Chai Thời Gian

Chương 31:




Vì thầy Wa-thin mà tôi quyết định ở lại Nongkhai.
Sau bữa trưa, tâm trạng của thầy Wa-thin đã tốt hơn rất nhiều để có thể trò chuyện vui vẻ với tôi và Chai chứ, không còn khó xử như lúc đầu.
“Thầy sẽ dạy ở đây chứ ạ?” Chai hồ nghi hỏi trong lúc giúp Wi dọn bàn ăn.
“Ừ.” Thầy Wa-thin gật đầu. “Vài người bạn của thầy đã giúp thầy tìm công việc này. Đấy là một ngôi trường tư thục nhỏ, chắc chắn không thể so sánh với trường ở Bangkok, nhưng thầy không có nhiều lựa chọn.”
Wi đăm đăm nhìn chồng mình với ánh mắt đầy ắp tình yêu, cảm thông và tin tưởng.
Thầy Wa-thin rút một bao thuốc lá từ túi áo ra trầm ngâm châm thuốc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy thầy hút thuốc.
“Con có chắc sẽ không chơi vĩ cầm nữa không?” Thầy nhìn tôi qua màn khói mỏng.
“Vâng.” Tôi im lặng thừa nhận, ý chừng không muốn nói về chuyện đó nữa.
“Ham mê mới nhất của nó là vẽ tranh ạ,” Chai xen vào trong lúc kê lại một chiếc ghế và nhấc chồng đĩa nó vừa chất lên.
“Chúng ta phải làm những gì chúng ta thích, bởi lẽ khi đã đạt đến một mức độ nhất định, phần thưởng lúc nào cũng vậy, chính là niềm hạnh phúc chúng ta nhận được từ bất cứ việc gì ta làm.”
“Nhưng tại thời điểm này Béo khá là khổ sở thầy ạ.” Chai vẫn tiếp tục chõ mũi. “Nó buồn vì không được học cái mình thích.”
“Con vẫn còn trẻ, vẫn còn nhiều thời gian để điều chỉnh,” thầy Wa-thin an ủi tôi. “Thứ con yêu thích và thứ con học không nhất thiết phải trùng nhau. Thầy đã thấy rất nhiều người là hoạ sĩ hay nhạc sĩ giỏi mặc dù họ là bác sĩ, kỹ sư, cảnh sát, bộ đội hay gì đó. Có thể con sẽ quyết định chọn một công việc con không thích nhưng có khả năng làm tốt, Nat à, và sau đó trong thời gian rảnh rỗi con tự học những gì con thích nhưng chưa giỏi, và nó sẽ có lợi cho con ở cả hai mặt.”
“Vâng,” tôi khẽ đáp. “Con sẽ cố gắng thử.”
“Nghe có vẻ vẫn còn ngờ vực lắm.” Thầy nhìn kỹ tôi. “Hay con ở lại Nongkhai với thầy ít lâu đi? Khi nào đầu óc đã sáng tỏ, con hẵng quay về Bangkok.”
“Con không muốn phiền ạ.” Tôi nhìn lảng quanh phòng tránh ánh mắt của thầy.
“Làm phiền gì chứ?” Thầy Wa-thin cười khẽ. “Con làm như chúng ta là người dưng vậy. Có bạn đến ở cùng, thầy cô cũng đỡ cô đơn.”
“Con muốn suy nghĩ trước ạ,” tôi hờ hững đáp.
“Tuỳ con thôi, nhưng đừng nghĩ con sẽ làm phiền thầy hay Wi. Thầy cô dễ tính lắm, con thấy đó.” Tôi quyết định ở lại với thầy Wa-thin khi đang ngồi trên xe xích lô về khách sạn.
“Tuỳ cậu thôi, ông bạn,” Chai chỉ nói vậy. “Nhớ viết thư cho mình là được.”
“Đưa giùm mình cái này cho mẹ mình được không?” Tôi gấp lá thư, đút vào phong bì đưa cho Chai.
“Cậu tự gửi đi.” Chai rụt tay lại. “Mình không muốn nghe sạc đâu.”
“Thôi bỏ đi.” Tôi gập lá thư lại nhét vào túi áo. “Bạn tốt thật! Một việc đơn giản vậy mà cũng không giúp.”
“Cái gì cũng được trừ việc đó.” Chai kiên quyết lắc đầu. “Mình chui vào chuồng gấu ở sở thú vẫn an toàn hơn là đưa thư cho mẹ cậu.”
“Thế thì giúp mình một chuyện được chứ?” Tôi ngồi xuống mép giường.
“Phải đi hả?” Chai hài hước nói đoạn ngước đầu khỏi cái túi nó đang bận rộn xếp đồ vào.
“Hơn cả thế nữa.” Tôi không nhịn được cười. “Đừng kể cho ai biết là thầy Wa-thin và mình đang ở đây.”
“Tại sao?” Chai ngừng tay quay sang nhìn tôi háo hức hỏi: “Có bí mật gì kinh khủng về thầy ấy và vợ à?”
“Không biết.” Tôi duỗi tay. “Nhưng mình có cảm giác là nếu thầy ấy chạy đến tận Nongkhai, chắc hẳn là không muốn ai đó quấy rầy.”
“Mình thì chắc là lý do còn ghê gớm hơn nhiều.” Chai đờ người ra một chốc, rồi nó lắc đầu. “Nhưng kệ đi! Đó là việc của thầy ấy.”
Thầy Wa-thin và tôi thả bước trên những con phố tĩnh mịch. Tấm áo choàng đen của màn đêm phủ trên thị trấn bị xé rách, vài chỗ bởi ánh đèn từ những ngôi nhà hai bên đường. Tiếng kèn acmônica trong vắt ngọt ngào từ đâu đó văng lại. Âm thanh ấy giống những gì tôi đã nghe trên đường phố Bangkok, nhưng cái cảm giác nó gợi lên thì khác biệt bất ngờ. Tiếng kèn acmônica tôi đang nghe ở Nongkhai đêm nay dịu dàng và tràn trề tình yêu cùng hy vọng, trong khi tiếng kèn Bangkok thấm đẫm u sầu, tuyệt vọng và chán nản.
“Con có nhớ nhà không?” thầy Wa-thin ân cần hỏi.
“Không.” Tôi lắc đầu. “Chỉ là con thấy cô đơn thôi.”
“Rồi con sẽ quen. Điều tuyệt vời nhất của con người là chúng ta có thể dễ dàng thích nghi với mọi chuyện, nếu không thì nhân loại đã biến mất từ lâu rồi.”
“Trong một số trường hợp thôi, con nghĩ thế,” tôi không đồng ý. “Có rất nhiều thứ mà chúng ta không thể quen được, cho dù bao nhiêu thời gian đã trôi qua.”
“Thầy hiểu ý con.” Thầy Wa-thin gật đầu. “Thế nhưng đôi khi ta phải chấp nhận những thứ ca lạ xâm nhập vào cuộc sống của mình. Cây càng già thì càng nhiều cây leo hay nấm mọc. Tuy nhiên, khi ta hiểu được bản chất thật sự của cái cây và của bọn dây leo mà chấp nhận điều đó, ta sẽ bớt phiền não hơn.”
“Có lẽ con là một cái cây tồi.”
“Không đâu… chỉ là con chưa đủ lớn thôi.”
Một chiếc xe jeep gắn súng máy chạy vút qua chúng tôi. Tiếng nói cười ầm ĩ của đám lính bên trong xé toạc sự im lặng của màn đêm.
“Con hãy cho bản thân một thời gian nữa.” Thầy Wa-thin nhìn tôi với ánh mắt của một người thầy. “Ai cũng lớn lên, dù sớm hay muộn.”
Những ngày ở cùng với thầy Wa-thin và Wi là khoảng thời gian bình yên giúp tôi học cách nhìn thế giới một cách chín chắn và sâu sắc hơn. Thi thoảng, chúng tôi bắt xe buýt ra những vùng ngoại ô để quan sát cuộc sống làng mạc, nơi mà sự bình dị và sức quyến rũ của thiên nhiên quá đỗi đẹp đẽ.
“Thầy muốn con thử vẽ những đứa trẻ kia, Nat à.” Thầy Wa-thin chỉ một con bé quê đang bế cắp nách thằng em và đứng nhìn đám bạn của nó chạy quanh chơi đuổi bắt. “Có thứ gì đó trong khung cảnh này mà chúng ta không thể hiểu được từ những cảm xúc hay trải nghiệm của mình. Tại sao con bé ấy phải trông em nó thay vì vui đùa với những đứa trẻ khác? Có phải nó hiểu được trách nhiệm của người chị, hay là nó sợ bố mẹ sẽ phạt nếu thả em xuống, hay điều gì đó tương tự?”
“Nghe thầy nói như thể thầy muốn con viết truyện chứ không phải vẽ một bức tranh vậy,” tôi khẽ cãi lại.
“Nat này, đừng quên rằng một bức tranh đẹp có sức tả hơn ngàn lời nói. Trong những bức tranh của Rembrandt, Rubens, Van Gogh hay ngay cả Thawan Datchanee của chúng ta luôn ẩn chứa nhiều điều. Những bức tranh ấy không chỉ kể cho chúng ta đủ thứ về tác giả của nó, chúng Còn kể về những gì đang diễn ra bên trong, và để có thể vẽ đẹp đến như vậy, thầy tin chắc người hoạ sĩ phải thấu hiểu những gì mình đang vẽ mới có thể chuyển tải nó một cách sâu sắc.”
“Như bức Maya của Goya hay bức Mona Lisa của Da Vinci…”
“Chưa cần sâu sắc đến vậy đâu.” Thầy Wa-thin bật cười. “Đủ để hiểu ý nghĩa là được.”
Trong lúc thầy Wa-thin và tôi nói chuyện, Wi chỉ ngồi im lặng lắng nghe. Cô kiệm lời đến kỳ lạ. Cô chăm chỉ làm việc nhà và hạnh phúc khi thấy chồng thích bữa cơm mình nấu hay khi đi dạo với chồng.
Ngay đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao một người đàn ông đầy ý tưởng và ước vọng như thầy Wa-thin có thể yêu một người đàn bà nhạt nhoà và nhút nhát như Wi, và cuộc đấu tranh phi thường để được bên nhau của hai con người ấy luôn làm tôi ấn tượng.
Từ đó trở đi, tôi bắt đầu vẽ tranh theo cách thầy Wa-thin gợi ý. Có những ngày tôi xách giỏ theo Wi ra chợ, và trong lúc cô mua đồ, tôi thường đứng trước hàng cà phê quan sát người qua lại và ghi nhớ những khung cảnh ấy từng chút một.
Những ngày khác, tôi ra bến đò chính ngắm người qua lại. Người từ phía Lào sang mang rất nhiều đồ, như là hàng tá chim bồ câu mỏ dày vỗ cánh bên trong những cái giỏ mây, hai những bó đủ loại vỏ cây, trong khi người từ bờ Thái mang theo mình những cái giỏ lớn chứa đủ loại hàng, từ đồ lót và quần áo truyền thống tới thuốc thang, dầu thực vật và cả pin cùng phụ tùng xe máy. Mỗi bà bán hàng rong đi phía biên giới Thái đều đeo những chiếc vòng vàng lớn và thường trở về với nhiều vòng hơn nữa đeo quanh cổ.
Lũ trẻ dưới sông quanh bến đò cũng tham gia vào cảnh buôn bán. Chúng bơi điệu nghệ như cá hay hải cẩu dù đang phải ôm hay cõng những túi ni lông đầy gia vị hay đường cát, và chúng đợi đến lúc một con thuyền rời bến thì bơi ra, leo lên thuyền cùng đống hàng dập dềnh của mình, mặc kệ tiếng hét của hải quan trên bờ.
Tất cả những quang cảnh ấy đã trở nên rất quý giá với tôi sau này, mặc dù tôi không bao giờ vẽ chúng lên giấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.