Chiếc Thuyền Trăng Vượt Màn Đêm

Chương 8:




Ngay cả khi biết được rằng không phải xung quanh tối tăm mà chính là do mắt mình không nhìn thấy đường, người đàn ông vẫn không kinh ngạc.
–          Đây không phải là lần đầu tiên tôi không nhìn thấy được.
Trước câu nói của ông ta, chính Kawase mới là người phải sửng sốt. Nghe đâu là sau tang lễ của mẹ hai mắt ông cũng đột nhiên không thấy đường mà không rõ nguyên nhân, nhưng tầm mười ngày sau lại tự động khỏi.
Thế là họ cũng nhờ bác sỹ nhãn khoa và khoa ngoại não trực hôm đấy xem giúp, tuy nhiên mắt của người đàn ông không có bất cứ bất thường nào. Nói đúng hơn là việc “không thấy đường” mới là kỳ quặc. Bác sĩ khoa mắt có nói “chắc là vấn đề về thần kinh rồi”.
Đêm qua đã gây nhốn nháo chuyện tự sát rồi mắt lại còn không nhìn thấy đường nữa, nên anh cứ đinh ninh rằng sẽ nhập viện, thế mà không phải vậy. Bác sỹ khoa thần kinh cũng đến khám, và rồi cũng chẩn đoán là “không cần phải nhập viện”.
Bất kể Kawase có giãi bày bao nhiêu lần “ông ta đã suýt chết đấy”, thì người đàn ông vẫn cứ lần lượt phủ nhận rằng lý do suýt rơi xuống từ cầu vượt là do say làm chóng mặt, còn cắn lưỡi thì chưa từng có ý định đấy. Cứ thế, một khi hết thảy mọi thứ đều bị phủ định thì cả suy nghĩ của Kawase cũng bị lung lay. Anh bắt đầu nghĩ chắc là khi ấy ông ta thực sự bị chóng mặt thôi, và cắn lưỡi chỉ là ngộ nhận của bản thân.
Buổi chiều sau khi khám xong, họ chỉ được kê mỗi thuốc mắt coi như trấn an tạm thời và cho xuất viện. Bởi người đàn ông không có thẻ bảo hiểm nên sau khi nhìn vào số tiền phải trả anh kinh hoàng đến mức tưởng chừng mắt mình văng ra ngoài mất rồi. Chỉ với số tiền hiện tại trong ví của mình thôi thì không đủ, cho nên sau khi trình bày sự tình, bệnh viện đã đồng ý cho anh trả vào hôm sau.
Kawase đưa người đàn ông không nhìn thấy đường về căn hộ của mình bằng xe taxi. Ngay khi vừa xuống xe, anh bèn nắm lấy tay người đàn ông đang đứng ngây ra, dắt ông ta đi. Người đàn ông không biết phải lên cầu thang nên bị vấp phải bậc thang suýt ngã. Mắt kính rơi xuống, Kawase nhặt lên, cho nó vào túi áo khoác của mình. Người không nhìn thấy đường đeo mắt kính cũng chẳng để làm gì, hơn nữa nếu làm hỏng thì phiền. Cứ để thế xem chừng rất nguy hiểm.
Người đàn ông không thể theo nổi nhịp chân của anh, nên anh đành lên cầu thang chậm lại. Thế mà bước chân của ông ta vẫn rất chậm chạp.
Sau khi đưa người đàn ông trở về căn phòng, anh liền thở dài một cái rõ to. Mệt thật. Ông ta vẫn ngồi trên sopha, đôi mắt nhìn bâng quơ về phía trước. Bây giờ chỉ muốn ngủ ngay lập tức, song có một chuyện anh phải xác minh trước đã.
–          Cho tôi xem bên trong cặp một chút.
Trước mắt anh đã xin phép, bèn mở cặp của người đàn ông. Khi ngó vào bên trong anh đã rất sửng sốt. Nguyên nhân là bởi trong đấy không có gì ngoài ví tiền. Anh lục lọi mọi ngăn cặp, rồi dốc ngược nó thì thậm chí cả bụi cũng chẳng rơi ra. Nhìn vào bên trong thứ duy nhất ông ta mang theo trên người là chiếc ví, thì chỉ có ba mươi hai ngàn yên tiền mặt và một chiếc chìa khóa, cả thẻ bảo hiểm lẫn thẻ tín dụng cũng không. Thậm chí chẳng kẹp lấy một tấm hóa đơn, một chiếc ví không có cảm giác của người sống.
–          Thẻ bảo hiểm ông đang để ở nhà à?
Người đàn ông hơi nghẹo cổ.
–          Vứt rồi.
–          Hả?
–          Có nó ví nặng lắm.
Người đàn ông noi như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
–          Vứt rồi, là vứt ở đâu thế!
Ông ta bảo đã vứt ở thùng rác công viên gần quán ăn đêm qua họ đã uống rượu. Kawase vớ ví tiền rồi ra khỏi căn hộ, chạy đến ga tàu điện ngầm.
Trong khi đang nghiêng ngả theo chiếc tàu điện, anh thấy tức giận hết sức. Vì cớ gì mà ông ta lại vứt thẻ bảo hiểm vào thùng rác cơ chứ! Thật không thể tin nổi thần kinh của người này. Đang thắc mắc nếu như làm mất thẻ bảo hiểm rồi có thể xin người ta cấp lại cho một thẻ mới không thì anh chợt nhận ra.
Nếu như người đàn ông nhảy xuống từ cầu vượt thì sẽ chẳng có lấy một thứ gì khả dĩ xác nhận được nhân thân. Toàn thân anh bỗng chốc lạnh ngắt. Phải chăng ông ta đã cố ý rút những thứ có thể biết được nhân thân ra khỏi ví tiền.
Nơi đây cách rất xa nơi người đàn ông đang sinh sống là Hokkaido. Giả dụ tivi có đưa tin một người đàn ông trên dưới năm mươi đã nhảy xuống từ cầu vượt để tự sát đi nữa, nếu như không có gì chứng minh nhân thân thì ai sẽ nghĩ đấy chính là “nguyên giám đốc chi nhánh Hokkaido – Shibaoka” cơ chứ? Biết đâu người đàn ông đã được chôn trong khi không được xác nhận nhân thân, trong khi không ai biết cũng nên.
Mà nói không chừng, trong khi  bản thân đang ở đây thì người đàn ông đã đi mất rồi cũng nên. Tạm thời anh đã khóa cửa phòng khi ra đây, nhưng nó có thể dễ dàng mở ra từ bên trong. Chỉ cần muốn chết, người đàn ông có thể ra khỏi căn phòng. Bất kể mắt có không nhìn thấy đi chăng nữa.
Sau khi xuống tàu điện, Kawase cuốc bộ đến công viên. Anh có thể biết ngay vị trí, bắt đầu lục lọi từ thùng rác gần lối ra vào nhất. Khi bị một người mẹ dắt theo con trẻ đi ngang qua bên cạnh nhìn mình bằng ánh mắt quái lạ, anh đã rất xấu hổ.
Đúng như những gì người đàn ông nói, thẻ bảo hiểm có trong thùng rác. Và nếu nhìn kỹ hơn một chút, còn có cả thẻ tín dụng đứng tên người đàn ông và bằng lái xe. Anh nhặt chúng lên và cho vào trong túi áo.
Khi anh về đến căn hộ thì đã khoảng hai tiếng đồng hồ trôi qua kể từ lúc rời khỏi.
Người đàn ông vẫn y như lúc Kawase đi khỏi phòng, ngồi lơ đãng trên chiếc sopha. Hôm qua ông ta đã làm ầm lên đòi ra khỏi nơi đây, đến mức phải trói lại thế mà bây giờ không phải làm gì vẫn ngoan ngoãn ngồi chờ.
–          Tôi đã nhặt thẻ bảo hiểm và thẻ tín dụng về đây. Phí bệnh viện sẽ được thanh toán bằng cái này.
Bắt chuyện nhưng không có câu đáp lại. Ông nghĩ vì ai mà tôi đã phải lục lọi thùng rác chứ, anh rất muốn nói như thế song vẫn cố nuốt những từ ngữ vào bụng. Có thể đối với người đàn ông, anh có nhặt hay không nhặt chúng về, bất kể thế nào cũng xong. Vốn dĩ định trả các thứ cho đối phương nhưng anh đã nghĩ lại. Nếu ông ta lại vứt thêm lần nữa thì ai mà chịu nổi. Anh cất chúng vào ví tiền của mình. Chừng nào người đàn ông thấy đường lại rồi trả cũng không muộn.
Buồn ngủ nhưng bụng lại cồn cào. Từ sáng cho đến gần bốn giờ chiều bây giờ, anh chỉ kịp lót dạ mỗi bánh mì sandwich trong thời gian chờ người đàn ông khám bệnh. Còn về phần ông ta, có vẻ từ đêm qua đến nay vẫn chưa có gì cho vào bụng. Ra ngoài mua cũng phiền, Kawase bèn sục sạo bên trong kệ đựng thực phẩm. Có vài hộp mì ly của công ty mà anh đã xin làm sản phẩm mẫu, bèn lấy hai trong số ấy.
–          Đồ ăn chỉ có mỗi mì ly thôi, thế có được không?
Người kia không trả lời nên quyết định là mì ly. Không thích mà lại không lên tiếng thì là lỗi của ông. Phần anh nói cho cùng cũng đã tử tế hỏi trước rồi.
Rót nước sôi vào ly mì rồi đóng nắp lại. Sau đó đặt đũa lên đấy thay cho đồ chặn, rồi cho từng ly một lên bàn. Đồ uống thì anh có mua sẵn trà đóng chai nên cũng đặt chúng lên đấy.
Bản thân thích mì còn cứng nên chưa đầy ba phút anh đã mở nắp rồi trộn bên trong lại. Khi Kawase đã bắt đầu ăn, người đàn ông vẫn ngồi yên bất động.
–          Đã ăn được rồi đấy?
Anh lên tiếng thì người đàn ông bèn e dè chìa hai tay ra phía trước. Nhờ thế cuối cùng anh mới nhớ ra việc ông ta không thấy đường. Anh vươn tay đến ly mì của đối phương, nghĩ chí ít mình cũng nên mở nắp cho ông ấy. Khi nắp mì ly được mở hết ra, ngón tay của người đàn ông lần mò trúng gì đấy. Tuy nhiên đấy chỉ là chai trà, và chuyện tồi tệ nhất đã xảy ra, ông ta đã làm đổ chai trà xuống bên kia chiếc bàn. Nước trà từ chiếc bình nhựa hai lít văng tung tóe ra tấm thảm.
–          Ối.
Dường như bị tiếng thét của Kawase làm giật mình, người đàn ông rụt tay lại. Ngón tay của ông va phải mì ly, gây nên một âm thanh báo hiệu chuyện tội tệ.
–          Á á á.
Tiếng thét của người đàn ông và ly mì bị đổ. Phải tốn vài giây để đầu óc sắp xếp lại những điều đã xảy ra. Mùi mì ăn liền thơm phưng phức, những sợi mì xoăn tít dưới chân người đàn ông.
–          Ông đang làm gì thế!
Kawase quát, chạy đến buồng cởi đồ. Lấy vài tấm khăn lông đến đây rồi lau mì và trà. Cho dù có cố gắng chùi đến đâu đi nữa vết bẩn màu nâu nhạt vẫn không biến mất khỏi tấm thảm trắng. Nó đã rất đắt tiền thế mà, tệ thật.
Từ đêm qua đã phải đi bệnh viện, rồi còn lục thùng rác đủ cả, toàn là những chuyện tồi tệ cả. Có cảm giác chỉ cần mở miệng thì mọi bất mãn sẽ một hơi phun ra hết nên anh im lặng lau thảm. Người đàn ông không nói một câu “xin lỗi” hay “tôi thật bất cẩn”, cho dù chỉ là một lời xin lỗi hình thức. Việc đó cũng khiến anh tức điên lên.
Anh đầu hàng ngẩng mặt lên. Người đàn ông đang nhìn xuống phía mình. Anh còn tưởng ông ta đang cười cợt bộ dạng đang bò lau sàn của mình, nhưng mắt của ông ta không thể nhìn thấy anh. …hay là ông ta vẫn nhìn thấy anh?
Bàn tay phải đang đặt trên đùi của người đàn ông rất đỏ. Trên ngón tay có dính một mảnh hành nhỏ.
–          Không lẽ, nước mì đã văng vào tay ông à?
–          Một chút.
Nếu nhìn kỹ sẽ thấy, không chỉ tay phải cả tay trái cũng đỏ. Kawase nắm lấy cẳng tay phải người đàn ông bắt ông phải đứng dậy rồi dẫn đến bồn rửa mặt. Lẽ ra nếu bị bỏng ông ta phải bảo cho anh biết mình bị bỏng chứ, đằng này im lặng chỉ khiến anh thấy ghét. Anh ấn tay ông ta xuống bồn rửa một cách thô lỗ, cho nước rưới xuống từ phía trên. Anh đã từng nghe nói bị bỏng phải làm mát ngay lập tức. Nhưng lại không biết phải làm mát đến chừng nào mới được.
–          Xin ông hãy để yên như vậy một lát.
Để lại người đàn ông, Kawase thu dọn xung quanh tấm thảm đầy vết bẩn. Cả món mì bên trong ly của anh cũng hút đầy nước trương lên, trông không còn thấy muốn ăn nữa.
Trở về bồn rửa mặt, người đàn ông vẫn đang cho nước chảy như anh căn dặn. Anh khóa nước lại xem thử nhưng vết đỏ trên tay vẫn không có gì khác.
–          Có đau không?
–          Tôi không biết.
–          Cơ thể của ông mà. Đau hay không đau? Xin hãy nói rõ đi.
–          Thấy da ran rát nhưng không biết đấy có phải là đau hay không.
Cũng không thể cho nước rưới cả đêm, Kawase bèn dùng đá cục và túi nilon để tạo thành một túi chườm nhỏ, áp vào tay người đàn ông. Trở về sopha để một lát sau, cơ thể người đàn ông bắt đầu run lên, trên cổ nổi gai ốc. Mặc dù chỉ một phần, song việc áp đá vào cơ thể đồng nghĩa với việc cướp đi thân nhiệt. Phải đến lúc này anh mới nhận ra được điều đấy.
Vết đỏ vẫn không bớt. Không biết có nên đưa ông ta đến bệnh viện không? Hay là để xem tình hình có được không? Làm gì thì làm anh không muốn vết bỏng trở nên tồi tệ hơn.
Nhưng mà bây giờ lại đi bệnh viện thì đúng là mệt. Người đàn ông không thể tự đi một mình, nên anh không thể không đi theo. Dù có mặc kệ đi chăng nữa, từ hôm qua thời gian ở bệnh viện đã nhiều hơn cả thời gian ở nhà rồi.
Kawase bật máy vi tính trong phòng ngủ. Tìm hiểu về triệu chứng của bỏng. Đâu cũng như đâu toàn viết là nhanh chóng làm mát, đừng tự đoán mò mà hãy đưa đến bệnh viện. Anh thử tra cứu xem gần nhà mình có bệnh viện da liễu nào không. Tại nơi cách đấy ba ga tàu có một bệnh viện da liễu kể cả thứ bảy chủ nhật vẫn làm việc đến sáu giờ chiều. Từ nhà ga đến đấy cũng gần nên anh biết đường. Kawase bèn thở dài rồi đứng dậy.
…bệnh viện da liễu bắt buộc phải đi. Phòng chờ đông người đến mức không có chỗ để ngồi, phải chờ tận hai tiếng đồng hồ. Những ngón tay hai bên tay của người đàn ông đã sưng tấy lên trong lúc chờ đến lượt khám. Bên trái còn đỡ, bên phải nặng hơn. Bên trái chỉ cần bôi thuốc mỡ, bên phải thì bị cuốn băng. Vị bác sĩ luống tuổi đã khám bảo “có lẽ sẽ tốn ít thời gian cho đến khi lành hẳn”.
Họ đã bắt taxi khi đến bệnh viện, nhưng trên đường về anh nhờ taxi cho xuống trước cửa hàng tiện lợi để mua vài cái bánh sandwich và cơm cuộn. Khi về đến nhà thì cả cơ thể lẫn tinh thần đều đã kiệt quệ. Kawase tháo toàn bộ bao bì của phần sandwich và cơm cuộn cho người đàn ông, xếp lên đĩa và đặt nó trước mặt ông ta.
Anh cầm tay đối phương, chỉ cho ông ta biết vị trí của đĩa và chai nước trước tiên. Thế rồi người đàn ông có thể cầm lấy chúng mà không cần phải chới với đôi tay nữa. Kawase và người đàn ông dùng bữa chiều mà không trao đổi với nhau một câu nào.
Khi bữa cơm kết thúc anh không muốn suy nghĩ thêm gì nữa, chẳng nói chẳng rằng đi vào căn phòng ngủ bên cạnh. Quẳng người xuống giường, nhắm mắt lại. Những chuyện như có nên thay đồ hay không đến lúc này có sao cũng được. Chợt nghĩ xem mình đã khóa cửa trước chưa. Nhưng cho dù có chưa khóa đi chăng nữa anh cũng không có ý định đi khóa. Bây giờ có sao cũng được. Anh không muốn suy nghĩ gì cả, muốn ra đi thì cứ việc ra đi. Vừa nghĩ như thế, anh vừa bị kéo tuột vào trong giấc ngủ thật sâu.
Ngày hôm sau, khi anh mở mắt đã mười hai giờ trưa. Lúc ngủ là chín giờ kém, nên thực tế anh đã ngủ say khoảng mười lăm tiếng đồng hồ. Chắc là nhờ vào giấc ngủ say, đầu óc anh có thể hoạt động tỉnh táo hơn hôm qua. Có tiếng bước chân và tiếng nhà vệ sinh, tức là người đàn ông vẫn còn ở trong nhà.
–          Chào buổi sáng.
Anh lên tiếng thì người đàn ông ngước mặt lên, tuy nhiên ánh mắt lại không khớp với tầm nhìn của anh. Trên chiếc cằm mảnh khảnh có mọc một làn râu mỏng, mái tóc màu tro bù xù như ổ quạ, áo sơ mi thì toàn là nếp nhăn. Cả anh cũng hai ngày chưa tắm nên chắc là kinh khủng lắm, nhưng người đàn ông còn tệ hơn nữa.
Bụng đói rồi nên anh lấy bánh mì sandwich và cơm cuộn mình đã mua rồi cho vào ngăn đông hôm qua ra. Và cũng như hôm qua, xếp chúng lên đĩa cho người đàn ông.
–          Đây là bữa sáng kiêm bữa trưa.
Nói thế rồi đặt trước mặt người đàn ông. Bởi đã đặt ở nơi giống như hôm qua, nên người đàn ông có thể dùng tay trái đưa vào miệng không một chút lúng túng. Kawase cũng xé lớp bọc bên ngoài, ăn cơm nắm. Bên trong phòng rất yên tĩnh. Chỉ có tiếng nhai của hai người, thỉnh thoảng có lẫn thêm âm thanh động cơ của xe chạy bên ngoài. Ngày thứ sáu anh cứ tưởng ông ta chết thật luôn rồi, tuy nhiên hôm qua và hôm nay so ra tình hình có vẻ đã lắng đi nhiều. Nếu thế xem chừng có thể giao cho người khác rồi.
–          Ông không có anh em gì sao?
Anh lên tiếng hỏi thì ông ta im lặng một chút rồi mới trả lời “không có”.
–          Ở Hokkaido ông có thân thích chứ nhỉ?
Bàn tay đang đưa sandwich lên miệng của người đàn ông dừng lại.
–          Không có.
–          Ít ra cũng phải có một người chứ?
–          Bà ngoại của tôi và họ hàng không ưa nhau. Mẹ của tôi cũng là con một, tôi chưa từng gặp người nào mình có thể gọi là thân thích cả.
–          Vậy còn họ hàng bên nội thì sao…
–          Bởi vì mẹ của tôi là tình nhân nên…
Người đàn ông thú nhận một cách nhẹ nhàng. Trước cảm giác tội lỗi vì đã hỏi những điều lẽ ra không được phép hỏi, Kawase chỉ còn cách im lặng. Nếu như người đàn ông có thân thích ở Hokkaido và có thể giao cho họ, mình sẽ đáp chuyến bay cuối cùng để đưa ông ta đến Hokkaido. Chắc sẽ không còn chuyến về nào nữa đâu, nên mình sẽ ngủ lại đấy một đêm rồi trở về đây vào sáng sớm hôm sau. Mặc dù như thế nhưng vẫn không kịp giờ làm, nên mình sẽ xin công ty cho nghỉ vài tiếng… anh đã định bụng như thế, tuy nhiên có vẻ không được đơn giản như thế.
Ông ta đã nói đây không phải lần đầu tiên mắt mình không nhìn thấy và lần trước đã trị khỏi sau mười ngày. Nếu thế chắc lần này cũng sẽ khỏi sau mười ngày chứ. Nếu thế, trong thời gian này anh đành phải săn sóc cho người đàn ông này à? Rõ ràng họ chỉ từng làm việc cùng một nơi trước đây, chứ chẳng có quan hệ gì với nhau.
Nhưng mà nói ngược lại, có khi chưa đầy mười ngày mắt người đàn ông đã nhìn thấy rồi cũng không biết chừng. Ông ta đã bảo lần trước mắt không nhìn thấy đường là sau tang lễ của mẹ  mình, nên chắc cái chết của mẹ chính là áp lực tinh thần của ông ta. Còn nguyên nhân lần này, hẳn là bởi bản thân muốn chết mà lại bị mình ngăn lại. Nhưng mà nếu chết rồi thì tất thảy sẽ kết thúc.
Nếu stress chính là nguyên nhân, nếu như được điều trị bởi người có khả năng chuyên môn về căn bệnh của tâm hồn, nếu nhờ thế mà tình hình được ổn định, biết đâu ông ta có thể nhìn thấy sớm hơn cũng nên. Bác sĩ của bệnh viện đa khoa hôm qua họ khám, đã bị lời nói dối của người đàn ông lừa nên không cho ông ta nhập viện. Anh không muốn nhờ vả nơi đấy. Nếu đã vậy…
–          Nguyên nhân khiến mắt không thấy đường, là do áp lực về mặt tinh thần đúng không?
Anh hỏi để xác nhận lại.
–          Lần trước khi không nhìn thấy đường, vị bác sĩ xem cho tôi đã nói như thế.
Sau thời gian của một hơi thở, Kawase mới nói ra.
–          Trong số những người quen của tôi có một người là bác sĩ khoa đấy. Hay là nhờ ông ta xem cho nhé.
–          Phiền lắm…
Kiểu nói chuyện bất cần kèm theo cái ngáp dài khiến anh tức tối.
–          Chẳng phải không thấy sẽ bất tiện lắm à. Cũng không thể đi ra ngoài một mình bình thường, đã vậy hôm qua còn bị bỏng nữa…
–          Tôi có không thấy đường cũng chẳng sao.
… anh không tìm được từ ngữ tiếp theo. Cái câu “có không thấy đường cũng chẳng sao” chỉ là một câu đáp trả, rất không giống một câu gây sự. Đây là người đàn ông đến hôm qua còn cố gắng tự tử. Có thể với một người đàn ông đã có ý định vứt bỏ mọi thứ, thì đến lúc này có mất một hai con mắt cũng chẳng nhằm nhò gì cũng nên.
–          Có thể với ông có nhìn thấy hay không cũng chẳng sao, nhưng mà tôi muốn ông nhìn thấy đường. Cho nên ta đi bệnh viện thôi.
Người đàn ông cười khúc khích.
–          Gì, gì thế?
Người đàn ông vừa khẽ rung vai cười, vừa nói nhỏ “cậu muốn làm gì thì cứ làm”.
Ngồi tàu điện từ ga gần nhà nhất chừng mười lăm phút, giữa chừng đổi sang tuyến khác rồi xuống tàu tại ga thứ hai. Lúc ra khỏi nhà thì không đến nỗi như thế, vậy mà mây mù đã kéo đến từ lúc nào, khi ra khỏi ga điện ngầm trời có vẻ muốn mưa đến nơi. Phòng khám của cậu ở nơi cách nhà ga không đến năm mươi mét. Không muốn bị mưa dầm, đôi chân Kawase tự động trở nên gấp gáp. Điệu bước của người đàn ông không theo kịp có vẻ sẽ bị chậm lại. Mặc dù biết là điều chẳng đặng đừng, song vẫn thấy sốt ruột.
Mở cánh cửa của phòng khám nằm ở tầng ba tòa nhà, vào bên trong thì không có một ai tại khu vực chờ khám. Cũng đúng thôi, hiện nay đã quá giờ khám là bẩy giờ chiều được ba mươi phút.
–          Ồ, Kawase kun.
Nhân viên hành chính, Saito san mỉm cười với anh bằng gương mặt với phần hàm bạnh ra. Khi phòng khám mới được thành lập, một bà cô hàng sáu mươi là Fujioka san đã xử lý những công việc giấy tờ, tuy nhiên bà đã nghỉ việc vào năm ngoái. Người vào sau đấy, Saito san chừng nửa trước hàng ba mươi. Là niềm hi vọng của phòng khám này khi vây quanh cô là ông cậu nửa sau hàng bốn mươi và bà y tá nửa sau hàng năm mươi, Kobayashi san.
–          Xin lỗi, đã quá giờ khám rồi tôi còn làm phiền.
Anh xin lỗi thì Saito san tươi cười. Cô là người có nụ cười rất dễ thương.
–          Không sao đâu, tôi đã nghe chuyện từ bác sĩ rồi. Bây giờ ông ấy đang khám cho vị khách cuối cùng. Cậu chờ một chút nhé.
Kawase hoàn thành thủ tục đăng ký, ngồi xuống chiếc ghế cách xa người đàn ông một chút. Người đàn ông đang mặc áo sơ mi và quần của Kawase, trông khá tươm tất. Mái tóc màu tro được chải gọn gàng, râu cũng không có. Trước khi đến đây, anh đã cho người đàn ông đi tắm. Tay phải ông ta đang bị băng bó nên không thể làm ướt, bởi vậy Kawase phải lấy bao nilon bao bọc cánh tay phải rồi gội đầu cho ông ta. Anh còn cho mượn máy cạo râu chạy điện nên râu cũng sạch sẽ. Tuy có làm ra vẻ trong khi đã suýt tự sát cũng vô nghĩa, song anh không muốn cho người cấp trên cũ của mình gặp cậu trong bộ dạng nhếch nhách.
Không rõ cậu sẽ nói những chuyện gì với người đàn ông, nhưng trong anh có một nỗi bất an, rằng nếu ông ta nói ra quan hệ với mình thì sao? Tạm thời anh đã căn dặn trước khi đến đây rằng mong ông không nói ra chuyện ấy. Người đàn ông cũng bảo “cũng bởi không cần thiết phải nói ra mà”, tuy nhiên… Cho dù cậu có biết đi nữa, anh chỉ ngủ với ông ta duy nhất một lần vào sáu năm trước, chỉ là một sự bồng bột của tuổi trẻ. Anh linh cảm sau khi biết cậu chỉ cảm thấy ngao ngán thôi, song bởi vì là người anh xem như cha mẹ, bị bại lộ thể nào cũng rất ngượng.
Trong khi đang suy nghĩ lan man về chuyện ấy, người trông có vẻ là vị khách cuối cùng đã ra khỏi phòng khám. Một người phụ nữ hơi đẫy đà, chắc là hơn bốn mươi tuổi. Thế rồi tên người đàn ông được xướng lên. Kawase nắm tay người đàn ông, đưa đến phòng khám.
Trong phòng khám chỉ có mỗi cậu, không thấy bóng dáng bà y tá Kobayashi san đâu cả. Chắc vì đã qua giờ khám nên bà về trước rồi cũng nên. Kawase cho người đàn ông ngồi lên ghế dành cho bệnh nhân, còn mình ngồi trên bàn khám bệnh.
–          Lần đầu gặp mặt, Shibaoka san. Tôi là Motohashi.
Người đàn ông cúi đầu xuống một cách lịch sự “xin chào”. Trước khi đến đây anh đã kể một lượt tình trạng của ông ta cho cậu biết.
–          Tôi đã nghe chuyện từ Fumito. Từ hôm qua mắt ông đột nhiên không thấy đường, nhưng không có bất thường nào về nhãn khoa và não ngoại khoa phải không nhỉ?
–          Có vẻ là thế.
Giọng điệu của người đàn ông nghe cứ như chuyện của người khác.
–          Ông bất an lắm đúng không?
Sau khi khích lệ người đàn ông, “mà thôi” cậu mào đầu một cách ngắn gọn.
–          Cũng có khi cơ thể gặp trục trặc nhưng không biết nguyên nhân. Người bệnh rõ ràng không được khỏe, thế mà kết quả kiểm tra lại không có chỗ nào bất thường. Trong những trường hợp này, lắm lúc cũng có khi là do trạng thái tinh thần dẫn đến triệu chứng trên cơ thể.
Người đàn ông trông có vẻ đang nghe cậu nói một cách nghiêm túc.
–          Ông có thể tưởng tượng đến cảnh tượng trái tim đang gào thét. Tuy nhiên trái tim không thể nói lên tiếng “tôi đau quá”, bởi vậy nó phải phản ánh lên cơ thể. Tôi mong ông có thể cho phép tôi hỏi chuyện thật nhiều điều, để kiểm tra xem trái tim mình có bị mệt mỏi hay không.
Người đàn ông không trả lời. “Có được không?” cậu hỏi thì ông ta gật đầu “đúng nhỉ”.
–          Hay là, ông không thích trò chuyện lắm à?
–          Không phải thế. Chỉ là tôi thấy mình không có điều gì đặc biệt đáng để lấy ra nói thôi.
Người đàn ông cười. Nụ cười ấy quá sảng khoái, cứ như hình nộm, anh trông mà thấy rờn rợn.
–          Trong con người có nhiều nỗi áp lực mà đến cả bản thân cũng không nhận ra đấy. …à, Fumito.
Cậu quay lại phía Kawase.
–          Cậu muốn nói chuyện riêng hai người với Shibaoka san, cháu có thể ra ngoài không. Chừng nào xong cậu sẽ gọi.
Mặc dù bất an, không rõ người đàn ông có nhân lúc mình không có mặt để nói ra mối quan hệ giữa hai người không, nhưng cũng không thể mở miệng nói muốn ở lại đây, anh đành ngoan ngoãn rời khỏi phòng khám bệnh, chờ ngoài phòng chờ. Trong lúc chờ, cô nhân viên phụ trách thủ tục lên tiếng chào “vậy tôi xin phép về trước” rồi đi về.
Nhân lúc không có ai, Kawase bèn nằm dài lên ghế của phòng chờ, kiểm tra tin nhắn trên điện thoại. Không có phản hồi nào trước cuộc điện thoại và tin nhắn anh đã gửi hồi thứ bẩy từ Arisawa. Đến giờ này thì có trả lời hay không cũng vậy nhưng mà… Có vẻ mức độ chậm chạm của việc trả lời tin chính là một ví dụ để so sánh tuổi tác. Tuổi càng cao thì phản ứng càng chậm. Mặc dù anh cũng nghĩ đến trường hợp ông hiểu nhầm đấy là tin nhắn tự động.
Thời gian chờ khá lâu, anh bèn tự ý bật tivi ngoài phòng chờ. Cứ thế, tầm ba mươi phút sau, cánh cửa phòng khám mở ra, anh được cậu gọi vào.
Khi Kawase bước vào, cậu đang hướng mặt về chiếc máy vi tính vẫn đang gõ gì đó vào đấy. Sau đó ông lại quay mặt về phía người đàn ông. Bày ra một vẻ mặt suy tư rồi nhẹ nhàng lắc đầu.
–          Như ban nãy tôi có nói, có thể ông không có gánh nặng tinh thần nào liên quan đến triệu chứng này, mà cho dù có đi nữa cũng không phải là thứ thấy được bằng mắt nên không thể  xử lý bằng cách cắt hay đắp như phẫu thuật khoa ngoại được. Buổi trò chuyện hôm nay xin được đến đây thôi.
Người đàn ông cúi đầu xuống “đã làm phiền ông”, rồi chậm rãi đứng dậy. Người đàn ông chuyển phương hướng bị mắc chân vào chiếc ghế mình đã ngồi, cơ thể chúi xuống phía trước. Kawase vội vàng đỡ tay ông ta. Sau khi thoát khỏi việc bị ngã, người đàn ông trụ chân phải để giữ thăng bằng, đứng bằng hai chân.
–          À, đúng rồi. Shibaoka san.
Trước tiếng nói của cậu, người đàn ông quay mặt lại.
–          Tôi quên hỏi ông. Khi biết mắt mình không thấy đường, ông thấy như thế nào?
–          Thế nào, nghĩa là sao?
–          Là đúng như câu chữ. Ông thấy như thế nào?
Người đàn ông nghẹo cổ, nhấn ngón tay cái lên khóe miệng. Và cái miệng ấy chậm rãi mở ra.
–          Tôi tưởng mình đã chết.
–          Đã chết?
Cậu vừa chớp mắt vừa hỏi lại.
–          Khi tỉnh dậy, xung quanh tối om như mực. Lúc nào tôi cũng bật đèn khi ngủ nên không thể có chuyện trong phòng tối om được. Tối om, không nhìn thấy gì cả nhưng lại có cảm giác của nhục thể, nên tôi đã đinh ninh đấy chính thứ gọi là chết.
… tuy nhiên, người đàn ông tiếp tục.
–          Một lát sau lại nghe thấy tiếng động. Tiếng xe cộ chạy bên ngoài, tiếng bước chân gấp gáp… sau đấy nữa là mùi thì phải, thứ đấy thì sống động lắm nên, nhờ nó tôi mới nhận ra biết đâu mình chưa chết. Thử dựng người dậy thì nghe thấy tiếng vải sượt vào nhau không rõ là của áo quần hay chăn đắp. Chẳng bao lâu sau thì y tá đến hỏi chuyện tôi.
–          Vậy à… thế thì khi biết là mình không chết mà không thấy đường thì ông nghĩ gì?
Chú lặp lại câu hỏi tương tự.
–          Tôi nghĩ phiền toái rồi đây.
Người đàn ông khẽ trả lời.
–          Phiền toái?
–          Mắt không thấy đường thì phiền toái mà. Cũng không thể ra ngoài một mình nữa.
Cậu hơi híp mắt lại.
–          Vậy à. …tôi hiểu rồi. À, xin lỗi vì đã giữ ông lại.
–          Không sao.
Kawase dắt người đàn ông ra khỏi phòng khám. Saito san đã trở về rồi thì phải thanh toán thế nào đây, đang thắc mắc thì một bóng người xuất hiện tại bàn tiếp tân. Chính là bà y tá Kobayashi san.
–          Fumito kun, thanh toán.
Bị gọi đến, anh vội vàng đến quầy tiếp tân. Kobayashi san đang mặc thường phục, có lẽ bà chuẩn bị ra về. Thật lòng mà nói, bà y tá thấp đậm vừa bước vào tuổi lão, đã sống gần gấp đôi mình khiến anh hơi sờ sợ.
–          …bác sĩ bảo, chừng nào thanh toán xong Fumito vào trong một mình đấy.
Kobayashi san kín đáo nói nhỏ vào tai, Kawase gật đầu. Khi bước vào phòng khám, cậu anh đang ấn ngón tay cái vào cằm ra chiều suy nghĩ trong khi vẫn mở hồ sơ bệnh án trên máy vi tính.
–          Người đấy là sếp cũ của chú mày à. …đúng là ca khó đấy.
Kawase vừa cười méo xệch, vừa ngồi xuống chiếc ghế dành cho bệnh nhân ở phía đối diện cậu.
–          Cậu thấy ông ta như thế nào?
Anh đi thẳng vào vấn đề.
–          Có vẻ bình thường. Những gì ông ta nói không hề có mâu thuẫn, lại rất lễ nghĩa, một người bình tĩnh, thích mỉa mai.
Lão ta không bình thường đâu, cậu bị lừa rồi, đúng lúc anh định nói thế thì:
–          Nếu là trong trạng thái mắt nhìn thấy đường thì hẳn là cậu đã nghĩ thế.
Cậu chống cằm lên tay.
–          Ông ta quá bình thường, quá sức bình tĩnh. Mắt không nhìn thấy đường là một chuyện rất khốn đốn. Cho dù có là lần hai đi chăng nữa cũng có thể bình tĩnh được như thế không? Đâu có gì chắc chắn là lúc nào đó lại thấy đường lại.
Cậu nhún vai.
–          Đã thế mắt không thấy đường làm gì lại phiền toái được? Nếu như ông ta bảo thấy bất an, rằng không biết từ bây giờ phải làm sao thì còn hiểu được, đằng này lại phiền toái… nghe có vẻ với ông ta bản thân việc mắt có nhìn thấy hay không thấy đường không quan trọng vậy.
Đúng rồi, cậu khẽ vỗ lên đùi.
–          Chú mày và ông ta có quan hệ như thế nào?
Cuống họng anh reo lên ực.
–          Thì, chỉ là cấp trên trên chỗ làm cũ thôi…
–          Hai người thân với nhau đến mức đổi chỗ làm mà vẫn tiếp tục giao du với nhau à?
Biết không chừng người đàn ông đã kể sai lầm của quá khứ cho cậu nghe rồi. Kawase sụp mắt xuống.
–          …bình thường thôi. Không thân lắm đâu. Chỉ là hôm kia cháu bị cấp trên là người vào cùng thời với ông ta kéo theo, ép phải đi chung thôi.
–          Mối quan hệ chỉ đơn giản như thế mà bây giờ chú mày lại cho ông ta ở lại nhà mình à.
Anh gật đầu.
–          Nếu thế sao chú mày không gửi ông ta cho người thân? Biết không chừng phải dính líu trong một thời gian dài đấy. Cái dạng vì ảnh hưởng của trạng thái tinh thần mà mắt không thấy đường, mặc dù có từng nghe rồi nhưng vẫn là một triệu chứng hiếm thấy, tuy có hứng thú đấy nhưng nếu nghĩ đến chuyện sau này thì…
–          Ban đầu cháu cũng nghĩ đến chuyện gửi ông ta cho người thân rồi. Nhưng mà ông ta bảo chưa từng gặp thân thích bao giờ. Hình như mẹ ông ta là tình nhân, có vẻ là vì sự tình ấy nên…
Cậu khẽ nói “gay rồi đây”, rồi đan những ngón tay với nhau trước ngực.
–          Nếu biểu lộ cảm xúc ra ngoài thì dễ hiểu rồi, nhưng mà kiểu ông ta thì khó đây. Đã vậy có vẻ còn là người thông minh nữa. Câu trả lời hoàn hảo không có sơ hở. Không hé một lời nào là muốn chết như chú mày đã nói, cũng chẳng bảo là bất an hay mất ngủ. Cậu không thể cho lời khuyên, cũng không thể kê thuốc. Đầu hàng rồi. Nếu đã thế thì chỉ còn biết kiên nhẫn đầu tư thời gian vào thôi.
–          Nếu thế thì phải tốn chừng mấy ngày?
Cậu cười méo xệch.
–          Trong trái tim con người đâu có cái gọi là tiêu chuẩn. Có khi ngày mai nói luôn cũng không chừng, mà có khi là nửa năm sau, rồi có khi cả đời không nói gì cả cũng không chừng. Triệu chứng nếu được cải thiện trong một tuần hay khoảng đó thì được. Nhưng mà nghĩ đến trường hợp nó kéo dài, ông ấy sẽ sống ở căn hộ của chú mày, còn cậu sẽ đến đấy để khám thì quá phi thực tế.
–          Nhưng mà ông ta bảo lần trước đã khỏi trong mười ngày. Cho nên cháu cứ nghĩ nếu để cậu khám có khi lại sớm hơn cũng nên…
Chú mày đánh giá bác sĩ cao quá đấy, cậu thì thầm.
–          Cậu nghĩ ông ta có, có một cái gì đấy. Nhưng mà cái đấy là gì thì cậu không biết. Nếu như ông ta muốn được cứu, không muốn chết và cho cậu nhìn thấy bên trong trái tim mình, thì bác sĩ như tụi cậu còn chỗ để mó tay vào. Tuy nhiên, cậu vẫn chưa nhìn thấy điều đấy. Việc biểu hiện thứ không có hình dạng như nỗi bất an ra bên ngoài là một điều rất khó.
Nhưng mà… cậu nhìn Kawase.
–          Ông ấy đã thốt ra câu “muốn chết” với một mình chú mày, có thể điều đấy có ý nghĩa gì đấy. Ít ra nhờ nó mà chú mày cũng biết được tâm trạng của ông ấy. Đúng rồi, còn nữa…
Cậu gãi gãi đầu.
–          Cậu có cảm giác trước đây đã từng gặp ông ta ở đâu đó rồi. Cùng tuổi nên ban đầu còn ngỡ là bạn cùng khối, nhưng trường cấp ba lại khác nhau. Nếu là bệnh nhân thì cậu sẽ không quên, bởi vậy đoán là người nhà, người yêu hay ai đó của người bệnh, thế mà có cố thế nào cũng không nhớ ra. Chắc là do tuổi tác, dạo này hay gặp tình trạng này lắm.
Nghe đến gia đình, có một thứ thoáng vụt qua não bộ Kawase.
–          Cháu nghĩ mẹ của ông ấy đã tự sát.
Lông mày của cậu nhướn lên.
–          Cậu chỉ nghe nói là chết vì bệnh…
–          Cháu đã từng đến tham dự tang lễ. Khi ấy trong số khách đến dự có người bảo là trầm uất. Mặc dù cháu không rõ là thật hay không thật.
–          Chú mày có biết tên của mẹ ông ấy không?
–          Cháu đoán họ là Shibaoka, nhưng tên thì…
–          Theo tuổi của ông ấy, nếu mẹ của ông ấy mà còn sống chắc cỡ hàng bẩy mươi rồi. Không rõ ông ta chỉ đơn giản là không nói tên bệnh cụ thể, hay là không muốn nói… chắc là, không muốn nói rồi.
Kobayashi san ló mặt ra từ sau lưng cậu. Không nghe thấy tiếng bước chân nên Kawase giật bắn mình, bất giác thốt lên “á”, thế rồi bị lườm bằng vẻ mặt như thể “ồn ào quá”.
–          Bác sĩ, đến giờ tôi xin phép.
–          À, cảm ơn bà. Bắt bà phải ở lại trễ thế này thật ngại quá.
Nói thế rồi cậu lại “đúng rồi, khoan đã khoan đã”, gọi Kobayashi san đang chuẩn bị về nhà lại.
–          Chuyện là, bà có nhớ một bệnh nhân nữ tên là Shibaoka san không? Tôi nghĩ bây giờ bà ấy tầm hàng bẩy mươi.
Kobayashi san chống hai tay lên chiếc hông tròn màu mỡ “Người gọi là Shibaoka san, nhiều như sao trên trời ấy”.
–          Tôi nghĩ bệnh nhân ban nãy vừa xem bệnh là người nhà của bệnh nhân mình đã từng phụ trách trước đây, thế mà có vắt óc thế nào cũng không ra.
–          Nếu bác sĩ đã không nhớ ra thì tôi cũng không nhớ được đâu.
Bị nói chuyện thẳng tuột không che đậy, cậu cũng chỉ biết tiu nghỉu rút lui.
–          Thôi, tôi xin phép.
Kobayashi san về nhà một cách sảng khoái. Trước mắt anh cứ đặt hẹn giờ khám cho người đàn ông vào ngày mốt là thứ ba tuần sau. Lấy con số mười ngày mà lần trước ông ta đã khỏi làm mốc để tập trung điều trị. Kawase còn có công việc nên phải nhờ cậu đặc biệt khám trễ vào lúc tám giờ tối.
Nói cảm ơn cậu, toan về nhà thì ngay lúc đấy cửa phòng khám đột nhiên mở ra, Kobayashi san đã quay trở lại.
–          Tôi nhớ ra rồi!
Kobayashi san chỉ vào ông cậu.
–          Nhìn thấy người ở phòng chờ, tôi nhớ ra rồi. Người phụ nữ tên Shibaoka mà bác sĩ nói có phải là Shibaoka Sumiko san không? Bệnh nhân ngoại trú bác sĩ đã phụ trách điều trị khi còn làm ở bệnh viện đại học đấy.
Khi mới khởi nghiệp, cậu đã kéo Kobayashi làm cùng bệnh viện đại học với mình về phòng khám. Có vẻ nó đã tác động lên trí nhớ của cậu, ông vỗ nắm đấm lên lòng bàn tay mình “A a!”.
–          Nhớ ra rồi. Đúng là Shibaoka Sumiko. Đẹp tuyệt, có gương mặt trẻ hơn tuổi.
–          Người ngồi ở phòng chờ là chồng của Shibaoka Sumiko san đúng không? Mái tóc bạc đi nhiều nhưng mà tôi vẫn nhớ. Lúc đấy ông ta lịch lãm lắm.
–          Không phải chồng, là con trai mà.
Cậu nói thế thì Kobayashi san nói chắc nịch “không, là chồng”.
–          Tôi vẫn nhớ rõ mà. Vì ông ta rất lịch sự, mỗi khi đến khám đều bảo “vợ tôi lúc nào cũng nhờ các vị giúp đỡ”. Shibaoka san dù trông trẻ hơn tuổi thật nhiều, nhưng anh chồng thì trông thế nào cũng phải dưới mười tuổi, bởi vậy giữa đám y tá mới hay bàn tán với nhau. Rằng làm thế nào mà tóm được người đàn ông vừa trẻ vừa tốt thế này.
–          Nhưng mà, cháu đã đến dự đám tang của mẹ ông ta.
Kawase phản đối thì bị Kobayashi san quắc mắt lườm.
–          Người đấy có đúng là Shibaoka Sumiko san không?
Bị hỏi lại như thế thì anh bỗng chốc mất hết tự tin.
–          Nhưng, nhưng mà cháu làm chung công ty với ông ta mà, cháu chưa từng nghe nói ông ta có kết hôn bao giờ. Cả đồng nghiệp cũng bảo là độc thân cơ mà…
Kobayashi san nghẹo cổ “quái lạ nhỉ”.
–          Biết đâu là kết hôn không giấy tờ cũng nên. Nhưng nếu vậy mà họ lại trùng nhau thì lạ thật.
Nói thế rồi Kobayashi san nhìn lên đồng hồ treo tường.
–          Ơ, đã đến giờ này rồi cơ à. Trông bác sĩ có vẻ để tâm nên tôi tôi cứ quay lại để nói cho ông biết thôi. Vậy thôi nhé.
Sau khi Kobayashi san đi về, cậu và Kawase cùng chìm vào im lặng. Không rõ tình hình lắm. Tên Shibaoka Sumiko lơ lửng trong đầu. Là mẹ, hay là người vợ không có hôn thú… Cho dù cả hai có rầu rĩ đi chăng nữa cũng không có lời giải đáp. Kawase nói “sau này cháu sẽ thử hỏi xem sao”, cậu cũng trả lời “ừ” bằng gương mặt phảng phất đâu đấy vẻ ngờ vực.
Vừa ra khỏi phòng khám của cậu thì mưa bắt đầu rơi. Cậu cho mượn dù nhựa nên anh dùng nó. Mặc dù ông có nói rằng cứ mang cả hai chiếc đi cũng không sao, song linh cảm nếu làm thế mà phải dắt theo người đàn ông đi thì càng phiền hơn nữa nên anh từ chối.
Cả hai người cùng che một chiếc ô đi cạnh nhau. Vai ló ra bên ngoài bị ướt, đã vậy bước chân của anh và người đàn ông không khớp nhau, không thể không điều chỉnh tốc độ bước đi lúc nhanh hơn lúc chậm lại nên anh sốt ruột.
Trên quãng đường từ khi xuống ga gần nhất đến khi về đến nhà, Kawase hỏi.
–          Khoảng chừng sáu… bẩy năm trước thì phải, tôi từng đến dự tang lễ của mẹ ông.
Người đàn ông bèn thì thầm “nói thế, là khoảng thời gian tôi và cậu cùng làm chung nhỉ”.
–          Ông có thể cho tôi biết tên không?
–          Của ai?
–          Của mẹ ông.
Im lặng một lúc, người đàn ông thì thầm “quên rồi”.
–          Hả? làm sao có chuyện đấy được. Là mẹ của bản thân mình mà.
Người đàn ông nghẹo cổ.
–          Không, tôi thật sự không nhớ ra. Tại sao ấy nhỉ… chắc là đãng trí rồi.
Anh tin chắc ông ta đang đùa giỡn mình. Có vẻ người đàn ông này không hề có ý định tiết lộ thông tin giúp ích cho việc điều trị cho mình lẫn cậu.
–          Xin ông hãy xử sự có chừng mực.
Anh quát, thế thì người đàn ông dừng chân lại.
–          Tại sao ông chẳng chịu cho tôi biết gì cả thế. Ông ghét bị người khác biết chuyện của mình đến vậy à?
Người đàn ông ngước mặt lên phía trên một chút và chớp chớp mắt vài lần. Có vẻ đang nhìn về phía này nhưng ánh mắt lại bị chệch đi.
–          Sự thật là tên Sumiko đúng không?
Anh bất cần vẽ nốt đường. Thế thì người đàn ông bèn khẽ nói “ Ờ”.
–          Đúng rồi, là Sumiko. Nhưng mà sao cậu lại biết thế?
–          …cậu của tôi đã khám bệnh cho mẹ ông suốt nên mới nhớ.
–          Vậy à. Tôi cứ ngờ ngợ là đã nghe thấy giọng nói này ở đâu rồi. Thế giới này nhỏ thật đấy.
Trước cách nói chuyện từ tốn của người đàn ông, anh đoán có thể ông ta quên thật. Nhưng mà không biết được. Phải vừa nói chuyện vừa dò đoán những gì đối phương nói có phải sự thật không rất mệt mỏi.
Cơn mưa trở nên nặng hạt hơn. “Đi thôi”, Kawase lên tiếng rồi nắm tay người đàn ông bước đi.
Người đàn ông và Shibaoka Sumiko là mẹ con. Và Shibaoka Sumiko đã tự sát vì chịu ảnh hưởng của căn bệnh về tinh thần. Biết đâu trong tinh thần của người đàn ông này cũng có chỗ yếu đuối cũng nên. …không, chắc là có rồi.
Tuy nhiên nếu là mẹ con, thì cái tuyên bố “vợ” của người đàn ông mà Kobayashi san đã nói thì sao? Ai lại đi gọi mẹ là vợ bao giờ. Nhưng mà ban đầu cậu đã bảo là “mẹ con”, cho nên có thể Kobayashi san đã nhầm lẫn với ai đấy rồi.
Bên cạnh người đàn ông khẽ thở dài. Nhưng nói thật lòng, người muốn thở dài phải là Kawase mới đúng. Người đàn ông muốn tự sát, mắt không nhìn thấy. Nhưng mình chỉ cần săn sóc người đàn ông trong mười ngày, đến khi ông ta nhìn thấy đường thôi, nghĩ thế anh lại thấy mình vẫn có thể chịu đựng.
Kawase đến công ty vào lúc đồng hồ qua mười một giờ ba mươi phút trưa. Xung quanh máy vi tính (một phần cũng vì thứ hai nữa) có dán hằng hà giấy ghi chú đủ màu cứ như đồ trang trí. Anh ngán ngẩm.
–          A, có đi làm. Em còn tưởng bữa nay anh nghỉ.
Matsushita đi ngang qua đàng sau cất tiếng nói.
–          Anh mày xin nghỉ vài tiếng thôi.
Kawase trả lời một lượt các mail nhỏ nhặt, gỡ năm tấm ghi chú được dán bên phải ném một phát vào thùng rác.
–          Này, Kawase!
Quay mặt lại, thì thấy Arisawa đang đứng sau lưng mình.
–          Chú mày hôm thứ bẩy có gửi tin nhắn cho ta đúng không?
–          A, vâng.
Anh nhăn mày nghĩ đến giờ này mới hỏi làm gì thì Arisawa bèn gãi gãi soàn soạt sau đầu với vẻ ngại ngần.
–          Thật ra ta đã quên điện thoại di động ở công ty. Sáng nay đi làm mới biết có tin nhắn của chú mày. Rồi, việc chú mày muốn nói chuyện khẩn cấp với ta là gì nào?
Vai anh chùng xuống trước cái lý do ngớ ngẩn. Quá trễ, đã vậy bây giờ không còn trong tình trạng có thể bàn bạc xin ý kiến của Arisawa nữa rồi.
–          Không phải là chuyện gì quan trọng. Đã vậy cũng sắp xếp xong, ổn thỏa rồi.
Arisawa mới khẽ gật gù “Hừm, nếu vậy thì được”.
–          Thôi để chuyện đấy qua một bên, chú mày đi trễ chứ gì.
Anh vốn định sẽ che thu mình hết cỡ để đến công ty trong lặng lẽ thế mà có vẻ đã bị bại lộ. Bèn ngoan ngoãn xin lỗi.
Hôm nay là ngày khám khoa da liễu của người đàn ông. Vì không đặt trước được nên phải đến xếp hàng tại phòng chờ từ sáng sớm. Nhờ rút kinh nghiệm lần trước rằng thời gian chờ sẽ kéo dài, nên anh mang theo máy vi tính xách tay để làm việc. Mặc dù bị phân tán tập trung nhưng vẫn tốt hơn là không làm gì cả.
Người đàn ông ngồi thừ ra trên ghế. Kawase cũng không bắt chuyện, đối phương cũng không hỏi gì cả. Việc khám bệnh tốn thời gian hơn dự tính, anh chỉ xin nghỉ đến mười một giờ, thế mà phải đến mười giờ bốn mươi lăm phút mới xong. Không thể để người đàn ông đi về một mình, nhưng mà nếu nghĩ đến tốc độ đi bộ của người đàn ông thì sẽ rất không kịp nếu đi bằng xe điện. Không còn cách nào khác, anh trở về căn hộ bằng xe taxi. Đưa người đàn ông vào nhà anh lại ngay lập tức lên xe điện, thế nhưng vẫn trễ ba mươi phút.
–          Vì thời gian khám lâu quá…
Arisawa bèn nhướn lông mày lên với vẻ kinh ngạc.
–          Sao thế, chú mày không khỏe chỗ nào à?
–          Ah, tôi không sao. Chỉ là mẹ tôi có hơi…
Không thể bảo rằng đang chăm nom cho người đàn ông, anh bèn nói dối.
–          Mẹ chú mày không khỏe à?
Màu sắc của sự cảm thông lan tỏa trong câu hỏi. Cảm thấy ngượng ngùng, anh lại nói dối “nhưng mà, không có việc gì nghiêm trọng đâu ạ”.
–          Nếu có gì phải nói sớm đấy. Ta có thể phân chia công việc mà.
Arisawa càng tử tế, nỗi hổ thẹn của anh lại càng chồng chất.
–          Đúng rồi.
Arisawa lên tiếng rồi vỗ tay bộp một cái.
–          Suýt nữa thì quên mất. Kế hoạch “Phô mai vị cua (tên tạm)” đã được thông qua rồi đấy.
Anh vô thức nắm chặt bàn tay phải “thật không?”. “Phô mai vị cua (tên tạm)” là món ăn vặt dùng làm đồ nhắm được kết hợp bởi phô mát và surimi vị cua. Nếu là surimi thì tin chắc có thể hạ thấp được giá thành, chẳng những vậy nếu phát huy kỹ thuật nêm gia vị của công ty, còn có thể tạo nên một vị cua đặc biệt phát huy được tinh túy của nguyên liệu.
–          Nói thật lòng dù không thể nhắm đến một cú hit bùng nổ, nhưng có tố chất của sản phẩm ưa dùng lâu dài. Lập một nhóm gồm Matsushita, Enoki, Wada, nhóm trưởng là chú mày.
–          Tôi hiểu rồi.
–          Cái này là kế hoạch thứ tư mà chú mày ôm ấp à? Thôi, cứ cố gắng lên.
Arisawa vỗ bồm bộp lên vai Kawase rồi trở về bàn của mình. Anh rất vui. Dù biết thời gian trước mắt sẽ rất vất vả, nhưng chỉ cần kế hoạch sản phẩm được duyệt anh vẫn thấy hứng khởi như có được trong tay chiếc vé nhạc hội vậy.
Gác các công việc khác sang một bên, một bảng kế hoạch cho đến giai đoạn biến “phô mai hương vị cua (tên tạm)” thành một sản phẩm cụ thể được sắp xếp trong đầu của anh. Lấy tập ghi chép ra, vừa viết tháu một cách vội vàng vừa tổng hợp được một lúc thì đã đến trưa. Vì đã đi trễ nên cũng hơi ngượng một chút, nhưng nếu không ăn trưa đàng hoàng thì sẽ không cầm cự được đến chiều.
Kawase cầm ví đi vào thang máy, thì Arisawa đến sau cũng vào chung. Arisawa để ý thấy Kawase liền đến gần hỏi “chú mày bữa nay cũng ra ngoài ăn à”.
–          Cơm trong canteen cũng ăn ngán rồi.
Trong công ty LEMIO cũng có nhà ăn, song lui tới hằng mấy năm thì quả nhiên cũng phải ngán, cho nên đôi khi Kawase vẫn đi ra ngoài ăn.
–          Ta bữa nay có thế nào cũng muốn ăn soba của quán Kabukuan.
Arisawa đan hai tay gật gù. Kabukuan là một quán cũ kỹ và chật chội nằm trong đường hẻm nhưng lại có món soba ngon một cách nghệ thuật. Là một lựa chọn cho bữa ăn ngoài rất đúng chất với người sành ăn như Arisawa. Trong khi đang nhìn người cấp trên như thế của mình, Kawase chợt nhớ ra.
–          Trưởng phòng, tôi đi chung có được không, quán Kabukuan ấy.
Ông cho phép đi chung một cách vui vẻ, cả hai cùng đến Kabukuan. Buổi trưa nên quán đông, song nhờ là soba nên khách đến hay đi cũng nhanh, chỉ cần chờ năm phút là được hướng dẫn đến chỗ ngồi bàn. Gọi món sobamori trong menu đồ ăn trưa, thì nhà bếp xác nhận món với một giọng điệu khỏe khoắn.
–          Chuyện là về giám đốc chi nhánh, tôi có thể hỏi chút chuyện về ông ấy không?
Kawase nêu vấn đề một cách thần bí.
–          Hửm, Shibaoka có sao à?
–          Chẳng là… giám đốc chi nhánh, đã từng có lúc mắt không thấy đường vì stress phải không?
–          Chú mày, biết à!
–          Chẳng là, trong buổi đi nhậu hôm trước, tôi đã nghe một chút từ chính giám đốc…
Anh bịa đặt một chút. Arisawa bèn nói “vậy à” rồi nuốt một miếng soba lạnh.
–          Nếu ông ta đã kể thì tức là hết thời hiệu rồi chắc. Khi ấy ông ấy đã nhờ ta đừng nói với những người trong công ty, nhưng mà cũng xin nghỉ rồi nên chắc là không sao đâu nhỉ.
–          Nhưng mà trưởng phòng có biết đúng không?
–          Biết hay không biết gì, chính ta đã đưa ông ta đến bệnh viện rồi săn sóc chứ ai.
Kawase kinh ngạc.
–          Vì ta không đi dự đám tang của mẹ ông ấy được, trễ mất hai ngày mới mang tiền phúng điếu tới. Thế thì thấy tiền sảnh mở toang. Linh tính thấy điềm dữ, hay đúng hơn là có dự cảm không hay, đi vào trong nhà thì thấy ông ta đang ngã ở hành lang. Hỏi có chuyện gì thì bảo là “mắt không nhìn thấy”, ta mới hốt hoảng đưa đi bệnh viện. Nhưng mà bất kể đi đến chỗ nào cũng bị nói là không có bất thường. Nghe đâu là xuất phát từ vấn đề tinh thần. Mẹ mới mất, ông ta chỉ có một mình, nên ta đã săn sóc, mua cơm cho rồi đưa đến bệnh viện. Được một thời gian thì thấy đi qua đi lại phiền quá mới ngủ ở nhà ông ta luôn. Làm thế một thời gian thì mắt lại nhìn thấy đường, nhưng mà kể cũng lạ thật đấy.
–          Quả nhiên ông đã ở bên cạnh khích lệ à?
Khích lệ? Arisawa nghẹo cổ hỏi lại.
–          Đại loại như là sẽ không sao đâu, sẽ lại nhìn thấy đường thôi chẳng hạn…
Thế rồi Arisawa khẽ ậm ừ.
–          Ta không rõ về chuyện bệnh tật lắm, nhưng mà bệnh ấy có vẻ là do stress nên nếu cứ nói sẽ trị khỏi, sẽ trị khỏi nhiều quá, hay là săn sóc kỹ quá chắc cũng không hay, nghĩ thế nên cũng chỉ làm qua loa thôi.
Nếu xét về tính cách của Arisawa thì chắc chắn không phải là người cẩn thận nên anh đoán có lẽ ông chỉ làm đúng như những từ ngữ mình nói thôi, làm qua loa thôi.
–          Mà còn chú mày, sao đột nhiên lại nói về Shibaoka thế, có chuyện gì à?
–          Ơ… chuyện là, người quen của tôi cũng đột, đột nhiên không nhìn thấy đường, nguyên nhân cũng không rõ…
Cùng đường, anh bịa một cái cớ để thoát, thế mà Arisawa lại gật gù với một vẻ nghiêm trọng “vậy thì vất vả nhỉ”.
–          Nhưng, nhưng đã lại thấy đường ngay lập tức rồi.
–          Không lẽ việc mà chú mày bảo muốn bàn bạc với ta là việc này à?
–          Ơ, vâng.
–          Nếu thế thì không thể nghe điện thoại liền, thật ngại quá.
–          Nhưng mà đã ổn cả rồi.
Ông thở dài, đan hai cánh tay lại.
–          Trong thế giới này có nhiều căn bệnh kỳ lạ, gặp phải là phiền lắm. Đi bệnh viện cũng bị bảo là không biết nguyên nhân, cũng chẳng có phương pháp điều trị. Làm gì cũng chỉ là kể chuyện cho bác sĩ nghe thôi. Cho dù có chuyện đáng ghét như thế đi chăng nữa, cũng chẳng phải mọi người ai cũng gặp tình trạng này, cho nên bị bảo là yếu ớt về mặt tinh thần đi chăng nữa cũng là lỗi của bản thân thôi.
–          Ông ta, yếu đuối về mặt tinh thần à?
Ai biết, Arisawa nhún vai.
–          Khi làm việc chung thì không nghĩ thế, nhưng khi đấy mẹ ông ta vừa mất, mà có vẻ họ yêu thương nhau lắm. Đã vậy người khác làm sao mà hiểu được cái thứ bên trong trái tim con người. Chỉ cần thấy phần họ tiếp xúc ổn ổn là được, đằng sau nó như thế nào đa phần chẳng ai quan tâm đâu.
Kawase chỉ biết gật gù trước cái lẽ phải có chút loạn xạ của ông “đúng vậy nhỉ”.
Sau khi kế hoạch của “Phô mai vị cua (tên tạm)” được thông qua, đúng như dự đoán của Arisawa, Kawase đã trở nên bận rộn hơn trươc. Nếu hướng sản phẩm được quyết định rốp rẽn thì nhanh rồi, nhưng cho đến lúc đấy cứ phải họp bàn và làm sản phẩm thử không biết bao nhiêu lần.
Sau khi kết thúc buổi họp chung với bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Matsushita cứ nói lan man về việc có nên cầu hôn bạn gái hay không, cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi một cách rất không đúng chỗ, theo đà câu chuyện cả đám tính đi ăn chiều chung với nhau. Thời gian là hơn bẩy giờ chiều, gương mặt người đàn ông thoáng vụt qua não bộ của anh, tuy nhiên sẽ rất tiếc nếu buông niềm vui hiện tại. Nếu cứ thế đi về thì điều chờ đợi anh chỉ là một buổi cơm chiều u ám với người đàn ông, biết thế nên lại càng thấy tiếc.
Chỉ cần mình ăn nhanh rồi về trước là được. Anh tự thuyết phục mình như thế rồi đi ăn với thành viên của nhóm. Thêm rượu vào thì Matsushita bắt đầu tiết lộ về cuộc sống tình dục với bạn gái một cách trần trụi, lại thêm tai họa là cả đám toàn đàn ông nên bữa ăn được biến thành diễn đàn cho cuộc trò chuyện giường chiếu sỗ sàng. Chẳng ngờ được thời gian đã trôi qua quá nhiều trong khi đang lắng nghe, khi anh ra khỏi tiệm thì đã hơn chín giờ.
Sau khi xuống xe điện, Kawase ghé cửa hàng tiện lợi mua phần cơm chiều, trà và cả quần lót cho người đàn ông rồi thanh toán bằng thẻ của ông ta. Mặc dù đã bảo với người đàn ông rằng những chi phí liên quan đến ông ta anh sẽ trả bằng thẻ, song anh hơi lo ngại không biết số tiền còn lại chừng bao nhiêu?
Ban đầu khi mới chăm sóc người đàn ông, Kawase đã đinh ninh mười ngày sau mắt người đàn ông sẽ thấy đường, và mình có thể cho ông ta ra khỏi phòng mình. Gập ngón tay đếm thì dù đã qua mười ngày, mắt người đàn ông vẫn không nhìn thấy. Anh tự nhủ con người không phải máy móc nên chắc không thể đúng y mười ngày được, tuy nhiên đã sắp ba tuần rồi. Tháng tám cũng đã qua đi.
Vừa bước trên con đường tối tăm, trước cơn gió đã trở nên mát mẻ ít nhiều, anh vừa nghĩ việc này sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Vết bỏng của ông ta đã đỡ hơn hẳn, bên tay trái chỉ còn lại một lớp màu đỏ nhạt, nhưng bên tay phải vẫn còn quấn băng. Anh cũng chỉ còn cần đưa ông ta đến phòng khám của cậu cách ba ngày một lần chứ không phải hai ngày nữa, thế mà mắt người đàn ông thậm chí còn chẳng nhìn thấy lờ mờ. Nếu đã không đỡ hơn thì đưa ông ta đi để làm gì cơ chứ? Cảm thấy thật vô nghĩa song ngoài việc nhờ cậu khám ra anh không thể nghĩ ra cách nào để chữa trị cho người đàn ông, đành phải tiếp tục.
Vừa về đến nhà, có vẻ đã trút toàn bộ tinh thần, một nỗi mệt mỏi đáp bộp lên vai anh. Tại tiền sảnh có đôi giày của người đàn ông. Và tại sopha là bóng người y hệt một âm hồn như mọi khi.
Kawase đặt túi cửa hàng tiện lợi mình vừa mua trước mặt người đàn ông, rồi nhặt bao bì của món sandwich và cơm nắm có vẻ đối phương đã ăn vào buổi trưa, vứt vào thùng rác.
–          Cơm tối đây. Xin mời.
Anh lên tiếng, thì người đàn ông chậm rãi lấy bento từ túi nilon ra. Vì tay phải không sử dụng được nên ban đầu anh phải chuẩn bị bày biện bữa ăn sẵn cho ông ta, nhưng hiện tại người đàn ông đã có thể dùng tay trái để bóc lớp giấy gói ra một cách khéo léo. Vừa nhìn xuống những ngón tay luẩn quẩn tìm kiếm đôi đũa tách quanh chiếc bàn trong khi nó đang nằm gần ông ta nhất, anh vừa hỏi “ông không nhìn thấy thêm được một chút nào à?”.
Người đàn ông ngước mặt lên. Trên cằm mọc một lớp râu mỏng, mái tóc màu tro có vài nếp rối kỳ quặc. Kawase chỉ trang chỉnh cho vẻ bề ngoài của người đàn ông khi ra ngoài, nên đấy là bộ dạng thông thường của ông ta. Im lặng một lúc sau, ông ta trả lời “không thấy”, những ngón tay lò mò trên bàn cuối cùng đã tìm được chiếc đũa tách.
–          Tôi đã ăn rồi nên đi nghỉ ngơi một chút đây.
Anh nói thế rồi đi vào phòng ngủ. Thay áo thun và quần đùi thay cho đồ ngủ, nằm úp xuống giường. Lời nói lúc ban đầu của cậu thoáng vụt qua đầu.
“Nếu triệu chứng được chữa khỏi trong một tuần hoặc cỡ đó thì tốt. Nhưng nếu nghĩ đến trường hợp nó kéo dài, thì việc ông ấy sinh sống ở nhà chú mày, cậu đến đấy để khám bệnh có vẻ không được hiện thực cho lắm”.
Sự thật đúng như những gì cậu nói. Từ từ khi hơn hai tuần trôi qua, nỗi bất an trong Kawase ngày một lớn dần lên. Rột cục phải đến chừng nào người đàn ông này mới nhìn thấy đường? Mình phải săn sóc ông ta đến chừng nào? Nửa năm, một năm… nghĩ thế sống lưng anh chợt thấy ớn lạnh.
Người đàn ông không có người thân. Cho dù có trở về Hokkaido đi nữa, cũng không có một ai săn sóc cho người đàn ông mắt không nhìn thấy đường. Nếu như mắt không khỏi được, thì anh phải làm sao đây? Nếu như hộ khẩu người đàn ông ở Hokkaido, thì cơ quan trợ cấp xã hội tại địa phương sẽ nhận người đàn ông này chứ? Ai sẽ làm thủ tục cho chuyện đó? Nhưng nếu như bản thân không làm, thì ai sẽ làm? Có cách nào chỉ cần liên lạc đến đâu đó rồi mình không cần phải làm gì cả không… trong khi nghĩ thế thì tâm trạng anh trở nên u ám.
Mình phải đi tắm thôi. Không, đúng hơn là phải cho người đàn ông kia đi tắm. Tay phải của ông ta vẫn đang cuốn băng. Phạm vi vết phỏng quá rộng, hệt như những gì bác sĩ đã nói ban đầu, tay phải của người đàn ông sẽ khó mà khỏi. Tay phải không dùng được thì cũng không gội đầu được, vì vậy mỗi tối Kawase phải gội đầu cho ông ta. Nhưng hôm nay thì lười quá. Hay là làm ra vẻ mình đã mệt lả rồi ngủ phứt cho rồi…
Giả vờ ngủ, thế nhưng khi suýt chìm vào giấc ngủ thật sự, một tiếng loảng choảng vang lên. Kawase dựng nửa người dậy. Tiếng động chỉ có thế rồi im, song nó khiến anh bận tâm. Mở cánh cửa kéo ngăn với phòng sinh hoạt thì không thấy người đàn ông ở trên sopha nữa. Hành lang cũng không có. Lấy làm lạ, thì nghe thấy tiếng cộp… cộp phát ra từ bên trong cánh cửa buồng thay đồ.
Anh mở cửa buồng thay đồ. Tuy nơi đấy đang tối om, song nhờ ánh sáng rọi vào từ hành lang, có thể thấy rõ người đàn ông đang trần truồng ngồi bệt xuống sàn trong phòng thay đồ.
–          Ông đang làm gì thế. Sao lại…
Tối om thế này… tính nói thế rồi lập tức ngậm miệng lại. Việc bật hay không bật đèn không có ý nghĩa gì với một người mắt không thấy đường. Anh mở đèn vì bản thân mình. Khi căn buồng được chiếu sáng, anh biết ngay lý do của tiếng động lớn ban nãy. Chiếc kệ gỗ rộng và mỏng được đặt dưới chân, thứ dùng để đặt nước xà phòng hay dầu gội đầu đã bị người đàn ông làm đổ ngang.
–          Tôi va phải thứ gì đấy.
Kawase lặng lẽ trả chiếc kệ về chỗ cũ, nhặt những chiếc chai lại.
–          Tôi đã nghĩ chắc mình có thể tự tắm một mình rồi nhưng…
Người đàn ông xin lỗi, anh thở dài, bảo “ông vẫn chưa dùng được tay phải cơ mà” rồi cởi đồ của mình. Thời gian đầu anh còn mặc quần đùi, nhưng nếu ướt sẽ thấy khó chịu, nghĩ dù sao người đàn ông cũng chẳng thấy đường, anh đã cởi hết. Anh chụp túi nhựa lên tay phải người đàn ông, dắt vào trong phòng tắm. Gội đầu, rửa ráy những phần tay với không tới như lưng cho đối phương, còn lại thì để ông ta tự rửa rồi xối nước cho trôi, sau đó cho ông ta khỏi phòng tắm. Phần việc đơn giản như lau cơ thể, mặc quần áo thì người đàn ông cũng có thể làm một mình.
Kawase cũng tắm rửa rồi ra khỏi phòng thay đồ. Anh nhớ ra mình đã quên mang quần lót, bèn đi ngang qua phòng sinh hoạt trong bộ dạng trần truồng. Người đàn ông trùm khăn lông từ đầu xuống, ngồi trên ghế sopha, cuộn lưng như một con mèo.
Sau khi mặc quần lót và đồ ngủ, Kawase lấy máy sấy từ buồng thay đồ, kéo dây cắm điện nối dài ra rồi cho phích cắm vào. Anh nắm cổ tay người đàn ông, cho nó chạm vào máy sấy.
–          Phải sấy tóc cho đàng hoàng đấy.
Người đàn ông sấy tóc như những gì được dặn dò. Mái tóc màu tro nghiêng ngả theo cơn gió máy sấy.
Anh đến nhà bếp, lấy bia từ tủ lạnh, rồi cứ vừa đứng vừa một hơi nốc cạn. Ném lon bia rỗng vào bồn rửa ở nhà bếp. Ngay cả khi Kawase đã đánh răng xong, người đàn ông vẫn tiếp tục sấy tóc.
Dù sao cũng không nhìn thấy đường… Kawase lặng lẽ tắt đèn phòng sinh hoạt rồi rút về phòng ngủ của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.