Cô Dâu Đỏ

Chương 3:




Khi tiến lại gần nhìn kỹ hơn, tôi mới phát hiện ra người đến đón tôi chính là bác cả.
Thấy tôi đến, sắc mặt của bác rất khó coi, bác nói với tôi: “Nếu đã thất bại rồi vậy ta cũng không hỏi con tại sao làm gì, mau chạy đi!”
Tôi hỏi bác cả: “Con biết chạy đi đâu bây giờ?”
Bác cả nói: “Xe máy này ta đã đổ đầy xăng cho con rồi, người sợ quỷ ba phần, quỷ sợ người bảy phần, cứ chạy vào trong thành phố, đến nơi có đông người, ma quỷ sẽ không dám đến gần đâu. Nhưng nửa đêm thế này, cũng không biết nơi nào còn nhiều người nữa!”
Tôi vội nói: “Quán nét trong thành phố đông người, rất nhiều chỗ ở!”
Bác cả vội móc trong túi ra một cái phong bì khá dày rồi nói với tôi: “Vậy tốt rồi, con cầm số tiền này theo, đợi người nhà đến đón đi. Nhớ kỹ chưa đến được nơi an toàn thì đừng mở phong bì ra, người xưa nói tiền bạc không nên để lộ, bên trong có hơn mười ngàn tệ, sống một mình bên ngoài nhưng cũng đừng để người nhà phải lo lắng.”
Tôi liên tục gật đầu, cảm động đưa mắt nhìn bác rồi vội leo lên xe máy.
Trước khi vặn ga, tôi vẫn không nhịn được quay đầu nhìn lại lần nữa.
Người giấy đó đã ở cách tôi một khoảng khá xa, rất nhanh đã không còn thấy đâu nữa.
Khi này tôi mới thở phào nhẹ nhõm, lập tức lên đường.
Bác cả vẫn còn không yên tâm, ông chạy đuổi theo tôi, dặn dò: “Bất kể xảy ra chuyện gì, tuyệt đối đừng quay đầu!”
Tôi đáp một tiếng “được”, tốc độ càng lúc càng nhanh, trái tim đang treo lơ lửng cuối cùng cũng được thả lỏng.
Đường núi lúc nửa đêm không có nhiều xe, nhưng tôi cũng không thể lái quá nhanh.
Bởi vì trên đường có nhiều khúc cua, nếu không cẩn thận có thể lao ra khỏi lan can.
Tôi lái xe máy, đang suy tính đến thành phố rồi phải làm sao, đột nhiên lại nhìn thấy một bóng người lờ mờ xuất hiện trước mặt.
Mới đầu tôi còn nghĩ là chuyện tốt, bởi vì ở nơi có hơi người, ma quỷ sẽ không dám lại gần.
Thế nhưng khi tôi tiến sát đến, trái tim vốn đã thả lỏng của tôi giờ đây lại giật nảy lên.
Trước mặt tôi không phải là người sống.
Mà đó là sáu con người giấy, đang khiêng quan tài đi phía trước tôi.
Vừa nãy chúng còn đuổi theo tôi, giờ đây lại đổi thành tôi ở phía sau đuổi theo chúng.
Tôi theo bản năng muốn quay đầu, nhưng chợt nhớ tới lời mẹ và bác cả đã từng dặn, bất kể xảy ra chuyện gì, tuyệt đối cũng không được quay lại!
Tôi chỉ có thể cắn răng tiếp tục chạy về phía trước, đột nhiên những người giấy đó nháo nhào quay đầu lại, rõ ràng thân thể chúng vẫn đang đi về trước, nhưng đầu lại quay về phía sau.
Khi tôi đến gần hơn, người giấy bỗng phát ra tiếng hét chói tai.
“Chú rể tới rồi.”
Tôi sợ đến mức chân mềm nhũn đi, tiếp tục rồ ga chạy tới.
Lúc tôi chạy qua, người giấy đột nhiên rì rầm nói:
“Anh ta không dừng lại, không phải là chú rể rồi.”
Tôi nuốt nước bọt, đè nén nỗi sợ trong lòng, đợi khi đã lái đi xa rồi, tôi mới quay đầu nhìn lại, những người giấy đó cuối cùng cũng đã biến mất khỏi tầm mắt.
Thế nhưng đến đoạn đường tiếp theo, chúng tôi lại gặp nhau lần nữa.
Sáu con người giấy đó khiêng quan tài, và mỗi khi chúng biến mất khỏi tầm mắt tôi, chúng sẽ lại xuất hiện ở phía trước lần nữa.
Chúng tôi đều đang đi về hướng thành phố, nhưng bất luận tốc độ của tôi có nhanh đến đâu, cũng đều không thể thoát khỏi đám người giấy khiêng quan tài đó.
Mỗi khi tôi đi ngang qua, chúng sẽ đồng loạt quay đầu nhìn tôi.
“Chú rể đến rồi.”
“Anh ta không dừng lại, không phải là chú rể rồi.”
Tôi không dám đếm xem mình đã đi qua chúng bao nhiêu lần, trong đầu bắt đầu nghĩ bản thân có thể bình an trốn đến thành phố hay không?
Càng nghĩ tâm trí tôi càng trở nên hỗn loạn.
Đột nhiên, phía trước xuất hiện một cái bóng, doạ tôi sợ mất hồn, đợi đến khi tôi tiến lại gần mới phát hiện có người ném chai thuỷ tinh ra giữa đường.
Nửa đêm trời vốn dĩ đã tối, nhưng lúc tôi phản ứng lại được thì đã quá muộn rồi, xe máy cán lên chai thuỷ tinh, lập tức chao đảo, mất thăng bằng, ngã mạnh xuống đất.
Tôi đội mũ bảo hiểm nên không vấn đề gì, nhưng bao thư trong người rớt ra, tiền rơi đầy mặt đất.
Tôi sợ đến mức vội vã quay đầu nhìn lại, may mà đám người giấy đó đang cách tôi rất xa rất xa, miễn cưỡng mới có thể nhìn thấy.
Tôi vội nén đau, nhặt đống tiền dưới đất lên.
Rất nhanh tôi đã phát hiện, bên trong phong bì ngoại trừ tiền còn có một tờ giấy.
Tôi nghi hoặc cầm tờ giấy lên xem, trên đó có chữ viết nhưng do đèn đường quá mờ nên tôi không thể nhìn rõ, tôi đi đến ngồi bên cạnh xe máy, dùng đèn xe rọi vào.
Nội dung bên trên khiến tôi sững người ngay tại chỗ.
“Con à, lúc con nhìn thấy bức thư này, có lẽ đã qua giờ tý, con đã an toàn, mẹ cũng đã thế mạng cho con xong rồi. (Giờ tý: Từ 11h đêm đến 1h sáng)
Thật ra ngay từ đầu mẹ đã muốn chết thay con, nhưng mẹ biết con sẽ không chấp nhận điều đó, nên mới dùng đến cách thức ngu ngốc này.
Con là con trai của mẹ, mẹ biết tâm hồn con lương thiện, mẹ tin con nhất định sẽ không hy sinh người khác.
Có được đứa con trai như con là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời mẹ.
Mẹ nhớ con, kiếp sau vẫn là mẹ con.”
Nội dung trong thư khiến tôi trơ ra như phỗng.
Nước mắt tôi bắt đầu rơi không ngừng, tí tách tí tách trên phong thư.
Ngay từ khi bắt đầu mẹ đã biết tôi sẽ không bỏ mặc Tiểu Trúc không lo, hoá ra không phải mẹ muốn hy sinh Tiểu Trúc, mà muốn lén lút ở sau lưng tôi tự hy sinh bản thân mình!
Nước mắt tôi rơi như mưa, tôi dựng xe máy lên, xem thời gian trên điện thoại.
Mẹ không biết là tôi sẽ đọc được lá thư này trước thời hạn, bây giờ là 11 giờ 40 phút tối, vẫn chưa quá giờ tý.
Mẹ đã nói muốn tôi đi về phía trước, tuyệt đối không được quay đầu lại, muốn tôi ngoan ngoãn để mẹ làm vật hy sinh cho mình.
Tôi cắn chặt răng, quay đầu xe, rồ ga chạy về hướng cổng làng.
Nếu như tôi có thể chấp nhận hy sinh mẹ mình chỉ để cho bản thân được sống, vậy thì cho dù tôi có thể sống lâu trăm tuổi thì cũng có ý nghĩa gì đâu! Khi tôi quyết định quay về, rõ ràng mọi thứ đã khác hẳn.
Đáng lẽ trên đường quay về tôi sẽ phải gặp lại đám người giấy khiêng quan tài đó, thế nhưng cả con đường đều không thấy bóng dáng chúng đâu cả.
Suốt chặng đường về, yên tĩnh không bóng người.
Mãi cho đến khi sắp tới cổng làng, cuối cùng tôi mới nhìn thấy một cỗ quan tài được khiêng ở phía xa xa.
Đó là cô dâu ma, đang đứng trên nắp quan tài.
Tôi không ngừng trấn an bản thân đừng sợ, không cần sợ, mẹ vẫn đang chờ tôi đến cứu.
Nhưng lúc tôi tiến lại gần, tôi lại ngẩn người.
Vẫn là sáu con người giấy khiêng quan tài đó, nhưng bây giờ đã có sự thay đổi.
Một trong số những người nâng quan tài bây giờ, vậy mà lại là mẹ tôi!
Đôi mắt mẹ đờ đẫn, sắc mặt trắng bệch, mũi chân mẹ kiễng lên, dùng bả vai nâng một góc quan tài.
Tôi bước xuống xe, ngơ ngác đi về phía đó.
Cô dâu ma mặc váy cưới, từ trên cao nhìn xuống tôi, đột nhiên cô ta cất giọng nói lạnh lùng:
“Ta bảo vệ chàng hai mươi năm, chàng lại làm trái lời hứa, không xứng làm chồng của ta. Nếu đã như vậy, ta sẽ để mẹ chàng làm nô lệ của ta, vĩnh viễn không thể siêu sinh.”
Cô dâu ma xua tay, đám người giấy lập tức xoay người về một hướng khác, đồng thời mẹ tôi cũng nhấc chân, định rời đi cùng họ!
Lòng tôi hoảng loạn, vội vàng quỳ xuống đất, lo lắng đến mức bật khóc nói: “Đây đều là do mẹ tôi tự quyết định, không liên quan đến tôi! Tôi cầu xin cô, bà ấy vô tội, tôi tình nguyện nhận tội thay bà.”
Cô dâu ma bỗng dừng lại.
Cô ta xoay người nhìn tôi hồi lâu rồi hỏi: “Chàng muốn nhận tội thế nào?”
Tôi cắn răng, quyết tâm nói: “Mẹ là người nuôi tôi khôn lớn, tôi vẫn chưa để bà được hưởng phúc ngày nào. Cầu xin cô, cho dù có bắt tôi lóc xương trả cha, lóc thit trả mẹ giống Na Tra, tôi cũng sẵn sàng!”
Đột nhiên, cô dâu ma bật cười.
Cô ta nhếch miệng nhưng ánh mắt lại không hề có chút vẻ gì là đang cười, khoé miệng cong đến tận mang tai một cách kì dị.
“Được, vậy ta cho chàng một cơ hội. Trước sáng ngày mai, nếu như chàng có thể lấy cái chết tạ tội ở nơi cha chàng đã tự sát, hôn ước của chúng ta có thể tiếp tục, ta sẽ tha cho mẹ chàng một con đường sống.”
Cô dâu ma vừa nói xong câu này, đám người giấy kia liền nhấc quan tài lên khiêng đi.
Tôi không ngừng lau nước mắt, nhìn theo bóng lưng mẹ.
Bà ấy cứ xa cách như vậy, hoàn toàn không nhận ra tôi nữa rồi.
Thân là con cái, sao tôi có thể để bà trở thành nô lệ, mãi mãi không thể siêu sinh chứ?
Tôi đứng dậy như kẻ mất hồn, nghĩ đến nhà bà ngoại.
Đó là một ngôi nhà cũ kĩ nằm sâu trong rừng, bà ngoại tôi đã sống ẩn dật ở đó, cha tôi cũng tự sát ngay tại đó để tạ tội.
Không ngờ hôm nay, lại đến lượt tôi.
Tôi đã từng đi bái tế bà ngoại, nên tôi biết căn nhà cũ đó ở đâu.
Nhưng trước tiên tôi phải quay về nhà đã, cầm theo đèn pin, sẵn tiện xem xem tình trạng của Tiểu Trúc thế nào.
Ít nhất thì cậu ấy đã bình an, chỉ là vẫn còn yếu như trước, tôi không tìm ra chìa khoá để mở khoá cho cậu ấy, bèn cho cậu ấy ăn chút đồ, lúc rời đi tôi cầm theo đèn pin, cửa cũng không đóng lại.
Như vậy cho dù tôi chết đi, đợi đến khi người khác đi qua cũng có thể nhìn thấy Tiểu Trúc đang bị nhốt trong nhà.
Tôi mang theo đèn pin một mình đi vào trong rừng, đến nhà của bà ngoại.
Đã rất nhiều năm không có ai sống trong căn nhà cũ đó, nhưng mẹ tôi cứ luôn nhớ đến bà, thường hay đến phụ trông coi.
Tôi ngồi trước cửa, lặng lẽ nhìn mảnh đất trống đó.
Hồi đó, cha tôi đã chết ngay tại đây.
Ông ấy làm vậy là để tạ tội cho việc nhờ bà ngoại ra tay cứu tôi.
Nghĩ đến đây tôi chợt giật mình.
Ngôi nhà cũ của bà ngoại, liệu có phải là hy vọng cuối cùng không?
(Còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.