Chưa Công Khai Đã Ly Hôn

Chương 64: Xảy ra sự cố




Editor: Đại Hoàng - Beta: Min
Trước đây thái độ của đạo diễn đối với bộ phim này chỉ là sự để tâm thông thường, nhưng duyên số tới, để ông gặp được hai diễn viên liều mạng như thế, ông cũng được kích thích lên ý chí chiến đấu, mỗi lần hướng dẫn diễn xuất tựa như được bơm máu gà, vô cùng hăng say.
Tất cả cứ tự nhiên mà phát triển. Bầu không khí trong đoàn phim cũng vô cùng tốt, diễn viên phụ được diễn viên chính dẫn dắt vào mạch phim, chẳng hề có chuyện đi muộn về sớm, mỗi một diễn viên đều nghiêm túc ra sức diễn tròn vai của mình.
Chưa tới phần diễn của Kha Tây Ninh, nhưng thợ trang điểm đã sớm hóa trang cho cậu xong cả.
Phần diễn ngày hôm nay, chính thức tiến vào một đoạn hồi ức khi bị giết của Dung Lan. Lần này Kha Tây Ninh diễn không còn là một Dung Lan tàn nhẫn quyết tuyệt nữa, mà là một người trước đây chưa bao giờ phải chịu bi thương, trở về bản chất thật của Dung Lan. So với đợt trước trang điểm tương đối là yêu mị, thì hôm nay trang điểm có phần nhẹ nhàng hơn.
Thợ trang điểm dùng chín chữ mà miêu tả cho thành tựu của mình hôm nay ------ cả người lẫn vật đều vô hại, người gặp người thích.
Kha Tây Ninh ngồi chờ trong phòng hóa trang, chờ tới cảnh kế tiếp. Thợ trang điểm quay lưng về phía cậu, đang dọn dẹp lại hộp nhỏ mình mang theo. Vu Thiến Văn vén rèm lên, chầm chậm đi tới bên cạnh Kha Tây Ninh.
"Hầy." Vu Thiến Văn rầu rĩ không vui nói, "Hôm nay thầy Nghiêm không tới rồi."
Kha Tây Ninh đang cúi đầu lướt Weibo, vừa nghe vậy thì cậu liền cất điện thoại: "Anh ấy không tới à?"
"Vâng." Vu Thiến Văn gật đầu một cái.
Kha Tây Ninh cũng sửng sốt mất hai giây, sau đó híp mắt cười đáp: "Không tới chẳng phải là điều bình thường à? Hẳn là Nghiêm Tự rất bận rộn, mỗi ngày cứ tới đây mới thật sự là điều khác thường đó."
Vu Thiến Văn ngồi xuống bên cạnh cậu, cô thở dài, nói: "Tại em quen rồi á." Mới tiến vào đoàn chưa được mấy ngày, Nghiêm Tự đã đều đặn mỗi ngày thường đến đây, một ngày hai ngày cô còn chưa thích ứng được, lâu dần, cô liền nghiễm nhiên xem Nghiêm Tự như một thành viên của đoàn phim. Giờ đột nhiên không tới, cô lại thấy có chút không quen.
Kha Tây Ninh chẳng hiểu nổi Vu Thiến Văn, cậu hồi tưởng lại: "Anh nhớ là trước đây em rất sợ anh ấy mà, sao bây giờ lại hết sợ rồi?"
"Trước đây..." Vu Thiến Văn nhớ ra rồi, "Chính là lúc quay "Nói mê" ấy ạ. Khi đó em thấy thầy Nghiêm chẳng nói lời nào, nhìn rất đáng sợ. Ở chung lâu ngày, em liền phát hiện thực ra thầy Nghiêm không hề tự cao tự đại, khi trò chuyện với mọi người cũng rất khách khí."
Kha Tây Ninh đổi quyển tạp chí đang bày trên bàn rồi lật xem, cậu nói mà chẳng buồn ngẩng đầu: "Đó cũng chỉ là giả tạo thôi."
"Dạ?"
"Lúc anh ấy tức lên thì thật sự rất đáng sợ." Kha Tây Ninh không nhanh không chậm nói, giống như đang kể lại một câu chuyện nào đó từ quá khứ, "Nếu như em gặp anh ấy vào lúc anh ấy đang thực sự tức giận, thì có lẽ sẽ bị dọa chết khiếp đấy."
Vẻ mặt của Vu Thiến Văn ngơ ngác, nhỏ giọng biện giải thay cho Nghiêm Tự, nói: "Không thể nào."
Kha Tây Ninh nâng mí mắt nhìn cô gái nhỏ, nghẹn lại nghiêm chỉnh, từng chữ từng chữ sâu xa nói: "Thiến Văn ạ, biết người biết mặt không biết lòng."
"... A." Vu Thiến Văn lại ngẫm ra chuyện gì đó thú vị, "Nói như vậy thì, anh Tây Ninh, trước đây anh và thầy Nghiêm từng hợp tác trong bộ phim đầu tay mà. Lúc ấy anh là người mới, còn anh ấy đã thành danh rồi. Có phải nếu anh diễn không được tốt, thì anh ấy sẽ nói vài câu nặng lời với anh phải không?"
Ngón tay khẽ ngừng lại, dừng trước một trang trong tạp chí. Đây là một quyển tạp chí từ năm ngoái, vẫn còn đăng về scandal Bạch Tử Uẩn bị bắt do sử dụng ma túy.
"Cái đó thì không có." Kha Tây Ninh rũ mắt, "Anh ấy là một người hướng dẫn rất giỏi."
Trước kia là thế, bây giờ vẫn vậy.
Vu Thiến Văn cảm thấy không đúng, cô yếu ớt giơ tay đặt câu hỏi: "Nếu như vậy, thế việc anh nói thầy Nghiêm dữ, là từ đâu mà có kết luận đấy ạ?"
Kha Tây Ninh: "......"
Cậu gập tạp chí lại, khẽ phát ra một tiếng "bộp".
"Anh chỉ nói đùa một chút thôi."
Đối diện với ánh mắt tò mò của Vu Thiến Văn, Kha Tây Ninh nói: "Những câu anh nói ban nãy em đừng có tin. Nghiêm Tự anh ấy... thật sự là một người rất tốt."
Vu Thiến Văn đương nhiên sẽ tin tưởng câu này của Kha Tây Ninh hơn. Như lúc trước Kha Tây Ninh nói còn mang theo giọng tùy tâm sở dục có chút vui đùa thích thú, còn câu "Nghiêm Tự anh ấy thật sự là một người rất tốt" kia, hiển nhiên là thái độ của Kha Tây Ninh nghiêm túc hơn rất nhiều.
Nhưng không biết có phải là ảo giác hay không, Vu Thiến Văn luôn cảm thấy câu nói này không chỉ đơn giản là một câu trần thuật, ngoài trừ sự chân thành tha thiết ở bên ngoài, còn kèm theo đó là sự thương cảm nhàn nhạt.
Đạo diễn đã bắt đầu gọi Kha Tây Ninh đi diễn.
Cậu đứng dậy, hơi chỉnh lại chút tóc tai rồi vội vàng ra ngoài.
Một cảnh kết thúc, Kha Tây Ninh diễn xong có hơi mệt, cậu liền ngồi nghỉ ở ghế ngay tại phim trường. Vu Thiến Văn vội vội vàng vàng chạy tới, trong tay là điện thoại mà Kha Tây Ninh để lại trong phòng hóa trang.
Kha Tây Ninh một phen đỡ lấy Vu Thiến Văn, cô gái nhỏ vẫn cứ vuốt ngực thở dốc.
Cậu cười nói: "Em gấp thế làm gì?"
Vu Thiến Văn vẫn cứ thở hồng hộc, cô dựa vào lưng ghế, đưa điện thoại cho Kha Tây Ninh xem.
Trên màn hình đang nhấp nháy hiển thị tên "Kha Dư Sâm".
Điện thoại của Kha Tây Ninh cài chế độ im lặng. Ban đầu Vu Thiến Văn còn đang ngủ gà ngủ gật trong phòng hóa trang, không hề biết có người gọi tới. Vu Thiến Văn hợp với bóng tối hơn, bởi vậy rất mẫn cảm với ánh sáng. Chờ đến lúc cô tỉnh ngủ liền thấy trên bàn trang điểm đang lập lòe thứ ánh sáng yếu ớt.
Cô đi tới nhìn, hóa ra là có người đang gọi tới cho Kha Tây Ninh.
Họ Kha không phải là một họ lớn.
Vu Thiến Văn nghĩ thầm người gọi điện chắc là thân thích nào đó của Kha Tây Ninh. Cô sợ rằng có chuyện gì quan trọng, liền vô cùng lo lắng mà chạy đi đưa điện thoại cho Kha Tây Ninh ở bên này.
Ba chữ "Kha Dư Sâm" vẫn nhấp nháy sáng. Ánh mắt Kha Tây Ninh lại bất ngờ có chút do dự.
Cậu nhận lấy điện thoại từ tay Vu Thiến Văn, nhìn chằm chằm màn hình mấy giây, cuối cùng thở hắt một hơi, nhấn nhận điện.
Không ngờ giọng nói ở bên kia lại chẳng phải giọng ba cậu.
"Tây Ninh à." Giọng ở đầu dây kia là của một người phụ nữ đã hơn 50 tuổi, tiếng phổ thông của bà ấy không tốt, giọng địa phương rất nặng, "Dì là dì Lâm của con đây."
Giọng người phụ nữ ấy có chút quen thuộc.
Kha Tây Ninh hồi tưởng lại một chút, mơ hồ nghĩ ra. Người này chính là hàng xóm ở dưới tầng nhà bọn họ. Từ khi mẹ bà ấy qua đời, có lẽ xuất phát từ sự đồng cảm, ngày lễ ngày tết, dì ấy đều mang một nồi sủi cảo sang nhà cậu. Trong đó có một cái sủi cảo, nhân bên trong còn có lẫn một đồng tiền xu, ngụ ý là năm sau vận khí sẽ rất may mắn.
Sau khi ba Kha cắn phải đồng xu thì bị đau cũng khá lâu, ông che miệng, cười mắng: "Ăn cái nồi sủi cảo này có mỗi hai ba con mình, bà ấy làm thêm mấy cái trò này cũng vô dụng thôi mà. Không phải con cắn phải, thì cũng là ba cắn phải, chẳng có tí hồi hộp nào."
Tiểu Tây Ninh cứ lặng lẽ nhai sủi cảo ở trong miệng, một chữ cũng không đáp.
Ba Kha có hơi xấu hổ, trong tay cầm đồng tiền xu, đi tới bồn rửa tay, đem đồng xu ấy cọ rửa thật sạch sẽ.
Năm thứ hai, người cắn phải đồng tiền xu ấy chính là Tiểu Tây Ninh.
Cậu tuổi còn nhỏ đang trong thời kì thay răng, cái răng ấy vốn đã có chút lung lay, sau khi bất cẩn cắn trúng đồng xu, khuôn mặt bánh bao của cậu khẽ nhăn lại, rồi lấy đồng xu từ trong miệng ra. Trong lúc ba Kha vẫn còn đang ngẩn tò te, thì Kha Tây Ninh liền không nói một lời đã phun cả cái răng trong miệng ra.
Ba Kha kinh ngạc đến ngây người, mau chóng giúp Kha Tây Ninh mang cả cái răng sữa và đồng xu đi rửa, rồi thả vào trong chiếc bình thủy tinh để bảo quản. Kha Tây Ninh cũng không rõ ba mình đã trở nên mê tín từ bao giờ, có lẽ là từ sao khi mẹ cậu qua đời chăng? Dù sao thì về sau này, bất luận là làm chuyện gì, ba Kha cũng có khuynh hướng mê tín một chút, giống như cái răng cùng đồng xư ấy chỉ là vật có ý nghĩa tượng trưng, nhưng ông vẫn sẽ bảo quản chúng thật kĩ.
"Dì Lâm ạ?" Kha Tây Ninh có hơi nghi hoặc. Cậu không rõ vì sao người dì này lại dùng điện thoại di động của ba cậu để gọi tới.
Trên thực tế, không chỉ có cậu, ngay cả ba Kha cũng phải hơn 20 năm rồi không còn liên lạc với bà ấy nữa.
Hai ba con họ ở căn nhà tập thể lúc đầu chưa được mấy năm, thì có một thầy bói nghe tin mà tới, khẳng định là ở trong nhà có oán linh, không thể ở lại được, sẽ dễ dàng phá vận mệnh của trẻ con. Khi đó ba Kha cũng có một người bạn đang xúi ông cùng chuyển tới vùng khác để làm ăn buôn bán. Kha Tây Ninh lúc đó còn chưa lên tiểu học, mà trường tiểu học tại nơi ấy cũng không được tốt, chuyển đến thành phố lớn thì giáo dục cũng sẽ tốt hơn.
Cũng là chuyện xem như vẹn toàn cả đôi bên.
Nhưng trong ấn tượng của Kha Tây Ninh, ba Kha đã phải do dự đến nửa tháng. Nửa tháng sau, ba Kha mới đồng ý đi làm ăn buôn bán với người bạn kia. Ông mang theo túi lớn túi bé cùng với Kha Tây Ninh ngồi xe lửa, rời khỏi nơi mình đã sống cả nửa đời người.
Về sau, ba Kha vẫn luôn sống ở trong thành phố. Chuyện làm ăn thất bại cũng dần chuyển tốt, đã chuyển biến tốt đẹp rồi lại dần dần bị thua lỗ. Mấy năm nay, mặc dù ba Kha không tính là rất giàu có, cũng không thể nói là quá bần hàn, nhưng Kha Tây Ninh vẫn được nhận sự giáo dục vô cùng tốt. Chỉ là từ khi bắt đầu đi học, Kha Tây Ninh đã trọ lại trong trường, chỉ có ngày nghỉ thì mới về nhà. Vốn dĩ mối quan hệ giữa hai ba con họ cũng có cơ hội để hòa hoãn, nhưng trên thực tế sau này bọn họ đã luôn nói ra những câu khiến cơ hội hòa hoãn cũng chẳng còn.
Thỉnh thoảng về nhà, một người ba đang mệt lòng vì chuyện buôn bán và một Kha Tây Ninh đang trong thời kì trưởng thành, chỉ cần nói không được sẽ bắt đầu cãi vã ầm ĩ. Quăng bát, lật bàn, những điều ấy một Kha Tây Ninh vừa ấu trĩ lại trung nhị (*) đều có thể làm ra được.
(*) Trung nhị: Xuất phát từ cụm từ "bệnh trung nhị" (gọi là chứng mồng hai) là tục ngữ của người Nhật Bản – chỉ sơ trung năm hai (tương đương với lớp 8 bên mình), thanh thiếu niên ý thức về cái tôi quá lớn đặc biệt là trong lời nói và hành động, tự tưởng coi mình là trung tâm. Mặc dù gọi là "bệnh" nhưng nó không cần thiết phải chữa, y học cũng không cho vào "bệnh tật". Ở Việt Nam, "bệnh trung nhị" có tên gọi khác là "bệnh tuổi dậy thì".
Có một lần tranh cãi, ba Kha đã bị trận cãi vã ấy làm đầu óc mê muội mà nói rằng: "Tao thật sự là đã uổng công nuôi mày. Mày và cả mẹ mày thật sự đúng là từ một khuôn đúc ra mà."
Kha Tây Ninh thoát ra khỏi hồi ức, đoàn phim lại bắt đầu quay cảnh kế tiếp, cậu yên lặng đi tới một góc, hỏi: "Dì Lâm, dì tìm con có chuyện gì không ạ? Còn có..."
Cậu khẽ nở nụ cười: "Sao dì lại dùng điện thoại của ba con vậy ạ?"
Dì Lâm ở bên kia hiển nhiên cũng rất gấp gáp.
"Tây Ninh à." Dì Lâm nói, "Con mau về đi con. Ba con sắp... sắp mất rồi."
Kha Tây Ninh sững sờ đến lặng người.
"Tháng trước ba con về đây. Chuyện con nổi tiếng, làm sao mọi người ở đây lại không biết được, còn tưởng là ba con chắc chỉ ở đây mấy ngày. Lần trước dì bắt gặp một người đàn ông mặc âu phục, cứ lui tới nhà con suốt, vừa hỏi mới biết hóa ra là ba con đang lo hậu sự của mình. Như vậy sao được, dù thế nào đi nữa, con là con trai ông ấy cũng phải quan tâm lo lắng cho ba mình chứ?"
Giọng nói của dì Lâm rất nặng nề, những lời này của bà, giống như tảng đá nặng cả vạn tấn đè nặng trong lòng Kha Tây Ninh, ép tới độ cậu không thở nổi.
Môi cậu khẽ run.
Kha Tây Ninh quay sang nhìn hướng khác, ánh mắt rơi vào một tiêu điểm cách đó không xa, hít vào một hơi thật sâu. Cậu phiền não đá vào viên sỏi bên cạnh chân, "Sao có thể có chuyện ấy ạ? Tuổi của ba con cũng không tính là lớn, không phải là dì bị lừa chứ ạ... Hoặc là nghe nhầm?"
Dì Lâm hồ nghi hỏi lại: "Con không biết sao?
"Biết gì ạ?"
Kha Tây Ninh cảm thấy không gian này thật bí bách, cậu lại đứng cách đoàn phim xa thêm chút nữa.
"Dì nghe nói..." Dì Lâm đáp, "Năm ngoái ba con bị bệnh nặng, phải làm phẫu thuật hai lần. Ca phẫu thuật có thành công, nhưng dù sao tuổi của ba con cũng không còn trẻ nữa, không chịu nổi dạy vò phải trị bệnh bằng hóa trị rồi uống thuốc các kiểu, bởi vậy nên sức khỏe mới suy sụp."
Năm ngoái.
Đừng nói là năm ngoái, cho dù là năm kia, hay năm trước nữa, Kha Tây Ninh cũng chẳng hề biết đến những chuyện của ba mình. Cậu đã rất nhiều năm rồi không gặp ba. Thỉnh thoảng gọi được cuộc điện thoại, thì vĩnh viễn sẽ nhận được câu trả lời với ngữ phí không được tốt cho lắm.
"Thực ra cũng không phải là ba con bỏ cuộc." Dì Lâm nói, "Ông ấy tới đây, mỗi ngày vẫn đều đặn uống cả một đống thuốc để điều dưỡng thân thể. Sợ là thật sự không chống đỡ nổi nữa, mới gọi người tới để lo hậu sự. Nhưng mà như thế thì không được, không phải dì nói con, ở đây chúng ta có quy định, hậu sự của cha thì con trai phải về lo liệu, để một người ngoài xử lý là sao chứ."
Nghe tới đây, Kha Tây Ninh nào có thể nghĩ là bà hiểu lầm nữa.
Điện thoại di động vẫn kề bên tai, đáng tiếc Kha Tây Ninh đã chẳng còn nghe thấy điều gì nữa. Cậu từ từ ngồi xổm xuống, cánh tay vòng qua đầu, trước mắt chỉ còn một màu đen.
Đối mặt với một tràng dài không dứt của dì Lâm, Kha Tây Ninh nhắm mắt lại, ổn định tâm tình, trong giọng nói mang theo một chút run rẩy khẽ khàng: "... Con lập tức sẽ về. Dì yên tâm."
Dì Lâm dừng lại có nghẹn ngào đôi chút, bà lau nước mắt.
"Dù sao con cũng nên về nhanh lên, có thể nhanh đến đâu thì cố mà nhanh lên con, ba con chẳng thể chờ con bao nhiêu ngày nữa đâu."
Cuộc gọi kết thúc. Đạo diễn đi tới đây, vỗ vai Kha Tây Ninh, hỏi: "Tây Ninh, cậu sao thế?"
Kha Tây Ninh đứng dây vẫn đưa lưng về phía đạo diễn, giọng nói cũng coi như là vững vàng.
"Không có việc gì đâu ạ."
Đạo diễn cũng không hỏi sâu vào, chỉ nói: "Có chuyện gì thì trước tiên cứ mau giải quyết, phân đoạn tiếp của cậu sẽ rất quan trọng đó."
Kha Tây Ninh không nói gì.
Đạo diễn cũng chẳng thắc mắc, ông đang định xoay người rời đi, bỗng nhiên Kha Tây Ninh nói: "... Xin lỗi, đạo diễn, tôi có chuyện muốn nói với chú."
"Có chuyện gì vậy?" Đạo diễn mỉm cười hỏi.
Kha Tây Ninh đáp: "Tôi muốn xin phép nghỉ."
Đạo diễn nhíu mày một cái: "Cậu chắc chưa?"
"Chắc chắn."
Lúc này xin nghỉ, đúng là một chuyện nan giải.
Nhưng đạo diễn vẫn đồng ý với Kha Tây Ninh, ông thử hỏi thăm: "Vậy cậu tính xin nghỉ mấy ngày?"
"... Tôi vẫn chưa biết."
Nếu là người khác nói ra những lời như vậy, đạo diễn ở trong lòng nhất định sẽ đánh giá người này điểm âm, đồng thời nhắc nhở bản thân sau này phải cẩn thận khi hợp tác với đối phương.
Đáng tiếc một lời "Tôi chưa biết" này lại là do Kha Tây Ninh nói ra. Cậu là một người diễn viên gần như là vẹn toàn trong lòng ông.
Đạo diễn thở dài, hỏi: "Tôi có thể hỏi là đã xảy ra chuyện gì rồi không?"
"Trong nhà tôi có chút chuyện, phải trở về giải quyết."
Đạo diễn thấy Kha Tây Ninh không muốn nhiều lời, cũng hiểu là chi tiết câu chuyện không thể tiện hỏi được.
Ông gật đầu, đáp: "May mà lần này chúng ta quay series truyền hình dài kỳ (*). Tôi có thể chờ cậu, nhưng mong là cậu sẽ không để cho tôi thất vọng."
(*) Là dạng phim tách biệt kịch bản, có thể có một diễn viên chính nhưng mỗi phần diễn viên phụ và kịch bản lại khác nhau.
Kha Tây Ninh rũ mi, "Vâng."
Kế hoạch quay phim cần phải điều chỉnh lại một lần nữa, kịch bản phần hai, phần ba được kéo lên, cần phải sớm hoàn thiện lịch trình cho những diễn viên ấy. Đây không phải là một chuyện dễ dàng, đạo diễn âm thầm thở dài trong lòng.
Xe của Kha Tây Ninh đỗ ngay ngoài trường quay, cậu tự ám thị cho bản thân nhiều lần "Không được loạn, không được loạn". Tài xế đang ngồi ngủ trong xe, Kha Tây Ninh đưa tay ra gõ vài cái lên cửa kính.
Tài xế tỉnh lại, nhìn đồng hồ đeo tay, nghi hoặc hỏi: "Kha tiên sinh, vẫn còn chưa tới giờ kết thúc công việc mà? Ngài muốn đi đâu à?"
Kha Tây Ninh đáp: "Tôi muốn đến một tỉnh khá xa, anh đưa chìa khóa xe cho tôi."
"Ngài muốn tự mình lái xe sao?" Tài xế kinh ngạc hỏi.
"Ừm." Kha Tây Ninh nói, "Nơi đó rất xa, một mình tôi đi là được rồi."
Người tài xế này là do Phó Diễm cấp cho Kha Tây Ninh.
"Như vậy sao được?" Tài xế nói, "Công việc của tôi chính là đưa đón ngài đi làm."
Kha Tây Ninh dừng một chút, đáp: "Nơi tôi muốn tới... không liên quan đến công việc."
Vu Thiến Văn từ trong trường quay chạy ra, nhưng chỉ có thể nhìn thấy khói xe, mà tài xế thì đang đứng ngay phía ngoài.
Hai bọn họ nhìn nhau.

Đáng tiếc là không được bao lâu, Kha Tây Ninh và xe đều bị ngăn lại trên đại lộ. Vào thời điểm này trong ngày, không phải kì nghỉ cũng chẳng phải giờ cao điểm buổi chiều, không thể nào lại bị tắc đường thế này được.
Cả dòng xe bị đình trệ, cảnh sát giao thông vẫn đang duy trì trật tự hiện trường.
Người lái xe ở bên cạnh Kha Tây Ninh hạ cửa kính xe xuống, hỏi cảnh sát giao thông: "Có chuyện gì thế hả anh? Sao lại bị tắc thành thế này vậy?"
"Đằng trước có tai nạn." Cảnh sát giao thông đáp, "Chúng tôi vẫn đang khơi thông đường, anh yên tâm, chắc là không mất nhiều thời gian đâu."
Gió từ bên ngoài cửa sổ thổi vào, Kha Tây Ninh cũng nghe thấy cuộc trò chuyện của họ.
Không phải cậu không muốn đổi sang một phương tiện khác, nhưng thành phố nơi ba cậu đang ở lại vừa đúng lúc cách không xa lắm nơi cậu đang quay, tự lái xe tới đấy chỉ mất khoảng ba bốn tiếng đồng hồ. Nếu như đổi thành máy bay hay tàu cao tốc, chưa nói đến việc trực tiếp đi mua vé thì có mua được hay không, riêng vấn đề thủ tục cũng rườm rà hơn rồi.
So với thế, thì tự lái xe về có lẽ dễ dàng hơn.
Những lời dì Lâm nói vẫn cứ vọng ở bên tai cậu không ngừng.
"Mấy ngày nay, ba con chỉ nằm ở trên giường thôi không đứng dậy nổi, ngay cả ăn thứ gì cũng rất vất vả."
"Đây là chuyện gì chứ... Hầy."
Trong đầu Kha Tây Ninh không ngừng luẩn quẩn những lời ấy, cậu nhắm mắt lại.
Mà giữa những thanh âm ấy, có một giọng nói không giống thế, hòa tan tất cả mọi nôn nóng trong cậu.
"Tây Ninh, Tây Ninh..."
Giọng nói của hắn có chút gấp gáp, thật sự giống như đang kề sát bên tai cậu.
Kha Tây Ninh chậm rãi mở mắt, nhìn về phía cửa sổ xe.
Hóa ra giọng nói ấy không phải ảo giác, mà là sự thật. Nghiêm Tự đang đứng ở ngoài cửa xe.
Áo khoác của hắn bị gió thổi tung.
Kha Tây Ninh nhíu mày một cái, nhanh chóng mở khóa xe.
Nghiêm Tự mở cửa, ngồi vào vị trí phó lái.
Kha Tây Ninh vẫn cứ cau mày, cậu hỏi: "Đây không phải là đường cao tốc à? Sao anh lại ở đây một mình như vậy?"
"Anh vừa mới tới đoàn phim." Nghiêm Tự đáp, "Đạo diễn nói nhà có chuyện nên em xin nghỉ."
Kha Tây Ninh liếc nhìn sang hắn.
Tài xế vừa chạy xe tới đường cao tốc, liền phát hiện ra đang bị tắc đường. Nghiêm Tự chỉ ngồi trong xe được một chốc, trong lòng lo lắng về Kha Tây Ninh nên chẳng thể ngồi yên được, bèn xuống xe ngó vào tìm từng chiếc xe một.
May mà chiếc xe Kha Tây Ninh lái là xe bảo mẫu, ở giữa dòng xe cộ chật chội rất dễ nhận ra.
Ánh mắt Nghiêm Tự khẽ dừng lại, hỏi: "Bác trai, đã xảy ra chuyện gì à?"
"...."
Kha Tây Ninh không muốn kể về chuyện gia đình mình. Thế nhưng ngoại trừ những người hàng xóm láng giềng đã chứng kiến mọi chuyện từ trước, thì người hiểu toàn bộ những chuyện này nhất, cũng chỉ còn có Nghiêm Tự.
Cậu nhìn vào mắt của Nghiêm Tự.
Giọng nói khàn khàn.
"Nghiêm Tự, tôi không biết mình phải làm thế nào."
"Tôi không hận ông ấy."
"Thế nhưng cũng không thế giống như con nhà người ta yêu thương ba ruột của mình."
"Nhưng mà ông ấy..." Kha Tây Ninh nói đến đây, ánh mắt có chút bất lực, "Nhưng mà ông ấy lại sắp chết rồi. Ông ấy tưởng rằng tôi hận ông ấy, nhưng mà thực sự tôi không hận ông ấy, tôi chỉ tự thôi miên bản thân mình không được trở thành một người như thế. Như vậy sẽ là có lỗi với người khác cũng là có lỗi với cuộc sống của mình... Tôi thực sự không muốn ông ấy chết. Thực sự... Nghiêm Tự."
Lời của cậu nói vô cùng lộn xộn.
Không giống với một Kha Tây Ninh lúc bình thường luôn tỏ ra lý trí và biết kiềm chế, từ sau khi ly hôn với hắn, Kha Tây Ninh rất hiếm khi ở trước mặt hắn cởi bỏ lớp vỏ bọc lạnh lùng cậu tự khoác lên để bảo vệ mình.
Nghiêm Tự thở dài.
Hắn vươn tay, kéo Kha Tây Ninh vào trong ngực mình.
Kha Tây Ninh tựa vào vai Nghiêm Tự, trong khoang mũi ngập tràn mùi hương của hắn. Chẳng có mùi thuốc lá, nhưng lại có mùi hương độc nhất thuộc về một mình Nghiêm Tự.
Nghiêm Tự hôn nhẹ lên tóc Kha Tây Ninh.
"Không có chuyện gì đâu em." Hắn không ngừng an ủi, "Tây Ninh, có anh ở đây rồi. Không có chuyện gì đâu."
Hết chương 64.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.