Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 11: Bán dạ tam canh Vạn Giao trêu người đẹp




Bệnh Hiệp trầm ngâm suy nghĩ đoạn nói tiếp :
- Vạn Giao là một thằng phi thường lợi hại, ta e mi sẽ gặp nhiều điều bất trắc.
Ba thầy trò trò chuyện thêm một chốc rồi Tâm Đăng từ giã trở về chùa.
Thời gian trôi qua rất nhanh, thấm thoát đã năm ngày trôi qua, trong năm ngày này Tâm Đăng mỗi ngày đều lên ngôi nhà đá để học Thiên Phong chưởng.
Chiều hôm đó, Tâm Đăng đi thơ thẩn trước cổng chùa trầm tư mặc tưởng, đã lâu lắm rồi chú cơ hồ lãng xa sự tụng kinh gõ mõ, bấy giờ chợt nhớ đến, trong lòng chú nghe buồn khổ lắm, chú nghĩ rằng :
- Chẳng lẽ ta lại thoát ly với nhà Phật, chẳng lẽ công lao tu hành khó nhọc mười mấy năm trường lại trôi theo dòng nước?
Càng nghĩ Tâm Đăng càng sầu khổ, chú cố xua đuổi cái tư tưởng u buồn đó, chú cố tưởng tượng trong trí mình cái cảnh chú sẽ thành danh trong chốn giang hồ, thu được tất cả tín vật của Cô Trúc và Bệnh Hiệp, và mỗi ngày chú sẽ sống vui vẻ bên cạnh Trì Phật Anh và Mặc Lâm Na.
Lạ lùng thay, sự ảo tưởng đó không đem lại cho chú một nguồn vui thú nào, ngược lại còn mang đến cho tâm hồn chú một nỗi buồn mênh mang vô tận...
Cái viễn ảnh đó còn xa lắm đối với chú, nhưng chú cảm thấy dường như sợ hãi nó sẽ đến với chú.
Tâm Đăng còn đương nghĩ ngợi bỗng thấy Khắc Bố từ xa chạy tới như bay, thần sắc kinh hoàng dường như đang gặp một biến cố gì lớn lao lắm.
Tâm Đăng vội hỏi :
- Việc gì thế?
Khắc Bố nói chẳng ra lời, hơi thở hổn hển, Tâm Đăng thấy vậy vội vàng vỗ vai hắn mà hỏi :
- Khắc Bố, việc gì thế?
Khắc Bố lấy lại bình tĩnh mới nói ra được một câu :
- Sư phụ...
Tâm Đăng rú lên một tiếng thảm thiết, chạy như bay về ngôi nhà đá.
Đến nơi, Tâm Đăng thoáng nghe từ bên trong có tiếng rền rĩ vang ra, chú kinh tâm táng đởm, chân không dừng gót, chú chạy xô vào phòng và trước mắt chú bày khai ra một cảnh tượng cực kỳ bi thảm.
Bệnh Hiệp sắc mặt đỏ bừng, tóc tai rũ rượi, hai tay ôm trước ngực, nước dãi chảy dài xuống cằm, toàn thân ông ta run rẩy, và buông ra những tiếng rên khừ khừ thật là kinh rợn...
Tâm Đăng vừa định nhảy xổ tới, nhác trông thấy bên cạnh có một tấm giấy đề dòng chữ :
“Đừng chạm đến mình ta, đừng sợ, ta không chết”.
Dòng chữ còn chưa ráo mực, chắc mới viết đâu đây.
Tâm Đăng quỳ xuống bên cạnh giường lâm râm niệm Phật, tiếng kinh hòa lẫn với tiếng rên rỉ của bệnh nhân.
Thình lình Bệnh Hiệp giật bắn mình lên, kêu lên một tiếng cuống cuồng :
- Ta không...
Nói đến đây thì thân hình của ông ta rơi bịch xuống mặt giường, toàn thân rũ liệt.
Tâm Đăng thò tay sờ vào ngực của Bệnh Hiệp, nghe thấy quả tim vẫn còn đập nên mới yên lòng.
Sắc mặt của Bệnh Hiệp dần dần tươi tỉnh, Tâm Đăng khẽ hỏi :
- Sư phụ nghe thấy thế nào?
Bệnh nhân chỉ chớp mắt không trả lời, ông ta đờ người ra như khúc gỗ, Tâm Đăng và Khắc Bố quỳ bên cạnh giường nức nở từng cơn.
Sực nhớ lời trối trăn của Bệnh Hiệp mấy hôm trước, Tâm Đăng vội vàng mang bút mực trao tận tay của ông, và kê giấy vào cho ông viết.
Bệnh Hiệp gắng gượng lắm mới có thể viết mấy dòng chữ.
- Bệnh của ta nặng lắm, từ đây ta sẽ dùng giấy mực để truyền Thiên Phong chưởng cho mi.
Ông ta lại viết :
- Mi hãy lấy chiếc hộp trên giường đến đây cho ta.
Bệnh Hiệp thò bàn tay run rẩy đón lấy chiếc hộp, mở ra, Tâm Đăng thấy bên trong có hai chiếc lọ, một chiếc màu đỏ, một chiếc màu trắng.
Bệnh Hiệp lại viết rằng :
- Mi hãy nhớ, khi đi tìm thằng Trác Đặc Ba để lấy chiếc lông Khổng Tước, thì bôi thuốc trong lọ màu đỏ lên mặt để cải trang, khi xong việc rồi thì dùng thuốc trong lọ màu trắng để tẩy sạch thì sẽ khôi phục lại hình dáng như cũ.
Thấy bệnh tình ông ta có mòi dịu, Tâm Đăng bèn trở về chùa. Nhưng đêm ấy chú trằn trọc không ngủ được, muốn đi thăm Bệnh Hiệp mà không dám, chú đoán chắc giờ này ông ta đang vẽ đồ hình đường võ Thiên Phong chưởng cho chú.
Chắp tay sau lưng Tâm Đăng đi đi lại lại dưới hiên chùa, nghĩ ngợi triền miên đến những việc sắp xảy ra trong tương lai...
Chú lấy làm ân hận, vì sao chú sinh ra làm con người, để phải chịu nhiều điều cay đắng, mặc dầu chú lánh thân nơi cửa Phật, nhưng việc đời cứ mãi vương vít lấy chú...
Còn đang suy nghĩ mông lung, bỗng nghe văng vẳng từ xa đưa đến có tiếng quát nạt vang trời.
Tâm Đăng giật mình thầm nghĩ :
- Bố Đạt La Cung lại xảy ra biến cố...
Đoạn chú cất gót đi về phía tiếng hô hét đưa ra, vượt qua lầu chuông rồi vòng qua lầu trống, nơi đó là một khoảng đất rộng.
Lúc bấy giờ đêm đã khuya nên không có người qua lại, chú vội vã thu hình vào một khóm hoa rồi rảo mắt nhìn ra ngoài, thấy có một người thiếu nữ, nhan sắc cực kỳ xinh đẹp, đang dùng một thân pháp thần tốc vây đánh một lão già...
Nhìn kỹ, Tâm Đăng suýt buột mồm reo lên, thì ra thiếu nữ đó chính là Mặc Lâm Na, nàng đương trổ thuật khinh công thượng thặng dùng bình sinh sở học, quyết chiến với lão già này...
Điều làm cho Tâm Đăng càng thêm hãi hùng là lão già này đầu sói, không một cọng tóc, lại thêm mất hai vành tai, chính là Vạn Giao.
Lúc bấy giờ, Vạn Giao buông ra mấy tiếng cười khoái trá, hai ống tay áo của ông ta bay ra vùn vụt, mỗi đợt tấn công là đem đến cho Mặc Lâm Na nhiều trở ngại...
Sắc diện của Mặc Lâm Na hằn học lắm, nàng nghiến răng ken két, tấn công vù vù, chẳng hề nao núng, thỉnh thoảng lại buông ra vài tiếng Tây Tạng mắng nhiếc thậm tệ :
- Thằng quỷ già, ta quyết giết mi mới nghe!
Vạn Giao cười ồ ồ, dùng tiếng Tứ Xuyên trả lời :
- Con quỷ nhỏ! Mi nói gì ta cũng không hiểu, bản lĩnh của mi thật đáng khen cho đó...
Mặc Lâm Na không biết nghe tiếng Tứ Xuyên, ngỡ rằng Vạn Giao trêu chọc mình, rủa sả ầm ĩ.
Bất thình lình, nàng hét lên một tiếng lanh lảnh, hai bàn tay ngọc xỏ chéo vào nhau theo thế Song Dương, móc cặp mắt đối phương.
Vạn Giao cười ha hả :
- Hay lắm! Hay lắm!
Vừa nói ông ta vừa dùng một thân pháp thần tốc lòn ra sau lưng của Mặc Lâm Na, vươn bàn tay xuất một đòn trả Vân Yếm Nhật chụp vào hậu tâm của nàng.
Với tài bộ của Mặc Lâm Na làm sao tránh khỏi miếng đòn cay độc đó, chính vào lúc Vạn Giao sắp sửa thành công thì một câu nói vang lên :
- Khoan...
Rồi một chiếc bóng mờ từ trong khóm hoa bắn vụt về phía Vạn Giao trong cái thế Tá Hoa Hiến Phật.
Vạn Giao vội vàng thâu chưởng và Tâm Đăng đã đứng sừng sững giữa hai người...
Phát giác ra người mới đến chính là Tâm Đăng, Vạn Giao ha hả cả cười :
- Tiểu hòa thượng, cớ sao mi can thiệp?
Tâm Đăng ấp úng :
- Người này là bạn của tôi...
Câu nói này làm cho Vạn Giao cười vỡ lở :
- Ha ha... ha ha... người xuất gia mà có bạn gái...
Tâm Đăng và Mặc Lâm Na bị chuỗi cười của lão già này làm cho đỏ bừng sắc mặt. Mặc Lâm Na lại mắng lên vài câu bằng tiếng Tây Tạng.
Tâm Đăng sợ nàng làm cho Vạn Giao nổi giận, vội giới thiệu rằng :
- Đây là Vạn lão tiền bối...
Tâm Đăng chưa nói dứt lời thì Vạn Giao đã quát :
- Tâm Đăng, đừng nói tên của ta ra...
Mặc Lâm Na tức giận bồi hồi, xoay lưng bỏ chạy, Tâm Đăng gọi với theo :
- Mặc Lâm Na... trở lại...
Nhưng nàng vẫn đi thẳng vào bóng đêm.
Đợi nàng đi khuất rồi, Vạn Giao mới nói :
- Tiểu hòa thượng, con nhỏ chỉ thuộc hạng tầm thường, so với mi kém xa, đợi khi nào mi hoàn thành công việc, ta sẽ giới thiệu cho mi một người con gái trẻ đẹp hơn...
Tâm Đăng càng nghe càng trái tai, nói lảng sang chuyện khác :
- A di đà Phật! Xin thí chủ chớ đùa...
Vạn Giao vuốt chòm râu của mình nói :
- Mi có biết ta hôm nay đến đây làm gì?
Tâm Đăng lắc đầu, Vạn Giao sờ đầu sói của mình đoạn nói :
- Tiểu hòa thượng, con người ta muốn luyện võ đến tinh vi không phải là một điều dễ dàng.
Thứ nhất, phải có một khiếu thông minh sáng suốt.
Thứ nhì, phải trải qua một thời gian dài dày công tập luyện.
Thứ ba, cần phải có một vị danh sư chỉ dạy... Trong ba điểm này thì điểm thứ ba quan trọng nhất.
Tâm Đăng lấy làm lạ. cớ sao ông ta lại bật ngang nói về vấn đề này? Còn đang sững sờ thì Vạn Giao nói tiếp :
- Mày điếc ư, không nghe ra giọng nói của ta?
Vạn Giao “à” lên một tiếng kinh ngạc, cười lên một tiếng khanh khách :
- Ngỡ là ai, rõ ra là Cô Trúc lão nhân... Mười tám năm không gặp, xin bước ra đây diện kiến.
Dứt lời, từ trong khóm trúc bước vòng ra một người, đó chính là Cô Trúc.
- Kinh đô Tây Tạng lại sắp xảy ra nhiều biến cố lôi thôi rồi đó... Lạc Giang Nguyên, Lư Âu, ta và mi... trước sau thảy đều ra mặt... nghe đâu Thiết Điệp cũng dạy được một tên đồ đệ, hai thầy trò dông đến Tây Tạng... xem tình thế này thì món nợ mười tám năm về trước chẳng ai quên cả!
Vạn Giao nghe qua, tinh thần phấn khởi cười rằng :
- Thế mới thú! Ngày xưa thằng Trác Đặc Ba chẳng dùng độc kế, ngày nay chúng ta đâu có tụ họp nơi này.
Cô Trúc hỏi :
- Lão Vạn, mi truyền võ cho Tâm Đăng?
Vạn Giao đỏ mặt trả lời :
- Thằng này có cốt cách thật phi phàm nhưng e ta chẳng có diễm phúc làm thầy nó!
Cô Trúc nghiêm sắc mặt :
- Mi truyền võ cho nó chỉ vì mấy cái lóng xương tay của mi! Nhưng ta bảo cho mi biết, Tâm Đăng chỉ có thể đi lấy lệnh phù cho ta mà thôi, còn việc riêng của người khác thì ta không biết tới.
Tâm Đăng vọt miệng trả lời :
- Thưa sư phụ, tôi không học võ của ông ta.
Cô Trúc cười rằng :
- Vạn lão tiền bối là một bậc kỳ nhân trong làng võ, mi bỏ qua rất uổng!
Tâm Đăng sững sờ không biết thâm ý của Cô Trúc ra sao.
Vạn Giao nói tiếp :
- Tiểu hòa thượng mi cứ yên trí, ta truyền võ cho mi là một việc, còn mi chịu giúp ta hay không là chuyện khác, ta không hề ép uổng mi...
Tâm Đăng liếc nhìn gương mặt Cô Trúc, thấy ông ta đang trao cho mình một cái nhìn tỏ vẻ đồng ý nên chàng trả lời :
- Nếu tiền bối có lòng tốt thì tôi cũng xin học, nhưng xin thanh minh trước là sau này tôi không chắc sẽ làm giùm công việc cho tiền bối.
Vạn Giao tươi cười :
- Mi cứ yên trí!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.