Tác giả: Bạch Đường
"Mẹ nó mày có nghe lời tao không? Hả, tao nói mày có nghe không?"
Người đàn ông quát lên thật to, sừng sộ. Giọng ông phì phò như kéo bễ và mặt mũi đỏ gay lên. Bàn tay ông to bè như nải chuối, vụng về giơ lên một cây roi sáng loáng, giống như giây kế tiếp có thể quất nó chan chát đó vào người tôi.
Tôi trợn mắt lên nhìn ông ta, có lẽ ông nghĩ đây là một sự thách thức, bàn tay bệ vệ hạ xuống, rồi nghe bốp một tiếng. Ngay khoảnh khắc đầu chỉ là một cơn đau nhoi nhói, cho đến khi nóng rát lan tràn khắp nửa người tôi, mồ hôi trên người túa ra, tôi mới nhận ra ông đã ra tay mạnh thế nào.
Người đàn ông đang tức giận này là cha tôi.
Ông gằn giọng: "Tao nói thì mày phải nghe, đồ khốn nạn này!"
Tôi đã chai lì với những lời mắng chửi của ông từ lâu, cũng không thể phủ nhận sự sợ hãi đang xâm chiếm tay chân làm chúng bủn rủn, cũng như nỗi khiếp vía đang choán lấy đầu óc làm tôi mụ mị. Nhưng tôi biết mình không thể mãi mãi im lặng.
"Không - đời - nào!"
Tôi gào lên, trong giây lát làm chết sững những người có mặt trong phòng, người đàn ông giận dữ như một trăm cái bếp lò được đốt cùng một lúc, hay người phụ nữ đang đứng sau phên cửa, choáng váng, không thể tin được nhìn chằm chằm vào tôi.
Mẹ tôi lao vào phòng, trước khi cha tôi kịp phản ứng lại, bà tóm lấy vai tôi. Ngón tay gầy nhẳng của bà bấu chặt vào da thịt làm tôi đau tới nhíu mày, bà thét.
"Mày điên rồi hả, sao lại dám trả treo với cha mày như thế, mau lên, xin lỗi cha mày đi!"
Tôi gân cổ: "Không! Đừng có hòng! Không đời nào tôi để mấy người bán tôi đi đâu!"
Bây giờ không chỉ cha tôi, mà cả mẹ cũng phát rồ lên, giọng của bà đâm thẳng vào màng nhĩ: "Đồ mất dạy! Đồ mất dạy!"
Bà vừa mắng chửi vừa cấu véo tôi: "Ai dạy cho mày ăn nói như vậy! Sao mày dám nói vậy hả! Hôm nay tao phải giết chết mày, đẻ ra mày chẳng thà tao đẻ cái trứng rồi luộc lên ăn còn hơn! Chẳng thà tao đẻ con chó để nó còn biết giữ nhà, chứ không như mày, lớn tướng rồi có biết cắn lại mẹ cha! Đồ bất hiếu, thằng chó đẻ!"
Tôi để mặc cho bà nhéo khắp người, để mặc bà nắm tóc tôi, giật lấy giật để đầu tôi. Câu nói vừa rồi như đã lấy hết sức lực cả người tôi.
Mình đúng là thằng mất dạy, tôi nghĩ trong đầu, không lí nào tôi có thể thốt ra những lời khốn nạn đến vậy với cha mẹ tôi, nhưng có thể làm gì khác được chứ.
Trước mắt tôi nhòe đi, không biết là mồ hôi hay nước mắt, tôi đưa tay quệt lấy, cảm nhận vị mặn đến đắng chát lan tỏa trong không khí.
Mẹ tôi đánh được một lúc thì bắt đầu gào khóc, trong khi cha tôi hung hãn đánh đổ bộ bàn ghế gỗ duy nhất trong nhà.
Tôi ngước mắt lên nhìn cha mẹ xuyên qua mái tóc xổ bù xù, lòng dạ rối bời, chẳng ai có thể nói được câu gì nữa. Mẹ đã ngưng đánh tôi, khắp người tôi ê ẩm đau đớn, còn cây roi vẫn được cha nắm chặt trên tay. Sau khi đống ghế gỗ ọp ẹp đổ hết, ông quắc mắt nhìn sang tôi, rồi xăm xăm bước đến, kéo chặt tay mẹ tôi.
Mẹ tôi phát ra một tiếng ú ớ uất nghẹn, rồi bị ông xô qua một bên, người đàn bà nhỏ thó đó dễ dàng bị người cha to con của tôi đẩy đi, rồi ông đã đến trước mặt tôi.
Mặt mũi ông đỏ như một con trâu đực chuẩn bị húc cặp sừng to mọng của mình vào kẻ địch, tôi đang nhìn lại vào ông, cho dù từng mạch máu trong người tôi sôi sục nỗi sợ hãi đê hèn, thôi thúc tôi mau chóng bỏ chạy.
Hơi thở phì khỏi mũi ông, ông vung tay lên.
Tôi biết mình chẳng thể chạy thoát được.
______
Có lẽ là sau một hai canh giờ, tôi tỉnh lại. Bốn phía tối đen như mực. Thoạt đầu tôi chẳng cảm nhận được bất cứ điều gì, tay chân thõng xoài vô lực. Tôi nằm đó, cũng không chắc mình đã mở mắt hay chưa, bởi vì xung quanh chỉ có một màu đen kịt. Đầu óc tôi xây xẩm như tương, dễ phải có một khắc sau đó tôi mới hoàn toàn tỉnh táo.
Khi tôi ngồi dậy, nhận ra dưới thân mình là mặt đất. Mùi gỗ mục nát hôi thối thoang thoảng bên mũi, trộn lẫn với đủ thứ mùi kì lạ chỉ biết là không dễ chịu chút nào. Tôi ngoái nhìn khắp phía, nhận ra một khe hở ánh sáng hoàn toàn tách biệt với bốn phía âm u. Tôi tiến về phía cái khe đó.
Ánh sáng như vàng lỏng rót vào gian phòng tối mịt nhỏ bé này, tôi nhìn thấy từng hạt bụi nhỏ bé li ti chay lên, trông như những hạt vàng lấp lánh. Tôi cảm thấy khắp người đau đớn, nỗi đau càng lúc càng rõ ràng hơn, và bụng tôi kêu gào rối rít, quặn lên từng cơn như nhắc nhở tôi đã trôi qua chao lâu.
Dựa trên màu sắc ánh sáng và nhiệt độ trong phòng, tôi đoán bây giờ đã sắp đến giữa trưa.
Tôi đã ngất đi từ chiều hôm qua cho đến tận bây giờ.
Môi tôi khô rang, nứt nẻ, tôi khẽ liếm nó một chút, rồi nhăn mặt vì đau đớn, có lẽ nó đã bị nứt, miệng tôi nếm được mùi tanh ngòn ngọt của máu. Tôi đẩy lưỡi qua lại hai bên má, làm nó phồng lên, cố để bản thân quên đi cơn đói khát đang dày vò.
Có tiếng bước chân loạt xoạt bên ngoài, rồi một cái chén được đẩy vào qua khe cửa.
Đó là tay của mẹ tôi. Tôi tiến lại gần, nghiến răng vì đau, nhưng không thể ngăn cản mình chụp lấy cái chén, bên trong đầy ắp nước. Tôi uống từng ngụm một, có lẽ là hơi gấp gáp, bởi vì nước đang đổ tràn một ít xuống cổ tôi.
Uống hết cả chén mới thấy sức lực dần trở lại, có lẽ mẹ tôi cũng nhận ra tôi đã tỉnh và cầm lấy chén nước, giọng của bà vang lên sau tấm gỗ.
"Mày đã biết sai chưa?". Truyện Xuyên Không
Tôi đặt cái chén qua khe cửa, nhưng không đáp lại lời bà.
Mẹ tôi cũng dự đoán được là tôi sẽ không đáp, giọng bà đầy bực tức: "Đúng là thằng cứng đầu cứng cổ, tao nói cho mày biết, chuyện này đã định rồi, cha má mày đã nhận sính lễ của người ta, mày có phản đối cũng vô dụng thôi. Mày đừng có chọc tức cha mày nữa, nếu không ngay cả nước cũng không có mà uống đâu!"
Tôi không đáp lại, bà tức tối đá một cái lên cửa rồi bỏ đi. Đợi khi tiếng bước chân xa dần rồi tôi mới thả lỏng người, nằm sấp xuống mà nhìn ra ngoài khe cửa.
Chỗ tôi bị nhốt là một căn phòng cũ nát mà cha tôi hay gọi là nhà kho. Nơi đây từng là chái nhà cũ của gia đình ông nội, cho đến khi mái nhà vỡ ra một lỗ thủng còn vách tường thì lụp xụp, thì gia đình tôi xây một dãy nhà mới ở bên cạnh nơi này, phòng mới được đắp bằng đất nên bền chán, mặc dù đến bây giờ thì phòng mới cũng cũ nát không kém gì nơi này rồi.
Nghĩ đoạn, tôi mò mẫm trong bóng tối. Nơi đây có hàng hà những thứ vô dụng đến nỗi ném ra đường cũng không ai thèm nhặt, một đống củi ẩm ướt, những chiếc sọt rách bươm thủng đáy, mảnh sắt rỉ sét – phần còn lại của một con dao bầu, những dây ngô khô rang và mốc meo vì nhà dột, hay những cây tre gẫy vụn không đều mà tôi đã tha về từ trên núi, định bụng làm vài món thủ công gì đó để trang trí thêm cho căn nhà.
Tôi mò mẫm được một cây tre, bởi vì chính tôi đã cất nó vào nên mới dễ tìm đến vậy, rồi dựa theo trí nhớ mà thọt lên trần nhà.
Sau một hồi cố gắng, cuối cùng tôi cũng thành công đục ra một cái lỗ to tướng, cũng chính là phần mái nhà bị hỏng ngày xưa, cha tôi đã dùng ít tranh để che tạm nó lại, để nhà kho này không đến nỗi mốc hết cả lên vì trời mưa.
Ánh sáng lọt vào căn phòng bé tí, chiếu rọi lấy nơi chưa từng hứng ánh mặt trời lần nào suốt vài chục năm nay.
Nơi này còn dơ hơn tôi nghĩ nữa, may mắn thay cha tôi đã không ném tôi vào đống sọt mốc kia. Vì ánh sáng bất ngờ mà có một số con vật không được con người hoan nghênh cho lắm đang chạy trốn tứ tán, phần lớn chui vào đáy những chiếc sọt, có hàng đống rắn rít, không biết có độc hay không, có con nhỏ tí hin bằng ngón tay út, cũng có con lớn như ngón chân, soạt một cái đã không thấy đâu nữa.
Tôi ngồi xuống, dựa lưng vào cánh cửa, có lẽ đây là nơi sạch sẽ nhất gian phòng. Tôi giở tay áo lên xem, vết tím bầm là mẹ tôi ngắt, còn vết đỏ rướm máu là do cây roi mây kinh khủng kia. Tôi là người đã lên núi để chặt nó về cho cha tôi, khốn nạn là, cho dù đã cố gắng tìm thế nào đi nữa, cũng không thể tìm ra một cây đánh không đau.
Tôi không sờ lên vết thương của mình, mà chậm rãi chải lại mái tóc. Hôm qua có lẽ mẹ tôi đã bứt đi không ít sợi, nhưng tôi mừng là chúng vẫn còn dày mượt lắm.
Hay là cắt quách nó đi nhỉ, tôi nghĩ vẩn vơ, có lẽ trở nên xấu xí sẽ ngăn cản ý định gả tôi đi của cha má chăng? Nhưng chỗ này đừng hòng tìm ra vật gì sắc nhọn. Với cái mảnh sắt kia, chưa cắt được tóc tôi đã tự cưa đứt tay mình đầu tiên, sau đó chết một cách oan uổng.
Tôi bắt đầu nghĩ về những lời mẹ vừa nói với tôi. Đã nhận sính lễ luôn rồi ư? Nhanh thật đấy, tôi, sắp sửa phải gả cho một người không biết là tròn hay méo, gầy hay ốm, trẻ hay già rồi?
Tất nhiên không thể nào là một người đàng hoàng được. Bởi vì tôi tự biết mình cũng chẳng có cửa.
Nhưng, gả?
Tôi nhìn xuống bộ quần áo mình đang mặc, không sai, cho dù có thêm một bộ phận nào đó khác thường, tôi, cũng, là, một, người, đàn, ông!
Gả cái đéo!
Tôi nhìn quanh quất khắp nơi, vọng tưởng sẽ tìm được cái thang cũ rích của cha tôi, họa may tôi có thể chạy khỏi phòng này, kiếm gì đó bỏ vào bụng. Cha má sẽ chẳng cho tôi chút thức ăn nào đâu, tôi biết thừa, cũng không thể chịu chết như thế.
Nhưng làm tôi thất vọng rồi, cha tôi quả thật rất cẩn thận, trong phòng không hề có bất cứ thứ gì có thể giúp tôi trèo lên, chỉ bằng đống sọt mốc và cây trúc mỏng dánh này, tôi có mọc cánh thành tiên mới họa may mà thoát được!
Tạm thời bỏ cuộc, tôi ngồi xuống, chậm rãi suy nghĩ kĩ càng những chuyện xảy ra trong hai hôm nay.
Trở lại hôm trước, khi tôi đang quấy cám trong bếp. Một nồi cám to, tràn đầy những lá rau dại, vỏ khoai lang, vỏ bí đỏ, bắp chuối, dây lang, có lẫn cả một ít rơm rạ.
Con heo nhà chúng tôi vừa tròn sáu tháng tuổi, đã là một chú heo choai choai mượt mà, cha tôi đã mang nó về hồi tết, không biết là bằng cách gì. Tôi chỉ biết ông ra ngoài từ tối hôm trước đến tận tối hôm sau rồi trở lại với một khuôn mặt bầm tím mệt mỏi, đưa con heo nhỏ còn chưa dứt sữa cho mẹ con tôi, rồi loạng choạng đi vào phòng ngủ.
Vì nuôi con heo nhỏ này mà ngày nào tôi cũng phải dậy khi trời chưa sáng, một mình đi lên núi hay lén lẻn xuống đường ruộng nhà Lý viên ngoại, hái trộm một ít rau dại của lão. Lý viên ngoại có hàng trăm mảnh ruộng, nhưng rõ ràng lão ta không phải một người hào phóng. Bất kỳ thằng ranh mắt toét hay con đĩ đượi nào dám lén phén xuống ruộng của lão mà đào trộm rau hay bắt ốc bắt cua, lão bắt được sẽ cho người đánh một trận tàn nhẫn.
Nhưng vì con heo nhỏ nhà chúng tôi, tôi vẫn dốc lòng đi kiếm ăn từ sáng tới tối chỉ để đút no nó, đặc biệt là khi nó được nửa tuổi, càng ăn nhiều tợn hơn so với lúc còn bé. Mỗi ngày tôi đi từ sáng tới tận chiều mới kiếm đủ cơm cho nó, mà con heo vẫn không thể nào mập lên được. Cũng phải, nhà chúng tôi chẳng đủ lương thực để nuôi nó, thóc gạo để tự ăn còn chẳng đủ.
Tôi biết cha định bán nó đi, không thể nuôi nổi nữa, ông cũng thường phát cáu vì tôi cứ biến mất cả ngày, không thể ra đồng phụ việc cho ông, mà có ra cũng toàn lúc giữa trưa, khi người ta đi nghỉ hết rồi. Bởi vì cha không muốn để người khác nhìn thấy tôi.
Tôi năm nay đã mười bảy tuổi, nhưng chẳng quen lấy một ai trong làng, nơi đi xa nhất cũng chỉ là chái núi nhỏ bên cạnh thôn, và đâu đó dăm mẩu ruộng quý báu của Lý viên ngoại.
Bởi vì làng Phú Quý bé tí, có chuyện gì xảy ra chỉ dăm phút là từ đầu tới cuối làng đều biết, mà cha má tôi cũng chẳng ngờ tôi đẻ ra lại dị dạng đến vậy. Đến khi định thần lại thì ai ai cũng biết rồi, người nhiều chuyện thì xúm lại xem tôi, còn cha tôi thì nổi trận lôi đình chưa từng thấy trong đời, vác dao đòi đâm đòi chém đủ người – chuyện này do bà hàng xóm của tôi kể lại mà biết.
Quay trở lại, cũng vì tôi dị dạng, mà chuyện hoang đường như trên mới xảy ra.
Cha mẹ muốn gả tôi đi.
Lúc bị cha kêu ra nhà nói chuyện, tôi có thêm trăm cái đầu cũng không nghĩ tới chuyện này.
Nhưng nghĩ kĩ lại thì thấy cũng có lí. Không gả tôi thì phải thế nào đây? Sắp tới tháng tám, cha mẹ phải đóng học phí cho Tiểu Hổ.
Tiểu Hổ là em trai tôi, năm nay nó mười tuổi, đi học tư thục ở thôn bên được bốn - năm năm rồi.
Trần tiên sinh khen nó sáng dạ, cha mẹ tôi càng dốc túi ra mà hiếu kính ông, cuối cùng, một phần do thằng nhỏ giỏi giang, một phần nể tình mấy giạ thóc lúa của cha mẹ tôi, Trần tiên sinh để Tiểu Hổ ở lại phụ giúp nhà cửa, cũng tiện bề chỉ dạy nó đôi điều.
Cho nên mỗi tháng Tiểu Hổ chỉ về nhà một lần, còn lại quanh năm khuất bóng, mỗi lần nó về nhà, tôi đều có cảm giác nó cao lớn hơn trước, giống như chỉ thoắt một cái thằng củ cải ôm chân tôi đã thành thiếu niên choai choai, tối ngày niệm hết thơ này tới thơ kia.
Trước đây nhà tôi cũng đủ ăn đủ mặc, không đến nỗi không nuôi được con heo, nhưng vì để Tiểu Hổ được tiên sinh giữ bên cạnh dạy dỗ, cha mẹ tôi phải dốc hết vốn liếng, chưa kể là do tôi dị dạng còn làm bại hoại gia đình, cha mẹ tôi còn phải cố gắng gấp bội để Tiểu Hổ được ở lại.
Một trong số chục đứa trẻ được ở lại phụ giúp tiên sinh.
Quay trở lại với vấn đề của tôi. Nhưng cho dù tôi dị dạng, cha mẹ cũng đã nuôi tôi như một thằng đàn ông mà!
Trước khi Tiểu Hổ sinh ra, tôi cũng từng được đi học hai năm. Năm tuổi cha mẹ đã gửi tôi đi học rồi, gửi tới chỗ còn xa hơn Trần tiên sinh, nhưng hai năm sau, một cô gái bên làng tôi gả sang thôn đó, rồi tiên sinh cũng biết chuyện của tôi. Sau đó nữa thì Tiểu Hổ ra đời, cha mẹ bèn cho tôi thôi học, về nhà phụ giúp gia đình.
Cha mẹ vẫn luôn xem tôi như một thằng con trai, cho dù cha tôi từ nhỏ đã lạnh lùng với tôi, còn mẹ luôn cấu nhéo tôi trong bếp, mắng tôi là đồ ăn hại.
Cho đến khi Tiểu Hổ sinh ra, tôi mới biết không phải đứa con nào cũng là đồ ăn hại.
Nhưng đòi gả tôi đi thì quá lắm rồi.
Phải làm sao đây? Nếu tôi bỏ đi, cha mẹ có đóng học phí cho Tiểu Hổ được không? Con heo nhà tôi có bán đi cũng chẳng được mấy lượng thịt.
Lẽ nào Tiểu Hổ phải bỏ học à?
Tôi ôm chặt lấy chính mình, thẫn thờ nhìn đàn kiến bò tới bò lui trước mặt.
Còn gả đi?
Có thể gả cho ai được kia chứ? Tôi điểm qua một loạt những gã đàn ông trong làng, âu cũng nhờ bà thím miệng rộng hàng xóm của chúng tôi, dù tôi chẳng quen được một ai, nhưng qua cái miệng của bà, có cảm giác tôi và cả cái làng này đều là người thâm giao chí cốt. Nhà ai có mấy đứa con vợ chồng lục đục thế nào tôi cũng đều biết hết.
Nghĩ tới một đối tượng, tôi thầm rùng mình, đúng con mẹ nó rồi!
Không thể sai được!
Chính là Ngô què!
Ngô què là một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi, không có vợ con gì, đã thọt chân còn hám rượu, mỗi ngày chuyện làm nhiều nhất là say bí tỉ rồi phá làng phá xóm, ăn cắp trứng gà trứng vịt của thôn dân. Thím Hoa hàng xóm nhà tôi cũng bị gã thó mất cái trứng mà tức điên lên được, xỉ vả hết cả cha ngày trời, chao nhiêu từ ngữ xấu xa đều đem ra dùng hết.
Nên trong đầu tôi chỉ nghĩ ra được đúng gã này là sẽ chịu lấy tôi, bởi vì thím Hoa nói gã độc thân mấy chục năm nay rồi, thèm vợ tới điên lên được. Cơ mà gã lấy đâu ra sính lễ để hỏi cưới tôi nhỉ?
Trời ơi, không lẽ tôi phải gả cho Ngô què thật sao?