Cuộc Liên Hôn Sai Lầm

Chương 67: Tìm trong vô vọng




Thời gian này, mỗi ngày Minh Hoàng đều sang nhà ông bà Hưng, lên phòng Thụy Khanh ngồi bất động trên giường, nhìn các bức ảnh chân dung của cô được treo trên tường. Trong đầu anh hiện ra vô số kỷ niệm vui vẻ, hạnh phúc giữa hai đứa. Giờ thì anh hiểu những khoảnh khắc đẹp đẽ khi hai người ở dưới tỉnh xa, nơi cô thực tập ngày đó quý giá biết bao nhiêu.
Chị Tâm ngày nào cũng thấy Minh Hoàng ngồi rất lâu trong phòng Thụy Khanh, sự si tình của anh khiến chị cảm động. Mỗi lần anh đến, chị đều mở rộng cổng, mặc anh tự do lên phòng cô. Một tối muộn thấy anh ngồi thật lâu trong phòng mà chưa ra, chị bèn làm nước mang lên cho anh.
"Cám ơn chị!"
Tay anh lúc này đang cầm khung hình Thụy Khanh chụp trong ngày tốt nghiệp. Thời điểm đó bọn anh đã nói chia tay, vì không tương tác với nhau nên anh không biết ngày tốt nghiệp của cô, không hoa, không một lời chúc mừng. Nghĩ đến chuyện cũ khiến mắt anh cay cay. Anh cố lắc đầu xua tan ý nghĩ về ngày cũ, sợ mình quá ủy mị.
Chị Tâm biết Minh Hoàng đang xúc động nên thức thời giữ im lặng. Chị định bước ra khỏi phòng để lại không gian riêng cho anh nhớ về người cũ. Thế nhưng còn chưa kịp quay bước, thì Minh Hoàng đã níu chân chị:
"Chị ơi, trước ngày Thụy Khanh bỏ đi, cô ấy có nói hay thể hiện gì đặc biệt không chị?"
Chị Tâm nhíu mày cố mường tượng lại: "Tôi nhớ trước đó vài ngày, khi tôi dọn phòng cho Thụy Khanh, tự nhiên con bé nhìn tôi rồi vuột miệng nhờ tôi nuôi con vẹt."
Nhớ lại gương mặt buồn của Thụy Khanh lúc ấy, tự nhiên chị liên tưởng mấy lời cô nói như trăn trối, nước mắt chị lại ứa ra.
"Dường như Thụy Khanh đã có sự chuẩn bị, nên giao con vẹt mà nó yêu quý cho tôi chăm sóc. Nó còn bảo mai mốt tôi có đi làm ở đâu thì mang theo nuôi giúp nó. Nó nói tặng cho tôi hu hu." Lúc này chị không còn cầm được nước mắt.
"Tội nghiệp Thụy Khanh lắm. Ở nhà này Trúc Khanh hay lấn át nó. Ông bà chủ lại hờ hững với nó. Lúc nó không vào nhạc viện học cùng Trúc Khanh, mỗi ngày hai người đều trách móc, dằn vặt nó, nhưng nó chưa bao giờ hỗn hào với ba mẹ mình. Trước ngày đi, nó còn nhờ tôi để ý hai người họ."
Chị Tâm càng nói càng xúc động: "Tôi giúp việc cho nhiều gia đình rồi, nhưng chưa thấy đứa con gái nhà giàu nào như nó, hiền lành, không đua đòi, không ra vẻ ta đây. Nó chưa bao giờ sai tôi làm gì. Mỗi lần tôi giúp nó dọn phòng, thái độ của nó cứ như đang nhờ tôi, chứ chẳng phải bổn phận của tôi. Mấy người nhà này sống vô tình với nó. Nhiều lúc nó đi làm thêm về trên chiếc xe đạp cũ kỹ, cả người mệt lả còn bị ba mẹ chì chiết. Cho nên tôi hay nói nhỏ này con nhà giàu mà số khổ."
Minh Hoàng nghe chị nói không còn cảm giác gì nữa, vì đã vượt quá nỗi đau trong lòng anh. Anh nhìn chị Tâm xúc động:
"Cám ơn chị đã đối xử tốt với Thụy Khanh! Con vẹt này chị cho tôi mang về nuôi được không? Tôi muốn nhìn nó cho vơi nỗi nhớ."
"Nếu cậu nuôi nó, hãy chăm sóc nó cẩn thận. Đừng làm nó chết, Thụy Khanh sẽ trách tôi. Cậu nhớ thay nước, tắm rửa, cho nó ăn hằng ngày."
Chị dặn dò tỉ mỉ. Minh Hoàng chăm chú lắng nghe không hề mất kiên nhẫn. Có vẻ anh xem con vẹt này như đứa con Thụy Khanh để lại. Anh sẽ chăm sóc nó cẩn thận, đợi ngày anh tìm được mẹ nó quay về trao lại.
Các khung hình trong phòng Thụy Khanh cũng được anh gỡ xuống, rồi xin ông bà Hưng cho anh mang về. Ngày ngày anh tiếp tục tìm kiếm Thụy Khanh. Nhưng cho dù có cố gắng thế nào, truy quét tất cả các nơi vẫn chưa tìm được người anh yêu quý.
Anh không cam lòng. Trong mỗi đêm dài đăng đẳng, không ai biết rằng anh nhớ cô đến mức nào. Anh luôn tự nhủ với lòng, bằng bất kỳ giá nào cũng phải tìm cô về, đối xử thật tốt với cô. Không để cô chịu bất kỳ sự tổn thương nào nữa.
Nhưng dù anh cố gắng, vận động hết tiềm lực, nhờ vả bạn bè trong ngành cảnh sát, tìm khắp mọi ngã đường ở thành phố, thậm chí các tỉnh phụ cận, vẫn không có dấu vết của Thụy Khanh.
Bạn bè bảo rằng có lẽ cô đã gặp bất trắc. Anh không chấp nhận giả định đó. Thụy Khanh sẽ không ngu ngốc lựa chọn kết liễu cuộc đời lãng nhách như vậy. Mà nếu có chuyện đó xảy ra, anh phải tìm thấy xác.
Ông bà Hưng cũng bị nỗi hối hận giày vò. Nơi nào có xác nữ giới bằng tuổi Thụy Khanh, ông bà đều theo Minh Hoàng chạy đến, rồi âm thầm thở ra vì không phải con gái thân thương của họ.
Vì chưa thấy xác nên mọi người vẫn hy vọng cô còn sống trên cõi đời, và tiếp tục tìm kiếm không ngừng nghỉ. Chỉ là lần tìm kiếm này đã kéo dài rất lâu, mất bao nhiêu công sức và tiền của, Thụy Khanh vẫn như bóng chim tăm cá.
* * *
Ba năm sau!
Minh Hoàng mệt mỏi từ công ty trở về nhà. Ông nội lúc này đã yếu hơn. Tuy rằng tập dưỡng sinh đều đặn, nhưng thời gian quả thật là kẻ thù của người già. Cho dù được chăm sóc cẩn thận, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất cũng không tránh khỏi cơ thể ông ngày một già đi, và tinh thần bất ổn hơn trước.
Hiện giờ, niềm mong mỏi duy nhất của ông là Minh Hoàng lập gia đình và có con cái. Nhưng mà đến giờ anh vẫn không chịu kết hôn. Đã rồi ba năm trôi qua, anh không ngừng tìm kiếm Thụy Khanh. Ông nội khuyên răn, làm áp lực đủ các kiểu, nhưng anh chỉ phớt lờ.
Ngày xưa ông nội cứng rắn ép buộc anh giữ hôn ước, mới khiến cuộc đời anh dở dơ ương ương. Nên giờ ông chẳng dám tạo bất kỳ sức ép nào cho anh nữa. Ngoài mặt ông không làm áp lực với anh, nhưng trong lòng cầu mong anh ngừng việc tìm kiếm Thụy Khanh, để dành thời gian tìm hiểu người con gái khác, rồi kết hôn và sinh cháu chắt cho ông.
Tiếc rằng cháu nội của ông quá ương bướng. Tình cảm sâu nặng nó đã dành cho con bé lưu lạc kia rồi, không cách gì phát sinh quan hệ với mấy đứa con gái khác được nữa. Đôi lúc ông dùng những lời nói buộc anh nghĩ đến trách nhiệm nối dõi tông đường nhưng anh cứ trơ ra, dầu muối không ưng.
Ông nội vô cùng buồn bực. Ngày ngày ông năn nỉ Minh Hoàng gặp gỡ người con gái khác, biết đâu cảm xúc sẽ phát sinh. Nhiều lần anh không chịu được sức ép của ông nội, nói đúng ra là không nỡ khiến ông buồn nên cũng đi gặp. Tiếc rằng gặp người ta rồi anh không hề có tí cảm xúc nào. Trong đầu chỉ cuồn cuộn nỗi nhớ về Thụy Khanh.
"Con định tìm kiếm con bé đến hết đời sao con?" Giọng ông nội ai oán: "Đôi lúc ông nội nghĩ lại thấy hối hận. Nếu ngày xưa ông đừng hứa hẹn, đừng ép con duy trì cuộc hôn nhân này, có lẽ giờ con đã giống thằng Toàn, con cái đùm đề rồi. Ông cũng đã có cháu ẵm bồng. Chắc là trời đang trả báo ông đây. Ông tự cho mình giỏi, bày đặt hứa hôn nên mới gây ra sai lầm nghiêm trọng này."
"Ông nội có làm gì sai đâu." Minh Hoàng phản bác lời ông nội: "Con phải cám ơn ông nội, nhờ ông kiên quyết con mới gặp được Thụy Khanh, người con gái tốt bụng, thiện lương."
"Ông nội đồng ý Thụy Khanh là đứa bé ngoan. Cuộc đời con bé không may chịu nhiều đau khổ. Nếu tìm được con bé ông rất vui và mãn nguyện. Hai đứa sẽ ở bên cạnh ông, sanh cho ông nhiều đứa chắt xinh xắn. Nhưng mà đã ba năm rồi, chúng ta tìm kiếm con bé trong vô vọng. Tất cả các phương tiện truyền thông, chỗ nào có người giống con bé, các con đều đã đến đó. Con đừng trách ông nội nghĩ bậy nhưng đến giờ vẫn không có thông tin gì, chỉ sợ con bé lành ít dữ nhiều.."
"Con không tin." Minh Hoàng phản đối quyết liệt: "Sống phải tìm thấy người, chết phải tìm thấy xác. Trong tâm của con, Thụy Khanh vẫn còn trên cõi đời này. Con sẽ tiếp tục tìm kiếm cô bé."
"Con định tìm đến bao giờ hả con? Ông nội già rồi, đâu còn thời gian nhiều để đợi. Ông nội đã gần tám mươi tuổi rồi, còn phải đi gặp bà nội của con. Lúc bà ấy hỏi ông biết trả lời sao?"
Ông nội giở trò lưu manh cũ: "Ông nội xin con đó Hoàng. Có lẽ phần phước Thụy Khanh đã tận. Con bé có thể nghĩ quẩn, trầm mình xuống biển sâu, cho nên chúng ta mới không tìm thấy."
"Con không tin." Minh Hoàng la lên như tự trấn an cảm xúc bản thân.
Thụy Khanh của anh vẫn còn ở đâu đó trên đời. Cảm giác của anh là cô vẫn còn sống. Anh có một niềm tin mãnh liệt rằng hai người bọn anh sẽ gặp lại nhau. Anh không muốn từ bỏ.
Ông nội khuyên không được, buồn bực, trách móc một lúc rồi bỏ lên lầu. Trong lòng Minh Hoàng cũng ngổn ngang trăm mối. Anh bị nỗi nhớ Thụy Khanh chiếm hết mọi giác quan. Ba năm trôi qua, trong những đêm tối mơ hồ, chỉ mình anh biết mình nhớ cô thế nào.
Anh vùi mình vào công việc, ngủ ít đi, khiến mình bận rộn để vượt qua ba năm không có cô bên cạnh. Đôi lúc rất giận cô sao không liên lạc với anh, nhưng rồi bị nỗi nhớ nhung chiếm trọn. Anh chỉ mong sao Thụy Khanh của anh bình an, phần còn lại anh sẽ tha thứ hết.
Ngày xưa anh từng thề, nếu anh nói dối ông nội, cuộc đời về sau sẽ làm tôi mọi cho vợ con. Còn chưa có vợ, anh đã thấy mình bị Thụy Khanh hành hạ lên bờ xuống ruộng. Trong lòng thay vì hận rồi quên, anh lại càng nhớ cô điên cuồng.
Để ngăn ông nội thôi làm áp lực, buộc anh cưới người khác, anh đã chuẩn bị sẵn cặp nhẫn cưới cho hai đứa, rồi tự mình mang vào một chiếc, chiếc còn lại anh cất kỹ một nơi. Anh còn táo bạo nói với ông bà Hưng rằng Thụy Khanh giờ đã là vợ của anh, và xem ông bà là ba mẹ vợ.
Đương nhiên ông bà Hưng chẳng những không phản đối, ngược lại còn rất vui mừng. Người con rể như vậy ông bà đi đâu để tìm người thứ hai? Chỉ là trời không thương, nên con gái ông bà vẫn bặt vô âm tín.
Ba năm trở lại đây, nhân viên công ty anh đều mặc định sếp là người vô cùng nghiêm túc với công việc, nên họ cũng không dám lơ là. Mọi người đều học theo sếp nâng cao tinh thần làm việc. Cho nên khỏi phải nói doanh số của công ty cuối năm đều vượt mục tiêu đã đề ra. Báo hại toàn thể nhân viên công ty ngưỡng mộ sếp muốn đui mù.
Chỉ vài cấp dưới thân tín trong lòng cười muốn sặc. Chẳng phải sếp cuồng việc gì cho cam, tại nhớ vợ đến điên loạn, nên phải tự tìm quên trong công việc mà thôi. Trên bàn làm việc của sếp đầy ảnh chân dung của người ta. Các bức ảnh được chụp bằng điện thoại rất bình thường nhưng sếp vô cùng quý trọng. Có lẽ là do nụ cười tỏa nắng của cô gái trong đó khiến sếp si mê.
Nhân viên đều rỉ tai nhau rằng có thể chạm, hoặc di dời mọi thứ trên bàn làm việc của sếp, ngoại trừ mấy bức ảnh chân dung. Một ảnh là hình chụp riêng nụ cười tươi, căng tràn sức sống của cô gái.
Hình thứ hai ghi lại khoảnh khắc mặt sếp và người ta kề sát nhau. Cô gái vì ngượng mà hai má đỏ hồng, còn sếp thì rạng ngời hạnh phúc. Dù ảnh chụp không sắc nét nhưng trông họ thật tự nhiên và còn nhiều bức ảnh xinh đẹp khác rải khắp bàn.
Sếp thật sự xem tất cả các khuôn hình như mạng. Trợ lý và thư ký, hai người gần gũi nhất đã vài lần bắt gặp sếp ngồi một mình trong phòng, hôn lên tấm hình cô gái, có khi nhìn chăm chú bức ảnh hai người chụp chung đến xuất thần. Đôi lúc họ còn thấy sếp ngã người ra sau, tay ôm hình cô gái để trên ngực, chợp mắt trong vô thức.
Người hâm mộ Minh Hoàng nhất là thư ký. Cô thường tự cảm thán, đời này đi đâu để tìm được người đàn ông thứ hai như sếp. Cô bé Thụy Khanh có phước mà không chịu hưởng, bỏ đi biệt tích ba năm chưa chịu quay về. Biết sếp quý mấy tấm hình này, thư ký luôn dặn người quét dọn phòng sếp lau các tấm hình xong phải để lại chỗ cũ. Thế mà người này không để tâm lời cô nói.
Có lần người này lỡ tay úp mấy tấm hình lên chồng hồ sơ, sau đó quên để lại chỗ cũ. Lúc sếp vào phòng làm việc luôn nhìn mấy tấm trên bàn trước tiên. Tiếc rằng không thấy chúng, sếp lập tức mất khống chế hét lên. Thư ký căng da đầu chạy vào. Người lau công cũng được gọi lên.
Sếp hung dữ khiến chị ta run lên, quên mất mình đã để các khuôn hình nơi nào. Thư ký phải chạy lại tìm giúp. Thấy được hình rồi, mặt sếp giãn ra, cơn giận liền xẹp xuống. Sếp chỉ trách nhẹ chị ta, rồi cho ra ngoài chứ không gây khó dễ. Tính tình sếp dễ thương như vậy, không giận cá chém thớt, nên nhân viên nào cũng nể trọng.
Thư ký là người chứng kiến từ đầu tình cảm của sếp dành cho Thụy Khanh, nên rất đồng cảm. Cô cũng thầm nguyện sếp tìm thấy người ta sớm, mong cho sếp tốt bụng được hạnh phúc. Nhưng cầu nguyện thế nào mà đã ba năm trôi qua, bóng hình người ta vẫn không biết đang nơi nào.
Tuy vậy, cô rất khâm phục sếp. Nếu là người đàn ông khác, có lẽ đã kết hôn sinh con từ lâu, thế mà sếp vẫn chung thủy, chờ đợi người thương quay về. Bản thân cô là phụ nữ, cũng không được chung tình như sếp. Cô nghĩ mình sẽ không kiên nhẫn chờ đợi mấy năm liền. Ngày sếp quen người ta, thư ký vẫn chưa lập gia đình. Giờ cô đã có con, sếp vẫn quyết cả đời tìm kiếm người ấy, dù trong vô vọng.
* * *
Hôm nay thư ký hơi bận, bèn nhờ cấp dưới mới tuyển của mình mang hồ sơ vào phòng sếp ký. Thư ký đã dặn cô bé chỉ trình ký, không được nhìn ngang liếc dọc. Cô bé mới ra trường, còn trẻ người nên tính tò mò rất cao, nghe xong lại quên lời đàn chị.
Vậy nên lúc vào phòng sếp, dù có hơi run nhưng không ngăn được lòng hiếu kỳ, lia mắt tò mò đánh giá khắp nơi, rồi chăm chú nhìn sếp anh tuấn trước mặt. Quả là phong thái khác hẳn mấy đứa bạn học của cô, nhìn sao cũng thấy là kiểu người thành đạt. Đang ngó chằm chằm thì bị sếp ngước lên bất thình lình, dọa cô nhóc hoảng hồn.
Nhìn nhân viên trước mặt giựt mình, khiến Minh Hoàng nhớ lại Thụy Khanh ngày xưa. Người ấy của anh thật ra rất nhút nhát. Lúc đầu mới gặp, anh còn tưởng cô rất gấu. Về sau mới hiểu cô chỉ đang ngụy trang. Vì cảm giác không an toàn, cô phải dựng một bức tường vô hình để bảo vệ bản thân.
Cô bé trước mặt chắc bằng tuổi Thụy Khanh ba năm về trước, nhưng chắc Thụy Khanh của anh không lanh lẹ bằng cô bé này. Anh thừa biết cô bé đang lia mắt khắp nơi quan sát bàn làm việc của anh. Đúng là anh không nghĩ sai, cô bé này thật sự đang nhìn chăm chú các khung hình trên bàn làm việc của anh.
Cô bé đang thầm đánh giá cô gái trong các bức ảnh. Người con gái này không tính là xinh nhưng có nụ cười rất hiền lành, thánh thiện. Kiểu người rất dễ nhận được cảm tình của người đối diện. Khí chất sang trọng, kiêu sa quý phái, đứng chung với sếp nhà đúng là trời sinh một đôi.
Cô bé thầm ngưỡng mộ mà không biết rằng người trong ảnh đã biến mất ba năm qua. Sếp tìm mãi mà vẫn chưa thấy bóng hình. Khi cô bé vẫn còn đang chăm chú vào mặt cô gái trong hình, thì giọng sếp vang lên bất thình lình:
"Hợp đồng này có vài lỗi sai. Cô ra ngoài đưa lại cho thư ký Lan. Tôi đã khoanh tròn vài chỗ."
Dù sếp nghiêm nghị nhưng có vẻ không khó chịu, không hù dọa lính mới. Cho nên nhân viên mang tâm trạng thoải mái đi ra, trong lòng còn thầm khen sếp dễ thương, chẳng có thói bề trên. Cô bé đi đến bàn thư ký Lan, truyền lại lời sếp nói cho đàn chị. Làm xong phận sự thì bản tính tò mò trỗi dậy:
"Chị ơi, hình ở trên bàn làm việc của sếp là vợ hay bạn gái của sếp hả chị?"
Trợ lý Lan nhìn cô nhóc mới ra trường, tuổi trẻ tò mò không nỡ trách nhưng phải chấn chỉnh, nếu không ngày nào đó cô bé này lại chạm phải vảy ngược của sếp, hại mình hại người, nên thư ký Lan tốt bụng nhắc nhở:
"Em mới vào chị không khó khăn, nhưng tốt nhất em đừng nhìn ngó lung tung, cũng đừng quá tò mò, chỉ nên tập trung vào công việc của mình thôi."
"Dạ em xin lỗi chị! Em sẽ không hỏi lung tung nữa."
Thư ký Lan rất thông cảm. Ngày xưa cô mới ra trường cũng như vậy, đụng cái gì cũng hỏi. Cô bé này thật ra rất lanh lẹ, lại mới ra trường nên tràn đầy nhiệt huyết, ham học hỏi. Nếu bỏ qua bản tánh tò mò thì đây là một nhân viên rất đắc lực, có thể đào tạo thành người có ích. Giọng thư ký Lan chân thành:
"Em rất lanh lẹ, được việc, nhưng cố gắng bớt lướt facebook dùm chị. Nếu làm hết việc rồi, lướt một chút cũng không sao nhưng phải chú ý, đừng sa đà vào đó quá."
"Dạ em nhớ rồi chị Lan." Nhân viên mới vô cùng ngoan ngoãn.
Thư ký Lan sẽ không bao giờ ngờ rằng thỉnh thoảng bản tính tò mò cũng có thể mang lại lợi ích. Bằng chứng là cô bé này bỗng chốc đã trở thành anh hùng cứu rỗi cuộc đời sắp sửa điêu tàn của sếp một ngày không xa..
(Còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.