Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 41: Hỏa thiêu Tây Tạng đệ nhất gia




Câu nói vừa dứt thì Lư Ẩu đã trờ tới bằng một bộ pháp vô cùng nhanh nhẹn, tấn công Trác Đặc Ba bằng bốn chưởng liên hoàn quá ư thần tốc.
Ba thế chưởng của Lư Ẩu trổ ra vừa dứt, thế thứ tư vừa tung ra một nửa thì chung quanh chúng cao thủ ó ré vang đầy :
- Coi chừng Lư lão phỗng tay trên...
Câu nói vừa dứt thì ba bốn người nhất tề xuất động, nhảy xổ tới tấn công.
Thì ra họ cũng biết câu nói của Trác Đặc Ba không thể tin hết mười phần, lại sợ Lư Ẩu ra tay trước, vừa có thể rửa được mối thù hai mươi năm, vừa chiếm được một pho sách quí báu, vì vậy mà không ai dám chần chờ, thảy đều muốn thành công trước những người đồng đội.
Tình thế bây giờ đã khẩn trương lắm, ai ai cũng đều tung ra sát thủ, vì vậy mà Trác Đặc Ba chỉ chống cự không đầy mười hiệp đã lâm vào vòng nguy khốn.
Bất thình lình, Lư Ẩu tung ra một chưởng như chớp giăng sấm nổ giáng thẳng vào đỉnh đầu của Trác Đặc Ba, trong lúc đó thì Vạn Giao, Vạn Tiềm đồng loang tròn lưỡi gươm trong tay của mình tạo thành thế liên hoàn tấn công tả hữu...
Còn Khúc Tinh thì cất lên một tiếng hú thật dài rồi tung ra mọt ngón Tảo Đường cước quét ngang hạ bàn của Trác Đặc Ba.
Bốn người này dùng bốn thế võ khác nhau nhưng phối hợp với nhau vô cùng chặt chẽ làm cho Trác Đặc Ba như con cá nằm trong rọ.
Nhưng lóng tai nghe cương khí bốn bề, ông ta biết công lực bốn người này thì Vạn Tiềm non nhất, vì vậy mà ông ta dùng một thế Độc Mã Xuất Quang tấn công về phía của Vạn Tiềm để mở một con đường máu thoát thân.
Bao nhiêu sức mạnh thảy đều đổ dồn vào đây, vì vậy sau một tiếng “cảng” kinh hồn, thanh gươm trong tay Vạn Tiềm bị gãy làm hai đoạn, liền theo đó một luồng gió lạnh đập vào mặt của ông ta làm cho Vạn Tiềm phải thối lui một bước.
Một bức thối lui đó đã làm cho mảnh lưới hở ra một khoảng và thân hình của Trác Đặc Ba nhanh như một con thỏ sút chuồng, thoát nhanh ra như một luồng gió thoảng.
Những tưởng rằng mình có thể thoát khỏi vùng kiềm tỏa, nào ngờ thân hình đi ra chưa đầy hai trượng thì sau lưng gió dậy vèo vèo, một vật binh khí xé gió đi vun vút lướt tới điểm vào hậu tâm của ông ta.
Bốn tay cao thủ đồng rú lên, vì rằng người ra tay can thiệp đó chính là kẻ có một nền khinh công thượng thặng là Thiết Điệp.
Số là Thiết Điệp này giờ đứng bên ngoài chờ xem tình thế, thấy Trác Đặc Ba thình lình đột xuất trùng vây, bà ta đã có ý từ trước, bây giờ vội vàng giở khinh công thượng thặng ra cấp tốc đuổi theo, vung một ống sáo vàng trong tay điểm vào huyệt Hội Tông của người đang trốn chạy.
Trong tất cả những tay cao thủ có mặt nơi đây có lẽ khinh công của Thiết Điệp là cao nhất, ngày xưa chính bà ta từ trong ngôi nhà đá đến Bố Đạt La Cung luận kinh rồi trở về mà chung rượu chưa tàn hơi nóng...
Lúc bấy giờ bà ta dốc hết tinh thần, vì vậy mà tốc độ càng kinh tâm, và Trác Đặc Ba giữa lúc tinh thần thảng thốt, trúng đòn mà rú lên một tiếng hãi hùng...
Tiếng rú chưa dứt thì gió dậy bốn bề, ngần ấy tay cao thủ thảy đều cấp tốc đổ xô tới...
Nhưng Trác Đặc Ba vận dụng hết sức bình sinh của mình, hớp nhanh một hơi dưỡng khí rồi cất mình chạy thẳng.
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong suốt một đời ông ta phải bỏ chạy một cách đê hèn như thế và những người đi theo sau thảy đều dốc hết tốc lực đuổi theo...
Mười mấy chiếc bóng mờ xé gió đi vèo vèo như tên bắn, ai cũng muốn tới trước để ra tay hạ bệ một kẻ thù đã giữ lệnh phù của mình trong bao nhiêu năm và cũng muốn thừa cơ hội để đoạt Tàm Tang khẩu quyết.
Trong chớp mắt, đoàn người đã thoát ra trên mười trượng và Trác Đặc Ba chạy quanh có vào một con đường hiểm hóc, trước mắt vùng mở ra một cửa động tối om và Trác Đặc Ba băng mình chạy vào đó...
Không ai bảo ai, mọi người thảy đều đuổi theo không dừng bước, và đoàn người đi sâu vào một con đường hầm quanh co ướt át.
Bỗng Trác Đặc Ba dừng chân lại, vì ông ta đã chạy vào tận một gian phòng, dường như là đường cùng lối tận.
Tựa lưng vào tường, cặp mắt long lên sòng sọc như một con mãnh hổ cùng đường, và trong chớp mắt hơn mười tay cao thủ giăng thành hàng chữ nhất chặn nghẽn lối ra.
Một giây im lặng nặng nề trôi qua và người nóng nảy nhất trong bọn là Lư Ẩu, bất thình lình thét lên một tiếng, nhảy xổ tới tấn công.
Thân hình của Trác Đặc Ba theo đó đảo nhanh hai bộ, và với cặp mắt sắc bén phi thường cả Khúc Tinh, ông ta thấy Trác Đặc Ba dùng một động tác phi thường nhanh nhẹn ấn nhẹ bàn chân ba lượt lên ba phiến đá trước mặt ông ta và liên tiếp sử dụng hai đòn Đẩu Chuyển Tinh Di để lẩn đòn...
Liền theo đó có tiếng sè sè vang lên và Khúc Tinh thét lên :
- Nguy rồi, mau rút lui!
Câu nói vừa dứt, ông ta liên tiếp sử mấy thế Thất Tinh Liên Hoàn bộ bắn lui ra phía sau nhanh như một vệt khói mờ, bên tai ông ta có gió dậy vèo vèo, hai ba chiếc bóng mờ nữa cũng lui ra thần tốc...
Vừa thoát khỏi cửa thì một mành lưới sắt từ bên trên cũng vừa rủ xuống, nhốt chặt tất cả những người còn lại ở bên trong và tiếng động cơ vẫn kêu lên sè sè không dứt, cả một gian buồng từ từ tụt xuống... tụt xuống mãi...
Ngoài Khúc Tinh nhanh chân thoát khỏi, kế đó là Thiết Điệp, bà ta vẫn nhờ khinh công thượng thặng mà bắn lùi khỏi phòng trong đường tơ kẽ tóc.
Còn gian phòng bọc lưới sắt kia, tụt thêm hai trượng nữa là đến mực nước, và nước từ bên ngoài tràn vào ào ạt, trông thật là đáng sợ.
Ngần ấy tay cao thủ còn lại biết rằng đã lâm thế nguy nên đồng nhảy tới tấn công ồ ạt, bao vây Trác Đặc Ba kín mít.
Giữa cơn hỗn loạn, Trác Đặc Ba ngửa cổ cả cười, tiếng cười âm u rùng rợn, nửa như khoái trá, nửa như căm hờn.
Thì ra đây là một gian phòng tuyệt lộ mà Trác Đặc Ba đã dụng công xây cất từ trước, liệu đến khi nào những kẻ tử thù của mình đuổi đến chỗ đường cùng, thì sẽ ra độc thủ để cho cả thảy đều chết một cách bi thảm.
Ban nãy, thấy chúng cao thủ đuổi theo mình đến tận nơi đây, Trác Đặc Ba biết không còn phương nào trốn tránh nữa nên vội mở cơ quan, cho lưới sắt bao trùm tất cả để rồi tụt xuống làn nước bạc, đưa tất cả về nơi chín suối một cách vô cùng bi thảm.
Những người còn lại như Vạn Giao, Vạn Tiềm... thảy đều trổ hết sức bình sinh liều chết với Trác Đặc Ba.
Bao nhiêu bình sinh sở học của những người này thảy đều dốc hết, trong gian phòng chật hẹp nước từ từ dâng lên, và bao nhiều người sắp chết đó thảy đều tung sát thủ về phía Trác Đặc Ba.
Phần Trác Đặc Ba còn lại bao nhiêu hơi tàn đều dồn xuống tận Đan Điền, biểu diễn đường võ tột đỉnh trong đời của ông ta là Đại Thủ Ấn một cách hùng hồn mãnh liệt.
Những luồng chưởng phong rùng rợn tuôn ra như thành nghiêng núi sập, tấn công đối phương như vũ bão, trong chớp mắt có mấy người trúng chưởng kêu lên ầm ĩ...
Nhưng chiến cuộc diễn ra vô cùng hỗn loạn, nước từ từ dâng lên, những bước chân người cuộn làn nước bạc tạo thành những đợt sóng kinh hồn.
Toàn thể ướt loi ngoi lóp ngóp và ngần ấy tay cao thủ thảy đều trước sau trúng đòn mà lăn lộn trên mặt nước.
Nước từ từ dâng lên, cảnh tượng thêm não nùng bi đát, lúc bấy giờ Trác Đặc Ba đã liên tiếp trúng nhiều đòn trí mạng, ông ta gầm lên một tiếng, thổ ra một bụm máu tươi rồi lả người trên mặt nước...
Vạn Tiềm thấy vậy, vội vàng bơi gần đến, dồn hết sức mạnh vào cánh tay của mình, giáng xuống Thiên Linh Cái của ông ta một chưởng.
Nào ngờ đòn vừa tuôn ra một nửa thì Trác Đặc Ba gầm lên một tiếng, hai bàn tay tung ra một lượt hai đòn Đại Thủ Ấn.
Một đòn chọi vào chưởng lực của Vạn Tiềm, một đòn đánh thốc vào ngực đối phương, đó là thế võ dùng hết tàn lực của một con người sắp chết.
Hai tiếng “bốp, bốp” vang lên, đòn thứ nhất làm cho Vạn Tiềm gãy lọi một cánh tay, đòn thứ nhì trúng ngay vào giữa ngực làm cho ông ta bay ra xa gần một trượng...
Nhưng trước khi lãnh đòn thứ nhì, Vạn Tiềm cũng trổ hết hơi tàn của mình mà trổ ra một đòn thần tốc là Thần Ưng Cầm Nhạn... chộp một cái vô cùng mạnh mẽ vào huyệt Khí Hải của Trác Đặc Ba.
Năm ngón tay của Vạn Tiềm như năm chiếc vòng sắt móc chặt vào huyệt Khí Hải trước rồi mới trúng đòn sau, nên khi thân hình của Vạn Tiềm bay ra mang theo một mảng thịt của Trác Đặc Ba, và Trác Đặc Ba thét lên một tiếng kinh hoàng... Tiếp theo đó, nước tàn vào như đê vỡ sóng tràn, và tất cả những người có mặt trong phòng thảy đều trước sau chìm lỉm xuống mặt nước.
Thế là ngần ấy những tay cao thủ, trót một đời ngang dọc tung hoành, chỉ vì một quyển sách Tàm Tang khẩu quyết mà phải chết một cách bi thảm như vậy.
Đây nói về ban nãy, khi Trác Đặc Ba nhấn cơ quan cho gian phòng tụt xuống, Khúc Tinh nhờ trông thấy trước nhất nên thoát ra khỏi.
Còn Thiết Điệp nhờ khinh công thượng thặng nên tránh thoát móng vuốt tử thần trong đường tơ kẽ tóc, còn một người nữa được dịp may thoát khỏi mành lưới sắt là Lăng Hoài Băng.
Số là hai chân của Lăng Hoài Băng hơi yếu vì vậy nên đi sau mọi người, do đó mà đứng gần bên cửa, khi thấy Khúc Tinh kêu lên và thân hình của Thiết Điệp bắn ngược trở ra, Lăng Hoài Băng cũng tức tốc vận dụng hết công lực của mình sử một đòn Ngọc Nữ Nghịch Đầu Thoa bắn vù ra theo chân hai người này.
Vừa kịp đứng vững thì nghe tiếng cơ quan chuyển động và gian phòng tụt xuống, Lăng Hoài Băng biết những người kẹt trong ấy như Lư Ẩu, Vạn Tiềm... thảy đều lành ít dữ nhiều.
Vì vậy ông ta không dám chần chờ, vội vàng lần mò trở ra ngoài, trong lúc đó thì Thiết Điệp và Khúc Tinh đã trổ thuật phi hành đi mất dạng từ lâu.
Lăng Hoài Băng vốn là một trang tài tử, thủa nhỏ vì si tình với người đẹp là Vân Cô mà phải mang tai họa hai mươi năm trường, bây giờ thấy Trác Đặc Ba bị quần hùng vây hãm sống chết chưa tường, Lăng Hoài Băng liền nhớ đến người tình năm cũ là Vân Cô, chắc giờ này vẫn còn ẩn trong Tây Tạng đệ nhất gia.
Lúc này tại Tây Tạng đệ nhất gia, Mặc Lâm Na đã thông báo cho Vân Cô biết Trác Đặc Ba cùng quần hùng đã chết cũng như Tâm Đăng đã trúng độc thủ của Trác Đặc Ba khó mà toàn mạng, báo xong nàng vội bỏ chạy đi.
Vân Cô trong lòng đang hồi bi thiết, khóc lóc não nề và vừa dùng gươm tự vẫn, thấy lưỡi gươm đã cắt ngang cổ họng của mình một cách ngon lành, bất thình lình vang lên một tiếng “coong” thánh thót, cánh tay bà bỗng tê rần, thành trường kiếm tuột khỏi tay và rơi đánh xoảng trên mặt đất.
Kinh hoàng thảng thốt, Vân Cô quay đầu nhìn lại, thấy sau lưng mình xuất hiện một người tuổi ngoại ngũ tuần, ánh mắt sáng như gươm...
Ánh mắt quen thuộc đó vừa đập vào mắt của Vân Cô, bà ta rú lên một tiếng :
- Trời... Mi... Lăng...
Lăng Hoài Băng điềm tĩnh trả lời :
- Phải, tôi là Lăng Hoài Băng, nghĩa đệ của Càn Nguyên hồi hai mươi năm về trước.
Vân Cô thét lên một tiếng kinh hoàng rồi nói qua làn nước mắt :
- Mi... ta ngỡ mi đã chết, sao bây giờ mi còn sống... lại cản trở ta? Không, mi hãy để cho ta về với Càn Nguyên...
Lăng Hoài Băng nói :
- Tôi không chết, mà lại sống, hai mươi năm nay tôi sống tại Tây Tạng đệ nhất gia này.
Vân Cô sửng sốt :
- Mi nói thật? Hai mươi năm nay mi sống trong Tây Tạng đệ nhất gia này?
Lăng Hoài Băng gật đầu, thuật sơ qua việc Trác Đặc Ba cấm cố ông ta dưới lòng đất cho Vân Cô nghe, Vân Cô nghe xong khóc lóc càng thêm thảm thiết.
Rồi thưa lúc Lăng Hoài Băng lơ ra, Vân Cô bất thần tung về phía Lăng Hoài Băng một ngọn cước vô cùng mãnh liệt, cùng trong một lúc bà ta thò tay ra nhặt lấy thanh trường kiếm, sử một đòn Ngọc Nữ Khai Đao đâm thốc vào dạ dưới của mình.
Lăng Hoài Băng bị ngọn cước của Vân Cô uy hiếp phải thối lui một bước, nhưng vừa thối lui một bước ông ta liền bắn vù tới hai bước một cách thần tốc, một tay chộp vào huyệt Giai Tĩnh của Vân Cô, một tay sử một đòn Không Thủ Đoạt Kim Kiếm mà tước kiếm...
Lăng Hoài Băng biết ý của Vân Cô quả thật muốn tự vẫn, vì vậy mà không dám chểnh mảng, đòn tung ra thật là thần tốc, vừa kềm chế được huyệt Giai Tĩnh của bà, vừa tức tốc đoạt gươm...
Nhưng đã trễ một bước, thế võ Ngọc Nữ Khai Đao của Vân Cô đã tuôn ra một nửa, may nhờ Lăng Hoài Băng can thiệp nên đường gươm đi lệch sang một bên, cắt sâu vào hông bà một nhát, và máu đào tuôn ra cuồn cuộn, ướt đẫm cả chiếc áo màu trắng phau phau của Vân Cô.
Lăng Hoài Băng chắt lưỡi kêu trời, bàn tay ém trên huyệt Giai Tĩnh tức tốc tăng cường nội lực làm cho bán thân của Vân Cô mềm nhũn ra, liền theo đó ông ta vung bàn tay còn lại điểm một loạt vào những yếu huyệt chung quanh vết thương để cầm máu.
Máu đã ngưng chảy nhưng Vân Cô vẫn rên rỉ liên hồi, chính vào giữa lúc nguy nan cùng cấp thì bên ngoài có tiếng la ó liên hồi, Lăng Hoài Băng lóng tai nghe ngóng, ngoài tiếng la thét còn có tiếng lửa cháy rần rần, tình thế cực kỳ hỗn loạn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.