Cô Thành Bế

Chương 5: Ốm bệnh




Kim thượng nhanh chóng được đưa về Phúc Ninh Điện. Lúc Miêu thục nghi dẫn theo ta chạy tới tạ tội, ngài đã tỉnh lại, bên người vây đầy thái y Trương Mậu Tắc mời đến, hoàng hậu cũng có mặt trong điện.
Khi ấy, hoàng hậu tự mình rót bát thuốc, đưa tới trước mặt ngài, đang định khuyên ngài uống thì bị ngài giơ tay lên cản, bát thuốc lật úp, nước thuốc tạt hoàng hậu ướt đẫm.
“Ta không bị bệnh!” Ngài nổi nóng bực dọc nói.
Hoàng hậu nín thinh, tạm thời chưa bận tâm đến việc thay y phục, chỉ bảo nội nhân dọn bát thuốc xuống.
Miêu thục nghi thấp thỏm tiến lên, hạ bái thỉnh tội thay con gái lớn. Kim thượng thoáng liếc bà, chỉ đáp bằng một chữ: “Miễn.” lại nhìn sang ta, hỏi: “Ngươi có nói với Huy Nhu chuyện của ta không?”
Ta nghĩ hẳn ý ngài là chuyện ngất xỉu ngoài Nghi Phượng Các, bèn đáp: “Quan gia đi rồi, công chúa lại nằm xuống chợp mắt. Thần định đợi công chúa tỉnh lại rồi mới báo người việc này, đến lúc đó nhất định người sẽ qua đây thỉnh tội với quan gia ạ.”
Kim thượng xua tay: “Để nó nghỉ ngơi an ổn đi, đừng nói cho nó biết.”
Mấy ngày sau đó, kim thượng vẫn từ chối uống thuốc, mà khí sắc và tinh thần thì đều ngày một sa sút.
Chẳng qua bao lâu, năm mới lại tới. Theo thường lệ, triều đình quốc nội mà xảy ra chuyện lớn không lành thì năm sau sẽ đổi niên hiệu. “Chí Hòa” hiện giờ hiển nhiên đã là một niên hiệu không lành, đổi được hai năm, mở đầu bằng cái chết của Trương quý phi, kết thúc tại trận ốm bệnh của kim thượng, bởi vậy nên, bước sang một năm hoàn toàn mới này, niên hiệu lại đổi sang một cái hoàn toàn mới khác – Gia Hựu.
Nhưng niên hiệu mới cũng chẳng lập tức mang lại vận may cho hoàng đế, sau tân niên, bệnh của ngài ngược lại còn có xu thế trở nặng.
Mồng một tết Gia Hựu năm thứ nhất, kim thượng ngự Đại Khánh Điện, xem đại triều hội. Sau khi bách quan xếp hàng, nội thị cuộn rèm che trước ngự tọa lên, cho chư thần diện kiến hoàng đế, đúng lúc ấy kim thượng lại trúng cơn cảm gió váng đầu, mũ mão lệch đi, nghiêng sang một bên. Người xem kinh hãi, kẻ hầu hai bên vội vã buông rèm, dùng ngón tay bấm nhân trung kim thượng mới cứu tỉnh được ngài. Một lần nữa cuốn rèm, cấp tốc hành lễ xong, chúng hoạn giả đỡ ngài trở về tẩm điện.
Sau buổi chúc mừng năm mới, sứ giả Khiết Đan vào chầu, theo thường lệ, triều đình bày rượu ban tiệc ở Tử Thần Điện. Lúc sứ giả vào tới đình, kim thượng chợt cao giọng hét: “Mau triệu sứ giả lên điện, trẫm suýt nữa không gặp được họ rồi!” lời nói kế tiếp cũng lộn xộn, chúng nội thần hiểu là bệnh tật kim thượng phát tác, lập tức dìu ngài về cung, để tể thần lấy danh nghĩa kim thượng chỉ dụ sứ giả Khiết Đan, giải thích là đêm trước trong cung uống rượu quá nhiều, hôm nay không thể đích thân tới tiệc, sai đại thần thưởng cỗ ở trạm dịch, vẫn trao quốc thư.
Kể từ đó, kim thượng triền miên ốm bệnh trên giường, không thể lên triều. Trải qua tể chấp yêu cầu, đổi thành quan viên nhị phủ đến tiểu điện Nội Đông Môn gần nội cung nhất sinh hoạt, gặp kim thượng mỗi buổi sáng sớm ở đó.
Tình hình của công chúa cũng chẳng mấy tốt đẹp. Nàng vẫn trong trạng thái nửa tuyệt thực, ta và Hàn thị chỉ có thể dỗ nàng uống chút cháo vào thời điểm nàng mơ màng, lâu dần, bộ dáng nàng cũng y như mắc bệnh nặng. Miêu thục nghi mời thái y tới kê thuốc mấy lần, nhưng công chúa lại thà chết không uống, cả ngày không khóc cũng mê man, chẳng có chút tinh thần nào.
Ta đương hết đường xoay sở thì bỗng nghĩ đến chuyện Trương tiên sinh châm cứu cho Thu Hòa. Tuy tình trạng của công chúa khác với Thu Hòa khi đó nhưng chưa biết chừng châm cứu cũng có thể vực lại chút tinh thần cho nàng, vả lại, Trương tiên sinh ở Ngự dược viện đã nhiều năm, y thuật hẳn cũng rất cao minh, hỏi ý kiến thầy dẫu sao cũng vẫn tốt hơn.
Song liên tiếp hai ngày, ta đến tìm nhiều lần từ Ngự dược viện đến tận Phúc Ninh Điện mà vẫn không gặp được Trương tiên sinh. Sau, ta cảm thấy quái lạ, bèn hỏi một tiểu hoàng môn Ngự dược viện hướng đi của Trương tiên sinh. Cậu ta không biết ta, quan sát rất cảnh giác, hỏi: “Anh là thuộc hạ của Thạch đô tri?”
Thạch đô tri chỉ Thạch Toàn Bân, thân tín của Trương quý phi năm xưa, sau khi quý phi hoăng, kim thượng đã thăng y lên làm phó đô tri.
Tuy ta và Trương tiên sinh quen biết đã nhiều năm, nhưng thường ngày nếu không có việc gì lớn, hai ta cũng chẳng mấy khi gặp mặt riêng, bởi vậy nên hoạn giả dưới quyền thầy không phải ai cũng nhận ra ta. Đối mặt với câu hỏi của cậu tiểu hoàng môn này, ta lắc đầu phủ nhận, nói cho cậu ta biết: “Tôi là Lương Hoài Cát.”
“Ồ, hóa ra là Lương cao phẩm, tôi biết anh.” Cậu ta yên lòng, mỉm cười báo với ta: “Trương tiên sinh xuất cung rồi ạ.”
Ta truy vấn: “Đi đâu?”
Cậu ta trả lời: “Tôi cũng không biết. Tiên sinh nói trước khi đóng cửa cung sẽ trở về, anh đợi đến lúc đó hẵng quay lại.”
Xế chiếu, ta quay lại, quả nhiên gặp được Trương tiên sinh. Thầy phong trần mệt mỏi, mắt vằn vện tia máu, hẳn là do gần đây phải vất vả ngược xuôi.
Thầy thấy ta, lập tức dẫn ta vào buồng làm việc của mình, hỏi: “Là chuyện của công chúa à?”
Ta gật đầu, thuật lại tình hình của công chúa cho thầy nghe, hỏi thầy có thể làm châm cứu không, thầy nói: “Công chúa đây là mắc tâm bệnh, châm cứu không có tác dụng gì lớn… Cậu trở về nói cho người biết, người nhất định sẽ có cơ hội gặp lại Tào Bình, thế nên bây giờ phải khỏe lên. Ăn nhiều vào tất sẽ bình phục.”
“Thế…là lừa người ạ?” Ta nghi hoặc hỏi.
Thầy cười nhạt nhòa: “Không tính là lừa. Họ sẽ không được như nguyện, nhưng nhất định vẫn còn cơ hội gặp lại.”
Thấy thầy không có ý định giải thích cặn kẽ, ta cũng thôi hỏi tiếp, nhưng không nhịn được tỏ ra hiếu kỳ với nguyên nhân thầy xuất cung: “Tiên sinh xuất cung là có liên quan đến bệnh tình của kim thượng ạ?”
Thầy im lặng hồi lâu, sau cùng vẫn tiết lộ một chút cho ta: “Ta đi gặp Thập Tam Đoàn Luyện và Phú tướng công.”
Tể tướng hiện thời là hai vị đại thần bị điều ra ngoài trước đây, Phú Bật và Văn Ngạn Bác.
Nửa năm trước, tể tướng Trần Chấp Trung bị ngự sử vạch tội, trước luận việc ông cho phép truy phong Ôn Thành vượt quá lễ chế, sau chỉ trích ông dung túng tỳ thiếp đánh chết hầu gái, “Vào không hết lòng cần mẫn, ra không biết giữ nếp nhà”, thậm chí còn có người nói ông tư thông với con gái mình. Cái chuyện nghe rợn cả người này chẳng biết là thật hay giả, nhưng đủ loại nguyên nhân gộp vào cuối cùng cũng dẫn đến việc Trần Chấp Trung bãi tướng.
Khi đó, hầu như tất cả mọi người đều cho rằng kim thượng sẽ nhân cơ hội này cất nhắc Vương Củng Thần. Bởi sau khi y đề xướng bàn bạc truy phong Ôn Thành, kim thượng đã lập tức thăng y lên làm tam ty sứ, giống như khi xưa ngôn quan nói lúc hặc Trương Nghiêu Tá, vị trí ấy chỉ cách nhị phủ một bước ngắn.
Nhưng kim thượng lại ra một quyết định nằm ngoài dự liệu của mọi người, tuyên bố thăng Phú Bật và Văn Ngạn Bác làm tướng, bổ Vương Củng Thần làm tuyên huy bắc viện sứ, phán Tịnh châu (*).
(*) Có thể hiểu phán châu như chức trợ lý tể tướng, kiêm chưởng quản một châu dưới hình thức gián tiếp, tri châu đứng hàng tam phẩm, phán châu đứng hàng nhị phẩm.
Phú Bật sớm có hiền danh, nếu không có vụ gấm đèn lồng thì Văn Ngạn Bác cũng thuộc nhóm lương thần, thế nên sĩ phu nghe tin tức này lên triều đều chúc mừng lẫn nhau.
Bây giờ nghe Trương tiên sinh nhắc đến Thập Tam Đoàn Luyện và Phú tướng công, ta đã có thể đoán được nguyên do trong đây: Kim thượng không khỏe, hoàng hậu và chư thần ắt phải tính đến chuyện thái tử, mà thân phận hoàng tử của Thập Tam Đoàn Luyện thì chưa xác lập, tương lai lỡ xảy ra biến cố, cần phải có sự ủng hộ của tể tướng mới có thể lên ngôi. Bởi vậy nên Trương tiên sinh bôn ba suốt mấy ngày nay hẳn là để truyền báo tin tức cho hoàng hậu, xin Phú Bật tán thành Thập Tam Đoàn Luyện lên ngôi trong tương lai, đồng thời cũng bảo Thập Tam Đoàn Luyện chuẩn bị thật tốt việc đăng cơ.
“Đây là ý của hoàng hậu ạ?” Ta thử hỏi dò.
“Phú tướng công và hoàng hậu đều có ý này.” Trương tiên sinh đáp, dừng lại một thoáng rồi nói tiếp: “Thực ra nếu bây giờ kim thượng có thể tự quyết định thì kết quả cũng sẽ chỉ như vậy.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.