Chuyện Cũ Của Lịch Xuyên (Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên)

Chương 62: Phiên ngoại 3:Sau khi Lịch Xuyên trở lại




Tuần thứ hai sau khi Lịch Xuyên về Côn Minh, anh nhận được vài thùng to gửi từ Thụy Sĩ : xe lăn, thuốc hay dùng và quần áo của anh. Sau đó gần như cứ hai tuần chúng tôi lại tới bưu điện một lần, những đồ được gửi tới bao gồm đồ ăn, văn phòng phẩm, ga giường và chocolate. Bà nội của Lịch Xuyên thậm chí còn gửi tới một chiếc sô pha đơn mà Lịch Xuyên hay dùng. Chúng tôi không ngừng nhận đủ loại thùng về nhà dưới ánh mắt tò mò của nhân viên bưu điện, mấy thứ đồ đó được nhét đầy các góc, xe lăn đã được nhét xuống gầm giường ngay ngày đầu tiên xé vỏ.
Lúc trước khi làm việc, vì hay đi họp, đàm phán và gặp khách hàng, Lịch Xuyên một ngày tám tiếng đều mang chân giả. Đối với người bị cắt cụt mà nói, đây là một chuyện vô cùng khó chịu và cần nghị lực. Cả người anh sẽ chảy mồ hôi rất nhiều, nếu không cẩn thận bị ngã, còn có thể bị gãy xương. Sau vài lần bệnh nặng, những vị trí bị phẫu thuật trên người anh càng yếu ớt hơn.
Thời gian sử dụng chân giả đã bị hạn chế rất nhiều, gần hai năm nay anh đã bị bắt chuyển sang dùng nạng đôi.
Nhưng mà chỉ cần còn có thể đứng lên, Lịch Xuyên tuyệt đối sẽ không dùng xe lăn. Anh nói xe lăn khiến anh trông giống người tàn tật.
Nghe được câu này làm tôi xấu hổ muốn chết.
Lịch Xuyên lại sửa lại, anh là người tàn tật, nhưng anh không muốn trông thật tàn tật.
Tôi tiếp tục xấu hổ.
Lịch Xuyên nói rằng mặc dù anh đã chấp nhận bộ dạng của mình nhiều năm rồi, cũng biết có một số việc không tiện để làm, nhưng anh không thích người khác dùng thái độ đối xử với người tàn tật để đối xử với anh.
Đối với anh. Nói cụ thể ra, thì anh không thích bị người khác chú ý hoặc chăm sóc đặc biệt. Cho dù chỉ là vô tình lộ ra trong cách nói chuyện thôi cũng sẽ khiến anh cảm thấy rất không tự nhiên.
Anh chỉ muốn làm một người bình thường, muốn mọi người dùng thái độ bình thường đối xử với mình.
Mà tôi, Tạ Tiểu Thu. Về mặt này lại là một tấm gương xấu.
Ngày thứ 3 sau khi trở về, anh vì không quen khí hậu nên sốt cao một lần, tôi đưa anh đi bệnh viện, khẩn trương như sắp tận thế tới nơi vậy. Lịch Xuyên chỉ tiêm một mũi hạ sốt liền về nhà, chết sống không chịu nằm viện. Anh không dám ở lại bệnh viện lâu, sợ tôi chịu không nổi.
Tôi nói thần kinh tôi không yếu như vậy, anh vẫn tốn nguyên một buổi tối để an ủi tôi. Nói cho tôi biết bệnh tình của anh tốt hơn rất nhiều rồi, trước mắt không có dấu hiệu chuyển biến xấu, kêu tôi cứ việc yên tâm
Tiếp theo anh lại giải thích cho tôi từng thuật ngữ y học một, còn lấy mấy lọ thuốc hay dùng ra cho tôi xem.
Mặc dù như vậy, nhưng tôi vẫn thức trắng một đêm.
Tôi sợ Lịch Xuyên chết trong lòng tôi, còn sợ hơn việc anh rời đi khi còn sống.
Kể từ hôm đó, Lịch Xuyên bắt đầu gọi tôi là honey.
Chúng tôi mở thùng thứ hai nhét đầy quần áo của Lịch Xuyên ra. Đồ tây nguyên bộ, cà vạt, sơ mi, áo thun, quần bò, giầy, đồ lót…tất. Tôi nghĩ, có thể là Tế Xuyên và René lôi tất cả mọi thứ trong tủ của Lịch Xuyên ra, sau đó nhét hết vào chiếc thùng to gần bằng cái tủ lạnh này.
Toàn bộ quần áo đều được lấy ra, chất đầy trên giường.
“Lịch Xuyên,” tôi thở dài “Trung Quốc là một quốc gia dệt may, em không biết tại sao anh trai anh còn phải gửi quần áo cho anh, đâu phải không mua được ở đây đâu.”
“Quốc gia dệt may? Sao anh không biết?”
“Con đường tơ lụa chắc anh cũng biết đi?”
Anh dừng lại một chút, nói : “Honey, anh không tùy tiện mua quần áo.”
“Vậy sao có nhiều đồ vậy–”
“Anh thích cái nào thì mua cái đó thôi. Quần áo trong đống này đều rất vừa người, có hơn một nửa là may theo số đo. Đặc biệt là quần.”
Anh lấy một chiếc quần bò ra : “Em xem, chiếc quần bò như thế này em đâu có mua được đâu.” Anh mặc vào cho tôi xem, quả nhiên vừa khít. Ống quần bên phải bị cắt tận gốc, đường may rất vừa vặn.
“May cái này cũng đâu có khó, chẳng lẽ Côn Minh không may được?”
“Côn Minh may cũng được, nhưng anh không thích bị người ta đo.”
Đúng là lập dị, tôi cười : “Như vậy, gửi mớ quần áo này tới là ý của anh?”
“Đúng vậy.” hai mắt Lịch Xuyên sáng ngời nhìn tôi, “Anh chỉ mặc quần áo do chính mình chọn, và quần áo do thợ may riêng của anh may. Period.”
Mỗi khi anh bị tôi hỏi tới hết kiên nhẫn, liền thích dùng từ này : period. Chấm hết.
“A, còn nói anh không có tính cách thiếu gia…đúng là đồ tiểu tư sản.”
Mười năm qua thời gian tôi sống cạnh Lịch Xuyên không dài lắm. Tính tổng cộng tất cả các ngày chúng tôi ở cạnh nhau không quá một tháng, mỗi lần đều ở khách sạn cao cấp với phương tiện đầy đủ. Hoặc là căn hộ xa hoa.
Chúng tôi chưa từng ở trong kiểu nhà lầu tối đen cổ xưa với hàng hiên đầy rác như vậy.
Lịch Xuyên vừa tới đây được một ngày liền bắt đầu làm vệ sinh. Ngày nào cũng rửa chén, nồi, nắp nồi, ngay cả chai nước tương cũng không tha. Sau đó bắt đầu lau bàn, lau nhà, chà bồn cầu, đổ rác. Tôi gọi anh là “dọn dẹp cuồng”. Anh nói tiếng Đức cũng có từ này, là “Putzteufel” (quỷ dọn dẹp). Lịch Xuyên còn mở rộng phạm vi dọn dẹp ra tới toàn bộ hàng hiên của tầng một, đều được hàng xóm nhất trí khen ngợi.
Lịch Xuyên có năng lực cân bằng khiến người ta kinh ngạc. Anh có thể đứng thẳng trong một thời gian dài, ngẩng đầu ưỡn ngực, không hề nhúc nhích, nếu không nhìn phía dưới, thì thậm chí không thể nhìn ra là anh chỉ có một chân. Lịch Xuyên nói, anh là cao thủ trượt tuyết, xém nữa bị huấn luyện viên giật dây đi tham gia Đại hội thể thao dành cho người tàn tật rồi. Nhưng lúc đó anh toàn tâm toàn ý muốn làm kiến trúc sư, nên lại thôi.
Nói tới đây tôi lại hỏi anh : “Không phải anh học Kinh tế à? Tại sao lại đổi nghề?”
Câu trả lời nằm ngoài dự kiến của tôi : “Vì anh trai anh.”
“Vì anh trai anh?”
“Sau khi phẫu thuật, anh trai anh sợ anh học đại học không thể chăm sóc cho bản thân được, quyết định chuyển trường tới Chicago. Đại học Chicago cũng có khoa Kiến trúc, chỉ có điều không bằng Havard. Anh suy nghĩ một hồi, thay vì anh ấy chuyển trường thì không bằng anh chuyển. Vì vậy anh chuyển qua Havard.”
“A…Havard!” tôi nhớ tới bộ phim “Câu chuyện tình yêu” nổi tiếng kia, “Có theo đuổi cô nào không?”
“Mấy năm đầu anh rất ít tham gia hoạt động chung,” anh nói “Việc học rất nặng, ép tới mức người ta thở không nổi. Hôm nào anh cũng học tới rạng sáng.”
“Có cần liều mạng như vậy không?”
“Bố anh từng dạy trong khoa đó, anh không muốn làm ông mất mặt.”
“Ai, Lịch Xuyên, xem những gì anh từng trải qua, xem đi xem lại cũng là một bộ tiểu thuyết đó nha.”
Anh nhéo tai tôi.
Tôi kéo chiếc tủ năm ngăn duy nhất trong phòng ngủ ra, nhét tất cả quần áo của mình vào hộp giấy.
Lịch Xuyên ngăn tôi lại : “A, anh đâu có ý này đâu.”
“Quần áo của anh mắc như vậy, phải cất giữ cẩn thận. Quần áo của em đều rất rẻ, nhét vào đâu cũng được.”
“Không được, mỗi người một nửa, nếu không ngày mai anh đi mua một chiếc tủ quần áo mới.”
“Đừng mua, phòng nhỏ quá bỏ không vừa. Vậy mỗi người một nửa đi.”
Chúng tôi ngồi trên giường, tốn hơn một tiếng đồng hồ gấp mỗi chiếc quần áo thành một cục thật nhỏ, nhét từng cái từng cái một vào tủ.
Một lát sau, Lịch Xuyên đứng dậy tìm nạng. Tôi tới phòng khách đưa cho anh đôi nạng chống khuỷu anh hay dùng.
Đôi nạng làm bằng hợp kim này được chế tạo dựa theo chiều cao của anh. Tay cầm màu đen, màu kim loại sáng bóng, vừa nhẹ tâng lại vừa cứng vô cùng.
Tôi cầm trên tay đo đo, lại so so, bỗng nhiên phát hiện một vấn đề lớn.
“A, Lịch Xuyên anh xem nè, hàng Thụy Sĩ của anh cũng có hàng giả! Chiều dài của hai chiếc nạng này không giống nhau!” tôi nhịn không được tức thay anh “Anh dùng lâu như vậy mà cũng không phát hiện à?”
Thật ra Lịch Xuyên có tới vài đôi nạng như vậy, lúc mới quen biết anh vẫn dùng hiệu này, tôi đưa cho anh rất nhiều lần, lại chưa bao giờ quan tâm tới vấn đề chiều dài.
“Tới đây tới đây, honey,” anh lấy ra một chiếc bút, một tờ giấy “Để anh phổ cập cho em một chút kiến thức về người tàn tật.”
Tôi ngồi xuống cạnh anh, thấy anh vẽ một hình người nho nhỏ trên giấy : “Anh thiếu chân phải, nên lúc đứng dậy trọng tâm sẽ lệch về phía bên trái, đúng không?”
“Đúng.”
“Vai anh cũng sẽ nghiêng qua bên trái.”
“Đúng.”
“Để giữ vững trọng tâm và sự thoải mái lúc di chuyển, nạng bên phải sẽ cao hơn một chút.” Nói xong anh dùng nạng gõ nhẹ đầu tôi một cái, “Cho nên đây không phải là hàng giả kém chất lượng.”
Tôi ngây ra, hỏi : “Hồi giờ vẫn là như vậy à? Kể từ ngày em quen biết anh, nạng của anh vẫn là một cao một thấp như vậy à?”
“Đúng vậy.”
“Mà em lại chưa bao giờ phát hiện?” vẻ mặt tôi vô cùng mất mát.
“Điều này rất bình thường, em đâu có cần dùng nạng đâu.” Anh an ủi tôi.
“Ít nhất cũng nói lên em là một người thật vô tâm!”
“Anh không nói như vậy…”
“Hèn gì nhiều năm như vậy anh cũng không để ý tới em!”
“Không phải như vậy…”
“Em không đủ tiêu chuẩn, em mới là hàng giả kém chất lượng!”
Tôi đột nhiên khóc rống lên, nước mắt giàn giụa.
“…”
“Honey–” anh kéo tôi ra khỏi giường, ôm chặt lấy tôi “Trên đời này không ai đủ tiêu chuẩn bằng em hết.”
Sau đó anh bắt đầu thề, sẽ ở cạnh tôi vĩnh viễn, thọ lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long, kiếp này vĩnh viễn sẽ không chia xa…blablabla…
Lịch Xuyên không phải là một người thích thề thốt, hơn nữa không thích lấy những chuyện quan trọng ra để thề. Nhưng một khi phát hiện tôi không khống chế cảm xúc được, thề thốt sẽ thành chiêu cuối cùng để an ủi tôi, anh bắt đầu lặp đi lặp lại mấy câu lời ngon tiếng ngọt đó. Dùng giọng nói trầm thấp đầy hấp dẫn thì thầm bên tai tôi. Giống như Phật đang hát vậy. Tôi liền khôi phục lại sự trầm tĩnh, tính tình trở lại bình thường trong tiếng hát của Phật.
Tôi dần dần tin tưởng quyết định rời đi vào chín năm trước của Lịch Xuyên là chính xác. Năng lực xử lý nguy cơ tình cảm của tôi kém xa tôi nghĩ, mặc dù vậy tôi lại có năng lực lảng tránh những nguy có đó tốt hơn dự kiến.
“Nói cho em biết, Lịch Xuyên, khi anh bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bố anh có giấu diếm anh không?”
“Không.” Anh nói “Ông còn trước tiên nói cho anh. Còn cho anh biết loại bệnh này tỉ lệ sống sót thêm năm năm chỉ có từ ba mươi phần trăm tới năm mươi phần trăm.
Tôi trách : “Lúc đó anh mới có 17 tuổi, bố anh tin chắc rằng anh có thể thừa nhận được sự thật này à?”
“Có thể bố anh cho rằng anh có vẻ tough hơn. Nếu là anh trai anh, thì bố sẽ giấu bớt một phần.”
Tôi ôm tay : “Nhưng anh lại cảm thấy em không thể thừa nhận sự thật này?”
“…lại nữa rồi.”
“Vì em là phụ nữ, phụ nữ là loại động vật có tình cảm yếu ớt.”
“Phụ nữ cũng có người kiên cường.”
“Nhưng em lại không kiên cường?”
Anh nhìn tôi, không biết nên trả lời như thế nào.
“Em không kiên cường chỗ nào?”
“…”
“Lấy một ví dụ thử xem?”
“Ví dụ như, anh đã bỏ đi rồi, mà em vẫn viết mấy trăm lá thư?”
“Đó là kiên cường, bám dai như đỉa là kiên cường.”
“Come on.”
“Điều này chứng tỏ thần kinh của em rất vững, cho dù anh đá như thế nào cũng không được.”
“…”
“Vì vậy anh sai rồi, lúc ấy anh phải cho em biết chân tướng.”
Anh vỗ vỗ mặt tôi, nghĩ nghĩ, bỗng nhiên nói : “Em đã biết chân tướng rồi, vậy anh nói cho em một chuyện vậy.”
“Nói đi.”
“Hôm qua có người gọi điện thoại cho anh, em tiếp, đúng không?”
“Đúng. Ông ta nói tiếng Đức nên em không hiểu.”
“Ông ấy là bác sĩ của anh.”
Mặt tôi lập tức trắng bệch.
“Trước khi tới Côn Minh anh từng chụp X quang ngực. Phát hiện ba chấm rất nhỏ trên phổi anh. Họ nghi ngờ ung thư lại di căn, nhưng không chắc lắm, phải đợi sáu tuần nữa mới đi chụp lại được…”
Tôi ngơ ngác nhìn anh, đầu trống rỗng, trong khoảnh khắc không thể hô hấp.
Sau đó tôi ngã thẳng xuống.
Lúc tỉnh lại tôi phát hiện mình đang nằm trong vòng tay của Lịch Xuyên, miệng cay xè.
Là rượu, rượu mạnh.
Tôi nhìn anh không hiểu, anh chỉ chai rượu xái trên bàn : “Anh vô cùng tin tưởng rằng thần kinh cứng rắn của em không ngất, chỉ có đầu em ngất mà thôi.”
Sau đó nước mắt tôi bắt đầu trào ra, cả người run lên nhìn anh : “Đây là…sự thật à?”
“Đương nhiên không phải.” anh thở dài, lấy di động ra, ấn một số : “Đây là bác sĩ phụ trách của anh, biết nói tiếng Anh, không tin tự em hỏi đi.”
Bác sĩ của Lịch Xuyên tên là Herman, ông ta dùng tiếng Anh mang đầy âm Đức giải thích bệnh tình hiện tại của Lịch Xuyên với tôi. Anh nói mặc dù sức khỏe của Lịch Xuyên chưa khôi phục tới trạng thái lý tưởng, nhưng tốt hơn năm ngoái rất nhiều. Không điều tra ra chỗ di căn nào mới cả. Nhưng ông ta có nói thêm, bệnh nhân như Lịch Xuyên, khả năng di căn luôn luôn tồn tại. Cho nên, just live with it.
Tôi lo lắng nhìn anh, nửa ngày không nói gì.
“Honey, em sao rồi?” anh ôm lấy mặt tôi, lấy lòng cười “Thật xin lỗi, không nên giỡn ác như vậy. Em đúng là ngã xuống một cái “rầm” luôn. Anh còn nghĩ không biết em có thể chịu đựng được bao nhiêu giây. Còn chóng mặt không? Muốn uống gì không? Anh đi rót nước trái cây cho em.”
“Vương Lịch Xuyên…anh dám đùa giỡn em.”
Sợ nghe tôi gào rú, anh nhặt nạng lên đi vào bếp nhanh như chớp.
Anh bỏ nước trái cây trong một chiếc bình đậy kín mít đưa cho tôi, tôi nốc một ngụm lớn, át đi mùi rượu trong miệng.
Sau đó, tôi bám riết không tha hỏi : “Bác sĩ đã nói anh không sao rồi, tại sao sáng nay anh lại ở trong toilet hơn hai tiếng đồng hồ? Có phải có dấu hiệu gì khác không?”
Lịch Xuyên ngủ sớm, tôi thích ngủ nướng, trước kia chúng tôi chưa bao giờ giành toilet. Bây giờ anh đã trở lại, tôi muốn tranh thủ càng nhiều thời gian ở cạnh nhau càng tốt, vì vậy cũng bắt đầu dậy sớm.
Vấn đề đã xuất hiện.
“OK, tiếp theo là báo cáo của anh. Anh xuống giường uống thuốc, vào toilet đi vệ sinh 2 phút. Sau đó cạo râu, 10 phút, đánh răng 2 phút, tắm rửa 30 phút.
Đi ra chải đầu 5 phút, mặc đồ 5 phút. Anh còn làm gì nữa? À, đúng rồi, ai đó kêu hoa tai hư rồi, anh sửa cho em mất 30 phút, sửa rất chăm chú, không thấy một chiếc khác đã rơi vào lỗ thoát nước của bồn rửa, vì lấy chiếc hoa tai kia ra anh tốn…không biết nữa, có lẽ là 30 phút–”
“…Lịch Xuyên anh lải nhải quá.”
“Chưa nói xong, tiếp tục. Anh ra ngoài mua sữa đậu nành và bánh rán, quên mang ví tiền của em. Anh hỏi ông chủ có lấy đồng france của Thụy Sĩ không, ông ta kêu sợ là tiền giả, còn nói có biết em nên nợ cũng được. Ông ta hỏi anh muốn bánh gì, anh kêu bánh bình thường là được rồi. Nhưng ông ta lại nói bánh rán của Võ Đại Lang là ngon nhất. Anh hỏi ông ta Võ Đại Lang là ai, ông ta nói Võ Đại Lang là nhân vật trong “Thủy Hử”. Anh nói anh đọc “Thủy Hử” rồi, tại sao không biết Võ Đại Lang? Ông ta nói nếu anh không biết Võ Đại Lang chứng tỏ anh chưa đọc “Thủy Hử”. Anh nói anh nghe bạn gái của mình kể “Thủy Hử” rồi, bạn gái của anh tuyệt đối chưa từng nhắc tới Võ Đại Lang. Ông ta tức giận, nói một là bạn gái của anh là đồ lừa đảo nếu không thì là người nước ngoài. Anh nói bạn gái của mình là người Vân Nam, ông ta không tin. Ông ta nói lần sau em đi mua sữa đậu nành nhất định phải giải thích rõ ràng…”
“Anh nói mệt chưa?”
“…sau đó anh đi về, nửa đường gặp được bà cụ nhà bên. Bà ấy nói sữa đậu nành ở chỗ đó bị pha loãng rồi, không bằng tự xay, giới thiệu máy xay sữa đậu nành hiệu Cửu Dương. Anh nói nhất định anh sẽ mua một cái…”
“Anh làm ơn đừng nói nữa, em sắp điên luôn rồi!”
“Vậy em nói đi, tại sao anh không biết ông Võ Đại Lang kia?”
“Được rồi, câu chuyện em kể cho anh không phải là “Thủy Hử”, mà là “Kim Bình Mai””
“Trong “Kim Bình Mai” không có Võ Đại Lang à?”
“Có, nhưng em không nhắc tới. Nếu nhắc tới chắc chắn anh sẽ thấy Phan Kim Liên là một người đàn bà hư hỏng.”
“Rốt cuộc thì cô ta có hư hỏng hay không?”
“Ừm, về điều này…Lịch Xuyên, văn hóa của Tổ Quốc ngàn năm tinh thâm, chỉ riêng vấn đề này thôi cũng đủ viết luận văn Tiến sĩ rồi. Còn bây giờ, chúng ta không nói tới vấn đề này nữa, đi mua đồ ăn đi.” tôi vỗ vỗ vai anh, “Sau này buổi sáng anh muốn làm gì thì làm, trăm ngàn lần đừng báo cáo với em.”
Lúc ra ngoài Lịch Xuyên mặc một chiếc áo thun màu trắng, quần bò màu lam.
Tôi xách giỏ mua đồ đi với anh. Chợ cách nhà không xa, đi bộ khoảng 20 phút là tới. Tôi có chút nhớ nhung thời gian anh chỉ dùng nạng đơn, chúng tôi có thể tay trong tay giống một cặp tình nhân đang yêu nhau say đắm. Bây giờ anh dùng nạng đôi, tôi muốn ôm tay anh, lại phát hiện như vậy chỉ gây cản trở anh hành động. Thậm chí tôi không thể đi quá gần anh, vì người dùng nạng cần không gian rộng hơn người bình thường.
Cho nên, live with it. Học cách thích ứng. Có thể sống với Lịch Xuyên là tôi đã quá thỏa mãn rồi, tôi không thể có những thứ kia được.
Chúng tôi đi dọc một con phố nhỏ về hướng đông, được khoảng 10 phút, chúng tôi đi ngang qua một sạp bán trái cây, Lịch Xuyên bỗng nhiên ngừng lại.
Tôi nghĩ anh muốn mua trái cây, nói với anh : “Đợi lúc về lại mua. Nếu mua bây giờ, xách theo nó đi siêu thị, đem đi gửi, rồi lại xách về. Rắc rối lắm.”
Anh không trả lời, chỉ buông một tay ra, ôm eo tôi vô cùng tự nhiên. Ôm rất chặt, cằm đặt trên trán tôi. Anh vốn thích dùng cằm cọ cọ trán tôi từ hồi trước, nhất là lúc râu mới mọc ra. Giống như muốn viết chữ lên đó nhưng lại làm cho tôi rất ngứa.
Tôi ngẩng đầu, kinh ngạc nhìn anh.
Anh buông tay xuống, tìm được tay tôi, nắm lại thật chặt, cúi đầu nhìn trái cây bày trong sạp, hỏi : “Đó là táo Fuji à?”
“Ừm…chắc vậy.”
Tôi đang hưởng thụ niềm hạnh phúc vào lúc này.
Lịch Xuyên đã trở lại, tôi không thể tin được đây là sự thật. Nắm chặt tay anh lại theo bản năng, dựa vào ngực anh theo bản năng, nghe tiếng tim đập của anh theo bản năng.
Trong lòng bàn tay chúng tôi đều có mồ hôi, ẩm ướt nắm lại cùng nhau, trong phút chốc tôi đột nhiên ngẩn ra, cả người không khỏi lung lay một chút.
“Sao vậy?” anh đỡ lấy tôi, “Không thoải mái?”
“Không…không biết.” tôi dựa vào người anh, mồ hôi lạnh tuôn ra đầy lưng “Em đột nhiên mơ một giấc mơ.”
“Em?” anh nhíu mày “Ban ngày ban mặt mà nằm mơ?”
“Đúng vậy.”
“Mơ thấy cái gì?”
“Em mơ…em mơ chúng mình đứng chung một chỗ…mua táo.”
Anh chán nản nhìn tôi một cái, xem xét xem tôi đang nói tiếng người hay nói tiếng quỷ, thở dài một hơi, muốn nói gì đó, rốt cuộc lại ngậm miệng lại, chỉ ôm chặt lấy tôi.
Bà chủ chạy ra chào hỏi : “Chào hai em! Đây là táo Fuji đỏ mới nhập về đó, vừa to vừa tươi ngon, chị có thể bán rẻ một chút.” Bà chủ không chỉ có cái đầu to gấp đôi của tôi mà còn mặc một chiếc áo lông màu mè. Bàn tay đeo một hàng nhẫn vàng, trước ngực còn đeo một sợi dây chuyền thật to.
Lịch Xuyên chọn trái to nhất : “Mua một trái thôi được không?”
Bà chủ hơi ngạc nhiên, gật gật đầu : “Được. Trái này to quá, chị phải cân đã. Mà thôi khỏi, trả 2 tệ đi.”
Anh lấy ví ra, đưa cho bà ta 100 tệ.
“A, nhiều tiền vậy à? Hai em có tiền lẻ không?”
Chúng tôi đồng thanh nói : “Không có.”
“Vậy hai em trông sạp hộ chị một lát, để chị đi đổi tiền.”
“Không sao, không vội.”
Bà chủ đi cả buổi, tôi cũng không nói gì, vẫn đang ngẩn ra dựa vào người Lịch Xuyên. Một lát sau, Lịch Xuyên thấp giọng hỏi : “Honey, em mơ xong chưa?”
“Chưa…chưa xong.”
“Được rồi đó tiểu thư, mấy biểu cảm vừa rồi của em đủ để quay một bộ phim tình cảm rồi. Đó, chính là vẻ mặt này.” Anh làm điệu bộ cô gái ôm má khát khao về tương lai.
Tôi bị chọc cười : “Vậy à? Không thể nào! Bộ em tuyệt vọng tới mức đó à?”
Lịch Xuyên nhìn nhìn tôi, lại nhìn nhìn trời, thở dài thật sau :
“God. What have I done to this woman.” (Thượng Đế ơi, con đã làm gì với cô nàng này vậy.)
Tôi làm bộ muốn giận.
Anh vội vàng nói : “Tối nay anh phục vụ.”
Bà chủ thối cho chúng tôi một xấp tiền lẻ.
“Làm phiền, ở đây có chỗ rửa không? Tôi muốn rửa quá táo này.” Lịch Xuyên hỏi.
“Trong nhà có, em không tiện, để em ấy rửa đi.” bà chủ nhìn chân anh, cả ánh mắt và lời nói đều thể hiện trắng ra.
“Không không, đương nhiên là tôi rửa.”
Lịch Xuyên vào trong nhà rửa táo, tôi đứng trước sạp chờ anh. Bà chủ cười tủm tỉm nhìn tôi : “Bạn trai của em rất chu đáo.”
“Đúng vậy.”
“Bộ dạng cậu ta rất được.” bà ta nói thêm
“Đồng ý.”
“Em có chịu gả cho cậu ta không?” bà đột nhiên hỏi.
“Có.”
“Bố mẹ em đồng ý à?”
Đáp án này rất phức tạp, nói ngắn gọn : “Sẽ.”
Bà ta bỗng nhiên lấy khăn tay ra nức nở : “Trước đây cũng có một người đối xử tốt với chị như vậy, nhưng chị lại vì tiền mà gả cho người khác. Hu…hu…chị chưa bao giờ hối hận như hôm nay!”
Tôi vội vàng ôm bà ta. Bà ta dựa vào người tôi khóc lu loa mười phút, nước mắt làm ướt đẫm áo sơ mi của tôi.
Lịch Xuyên cầm quả táo rửa rồi đứng bên cạnh, cảm thấy vô cùng kì lạ, chỉ phải ra hiệu cho tôi, dùng tiếng Anh hỏi : “What happened?”
Tôi bất đắc dĩ nhìn anh, thấp giọng nhỏ nhẹ nói, an ủi người đàn bà đau khổ kia.
Cuối cùng, rốt cuộc cảm xúc của bà ta cũng ổn định lại, chúng tôi bắt tay tạm biệt với bà ta. Lịch Xuyên nhét quả táo vào tay tôi : “Hai người phụ nữ thành một bộ phim tình cảm, cho dù có quen biết hay không. – Côn Minh, đúng là một thành phố phong phú!”
“Đừng nói vậy, người ta chỉ nhớ tới chuyện đau buồn thôi mà.”
“Em ăn quả táo này đi.”
“Đang yên đang lành ăn táo làm gì?”
“Không phải kiếm chuyện cho em làm trên đường đi sao?” anh cười “Nếu không em cứ mơ mộng hão huyền miết, sớm hay muộn cũng rơi xuống ao.”
Tôi hay đi siêu thị ở phố đông trước khi Lịch Xuyên trở về, chủ yếu là mua mì ăn liền. Sau khi Lịch Xuyên trở về, tôi không đi lần nào nữa. Vì buổi sáng anh thích đi chợ, nói đồ ăn buổi sáng tươi ngon. Anh còn học làm mì, tải từ trên mạng xuống một đống thực đơn, có một lần còn làm bánh bao cho tôi ăn.
Chúng tôi mua một ít rau và trái cây. Lịch Xuyên chỉ ăn nhẹ, khống chế vô cùng nghiêm khắc, mà khẩu vị của tôi lại rất nặng, không cay không vui. Vì để anh không cần làm một món mà chỉ có mình tôi ăn, tôi cũng học ăn nhẹ. Nhưng anh vẫn mua tiêu. Loại hạt tiêu mà người Tứ Xuyên thích.
Kết quả ở chỗ bán hạt tiêu, Lịch Xuyên bị một bà cô khoảng 50 tuổi chặn lại.
Bà cô đó đầu tiên là đứng một bên đánh giá Lịch Xuyên, qua một phút, vẻ mặt nghiêm túc đi tới trước mặt chúng tôi.
Tôi cảm thấy bà cô đó trông rất quen, nhất định là tôi đã gặp ở đâu rồi, nhưng nghĩ mãi mà không ra.
Nhưng vẻ mặt đau khổ thảm thiết của bà cô lại khiến chúng tôi giật mình.
Môi bà ta run run một chút, hỏi : “Cháu trai, tình huống bên kia thế nào? Mọi người khỏe không?”
Lịch Xuyên cầm một gói tiêu, nhìn bà ta, không hiểu rõ ý của bà ta lắm : “Cô ơi, ý cô là tình huống…ở bên kia?” “Vấn Xuyên đó. Cháu mới về từ khu thiên tai đúng không? Tình hình trùng kiến bên kia thế nào rồi? Phường cô ủng hộ một xe đầy quần áo mùa đông. Bà già như cô không giúp đỡ gì được, liền quyên góp 500 tệ. Quê của cô ở Tứ Xuyên mà, một đứa cháu của cô cũng bị tàn phế, thật khổ a…tuổi nó cũng xấp xỉ của cháu, còn chưa kịp cưới vợ nữa. Cháu trai, nhìn tinh thần của cháu tốt như vậy, khôi phục cũng tốt đó!”
Chuyện gì đang xảy ra vậy trời!
Tôi ngây đơ ra đó, hóa đá.
Lịch Xuyên ơi là Lịch Xuyên, anh mua mớ hạt tiêu đó làm chi để bây giờ người ta hiểu nhầm anh là người Tứ Xuyên vậy.
Động đất ở chỗ đó, Lịch Xuyên đương nhiên biết, chúng tôi cũng có quyên góp. Lúc này tôi mới nhớ tới bà cô làm việc cho ủy ban phường. Lúc đó hộ khẩu của tôi ở Bắc Kinh, còn tới chỗ bà ta làm tạm trú.
Tôi nhìn nhìn Lịch Xuyên, vẻ mặt của anh thật kì quái. Vẻ mặt xấu hổ chỉ có thể có ở trên mặt người nước ngoài.
Lịch Xuyên nhìn nhìn tôi, cầu cứu, tôi giơ hai tay lên, lực bất tòng tâm
Tôi có thể nói gì? Chẳng lẽ nói cô ơi cô nhận nhầm rồi, anh chàng này tàn tật không phải vì động đất, mà là vì ung thư?
Nói như vậy chắc chắn sẽ không làm bà cô giật mình, nhưng chắc chắn sẽ làm tôi giật mình. Vì tôi vô cùng dị ứng với hai chữ “ung thư”. Nếu có thể, tôi thà cả đời cũng không nhắc tới.
Giằng co vài giây, Lịch Xuyên nhẹ nhàng ho khan một chút, sau đó, rất can đảm vươn tay ra thật thận trọng, nắm tay bà cô kia, nói với bà ta thật chân thành :
“Cô ơi, cảm ơn cô đã quan tâm. Cháu đại biểu nhân dân vùng bị thiên tai cảm ơn cô.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.