Tôi không hiểu được. Trong bao nhiêu ngày con tàu đã tuần tự nhi tiến, ngạo nghễ phớt lờ mọi thứ xung quanh nó. Mặt trời chói lọi, mưa rơi, gió thổi, nước dòng, sóng cao, vực sâu - con tầu Tsimtsum đều mặc kệ. Nó chạy với một sự tự tin, chậm chạp và khổng lồ của một châu lục.
Tôi đã mua một tấm bản đồ thế giới cho chuyến đi; tôi treo nó lên một cái bảng nút chai trong cabin của chúng tôi. Sáng sáng, tôi hỏi vị trí của tầu ở cầu chỉ huy và đánh dấu lên tấm bản đồ bằng một cái đinh ghim đầu tròn màu da cam. Chúng tôi đi từ Madras, ngang qua Vịnh Bengal, xuống dọc eo biển Malacca, vòng Singapore rồi ngược lên Manila. Tôi không thấy chán một chút nào trong suốt lộ trình ấy. Chúng tôi rất bận vì phải chăm sóc bầy thú. Đến đêm, lên giường ngủ thì ai nấy đều ê ẩm tận xương. Chúng tôi dừng lại ơ Manila hai hôm, vì chuyện thức ăn tươi cho bầy thú, lấy thêm hàng, và như chúng tôi được thông báo, còn để kiểm tra bảo dưỡng máy tàu nữa. Tôi chỉ để ý đến hai việc trước. Thức ăn tươi cho bầy thú có hàng tấn chuối, còn hàng mới là một con đười ươi cái Congo, một phần kết quả của những chạy vạy cho công việc của cha. Một tấn chuối và 2, 3 kí lô những con nhện to tướng đen xì. Một con đười ươi cũng giống như một con khỉ độc, nhỏ hơn, gầy hơn, nhưng trông lưu manh hơn, ít vẻ u buồn hơn. Một con đười ươi rùng mình nhăn mặt khi nó chạm vào một con nhện đen, cũng như anh và tôi, nhưng khác một cái là ngay sau đó nó sẽ giận dữ nghiền nát con nhện bằng các khớp ngón tay của nó. Tôi thấy chuối và một con đười ươi thú vị hơn nhiều cái cỗ máy cơ khí bẩn thỉu dưới lòng tầu. Ravi thì suốt ngày này qua ngày khác ở dưới đó, xem người ta chạy máy. Máy móc có cái gì đó không ổn, anh bảo vậy. Hay là việc bảo dưỡng đã chữa lợn lành thành lợn què? Tôi không biết. Chắc cũng chẳng ai biết. Câu trả lời là một bí ẩn đang nằm dưới hàng nghìn thước nước.
Chúng tôi rời Manila và tiến vào Thái Bình Dương. Đến ngày thứ tư, mới nửa đường đến Midway, thì tàu đắm. Con tàu biến mất tăm vào cái lỗ đinh ghim của tôi trên bản đồ. Một trái núi sụp đổ trước mắt tôi và mất dạng dưới chân tôi. Khắp xung quanh tôi là bãi nôn mửa của con tàu chết vì rối loạn tiêu hóa. Tôi nôn mửa. Tôi choáng. Tôi thấy trống rỗng lớn lao ở trong mình, rồi cái trống rỗng ấy lại bị sự im lặng lấp đầy. Trong nhiều ngày sau đó, một nỗi đau đớn và sợ hãi luôn đè chặt lên ngực tôi.
Hình như đã có một tiếng nổ. Nhưng tôi không chắc. Lúc đó tôi đang ngủ. Và đã bật dậy. Con tàu không phải là một tàu khách hạng sang. Nó là một tàu chở hàng hạng nặng thiết kế không phải để phục vụ khách có tiền và đòi hỏi tiện nghi. Lúc nào và chỗ nào trên tàu cũng ầm ĩ các loại tiếng động. Cũng chính vì mức độ ồn ào và ổn định ấy mà chúng tôi ngủ ngon như hài nhi. Đấy là một dạng im lặng không có gì phá vỡ được, kể cả tiếng ngáy của Ravi hay những lời mê ngủ của tôi. Cho nên tiếng nổ ấy, nếu có, cũng không phải là một tiếng động mới mẻ gì. Nó chỉ là một tiếng động bất thường. Tôi giật mình tỉnh dậy, như thể Ravi vừa bóp nổ một quả bóng hơi ngay tai tôi. Tôi nhìn đồng hồ. Mới quá bốn rưỡi sáng một tí. Tôi cúi xuống giường bên dưới. Ravi vẫn ngủ.
Tôi mặc quần áo và trèo xuống. Thường thì tôi ngủ rất say. Thường thí tôi sẽ nằm lại và ngủ tiếp. Không biết tại sao đêm đó tôi lại thức dậy như thế. Chính ra Ravi mới là người sẽ làm như vậy. Anh thích từ ''vẫy gọi''. Trong trường hợp ấy, Ravi sẽ bảo ''Phiêu lưu đang vẫy gọi,'' và sẽ chạy ra thám thính khắp các nơi trên tàu. Mức độ tiếng ồn lại trở lại như thường, nhưng hình như có khác về chất, có lẽ hơi nghèn nghẹt khác trước.
Tôi lay Ravi. Tôi gọi, ''Ravi! Có tiếng gì lạ lắm. Mình ra xem sao đi.''
Anh ngái ngủ nhìn tôi. Anh lắc đầu và trở mình, kéo chăn lên tận má. Ôi, Ravi!
Tôi mở cửa cabin.
Tôi còn nhớ mình đi dọc hành lang, nơi cảnh vật lúc nào cũng thế cả ngày lẫn đêm. Nhưng tôi cảm thấy đêm tối ở trong mình lúc đó. Tôi dừng lại trước cabin của cha mẹ và đã định gõ cửa. Tôi nhớ mình có nhìn đồng hồ và quyết định thôi không gõ cửa nữa. Cha thích giấc ngủ của cha lắm. Tôi quyết định sẽ lên boong đón bình minh. Có thể tôi sẽ thấy một ngôi sao đổi ngôi.Tôi đã nghĩ đến điều đó, đến các ngôi sao đổi ngôi, khi trèo lên thang. Cabin của chúng tôi ở cách boong hai tầng. Tôi quên hẳn cái tiếng động lạ kia rồi.
Chỉ khi đẩy mở cánh cửa nặng dẫn lên boong, tôi mới nhận thấy thời tiết lúc ấy ra sao. Đã gọi được là bão chưa nhỉ? Đúng là đang mưa, nhưng không đến nỗi to lắm. Rõ ràng chưa phải là mưa giật như trong những trận bão gió mùa. Có gió. Những cơn gió giật cũng đủ mạnh để lật ô. Nhưng tôi vẫn đi trong gió ấy không mấy khó khăn. Còn biển, trông dữ dội thật, nhưng với một kẻ sống trong đất liền thì biển cả bao giờ chẳng ghê gớm, hùng vĩ và đầy nguy hiểm. Những con sóng trào lên, và bọt trắng bị gió thổi quật tơi bời vào thành tàu. Nhưng tôi đã từng thấy cảnh đấy và có con tàu nào đắm. Một con tàu hàng là một cấu trúc bền vững khổng lồ, một chiến công của kỹ thuật. Nó được thết kế để nổi trên mặt nước trong những điều kiện tồi tệ nhất. Thời tiết kiểu này chắc sẽ không thể làm đắm tàu được, có phải vậy không nhỉ? Lạ thật, chỉ cần đóng cánh cửa và sẽ không thấy gió bão gì nữa. Tôi tiến hẳn lên boong. Tôi bíu chắc lấy lan can và ngửa mặt đón bão. Thích thật, đây mới là phiêu lưu mạo hiểm.
''Hỡi Canada, ta đã đến đây!'' Tôi gào lên, ướt sũng và lạnh cóng. Tôi thấy mình thật can đảm. Vẫn còn tối, nhưng cũng đả đủ sáng để nhìn thấy xung quanh. Sáng để thấy hết cảnh thiên nhiên gào thét. Một sân khấu khổng lồ, với ánh sáng thật kịch tính, với vô vàn những phụ kiện, và một ngân sách không hạn chế cho những hiệu quả đặc biệt. Trước mắt tôi là một khung cảnh hoành tráng của gió và nước, một trận động đất của các giác quan mà ngay cả Hollywood cũng không thể bầy đặt ra được. Nhưng trận động đất ấy ngưng lại ngay dưới chân tôi. Tôi đang đứng trên một nền tảng vững chãi. Tôi như một khán giả ngồi yên ổn trong ghế của mình.
Chỉ đến khi nhìn lên chỗ cái xuống cứu nạn trên cầu tàu, tôi mới bắt đầu thấy lo lắng. Cái xuồng không nằm ngay ngắn trong vị trí treo lơ lửng của nó. Nó nghiêng hẳn vào phía trong của hai vòng giá treo. Các khớp ngón tay tôi trắng bệch. hóa ra, tôi phải bíu chặt lấy lan can như vậy không phải vì gió bão, mà là nếu không thì tôi đã ngã về phía trong con tàu, lúc đó đang nghiêng dần sang phía sườn bên trái. Chưa nghiêng nhiều lắm, nhưng đủ để tôi kinh ngạc. Khi tôi nhìn sang phía bên kia, cảnh vật không còn bình thường nữa. Tôi nhìn thấy cả sườn tàu đen sì.
Tôi run bắn lạnh hết cả người. Tôi nhất định nghĩ rằng chỉ vì cơn bão mà thôi. Đã đến lúc về cabin. Tôi bỏ tay, bước vội về phía vách, dướn người mở cửa.
Bên trong tàu có nhiều tiếng động. Những tiếng rền rĩ trầm đặc của cấu trúc. Tôi vấp ngã. Không sao. Tôi vùng dậy. Vịn vào tay cầu thang, tôi chạy xuống từng 4 bậc một. Mới xuống đến tầng thứ nhất ở dưới tôi đã thấy nước. Nước tràn lan. Ngập hết lối đi. Nước dâng lên ào ạt từ bên dưới như một đám đông nổi loạn, giận dữ, ngầu bọt và sôi sùng sục. Tôi không thể tin vào mắt mình. Tại sao lại có nước ở đây? Nó ở đâu ra? Tôi đứng đóng đanh tại chỗ, hốt hoảng, hoang mang, không biết phải làm gì tiếp. Cả gia đình tôi đang ở dưới kia.
Tôi chạy trở lên boong. Thời tiết không còn làm trò mua vui như trước nữa. Tôi sợ hãi lắm. Bây giờ thì rõ ràng quá rồi: con tàu đang lật nghiêng một cách trầm trọng. Mà không phải chỉ về một phía. Nó đang nghiêng cả từ phía mũi xuống phía đuôi tàu. Nhìn sang phía bên kia boong, tôi thấy nước biển có vẻ cách mình chưa đến 20m. Tau đang chìm. Tôi không thể chấp nhận ý nghĩ đó. Nó khó tin như chuyện mặt trăng bốc cháy vậy.
Sỹ quan và thủy thủ đâu cả rồi? Họ đang làm gì vậy? Về phía mũi tàu, tôi thấy lờ mờ có mấy bóng người đang chạy. Hình như tôi thấy cả mấy con thú nhưng tôi gạt những hình ảnh ấy đi, coi chúng chỉ là ảo ảnh do mưa và bóng tối gây ra. Chúng tôi có mở then các cửa khoang thú vật khi thời tiết tốt, nhưng chúng luôn luôn được nhốt kín trong cách chuồng riêng. Chúng tôi đang chở các con thú hoang nguy hiểm chứ đâu phải gia súc. Phía trên cầu tàu, tôi nghĩ tôi nghe thấy có tiếng người đang hò hét.
Con tàu lắc mạnh một cái rồi đến cái tiếng động ấy, cái tiếng ợ kim loại ma quái. Cái gì vậy? Có phải là một tiếng thét tập thể của người và thú phản kháng cái chết đang đến với họ? Hay là tiếng thở dốc của chính con tàu khi trút bỏ linh hồn? Tôi ngã lộn nhào. Tôi vùng đứng dậy. Tôi lại nhìn ngang boong tàu và thấy biển dâng lên. Sóng gần lắm rồi. Chúng tôi đang chìm rất nhanh.
Tôi nghe thấy rõ ràng tiếng khỉ kêu thét. Có cái gì đang làm rung cả sàn tàu. một con bò tót ấn Độ chạy đâm bnổ từ trong mưa về phía tôi, ầm ầm chây qua tôi, hoảng sợ đến phát rồ. Tôi chỉ biết chết lặng nhìn nó. Lạy Chúa tôi, không biết ai lại thả nó ra như thế?
Tôi chạy ra cầu thang dẫn lên cầu tàu. Trên đó sẽ có các sỹ quan, những người nói được tiếng Anh duy nhất trên tàu, trong tay họ là vận mệnh của chúng tôi, họ sẽ chỉnh đốn được tình hình. Họ sẽ giải thích mọi chuyện. Họ sẽ bảo vệ được gia đình tôi và tôi. Tôi trèo lên cầu tàu giữa. Không thấy có ai bên này, tôi chạy sang phía bên kia, thấy có hai người trong thuỷ thủ đoàn. Tôi ngã. Tôi vùng dậy. Họ đang nhìn cả ra biển. Tôi hét lên. Họ quay lại. Họ nhìn tôi rồi nhìn nhau. Họ nói cái gì đó. Họ chây ù về phía tôi. Tôi lập tức thấy yên tâm. Tôi nói: ''Ơn Chúa, tôi đã tìm thấy các anh. Có chuyện gì vậy? Tôi sợ lắm. Dưới đáy tàu toàn là nước. Tôi lo cho gia đình tôi wá. Tôi không thể xuống dưới tầng có cabin của chúng tôi. Bình thường có chuyện này không? Các anh nghĩ...''
Một người trong bọn họ ngắt lời tôi bằng cách ấn vào tay tôi một cái áo phao cấp cứu và quát cái gì đó bằng tiếng Trung Quốc. Tôi để ý thấy một cái còi màu da cam lủng lẳng ở cái túi phao. họ đều gật đầu lia lịa về phía tôi. Khi họ túm lấy tôi và nhấc bổng tôi lên, tôi chẳng phật ý gì hết. Tôi nghĩ họ đang giúp tôi. Tôi thấy tin họ đến mức còn cảm thấy biết ơn họ khi họ nhấc bổng tôi lên như vậy. Chỉ khi họ ném tôi xuống biển, tôi mới bắt đầu thấy nghi ngờ.