Cuộc Đời Của Pi

Chương 49:




Đến sáng thì tôi không thể động cựa gì được nữa. Tôi kiệt sức nằm bẹp gí trên tấm bạt. Ngay cả nghĩ thôi cũng mệt bã người. Tôi cố không nghĩ mông lung. Dần dần, chậm chạp như một đoàn lạc đà đi wa sa mạc, một vài ý nghĩ bắt đầu hiện ra có đầu có đuôi.
Ngày vẫn như hôm trước, ấm và âm u, mây thấp, gió nhẹ. Đó là một ý nghĩ. Cái xuồng vẫn lắc lư nhè nhẹ, đó là ý nghĩ nữa.
Lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc làm sao để sống được đây. Tôi đã không được một giọt nước uống, một miếng đồ ăn, một phút ngủ yên nào trong 3 ngày liền. Vỡ nhẽ rằng hóa ra chỉ vì thế mà mình kiệt sực, tôi thấy khỏe lại một chút.
Richard Parker vẫn ở trên xuồng. Mà nó ở ngay bên dưới tôi. Khó có thể tin được rằng một điều hiển nhiên như vậy lại cần phải tôi bằng lòng tin thì mới thành sự thật. Nhưng đúng là chỉ sau khi suy xét mãi, kiểm tra mãi các yếu tố tâm thần và quan điểm của chính mình, tôi mới dám kết luận rằng đó không phải là nằm mơ hoặc ảo giác hoặc trí nhớ lẫn lộn hoặc tưởng tượng linh tinh hay bất kì một thứ ngộ nhận nào khác, mà là một sự thật sờ sờ đã được chứng kiến trong trạng thái tinh thần mệt mỏi và bị kích động cao độ.
Làm sao mà tôi đã không thấy được một con hổ Bengal nặng hơn hai tạ trên một chiếc xuống dài có 6 thước trong suốt hai ngày rưỡi liển? Đó là một bí ẩn mà tôi sẽ phải khám phá sau này, khi đã khỏe khoắn hơn. Trong lịch sử hàng hải, Richard Parker chắc hẳn là móng hàng lớn nhất từng được chuyên chở, tính theo tỉ lệ hàng/tàu. Từ đầu mũi nó đến mỏm cuối đuôi, con hổ dài hơn 1/3 của chiếc xuồng chở nó.
Đúng là tôi đã mất hết hy vọng ở thời điểm đó. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi tỉnh táo lại và cảm thấy khá hẳn lên. Ta thấy hiện tương này thường xuyên trong thể thao, đúng không nào? Tay quần vợt trang chức vô địch bắtđầu chơi rất hay nhưng chẳng mấy chốc đã mất tự tin. Nhà quán quân giành hết thế chủ động. Nhưng ở ván cuối cùng, khi tay vợt tranh chức kia không còn gì để mất nữa, hắn bắt đầu thư giãn trở lại, bất cần, dám chơi hết mình. Thế là thình lình hắn chơi như quỉ sứ và nhà quán quân phải vất vả lắm mới giữ được những điểm cuối cùng. Tôi cũng trong tình trạng ấy. Đối phó với một con linh cẩu có lẽ còn khả dĩ mặc dù thật xa xôi, nhưng với Richard Parker thì hiển nhiên tôi không phải là đối thủ rồi, chẳng cần phải lo lắng làm gì. Với một con hổ ở cùng trên xuồng, đời tôi thế là đi đứt. Yên tâm thế rồi, thì tội gì không tìm cách làm sao cho khỏi khát khô cả cổ thế này.
Tôi tin chính điều đó đã cứu sống tôi vào buổi sáng ngày hôm ấy. Nghĩa là cái việc tôi thực sự đang chết khát. Lúc bấy giờ, một khi đã hiện lên cái ý nghĩ như vậy, tôi không thể nghĩ đến cái gì khác được nữa, cứ như thể bản thân ý nghĩ đó mặn chát và càng nghĩ đến nó thì càng khát nước hơn. Tôi có nghe thiếu không khí còn kinh khủng hơn cả khát. Nhưng chắc chỉ trong vài phút thôi, vì ta sẽ chết luôn và cái khó chịu vì thiếu ôxy cũng chẳng còn nữa. Nhưng khát là một cực hình dai dẳng. Cứ xem đấng Christ thì biết, ngài chết trên cây thập giá vì ngạt, nhưng chỉ thấy ngày kêu khát mà thôi. Nếu đến bậc hoá nhân của Thượng Đế mà còn khổ vì khát như thế thì ng` thường còn khổ đến đâu. Nó khổ đến mức làm tôi phát điên phát rồ. Tôi chưa bao giờ biết một địa ngục thân xác nào kinh khủng hơn cái vị ôi ai và cảm giác như bột dính trong miệng, cái áp lực không thể chịu nổi tận trong họng, cái cảm giác rõ ràng là máu đã biến thành một thứ sirô đặc quánh không thể chảy được nữa. Thực sự là nếu so sánh thì một con hổ chẳng là cái gì hết.
Và thế là tôi gạt hết các ý nghĩ về Richard Parker sang một bên và bắt đầu tỉnh bơ lục lọi tìm kiếm nước uống.
Cây gậy thiêng dò nước trong trí óc tôi trĩu hẳn xuống và một cái giếng nước phụt lên khi tôi nhớ ra mình đang ở trên một cái xuồng cứu nạn chính cống và một cái xuồng như vậy chắc chắn có chứa sẵn những đồ dùng cần thiết. Có vẻ đó là một giả định hoàn toàn có lý. Thuyền trưởng nào lại có thể quên một thủ tục cơ bản về an toàn như vậy? Nhà thầu thực phẩm nào chẳng nghĩ đến việc đòi thêm ít tiền, nguỵ trang bằng một lí do cứu nạn cao quí? Xong rồi. Có nước uống trên xuồng. Chỉ việc tìm mà thôi.
Nghĩa là tôi phải dịch chuyển.
Tôi vào giữa xuồng, đến mép tấm bạt. Bò lê kéo càng rất vất vả. Tôi cảm thấy như đang trèo lên sườn một ngọn núi lửa và sắp ngó xuống một khối nham thạch sôi sùng sục màu da cam. Tôi nằm dán người, rồi thận trọng nghển đầu lên. Tôi chỉ nghển vừa đủ. Không thấy Richard Parker. Nhưng con linh cẩu thì lù lù ở sau xác con ngựa vằn. Nó đang nhìn tôi.
Tôi không còn sợ nữa. Nó cách tôi chưa đầy 3 thước, nhưng tim tôi vẫn đều nhịp. Sự có mặt của richard Parker ít nhất cũng có cái hữu ích như vậy. Sợ một con chó vớ vẩn kia trong khi quanh quẩn ngay bên một con hổ thì cũng như là sự gẫy cành trong khi cây đang đổ. Tôi thấy rất ghét con chó. ''Mày! Con vật xấu xa bẩn thỉu!'' tôi lẩm bẩm. tôi đã không vùng dậy lấy gậy đánh bật nó ra khỏi xuồng chỉ vì thiếu sức và gậy thôi, không phải là không dám.
Liệu con linh cẩu có cảm thấy vai trò ông chủ của tôi không? Liệu nó có bụng bảo dạ: ''Con đầu đàn siêu việt kia đang nhìn - ta không nên động đậy''? Tôi không biết. Gì thì gì, nó không động cựa gì hết. Mà thực ra thì bộ tịch nó thụt đầu xuống thế kia có vẻ muốn trốn tôi thật. Nhưng trốn sao được. Rồi đến bữa tráng miệng nó sẽ ăn đòn xứng đáng, chẳng lâu nữa đâu.
Richard Parker cũng giải thích hành vi lạ lùng của con linh cẩu. Bây giờ thì đã rõ tại sao con chó kia tự giam mình trong cái xó chật hẹp đằng sau con ngựa vằn và tại sao mãi nó mới dám giết con ngựa. Nó sợ con thú to hơn, sợ động vào đồ ăn của con thú to hơn. Sự yên bình tâm thời giữa Nước Cam và con linh cẩu, và việc chúng không động đến tôi, cũng có cùng một nguyên nhân: trước mặt một con thú ăn thịt bề trên, tất cả chúng tôi đều là con mồi, và thế là không ai dám săn mồi theo kiểu bình thường của mình nữa. Có vẻ sự có mặt của con hổ đã cứu tôi khỏi hàm răng của con linh cẩu - nhưng cũng chỉ là một ví dụ điển hình về hiện tượng thoát khỏi chảo thì lại rơi thẳng vào bếp lửa mà thôi.
Nhưng con thú lớn đã không hành xử như một con thú lớn chút nào, đến nỗi con linh cẩu đã dám tự tiện. tình trạng thụ động của Richard Parker, kéo dài những 3 ngày, cần phải được giải thích. Tôi thấy chỉ có hai nguyên nhân: thuốc ngủ và say sóng. Cha thường dùng thuốc ngủ để an thần một số con thú. Có lẽ cha đã làm vậy với Richard Parker ngay trước khi tàu đắm chăng? Có thể bị choáng váng vì đắm tàu - những tiếng động, cú ngã xuống biển, cuộc vật lộn khủng khiếp để bơi đến xuồng - đã tăng cường hiệu quả của thuốc ngủ? Rồi khi giã thuốc thì lại bị say sóng? Tôi chỉ có thể nghĩ được những nguyên nhân như vậy.
Tôi không còn quan tâm đến câu hỏi đó nữa. Chỉ nghĩ đến nước uống mà thôi.
Tôi kiểm tra cái xuồng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.