Cuộc Đời Của Pi

Chương 59:




Một mình hay không, mất hay còn, tôi vẫn thấy đói và khát. Tôi kéo dây. Nó hơ căng. Lỏng tay kéo là nó tuột đi, và khoảng cách giữa cái bè và chiếc xuống lại tăng lên. Có nghĩa là chiếc xuồng trôi nhanh hơn cái bè và đang kéo nó theo. Tôi để ý thấy hiện tượng đó nhưng không nghĩ gì về nó. Đầu óc tôi còn đang tậo trung vào những hành động của Richard Parker.
Trông thì có vẻ như nó đang ở dưới tấm bạt.
Tôi kéo dây cho tới khi đến sát cạnh mũi xuồng. Tôi ruớn lên mép xuồng. Và khi đang cúi xuống, chuẩn bị tấn công vào cái tủ đựng đồ, một loạt các con sóng ào đến khiến cho tôi phải nghĩ. Và tôi nhận ra rằng với cái bè ở ngay sát cạnh, chiếc xuồng đã đổi hướng trôi. Nó không còn đi vuông góc với các ngọn sóng nữa mà quay ngang sườn về phía chúng và bắt đầu lắc ngang từ bên này sang bên kia, kiểu lắc làm cho nôn nao hết cả bụng. Tôi chợt hiểu ra: cái bè, khi ở xa chiếc xuồng thì có tác dụng như một cái neo có lực kéo khiến cho xuồng trôi trực diện qua các con sóng. Sóng và gió ổn định thường có chiều vuông góc với nhau, cho nên nếu một chiếc xuồng được gió đẩy đi nhưng lại bị neo nổi kéo lại, nó sẽ quay dần vào vị trí ít cản gió nhất, tức là nằm xuôi theo chiều gió và vuông góc với sóng. Lúc ấy, nó dập dềnh theo chiều mũi và đuôi xuồng, dễ chịu hơn nhiều so với tình trạng lắc lư theo chiều ngang. khi cái bè đã ở sát cạnh xuồng thì tác dụng neo kéo của nó mất đi, không có gì giữ cho xuồng đi xuôi gió nữa, và nó liền quay ngang.
Một chi tiết nhỏ nhặt ấy thôi sẽ cứu mạng tôi và sẽ khiến cho Richard Parker phải hối hận.
Như thể khẳng định cho ý nghĩ thoáng qua ấy của tôi là đúng, tôi nghe thấy nó gừ lên một tiếng. Đó là một tiếng gừ bất an, có một âm hưởng khó chịu và sống sượng rất khó định nghĩa. Nó có thể là một tay bơi lội cừ, nhưng không phải là một thủy thủ ra trò.
Tôi còn có cơ hội.
Có vẻ như tôi đã quá tự phụ về khả năng chi phối nó, nên ngay lúc ấy trời gửi đến cho tôi một dấu hiệu cảnh báo rất lạ. Hình như Richard Parker là một cây nam châm sống với sức hút mãnh liệt đến nỗi các sinh vật ở gần nó không thể chịu nổi. Tôi đang sắp trèo lên mũi xuồng thì chợt nghe có tiếng xoèn xoẹt nhè nhẹ. Có cái gì nho nhỏ rơi xuống nước ngay cạnh tôi.
Đó là một con gián. Nó nổi bập bềnh được một hai giây thì bị một cái miệng dưới nước nuốt chửng. lại một con gián nữa rơi xuống nước. Một phút sau đó, đã có khoảng chục con gián thi nhay nhảy xuống nước lõm bõm cả hai bên mạn xuồng. Con nào cũng nhanh chóng bị cá nuốt chửng.
Những hình thức sống ngoại lai đang rời bỏ chiếc xuồng.
Tôi thận trọng nhìn qua mép xuồng. Vật đầu tiên lọt vào mắt tôi là một con gián thật to, chắc là thủ lĩnh của cả bộ lạc gián trên xuồng, đang nằm trong một nếp gấp của tấm bạt phía trên cái ghế mũi xuồng. Tôi ngắm con gián, tự nhiên thấy rất lạ. Khi nó đã quyết định là đã đến lúc, con gián vươn cánh bay lên không trung với một âm thanh thật tinh tế, dừng lại một tí trên cao như thể đang kiểm tra xem còn có con nào khác ở lại trên xuồng nữa không, rồi nhào xuống biển để đón nhận cái chết.
Bây giờ thì chỉ còn hai chúng tôi. Trong 5 ngày, toàn bộ dân số gồm khỉ độc, ngựa vằn, linh cẩu, chuột, ruồi, và gián đã bị tiêu diệt. Không kể bọn vi trùng và ròi bọ có thể vẫn sống trong chỗ thịt chết của các con vật kia, trên xuồng không còn ai khác đang sống ngoài Richard Parker và tôi.
ý nghĩ đó chẳng dễ chịu chút nào.
Tôi nhổm lên và nín thở mở nắp cái thùng. Tôi cố tình không nhìn xuống phía dưới tấm bạt vì sợ rằng nhìn sẽ giống như một tiếng kêu có thể sẽ đánh động Richard Parker. Chỉ khi cái nắp thùng đã dựa vào tấm bạt rồi, tôi mới dám để ý xem phía bên kia có những gì.
Mùi khai sộc vào mũi tôi, một mùi khai khẳn rất choáng của nước đái hổ vẫn thường thấy trong vườn thú. Hổ là con vật rất có ý thức về lãnh thổ, và chúng đánh dấu lãnh thổ bằng nước đái của mình. Vậy là rất tốt, cho dù thật là khai, vì mùi nước đái này chỉ bốc ra từ bên dười tấm bạt mà thôi. Richard Parker hình như chỉ chiếm lịnh khu vực sàn xuồng. Có hy vọng rồi. Nếu tôi chiếm được khu vực mui bạt, nó với tôi sẽ có thể cùng chung sống được.
Tôi nín thở, cúi đầu xuống và ngó nghiêng qua mép cái nắp về phía bên kia. Dưới sàn xuồng có khoảng 20 phân nước mưa đọng lại và sóng sánh bên này bên kia. Đó là cái ao riêng của Richard Parker. Nó đang làm đúng điều mà tôi cũng sẽ làm trong hoàn cảnh của nó: trốn trong bóng mát. Ngày mỗi lúc một nóng bức rất khó chịu. Nó nằm bẹp, quay đuôi về phía tôi, hai chân sau duỗi dài và dang rộng, móng vuốt chổng ngược, bụng và bẹn sát tịt xuống sàn. Trông thì buồn cười nhưng rõ ràng là một tư thế rất dễ chịu.
Tôi trở lại với việc sống còn của mình. Tôi mở một hộp đồ ăn cấp cứu và ăn đến căng bụng, hết khoảng một phần 3 hộp. Rất lạ là chỉ một chút thế thôi cũng đã làm no bụng tôi rồi. Sắp sửa uống nước từ trong cái túi nước mưa vẫn quàng qua cổ thì tôi nhìn thấy mấy cái bình đong nước có chia độ. Nếu không nhúng mình xuống nước được như nó, liệu tôi có quyền nhấp một chút nước ấy không? Nguồn nước riêng của tôi không thể vô tận được. Tôi vớ một cái bìnhđong, cúi xuống, hạ cả cái nắp theo mình cho đến khi nhúng được cái bình vào nước ao của Richard Parker, chỉ cách hai bàn chân sau của nó độ hơn một thước. Hai bàn chân chổng ngược với đám lông ướt của nó giống như hai hòn đảo nhỏ nổi lên giữa đám rong biển.
Tôi múc được đến nửa lít nước. Không trong lắm. Đầy những bụi bẩn lơ lửng. Tôi có lo uống phải vi trùng không ư? Thậm chí tôi không hề nghĩ đến chuyện đó. Trong đầu tôi chỉ biết có cơn khát của mình. Tôi nốc cạn cả bình nước, rất thỏa mãn.
Thiên nhiên lúc nào cũng lo giữ quân bình, cho nên chẳng lạ gì ngay lập tức tôi thấy rất buồn đái. Tôi đái vào cái bình. Đúng đến mức nước mà tôi đã vừa uống. Và lập tức thấy thèm được uống nữa. Tôi do dự. Tự nhiên muốn nghiêng bình uống luôn. Tôi cố chống lại cơn thèm đó mà thật khó. Xấu hổ gì mặc kệ, tôi thấy nước đái trong bình thật ngon lành. Chưa bị mất nước nhiều, nên nước đái của tôi vẫn có màu trong. Nó sáng lên dưới ánh mặt trời, trông như một bình nước táo. Và nó đảm bảo tươi nguyên, chứ không như thứ nước đóng trong hộp dự trữ của tôi. Nhưng tôi chế ngự được mình. Tôi tưới nước đái của mình lên tấm bạt và nắp thùng để khẳng định lãnh thổ của mình.
Tôi trộm được thêm hai bình nước nữa của Richard Parker, lần này thì không bị đi đái, và cảm thấy mình tươi tắn như một đóa hoa vừa được tưới.
Bây giờ là lúc phải cải thiện tình hình của mình. Tôi quay về với nội dung của cái tủ và những hứa hẹn của nó.
Tôi lấy một sợi dây thứ hai và buộc thêm vào cái bè.
Tôi phát hiện ra công dụng của cái máy cất nước bằng ánh nắng mặt trời. Nó biến nước biển thành nước uống được. Cái mày bao gồm một bộ phận chất dẻo trong thổi lên thành hình chóp nón, chụp lên trên một hộp nổi có dạng như cái phao cứu nạn, trên mặt có căng một tấm vải bọc cao su đen. Nước biển chứa trên tấm vải đen được mặt trời đun nóng lên và bốc hơi, đọng lại dưới bề mặt của bộ phận chóp nón. Thứ nước cất này chảy xuống máng dẫn vòng quanh mép chóp rồi được thu góp vào một cái túi. Trên xuồng có 12 cái cất nước như vậy. Tôi đọc hướng dẫn sử dụng rất cẩn thận (như học được từ cuốn cẩm nang sống sót), rồi thổi căng cả 12 cái chóp nón, đổ đầy mỗi thùng phao được tới 10 lít nước biển. Tôi buộc các máy cất nước vào với nhau, chằng một đầu dây vào xuồng và đầu kia vào bè, vừa để giữ an toàn cả 12 cái cất nước cho dù một đầu dây có bị tuột, vừa để có thêm một đường dây nữa nối xuồng với bè. Các máy cất nước trông đẹp và có vẻ rất khoa học kĩ thuật khi chúng nổi trên mặt nước, nhưng trông chúng cũng có vẻ rất bấp bênh và không biết chúng có làm ra nước uống thật hay không.
Tôi quay sang cải thiện cái bè. tôi rà lại từng nút buộc, không để cái nào lỏng lẻo. Sau một hồi suy tính, tôi quyết định biến cái chèo thứ 5, vẫn dùng để gác chân, thành một cái cột buồm. Tôi tháo nó ra. Dùng cạnh lưỡi cưa của con dao săn, tôi hì hục cắt một cái khấc vào mái chèo, quãng giữa thân, rôidùng mũi dao khoét 3 lổ thủng qua phần bẹt của mái chèo. Việc thì chậm nhưng tốt. Tôi suy tính liên miên. Khi đã xong, tôi buộc cái chèo theo tư thế thẳng đứng vào góc trong của một góc bè, phần bẹt lên trên, phần cán đâm xuống nước. Tôi chằng dây thật chặt qua cái khấc để giữ cho cái chèo không bị tụt xuống. tiếp theo, để đảm bảo cột buồm sẽ đứng thẳng, cũng như có được những đường dây để mắc dù che và treo đồ đạc lên, tôi luồn dây qua 3 cái lỗ đã khoét và buộc căng chúng xuống các đầu của những mái chèo nằm ngang của bè. Tôi buộc cái áo phao trước đây đã chằng vào cái chèo gác chân vào chân cột buồm. Nó sẽ có hai tác dụng: vừa tăng thêm độ nổi để bù vào sức nặng thẳng đứng của cột, vừa làm một cái chỗ hơi cao lên để tôi ngồi.
Tôi ném một cái chăn lên trên dàn dây căng. Nó trôi tuột xuống. Góc chằng dây quá dốc. Tôi gập cái chăn theo chiều dài, cắt hai lỗ quãng giữa, cách nhau chừng 30 phân, rồi nối hai lỗ ấy bằng một đoạn dây ngắn. Tôi lại ném cái chăn lên, lần này thì có đoạn dây ở giữa chăn để buộc vào cột. Thế là có một cái dù che.
Tôi mất gần hết ngày hôm đó để sửa sang cái bè. rất nhiều chi tiết phải chú ý đến. Công việc chẳng dễ dàng gì vì lúc nào sóng cũng làm bè bập bềnh. Rồi lại phải dè chừng Richard Parker suốt ngày. Kết quả không cò gì đáng gọi là mỹ mãn. Cái cột buồm, là tôi cứ gọi thế, chỉ cao hơn đầu tôi chừng dăm bẩy phân. Còn sàn bè thì chỉ đủ rộng để ngồi xếp bằng hoặc nằm co gần như là trong bụng mẹ. Nhưng tôi không phàn nàn gì cả. Cái bè chịu được biển cả, và nó giữ cho tôi cách xa Richard Parker.
Khi làm xong các việc đó thì đã gần hết chiều. Tôi lấy một hộp nước, một cái mở hộp, 4 cái bánh trong khẩu phần cấp cứu và 4 cái chăn. Tôi đóng cái tủ lại (lần này rất nhẹ nhàng), ngồi vào bè và thả dây. Chiếc xuồng trôi đi. Sợi dây chính căng ra, trong khi sợi dây bảo hiểm mà tôi đã cố tình buộc dài hơn thì chùng lại. Tôi trải hai cái chăn xuống dưới, gấp cẩn thận để chúng không chạm xuống mặt nước. Tôi quấn hai cái chăn kia quanh vai và dựa lưng vào cột. Ngồi lên thêm một cái áo phao như thế rất thích, chỗ ngồi có cao hơn lên một chút. Thật ra cũng chẳng cao ráo gì nhiều, chỉ như người ngồi trên một cái gối dầy vứt dưới sàn nhà, nhưng dù sao thì tôi cũng hy vọng sẽ không bị ướt nhiều.
Bữa ăn thật ngon khi tôi vừa ăn vừa ngắm mặt trời lặn trên bầu trời không một gợn mây. Đó là một thoáng thư giãn. Vòm trời rộng lớn bao trùm thế giới với những sắc màu hùng tráng. Những vì sao háo hức hiện dần ra, và ngay khi bức màn màu sắc kia bị kéo xuống một chút thôi là chúng bắt đầu sáng rực lên trên nền xnah sẫm. Gió thổi thành những làn nhẹ nhàng và ấm áp, còn biển cả thì chuyển mình từ tốn, mặt nước nhấp nhô như thể có những đám người múa thành từng vòng tròn, giơ tay lên, tản ra rồi lại tụ lại với nhau, hết vòng này tới vòng khác.
Richard Parker đã ngồi dậy. Chỉ thấy cái đầu và một ít vai nó nhô lên khỏi mạn xuồng. Nó nhìn ra. Tôi hét lên, ''Này! Richard Parker!'' và vẫy tay. Nó nhìn tôi. Nó hít hoặc khịt mũi, cả hai động từ này đều không tả chính xác được. Prusten rồi! Thật là một con thú tuyệt vời. Thật quí phái. Đúng là một con hổ hoàng gia Bengal. Tôi may mắn thật đấy chứ. Thử nghĩ xem nếu tôi phải ở với một con vật trông ngốc nghếch hoặc xấu xí, một con tapir hoặc đà điểu hoặc một bầy gà tây chẳng hạn thì sao? Nhất định là quan hệ của chúng tôi sẽ khó khăn hơn nhiều.
Nghe có tiếng quẫy nước, tôi nhìn xuống và há hốc mồm vì kinh ngạc. Thế mà tôi cứ tưởng chỉ có một mình. Sự im ắng trong không trung, vẻ huy hoàng của ánh sáng, và cảm giác tương đối an toàn, những cái đó đã khiến tôi tưởng vậy. Bao giờ cũng có một yếu tố im ắng và cô đơn trong cảm giác bình yên, có phải không nhỉ? Khó lòng tưởng tượng mình có thể thấy bình yên trong một ga tàu điện ngầm đông đúc, có đúng không nào? Vậy thì những nhộn nhạo này là cái gì đây?
Chỉ một cái liếc nhìn tôi đã phát hiện ra rằng biển cả là một thành phố. Ngay phía dưới tôi, khắp xung quanh, tôi bất ngờ nhận ra những đường cao tốc, đại lộ, phố xá và bùng binh chật ních xe cộ ngầm dưới nước. Trong nước, chúng thật dầy đặc, trong như thủy tinh và lấm chấm hàng triệu triệu những li ti rêu tảo, những loài cá như các làn xe tải, xe buýt, xe con, xe đạp và người đi bộ đang chạy như điên, rõ ràng là đang bóp còi inh ỏi và gọi nhau í ới. Màu chủ đạo là xanh lá cây. Dưới các tầng nước sâu khác nhau, nơi mắt tôi có thể dõi đến, tôi thấy những vệt óng ánh của những bong bóng xanh lá cây có dạ quang mà các con cá bơi rất nhanh để lại đàng sau. Vệt này phai đi lập tức vệt khác xuất hiện. Chúng hiện ra theo đủ các hướng và biến đi theo đủ các hướng. Chúng giống như các bức ảnh chụp để mở ống kính thật lâu của các thành phố ban đêm, với những vệt đỏ kéo dài do đèn hậu của những chiếc xe hơi tạp ra trên phim. Chỉ khác là ở đây các làn xe phóng đi chồng chéo lên nhau nhu 7thể đọc được các mạng lưới đường vượt cao lên hàng chục tầng nhà. Và ở đây xe cộ có những màu sắc điên rồ nhất. Những con cá dorado - có tới hơn 50 con đang tuần tiễu ngay bên dưới bè - khoe ra màu vàng ròng sáng rỡ, màu xanh lục và xanh lam khi chúng lượn qua lượn lại. Những con cá khác mà tôi không thể nhận diện thì đủ cả vàng, nâu, bạc, xanh lơ, đỏ, hồng, xanh lá cây, trắng, kết hợp đủ kiểu, đơn sắc, sọc, vằn, chấm. Chỉ có bọn cá mập là nhất định không chịu có màu sắc gì hết. Nhưng cho dù xe cộ màu gì và cỡ nào đi nữa thì tất cả chúng đều có chung một đặc tính là phóng như điên. Có nhiều vụ đụng xe - tất cả đều có tử vong, phải nói thế - và một số xe bị hất tung ra khỏi luồng, đâm lung tung và nhào vọt lên khỏi mặt nước để rồi lại rơi xuống trong một chùm bọt sáng lòa. Tôi ngây người ngắm nhìn cảnh đô thị hỗn độn đó như quan sát một thành phố từ trên khinh khí cầu. Đó thật là một cảnh tượng kì vĩ, choáng ngợp. Chắc chắn là Tokyo cũng có quang cảnh tương tự vào giờ cao điểm.
Tôi nhìn mãi cho tới khi các ngọn đèn lần lượt tắt đi trong thành phố đó.
Từ tàu Tsimtsum, tôi chỉ nhìn thấy những con cá heo. Tôi đã đồ rằng Thái Bình Dương, ngoài những đàn cá kéo nhau từng lỹ đi qua, chỉ là một vùng nước thưa thốt sự sống và phí phạm. Từ bấy đến nay, tôi đã vỡ ra rằng tàu thủy chở hàng đi quá nhanh so với cá. Khả năng nhìn thấy sự sống dưới biển từ trên tàu thủy cũng chỉ như khả năng nhìn thấy các con thú hoang trong rừng từ trên một chiếc xe chạy ngoài xa lộ. Cá heo, là loài bơi rất nhanh, chơi đùa quanh tàu thuyền cũng như chó hay chạy đuổi theo xe: chúng chạy theo cho đến khi không thể theo kịp nữa. Nếu muốn nhìn thấy các con vật hoang dã, phải đi bộ, rón rén, và có ý thức thám hiểm khu rừng đó. Ngoài biển cả cũng vậy. Ta phải thả bộ qua Thái Bình Dương với những bước chân từ tốn, là nói vậy, thì mới có thể thấy được kho báu vô biên trong lòng nó.
Tôi nằm nghiêng. Lần đầu tiên sau 5 ngày, tôi cảm thấy một chút thanh thản. Một tia hy vọng - mà tôi đã xứng đáng có được sau bao công sức - sáng lên trong lòng tôi. Tôi ngủ thiếp đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.