Cuộc Sống Sâu Gạo Của Mọt Sách Ở Thanh Triều

Chương 96: Thịnh cực tất suy




Nhớ lại mới hôm nào thôi, Hoàng thượng và Ung thân vương còn đang ở Viên Minh viên uống rượu tâm sự, nói chuyện phiếm, lão còn muốn giữ  Hoằng Lịch bên người để tự mình dạy dỗ, đùa rằng nhất định sẽ dạy được một hoàng tôn còn bác học đa tài hơn cả Đông Giai Thị Thục Lan, vậy mà chưa đầy nửa năm sau, thiên cổ nhất đế cứ như vậy mà ra đi trong an tĩnh. Đông Thục Lan không giấu nổi cảm giác mất mát, không phải chỉ vì lão là một Hoàng đế có tài, mà còn bởi con người lòng dạ uyên bác ấy ở phương diện học thức không phân biệt nam nữ quá nhiều, ở niên đại và hoàn cảnh này, một người nam nhân có địa vị lại làm được điều ấy thì quả là đáng trân trọng. Ở vào tình cảnh của Thục Lan mà có thể gặp được một người bạn có chung tiếng nói, có thể cùng ngồi bàn luận như vậy thì thật quá mức hi hữu, chỉ có thể gặp mà không thể cầu.
Nhưng mà việc Tứ Tứ nhận ngôi Hoàng đế cùng một loạt những sự vụ rối rắm khác thi nhau xuất hiện, không cho Thục Lan nhiều thời gian để ngồi hồi tưởng lại quá khứ. Hậu cung không thể so với vương phủ, không thể tiếp tục tùy tiện như trước kia, trước chân sau gót đều có một đoàn cung nữ thái giám, lại còn có một đống lớn cung quy cùng lễ nghi phải học thuộc. Vì trước kia đã xem nhiều bộ phim cung đấu nên Đông Giai Thị Thục Lan rất dị ứng với hậu cung. Nhưng mà nếu nàng dám mở miệng nói một câu không muốn tiến cung, hay không quan tâm Hoàng đế cùng Hoàng hậu nào mới kế vị, nhất định một đoàn ông già bà cả nhà Đông Giai sẽ vọt tới ‘Thản Thản Đãng Đãng’ bóp chết nàng rồi đưa một nữ tử khác vào làm thế thân. Chuyện này gọi là phong thủy luân lưu đó sao? Ngẫm lại kế hoạch của bọn họ cũng không hề thất bại, chẳng qua là vị trí hậu phi đổi thành một nữ tử họ Đông Giai khác. Bây giờ khi nhìn thấy Thục Lan, đám bà tám Đông gia đâu còn tỏ vẻ bệ vệ lớn lối như trước nữa, thay vào đó là tươi cười đón chào cùng phụng bồi cẩn thận. Mấy lời xu nịnh giả tạo ấy nghe vào tai Thục Lan cũng khó hiểu như hát ru vậy. Đông Giai Thị lúc này đang mang vô vàn cảm kích với mấy quy định cứng nhắc trong cung về việc hậu cung tiếp kiến ngoại quyến.
Nghĩ cho cái mạng nhỏ của mình, có tân đế đăng cơ, cục diện chính trị bất ổn, cái ghế Hoàng đế của Tứ Tứ vẫn chưa thể ngồi yên được, còn cần ngoại thích ủng hộ, lúc này mà gây chuyện thì thật trái với đạo làm người, hơn nữa nếu xét thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì nói thẳng ra là chẳng khác nào tự tìm chết, quan trọng nhất là trong Tử Cấm thành có tàng thư các mà nàng đã ngưỡng mộ bấy lâu. Khang Hi là người hiếu học như vậy, tàng thư của lão nhất định sẽ rất phong phú, số lượng chắc cũng đáng kể. Sau khi phân tích tình hình, nàng quyết định mang luôn cả cung quy bên mình, có khi cần dùng đến cũng không biết chừng.
May mắn là hầu như những người tiến cung đều là thê thiếp ở phủ đệ cũ của Tứ Tứ, hắn cũng không nhân cơ hội này để mở rộng hậu cung, tất cả mọi người đều hiểu rõ rằng không nên gây chuyện lúc này. Ô Lạt Na Lạp Thị cũng tự nhiên trở thành mẫu nghi thiên hạ. Trong cung, Niên thị đứng đầu tứ phi, thoáng cái đã được sắc phong làm quý phi, đồng thời chiếu chỉ đưa xuống nói rằng do Niên thị thể trạng yết ớt, không chịu được mệt nhọc, nên miễn làm lễ ra mắt các tần phi khác. Người ngoài nghe thì thấy Niên thị sủng ái đang vượng, còn những nữ nhân từ vương phủ vào cung, qua mấy năm, cũng lờ mờ đoán được chuyện gì đang xảy ra, chỉ có điều những chuyện ấy không nên nói cũng không nên hỏi, cứ ngậm chặt miệng là tốt nhất, nếu không mình chết như thế nào cũng không biết.
Bên ngoài, Niên Canh Nghiêu nổi danh không ai bằng, gần như ngang hàng với người có gia thế rầm rộ là Long Khoa Đa. Điều này làm cho nhiều người theo phe Long Khoa Đa sinh ra bất mãn, liên tục phàn nàn, người sáng suốt đều thấy được trong việc đưa Tứ Tứ lên ngôi vị Hoàng đế, công lao của Long Khoa Đa lớn hơn nhiều tên mới nổi Niên Canh Nghiêu kia, đã vậy Đông Giai Thị trong hậu cung cũng chỉ được phong làm Thục phi, so với Niên quý phi còn thấp hơn một bậc, Niên Canh Nghiêu tại triều đường cũng vì vậy mà càng thêm lớn lối. Long Khoa Đa ấy vậy lại không cho là lạ, ngược lại còn tỏ ra an nhàn thoải mái hơn. Hắn đang nghe mật báo từ trong cung, cô cháu gái của hắn căn bản cũng chẳng coi mấy thứ phong hào kia ra gì, chưa được mấy ngày đã rục rịch nhằm vào tàng thư các trong cấm cung, hắn cười một tiếng, hắn quả nhiên không nhìn nhầm cô cháu gái này mà. Có câu “thịnh cực tất suy”, tân Hoàng đế muốn làm gì hắn lại không rõ sao, Hoàng thượng là đang cảm thấy Niên gia vẫn chưa đủ “thịnh”, Niên Canh Nghiêu còn chưa đủ lớn lối, cho nên giúp hắn một phen. Vắt chanh bỏ vỏ, qua cầu rút ván, xem ra sau khi ngồi vững ngôi vị Hoàng đế, người đầu tiên Hoàng đế muốn đối phó chính là Niên Canh Nghiêu mà không phải là người cậu Long Khoa Đa hắn, hắn còn có thời gian chuẩn bị đường lui!
Nếu như lúc trước, người trong hoàng cung mới chỉ được nghe danh bác học phu nhân thì bây giờ họ đã thực sự thấy được cái người kia thích đọc sách đến mức độ nào – cả ngày ngâm mình ở tàng thư các, chỉ thiếu điều cuốn gói chiếm luôn tàng thư các làm phòng nghỉ ngơi, biến tàng thư các thành tẩm cung của mình, bộ dạng thì vui quên trời đất như chuột sa hũ gạo. Hoàng thượng, Hoàng hậu muốn tìm người cũng không đến tẩm cung của nàng mà trực tiếp cho cung nữ thái giám tới tàng thư các, chín mươi chín phần trăm trúng mục tiêu.
Năm Ung Chính thứ ba, Niên quý phi mất, hậu táng lấy hiệu là Hoàng quý phi, với danh vọng Niên gia đang có, tất cả mọi người đều cho rằng chẳng bao lâu nữa Niên gia sẽ cho một nữ tử khác tiến cung. Không ngờ Niên gia lại suy sụp nhanh đến nỗi mọi người trở tay không kịp. Chưa đầy hai năm sau, Long Khoa Đa cũng vì “tùy ý làm bậy” mà bị Hoàng đế Ung Chính “đau xót vô cùng” giam lỏng. Người khôn khéo đều phát hiện nhà Đông Giai chẳng những không liên lụy cả nhà như Niên gia năm nào, ngược lại còn được trọng dụng hơn trước. Ngạc Luân Đại phạm tội bị tước quyền kế tục tước vị, con thứ của Đông Quốc Cương là Pháp Hải cũng bị bỏ qua, tước vị do a mã Đông Thục phi là Khoa Đại kế tục.
Đây là ám chỉ Đông Thục phi ở trong cung đang được sủng ái sao? Nhưng mọi người đều không nghe được phong thanh gì từ trong cung truyền ra, cũng không có dấu hiệu đặc biệt nào chỉ ra rằng Hoàng thượng đang chuyên sủng Thục phi. Kết quả là Hoàng thượng cứ có nhất cử nhất động nào là ngoài cung lại có đủ các loại lời đồn được ra lò. Ví dụ như chuyện Hoàng thượng không thích ở trong cung mà ở lâu dài tại Viên Minh viên là do Thục phi nương nương trong cung cảm thấy bị trói buộc, không thoải mái bằng nơi ở cũ. Cũng có người nói là do Thục phi nương nương cả ngày ngâm mình ở tàng thư các chơi trò lạt mềm buộc chặt, ‘vắng vẻ’ Hoàng thượng, Hoàng thượng thành ra ghen tuông với “sách”, nhưng lại không thể đóng cửa tàng thư các, lại càng không thể ban bố mấy mệnh lệnh vô lí kiểu như “không cho Thục phi nương nương ra vào tàng thư các” được, vậy nên chỉ còn cách duy nhất là cách li, bởi dù sao Hoàng thượng làm việc ở chỗ nào cũng như nhau cả.
Mấy lời đồn này cũng là lúc Di thân vương phi Triệu Giai Thị(*) tiến cung gặp Hoàng hậu mà lại thấy có mặt Đông Thục Lan (do bị Ô Lạt Na Lạp Thị cứng rắn kéo đến tán gẫu) kể lại. Ô Lạt Na Lạp Thị nghe xong cười không dừng được, nửa thật nửa giả chỉ vào Đông Thục phi, nói: “Muội nghe xem, mấy lời đồn này cũng thật hay ho. Mấy năm gần đây chỉ cần là tin đồn liên quan đến muội và Hoàng thượng là lại thú vị mới mẻ vô cùng”.
(*) Trước là Thập Tam phúc tấn
“Hoàng hậu quá khen, Thục Lan không dám”. Đông Giai Thị vội vàng đứng lên.
Ô Lạt Na Lạp Thị huơ huơ khăn tay, “Tỷ muội chung sống nhiều năm như vậy rồi, cũng biết tính tình nhau, nơi này không có người ngoài, không cần phải khách sáo như vậy”.
“Hoàng hậu nói rất phải”. Triệu Giai Thị cũng đứng lên.
“Cũng ngồi đi. Thục Lan đâu, tự muội nói xem mấy lời đồn này có bao nhiêu phần thật?” Ô Lạt Na Lạp Thị làm khó hỏi.
Di thân vương phi cũng ở một bên dùng khăn khẽ che miệng, cười không phát ra tiếng động.
“Thục Lan không biết. Nếu bàn về người có tình cảm với Hoàng thượng, hiểu rõ Thánh thượng nhất thì ai bì được với Hoàng hậu nương nương?” Nói ít sai ít, trước kia còn có một Niên thị làm bia đỡ đạn, bây giờ thì phải cẩn thận hơn nhiều. Cái danh được Hoàng thượng chuyên sủng truyền ra ngoài không những không phải là chuyện tốt, ngược lại còn là tai hoạ! “Hoàng thượng hay ở lại Viên Minh viên có lẽ là vì lo cho Hòa Thạc Hòa Huệ công chúa(*). Di thân vương chưa đầy hai năm nữa phải gả công chúa đi, mà ở Tử Cấm thành, dù là Vương phi tiến cung hay công chúa xuất cung thủ tục đều rất rườm rà, thời gian hai mẹ con gặp mặt cũng không dài, cứ như bây giờ, Vương phi muốn gặp công chúa không phải chỉ dễ như chuyện ném thư qua tường sao, dù công chúa muốn đến chỗ người ở hai ngày cũng chỉ cần băng qua một khu viện là đến. Trang thân vương (Thập Lục a ca Doãn(**) Lộc) cũng chưa có phúc khí đến vậy. Có thể thấy được tình huynh đệ của Hoàng thượng và Di thân vương sâu nặng đến thế nào”.
(*) Con gái của Hòa thạc Di thân vương (trước là Thập Tam a ca) với Triệu Giai Thị, được Ung Chính nhận làm nghĩa nữ, sau gả cho một vương tử Mông Cổ
(**) Dận Chân lên ngôi rồi nên tên của các hoàng tử phải thay chữ “Dận” bằng “Doãn” để tránh phạm húy
“Hoàng ân cuồn cuộn”. Di thân vương phi lần thứ hai đứng lên, quỳ gối hướng về Hoàng hậu thi lễ.
Ô Lạt Na Lạp Thị gật đầu một cái, lời giải thích này mới có thể giúp Hoàng thượng có được tiếng tốt trước mấy câu truyện huyên thuyên bên ngoài. Nhưng mà nàng đã quên mất, có câu chuyện tốt không ra khỏi cửa, chuyện xấu lưu truyền ngàn dặm. Mọi người hứng thú bàn tán về chuyện nam nữ hơn là cố sự tình huynh đệ nhiều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.