Edit: Ryal
Nghe rằng Hoàng đế không phải con ruột tiên đế, mọi người đều có vẻ nghiêm nghị.
Nhưng sau đó nghe những lời Diêu Cơ nói, lại nhìn thiên tử, họ phát hiện những gì thị thốt ra đều là thật – ở vài góc, quả thực Khương Ngộ giống tiên đế như đúc từ cùng một khuôn.
Văn Thái sư bình tĩnh lại, cũng phụ họa: "Trước đây lão thần từng nghe tiên đế bảo rằng bệ hạ là vị Hoàng tử giống người nhất".
Nhưng Thái hoàng thái hậu vẫn chưa tha cho Diêu Cơ: "Ai gia nghe nói người với người ở cạnh nhau trong thời gian dài thì tướng mạo cũng dần trở nên giống nhau. Diêu Cơ, ngươi còn cách nào khác chứng minh bệ hạ là con ruột của tiên đế?".
Diêu Cơ có mơ cũng không ngờ Khương Ngộ lại tiết lộ chuyện này.
Thằng bé này thực sự không muốn sống nữa, và cũng đã hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của thị rồi. Thị siết nắm tay thật chặt: "Quan ghi chép chuyện sinh hoạt thường ngày".
"Năm đó ta và tiên đế gặp gỡ ở Giang Nam. Tiên đế thương ta không cha không mẹ nên cho phép ta theo hầu, có hơn một năm quan hệ giữa ta và người chỉ là quan hệ chủ tớ. Sau lần đầu thị tẩm, tiên đế phong ta làm Tài nhân, từ ấy người cũng thường xuyên tới tẩm cung của ta, mỗi lần ta thị tẩm là quan ghi chép chuyện sinh hoạt thường ngày đều đánh dấu lại. Tất cả những điều ấy đều có thể đối chiếu với ngày sinh của bệ hạ".
Thái hoàng thái hậu nói: "Lỡ đâu ngươi mua chuộc quan ghi chép chuyện sinh hoạt thường ngày".
"Mọi thứ của nhi thần đều là tiên đế ban cho!!". Diêu Cơ rít lên. "Nhi thần lấy gì mà mua chuộc quan ghi chép chuyện sinh hoạt thường ngày cơ chứ?! Xin hỏi mẫu hậu, người có từng thấy hay nghe nói nhi thần thân mật quá mức với thị vệ hay bất kì ai khác chưa? Còn nữa, quan ghi chép chuyện sinh hoạt thường ngày năm ấy có tính nết ra sao, đến cả một chữ tiên đế nói sai mà ông ta cũng phải ghi thật rõ từng nét một, cứng nhắc đến thế, ông ta có thể bị nhi thần mua chuộc hay sao? Nhi thần có tài cán gì?".
Thái hoàng thái hậu bèn sai người đi mời quan ghi chép chuyện sinh hoạt thường ngày, thấy Khương Ngộ rũ cả người ra đó thì lại nói: "Tối rồi, Ân Thú, ngươi đưa bệ hạ đi dùng bữa rồi ngủ một lúc đi".
Chuyện này chưa được làm rõ thì tất cả mọi người có mặt ở đây đừng hòng an giấc.
Khương Ngộ được dẫn đi ngủ một chốc, tới khi y quay lại, quan ghi chép chuyện sinh hoạt thường ngày và Thái y chẩn ra hỉ mạch cho Diêu Cơ đã tới, sổ sách sinh hoạt thời tiên đế còn sống cùng các loại giấy tờ ghi chép về sức khỏe của thị cũng được dâng lên, thậm chí còn có cả thời gian Diêu Cơ xuất cung và từng khoản chi tiêu rõ ràng.
Tất cả những sổ sách ấy đều chứng minh một chuyện, trong khoảng thời gian thị tẩm rồi mang thai, Diêu Cơ chỉ gặp riêng một người đàn ông duy nhất là tiên đế. Con người mang giới tính nam thứ hai Diêu Cơ có thể tiếp xúc chính là đứa con thị đã mang thai chín tháng mười ngày – Khương Ngộ, còn lại thị đều tiếp xúc với đàn ông lạ trong trường hợp có tiên đế hoặc người khác đi cùng.
Giằng co cả đêm, mọi người đều đã thấm mệt.
Những sổ sách này quả thực khá khô khan, căn bản chẳng moi móc được điểm đáng ngờ. Dĩ nhiên cũng có những phần thiếu hụt, nhưng hơn hai mươi năm rồi mà đòi Diêu Cơ phải tìm cho ra vật minh xác để chứng tỏ sự trong sạch thì khó cho thị quá...
Những điều thị không nhớ rõ để nói ra cũng chứng minh được tính chân thực của chồng sổ sách ấy.
Văn Thái sư và Trần Thừa tướng đều cảm thấy sự tình đã dần lắng xuống, cả hai cùng ngáp một cái.
Nhưng những người biết chuyện thì lại hiểu rõ – phiên tòa định tội Diêu Cơ, trả lại sự trong sạch cho Khương Ngộ chỉ vừa mới bắt đầu mà thôi.
Thái hoàng thái hậu thong thả sai hạ nhân dâng trà, Diêu Cơ tỏ vẻ ấm ức: "Chuyện đã đến nước này, hẳn mẫu hậu cũng tin rằng Ngộ Nhi quả thực không được khỏe nên ăn nói linh tinh".
Văn Thái hậu che miệng, cũng khá mệt mỏi, bèn đề nghị: "Nếu mọi chuyện đã hai năm rõ mười thì mẫu hậu hãy để cô ta về đi thôi".
Diêu Cơ giơ tay lau nước mắt.
Đâu đâu cũng là vẻ ấm ức cả.
"Không vội, mọi người uống ngụm trà cho tỉnh đã".
Diêu Cơ vô thức nhìn Khương Ngộ, không biết chắc liệu y đã nói những gì. Thị không tự chủ được mà sinh lòng cảnh giác: "Mẫu hậu còn gì muốn căn dặn nhi thần ư?".
"Ai gia hỏi ngươi". Thái hoàng thái hậu đáp. "Nếu bệ hạ là con ruột tiên đế thì sao ngươi lại nói dối rằng nó không phải?".
"Nhi thần chưa từng nói lời ấy bao giờ".
Khương Ngộ nghe nhắc tới mình là phấn chấn hẳn: "Có".
Diêu Cơ dữ tợn nói: "Ta không có!".
Khương Ngộ: "...".
Thiếu ngủ, không dữ bằng bà ta.
Một bàn tay đặt lên vai y, Ân Vô Chấp nói ngắn gọn: "Nếu không thì tại sao bệ hạ phải bịa ra chuyện ấy trước mặt tất cả mọi người?".
"Sao ta biết được nó nghĩ gì". Diêu Cơ nổi giận. "Từ năm ngoái nó đã như một con người khác, chẳng có nửa phần tôn trọng mẫu thân, bây giờ đến cả điều thế này mầ cũng nói được! Ta thấy nó ngày càng bệnh nặng hơn rồi".
Mọi người đều nhìn Khương Ngộ, ánh mắt thoáng vẻ nghi hoặc và lo lắng.
Ân Vô Chấp không chịu nổi khi thấy Khương Ngộ bị nói thế, bèn đáp: "Chẳng lẽ Diêu Thái hậu không biết, bệ hạ có biểu hiện như vậy kể từ cái ngày Thái hậu kể cho người bí mật kia?".
Diêu Cơ nhớ tới chuyện hắn biết bí mật giữa hai người, sát khí bắt đầu nổi lên: "Ân Vô Chấp, ngươi đừng nói hươu nói vượn".
Thái hoàng thái hậu hỏi: "Ân Thú, ngươi biết đó là bí mật gì không?".
Ân Vô Chấp bước lên hành lễ: "Bẩm Thái hoàng thái hậu, thần muốn mời bệ hạ về tiểu viện nghỉ ngơi trước".
Dĩ nhiên Khương Ngộ không chịu: "Trẫm muốn nghe".
Y cũng biết màn kịch quan trọng sắp diễn ra. Nếu Thái hoàng thái hậu muốn trị tội Diêu Cơ thì y sẽ liều mạng nhào tới, ép bà phải giết luôn cả mình.
Thái hoàng thái hậu ra lệnh: "Cứ nói đi".
Ân Vô Chấp đứng thẳng dậy mà nhìn Diêu Cơ: "Có lẽ chư vị không biết, trước khi ta tiến cung, bệ hạ từng tự tay cầm đao cứa cổ".
Các lão thần đều dồn dập hít một hơi sâu, Văn Thái sư đau lòng thốt lên: "Há lại có chuyện ấy cho được?!".
Định Nam Vương cũng lên tiếng: "Chẳng phải đó là do thích khách làm loạn trong cung sao?".
"Những lời ấy chỉ là để tránh cho thiên hạ rối ren". Ân Vô Chấp giải thích đơn giản rồi tiếp tục. "Trước đây Diêu Thái hậu từng đối xử với bệ hạ rất hà khắc, thần nói không sai chứ?".
Diêu Cơ nói: "Ta cũng chỉ muốn tốt cho nó thôi, nếu không nhờ ta thì sao các ngươi có thể có được một bệ hạ ưu tú như bây giờ?".
"Nhưng đánh đập và dùng kim châm thì cũng khó tránh khỏi quá tàn nhẫn với bệ hạ khi ấy vẫn còn là một đứa trẻ".
Việc này có thể nói là chuyện mật trong cung, Trần Thừa tướng và Văn Thái sư lập tức hào hứng hẳn.
Diêu Cơ căm hận: "Ai gia dạy con, nào tới lượt thằng nhãi ranh nhà ngươi khoa tay múa chân?".
Thái sư có vẻ không đồng tình: "Xin Thái hậu hãy nghe Ân Thú nói hết".
Ông là nguyên lão nên Diêu Cơ chẳng dám làm càn, chỉ đành nuốt giận vào trong bụng, lại vô thức nhìn Khương Ngộ. Thị hiểu, chuyện đã tới nước này thì chỉ mình y ngăn cản được.
Khương Ngộ thì đang chăm chú nhìn Ân Vô Chấp bằng ánh mắt vô cùng nghiêm túc.
Ân Vô Chấp nói: "Diêu Thái hậu từng đối xử với bệ hạ rất hà khắc. Một ngày trước khi bệ hạ giơ đao tự cứa cổ, có người trông thấy Diêu Thái hậu tới tìm bệ hạ. Vì thế Văn Thái hậu mới suy đoán liệu có phải Diêu Thái hậu đã thốt ra lời gì kích thích bệ hạ hay không, bèn phái thần ở lại trong cung để điều tra chuyện này".
"Thì ra là thế". Trần Thừa tướng hiểu ra lí do Ân Vô Chấp không rời cung, bèn hỏi: "Ngươi đã tra được những gì?".
Diêu Cơ nói: "Ta mệt rồi".
"A Văn, ghìm ả lại".
Văn Thái hậu đứng dậy chắn trước mặt Diêu Cơ: "Nghe xong rồi hẵng đi".
Móng tay thị cắm sâu vào da thịt, tàn nhẫn cấu một cái trên người mình.
Ân Vô Chấp đột nhiên quay lại nhìn Khương Ngộ: "Bệ hạ sao thế?".
Khương Ngộ bình tĩnh lắc đầu.
Ân Vô Chấp nhíu mày, xác nhận y thực sự không sao mới nói: "Ban đầu quả thực thần không điều tra được gì. Mãi đến gần đây, bệ hạ đột nhiên nói với thần rằng Diêu Thái hậu đã tiết lộ cho người một bí mật, nếu những lão thần biết được bí mật đó thì chắc chắn họ sẽ dồn mẹ con người vào chỗ chết".
"Ân Vô Chấp, ngươi đừng có ngậm máu phun người!".
Trần Thừa tướng hỏi: "Là bí mật gì?".
Ân Vô Chấp đáp: "Xin Thừa tướng đừng vội. Trước hết thần muốn hỏi, Diêu Thái hậu đã từng gặp kẻ này hay chưa?".
Hắn lấy ra một bức chân dung giơ trước mặt Diêu Cơ, thị liếc nhìn, mặt mày lạnh như đá. Văn Thái hậu ngó sang rồi nói: "Đây là Ngộ Nhi".
"Không phải, đây là một người giấu mặt thần đã gặp ở đất Tề".
Mấy lão thần châu đầu vào xem, ai nấy đều thấy lạ: "Người này quả thực giống bệ hạ như đúc".
Đường nét trên mặt Khương Ngộ quá mức tinh xảo, hiếm thấy trên đời, nếu y để mặt trần ra ngoài thì người đã gặp chắc chắn sẽ nhận ra.
"Đây là người nước Triệu". Ân Vô Chấp mở miệng lần nữa, tất cả mọi người sửng sốt, Văn Thái hậu hỏi: "Người nước Triệu ư?".
Đôi mắt Diêu Cơ láo liên.
Trần Thừa tướng lên tiếng: "Người này giống bệ hạ đến thế, chỉ sợ là mầm họa".
Văn Thái sư tiếp lời: "Chỉ là một đôi mắt mà thôi, đâu thể chứng minh điều gì".
Ân Vô Chấp: "Khi ấy thần vừa liếc mắt đã cảm thấy kẻ này là tai họa, Tề Vương cũng đồng ý. Mời Thái sư xem bức vẽ này".
Hắn lại rút ra một tờ giấy khác vẽ gương mặt hoàn chỉnh. Mọi người đều im lặng. Tờ giấy được truyền tới chỗ Diêu Cơ, sắc mặt thị lại càng khó coi.
Đó là một gương mặt có ít nhất bảy phần giống Khương Ngộ, đặc biệt là đôi mắt ấy, quả thực giống nhau như đúc.
Thái hoàng thái hậu hỏi: "Kẻ đó là ai?".
Ân Vô Chấp nhân đó mà bồi thêm: "Đây là Thái tử nước Triệu, Triệu Trừng".
"Ngày trước thần gặp hắn ta ở đất Tề, khi quay lại lòng cứ mãi bất an, sợ kẻ này sẽ biến thành mầm họa. Ma xui quỷ khiến thế nào mà thần bất ngờ biết tới một vài chuyện khác nên mới phái người đi thám thính bên nước Triệu, cuối cùng có được bức tranh nào".
Hắn nhìn Diêu Cơ: "Diêu Thái hậu có muốn nghe về những chuyện ấy hay không?".
Diêu Cơ cố trấn tĩnh, cười lạnh: "Sao ai gia biết được".
"Qua lời Tử Diễm huynh, thần bất ngờ biết được một lời đồn của nước Triệu. Rằng Văn Vương Triệu Anh từng kết làm vợ chồng với trưởng nữ nhà họ Hạ, sau đó Văn Vương bị huynh trưởng – cũng chính là Triệu Tịnh, Hoàng đế nước Triệu lúc bấy giờ – cướp mất người thương, cuối cùng thê tử của ông ta chịu nhục mà chết trong cung cấm. Trọng điểm là, Tử Diễm huynh nói trưởng nữ của nhà họ Hạ sở hữu sắc đẹp tuyệt trần, hiếm có trong thiên hạ".
Văn Thái sư tiếp lời: "Chuyện này ta cũng từng nghe nói. Triệu Văn Vương nhịn nhục để báo thù cho người đàn bà kia, giờ đã giết huynh trưởng cướp ngôi, leo lên ngai vàng".
"Tử Diễm huynh cũng nói vậy". Ân Vô Chấp lại tiếp tục. "Chúng thần còn nhắc tới chuyện Thái tử Khương Nguyên bị khép tội mưu hại phản nghịch vì chuyện ở tông miếu. Khi ấy Triệu Trừng bị bắt, Ninh Vương đã trọng thương tới tìm hắn ta lấy thuốc giải mà lại bị hắn ta lợi dụng thời cơ mà trốn mất. Dường như trước đó Diêu Thái hậu từng tới thăm Ninh Vương?".
Diêu Cơ không nói gì.
"Diêu Thái hậu không thừa nhận cũng không sao, thần đã tới phủ Ninh Vương để hỏi về chuyện này, nếu bây giờ cần truyền hỏi thì có lẽ phải đợi một chút". Ân Vô Chấp nói tiếp. "Thần sẽ tiếp tục".
"Có một ngày thần đưa bệ hạ ra ngoài giải khuây, bất ngờ trông thấy một con chuột chết cóng dưới lớp băng, chuột bẩm sinh biết bơi nên điều ấy vốn cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng thần bắt đầu thấy kì quái khi không lâu sau nghe nói Diêu Thái hậu sợ chuột và có nuôi mèo"
"Có gì mà kì quái". Định Nam Vương đang nghe rất say sưa lập tức sửa miệng hắn. "Người sợ chuột nuôi mèo để đuổi chuột chứ sao".
"Nhưng Diêu Thái hậu nuôi mèo trong chuồng".
Diêu Cơ nói: "Ta cũng có thả cho Tuyết Nha Nhi ra ngoài chơi mà".
Trần Thừa tướng hỏi: "Thế cậu đã phát hiện điều gì?".
"Khi ấy thần chợt nhớ ra rằng người nước Triệu rất rành thuật vu cổ, họ có thể dùng trùng độc để điều khiển động vật". Ân Vô Chấp nói với Định Nam Vương. "Chắc cha vẫn nhớ chúng ta từng phát hiện họ dùng chuột để truyền tin khi đang chiến đấu tại Nam Cương".
Định Nam Vương đáp: "Đúng là có chuyện này".
Nói tới đây, Văn Thái sư và Trần Thừa tướng cũng đã hiểu: chỉ sợ thân phận của Diêu Cơ không đơn giản chút nào.
Văn Thái sư nói: "Ý cậu là, Thái hậu nuôi mèo chỉ để che giấu tai mắt xung quanh?".
Diêu Cơ biện bạch: "Vì Tuyết Nha Nhi hay chạy khắp nơi nên thi thoảng ta mới nhốt nó vào chuồng thôi"
"Thế còn chuyện hạ độc Thái hoàng thái hậu thì sao?".
Diêu Cơ nói: "Mẫu hậu đã trách phạt ta rồi, chuyện ấy chỉ là vì người ngăn không cho ta gặp Ngộ Nhi, thứ độc ấy không hề nguy hiểm đến tính mạng".
"Nếu là thứ độc ấy thì quả thực không hề nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng thần từng nghe Tề công công nói rằng bệ hạ đã từng tặng một chậu trúc Vinh vào sinh thần năm ngoái của Thái hoàng thái hậu, cây trúc kia sẽ nở hoa vào mùa xuân, vô cùng quý hiếm".
Văn Thái hậu hoảng sợ: "Con có ý gì?".
"Bẩm Thái hậu, thần đã điều tra, loài trúc ấy ở Đại Hạ này được gọi là trúc Vinh nhưng ở nước Triệu thì lại có tên là trúc Diệp Hương, một khi ngửi chung với bất kì loại thuốc gây ảo giác hôn mê nào thì sẽ biến thành kịch độc".
Thái hoàng thái hậu hít một hơi sâu, Diêu Cơ vỗ bàn muốn đứng dậy nhưng bị Văn Thái hậu ấn ngồi xuống, thị thốt lên: "Nói năng bậy bạ! Ta chưa từng muốn hại chết mẫu hậu!".
Ân Vô Chấp lại hỏi: "Giờ Thái sư vẫn cảm thấy đôi mắt kia không hề có sức uy hiếp hay sao?".
Văn Thái sư nghe mà cũng phát sợ, ông nói: "Nếu kẻ kia thực sự là Thái tử nước Triệu Triệu Trừng, một khi hắn ta che mặt lẻn vào kinh thành gây chuyện ác... Thêm nữa, ngươi vừa mới nói, nếu chuyện Thái hoàng thái hậu trúng độc thực sự có liên quan tới chậu trúc Vinh mà bệ hạ tặng cho người...".
"Đâu chỉ có vậy". Ân Vô Chấp nói. "Diêu Thái hậu còn nói với bệ hạ rằng, người không phải con trai ruột của tiên đế mà là cốt nhục của Triệu Anh".
Chén trà trong tay Trần Thừa tướng nứt ra, ông sầm mặt thả nó xuống bàn: "Giả như mọi chuyện đều diễn ra theo tình huống xấu nhất. Thái hoàng thái hậu trúng độc, Triệu Trừng lẻn vào kinh thành rồi bịt mặt đi giết vài người, tất cả đồng thời nổ ra, bệ hạ có trăm miệng cũng không bào chữa nổi".
Đâu chỉ có vậy. Mọi người đều nghĩ Khương Ngộ chỉ ăn may lên làm Hoàng đế. Đến khi những chuyện này bại lộ, mọi thương tổn của các huynh đệ – người chết, kẻ tàn phế, bệnh tật – đều sẽ bị đổ lên đầu y.
"Cũng vì vậy mà vừa trông thấy cặp mắt kia ta đã sởn tóc gáy".
Sắc mặt Văn Thái sư rất khó coi: "Chẳng lẽ Diêu Thái hậu là thê tử của Văn Vương năm đó, là trưởng nữ nhà họ Hạ, bà ta lừa bệ hạ rằng người không phải con của tiên đế mà là con của vua Triệu vì muốn bệ hạ phản quốc?".
"Quả đúng thế".
Diêu Cơ không kìm được mà bật cười: "Ân Vô Chấp, ý ngươi là ta đang muốn hãm hại Ngộ Nhi? Ta là mẹ ruột nó, dù có hơi nghiêm khắc với nó thì chẳng lẽ ta còn có thể tự tay đẩy nó vào trong hố lửa hay sao?".
"Từ khi bệ hạ ba tuổi Thái hậu đã có thể ép người dậy sớm đọc sách, năm tuổi đã ép luyện võ bắn cung, thậm chí còn dùng kim châm khiến máu tụ dưới da bệ hạ. Con người như Thái hậu, có làm ra chuyện gì cũng chẳng đáng ngạc nhiên".
Diêu Cơ lại nhìn Khương Ngộ: "Ngộ Nhi, con phải tin mẹ, mẹ tuyệt đối không hề muốn đẩy con vào chỗ chết".
Ân Vô Chấp chặn tầm mắt thị lại, đôi con ngươi lạnh như băng: "Thừa nhận đi, Diêu Thái hậu! Bà chính là gian tế nước Triệu, trưởng nữ nhà họ Hạ, thê tử của Văn Vương, bà sinh ra bệ hạ chỉ để lợi dụng người, người chỉ là công cụ của bà, bà không hề quan tâm tới suy nghĩ và mong muốn của người".
"Ngươi thì biết cái gì cơ chứ!".
"Ta không biết gì hết, nhưng ta tin nhất định bệ hạ cũng không muốn nhìn khuôn mặt giả vờ giả vịt của Thái hậu nữa". Ân Vô Chấp nói với vẻ căm ghét. "Sao trên thế gian lại có một kẻ như bà, sao bà lại xứng làm một người mẹ cho được?".
Hai mắt Diêu Cơ đỏ ửng, môi thị run run: "Tất cả đều là do Ngộ Nhi nói cho ngươi?".
"Chắc bà không biết nhỉ, chuyện bệ hạ rơi xuống vực mấy ngày trước là do người tự nhảy xuống".
Thấy Diêu Cơ giật mình, hắn nói tiếp: "Chính vì bà đã bao lần dồn ép người tới đường cùng đấy! Chuyện tới nước này, bệ hạ đã thẳng thắn với tất cả mọi người, ấy vậy mà bà không dám thừa nhận sao Diêu Thái hậu? Quả đúng là ích kỉ. Bà đã từng ra dáng một người mẹ đúng nghĩa trước mặt bệ hạ chưa? Bà có từng thực sự suy nghĩ cho bệ hạ chưa?".
"Đương nhiên là ta có!". Diêu Cơ nói. "Ta có, nếu không phải muốn đưa con ta về nhà, sao ta phải khổ tâm tính toán đến vậy...".
"Nhà?". Ân Vô Chấp độp lại. "Nhà của bệ hạ ở đây, nhà của bà mới ở nước Triệu. Tính toán gì cơ chứ, bà chỉ tính toán vì bản thân bà, tính toán để quay lại gặp chồng con nơi đất Triệu mà thôi!".
Sự tình đã hoàn toàn bại lộ. Diêu Cơ thoáng hoảng hốt, thị không nhìn thấy Khương Ngộ và cũng không thể biết giờ đây y đang có tâm trạng thế nào: "Rốt cuộc là tại sao, tại sao ngươi biết?".
"Bà không giấu được hết". Hắn thuật lại. "Có rất nhiều kẽ hở. Chắc bà không nhớ rõ, vào cái ngày bệ hạ ngất xỉu, bà từng thốt lên một tiếng Khổ Đại y. Ta từng điều tra được rằng Quốc sư nước Triệu có một đệ tử mang họ Khổ, vì Khổ và Cốc đọc gần giống nhau nên lúc ấy ta không hề để bụng, sau đó mới nhớ ra hình như Cốc Thái y là do bà sắp xếp vào cung trong khoảng thời gian tiên đế băng hà".
"Lại thêm thái độ thù hận vô duyên vô cớ bà chẳng thèm che giấu đối với ta, chỉ cần nhắc tới chuyện ta dùng lời lẽ để dụ Hạ Uy vào tròng rồi giết chết, bà đã không kiềm chế được mà giẫm lên tay ta. Những chuyện này khi mới trải qua thì không có gì cả, nhưng một khi có kẽ hở, chúng sẽ biến thành manh mối. Mọi thứ đã tới nước này rồi, ta khuyên bà nên suy nghĩ cho bệ hạ, hãy sớm thừa nhận để hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ đi".
Diêu Cơ thở dốc, các lão thần mỗi người một vẻ mặt.
Cuối cùng Văn Thái hậu lên tiếng, phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng: "Chính ngươi đã lập mưu giết Nguyên Nhi?".
"Ban đầu ta cũng không định giết nó". Cuối cùng Diêu Cơ cũng thỏa hiệp, thị đáp. "Đúng, ta là thê tử của Triệu Anh, là trưởng nữ nhà họ Hạ lẽ ra phải chết từ lâu nhưng tới giờ vẫn còn tồn tại trên đời, tên ta là Hạ Thu. Ta và Triệu Anh được hứa hôn từ lúc còn trong bụng mẹ, là thanh mai trúc mã, gắn bó keo sơn, nhưng Triệu Tịnh đã xen ngang vào. Hắn hạ độc Triệu Anh rồi cướp ta vào vương cung".
"Ta khổ sở lắm mới trốn được khỏi nơi ấy, còn chưa kịp quay lại với Triệu Anh đã bị đám buôn người đưa sang nước Hạ. Ta lạ nơi lạ chốn, gặp được tiên đế mới có chỗ nương thân". Diêu Cơ cười khổ. "Ta rất muốn về nhà, nhưng chỉ có một thân một mình thì sao quay về được đây? Ta không dám cho tiên đế biết thân phận của mình... Khi ấy ta cũng nghĩ tới chuyện ở lại nơi này, nhưng ta không thể chịu đựng được khi thấy biểu cảm vui mừng trên mặt các ngươi mỗi lần thắng trận. Ta là người nước Triệu, cha ta chết dưới tay đại tướng của các ngươi, ta phải làm sao cơ chứ?".
"Vì vậy ta ép Ngộ Nhi khôn lớn, ta muốn mượn tay nó để về nhà".
"Những chuyện về sau thì các ngươi cũng biết rồi. Triệu Trừng tới cơ sở ngầm tại kinh đô, nó là đứa con ta dứt ruột đẻ ra, ngày xưa ta cũng chẳng kịp ôm nó lấy một lần. Nó cho ta biết về mẫu thân ta, người mất chồng rồi lại mất con, nghe tin ta còn sống trên đời nên muốn gặp ta, đúng vào năm ấy, năm ấy...". Thị nhìn Ân Vô Chấp, nức nở: "Ngươi giết huynh trưởng ta là Hạ Uy".
"Ta không nhịn được, vì thế ta cứu Triệu Trừng khi nó bị bắt. Chính ta đã hại chết Nguyên Nhi, ta cũng đâu còn cách nào khác, các ngươi cũng từng giết người thân của ta kia mà?".
Thái hoàng thái hậu căm hận hỏi: "Có phải ngươi hạ trùng độc cho Ninh Vương không?".
"Ninh Vương thì không phải ta, nó bị Triệu Anh nhắm trúng mà thôi. Khi ấy ta vẫn chưa liên lạc được với nước Triệu".
"Còn Tề Vương?". Thái hoàng thái hậu hỏi tiếp. "Năm ấy nó tự phế hai chân để chứng minh nó không phải kẻ hại hoàng huynh nó, chẳng lẽ chuyện này cũng là do ngươi?".
"Sao ta có thể ngờ rằng Tề Vương kiên cường tới vậy". Diêu Cơ nói hoảng. "Nhưng nó bị tàn tật cũng tốt, nó sẽ không phải chết, chỉ bị đuổi khỏi kinh thành và không bao giờ được quay lại nữa...".
Văn Thái hậu giáng một cái tát xuống khuôn mặt thị.
Đôi mày Thái hoàng thái hậu khẽ giật.
Dường như cái tát ấy đã giúp Diêu Cơ hoàn hồn, thị lau vết máu bên khóe miệng, nhìn Khương Ngộ.
Mọi người đều có ăn có học, Văn Thái hậu dù tức đến mấy cũng chỉ nói được một câu: "Ngươi đã tận mắt nhìn chúng lớn lên".
"Còn Ngộ Nhi do chính ta sinh hạ". Chỉ khi nhắc tới Khương Ngộ, trong mắt thị mới có đôi phần áy náy. "Ta chỉ muốn đưa nó về nhà, về nhà của bọn ta".
"Nó là con tiên đế, nhà nó ở đây, ngươi dẫn nó về nước Triệu thì Triệu Anh sẽ bỏ qua cho nó hay sao?".
"Các người nghĩ năm xưa tiên đế không tra được gì ư?". Diêu Cơ vẫn nhìn về phía Khương Ngộ. "Nhưng người vẫn tha cho ta. Dĩ nhiên ta sẽ có cách bảo vệ Ngộ Nhi".
Ân Vô Chấp hỏi: "Bà đã làm gì?".
Ngay lúc ấy, một tiếng động rất nhỏ vang lên – Khương Ngộ đứng dậy.
Mặt y đau rát.
Thực ra y đã phát hiện chuyện này từ cái lần Diêu Cơ bị mèo cào kia. Người nước Triệu giỏi dùng trùng độc, nhất định Diêu Cơ đã sử dụng thuật pháp gì đó lên cả thị lẫn y, vì thế khi thị bị thương thì y cũng đau đớn.
Vài hôm trước thị bị thương ở trán, đầu Khương Ngộ cũng đau khoảng mấy ngày.
Nhưng nhờ cái tát của Văn Thái hậu khi nãy mà y mới chắc chắn mình không đoán sai.
Đáp án vì sao y lại mơ thấy phụ hoàng nói không được làm tổn thương tới mẹ.
Nhất định ông đã phát hiện chuyện này – nếu Diêu Cơ bị thương, Khương Ngộ cũng sẽ phải chịu đau đớn.
Và cả lí do Diêu Cơ nói thị có bản lĩnh bảo vệ Khương Ngộ. E rằng khi tới nước Triệu, thị cũng có thể nối tính mạng Triệu Văn Vương với mạng sống của y, vậy là tất cả đều được an toàn.
Nhưng hiển nhiên những người khác vẫn chưa biết.
Khương Ngộ biết rõ đây là thứ cổ thuật một chiều, Diêu Cơ bị thương thì y sẽ thấy đau nhưng ngược lại thì không.
Vậy thì, chỉ cần Diêu Cơ chết, y cũng sẽ chết. Được copy tại ﹛ T 𝘳𝑼mT𝘳uy𝐞𝐧﹒𝐕𝐧 ﹜
Ân Vô Chấp bỗng cản y lại: "Bệ hạ".
"Trẫm có điều muốn nói với mẫu thân".
Thái hoàng thái hậu xen vào: "Dây dưa cả buổi tối chắc con cũng mệt rồi, để Ân Thú đưa con về nghỉ đi".
Ân Vô Chấp ôm y về xe lăn.
Khương Ngộ hỏi: "Hoàng tổ mẫu không giết mẫu thân sao?".
Diêu Cơ thoáng sửng sốt, đôi mắt chợt hiện nét đau đớn.
Thái hoàng thái hậu đáp: "Đây là chuyện trọng đại nên ai gia phải bàn bạc với chư vị tại đây, con cứ nghỉ ngơi cho tốt đi".
Ân Vô Chấp đẩy xe lăn, đưa y về tiểu viện.
Khương Ngộ lại được ôm lên cái võng kia, chuyện đầu tiên y làm là nói với Ân Vô Chấp: "Mẫu thân đáng chết".
Hắn đáp: "Ta biết".
"Ngươi giúp trẫm giết bà ta đi".
Ân Vô Chấp sửng sốt, chợt thấy lời này rất quen. Hắn hỏi lại: "Gì cơ?".
"Giết bà ta". Khương Ngộ nói. "Ân Vô Chấp sẽ làm bất cứ thứ gì vì trẫm, phải không".
"Ta không nghe rõ". Ân Vô Chấp cau mày. "Người nói gì cơ?".
Hắn thực sự không nghe rõ mà chỉ thấy đôi môi Khương Ngộ cử động, như thể có một luồng sức mạnh đã phong ấn thính giác hắn, ngay cả những lời bản thân vừa thốt ra mà hắn cũng chẳng nhớ được.
Khương Ngộ: ".".
"Bệ hạ nói lại lần nữa đi".
"Trẫm nói ngươi là heo".
Lần này thì nghe rõ rồi. Ân Vô Chấp không nhịn được cười mà hôn nhẹ lên môi y: "Tại ta lòng dạ tiểu nhân".
"Nếu biết bệ hạ sẽ tìm được đường sống trong chỗ chết, ta đã để người chiêu cáo chuyện này cho cả thiên hạ từ lâu rồi".
Nếu đoán trước được kết cục bây giờ, Khương Ngộ sẽ chẳng thèm hé răng lấy nửa chữ đâu.
Lời tác giả:
Tang Phê: Đời không như mong muốn.
A Chấp: Đời lúc nào cũng có những niềm vui bất ngờ.