Chung Vô Diệm

Chương 40: Xem cẩm nang, lão vương thi kế, tin ngọc dụ, liêm soái dời binh




Khi Thanh Hổ tử trận, binh Tề vỡ chạy tứ tán. Lão vương ở trên địch lầu xem thấy, té xỉu xuống ngai, tưởng cũng chết luôn, bá quan xúm lại cứ hồi lâu mới tỉnh, bèn thở ra một tiếng rồi khóc òa, là bởi thương tiếc Thanh Hổ trung lương, còn căm giận Tề vương say mê tửu sắc, mới nghĩ rằng: “Nay Tề vương nó ở Đàm Thành cho vui sướng, để cho ta lo lắng một mình, nếu như Liêm Pha nó đánh phá không tha, chắc lão già này xẻ thịt”. Đương lúc ngồi suy nghĩ chẳng biết tính kế chi, sực nhớ lại Yến Anh ra đi có để lại một phong giản thiếp và dặn khi nào có việc sẽ mở ra coi, nay công việc đã hẹp hòi, truyền nội thần vào bì các lấy giản thiếp đem xem. Nội thần vâng lệnh lấy xem thấy bài thơ như vầy:
Vì ai gây hoạn.
Giang sơn chẳng thái bình.
Thành Lâm Tri bị khốn,
Liêm Pha giỏi dùng binh.
Thanh Hổ đã tới số.
Bá quan chớ hãi kinh.
Thành trì nên cố thủ.
Chẳng cùng nó giao chinh.
Cẩm nang này để lại.
Chữ nghĩa đủ phân minh.
Vua Tề đi tị nạn.
Bá tánh khỏi tai tinh.
Lão vương coi rồi mới nghĩ rằng: Quân sư là người suy đoán âm dương giỏi lắm, nay biểu ta như vầy ta phải theo ý mợi đặng. Nghĩ rồi liền truyền cho văn võ hộ giá ra đứng trên cửa thành, kêu Liêm Pha nguyên soái tới nói chuyện. Liêm Pha nghe tiếng trên thành kêu mình bèn ngửa mặt ngó lên thấy một người đã có tuổi, râu lại năm chòm diện mạo rất phương phi, đầu đội mão kim quang, mình mặc áo cẩm bào oai nghi lẫm lẫm bèn hỏi rằng:
- Người ở trên thành tên gọi là gi, kêu ta có việc chi xin nói?
Lão vương đáp rằng:
- Ta là Vương thúc của Tề vương, quyền coi việc chánh nước, vì Tuyên vương lánh nạn tới Đàm Thành, như Nguyên soái có vây hãm Lâm Tri thì cũng tốn công mệt sức, một lời lão nói chắc, chẳng phải đứa tiểu nhân, khuyên đó hãy dời quân, tới Đàm Thành thì biết.
Liêm Pha nói:
- Như Lão vương nói thiệt, thì bổn soái cũng nghe, nếu tới Đàm Thành không có Tuyên vương bổn soái ắt không phương dung thứ.
Lão vương thề thốt hết lời. Liêm Pha hết lòng mừng rỡ! Hồi sau truyền lệnh triệt binh chỉ Đàm Thành tấn phát. Quân Triệu đi không mấy ngày thì tới Đàm Thành, Liêm Pha truyền lệnh an dinh, rồi sai bốn con mình đi bốn cửa thành vây chặt, chẳng cho một người lọt ra khỏi vòng, nếu ai sơ lậu thì phải xử theo quân lệnh. (Ấy là binh pháp của Liêm Pha nghiêm minh dầu cho cha con cũng không vị tình, nên người ta gọi là: Liêm Pha phụ tử binh). Bởi cớ ấy cho nên quân sĩ nhất tâm, đánh đâu thắng đó. Bốn người con vânh lệnh, chia binh đánh bốn cửa, còn Liêm Pha thì ở trong dinh làm ứng viện.
Lúc ấy Tuyên vương ở nơi hành cung, xảy thấy quan Tổng binh ở Đàm Thành vào tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ, nước Triệu sai Liêm Pha tới đánh Lâm Tri, nay lại dời binh tới đánh Đàm Thành, xin bệ hạ định đoạt.
Tuyên vương nghe tấu cả kinh, liền dắt tay Yến Anh và bá quan lên địch lầu mà xem thế giặc. Thấy binh Triệu nhân cường mã tráng, đội ngũ chỉnh tề, vây chặt Đàm Thành một mảy lông chẳng lọt. Vua tôi đều lo sợ hãi hùng, rồi sau đó liền dẫn nhau xuống địch lầu hết. Qua ngày hôm sau Liêm Pha khiến Liêm Cang dẫm tám viên chiến tướng và năm trăm dũng sĩ tới cửa thành phía Tây mà hạ chiến thơ, Liêm Cang vâng mạng, tới kêu tướng giữ trong thành biểu rằng:
- Phải vào thông báo cho vua Tề hay, mau bó tay chịu trói và đem Chung xủ phụ ra đây, bằng không thì khó toàn tánh mạng.
Tướng giữ thành đem lời ấy vào tâu lại. Tuyên vương lấy làm buồn rầu, không biết sai ai đánh lui binh Triệu, vừa lúc ấy có một tướng bước ra tâu rằng:
- Ngu thân xin ra trận chém tướng lập công.
Tuyên vương coi lại là cháu mình tên Điền Bưu làm chức Đàm Thành Tổng trấn. Tuyên vương bèn dặn rằng:
- Ngự điệt có ra binh, phải đề phòng cho lắm mới đặng.
Điền Bưu cúi đầu vâng mạng, phát pháo mở cửa thành xông ra. Liêm Cang xem thấy rõ hỏi rằng:
- Tướng ra đó tên họ là gì?
Điền Bưu đáp:
- Ta là ngự điệt Tuyên vương làm Tổng trấn tên là Điền Bưu, mày mau xuống ngựa đầu hàng kẻo nhọc công ta ra sức.
Liêm Cang nói:
- Sự chết đã treo sau gót, mà còn múa miệng khua môi, ta quyết chẳng dung tay, đâm mày cho đổ ruột.
Nói rồi hươi đao tới đâm đùa. Điền Bưu cũng đưa thương ra đỡ, đánh hơn năm chục hiệp. Điền Bưu cả thua quày ngựa chạy dài. Liêm Cang giục ngựa chạy theo, đâm Điền Bưu té nhào xuống ngựa chết tốt. Liêm Cang vừa muốn cắt lấy đầu, kế bị quân Tề áp ra một lượt, giật thây Điền Bưu đem về thành phi báo. Liêm Cang thừa thắng giục binh tới khiêu chiến nữa, Tuyên vương khi ấy mới hỏi Yến Anh rằng:
- Nay ngự điệt đã tử trận rồi, còn có ai dám ra cự địch chăng?
Hỏi vừa dứt tiếng, xảy có một viên tướng chiến bước ra lãnh mạng. Tuyên vương xem lại người ấy làm chức Phó đô, tên An Thế Kỳ. Tuyên vương bèn cho đi. Thế Kỳ cúi đầu vâng dạ lui ra, cầm đao lên ngựa, phát pháo mở cửa xông ra trận. Liêm Cang xem thấy tướng Tề đầu đội mão vàng, mình mặc hồng bào kim giáp, râu dài mặt đen, tay cầm đại đao, mới hỏi rằng:
- Tướng kia tên họ là gì, mau xưng ra mà chịu chết.
Thế Kỳ đáp:
- Ta làm chức Phó đô, An Thế Kỳ là tên, mỗ quyết ra đây bắt thằng tiểu súc trả thù cho Điền Bưu.
Liêm Cang cả giận, hươi thương đâm đùa. Thế Kỳ cũng đưa đao ra rước đánh, hơn năm chục hiệp mà chưa định hơn thua, Liêm Cang liền sanh ra một kế, đâm bậy một thương quất ngựa chạy dài, Thế Kỳ tưởng thiệt, cũng giục ngựa đuổi theo, gần tới phía Tây môn trận của binh Triệu, Liêm Cang chỉ lén một cái, ngàn cân hỏa pháo liền bắn ra một lượt như mưa, An Thế Kỳ vừa người vừa ngựa đều tan xác, quân Triệu thừa thế đánh giết binh Tề, đuổi về tới cửa thành. Quân kỳ bài vào phi báo cho vua hay, Tuyên vương khóc lóc một hồi, thương tiếc Thế Kỳ là một người gan đồng dạ sắt, vì nước bỏ mình nơi chốn sa trường, chết một cách thảm thiết như vậy! Đương lúc than vắn thở dài, bỗng thấy một tướng tên Tiêu Bá bước ra tâu rằng:
- Xin chúa thượng đừng sợ, hao tổn mình rồng, tôi tuy bất tài cũng xin liều mình ra đền nợ nước.
Tuyên vương chuẩn tấu. Tiêu Bá tạ ơn cầm kích lên ngựa, dẫn theo một trăm tướng và năm trăm dũng sĩ phát pháo mở cửa thành xông ra. Liêm Cang xem thấy tướng Tề, đầu đội kim khôi, mình mặc lục bào huỳnh giáp, mặt như tô phấn, môi tợ thoa son, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm, bèn hỏi lớn rằng:
- Tướng Tề tên họ là chi, nói đi kẻo chết oan mạng?
Tiêu Bá đáp:
- Ta tên Tiêu Bá, làm chức Chưởng quân môn, còn mi sao dám dùng hỏa pháo ám hại tướng ta, quyết giết ngươi phen này mới đành lòng dạ.
Nói rồi liền hươi cây phương thiên kích ra đỡ, hai đàng đánh nhau hơn năm chục hiệp, sức cũng cầm đồng. Liêm Cang liền sanh ra một kế, tay trái thì cầm thương đỡ gật, còn tay mặt rút cây roi sắt ở sau lưng ra, đánh cây kích của Tiêu Bá một cái, gãy làm hai đoạn, Tiêu Bá tay không, chẳng có vật chi mà ngăn đỡ, lại bị Liêm Cang đánh bồi một roi nữa bể đầu, té nhào xuống ngựa chết tốt. Quân kỳ bài chạy vào phi báo, Tuyên vương chết điếng không biết tính làm sao, bèn hỏi chư tướng rằng:
- Chúng khanh có mưu kế chi hay, lui binh Triệu mà bảo hộ giang sơn chăng?
Nói vừa dứt lời có một tướng bước ra tâu rằng:
- Ngu thần xin lãnh mạng, bệ hạ chớ lo âu.
Tuyên vương nói:
- Như tướng nào có giao phong phải cho cẩn thận, chớ thằng nhỏ đó, thiệt là lợi hại vô cùng, dòng dõi của Liêm Hùng vẫn thiệt con nhà tướng.
Triệu Hựu tâu:
- Xin bệ hạ hãy bảo trọng long thể, để ngu thần bắt thằng nhỏ ấy mà báo cừu.
Nói rồi nai nịt, cầm đao lên ngựa dẫn theo năm trăm quân tâm phúc, phát pháo xông ra, hỏi rằng:
- Bớ thằng nhỏ kia! Mày biết ta là ai không? Ta nay làm chức Tổng binh, trấn thủ tại Đàm Thành, tên là Triệu Hựu, dân chúng thảy đều kính, sao ngươi chưa xuống ngựa nạp mình kẻo nhọc ta ra sức.
Liêm Cang thấy tướng Tề, đầu đội kim khôi, mình mặc liên hườn giáp, tay cầm đại đao, rất mạnh mẽ, mới đáp rằng:
- Ngươi đừng có phách để ta đưa về âm phủ cho rồi.
Triệu Hựu cả giận, hươi đao chém đùa, Liêm Cang cũng hươi thương rước đánh hơn một trăm hiệp, chưa định hơn thua. Liêm Cang dùng kế trá bại mà chạy qua phía đông, là chỗ giáo đội của Triệu binh mai phục, Triệu Hựu vô ý cứ theo đuổi hoài, vừa gần tới nơi quân pháo thủ bắn ra một lượt. Triệu Hựu bị đạn mà chết. Liêm Cang bèn quày ngựa trở lại, đánh giết binh Tề, rượt tới dưới thành khiêu chiến nữa. Quân kỳ bài đem việc ấy vào tâu cho vua hay. Tuyên vương thất kinh, té xỉu xuống đất, các quan đỡ dậy kêu cứu một hồi mới tỉnh, bèn thở ra mà rằng:
- Cũng vì trẫm say mê tửu sắc nên làm cho trong nước chẳng an, có ai mà phục đặng Liêm Cang thì trẫm sẽ chia hai bờ cõi.
Điền Năng khi ấy tâu rằng:
- Xin vương thúc hãy yên lòng ngu thần phen này xuất trận.
Tuyên vương nói:
- Như ngự diệt mà có xuất chiến thì trước hết phải đề phòng, như cháu phục nó chẳng xong, thì chú lại thêm lòng phiền muộn.
Điền Năng cúi đầu vâng mạng lui ra, cầm thương lên ngựa xông lướt trận đồ, tới kêu Liêm Cang mà rằng:
- Bớ Liêm Cang! Mày đừng khoe tài giỏi, trận này biết ai dở ai hay, mau xuống ngựa bó tay, nếu nghịch mạng ta phân thây muôn đoạn.
Liêm Cang nổi giận chẳng kịp hỏi tên, liền hươi thương đâm nhầu. Điền Năng cũng đưa thương rước đánh, một rồng một cọp chẳng ai thua ai. Tuyên vương ở trên vọng địch lầu xem thấy, Điền Năng thương pháp chẳng kém gì bèn khiến quân gióng trống mà trợ thế. Khi ấy Điền Năng đang giao trận say máu ngà, bỗng thấy tiếng trống giục trên thành thì đã biết ý, tinh thần càng thêm mạnh mẽ, đánh nhau hơn ba trăm hiệp mà thắng bại chưa phân. Liêm Cang tính kế trá bại, đặng dẫn dụ Điền Năng vào trong pháo đội, cho nên đâm bậy một thương rồi quày ngựa bỏ chạy qua phía tây. Điền Năng giục ngựa đuổi theo. Liêm Cang đã có ý mừng thầm, không dè Điền Năng đuổi được nửa đường sực nhớ bốn tướng trước bị chết, liền lui ngựa trở lại, thâu binh vào thành. Liêm Cang thấy Điền Năng trở vào thành rồi, cũng quày ngựa trở về thuật lai hết các chuyện đánh với tướng Tề năm trận, giết đặng bốn người cho cha nghe. Liêm nguyên soái mười phần vui đẹp, liền truyền dọn tiệc hạ công ăn mừng việc thắng trận.
Tiệc rồi sai Liêm Cang tới thành mà khiêu chiến nữa, quân kỳ bài vào cho vua hay. Tuyên vương nói với bá quan rằng:
- Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu, ấy vì trẫm mê hoa đắm tửu, đức mỏng ngôi cao, cho nên bữa ăn tiết Trung thu lại đem lửa đốt Chánh hậu, nếu như Chiêu Dương còn sống, thời nước Tề không đến nỗi này, còn Tiết Côn nó lại giẫn lẫy về Sơn Lăng mà giữ coi mồ mã, nếu nó đang còn phò tá, thời Liêm Cang đâu dám xưng hùng. Bây giờ phải viết một bức thơ biểu hàng, trói trẫm lại cho Liêm Pha phân xử, như vậy mới khỏi hại cho nội thành dân thứ, chư khanh hãy tính lẽ nào?
Yến Anh tâu rằng:
- Nếu bệ hạ bó tay mà hàng Triệu, thì giang sơn bỏ thác cho ai? Bây giờ phải treo miễn chiến bài, sẽ chờ ngày toan liệu.
Tuyên vương bất đắc dĩ cũng phải nghe theo, liền truyền lệnh cho quan Chánh ty, đem miến chiến bài ra treo ngoài cửa. Liêm Cang ngó thấy, liền trở về thưa cho phụ thân hay. Kế đó Liêm Pha sai quân về Hàng Đan báo tiệp.
Từ khi Tuyên vương treo miễn chiến bài rồi, bèn khiến quân sĩ trí thủ những đồ hỏa pháo, hõa tiễn gìn giữ thành trì, còn Liêm Pha cứ sai tướng tới công phá hoài, phá cũng không nổi.
Ngày tháng thoi đưa, từ bữa dẫn binh tới đánh Tề nay đã bàn ba tháng. Ngày kia vua tôi Tề vương đang ngồi bàn luận, bỗng cơ quan thủ thành vào tấu rằng:
- Nay trong kho lương tiền đã hết, dân hờn quân giận, kẻ khóc người than, quân sĩ đều ngã lòng sợ khi giữ thành không nổi nữa.
Tuyên vương nghe tấu ngửa mặt kêu trời hai hàng lụy ứa và nó chẳng ra lời, kế thấy quân kỳ bài vào báo nữa rằng:
- Liêm Pha đốc quân công thành rất gấp, xin bệ hạ toan định mưu chi đối địch.
Tuyên vương nghe báo ngơ ngẩn, giây lát kêu Yến Anh hỏi rằng:
- Tiên sinh ơi, nay trẫm bị vây tại đây, hầu gần ba tháng lương tiền đã hết, cứu binh cũng không, như vậy quốc phá thân nguy, nhơ danh muôn thuở, thôi chi bằng trẫm tự vẫn cho rồi, còn giang san còn mất phú thác cho trời, sống chịu nhục với người, chẳng hơn chết cho an phận.
Yến Anh tâu:
- Tôi chẳng oán Liêm Pha vây khốn, chỉ trách vì bệ hạ chẳng minh mà thôi, tôi đã can đừng sủng nạp Yến Bình, ắt có việc chiến tranh họa hoạn mà bệ hạ chẳng nghe, nay bệ hạ đòi tự vẫn, nếu vua chết thì tôi sống ở lại thờ ai? Còn bây giờ ngặt vì Trương phi còn ở lại tây cung, tôi e bệ hạ muốn chết mà chết không đặng, cũng bởi gây nên thù oán đem lãnh cung đốt ra tro, nếu như Chánh cung sống đến bây giờ thời bệ hạ cứ say mê tửu sắc.
Tuyên vương nói:
- Tiên sinh ơi, dầu tiên sinh với triều thần chẳng nói gì thì trẫm cũng đã biết rồi, vì trẫm hôn quân thâu công chúa thật tưởng làm vợ chồng, nay biết hối ngộ thì đã chẳng kịp, như tiên sinh có kế gì lương sách, quả nhân cũng phải vâng theo.
Yến Anh tâu:
- Bây giờ xin bệ hạ tha tội, thì ngu thần mới dám tỏ phân, có một vị cứu tinh, cha con Liêm Pha phải sợ, đã huy lui binh Triệu lại thêm tá trợ Tề bang làm cho xã tắc vững an ngàn danh thơm muôn thuở sử sách.
Tuyên vương nghe nói cả mừng, liền đứng dậy cầm tay Yến Anh mà rằng:
- Tiên sinh ôi, người cứu tinh đó tên là gì, bây giờ ở đâu, xin nói cho trẫm biết?
Yến Anh tâu:
- Tôi đêm xem tinh thượng, thấy Chung nuông nương còn sống ở dương trần. Như nuong nương chịu xuất thân, mới hay lui binh Triệu đặng.
Tuyên vương nghe nói lắc đầu mà rằng:
- Có khi tiên sinh sợ cha con Liêm Pha lợi hại nên phát bệnh điên cuồng hay sao? Chớ lúc trước trẫm đốt Chánh cũng đã cháy rụi. Chung hậu và cung nga đều chết hết rồi, có lẽ đâu đã thác mà sống lại bao giờ, thây xác thấy sờ sờ. Điền Công hãy còn giữ mả.
Yến Anh nghe vui nói cười và tâu rằng:
- Số là bệ hạ chưa thấy rõ pháp lực. Chung hậu tá hỏa liền bay về làng Pháp Mã, cung nga đều sống cả, chẳng hề chết một người, còn những thi hài là đồ bàn ghế, thiệt Chung hậu còn sống trên dương thế, như chẳng tin sai quan tới đó sẽ hay trước là cầu cứu người, sau nữa tỏ bày chân giả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.