Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông

Chương 60:




Tàu chở hàng Tinh Nguyệt là một con tàu cũ đã hơn hai mươi năm tuổi. Ba năm trước Tinh Nguyệt ngừng chạy, từ đó nó đã nằm im trong kho hàng, đến năm ngoái mới lại xuất hiện ngoài bờ sông. Sáng sớm hôm sau, từ biệt Cảnh Ninh xong, Tử Chiêu trở về cảng Vũ Xương, thấy con tàu chở hàng bé nhỏ lênh đênh trong màn sương mờ hơi nước, cậu bùi ngùi khôn xiết.
Đây là món quà sinh nhật mười tám tuổi cha tặng cậu. Khi ấy cậu đang ở Berlin, cha chụp ảnh Tinh Nguyệt rồi gửi cho cậu. Tử Chiêu tiện tay kẹp ảnh vào trong một cuốn sách. Với một Tử Chiêu thời niên thiếu mà nói, “Đại Quân” quả đúng là “Đại Quân”, nó nặng trĩu, nặng tới mức chỉ cần nghĩ tới thôi cũng đủ làm cậu sợ. Cậu chưa từng tưởng tượng tới chuyện mình sẽ sống cả đời với những con thuyền chở hàng như cha, nhưng cuối cùng cậu vẫn dấn thân vào ngành chuyên chở. Lần đầu học lái tàu, cậu đã lái chính con tàu Tinh Nguyệt này.
Khung tàu làm bằng gỗ sồi, mạn tàu gồ ghề, tỏa mùi nhựa đường, vì khung sườn thô to nên trông con tàu vô cùng cồng kềnh. Tuy vậy, khi lướt đi trên mặt sông, nó lại nhanh nhẹn vững vàng tới lạ. Tử Chiêu nhớ hồi mới tới bến tàu, thuyền trưởng già họ Lam vừa thấy cậu đã cười lạnh.
“Cậu ấm xinh trai quá!” Thầy Lam khoanh tay.
Thuyền trưởng Lam dáng vóc cao gầy, mặt vuông mắt lồi, lại cực kỳ nóng tính, ông là một trong những tiền bối được kính trọng nhất tại Đại Quân. Mạnh Đạo Quần mời ông dạy Tử Chiêu lái tàu, để cậu có thể làm quen với bến tàu cũng như việc chuyên chở. Thật ra ngày còn nhỏ Tử Chiêu từng ngồi tàu ông lái, có lần Tết đến, Đạo Quần mời các tiền bối của Đại Quân đến nhà ăn cơm, thầy Lam còn từng ôm cậu, khen cậu lanh lợi. Nhưng có vẻ ông chẳng hề thích vẻ láu lỉnh nghênh ngang hiện giờ của Tử Chiêu.
Tử Chiêu không giận, cậu cười ngỏn ngoẻn, vén áo lên, cởi tấm áo gi-lê màu sợi đay ra, ném sang một bên rồi phăm phăm tiến vào khoang tàu. Cậu vẫy chiếc kính râm trong tay, gõ kính vào tay lái:
“Cháu nghe nói muốn làm học trò của bác thì phải biết uống rượu, để đầu óc mơ màng chếnh choáng thì lái tàu mới đã. Hôm nay cháu tới xin học, không biết phải uống bao nhiêu mới đủ?”
Mặt thầy Lam lạnh tanh: “Cậu nhóc, tìm chỗ khác chơi đi, cẩn thận lại làm hỏng quần áo đẹp đấy.”
Đám thuyền viên bắt đầu ồ lên, có hai ba người ham vui vác một vò rượu vào, đặt hai chiếc bát lên bàn.
Tử Chiêu vươn tay: “Lấy thêm tám cái bát nữa đi.”
Mọi người kinh ngạc, Tử Chiêu cười: “Đặt cho đủ một mét, uống từng mét rượu một. Rót đầy cho tôi!” Cậu nâng ly rượu, uống liền tù tì tám bát mà mặt không đổi sắc. Thấy cậu liều mạng uống, đám người xung quanh dần lặng đi, sợ xảy ra chuyện không hay nhưng lại chẳng dám can. Tử Chiêu uống xong một lượt, đang định rót thêm, thầy Lam đã túm tay cậu ngăn lại: “Cậu nhóc, tôi hỏi cậu, tại sao người lái tàu lại phải uống rượu?”
“Uống cho nóng người, cho to gan.”
“Được, cậu vẫn chưa say bí tỉ. Tôi hỏi cậu tiếp, cậu có biết nguồn gốc cái tên Tinh Nguyệt này không?”
Mắt Tử Chiêu sáng lấp lánh, cậu mỉm cười nói: “Hai mươi mốt năm trước, cha cháu và bác lái con tàu này băng qua eo Cù Đường xuyên đêm, trời mưa nặng hạt không dứt, khi qua Quỳ Môn, dù ngoài sông đang mưa, nhưng mây mù trên phía trái đỉnh núi lại rạp sang hai bên, để lộ mặt trăng cùng sao trời. Bắt gặp cảnh tượng lạ lùng này, cha cháu vô cùng phấn chấn. Về sau, con thuyền bình an cập cảng Vu Sơn, nắng mai chiếu rọi, mưa dữ chợt tạnh. Cha nhận được điện báo, biết đêm hôm ấy mẹ cháu đã suôn sẻ hạ sinh cháu, nên mới đặt cho cháu cái tên Tử Chiêu, ngụ ý là vô tư, sáng ngời. Đồng thời ông cũng lấy Tinh Nguyệt làm tên con tàu này để kỷ niệm chuyến vượt sông lúc nửa đêm trập trùng hiểm nguy nhưng được ánh sáng che chở bình an.”
Nét mặt thầy Lam dịu lại: “Nhưng con tàu này cũ rồi, không chạy được nữa đâu.”
“Gia đình cháu đã mua máy móc thiết bị mới rồi, cháu sẽ đưa người tới lắp ráp, tàu Minh Nguyệt còn có thể vượt sóng hai mươi năm nữa.”
Thầy Lam nhướng mày: “Cậu biết lắp ráp máy móc sao?”
“Cháu theo học chuyên ngành này mà.” Tử Chiêu tươi cười rạng rỡ.
Ngày nào cậu cũng tới bến tàu từ lúc trời còn chưa sáng, chẳng quan tâm tới chiếc áo sơ mi ướt đẫm, đến da thịt và đầu tóc ám mùi dầu máy, cậu vẫn cứ chăm chỉ, chuyên tâm làm việc, không mảy may nôn nóng sốt ruột. Nhưng khi công việc kết thúc, nhất định cậu sẽ chạy vào phòng tắm, rửa ráy thật sạch sẽ rồi khoác lên mình bộ đồ sang trọng, thường là một bộ Âu phục thẳng thớm, ăn bận rất đỏm dáng. Nghe lời mọi người bàn tán, thầy Lam biết cậu nhóc này đang theo đuổi tiểu thư nhà họ Phan của Hán Khẩu.
Nửa tháng sau, cuối cùng Tinh Nguyệt cũng trở lại với vẻ rực rỡ như mới, ngày chính thức chạy thử tàu, Tử Chiêu bật mí với thầy Lam: “Lát nữa sẽ có một cô gái tới đây, bác ngắm cho kỹ nhé.”
Thật ra khách lên thuyền không chỉ có mình cô gái ấy, nhưng vừa liếc thầy Lam đã biết người Tử Chiêu nhắc tới là ai: Xinh đẹp sáng sủa, ba phần duyên dáng bảy phần cao quý, lộng lẫy không sao tả xiết. Tuy thế, trong mắt cô gái này còn ẩn chứa thứ sức mạnh kỳ lạ. Không biết nên diễn tả sao đây? Thầy Lam đã bắt gặp hàng nghìn hàng vạn người cứ đến rồi đi tại cái bến tàu này, có kẻ giàu sang, có loại mạt hạng, nhưng đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy khí khái cởi mở, phóng khoáng trong mắt một cô tiểu thư con nhà giàu. Ở chốn bến sông Hán Khẩu, khí chất của cô thiếu nữ ấy rất dễ khiến người ta cảm thấy gần gũi thân mật. Cậu cả đúng là có mắt nhìn người.
“Thầy Lam, làm thế nào để tàu chạy êm hơn nữa vậy, cháu sợ Ninh Ninh khó chịu.”
Hôm ấy, cậu thiếu gia họ Mạnh trông bề ngoài như chẳng để tâm tới bất cứ điều gì lại trở nên vô cùng căng thẳng, răng cậu nghiến chặt, bàn tay đặt trên bánh lái run lẩy bẩy.
Thầy Lam nhìn mặt sông ngoài khoang thuyền: “Tàu có chạy êm hay không vừa phụ thuộc vào kỹ thuật của cậu, vừa phụ thuộc vào chất lượng tàu, ngoài ra còn do ông trời nữa. Nếu tâm trạng ông trời tốt, đương nhiên tàu sẽ lướt sóng êm ái, còn nếu trời muốn làm khó cậu, cậu phải mạnh mẽ vào, sóng đánh tới mà không chịu được, cậu sẽ phải xuôi theo nó.”
Dù có tay nghề lái tàu điệu nghệ tới mức nào cũng không tránh khỏi gió bão khắc nghiệt. Cũng như sự đời khôn lường, những biến cố có thể xảy ra luôn vượt quá sức tưởng tượng của con người.
Thầy Lam cũng biết chuyện hôn ước bị hủy bỏ. Ông xót xa cho Tử Chiêu, đứa bé này giấu hết đau khổ vào lòng, sáng nào cũng gắng gượng tới bến tàu bằng được. Sau khi được tân trạng lại, tàu Tinh Nguyệt bắt đầu nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa trên Xuyên Giang. Trước khi bắt đầu hoạt động, tàu cần được thử nghiệm một thời gian. Cùng lúc ấy, Tử Chiêu đã trở thành tổng giám đốc của Đại Quân. Mạnh Đạo Quần chỉ gánh vác chức vụ chủ tịch, còn Tử Chiêu đã trở thành người nối nghiệp danh chính ngôn thuận của cha.
Trong khoảng thời gian này, Tử Chiêu không uống dù chỉ một ngụm rượu, cậu sợ uống say, cơn sầu não sẽ lại ùa tới, không sao dằn lại được. Rồi một đêm, khi cậu đang miệt mài trông coi công nhân sửa chữa thiết bị trục trặc, thầy Lam đưa cậu một bình rượu.
“Lên boong ngồi đi.”
Tử Chiêu không đáp lời, cũng chẳng nhúc nhích.
Thầy Lam cười: “Đến máy móc linh kiện cũng phải liên tục tra dầu, huống chi là con người? Thỉnh thoảng thả lỏng một chút cũng tốt. Đi thôi.”
Trăng thu treo mình trên trời cao, lác đác có mấy vì sao làm bạn, nước sông trong vắt, tĩnh lặng như tờ. Mấy con thuyền đậu ngoài bến đổ những chiếc bóng khổng lồ, trông hùng vĩ tới lạ dưới ánh trăng.
Thầy Lam hút thuốc, chầm chậm cất lời: “Thật ra vào buổi tối hai mươi mốt năm trước, trừ ông chủ ra, không một ai khác trong tàu nhìn thấy trăng sao trên trời.”
Tử Chiêu sững sờ: “Chẳng lẽ cha cháu nhìn nhầm ư?”
Thầy Lam lắc đầu: “Quả thực tình thế khi ấy rất nguy hiểm, tinh thần của mọi người kiệt quệ cả rồi, chỉ có mình ông ấy vẫn bình tĩnh như thường. Về sau tôi nghĩ có lẽ vì muốn nhìn thấy tia sáng ấy nên ông chủ mới bắt gặp chúng thật. Ở vào tình cảnh nguy khốn, một chút khao khát hy vọng rất hữu dụng với con người. Con tàu Tinh Nguyệt này đã quá cũ kỹ, tại sao chúng ta còn phải giữ nó lại? Cha cậu hoàn toàn có thể mua thêm một trăm con thuyền hơn đứt nó.”
Tử Chiêu uống một hớp rượu, hai mắt cậu sáng người.
“Chắc cậu chủ cũng biết tại sao ông chủ lại muốn giữ Tinh Nguyệt lại.” Thầy Lam nhìn Tử Chiêu.
Mạch đập của nước sông cuồn cuộn như đang dội vào tâm hồn. Ánh nước dần thấm ướt mắt Tử Chiêu: “Cha muốn cháu biết dù là vào thời điểm khốn cùng nhất, ông cũng không từ bỏ hy vọng. Niềm tin của cha chính là ánh sáng ông nhìn thấy trên chặng đường nguy nan, ông mong cháu cũng có thể nhìn thấy nó, mong cháu kéo dài niềm hy vọng ấy. Cha muốn nói cho cháu biết Tinh Nguyệt và Đại Quân có thể vượt qua hiểm cảnh, và cháu cũng vậy.”
Thầy Lam vỗ vai cậu: “Con người ta sống ở đời, nếu không bao giờ gặp phải sóng gió, mãi sống trong yên ả bình an thì có gì là thú vị? Cậu là con trai vua thuyền Hán Khẩu, từ ngày sinh ra, đời cậu đã gắn liền với sóng gió, vậy nên nhất định cậu phải trụ vững, tôi đang chờ thấy cảnh cậu đạp gió rẽ sóng cùng Đại Quân đây.”
Cơn sóng lòng trong Tử Chiêu cuồn cuộn, cậu ngẩng đầu, uống cạn rượu trong bình.
Gương mặt đã kinh qua đủ gió sương đời người của thầy Lam nở nụ cười yêu thương: “Cậu chủ, giấu nỗi khổ trong lòng không phải lối sống của những con người lênh đênh mặt sông. Muốn uống cứ uống, muốn mắng cứ mắng, muốn làm gì, thì hãy cứ thoải mái làm đi. Đừng nghĩ tới thắng thua, cũng đừng quan tâm về sau mình có đạt được hay không, quan trọng là bản thân cậu đã cố gắng hết sức chưa.”
Tử Chiêu nở nụ cười nhạt: “Có những chuyện dù cố gắng hết sức cũng chẳng cứu vãn nổi…”
“Quan tâm tới kết quả làm gì? Kẻ chịu được sự giày vò của ông trời là con người kiên cường, làm gì cũng phải nỗ lực hết sức, đã là thân đàn ông thì không được trốn chạy.”
Nắng ban mai chậm rãi nhuộm sắc cho đất trời, xua đuổi bóng tối mờ mịt, bầu trời nặng trịch những mây bắt đầu hé những tia đỏ màu hoa hồng, sương mù quẩn quanh trên mặt sông, tiếng còi hơi vang lên đánh thức thành phố ven sông, cũng kéo Tử Chiêu trở lại từ cõi hồi ức. Gió thổi, đường ranh nơi tóc và cổ thoang thoảng hương thơm, đây là mùi hương Cảnh Ninh lưu lại cho cậu. Một thứ tình cảm dịu dàng buồn đau cuồn cuộn trong cậu, cùng với đó là cả niềm vui vì tìm lại được điều mình đã đánh mất.
Các nhân viên đi làm sớm đang chuẩn bị bảng biểu trong văn phòng, thấy vị tân tổng giám đốc tiến vào, bèn vội vã đứng dậy chào hỏi. Tử Chiêu thường xuyên qua lại Hán Khẩu và Vũ Xương, đáng lý ra công việc ở bến tàu chỉ là một phần việc nhỏ trong nghiệp vụ chuyên chở, nhưng giờ họ đang trong khoảng thời gian đặc biệt, cậu phải can thiệp đến công đoạn quản lý máy móc thiết bị, cho đến chuyên chở, thủ tục hải quan xuất nhập khẩu, hay thậm chí là những vấn đề vụn vặt như xếp dỡ hàng hóa.
Đưa hàng lên tàu phải xếp thế nào, xếp bao nhiêu tấn đều cần tính toán cặn kẽ. Đạo Quần từng nói cho Tử Chiêu nghe, có hiệu buôn Nhật Bản giấu giếm trọng lượng hàng chuyên chở, khiến hàng hóa đè chết cả công nhân. “Thương nhân kiếm tiền là lẽ dĩ nhiên. Nhưng Đại Quân cần giữ lương tâm và khí phách, nhất định phải đối xử tử tế với người làm công của mình.” Tử Chiêu nhớ thật kỹ lời cha, vậy nên tác phong công việc của cậu rất thận trọng, ngày nào cũng phải ghé bến tàu một chuyến. Vậy là chẳng mấy chốc khắp cả bến tàu, từ nhân viên phổ thông cho đến công nhân chuyên chở đều đã quen thân với Tử Chiêu.
Các thuyền viên dùng bữa sáng trên đê. Tử Chiêu bước khỏi phòng làm việc, băng qua con cầu che mái, các công nhân nhiệt tình chào hỏi cậu, có người còn chu đáo chuẩn bị cho cậu một bát bún canh cá. Tử Chiêu mỉm cười nhận lấy bát bún, tựa lưng vào lan can, vùi đầu ăn như rồng cuốn, rồi cậu ngẩng đầu, thấy thầy Lam bưng một bát mì đang nhìn cậu, cười như không cười.
“Thầy Lam,” Tử Chiêu quệt miệng, cười, “chào buổi sáng!”
“Tối qua cậu không về nhà.” Thầy Lam trộn mì, gắp một miếng đút vào miệng rồi chầm chậm thốt, “Bác Trần tới chỗ tôi tìm cậu, tôi nói cậu cả của chúng ta tới Kiều Khẩu kiểm tra thiết bị rồi.”
Tử Chiêu “ồ” một tiếng, nhưng cũng chẳng buồn giải thích, chỉ tiện nâng tay lên nhìn đồng hồ, cậu nói: “Cháu cũng phải tới Kiều Khẩu thật, khách mua hàng phía Kiều Khẩu có vẻ không phải người trong ngành, chỉ e để ông ta mua được thiết bị tốt cũng phí.”
“Không nỡ hả?”
Tử Chiêu nhún vai: “Không nỡ cũng vô ích, ai bảo chúng ta thiếu tiền chứ? Hơn nữa máy móc có phải mỹ nhân đâu, cháu cũng không thể ôm nó đi ngủ được.”
Thầy Lam biết nỗi dằn vặt trong lòng cậu đã được cởi bỏ, bèn bật cười ha hả: “Cái thằng nhóc này!”
Nét mặt Tử Chiêu thả lỏng, để lộ nụ cười xán lạn. Cậu tới thăm tàu Tinh Nguyệt, giám sát công nhân kiểm tra khoang tàu, chỉ ít hôm nữa thôi con tàu chở hàng nhỏ mới được tân trang này sẽ trở lại dòng Xuyên Giang hiểm trở. Tử Chiêu thờ ơ lau vết dầu máy dính trên ống tay áo. Cậu không ý thức được cuộc sống từng cách xa một trời một vực với đời mình nay đã lại thành những ngày thường nhật của cậu, quả là tạo hóa trêu ngươi.
Tuy nhiên, thứ quy luật vĩnh hằng bất biến nhất trên thế gian này lại là: Mọi thứ đều đang thay đổi. Sự thay đổi mà con người tầm thường không thể khống chế được đặt cho danh xưng “vô thường”, một tay chơi cừ khôi với tài khống chế sự đời.
Từ năm 1930 tới 1932, kinh tế suy thoái trên phạm vi toàn cầu. Sự suy thoái này khiến một số thứ trở nên càng thêm đáng sợ với người Trung Quốc: Như thiên tai, chiến loạn, hay nền chính trị hỗn tạp rối bòng bong. Kể từ Sự kiện Phụng Thiên (*) cho tới Trận Thượng Hải (**), sự suy sụp của nền kinh tế lại càng gia tốc. Lũ lụt liên miên trải từ Thiên Tân, Hà Bắc đến lưu vực Trường Giang. Nông dân mất trắng vụ thu, vụ đông cũng lâm vào đình trệ. Chính phủ không quan tâm tới tính mạng người dân, chỉ lo bắt tay với thương nhân Mỹ bán tháo lúa mì, giá lương thực trong nước bị kéo xuống thê thảm, nông dân bán một thạch ngũ cốc mà chẳng đủ tiền may một bộ quần áo.
(*) Sự kiện Phụng Thiên: Sự kiện do Nhật Bản dựng nên để xâm chiếm vùng đông bắc Trung Quốc.
(**) Trận Thượng Hải: trận chiến đầu tiên trong số 22 trận giao chiến lớn giữa Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc và Lục quân Đế quốc Nhật Bản
Vật giá tụt dốc thảm hại, tình cảnh giao thương tiêu điều. Một Hán Khẩu hẵng còn chưa hồi phục sau nạn lụt năm 1931 vẫn cứ là núi vàng của khu vực Hoa Trung (*), cuộc chiến tranh tiền tệ không hề để lộ dấu hiệu chấm dứt, mà chỉ càng lúc càng thêm thảm khốc, càng thêm ác liệt. Vì tiền, ba hiệu buôn Tây lớn đã bắt tay hất ngã Hãng tàu Đại Quân; vì tiền, Hiệu buôn Phổ Huệ âm thầm tiến hành thu mua Khải Nhuận, đồng thời nội bộ hiệu buôn này cũng đang có những biến động khổng lồ; vì tiền, chỉ trong tích tắc bạn bè đã hóa kẻ địch, mà thoáng chốc kẻ địch cũng hóa bạn bè.
(*) Hoa Trung: bao gồm vùng Hồ Bắc, Hồ Nam ở trung du Trường Giang
Vì tiền, mọi chuyện con người ta không sao lường trước đều có thể xảy ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.