Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông

Chương 1.1: Dẫn truyện




Dẫn truyện: 1937, rời bến
 Mấy hôm nay mưa dầm liên miên, giờ cuối cùng mưa cũng tạnh nhưng sắc trời không hề trong trẻo mà vẫn nặng trĩu như màu một con sông vẩn đục.
 “Cửu Nhi, hé cửa ra đi, mùi mốc nồng quá.”
 “Dạ.”
 Cô bé năm tuổi nũng nịu vâng lời, bé vịn chiếc ghế nhỏ đứng dậy, nhẹ nhàng đẩy tấm cửa gỗ ra. Tia sáng rọi vào phòng, đám bụi bặm li ti nhảy múa trong màn ánh sáng tựa một tấm voan mỏng, cô bé vươn ngón tay nhỏ xíu, muốn nắm lấy những thứ tí hin đang bay vòng vòng nọ, nhưng vừa ghé lại gần chúng đã nghịch ngợm lách mình né tránh.
 Cô bé ngơ ngác, miệng hà ra một làn hơi trắng, đám bụi bặm tức khắc tản ra tứ phía như một toán quân lính bị đánh lui, chật vật tới lạ. Bé lại liên tục hà hơi, bàn tay nhỏ vung vẩy, gương mặt hiện rõ vẻ hưng phấn tinh nghịch.
 “Lại hâm hâm dở dở gì đấy hả?”
 Người phụ nữ trong phòng khẽ ho khan, khàn giọng hỏi.
 Đôi mắt to đen láy của Cửu Nhi lộ vẻ sợ sệt của một đứa trẻ nghịch bậy bị bắt quả tang, cô bé rón rén bước ra ngưỡng cửa, líu ríu đáp: “Con lạnh, con hà hơi vào tay cho đỡ rét.”
 “Lạnh thì ra đây với mẹ, trong chăn ấm này.”
 “Con muốn phơi nắng cơ.”
 Người phụ nữ không nói gì nữa, chắc là kiệt sức rồi.
 Cứ chốc chốc lại nghe có tiếng huyên náo từ ngoài bến đò vọng lại, tiếng mái chèo quẫy nước, tiếng người, tiếng thút thít, tiếng la hét, rồi thỉnh thoảng lại nghe cả súng rền, những âm thanh hỗn loạn như đang ẩu chiến trong màng nhĩ Cửu Nhi, cô bé bưng chiếc ghế đẩu nhỏ ra chặn cửa, để ánh sáng có thể rọi thêm vào phòng. Bé dựa lưng vào cửa, ngẩng đầu nhìn trời, mây đang lững lờ trôi, bé lại lẳng lặng hà hơi, tưởng tượng làn khói trắng này biến thành một đám mây, bồng bềnh bay lên, bay thẳng tới trời cao.
 Chẳng mấy chốc làn khói đã tiêu tan.
 Có vài người đang bước lại khoảng sân nhỏ, người dẫn đầu đoàn là bố bé. Cửu Nhi bèn chạy tới đón bố, cô bé đoán có lẽ hôm nay bố làm ăn khá lắm, vì ông đang cười mà. Cửu Nhi vừa tiến lại gần, bố đã bế cô bé, thơm lên gương mặt nhỏ xíu đỏ bừng vì rét của bé: “Bé ngoan! Hôm nay bố sẽ mua cá cho con ăn!”
 Cửu Nhi hồ hởi, đưa mắt nhìn người đứng sau lưng bố, những người này không giống dân tị nạn bé gặp mấy ngày nay lắm. Bọn họ mặc áo khoác dài bằng len dạ, đội chiếc mũ thuần một màu đen mà chỉ những người giàu sang sống trong thành phố mới sắm được, có hai người tay xách vali da, bốn cạnh khảm viền đồng bóng loáng, nhưng Cửu Nhi nào còn lòng dạ quan sát, bé nhớ tới món cá bố vừa bảo, bèn nghiêm túc thốt: “Không ăn cá đâu, mẹ bảo có người chết dưới nước, cá ăn thịt người chết, chúng ta không ăn cá.”
Bố Cửu Nhi cọ gương mặt ngăm đen của mình vào bờ má nhỏ xinh của con gái: “Con bé ngốc, chúng ta không ăn cá sông, bố sẽ tới ao nhà ông Triệu phía đông làng để mua cá thả ao, cá trong ao sạch lắm.”
Ông Triệu là địa chủ của cái làng này, đã chạy tới Giang Tây tị nạn, ao nước nhà ông Triệu bị quản gia chiếm mất, ra giá rất đắt cho đàn cá, người bình thường không mua nổi. Nghe vậy Cửu Nhi không tin lắm, bèn lanh trí bảo: “Con đi mua với bố!”
“Được, được!”
“Mua cá chép bự hả bố?”
“Cá chép bự!”
Bố Cửu Nhi đặt bé ngồi vững trên tay mình, rồi lại cười tỏ ý xin lỗi với người phía sau: “Nhờ phúc ba ngài mà con nhà tôi được thơm lây hưởng sái, mấy hôm nay vợ tôi cũng đang bệnh, chuỗi ngày tháng chiến tranh loạn lạc thật là…”
Vẻ mặt ba người nọ lạnh như tiền, không có tâm trí nghe những lời lải nhải của ông, chỉ một người trong số họ lên tiếng:
“Chăn đệm trong nhà có sạch không?”
“Sạch chứ, sạch chứ, mấy hôm trước có binh sĩ bị thương lánh ở đây, đồ cậu ta dùng chúng tôi đã ném ra mương rãnh đốt sạch rồi, giờ chăn đệm đều là của người nhà chủ thuyền, vợ tôi còn mới giặt hồ chăn mền, đệm cũng được phơi nắng rồi.”
Cửu Nhi nằm nhoài trên bả vai bố, đưa mắt nhìn bọn họ, bé phát hiện ra người đàn ông đi đầu là người duy nhất không xách hành lý.
Người đàn ông này rất tuấn tú, độ chừng ba mươi tuổi, chân mày đen rậm, đôi mắt sâu u tối, làn da tái nhợt như đang mắc bệnh, nhưng vì vóc dáng người nọ cao lớn nên trông cũng không yếu ớt sa sút là bao. Lúc bước vào sân, người đàn ông chỉ lạnh nhạt đưa mắt quan sát xung quanh. Hai người còn lại bỏ vali xuống, tìm một chiếc ghế cho người nọ ngồi rồi lại hỏi phòng cho khách là phòng nào. Dù Cửu Nhi còn nhỏ nhưng bé vẫn đoán được có lẽ họ là tôi tớ của người đàn ông nọ.
“Phòng cho khách là hai căn chót phía đông. Cửu Nhi, con chào hỏi ba ngài đây đi.” Bố vỗ vai Cửu Nhi, đặt bé xuống đất.
Cửu Nhi ngượng ngùng rúc đầu sau chân bố, chỉ để lộ cặp mắt to tròn.
Người đàn ông im lặng ngồi trên ghế, một tay đút túi áo như đang vuốt ve thứ gì bên trong, tay còn lại bỏ mũ xuống. Lúc người này bỏ mũ, Cửu Nhi liếc thấy hình như cổ tay người đàn ông quấn vải băng, loáng thoáng trông có vệt máu rịn ra.
Người đàn ông mím môi, thấy Cửu Nhi nhìn mình, người này cũng thoáng liếc lại.
Cửu Nhi co rúm lại, nỗi bi ai khó thốt nổi thành lời nơi cặp mắt người đàn ông khiến bé cảm thấy bất an mà không rõ lý do.
Người đàn ông mang họ Trịnh.
Hai người đi theo một họ Lý, một họ Vu, cả hai đều là tùy tùng của người này. Ngày kia họ sẽ lên đường tới Hán Khẩu.
Bố Cửu Nhi chèo thuyền ngoài bến đò, chuyên đưa đón khách đường dài, làm ăn cũng khá khẩm hơn mấy lái đò bình thường chút đỉnh, hai năm trước bố bé thuê được căn nhà này của chủ thuyền, dùng hai phòng tươm tất nhất làm phòng cho khách đi thuyền trú chân, hai căn phòng khuất sáng thì để gia đình ở.
Quân đội chuẩn bị đánh đến nhà mình, rất nhiều dân tị nạn chạy tới làng này, họ đều ngồi thuyền từ Nam Kinh tới, muốn chuyển thuyền ở đây. Bố Cửu Nhi định bụng chạy tới Hồ Bắc lánh nạn từ lâu rồi, nhưng mấy hôm nay không có người thuê thuyền, ông đành phải phụ giúp đưa đón khách ngoài bến đò.
Cửu Nhi bê ghế ngồi trong bếp nhìn bố làm cá, mẹ bé lấy mấy củ hành ra khỏi giỏ trúc mang đi bóc, bà đưa cho cô bé hai củ, thế là bé cúi đầu bóc hành, nghe tiếng bố cười bảo: “Cửu Nhi, con làm chứng cho bố nhé, chúng ta mua cá ao ở nhà ông Triệu chứ không bắt cá sông. Mẹ con vẫn chưa yên tâm kìa.”
“Cá ao đấy mẹ ạ.” Cửu Nhi rất nghe lời, bé nhanh nhảu nói ngay, “Cá sống bơi lội tung tăng trong ao.”
Mẹ Cửu Nhi nói: “Vẫn phải cho thêm nhiều tỏi vào, ăn tỏi cho đỡ sinh bệnh.”
“Tại sao ạ?”
Mẹ Cửu Nhi không để tâm tới con gái mà chỉ thì thầm bàn chuyện ba vị khách trong gian nhà phía nam.
“Họ từ Nam Kinh tới đây, bảo rằng đang đợi bạn, ngày kia là đi. Vừa hay nhà chúng ta có chỗ nên ngỏ ý trú lại.”
“Trông họ giàu lắm đấy, không giống dân chạy nạn bình thường đâu.”
“Họ cho anh tương đối tiền, không phải lo khoản tiền thuốc còn nợ của mình rồi. Đến tận khi tới Hồ Bắc ta vẫn còn dư vài đồng để trang trải đôi ngày.”
Mẹ Cửu Nhi lẳng lặng buông tiếng thở dài: “Căn bệnh này của em đến không đúng lúc.”
Bố Cửu Nhi tay đánh vảy cá, cặp mắt lại dịu dàng nhìn vợ: “Tại mình vất vả quá, đến nơi yên bình tĩnh dưỡng mấy hôm là sẽ ổn thôi.”
Mẹ Cửu Nhi gật đầu, mắt loang loáng lệ, bà liếc ra ngoài cửa sổ, ngài Trịnh vừa bước ra sân, đang hắt bã trà trong cốc xuống đất, ngài Vu và ngài Lý một đứng bên cửa, một đi theo sau ngài Trịnh.
“Sao hai người kia cứ bám dính lấy ngài Trịnh thế nhỉ?” Mẹ Cửu Nhi tò mò.
Bố Cửu Nhi thì thầm: “Chắc họ sợ ngài Trịnh tự tử.”
Mẹ Cửu Nhi lắc đầu tỏ ý không tin.
Tự tử ư?
Cửu Nhi dỏng tai lên, nhưng bố mẹ bé lại không nói nữa mà bắt đầu bàn bạc những chuyện vụn vặt trước khi bắt đầu chuyến đi.
Nửa đêm hôm ấy, Cửu Nhi sực tỉnh bởi tiếng gõ cửa. Ngài Vu gõ cửa ầm ầm, bảo bố Cửu Nhi mau đi tìm bác sĩ.
Hóa ra ngài Trịnh dùng mảnh ngói vỡ giấu trên người để cắt cổ tay, lúc ngài Vu phát hiện thì ga giường đã nhuốm đỏ máu, ngài Trịnh đang hôn mê bất tỉnh. Ngài Vu dù hoảng hốt nhưng vẫn không quên băng bó cổ tay cho ngài Trịnh.
Bác sĩ tới nhưng chỉ nhìn qua chứ không kê thuốc, ông nói: “May mà phát hiện sớm nên mới nhặt nổi mạng về.” Rồi ông lại cười nhạt, “Người trẻ bây giờ thật là, thấy hồn ma chết oan dưới địa ngục đông quá nên cũng muốn xuống góp vui hả? Khà khà.”
Con trai, con dâu bác sĩ bỏ mạng ở Nam Kinh, gia đình vừa xử lý xong tang sự một cách vội vàng qua quýt. Nghe bác sĩ nói kháy, bố Cửu Nhi cũng đâm lúng túng, lại ngại không dám trách cứ, chỉ đành vội vã chuyển đề tài.
Trưa hôm sau, Cửu Nhi qua đưa cơm cho mọi người.
Căn phòng ba vị khách ở vốn là hai phòng đập thông, ngài Lý đang tựa vào đầu giường phòng ngoài, mắt khép lại, có lẽ đêm qua không được nghỉ ngơi nên đang ngủ bù. Hai người còn lại nằm trong phòng, ngài Vu ngồi tựa cửa sổ, đưa mặt về phía giường, coi sóc ngài Trịnh.
Xem ra hai người cũng chẳng có khẩu vị, ai nấy sức cùng lực kiệt, hốc hác tiều tụy.
Ngài Vu giúp Cửu Nhi bưng giỏ thức ăn đặt lên bàn, đôi mắt thoáng tia cười mong manh: “Cô bé ngoan quá. Cháu bao nhiêu tuổi rồi?”
“Năm tuổi ạ.”
Ngài Trịnh ngồi trên giường đưa mắt nhìn sang. Trong tích tắc, sóng mắt người này hiển hiện vẻ rối bời rồi đã lại biến mất.
Cửu Nhi cứ luôn cảm thấy người từng tự sát không giống như người bình thường, âm khí trên thân họ dày đặc, hệt như hồn ma bóng quế.
Bé rất sợ, muốn chạy đi ngay, nhưng chân lại như bị thứ gì kìm giữ, bé đứng ngơ ngẩn nhìn ngài Trịnh tựa trời trồng.
“Cháu tên gì?” Ngài Trịnh chợt mở miệng, giọng ngài êm dịu ôn hòa, hệt như ánh mặt trời chiếu xuyên cơn gió sông lạnh cóng như băng.
Ngài Vu có vẻ rất kinh ngạc, như thể đã lâu lắm rồi ngài Trịnh không nói chuyện.
“Cửu… Cửu Nhi…” Cô bé lấy dũng khí, lí nhí đáp, “Cháu tên Cửu Nhi.”
Người đàn ông nhìn cô bé chằm chằm, đôi mắt lạnh lẽo dần trở nên ấm áp.
Cửu Nhi ngẩng đầu, thấy hai cổ tay người đàn ông quấn hàng tầng vải dày, cổ tay trái có vết máu rỉ ra, bàn tay trắng bóc buông thõng trên giường một cách yếu ớt, ngón trỏ người đàn ông thon dài, cuốn lấy sợi dây chuyền hình đoá hoa lấp lánh.
Hoàng hôn buông, người bọn họ đợi cũng đã tới, người này đưa cho ngài Vu một chiếc hũ nhỏ rồi lại vội vã bỏ đi.
Cửu Nhi và bố mẹ ăn cơm tối. Có cá thừa từ bữa trước của ba vị khách, cháo loãng nấu từ canh, lại thêm vài chiếc bánh rán, mới ăn mấy miếng đã nghe gian phòng phía nam có tiếng cãi cọ vọng lại.
Ngài Trịnh lớn tiếng: “Sao có thể chứng minh đó là cô ấy? Dựa vào đâu để chứng minh đó là cô ấy? Sao anh biết ông ấy không cầm bừa một cái hũ chứa mấy thứ bụi tro vớ vẩn mang đến lừa tôi?”
“Cậu Trịnh! Cậu còn rõ tính ngài Đồng hơn cả tôi mà! Ông ấy đã căn dặn phân phó cẩn thận, không nhầm được đâu.”
“Không nhầm sao? Nhưng cuối cùng vẫn nhầm, nhầm hết rồi! Tôi phải đợi ông ấy tới, tôi muốn nghe chính miệng ông ấy nói đó có phải cô ấy không.”
Cửu Nhi nghe mà thấy ù ù cạc cạc, cô bé nhìn bố mẹ, gương mặt họ cũng đầy hoang mang.
Ngài Lý vốn kiệm lời giờ cũng mở miệng: “Trước khi đi người đó nói trong hũ có món đồ sinh tiền mợ hay mang theo mình, cậu mở ra là biết.”
“Tôi không nhìn, tôi chờ Đồng Xuân Giang tới.”
“Ông ấy đi Thượng Hải rồi, không tới đâu. Chúng ta về Hán Khẩu trước đã, kiểu gì cũng có cơ hội gặp lại.”
 Hồi lâu sau, Cửu Nhi chợt nghe thấy tiếng kêu thất thanh của ngài Vu.
Sau đó là tiếng gào khóc. Là tiếng ngài Trịnh.
Hóa ra một người đàn ông cũng có thể khóc thảm thương tới nhường này, hóa ra giọng nói êm dịu trong trẻo ngài cất khi nói chuyện với cô bé ban trưa cũng có thể thê lương nhường này! Cửu Nhi nghe mà dựng tóc gáy, phải chạy lại ôm lấy chân bố mình.
“Có ai không!” Ngài Vu thét lên.
Căn phòng hướng Nam như đã chìm vào hỗn loạn, bố Cửu Nhi khẽ gạt tay cô bé ra rồi chạy vào cùng vợ mình. Dù sợ nhưng Cửu Nhi vẫn không nén nổi tò mò, bèn rón rén bước theo họ.
Ngài Trịnh ngồi dưới đất, ban nãy vừa nghe ngài khóc nhưng giờ lại thấy mắt ngài ráo hoảnh, không có lấy một giọt lệ, chỉ còn sót lại sự trống rỗng và điên cuồng bên trong. Ngài ôm một cái hũ nhỏ, nắp hũ đã rơi mất, còn đang xoay tròn trên mặt đất, ngài nắm một vốc bột màu xám trắng trong hũ lên, khẽ thốt: “Em bảo anh hãy tiễn em đi, anh tiễn em đi rồi, nhưng còn anh, anh biết phải làm sao? Em để anh lại một mình, anh biết phải làm sao? Anh phải làm thế nào mới có thể giữ em lại?”
“Anh phải làm gì mới có thể giữ em lại?”
Ngài Trịnh cứ lặp lại câu nói này liên tục, rồi chợt ngài nhét vốc bột trắng vào miệng, cứ liên tục như thế, từng nắm từng nắm một đến khi bị sặc, ho khan, nhưng ngài cố nín tiếng thở dốc, gắng sức nuốt hết những vốc bột ấy vào bụng.
Mẹ Cửu Nhi thét toáng lên, bà bịt miệng chạy ào ra sân nôn mửa.
Ngài Lý nhào tới giật lấy chiếc hũ, rồi cùng ngài Vu ghì chặt ngài Trịnh xuống đất, bố Cửu Nhi sợ hãi đứng đờ ra, không biết phải làm gì. Dù Cửu Nhi cảm thấy tình cảnh này rất đáng sợ nhưng bé cũng chẳng rõ chuyện, nỗi kinh ngạc còn lớn hơn sự sợ hãi.
Ngài Lý trào nước mắt: “Cậu biết cậu không giữ được cô ấy mà, chính mắt cậu đã thấy cô ấy đi rồi! Chính cậu tiễn cô ấy đi! Cậu có hủy hoại bản thân mình tới mức nào cũng không giữ được cô ấy đâu!”
Người đàn ông co quắp trên mặt đất, gương mặt ngài lấm trắng bột phấn bị ho bắn ra, ngài thở hổn hển, nhưng không khóc, mắt ngài hừng hực như lửa, Cửu Nhi chưa từng chứng kiến một con người đau đớn tới nhường này. Rõ ràng hai tay ngài chồng chất vết thương, nhưng tay phải ngài vẫn gom hết sức, siết chặt nắm đấm. Tuy vậy, chẳng bao lâu sau ngài đã kiệt sức buông tay, một vật hình tròn lăn ra, lăn thẳng tới chân Cửu Nhi.
Đó là một viên ngọc màu đỏ, tỏa ánh sáng êm dịu, dường như còn vương cả độ ấm, có lẽ viên ngọc được lấy ra từ hũ nên vẫn đang lấm lớp tro trắng mỏng, Cửu Nhi cúi xuống định nhặt, nhưng lại bị mẹ kéo vào lòng, không biết bà đã quay lại tự bao giờ: “Đừng chạm vào, Cửu Nhi, đừng chạm vào nó.”
Cửu Nhi sợ hãi, bé run giọng: “Mẹ ơi, đây là gì vậy?”
Mẹ Cửu Nhi kéo cô bé khỏi phòng, bà ngẩn ra hồi lâu rồi mới run rẩy thốt: “Đồ trên quần áo người chết.”
Bà chỉ nói vậy chứ chẳng hề nhiều lời. Cửu Nhi ngẩn ra một hồi rồi òa khóc nức nở.
Tối đó Cửu Nhi bị sốt, cô bé ngủ mê mệt trên giường, nghe có tiếng ho khan đứt quãng của mẹ, dưới ánh đèn vàng mờ tối, mọi thứ trở nên mờ ảo thiếu chân thực, bố mẹ Cửu Nhi thu dọn hành lý, dường như họ còn thốt vài lời oán trách, có nhắc đến cả ngài Trịnh, Cửu Nhi nghe được liền bật khóc thút thít. Mẹ Cửu Nhi tiến lại ôm cô bé vào lòng an ủi. Cửu Nhi vùi đầu vào khuỷu tay mẹ, mơ màng thiếp đi.
Khi tỉnh dậy, Cửu Nhi thấy mình không ở trong nhà mà đang lênh đênh trên một chiếc thuyền, bố mẹ cô bé không ở bên, có một cặp mắt trầm tĩnh đang nhìn bé.
Cửu Nhi mím môi, nước mắt tuôn ào ào.
“Đừng khóc…” Ngài ghé lại gần, ánh mắt rất đỗi dịu dàng, “Xin lỗi cháu… Tối qua chú làm cháu sợ rồi, cháu đừng khóc…”
Cô bé rúc vào chăn: “Bố mẹ cháu đâu?”
“Nhà cháu vẫn chưa dọn xong đồ, họ đang ở ngoài bến tàu, lát nữa sẽ lên thuyền ngay.”
Cửu Nhi chun mũi: “Cháu muốn mẹ! Cháu muốn bố!”
Dường như ngài rất sợ cô bé khóc, bèn vội vã vươn tay lau nước mắt cho bé. Cửu Nhi vừa tránh vừa khóc: “Tránh ra, tránh ra!”
Bàn tay đang vươn ra của ngài khựng lại giữa không trung, đôi mắt đẹp nhìn chằm chằm cô bé.
Cửa khoang thuyền được mở ra, tiếng ồn ào tràn tới, ngài Vu bưng bình nước nóng tiến vào, thấy cảnh này mà đâm ngẩn ngơ.
Ngài Trịnh chầm chậm buông tay xuống rồi cất giọng mệt mỏi: “Đừng khóc nữa, để chú dẫn cháu đi tìm mẹ.”
Cửu Nhi nhìn ngài bán tín bán nghi, rồi lại quay sang ngó ngài Vu, cô bé vén chăn nhảy xuống giường.
Ngài Trịnh cầm chiếc áo khoác nhỏ vắt trên băng ghế cạnh đầu giường lên: “Cháu mặc áo vào đi.”
Ngài Trịnh bình tĩnh, ân cần, chẳng giống vẻ điên cuồng dữ tợn hôm qua, Cửu Nhi nhìn ngài một hồi, bé không phải một cô nhóc mỏng manh nhát gan, vả lại Cửu Nhi còn đang muốn tìm mẹ, thấy ngài Trịnh giũ áo khoác ra, cô bé bèn ngoan ngoãn xỏ tay vào.
Ngài Trịnh cài khuy áo cho cô bé, rồi lại bẻ gọn cổ áo, ống tay áo, thuần thục kéo bím tóc nhỏ xinh ra khỏi cổ. Cửu Nhi nhìn ngài, cảm thấy thật ra người này rất đỗi khôi ngô gọn gàng.
Ngài Vu đặt bình nước xuống: “Để tôi đưa bé đi.”
“Tôi muốn ra ngoài hóng gió, yên tâm, sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa đâu.” Lúc lướt qua ngài Vu, ngài Trịnh thốt.
Ngài Vu ngẫm nghĩ trong chốc lát rồi cuối cùng cũng gật đầu, ngài Lý đứng bên cửa lại cau mày định đi theo, ngài Vu khẽ kéo tay áo ngài Lý, vậy là ngài Lý không đuổi theo họ nữa.
Boong thuyền chật ních người, nấc thang nối với khoang thuyền lại càng đông đúc, ngài Trịnh bèn bế Cửu Nhi vào lòng mình che chở.
“Chú…” Cửu Nhi sợ sệt nhìn cổ tay cuốn băng của ngài Trịnh, lí nhí hỏi, “Sao chú lại muốn chết?”
Người đàn ông thoáng sững sờ, tiến từng bước lên nấc thang, im lặng không nói. Nhưng chẳng mấy chốc Cửu Nhi đã bị thứ khác thu hút, con thuyền này như sự hiện diện của hoang tàn, nó tràn ngập nỗi bi thương, kinh sợ, phẫn nộ, đau đớn, chúng xô đẩy nhau, phát ra những âm thanh đinh tai ồn ã, như thủy triều ào tới, bắt mất hồn mất vía con người.
Hầu hết hành khách ở đây đều mang vẻ mặt chết lặng, họ đứng đờ ra, chen chúc nhau như người gỗ, hai tay cử động tựa một thứ máy móc. Nhưng đám người gỗ này lại rất dễ nổi nóng, chút động chạm nhẹ bẫng cũng đủ khơi dậy một tràng cãi cọ xích mích, mà lời qua tiếng lại luôn xen cùng những câu chửi rủa ác độc nhất.
Nơi góc thuyền có một cậu bạn chừng mười lăm, mười sáu, mình khoác đồ tang, đưa mặt về phía bến tàu mà kêu gào khóc lóc, một người phụ nữ nức nở đứng sau lưng, xem chừng đó là mẹ cậu. Xung quanh có tiếng xì xào bàn tán, đại ý bảo bố cậu bỏ mạng dọc đường, xác được đôi mẹ góa con côi chôn cất một cách qua loa, chẳng người nào giúp đỡ.
Cặp mẹ con này chạy từ Nam Kinh tới đây.
Còn có một cô gái hơn hai mươi, dưới chân cô là chiếc rương mây, cô đang được một người đàn ông trẻ tuổi dìu. Cô gái này mặc chiếc áo khoác cũ nát, gương mặt in dấu bàn tay, gò má sưng vù, Cửu Nhi đưa mắt nhìn lại qua bả vai ngài Trịnh, vừa khéo nhìn thấy chính diện cô gái, cúc áo cô gần như đã đứt hết, áo quần bên trong bị xé tan tành, cô gái chỉ đành dùng sức khép chặt áo, rồi khi vô ý chạm mắt Cửu Nhi, ánh mắt cô tràn ngập nỗi ô nhục và sợ hãi.
Ngài Trịnh bế Cửu Nhi khó khăn cất bước, không cẩn thận lỡ đụng phải một người đàn ông. Người đàn ông này không lớn tiếng chửi bới như đám hành khách khác, ông ta chỉ đờ đẫn đưa mắt nhìn họ, rồi lại lùi về sau nửa bước. Cửu Nhi để ý thấy ông ta đang ôm một đứa bé trong lòng, mặt đứa bé trắng bệch, quầng mắt tím đen, da thịt trên gò má trái thối rữa chuyển màu tía. Boong thuyền chật chội, hành khách khó tránh khỏi va chạm, cứ chốc chốc bả vai người đàn ông lại bị khách thuyền xô phải, hết đợt này lại tới đợt khác, nhưng ông ta chỉ nhìn đứa bé trong lòng, cặp mắt đờ đẫn vô hồn.
Chợt bị kéo vào một thế giới xa lạ nhường này, Cửu Nhi thấy sống lưng ớn lạnh, cô bé co người lại.
“Đừng sợ…” Cửu Nhi nghe thấy tiếng vỗ về dịu dàng của ngài Trịnh, “Bé con, đừng sợ.”
Bọn họ đợi một lát ngoài lối vào, cuối cùng cũng đã thấy được mẹ Cửu Nhi, ngài Trịnh trao Cửu Nhi cho bà, bà bèn luôn miệng cảm ơn.
Cửu Nhi vươn tay kéo vạt áo ngài Trịnh, nói: “Chú đừng chết nhé?”
Tia sáng lóe lên trong mắt người đàn ông, trông như ánh lệ, ngài khẽ xoa đầu Cửu Nhi, nở nụ cười nhợt nhạt.
Cửu Nhi cúi đầu, đứa bé hẵng còn quá nhỏ thật sự không hiểu tại sao nụ cười của người đàn ông này lại luôn khiến người khác cảm thấy đau thương tới vậy.
Mẹ Cửu Nhi bảo vì hôm qua cô bé sốt, ngài Trịnh áy náy nên đã bỏ tiền thuê thêm một phòng để hai mẹ con bé nghỉ ngơi.
“Dù người này kỳ lạ thật nhưng lại đối xử khá tốt với trẻ con, Cửu Nhi, nhờ phúc của con mà lần đầu mẹ được ngồi trên khoang hạng nhất đấy.”
“Khoang hạng nhất là gì hả mẹ?”
“Là khoang thuyền của người giàu. Chúng ta phải đi ba ngày đường, dù thuyền đông nhưng ít ra còn có giường, bố cũng bớt lo cho chúng ta.”
Có giọt mưa buông mình xuống, mẹ Cửu Nhi híp mắt: “Mưa rồi, Cửu Nhi, chúng ta mau xuống thôi.”
“Mẹ ơi, hành lý của mình đâu?”
“Chuyển hết sang chỗ bố rồi con.”
“Vậy mình có còn quay về không?”
Mẹ Cửu Nhi siết chặt lấy bàn tay bé nhỏ của con gái: “Hết chiến tranh rồi mình sẽ về.”
“Khi nào thì hết chiến tranh hả mẹ?”
Mẹ Cửu Nhi thở dài: “Mẹ cũng không biết…”
Hành lang chất đầy đồ bỏ, ngài Trịnh ngồi đó một mình, ngài Lý và ngài Vu vẫn ngồi cách ngài Trịnh mấy bước chân theo lệ.
Cửu Nhi tò mò nhìn khoang thuyền, bò lên chiếc giường nhỏ chật hẹp, rồi bé lại ngồi dậy lật nệm ra, có mấy con bọ cánh cứng tròn xoe nhỏ bằng hạt gạo hoảng hốt bò khỏi ván giường, cô bé ngơ ngác nhìn một hồi, định vươn tay chạm vào chú bọ nhưng lại không dám, sợ quấy rầy tới thế giới bé nhỏ của chúng. Mẹ Cửu Nhi treo chiếc túi đeo bên mình lên rồi đưa cho Cửu Nhi ít đậu phộng muối mình đã luộc sẵn, dặn bé mang cho ba vị khách nọ.
Dường như ngài Vu rất mong Cửu Nhi có thể nói chuyện với ngài Trịnh, bèn bảo Cửu Nhi đưa lạc cho ngài. Cửu Nhi được coi là người lớn lại đâm vui vẻ, tung tăng bước tới chỗ ngài Trịnh.
Ngài Trịnh đang hút thuốc, mắt nhìn xa xăm. Cửa sổ khoang thuyền đang mở, thấy cô bé tiến lại, ngài Trịnh ném điếu thuốc ra ngoài rồi cầm chiếc mũ rộng vành trên bàn lên đội cho Cửu Nhi.
“Mưa hắt đấy, đừng để bị lạnh.” Người đàn ông nói, “Cháu đỡ hơn chưa? Còn khó chịu giống hôm qua không?”
 Cửu Nhi lắc đầu, bé đặt đậu phộng lên bàn rồi cẩn thận vun chúng lại thành một chồng nhỏ, ngài Trịnh mỉm cười nhìn cô bé.
Sợi dây chuyền cô bé nhìn thấy hôm trước được cuốn quanh ngón tay ngài Trịnh, Cửu Nhi bèn nghiêng đầu nhìn nó thật kỹ.
 Ngài đưa sợi dây chuyền sát lại gần bé: “Có vẻ cháu thích nó hả?”
 “Đẹp quá!” Cô bé khen ngợi, “Sao chú cứ cầm sợi dây này suốt thế?”
Ngài Trịnh đưa mặt về phía dòng sông, ngài khẽ thốt: “Đây là dây chuyền của vợ chú.”
“Sao cô ấy lại không đi cùng chú?” Cửu Nhi hỏi, rồi cô bé lại chợt thở hắt ra, bé nhớ tới chuyện xảy ra tối qua, đôi mắt to tròn tràn ngập sự sợ hãi.
“Cô ấy đi trước chú một bước. Cô ấy về nhà bọn chú rồi.” Giọng người đàn ông trầm thấp thê lương, “Cô ấy chỉ đi trước thôi.”
Cửu Nhi nhìn người đàn ông với vẻ lo lắng.
Ngài Trịnh quay đầu lại cười với cô bé, ngài vươn tay xoa gương mặt bé nhỏ: “Nếu chú tìm được con chú thì mong con bé cũng giống cháu, dù gia cảnh bần hàn cũng được, chỉ cần có người yêu thương chăm sóc là có thể trưởng thành một cách bình an, vô ưu vô lo.”
“Con chú ư?” Cửu Nhi tò mò hỏi.
“Đúng vậy, chú có một đứa con, nó là một cô bé lớn chừng tuổi cháu, nhưng sau khi bé sinh ra chú đã để lạc mất nó.” Cặp mắt đen như mực của ngài Trịnh tràn ngập nỗi ân hận và đau đớn, “Giờ con bé là hy vọng sống duy nhất của chú.”
Nỗi ngờ vực tràn ngập trong lòng Cửu Nhi, nhưng cô bé không dám động đến hồi ức buồn đau của người đàn ông nọ. Cửu Nhi cúi đầu, vươn ngón tay bé xinh ra chạm vào sợi dây chuyền, mặt dây hình hoa hồng, cánh hoa mềm mại màu vàng kim vươn mình như đang nở rộ, mặt sau có khắc một dãy số La Mã nhỏ.
“1, 9, 2, 5,…” Cửu Nhi lúng búng đọc.
Chợt có tiếng động vang lên, đội thuyền ngoài boong kêu: “Rời bến, rời bến, dân tị nạn tới rồi!”
Những tiếng bước chân cùng tiếng gào thét dồn dập vang lên, đám dân tị nạn không chen được vào thuyền đùn đẩy nhau trèo lên, họ túm, họ đẩy, vẻ mặt họ điên cuồng. Có người bị đẩy xuống nước, những tiếng động hỗn độn vang lên, có người rơi vào sông mà không biết bơi, vươn hai tay khua khoắng loạn xạ, người thân của họ trên boong thuyền chỉ biết gào khóc rơi lệ, chứ chẳng còn cách nào khác.
Bên bờ sông là vực sâu đày đọa, còn con thuyền thì chất đầy những linh hồn tuyệt vọng.
Cửu Nhi che mắt, cô bé sợ tới nỗi run lẩy bẩy, một cánh tay ấm áp ôm lấy bé, bé ngửi được mùi quần áo của ngài Trịnh, thứ hương thơm thoang thoảng, chẳng biết vương từ đâu mà như có như không. Đó là mùi hương hoa thơm nức, cô bé từng ngửi thấy mùi này ngoài đồng nội mùa xuân, một thứ mùi trong trẻo dịu dàng.
Ngài Trịnh rất bình tĩnh, như thể những âm thanh huyên náo ồn ã xung quanh chẳng mảy may dính dáng tới ngài. Gió sông khẽ thổi bay làn tóc mai của ngài, hạt mưa đổ mình xuống từ trên màn trời, ngài dõi mắt nhìn ra xa, vươn tay đón lấy từng giọt nước trong suốt, nước mưa rả rích buông xuống không dứt, những đợt sóng xô nhau trên lòng sông, khiến con thuyền chòng chành đung đưa, nhưng cuối cùng nó cũng rời bờ, tiến vào làn khói sóng mờ mịt.
Hồi ức ẩn núp nơi tối tăm sâu thẳm nhất của linh hồn chực chờ cơ hội mà tuôn trào, vô số những câu chuyện xưa cũ tìm tới cùng những hạt mưa đang rào rào buông xuống, như một cơn gió lạnh băng không có lấy đôi chút độ ấm.
Người đàn ông nhắm mắt, đón lấy lưỡi dao sắc nhọn của chúng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.