Editor: Kẹo Mặn Chát
1/ Quần lót màu hồng
Chung cư nơi tôi sống không có ban công và phải dùng chung hai cái máy giặt kiểu cũ. Hộ gia đình sát vách thường phơi quần áo trên một sợi dây bên ngoài cửa sổ chống trộm. Ngày hôm đó tôi đi ngang qua, trông thấy trên đó có treo một chiếc áo sơ mi, hai chiếc quần lót nữ, một màu hồng một màu tím, và một cái cặp sách.
Một giây sau, chiếc quần lót nữ màu hồng kia bị một cơn gió thổi bay, tuột khỏi móc áo rơi xuống phía dưới, có lẽ lúc trước nó đã không được treo móc cẩn thận.
Tôi ngẩng đầu nhìn lên và thấy một người đang đứng đó, dựa vào bệ cửa sổ, để lộ thân trên bán khỏa thân, đang hút thuốc nheo mắt nhìn tôi.
Dưới ánh mặt trời, ánh sáng vừa đủ chiếu lên da thịt gã, làm cho cơ thể của gã trắng đến chói mắt, tôi không chịu nổi sự kích thích như vậy liền dời tầm mắt đi nơi khác.
Chúng tôi không nói chuyện, tôi ngồi xổm xuống nhặt hộ quần lót, đi tới cửa nhà bên cạnh rồi treo nó lên tay nắm cửa.
Sau đó, tôi mới biết vợ chồng sát vách đã cãi nhau một trận rất lớn. Khi người vợ về nhà nhìn thấy cảnh tượng ở cửa, ngay lập tức biết gã đàn ông nhà mình có người bên ngoài, bởi vì bà ấy không có quần lót màu hồng, đây là đồ sót lại sau khi gã xong việc với người phụ nữ khác, gã để lẫn lộn quần lót của tình nhân và vợ rồi giặt sạch chúng cùng nhau.
Người phụ nữ vừa khóc vừa mắng: "Tôi và ông sống cùng nhau lâu như vậy, ông không biết tôi không có quần lót màu hồng sao?"
Người đàn ông trả lời: "Thật là CMN chết tiệt."
Một tuần sau, tôi nhìn thấy chiếc cặp sách cũ màu đen ở cửa sổ ngày hôm đó trên lưng của một chàng trai cùng trường. Cao hơn tôi một chút, và dưới ánh nắng mặt trời chói lọi ấy, hiện lên trong tâm trí tôi là phần thân trên của anh thấp thoáng qua bộ đồng phục màu trắng rộng thùng thình, sắc trắng đó tản ra sự giá lạnh đối lập với bốn bề xung quanh.
Tôi một mạch đi theo sau anh ấy, và đây cũng là con đường tôi thường về nhà.
Trước khi anh ấy bước vào khu chung cư, tôi còn đang băn khoăn có nên xin lỗi anh không, bởi vì tôi đã tự ý làm ra một hành động dẫn đến cãi vã trong gia đình họ, dù sao người ta cũng không bảo tôi nhặt quần lót.
Nhưng anh không về nhà, anh ấy rẽ sang một hướng khác dưới ngọn đèn đường trước tòa nhà, biến mất khỏi tầm nhìn của tôi.
Cột đèn đường kia và một cái cây cùng nhau sinh trưởng, sau khi cây con lớn lên, đèn đường lại sinh trưởng trong cây. Khi mặt trời xuống núi cũng là thời điểm để nó tỏa sáng nhưng ánh đèn lại bị một mảng lớn lá cây nuốt chửng, sau đó nhả xuống một người dưới gốc cây ấy.
2/ Chưng cư màu cam đỏ
Sống dưới nhà tôi là một nhà hoạt động văn hóa, thường viết lách một vài thứ nhưng lại chưa từng xuất bản một tác phẩm. Chú ấy luôn ra vẻ trầm lắng dè dặt, rất ít khi ra ngoài, có khi xuống dưới lầu mua rượu, sau đó uống rượu xong sẽ bắt chước đại thi hào Lý Bạch, nâng chén ngân ca, viết về những năm tháng thất bại của cuộc đời mình.
Tôi chưa từng đọc bài viết nào của chú, chú vừa muốn cho người ta thấy lại không muốn cho người ta thấy. Chú nói rằng những người trong số chúng tôi đọc không hiểu, không hiểu được sự sâu sắc lắng đọng giữa các con chữ của chú.
Sống dưới tầng hầm của khu nhà là một người đàn ông 74 tuổi, ông ấy mở một quầy hàng trong hẻm để bán những tấm áp phích cũ, nhưng vẫn không bán nổi một tấm, tôi cũng chưa bao giờ mua qua, vì tôi không có tiền.
Sau đó ông lão thấy việc buôn bán áp phích thực sự không thể duy trì sinh kế, nên thỉnh thoảng đi sửa đèn cầu thang cho người ta. Không chỉ ở khu nhà của chúng tôi, bên những tòa nhà khác ông cũng muốn sửa, nhưng khi người khác nhìn thấy dáng người trơ xương cong cong của ông, cố lắm mới leo lên thang được, nếu không cẩn thận sẽ mất mạng, như thế phải tốn rất nhiều tiền bồi thường.
Những người khác không muốn ông sửa, cho nên mỗi ngày ông lão đều trông chờ đèn của tòa nhà chúng tôi bị hỏng, cả ngày nhìn chằm chằm vào những chiếc bóng đèn rồi lẩm bẩm, hỏi chúng có thể hỏng được không.
Ai đó đã mắng ông. Đèn không hỏng ông lão cũng không có cách nào khác, lại bắt đầu bày bán. Bày nguyên một ngày, giữa lúc nghỉ ngơi đi nhét miếng bánh bao vào miệng, khi ông quay lại thì những tấm áp phích đã được một nhóm trẻ em cầm trên tay, phần lớn bị xé rách, một phần nhỏ bị thổi bay, còn một vài tấm thì được bọn nhỏ mang về nhà làm giấy vụn.
Vài ngày sau, người ta tìm thấy ông lão nằm dưới gầm giường trong tầng hầm, tắt thở và chết đói.
Tôi biết tin rồi sau đó đã tới nhìn qua, ở bên cạnh ông còn có một chậu rửa mặt chứa toàn những mảnh giấy xé vụn.
Người giàu nhất trong khu nhà chúng tôi là một cô gái trẻ sống ở tầng trên nhà tôi, làm việc trong nhà hàng bên kia cầu và lúc nào cũng mặc quần áo đồng phục. Nghe nói về sau chị ấy đã bỏ tiền ra sắp xếp chôn cất đơn giản cho ông lão.
Những ngày sau đó, khi tôi trở về đi ngang qua phía trước tòa nhà, nơi ấy đã không còn ai mở quầy bán áp phích nữa. Vài ngày sau, đèn nhà tôi bị hỏng, tôi không biết sửa, cũng không muốn chi tiền để tìm người nào đó đến sửa.
Tôi đứng bên cửa sổ nhìn ngọn đèn đường phía dưới, xung quanh tán lá tản ra những quầng sáng, và những chiếc lá gần bóng đèn trông giống như sắp bị thiêu cháy, chúng khiến tôi muốn đi hái vài chiếc rồi treo lên trần nhà mình.
Tôi ngã xuống đất, áp sát mặt vào mặt đất lạnh buốt, xuyên qua bóng tối nhìn thẳng vào gầm giường, tưởng tượng ra hình ảnh cái chết của ông lão.
"Không ai sửa đèn cho tôi." Tôi u oán nói.
"Cũng không có ai mua áp phích của tôi." Ông lão nói.
3/ Bảng tuyên truyền và chó con đi tiểu
Cô gái trẻ trên lầu nhà tôi chuyển đi rồi. Ngay sau khi ông lão được chôn cất, chị ấy nhận được một cuộc gọi từ quê lên, gia đình thông báo cậu của chị đã mất, muốn chị ấy chi tiền lo ma chay.
Hơn phân nửa tiền lương tháng trước của chị đều dùng trên người ông lão, cho nên không còn lại bao nhiêu, gia đình cho rằng chị muốn thoái thác, mắng chị ích kỷ, bới móc lại rất nhiều chuyện cũ, trực tiếp kích thích cảm xúc và đau khổ tích lũy nhiều năm của chị.
Cuối cùng người ở quê ép chị ấy quay về lập gia đình, gả cho một người đàn ông mà chị không biết, và tôi không bao giờ gặp lại chị ấy nữa.
Đôi khi tôi nghĩ về những điều này, nghĩ về vài thứ đã mất, rồi sau đó bắt đầu rơi nước mắt, bắt đầu nhớ đến những khó khăn gian khổ. Tôi leo lên sân thượng, nhưng không thể giống như những người ở nơi xa kia cầu xin những ước nguyện nhỏ bé mơ hồ, tôi chỉ có thể nhìn xuống, nhìn xem mình phải làm sao để sống, làm sao để tiếp tục duy trì, làm sao để không bị rơi xuống.
Ở trên độ cao ba tầng của sân thượng, tôi thấy rất rõ ai đó đang đứng bên kia đường. Anh ấy châm một điếu thuốc, cả người chìm vào màn khói mờ đục, trong màn khói chỉ có ánh lửa, đốt ra một cái lỗ trong đêm đen của hai chúng tôi.
Anh ấy không thấy tôi, bởi anh không ngẩng đầu lên. Vị trí mà anh đang đứng, ban ngày là bảng tuyên truyền và cũng là nơi để những con chó con đi tiểu.
Lúc lâu sau, tôi dựa vào lan can sân thượng, còn anh ấy ngồi xổm bên kia đường, tôi nhìn anh, anh không nhìn tôi.
Một ngày tôi đi ngang qua nhà anh, cánh cửa sắt mở rộng, toàn bộ bên trong nhà đều bừa bộn, hình như là đang dọn dẹp đóng gói. Từ cửa nhìn thẳng vào là một căn phòng để đồ được cải tạo lại thành phòng ở, trên vách tường bẩn thỉu dán rất nhiều tranh ảnh.
Tôi đoán đó là phòng của anh, bởi vì những bức tranh cắt dán trên tường là những áp phích mà ông già 74 tuổi không thể bán được. Tôi nghĩ như vậy rồi bất ngờ chạm mắt với anh khi anh đi ra khỏi phòng, anh nhìn lướt qua tôi rồi đưa tay đóng cửa lại.
Sau đó anh không đi học nữa, và tôi không bao giờ gặp lại anh ấy ở trường thêm lần nào. Khi tôi nghe các anh chị lớp trên truyền tai nhau rằng có người bỏ học vào năm cuối cấp, lúc ấy tôi mới biết tên anh là Trình Bạc.
Hai tháng sau, có một hộ gia đình mới chuyển đến phòng bên cạnh, tin tức về tai nạn xe hơi và cái chết của cặp vợ chồng thuê ngày trước cũng ngay theo đó truyền đến. Chủ nhà gửi sự việc này lên nhóm WeChat, một số người bày tỏ sự tiếc nuối, về sau tin tức này đều bị liên kết quảng cáo mới và những lời chúc ngày lễ nhấn chìm.
Tôi không biết có phải Trình Bạc cũng đã chết rồi không.
Tôi chỉ là nhớ đến những ngày đó, những ngày tháng chúng tôi không vừa ý nhưng cũng không phản kháng. Tôi im lặng, còn anh ấy hút thuốc, dưới ánh đèn đường lớn nhất trong nội thành của chúng tôi, tôi nhìn anh, anh nhìn hư vô.
Khi biết được tin tức này thì đã sắp sang năm mới. Đêm giao thừa, chủ nhà đến gõ cửa phòng tôi, ngày thường chúng tôi không hay giao tiếp, chỉ giới hạn trong chuyện tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước. Ngày hôm đó anh ta nói với tôi chúc mừng năm mới, sau đó đưa cho tôi một xấp áp phích nhăn nheo.
Tôi rất thắc mắc.
Anh ta nói với tôi chúng là đồ của hộ gia đình bên cạnh, sau khi họ mất không để lại nhiều di vật, nhưng có người đã gửi những phế phẩm này về, điền địa chỉ là số nhà tôi.
Tôi nói, đây rõ ràng là điền sai rồi. Số nhà tương tự nhau nên nhầm lẫn cũng không có gì lạ, nhét cho tôi để làm gì.
Chủ nhà nói anh ta không quan tâm, anh ta chỉ làm theo quy tắc, tôi không muốn thì ném chúng đi. Anh ta nói xong rồi rời khỏi, tôi nhìn những tấm áp phích này, không có một tấm hoàn chỉnh, ngày trước tấm nào cũng đã nhàu nát, tôi còn biết chúng từng nằm rải rác trong chậu rửa mặt bên giường ở tầng hầm, mà giờ đây đã được người ta dùng băng dính trong suốt ghép lại.
Tôi dán chúng lên tường nhà mình. Mười hai giờ, ngoài cửa sổ vang lên những âm thanh náo nhiệt, bầu trời thành phố bị ánh lửa đầy màu sắc chiếm trọn, lớp bụi thừa lơ lửng trong không trung đọng lại trong ánh mắt của những người ngoài đó, làm cho bọn họ luẩn quẩn trong niềm si mê và say đắm.
Tôi cũng mê, tôi cũng say. Pháo hoa là một màn trình diễn lãng mạn trong chốn phồn thịnh sầm uất ấy, và trong một tòa chung cư ở rìa thành phố, bên cạnh tôi trong một góc của khu nhà này, chúng cũng đang ngẩn ngơ, bật cười rồi lại trở nên yên tĩnh.
Sân thượng rất thấp, một vài góc nhìn bị các tòa nhà cao tầng san sát che khuất. Xuyên qua khe hở giữa các tòa nhà, tôi chụp lại những thứ xa xôi khó chạm tới đó, rồi tưởng tượng ra những ánh đèn neon nơi viễn xứ, tưởng tượng ra những trung tâm mua sắm rực rỡ ánh sáng cùng với những điều vui ấm áp tràn đầy.
Một giờ sáng, tôi ra khỏi cửa hàng tiện lợi, chạy tới và ngồi xổm bên kia đường, hút điếu thuốc đầu tiên của cuộc đời mình.
Tôi bị sặc đến mức ho mất nửa cái mạng, người đàn ông ở nhà bên cạnh tôi trở về, chú ấy uống say khướt, toàn thân đều nồng nặc mùi rượu, xích lại gần cười híp mắt và gửi lời chúc phúc cho tôi.
Tôi chúc chú năm mới vui vẻ. Chú lấy hai điếu thuốc từ trong hộp thuốc lá của tôi rồi rời đi, sau đó ngậm một điếu vào miệng. Tôi nhìn chú, cảm thấy dáng vẻ ngậm điếu thuốc của chú không đẹp bằng một góc của Trình Bạc.
4/ Trẻ em 6 tuổi không nên nhảy lầu
Sau tết Nguyên đán, một số cửa hàng trên đường phố không mở cửa. Trong nhà không còn thức ăn thừa, tôi chạy tới xa hơn đến trước một con sông ở phía Nam thành phố. Trên con đường đó rất nhiều gánh hàng rong bán rau, tuy rằng nhìn bề ngoài hơi xấu, nhưng cũng đủ rẻ.
Ven sông đông người qua lại, rất nhiều xe điện và công nhân đi qua, tôi đi mỏi cả chân, có người dừng lại hỏi tôi có muốn đi nhờ xe không, trông vẻ là một người buôn bán, sau khi tôi từ chối hắn vẫn đi theo tôi, tôi về nhà hắn cũng đi theo.
"Anh lại đi theo tôi thì tôi sẽ nhảy sông." Tôi đe dọa hắn.
"Cậu nhảy sông tôi cũng nhảy theo cậu."
Không phải người buôn này lớn mật, mà chốn đây vẫn luôn hỗn loạn như vậy, một nửa là thờ ơ, một nửa là thói quen.
Tôi nhìn hắn, buông túi đồ trong tay xuống, nhấc chân thả người rồi lập tức rơi xuống sông.
Người đàn ông đứng bên bờ sông mắng mỏ: "Được rồi được rồi, tôi sợ cậu thật đấy."
Tôi ướt sũng đi về nhà, từ cột đèn đường bên ngoài rẽ vào tòa chung cư, ánh đèn chiếu lên người tôi, hơi nước dường như đang liên tục hấp thụ nhiệt lượng, toàn bộ cơ thể tôi đều nóng dần lên.
Sau đó tôi nhìn thấy, một cô bé yếu ớt nằm trên mặt đường nhựa, cơ thể nhỏ bé với một mảng lớn tối màu dưới thân thể bất động.
Chủ nhà lại đăng lên nhóm WeChat tin tức bé gái sống trên tầng ba nhảy từ trên sân thượng xuống vào xế chiều hôm nay.
Ngày hôm sau có người bàn tán về chuyện đó, than thở rằng một đứa trẻ mới sáu tuổi đã học cách tự tử, đúng là thói đời.
Người kia mang theo vẻ mặt nghiêm túc, nghe người phụ nữ đối diện nói rằng căn chung cư này đã chết không ít người rồi.
Hai người liếc nhau, ớn lạnh chạy dọc từ xương đuôi lên thẳng đỉnh đầu, họ không nói thêm gì nữa.
Cô bé nhảy lầu là của một gia đình đơn thân, mẹ bé khóc ngất ba lần bên dưới chung cư, nôn ói một lần, có người hỏi cô ấy có rời đi không thì cô ấy hét lên, không rời đi, không rời đi, tôi có chết cũng phải chết ở đây.
Một ngày nọ, thím ở tầng dưới nói với tôi rằng cô bé muốn chết vì cô bé thấy ba mình sống với một người phụ nữ khác. Người phụ nữ kia dắt theo một đứa trẻ, cậu bé ấy tình cờ là bạn học lớp bên cạnh. Có lần ở sân chơi đùa giỡn xé váy cô bé, hai người giành giật đánh nhau, nhà trường mời phụ huynh ra mặt xử lý, mẹ cô bé bận công việc không có mặt, ba mẹ cậu bé thì đến cả. Cô bé nhìn thấy ba mình đứng bên cạnh cậu bé kia, cố ý học những lời điên rồ trước đây của mẹ mình: "Ba là ba con, ba không giúp con thì con chết trước cho ba xem!"
Người đàn ông gầm lên với cô bé, sau đó cô bé trở về không vào nhà mà trực tiếp đeo cặp sách, lên sân thượng chung cư rồi nhảy xuống.
Trong đầu trẻ nhỏ có rất ít vướng bận hỗn tạp, dũng khí nhảy lầu cũng nhiều hơn một chút, nói đến cái chết cũng không có băn khoăn gì, cứ như vậy mà chết đi.
Ngày trước tôi đã có một cuộc trò chuyện với cô bé này, khi tôi đang hút thuốc bên kia đường, cô bé đến và ngồi xổm bên cạnh tôi, cột tóc đuôi ngựa, nghiêng đầu nhìn tôi.
Lúc đó tôi nhả khói cũng nhả ra một vài nghi vấn, nghĩ rằng, chúng tôi những con người nơi đây sống bằng gì.
Tôi lên tiếng hỏi, chúng ta sống bằng gì.
Cô bé trả lời tôi, tình yêu, bởi tình yêu của mẹ.
"Nhưng em nhớ ba rất nhiều." Cô bé nói.
"Anh cũng vậy." Tôi đáp lại.
Tôi không có ba, cũng không có mẹ.
Trong giây phút ấy tôi đã suy nghĩ vô số lần, Trình Bạc còn sống không?
5/ Xăm hình gì cũng được
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi đi học đại học ở một nơi cách đó không xa, và phải nói lời tạm biệt với căn hộ mà tôi đã sinh sống năm năm, mang theo một xấp áp phích cũ và một tấm ảnh chụp đèn đường vào ban đêm.
Cuộc sống sau đó vẫn diễn ra bình thường, không có bất cứ biến cố nào.
Sau một năm làm việc bán thời gian bên ngoài, tôi đã gặp lại cô gái trẻ sống trên lầu nhà tôi trong chung cư.
Ba năm trôi qua, chị ấy vẫn còn trẻ, nhưng xem ra không còn là thanh niên nữa. Chị ấy đưa hai đứa con của mình đến nơi tôi làm việc để mua nước ngọt.
Chị ấy không nhận ra tôi, nhưng tôi nhận ra chị, chị ấy rất ngạc nhiên, cảm khái tôi đã cao hơn nhiều rồi.
Chị ấy muốn trò chuyện với tôi nên đã yêu cầu thêm một phần ăn, trong lúc chờ phần ăn chị hỏi tôi sau này thế nào.
Hồi sau chị nhớ tới tai nạn xe hơi của cặp vợ chồng năm đó, lại hỏi tôi, đứa con của gia đình kia có phải vẫn còn sống phải không?
Tôi đáp, tôi không biết.
Chị ấy nói với tôi rằng khoảng thời gian trước chị đã gặp qua một lần, nhưng không nhìn thấy rõ ràng, chỉ là trông có chút quen mắt, không dám nhận bừa.
"Trước đây cậu ấy luôn ngồi xổm bên cạnh bảng tuyên truyền hút thuốc, không nói gì cả. Có vài lần tôi về nhà, nhắc nhở cậu ấy còn nhỏ, hút thuốc gây hại cho cơ thể, cậu ấy cũng chẳng để vào tai, chỉ gật đầu bóp điếu thuốc, chờ tôi lên lầu thì hút thêm một điếu mới."
Khi tôi học năm hai đại học, tôi đến hiệu sách mua giáo trình bổ trợ cho các môn học đã đăng ký. Kệ sách trước cửa đang được sắp xếp bày ra những cuốn sách mới xuất bản cách đây không lâu, trong lúc chờ nhân viên tìm kiếm sách tôi cần, tôi tiện tay cầm cuốn sách mới kia lên đọc, tên cuốn sách là《Chung cư màu cam đỏ》.
Người hoạt động văn hóa ở tầng dưới nhà tôi, người vẫn luôn sống ở nơi ất sau khi tôi chuyển đi, những năm qua chú đã gửi bản thảo đi khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả khả quan. Đoạn thời gian trước, chú đã viết một cuốn sách, viết xong không lâu thì sau đó qua đời, con gái và vợ cũ đã đến thu dọn di vật của chú, mang theo tác phẩm đã hoàn thành nhưng chưa ra đời này về phía Bắc, gửi đến ba nhà xuất bản. Hai nhà xuất bản sau khi nghe thấy đây là di cảo của nhà văn liền phát sáng hai mắt, nhưng cuối cùng con gái chú đã bán bản quyền cho nhà thứ ba, yêu cầu không cao, có thể nghiêm túc xuất bản là được.
Nội dung của cuốn sách lấy bối cảnh tòa chung cư mà nhà văn đã từng sống, ghi lại những trải nghiệm thực tế của mình với một số nhân vật xung quanh.
Những người đã gặp, những người đã mất, những người đã rời đi, những ngày tháng sống trong tuyệt vọng, lại sống, lại tuyệt vọng.
Chú đã viết trong lời nói đầu của mình:
Tôi luôn nghĩ về vài năm trước đây, hành lang trống vắng tối mờ của chung cư màu cam đỏ trong buổi hoàng hôn xế chiều, những sớm mai tôi chán nản và những đêm mua say trong làn gió ngày xuân.
Những ánh đèn suy yếu ảm đạm kia đã làm mờ đi cơn say đáng xấu hổ của tôi, để tôi có thể đón nhận lời chào hỏi của cô bé vừa mới tan học trở về, của cô gái xinh đẹp trong một bộ đồng phục sạch sẽ, và của một ông lão lớn tuổi ngồi yên trong gió lạnh trông coi xấp áp phích cũ mèn.
Bây giờ bọn họ có người đã mất, có người li tán, mà tôi chỉ có thể dùng cách này để tưởng nhớ họ, bất luận dù tốt hay xấu.
Lúc trước tôi đã từng nghĩ, một người dùng những sợi dây tư tưởng của mình mắc vào dòng thời gian quá khứ được coi là một loại tra tấn tinh thần tự ngược đãi. Về sau mới phát hiện, mảnh đất nơi tôi sinh sống, nơi lạc hậu tầm thường bị chốn phồn hoa phố thị vứt bỏ, tại mảnh biên giới bên rìa thành phố nhỏ bé không đáng nhắc tới vẫn còn có một số người mang theo lòng nhân ái, sức mạnh của phần nhân ái này quá mức cường đại để rồi chúng thừa sức vùi lấp cuộc sống tràn đầy đau thương khổ cực. Vì vậy, tôi vẫn luôn được truyền sức mạnh, những ngày nghiện rượu giảm dần, dành nhiều tâm huyết hơn cho việc viết lách, cuối cùng chỉ có thể trình bày một tác phẩm vụng về.
Ở đây có ghi chú: Phải mất một vài năm để liên lạc với tất cả các nhân vật có tên xuất hiện trong cuốn sách này, đa số mọi người đồng ý, một phần nhỏ không vui nhưng vì toàn thể cũng đều cho qua.
Xem xong mục lục, tôi lật đến giữa quyển, trang số 121, có một câu mô tả như sau:
Sống trên lầu nhà tôi là hai chàng trai, một người cô đơn và một người trong gia đình ô nhục.
Lật thêm hai trang nữa:
Ngày đó, tôi xuống lầu mua rượu gặp cậu ấy, thấy trên cánh tay của cậu có thêm một hình xăm, nhiều miệng hỏi một câu, nhưng cậu ấy không để ý đến tôi. Sau đó nghe thợ xăm ngoài tiệm kể rằng có một hôm cậu trai này đi ngang qua, đứng trước cửa tiệm một lúccrồi đột nhiên đi vào nói muốn xăm mình, hỏi cậu ta xăm hình gì, cậu ta nói không biết, xăm gì cũng được. Bên cạnh có một đôi tình nhân vừa mới xăm xong tên của đối phương, tôi bèn đùa giỡn hỏi cậu ta nếu không cũng xăm một cái tên đi. Đứa nhỏ này tám chín phần là thanh niên mới lớn, cậu ta nói cho tôi một cái tên, tôi cũng làm như thường lệ xăm hình cho cậu ta.
Cậu trai đó là Trình Bạc, chưa bao giờ nói chuyện với tôi, cái tên được xăm trên tay cậu ấy là Tống Chất Vũ, người thỉnh thoảng sẽ chào hỏi tôi. Tôi nghĩ cũng đúng, ở nơi tuyệt vọng này mà họ vẫn có thể làm bạn, vậy thì mối quan hệ chắc là khá tốt.
Sau đó gia đình Trình Bạc chuyển đi, vào tháng thứ ba truyền đến tin tức nhà họ gặp nạn trong một vụ tại nạn giao thông. Hai năm sau, Tống Chất Vũ tốt nghiệp cấp ba, cũng chuyển ra khỏi căn hộ. Mối quan hệ của tôi với họ không sâu sắc, chỉ là hai cậu trai sống trên lầu nhà tôi, một người sống chết chưa rõ, một người không có tin tức.
Tầm mắt của tôi tiếp tục di chuyển xuống, lướt qua một đoạn lớn, dừng lại ở một chỗ:
Đầu năm nay, tôi sắp hoàn thành bản thảo đầu tiên của tác phẩm, gần như sắp hoàn thành thì tình cờ nhận được tin tức liên quan đến Trình Bạc. Tôi lập tức liên lạc với cậu ấy, cùng cậu nói về một vài chuyện trong quá khứ, rồi nghe cậu ấy nói mấy lời.
Và tôi lại nhớ tới cậu, Tống Chất Vũ.
Đối với tôi mà nói, so với Trình Bạc thì cậu càng giống một đứa trẻ hơn. Trong khu chung cư này cậu vẫn chưa trưởng thành, Trình Bạc cũng vậy. Tất cả chúng ta đều không nói chuyện trong những ngày chen chúc đến khó thở, giả vờ im lặng hoặc là nghẹn giọng, cho nên mấy người các cậu rời đi cũng không nói hẹn gặp lại.
Mà bây giờ tôi không thể liên lạc với cậu, duy nhất có mình cậu không trưng cầu ý kiến, lại tự mình chủ trương xăm tên cậu vào bản thảo của tôi, giống như hình xăm lặng lẽ trong năm 2018 ấy.
Tống Chất Vũ và hình xăm năm 2018, cùng nhau ghi dấu vào mùa hè 2018. Mùa hè năm đó trong tòa chung cư màu cam đỏ, tất cả các cậu đều có một khoảng lặng đầy ấm áp.
6/ Đi về phía Bắc
Tôi đã mua cuốn sách đó, rồi liên lạc với con gái của nhà văn và một số người hàng xóm trước đây, phải mất hai tháng mới có thể hỏi thăm được địa chỉ hiện tại của Trình Bạc.
Ngày 20 tháng 1 năm 2022, tôi mua chiếc vé tàu đầu tiên đi Bắc Kinh, lúc chuẩn bị khởi hành thì bỗng nghĩ tới thứ gì đó, tôi vội vã lao ra ngoài trước khi cánh cửa đóng lại, rồi đứng nhìn đoàn tàu từ từ rời đi. Tôi chạy về nhà, lấy ra một xấp áp phích cũ, sách của nhà văn và một tấm ảnh chụp ngọn đèn đường trong tán lá cây, mang theo chúng rồi quay lại đặt vé cho chuyến tàu tiếp theo.
Ngồi trên chuyến tàu thứ hai, phong cảnh bên ngoài cửa sổ lướt nhanh qua, vài giờ sau thì tuyết rơi.
Tôi chưa bao giờ thấy tuyết, ở phía Nam rất hiếm thấy nhưng về phía Bắc lại xuất hiện nhiều hơn.
Những bông tuyết được đóng khung vào trong quang cảnh dần biến mất. Tôi mở điện thoại lên, chủ đề tuyết đầu mùa ở Bắc Kinh leo lên hot search trên Weibo, báo đài cũng đang đưa tin.
Ngày 20 tháng 1 năm 2022, tôi lên đường đi tìm Trình Bạc dưới trận tuyết đầu tiên trong đời mình.
/
《Chung cư màu cam đỏ》 viết:
"Có một lần cô bé kia đã đến hỏi tôi, chú ơi, chúng ta sống bằng gì..
Tôi đã rất ngạc nhiên khi cô bé hỏi một câu hỏi vượt quá tuổi tác của mình như vậy, tôi không cần suy nghĩ nói rằng bản thân sống bằng việc sáng tác.
Cô bé lắc đầu, sửa lại với tôi rằng tất cả chúng ta sống bằng tình yêu.
Tôi nghĩ về nó và cảm thấy rất có lý.
Chúng ta sống bằng gì.
Bằng cái nghèo trong những ngõ hẻm xó xỉnh, bằng sự im lặng không một lời hồi đáp, bằng những thói tật sinh ra đã vậy, bằng một vòng tròn tuần hoàn vô tận, và rồi chúng ta tiến gần đến cái chết."
Bằng một khoảng lặng, bằng một giọt nước mắt, bằng một vài đêm tôi chăm chú nhìn anh, bằng một hình xăm phô trương trái ngược với tính tình lạnh lùng. Bằng sự rời đi của một số người trong chúng ta, bằng một cuộc rượt đuổi, bằng một cuộc hội ngộ vẫn chưa xuất hiện, và bằng một chuyến tàu vững chắc đi về phươg Bắc trong màn tuyết lớn bay xoáy trên không trung.
- Kết thúc -
- ----------------------------------
Kẹo có lời muốn nói:
Trước hết, cảm ơn mọi người đã đọc bộ truyện ngắn này nha. Chả là từ khi mình đọc qua bộ này, mình rất thích cách viết của tác giả, cảm giác nó rất thơ, rất đẹp. Rồi lúc mình edit thì nó thơ thật, viết như thơ luôn, vì nó không có chủ ngữ gì cả (oT-T) 尸. Thành ra các bạn đọc không hiểu chỗ nào thì thông cảm giúp mình, mình đã cố gắng hết sức để truyền đạt mọi thứ. Tại vì mình thích quá nên mình mới edit, chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Các bạn có thể tìm raw đọc ủng hộ tác giả và nếu được thì hãy góp ý lại cho mình nha, mình rất biết ơn vì điều này. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Lớp diu pặc pặc ε٩(๑> ₃ <)۶ з