Chân Ngắn, Sao Phải Xoắn

Chương 22:




Tôi chở Hoành Tá Tràng về nhà, trái với dự đoán của tôi, bố mẹ Hoành Tá Tràng tiếp đón tôi rất niềm nở. Vốn định thả anh ta trước cửa rồi chuồn về, nhưng hai ông bà quá nhiệt tình mời vào uống nước nên không còn cách nào khác tôi phải ngồi nán lại. Trời ạ, mà đã ngồi uống nước thì lại phải ở lại ăn cơm, tôi chưa kịp há mồm ra phản đối thì một mâm cơm đã được đặt bộp lên bàn, thế là phải ăn. Mà khổ, tính tôi thì háu ăn, tia ngay vào mâm, thấy toàn món ngon nên không nỡ từ chối. Với lại, bố mẹ anh ta có biết tôi là đứa nào đâu mà phải ngại. Trong lúc ăn cơm, bố anh ta hỏi.
“Nhà cháu ở xa đây không?”
Tôi luống cuống đặt đũa xuống định trả lời, thì Hoành Tá Tràng đã cướp lời.
“Dạ! Gần ạ!”
Tôi lừ mắt về phái Hoành Tá Tràng, anh ta tủm tỉm ăn cơm tiếp, tôi vội giải thích.
“Dạ! Nhà cháu cách đây mấy phố, cũng gần ạ!”
Hoành Tá Tràng vẫn tủm tỉm cười, đồ đáng ghét, tôi chỉ muốn đập cái bát vào mặt anh ta thôi. Bữa cơm rôm rả hơn với đủ thể loại hỏi thăm. “Cháu làm nghề gì? Bố mẹ cháu có khỏe không?” Ô, hỏi gì mà kỹ thật đấy, nhưng tôi vẫn thành thật trả lời mọi thứ, ngoại trừ việc nhà tôi ở ngay sát lưng nhà anh ta ra. Có một điều khiến tôi cảm giác ấm cúng và cảm động là lúc tôi nói tôi không có bố, cả hai bác ấy dừng đũa lại nhìn tôi cảm thông. Bác gái còn chép miệng “Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng mình biết vượt qua hoàn cảnh là tốt lắm rồi.”. Bác trai gật gù theo, tôi im lặng, cố kìm giọt nước mắt đang chực rơi trên má. Nếu bố mẹ Lãng Tử cũng nói được những điều như thế này, thì biết đâu, giờ này tôi và Lãng Tử đang cùng nhau chuẩn bị cho đám cưới rồi.
Hoành Tá Tràng tiễn tôi sau bữa cơm, tôi nói, thực ra bố mẹ anh không đáng sợ như tôi nghĩ. Anh ta chỉ cười, tôi hỏi anh ta về Cục Kẹo, Hoành Tá Tràng thoáng ngần ngừ. Tôi nói Cục Kẹo rất dễ thương và hai người rất đẹp đôi. Hoành Tá Tràng cười, anh ta nói.
“Ừm, tôi cũng thấy thế!”
Tôi lặng đi, có cảm giác gì đó gần như sự thất vọng vừa rơi vào lòng. Ơ hay nhỉ? Tại sao lại thất vọng khi hai người mình cố gắng mai mối đã đến được với nhau? Hoành Tá Tràng nhìn tôi.
“Này, cô sao thế?”
Tôi vội vàng lấy lại sự tự tin vốn có.
“À, tại tôi no quá.”
“Đến nhà người ta mà ăn hùng hục như trâu thế thì no là phải.”
Ôi! Hoành Tá Tràng, anh vừa mới khiến tôi lặng đi một tý thì đã vội khơi sự tức giận trong tôi lên đến đỉnh cao. Tôi đập thẳng vào tay anh ta.
“Ai là trâu hả? Đồ thô thiển!”
Anh ta ôm lấy tay kêu đau, lúc đó tôi mới nhớ ra mình vừa phang cho anh ta một phát vào cánh tay quấn băng. Tôi tái mặt, rối rít xin lỗi, tôi bảo anh ta đừng kêu nữa, nhỡ bố mẹ anh mà nghe thấy thì tôi còn mặt mũi nào nữa. Vừa mới đánh chén no nê ở nhà người ta xong, chưa ra đến cửa đã đánh con người ta rồi, dù hồi bé tôi có hơi “giang hồ” một tẹo nhưng đâu đến nỗi ăn cháo đá bát như thế này. Hoành Tá Tràng cười ngất, anh ta xua xua tay bảo tôi về đi, muộn rồi. Được lời như cởi tấm lòng, tôi lập tức lên xe phóng vút về nhà...
Tôi vừa dắt xe vào sân đã nghe thấy tiếng mẹ tôi và sếp Tam Mao nói chuyện với nhau. Cơ hội ngàn năm có một đây rồi, tôi vội nấp vào một góc nghe trộm. Khổ, tôi không tò mò đâu, chẳng qua là tôi muốn biết nguyên do của đợt chiến tranh lạnh vừa qua là gì thôi. Mẹ tôi nói, “Không phải vậy đâu, anh đừng nghĩ linh tinh, anh không có căn cứ gì để khẳng định vào điều đó cả.”. Ô! Chắc sếp lại nổi máu ghen tuông, rồi nghi ngờ mẹ tôi đây. Tôi thấy sếp Tam Mao vẻ mặt vừa hân hoan, vừa đau khổ, “Anh nghĩ là thế, nếu em cứ cố chấy, anh sẽ đi xét nghiệm …”. Mẹ tôi đứng bật dậy. “Không là không! Tôi nói rồi, không hề có chuyện đó!” Trời! Chuyện gì đây hả trời? Tại sao sếp Tam Mao lại nói là sẽ đi xét nghiệm? Sếp Tam Mao bị bệnh gì chăng? Bệnh nan y chăng? Mà nếu có bị như thế thật thì tại sao mẹ tôi lại phản ứng giận dữ như thế chứ. Sếp Tam Mao có vẻ vẫn không bỏ cuộc, ông đứng dậy tiếp tục nói với mẹ tôi bằng giọng rất nhỏ nhẹ, “Nếu nó đúng là sự thật, anh mong em hãy cho anh cơ hội… Anh thật sự…”. Mẹ tôi vội vàng ngắt lời, “Không có sự thật nào cả, anh nhầm rồi, có lẽ anh bị hoang tưởng rồi.” Sếp Tam Mao mặt chùng xuống, mẹ ơi là mẹ, sao mẹ lại có thể sắt đá đến thế chứ, dù sếp Tam Mao có xấu xí đi chăng nữa, ông ấy vẫn là người có trái tim cao cả mà. Tôi định lao vào giúp đỡ sếp Tam Mao nhưng không may chân bị vướng vào cái chổi quét sân, gây ra tiếng động. Hai người giật mình nhìn ra ngoài, mẹ tôi nói khẽ, “Con Phương về, anh về đi, em mệt nên nghỉ sớm đây”. Sếp Tam Mao tần ngần nhìn mẹ, mẹ tôi bỏ thẳng vào phòng đóng cửa lại. Tôi vờ như vô tình đi vào nhà, tôi chào sếp Tam Mao, sếp nhìn tôi trân trối một lúc rồi gật đầu. Ông nói rất nhỏ, “Chú về nhé!”. Tôi gật đầu chào sếp.
Sếp Tam Mao vừa ra khỏi nhà, tôi vội vã chạy theo gọi. Tôi hỏi sếp, thực ra giữa mẹ tôi và sếp có chuyện gì, sếp mỉm cười, ông nói: ”Rồi đến lúc cháu sẽ biết thôi, nhưng chắc không phải bây giờ”. Thật là mệt, thanh niên yêu đương đã phức tạp rồi, không ngờ người già yêu nhau còn phức tạp hơn nữa. Cái gì cũng có vẻ bí mật và bí hiểm lắm, khiến đầu óc một đứa ưa khám phá như tôi thấy đau đầu quá. Mặc cho tôi cố gắng năn nỉ, sếp Tam Mao vẫn không chịu hé môi. Thế là thôi, tôi đành quay về nhà với niềm băn khoăn khó tả. Không hiểu sao, thấy sếp Tam Mao buồn, tôi cũng thấy chạnh lòng ghê gớm.
Tôi mở cửa vào nhà, cửa phòng mẹ vẫn đóng kín. Tôi nhẹ nhàng gõ cửa. “Mẹ ơi! Mẹ!” Mẹ không mở cửa, chỉ có tiếng mẹ vọng ra, “Mẹ đang mệt”. Tôi “Vâng” một tiếng rồi ngoan ngoãn đi lên phòng. Tôi thật sự muốn chia sẻ với mẹ mọi thứ, nhưng tôi sợ lại khơi dậy những tổn thương giấu kín bao năm qua của mẹ. Tôi chưa một lần hỏi về bố từ khi tôi ý thức được rằng vì ông mà mẹ tôi phải buồn, phải chịu nhiều đàm tiếu đến thế. Tôi sợ mỗi lần nhắc đến người đó, mẹ lại cáu. Thực ra, tôi biết, mẹ cáu là để che giấu cảm xúc của chính mình, vì thế, tôi không bao giờ lặp lại điều đó một lần nào nữa. Cũng như giờ đây, tôi sợ phải hỏi thăm mẹ và sếp Tam Mao, sợ rằng tôi lại vô tình chạm vào một vết thương nào đó mà mẹ đang cố gắng giấu kín. Tôi lên phòng, hình ảnh của mẹ, của sếp Tam Mao cứ lởn vởn quanh đầu. Tôi ước gì, mình có thể làm gì đó cho họ, hai con người đã vượt qua phân nửa đời người mà chưa tìm thấy hạnh phúc thật sự. Tôi chợt chạnh lòng nghĩ đến bản thân, tôi cũng thế, vẫn lay hoay tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc, nhưng tôi chưa từng tuyệt vọng. Tôi nhớ đến Lãng Tử, giờ này chắc anh ta bắt nhịp được với cuộc sống mới rồi, tôi sẽ trở thành quá khứ, giống như bố tôi là quá khứ của mẹ tôi vậy. Tôi cũng nhớ đến Hoành Tá Tràng, cuối cùng, anh ta cũng đã có nơi có chốn, chỉ có điều, lòng tôi vẫn trào lên cảm giác bâng khuâng khó tả. Có lẽ, vì tôi quá nhạy cảm mà thôi. Tình cảm con người vốn khó lòng cân đo, đong, đếm, càng khó hơn khi phải “chỉ mặt đặt tên” một cảm xúc nào đó trong lòng. Vì đôi khi, chính bản thân ta còn không cắt nghĩa được thứ cảm xúc đang bủa vây lấy mình thì làm sao có thể gọi thành tên nó được. Tóm đi, tóm lại, vẫn là sự phức tạp không thể lường trước được của cái gọi là tình cảm, tôi đã từng tự làm hai câu thơ con… chuột như thế này:
Thôi thì mặc kệ cuộc đời
Đắng cay, dịu ngọt vẫn cười, thế thôi!
Tôi nghĩ, dù thế nào đi nữa tôi vẫn vui vẻ cười giữa cuộc đời này và tôi mong mẹ tôi cũng vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.