Chẳng Tìm Thấy Người

Chương 34: Chậm rãi




Thời gian nhảy lò cò đến nửa năm sau. Nửa năm ấy cuộc sống của anh hết sức tẻ nhạt vụn vặt, thậm chí còn chẳng biết miêu tả như thế nào. Mặc dù cứ đến Tết âm lịch Trần Hải Thiên lại có thói quen tổng kết lại một năm, lý trí phân tích xem xét đánh giá lại quá khứ. Nhưng cuối năm nay, anh chỉ rút ra một kết luận sơ sài: “Gặp gỡ đều đặn nhưng không hề có bất cứ tiến triển nào trong tình cảm.”
Anh vẫn giữ lệ cũ, mỗi tháng đến Đài Trung một lần. Dù sao cuối tuần quán cà phê cũng chỉ nghỉ bán một ngày, còn đống việc lằng nhằng như nhập hàng xuất hàng đang chờ anh giải quyết. Và bởi anh còn muốn dành riêng thời gian cho mình, nên tóm lại một tháng đi được một lần đã là tối đa rồi.
Theo thời gian, anh chiên đậu phụ thối càng ngày càng điêu luyện, kỹ năng chiên đồ cũng cải thiện trông thấy. Giờ anh đã có thể xử lý ngon ơ món bít tết heo mà anh suốt ngày rán cháy hoặc không chín hồi trước.
Đôi khi anh cũng phụ Trang Tuyết muối bắp cải, nhìn Trang Tuyết tước bắp cải, bào nhỏ cà rốt, đổ lượng đường phèn và giấm hoa quả chính xác vào bên trong. Anh đứng ở bên, dùng ngón tay bẻ tẽ những phiến lá bắp cải bất quy tắc, lựa ra những phần cuống dày rồi lấy bào gọt mỏng.
Sau mấy lần đi đi lại lại, anh đã hình thành một số thói quen: nếu như đến Đài Trung thì sẽ ngồi cao tốc, vì ban ngày thời gian ngắn ngủi, nhưng nếu như đi từ Đài Trung về Đài Bắc thì sẽ ngồi xe khách, vì đêm dài dằng dặc. Hay như uống một cốc hồng trà to đùng có 20 Đài tệ, ngồi trên ghế tròn chờ hoàng hôn, nhìn thiên tài Trang Tuyết biểu diễn công phu gắp gấu bông, và làm một mẻ pound cake[1] thơm ngon cho Trang Tuyết.
Nửa năm này anh say đắm mê mệt mùi vị bơ thơm nồng và cả kết cấu đặc chắc của pound cake. Khách ruột của cửa hàng và ba người bạn bị anh nhồi cho tới nỗi cân nặng tăng vọt. Điều đáng mừng là tay nghề làm bánh của anh đã đạt tới mức xịn sò như mì Ý, và anh cũng không cho thêm đậu phụ thối vào trong bánh như lời cảnh cáo hung bạo của Lương Mĩ Lị.
So với anh thì Trang Tuyết đến Đài Bắc nhiều hơn, nhưng cũng chỉ hơn được vài lần. Trừ việc đến chỗ Trần Hải Thiên uống cà phê ra thì thi thoảng y cũng gặp Võ Đại Lang hoặc vài người bạn khác ăn uống. Có hai lần thậm chí mới 9 giờ sáng y đã đến Đài Bắc để bàn bạc với bên xuất bản một số vấn đề trong dịch thuật. Lúc ấy Trần Hải Thiên sẽ dậy trước buổi trưa, làm bữa trưa đơn giản, đợi Trang Tuyết xong việc thì qua. Hai người sẽ ngồi trong quán cà phê hẵng chưa mở cửa ăn cơm, uống cà phê. Sau đó Trang Tuyết lại vội vàng về Đài Trung bán đậu phụ thối, còn Trần Hải Thiên đi ngủ bù cơn ngủ lúc nãy.
Trong khoảng thời gian này, anh cũng biết thêm rất nhiều điều về Trang Tuyết.
Trang Tuyết nhỏ hơn anh một tuổi, lại còn sinh vào cuối năm, nên theo lý thuyết thì sẽ nhỏ hơn anh hai tuổi. Song hồi tiểu học do số người đi học không đủ nên Trang Tuyết đã đi học trước thời hạn, cộng thêm việc y nhảy từ lớp 5 lên lớp 7, do đó hai bọn họ vào đại học cùng năm, mà lại còn học cùng một trường đại học.
“Tôi có nhảy lớp cũng đâu chứng tỏ là tôi thông minh, chỉ đơn giản là tôi học xong kiến thức của lớp 6 sớm hơn thôi mà.” Trang Tuyết sung sướng ăn bánh trứng nướng ông ngoại Trần Hải Thiên làm, chân thành giải thích: “Hồi đó cả ngày tôi với em tôi đánh nhau tới tối mịt, đánh xong thì bị mẹ tôi cấm túc bắt làm bài. Càng đánh nhau nhiều thì phải học càng nhiều, lúc làm xong hết chẳng còn gì để làm nữa, mẹ tôi đành lấy sách cấp hai dạy tôi, rồi tôi nhảy lớp thôi. Bởi vậy nếu muốn nhảy lớp thì phải đánh nhau nhiều vào.”
“Em gái cậu cũng nhảy lớp à?”[2]
“Ừ, còn nhảy hai lần nữa cơ, nên nó cũng vào đại học cùng năm với chúng ta.”
Trước những lý lẽ hết sức ngông nghênh nghe chừng vô cùng phi lý của Trang Tuyết, Trần Hải Thiên hoàn toàn không tìm ra luận điểm phản bác, chỉ đành ngậm miệng uống cà phê tiếp. Dầu sao so với chuyện nhảy lớp, việc Trang Tuyết và Lương Mĩ Lị là bạn học cùng khoa cùng khóa còn khiến anh kinh ngạc hơn.
Sau khi Trang Tuyết tốt nghiệp, y đi Anh học một năm. Khi lấy được bằng thạc sĩ, y tiếp tục đi Mỹ học tiến sĩ, hai năm sau tạm nghỉ học về Đài Loan, dạy lớp học thêm tiếng Mỹ ở Đài Bắc, đôi lúc cũng nhận dịch một số văn bản tài liệu. Y làm công việc này trong hai năm chỉ để trả số tiền học phí đã vay, chứ thực ra y cũng chẳng thích mà cũng chẳng ghét nó.
“Tôi thích học hành, nghe thì như tự khen mình nhưng tôi học rất đỉnh, như được hack thăng cấp vậy, học vừa nhanh vừa giỏi. Chỉ là, tất cả quá trôi chảy như lẽ dĩ nhiên, học xong tiến sĩ thì sẽ ở lại Mỹ hoặc về Đài Loan, có thể làm giảng viên rồi cố gắng trở thành giáo sư, nghe cũng rất tuyệt ha…”
“Song đôi lúc cũng muốn biết liệu có lối đi khác cho cuộc đời không.” Trần Hải Thiên hiếm khi nói xen vào, anh hiểu cảm giác ấy, thứ cảm giác muốn biến bản thân thành một người khác đi, muốn sống một cuộc đời hoàn toàn khác.
“Ừ, có lúc cảm thấy nếu cứ tiếp tục sống như này thì đến khi già rồi, ngồi trên chiếc ghế ngẫm lại cả cuộc đời mình, chắc sẽ cảm thấy đau thương xót xa lắm. Vậy nhưng, sau khi trở về Đài Loan, trái tim tôi cứ nhức nhối không yên như bị treo giữa không trung. Dạo ấy, tôi cũng hơi sa đà lệch hướng, chơi bời rất điên cuồng… không phải kiểu bay lắc đàn đúm trai gái quan hệ thác loạn đâu, chỉ là ăn uống nhảy nhót quẩy bar rất hăng.”
“Tôi hiểu tôi hiểu.” Trần Hải Thiên đáp qua loa, anh không hề tò mò muốn đào sâu chuyện yêu đương quan hệ của bất kỳ ai trong quá khứ.
“Nhưng sau những cuộc vui tưng bừng tới bến ấy, linh hồn tôi càng thêm trống rỗng cô quạnh. Tôi đành lên mạng nhắn tin nói chuyện với người lạ. Thế rồi tôi gặp được anh, anh phản ứng rất nhanh lại còn hết sức lạnh lùng bình tĩnh, có lúc còn ác hơn cả tôi nữa, nói chuyện với anh rất rất vui. Có lẽ, trong khoảng thời gian ấy, anh là điều may mắn duy nhất mà tôi gặp được.” Trang Tuyết ăn đến miếng pound cake thứ ba, vừa ăn vừa liếm ngón tay.
“Ừ, cậu có biết lòng đỏ trứng có lượng cholesterol rất cao không hả?” Trần Hải Thiên lẳng lặng nói.
Mãi tới mùa hè năm ngoái, Trang Tuyết nhất thời chơi lớn, y nhận lại quán bán đậu phụ thối của cha mình. Sau khi về Đài Trung, những tạp âm ồn ã hỗn loạn trong trái tim y dần dần biến mất. Vài tháng sau, Trang Tuyết bất ngờ nhận dịch một quyển sách. Cũng có thể do tâm trạng đã thay đổi, lại cộng thêm sự khác biệt giữa dịch sách và dịch văn bản, nên công việc vốn vô cảm nhạt nhẽo bỗng trở nên dạt dào niềm vui hứng thú chưa từng có.
Trang Tuyết hình dung trạng thái đó là “bỏ mình nhập ma.” Dịch thuật không chỉ là một phương thức mưu sinh của y nữa, mà đã trở thành một thứ khiến Trang Tuyết say mê đắm đuối. Tuy nhiên, trong tương lai có thể đồng hành bầu bạn dài lâu với dịch thuật hay không, Trang Tuyết vẫn cần thời gian để xác nhận chắc chắn.
“Trước mắt tỷ số giữa dịch thuật và đậu phụ thối là 55:45.” Trang Tuyết nghiêm túc phân tích.
Sau tháng 10, Trang Tuyết dần dần chuyển từ đi đi về về ngay trong ngày sang cách ngày. Hai lần đầu Trang Tuyết đều ở lại quán cà phê tới hơn 9 giờ tối, sau đó ngồi tàu điện ngầm đến phía Nam thành phố ngủ nhờ ở nhà Võ Đại Lang.
Vào lần thứ ba, Trần Hải Thiên giữ Trang Tuyết lại qua đêm, ngủ trong phòng khách số hai trên tầng ba. Vì anh muốn biết, khi để Trang Tuyết bước vào tòa thành trong trái tim mình sẽ nảy sinh cảm xúc khác lạ nào, đồng thời cũng muốn biết Trang Tuyết sẽ tương tác ra sao với người ở phòng khách số một –  Lương Mĩ Lị.
“Tốt lắm, rất thực tế.” Lương Mĩ Lị rất tán thành với quyết định đó.
“Tiết kiệm thời gian và sức lực thừa thãi.” Trần Hải Thiên đáp Lương Mĩ Lị với giọng điệu như điều đương nhiên.
Đối với anh, tìm một người bạn đời là chuyện rất thực tế. Giống như lúc gọi đồ uống, trước tiên cần loại ngay những vị không thích và không hợp. Cứ cho là Trang Tuyết hợp với anh trong mọi mặt song lại không hợp để bước vào cuộc sống của anh, thì tốt nhất là giải tán sớm cho lành.
Anh đã 30 tuổi, thứ anh khao khát theo đuổi là cảm xúc an toàn yên bình, còn thứ cảm xúc liều lĩnh bất chấp tất cả đã thuộc về quá khứ tuổi trẻ non dại của anh.
Trang Tuyết ngủ lại nhà Trần Hải Thiên kéo theo sự phát sinh của một số tình huống: vào buổi trưa thảnh thơi ấm áp, Trang Tuyết mặc đồ ngủ chuột Mickey ngồi trong phòng ăn cùng ăn bữa sáng kiêm bữa trưa với Trần Hải Thiên, còn Ngày Mưa sẽ ngồi trên bàn ăn trừng mắt nhìn Trang Tuyết, phát ra tiếng kêu gầm gừ không biết là đang oán thán hay ghen tuông. Có lúc những tia nắng sẽ xuyên qua cốc thủy tinh, bập bềnh dập dờn trên nền nhà, làm người ta choáng váng mê muội.
Cả hai bọn họ đều là những người ngủ tới tận trưa, quen thói 1 giờ chiều mới ăn bữa đầu tiên trong ngày, điểm này làm Trần Hải Thiên rất hài lòng. Nhưng điều bất ngờ là, Trang Tuyết rất coi trọng sự cân đối trong thành phần dinh dưỡng hay ít nhất là chú trọng hơn anh. Bữa đầu tiên trong ngày phải ăn thật đầy đủ, những chất như carbohydrate, protein, nước hoa quả, các loại sữa đều phải cân đối không được vượt quá mức cho phép.
“Bữa sáng mà ăn đủ chất sẽ giúp con cái thông minh, song kiếm hợp bích, tấn công từ cả hai phía, thế là có thể nhảy lớp rồi, đây chính là lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ đang muốn nuôi con…” Trang Tuyết rất nghiêm túc lẩm bẩm tự độc thoại với ống kính chẳng biết đào ra ở đâu.
Trần Hải Thiên ăn uống rất tùy ý, gần như là thích gì thì nấu cái đó, chứ không nghiên cứu tìm hiểu về cân bằng dinh dưỡng. Nghe Trang Tuyết nói thế, anh cũng lên mạng tra cứu, bắt đầu sửa lại thói quen ăn uống, vì anh cũng muốn trở nên thông minh hơn. Tuy nhiên anh vẫn hơi nghi ngờ hỏi: “Nếu cậu chú trọng chuyện cân đối dinh dưỡng như thế, thì sao lại ăn một lúc ba cái bánh trứng nướng?”
“Sống trên đời thỉnh thoảng cũng phải bung xõa tí chớ.” Trang Tuyết cười đến là dịu dàng, nhưng lời nói ra lại vô cùng hùng hồn đương nhiên.
Đa phần Trần Hải Thiên sẽ là người đứng bếp phụ trách bữa sáng kiêm bữa trưa, còn Trang Tuyết sẽ phụ bếp. Trang Tuyết nấu nướng rất bình thường, chỉ biết mấy món cơ bản hệt như hội đàn ông độc thân. Song y cực kỳ có năng khiếu, chỉ cần nhìn Trần Hải Thiên nấu từ đầu tới cuối có thể bắt chước làm lại chuẩn đến 80% hương vị.
“Muốn làm và làm được là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.” Có lần, Trang Tuyết dậy sớm hơn, nhân lúc Trần Hải Thiên đang ngủ, y nhớ lại cách nướng bánh mì lần trước, làm lại y theo. Đến khi Trần Hải Thiên tỉnh dậy, y bèn bưng báu vật đến trước mặt anh: “Dù tôi cũng là thiên tài nấu ăn, nhưng niềm đam mê bé nhỏ dành cho nấu ăn đã trút hết cho đậu phụ thối rồi.”
Trần Hải Thiên hậm hừ mấy tiếng. Anh không hề muốn thừa nhận, cơ mà đúng là có lúc kiểu người này đáng ghét thật sự.
Khi quán cà phê mở cửa, Trang Tuyết thường sẽ ngồi trong góc đọc sách, còn Trần Hải Thiên lúc thì pha cà phê, lúc thì ngồi ở vị trí chuyên dụng làm việc của mình. Dẫu họ ở rất gần nhau, nhưng hiếm khi nói chuyện trao đổi, vậy nên trong quán cà phê thường chỉ có tiếng lật sách sột soạt và tiếng nhạc. Tuy vậy, Trần Hải Thiên lại cảm thấy những buổi chiều chìm trong sự im ắng thinh lặng ấy đẹp đẽ tới mức anh muốn xắt nhỏ tháng năm ra thành từng lát từng lát, trưng lên đĩa sứ trắng ngần.
Cũng có lúc, Trang Tuyết sẽ giúp anh đưa đồ uống, thu dọn bàn ghế, thi thoảng còn đóng gói hạt cà phê đã rang xong cho anh. Tuy Trang Tuyết không có bàn tay khéo léo như Lương Mĩ Lị, nhưng y cực kỳ cẩn thận, vô cùng kiên nhẫn, thậm chí đường dán miệng túi còn tinh tế mượt mà hơn cả Lương Mĩ Lị.
Ngày tháng cứ thế trôi đi, lật giở từng trang trong ánh dương. Mối quan hệ giữa họ cũng chậm rãi biến hóa, đi được một đoạn đường rất dài. Họ nói chuyện với nhau thoải mái và tự nhiên hơn, cũng sẵn sàng mở lòng tâm sự với đối phương. Ngày Mưa miễn cưỡng chấp nhận sự tồn tại của Trang Tuyết, Trần Hải Thiên dần quen với bóng hình của Trang Tuyết chuột Mickey.
Anh thích bộ dạng Trang Tuyết lúc mặc áo chuột Mickey, thích đường cong cần cổ khi y cân hạt cà phê, thích ánh mắt chăm chú khi y cúi đầu ấn máy dán miệng túi cà phê. Anh có thể nhận ra sự độc lập, kiên cường và ranh ma trong con người Trang Tuyết, cảm nhận được Trang Tuyết là người biết tôn trọng người khác, phẩm chất tốt đẹp không quy chụp định kiến do được dạy dỗ giáo dục đàng hoàng.
Thậm chí anh còn nhận ra sự xung đột mờ nhạt ẩn giấu sâu trong Trang Tuyết. Đó là sự xung đột được sinh ra bởi quá trình nhào trộn giữa sự thành thật trung thực và gian xảo gai góc, giống như phía xa tít tắp bầu trời trong vắt, sắc xám phủ tràn giăng kín, cơn giông bão đang chực ập tới. Thứ xung đột đó rù quến nhưng không hề nguy hiểm, anh có thể chấp nhận sống chung với phần bóng tối ấy trong Trang Tuyết, như Trang Tuyết có thể chịu được sức nặng của sự tăm tối trong anh.
Họ có thể trở thành người bạn đời rất xứng đôi vừa lứa, giúp đỡ dìu dắt nhau. Vị thế đôi bên ngang hàng, chẳng cần cúi đầu vì muốn lấy lòng đối phương, đồng thời cũng sở hữu sở thích và không gian riêng cho chính mình, do vậy khi ở bên nhau sẽ không khó chịu nhàm chán.
Trang Tuyết rất phù hợp với yêu cầu bạn đời của Trần Hải Thiên, cũng đạt tới mức độ “môn đăng hộ đối” như Lương Mĩ Lị nói. Thế nhưng sau nửa năm ở chung, cảm giác của anh với Trang Tuyết cứ mãi giậm chân ở giai đoạn “có cảm tình”, rất đơn thuần, như thể cảm tình giữa bạn bè. Nếu cân đo đong đếm độ nặng của thứ cảm tình ấy một cách kỹ càng thì còn chẳng bằng cảm tình của anh với A Minh và Ngũ A Ca. Thậm chí, anh chưa từng nảy sinh ham muốn gần gũi với Trang Tuyết.
Trước tình trạng này, ba người bạn cây khế của anh đã đưa ra những ý kiến rất riêng:
“Không phải không có, chưa tới thời điểm.” A Minh vẫn luôn đưa ra những ý kiến vừa thực tế vừa cảm tính.
“Hữu duyên vô phận, nhanh chóng giải tán.” Ngũ A Ca lúc nào cũng thực tế.
“Hai kẻ thư sinh, không xơi chỉ mơi.” Còn Lương Mĩ Lị thì muôn đời oán giận.[3]
Trần Hải Thiên nghĩ, có hai khả năng có thể xảy ra: Thứ nhất, họ thiếu động cơ yêu đương, tình cảm cần phải có động cơ để bắt đầu, không có điểm bắt đầu đó, mọi thứ sẽ không thể tiến triển. Thứ hai, họ đều vô thức kìm hãm lại tốc độ tiến triển tình cảm, sợ rằng một khi bắt đầu thì sẽ phải đối mặt với vô vàn hiện thực.
Dù thế nào đi nữa, Trần Hải Thiên cũng không nôn nóng. Dẫu sau này Trang Tuyết có trở thành bạn đời của anh hay người bạn thân thứ tư của anh đi nữa, cuộc sống anh vẫn như trước. Với anh, quen biết được y đã giúp bản thân mở mang tầm mắt hơn rất nhiều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.