự là thế.”
“Ý cậu là cậu không chuẩn bị tinh thần cho thất bại.”
“Không phải thế.” Tôi lắc đầu. “Mà sao cậu lại bảo mình thế?”
“Cậu lạ thật đấy. Khi mình bông đùa cho cậu vui hơn thì cậu bảo mình không quan tâm, còn khi mình nghiêm túc thì cậu lại chụp mũ mình phá thối.”
“Mình không nói vậy,” tôi phản đối, giọng dịu lại.
“Kể cả thế thì ý cậu là như vậy còn gì.” Chai im lặng một hồi, rồi nói: “Hay là cùng đi Nongkhai?”
“Làm gì?”
“Chỉ để đi thôi, cho cậu hết ủ rũ.”
“Bao giờ?”
“Tối mai,” Chai trả lời chắc nịch.
“Thế còn mẹ cậu thì sao?” Tôi liếc ngôi nhà hai tầng sừng sững.
“Mẹ mình không phải lo lắng cho mình lâu rồi. Với lại biết mình đi với cậu thì mẹ sẽ yên tâm hơn.”
“Mình phải xin phép mẹ mình trước đã.” Tôi vẫn phân vân.
“Tuỳ thôi.” Chai đứng lên. “Nếu quyết định đi thì gặp mình ở bến xe buýt lúc tám giờ tối mai.
Lạ lùng thay, mẹ không hề phản đối chuyện tôi đi Nongkhai với Chai.
“Mày cần bao nhiêu?” bà vừa hỏi vừa mở ngăn kéo.
“Tuỳ mẹ thôi ạ,” tôi trả lời ngắn gọn đoạn bước tới chiếc ghế cạnh cửa.
“Bây giờ cứ cầm 500 mà đi mua vài thứ đã,” mẹ đề nghị. “Mai tao sẽ đưa mày thêm một ít.”
Tôi cầm tiền mẹ đưa và nhân cơ hội ấy lang thang trong trung tâm thương mại đến chiều tối thì vác về nhà một chiếc xe cút kít.
Chai và tôi ngồi tán chuyện gần như suốt chặn đường từ Bangkok tới Kho-rart, nơi xe khách dừng lại để khách xuống ăn cháo lót dạ. Chúng tôi kể cho nhau nghe, xen giữa những tiếng cười khùng khục, đủ loại giai thoại về bạn bè và quãng đời học sinh chúng tôi vừa trải qua.
Thật khó tin rằng những ngày tháng ấy đã lùi về phía sau! Vẫn có những buổi sáng tôi thức dậy đinh ninh rằng phải nhanh nhanh thay quần áo đến trường, vẫn lưu lại những câu chuyện để kể cho Chai và Eik, và vẫn nhớ những tiết học trong thời khoá biểu cũ trên tường và lúc nếm mùi chiếc thước kẻ của cô giáo môn Ngữ Văn, người cực kỳ nghiêm khắc về ngữ pháp của chúng tôi.
Sau bữa ăn nhẹ, Chai cuộn mình trong chăn ngủ, để tôi ngồi lại một mình mở to mắt nhìn vào bóng tối trước mặt. Cặp đèn pha to đùng ở đầu xe chiếu ra hai lường sáng dài hình nón phơi bày con đường trước mặt khỏi màn đêm tối tăm. Bên trong xe, bầu không khí tĩnh lặng và yên bình. Chỉ có tiếng thở và tiếng ngáy nho nhỏ từ những hành khác say ngủ. Ánh đèn nhỏ từ bảng đồng hồ làm nổi rõ hình ảnh người tài xế giữa bóng tối trong xe. Tôi chỉ có thể nhìn thấy lưng ông. Giữ thẳng đầu trên đôi vai rộng, ông có vẻ tự tin với khả năng của đôi tay trên vô lăng và với phản xạ của mình, nhưng không ai biết ông nhận thức được tới chừng nào trách nhiệm bản thân đối với tất cả hành khách trên xe.
Chúng tôi tới Nongkhai lúc năm giờ rưỡi sáng. Thị trấn vùng biên này vẫn chưa thức dậy đón ngày mới. Ở bến xe đã có xích lô, chừng năm hay sáu cái xếp hàng chở khách. Tôi nghĩ hẳn vài người đạp xích lô đang nằm ngủ trên xe của mình thì nghe thấy tiếng xe khách đang tới bấm còi bèn vội vàng xuống đây giành khách.
“Các cậu đi xe ạ?” một người lái xích lô đến trước mặt chúng tôi hỏi.
“Vâng,” Chai vừa trả lời vừa khoác chiếc túi du lịch nhỏ lên vai. “Giúp chúng tôi tìm một chiếc nữa với.”
“Dạ.” Người lái xích lô gọi một người bạn đoạn chạy thẳng đến xe của ông ta đang đỗ ngay cạnh đó.
Một lúc sau, hai chiếc xe xích lô dừng lại ngay trước chúng tôi.
“Chúng mình đi đâu bây giờ?” tôi bối rối hỏi Chai.
“Chẳng biết.” Chai lắc đầu. “Đây là lần đầu tiên mình đến Nongkhai.”
“Hai cậu đi đâu ạ?” người đạp xích lô hỏi khi Chai để tôi lên ghế.
“Ra chợ,” Chai lập tức trả lời.
Hai chiếc xích lô với những ngọn đèn tù mù đua nhau dọc các con phố bàng bạc yên tĩnh trước bình minh một ngày hè là cảnh tượng ngoạn mục còn lưu trong ký ức tôi. Thỉnh thoảng, hai chiếc xe bắt kịp nhau và bên này thúc giục bên kia bằng những hồi chuông dài lanh lảnh, torng khi hai đứa chúng tôi cổ vũ ầm ĩ cả phố. Mỗi khi hai chiếc xích lô chạy song song, chúng tôi lại nhoài người ra cố tóm lấy túi của nhau và cười nắc nẻ như trẻ con. Gió lạnh từ ngoài sông thổi tới làm rối tung tóc hai đứa. Ngay cái khoảnh khắc bất chợt cảm thấy tê cóng lạ lùng vì gió lạnh, tôi quay lại nhìn con đường hun hút trải vào bóng tối và bất chợt thấy cô đơn, trơ trọi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.