Dạ Cậu, Em Là Mùa!

Chương 11: Phi uyển




Mợ Diệp sảy thai lại bị băng huyết, may là có ông bà độ hộ nên cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi. Mợ nằm viện gần một tuần thì được xuất viện về nhà, lúc đón mợ về, nhìn mợ xanh xao gầy yếu đi phải có người đỡ mà tôi thấy xót trong lòng vô cùng. Sức khỏe mợ Diệp rất yếu, bác sĩ nói mợ phải tịnh dưỡng một thời gian thì mới khoẻ lại được.
Sinh non thì cũng giống như là đã sinh con, dì Tư lo ở cữ cho mợ kỹ càng, mẹ ruột của mợ ở được vài hôm với mợ cũng về, mợ Diệp giao lại cho dì Tư và chị Hồng săn sóc. Kể từ lúc mợ Diệp sảy thai, trong nhà ai cũng buồn, hiếm thấy mọi người cười tươi nói chuyện vui vẻ như lúc trước. Cậu Tư khỏi cần nói thì cũng biết cậu buồn như thế nào rồi, có đôi khi tôi còn thấy cậu lén hút thuốc một mình, biết cậu đang buồn nên tôi cũng không dám can ngăn. Bẫng đến ngày mợ Diệp ra cữ, không khí vui tươi trong nhà mới khôi phục lại được chút.
Chuyện của tôi vụ cô Thuỳ, bà chủ có trách móc mấy câu rồi cũng thôi. Tôi cứ tưởng là bà sẽ giận tôi lắm nhưng xem ra bà chủ cũng là người hiểu chuyện. Còn về phần cô Thuỳ, kể từ ngày bị cậu Ba đuổi đi, tôi không còn nghe tung tích gì của cô ấy nữa. Cô Thuỳ với con Hạ cứ như bóc hơi khỏi vũ trụ vậy, đến cả gọi than khóc với bà chủ cũng không nghe thấy, nghĩ cũng lạ.
Mợ Diệp ra cữ, sáng sớm cậu Tư dìu mợ ra sân tập thể dục nhẹ nhẹ, tối đến lại đưa mợ đi dạo vài vòng. Nhìn vợ chồng cậu Tư mà tôi thấy hâm mộ ghê, chỉ ước sau này có chồng cũng được chồng yêu thương cưng chiều như vậy, vậy là đủ mãn nguyện rồi.
Chị Hồng nấu thức ăn riêng cho mợ xong, tôi liền bưng lên cho mợ ăn cơm trưa. Thấy da dẻ mợ hồng hào trở lại, mắt cũng không còn sưng lên vì khóc, tôi liền thấy mừng cho mợ. Thấy tôi cứ nhìn, mợ Diệp liền hỏi:
- Sao em nhìn mợ dữ vậy?
Tôi cười tươi:
- Thấy mợ khỏe lại, em mừng.
Mợ Diệp múc một muỗng cơm vừa, mợ nói:
- Phải khỏe lại chứ em, buồn hoài cũng không được.
Nhìn ánh mắt mợ buồn buồn trở lại, tôi liền thức thời không nói thêm gì nữa. Vừa đứng phục vụ cơm nước cho mợ, tôi vừa kể cho mợ nghe những chuyện hài vui mà tôi biết được. Tôi không giúp gì được vật chất cho mợ thì giúp cho mợ về tinh thần, chỉ hy vọng mợ có thể quên được chuyện đau buồn mà vui vẻ sống tiếp.
.................
Sáng tôi dậy sớm phơi lá trà rồi quét sân, nghe dì Tư nói vài bữa nữa ông Năm sang đây ở một thời gian nên dì kêu tôi đem lá trà ra phơi lại. Chuyện là nhà của ông Năm cho sữa chữa lại, ông sang đây ở đỡ, cũng sẵn dịp làm tiệc mừng thọ ở đây luôn. Vì nhà này là nhà con cả của ông, năm nay ông cũng muốn ở đây để gần con gần cháu.
Tôi đang quét sân, cậu Ba thì vừa mới chạy bộ về, thấy tôi, cậu lại bắt chuyện:
- Son xài được không?
Nghe cậu hỏi, tôi liền gật gật trả lời:
- Dạ được, cậu cho em một lúc mấy cây son đủ màu, xài không được thì mới là lạ đó.
Cậu Ba gật gù:
- Ừ, con gái chăm chút một chút thì tốt, tôi thấy cô cũng không đến nỗi nào đâu.
- Dạ.
Như chợt nhớ đến chuyện gì đó, cậu Ba liền nói:
- À quên, để chiều nay tôi đem về cho cô con chó con, bạn tôi nuôi chó, chó mẹ đẻ nên cho tôi một con. Tôi định là không lấy nhưng thấy cô thích chó nên lấy đem về cho cô nuôi.
Nghe nhắc đến chó, tôi có chút kíƈɦ ŧɦíƈɦ:
- Chó con hả cậu?
- Ừ, chó mực, tôi nhìn trong hình thấy cũng tròn tròn, nuôi được.
Chó mực, đúng loại chó mà tôi thích nữa chứ.
- Vậy... có gì cậu đem về nha, đất nhà mình nuôi một con chó mực cũng tốt lắm á cậu.
Cậu Ba nhìn tôi, cười khẽ:
- Cô thấy tốt là được rồi... tôi vào thay đồ đi làm trước, chiều đem về cho cô.
Cậu Ba đi rồi, tôi ở đây vẫn cứ nhìn theo bóng lưng của cậu không chớp mắt. Vừa rồi, lúc cậu nói chuyện với tôi, tôi cứ thấy cậu nhìn tôi cười cười, giọng cũng dịu dàng hơn bình thường rất nhiều. Không hiểu sao, trong lòng tôi thấy có chút rộn ràng làm sao ấy... cảm xúc khó tả lắm.
- Ê nè, làm gì đứng đực mặt ra đó vậy mày? Phơi trà chưa?
Nghe dì Tư hỏi, tôi giật mình, vội che đậy cảm xúc của mình, tôi nhanh nhảu trả lời:
- Con phơi trà rồi dì Tư.
Dì Tư nhìn nhìn tôi, dì có ý nhắc nhở:
- Ừ, mày ở đây làm đúng công chuyện của mày là được, đừng có mà sinh ra tơ tưởng này kia. Mấy cậu nhà này không phải là người nghèo giống tao với mày... đâm đầu vô không có kết quả tốt đâu con. Mày chơi với lửa thì có ngày phỏng tay nha Mùa.
Tôi chột dạ toàn tập, vội phản bác:
- Dì Tư, con đâu có ý gì đâu...
- Ừ thì tao nói vậy đó, cho mày biết mà canh cho đúng chừng đúng mực. Mà nếu mày không có gì thì thôi, coi như tao nói điên nói khùng đi. Thôi, quét sân xong thì vô rửa chén, con Hồng nó nấu đồ ăn sáng xong hết rồi đó.
Tôi cúi đầu, khẽ đáp:
- Dạ, con vô liền.
Dì Tư đi trước, tôi đi theo sau, trong đầu không ngừng vang lên câu nói nhắc nhở của dì Tư. Cũng không biết sao, tôi tự dưng lại thấy có chút buồn bã khó nói nên lời. Chung quy là dì Tư nói đúng, tôi vẫn phải nên biết chừng mực của mình, tránh sinh ra loại cảm tình không nên có...
Chiều xuống, cậu Ba giữ đúng lời hứa đem về cho tôi con chó con đen thui tròn ỉnh. Cậu bỏ cún con vào trong cái chuồng di động, lúc xách cái chuồng đưa cho tôi, cậu còn ra vẻ ghét bỏ không thoải mái. Giao chuồng chó cho tôi xong, cậu đưa tiếp cho tôi mấy túi thức ăn cho chó đầy ụ, thêm cả mấy bộ quần áo cho chó con. Tôi để cái chuồng xuống đất rồi bồng cún con trên tay, nhìn cái mặt ú nu của nó mà tôi thấy cưng gì đâu á. Ôm cún con vào lòng, tôi cười rực rỡ nhìn cậu, nói:
- Thấy cưng quá cậu ơi, em đặt tên cho nó là Gấu... được không?
Cậu Ba gật đầu:
- Cô muốn đặt nó tên gì thì đặt... tên Gấu cũng được, nghe dễ thương.
Tôi cười tít mắt:
- Vậy... cậu cho em thiệt hen?
Cậu Ba liếc ngang liếc dọc:
- Chứ hông lẽ tôi cho giả bộ rồi đòi lại hả?
Tôi cười hề hề:
- Em cảm ơn cậu lần nữa nha, cảm ơn cậu nhiều.
- Không có gì, thôi tôi đi tắm, mùi chó đầy người rồi, khó chịu quá.
Chưa đợi tôi nói thêm câu gì, cậu Ba đã đi nhanh vào trong nhà rồi biến mất dạng sau cánh cửa. Quay qua quay lại đã không thấy cậu đâu, nhưng thôi kệ, cậu đi đâu kệ cậu, Gấu con của tôi vẫn là quan trọng nhất.
Một tuần sau, ông Năm chính thức dọn sang đây ở, đi chung với ông là chú Thạch với Ngọc Hương, điều dưỡng riêng của ông. Tôi sắp xếp dọn phòng cho Ngọc Hương ở, vì cô ấy là điều dưỡng của ông nên được bà chủ cho ở riêng một phòng. Chú Thạch ở chung với người làm bọn tôi, phòng ông Năm thì nằm riêng biệt ở gian nhà giữa, không chung đụng với bất kỳ ai.
Nhà vốn cũng không đông người, nay lại tăng thêm dân số, người làm bọn tôi lại có thêm việc để làm. Bình thường tôi cũng không mấy bận rộn, nay tôi lại được giao thêm trọng trách phục vụ trà nước cho ông Năm, công việc mà không một ai dám đứng ra tranh giành gì với tôi hết. Đáng lý chuyện trà nước này là do dì Tư đảm nhận nhưng mà coi bộ dì Tư pha trà không hợp khẩu vị ông Năm, trái lại tôi pha thì ông lại uống được, thành ra công việc này giao lại cho tôi. Ông Năm cũng không phải là khó phục vụ, chỉ là ông già rồi lại là người có địa vị nên tính tình nghiêm khắc hơn một chút thôi.
Sáng sớm, ông Năm đã dậy sớm tập dưỡng sinh rồi đợi cậu Ba cậu Tư dậy để uống trà sáng. Lúc tôi bưng trà lên đã thấy ba ông cháu ngồi đợi sẵn, trông trò chuyện hài hòa vui vẻ lắm.
Thấy tôi bưng trà đem lên, Ngọc Hương liền đi tới lấy kim châm ra khử độc, nhìn thấy kim châm không đổi màu, Ngọc Hương mới vui vẻ nói với tôi:
- Được rồi, để tôi bưng qua cho ông Năm.
Tôi nhìn cô ấy, cười nói:
- Không sao, để tôi đem qua được rồi, cà phê sữa của cô tôi để ở đây, cô uống đi.
Ngọc Hương là điều dưỡng riêng của ông Năm, cô ấy giỏi về y thuật nên được ông Năm tin tưởng giao cho nhiệm vụ coi sóc đồ ăn thức uống hàng ngày cho ông. Kể ra thì cũng nhiều lời, đúng là người giàu hay sợ này sợ nọ, ông Năm rất khó tính trong chuyện ăn uống hàng ngày. Ông lại sợ người khác bỏ độc nên thức ăn riêng của ông lúc nào cũng được Ngọc Hương kiểm duyệt qua rồi mới đưa tới cho ông dùng. Ban đầu tôi còn thấy sốc một chút nhưng sau khi nghe Ngọc Hương giải thích, tôi coi như cũng vui vẻ chấp nhận. Đây là thói quen của chủ, tôi nên học cách thích nghi thì tốt hơn.
Ngọc Hương cũng quen với chuyện tôi đem trà lên cho ông nên cô ấy liền gật đầu đồng ý. Tôi bưng khay trà đi tới chỗ bàn rồi nhẹ nhàng đặt khay xuống mặt bàn, tôi cẩn thận tráng qua tách trà rồi mới rót trà ra cho ba người trước mặt. Đặt tách trà rồi bánh bao hấp đến trước mặt ông Năm, tôi khẽ nói:
- Con mời ông ăn bánh uống nước trà.
Ông Năm gật đầu nhìn tôi, môi hơi cong giống như đang cười, ông nói:
- Cứ để đó đi, chút nữa ông ăn.
- Dạ.
Thấy tôi đứng dậy, ông Năm mới nhàn nhạt khen tôi một tiếng:
- Con bé này còn nhỏ tuổi mà khéo tay, trà con pha ông uống thấy hợp khẩu vị nhất... sau này nhà sửa xong mày qua ở cho ông, ông trả gấp đôi lương cho mày.
Tôi cười cười không biết là nên mừng hay là nên thế nào nữa, lương trả gấp đôi thì quá tốt rồi, chỉ là... tôi không tính làm ô sin cả đời này đâu.
Cậu Ba chợt nhìn lên tôi, thấy tôi im lặng khó xử, cậu liền lên tiếng giải vây:
- Mùa làm công trừ nợ, làm hết năm nay là đủ tháng rồi ông nội, em ấy không có làm luôn cho nhà mình đâu.
Ông Năm khẽ nhướn mày:
- Vậy à? Trừ nợ cho ai?
Nghe ông hỏi, tôi liền trả lời:
- Dạ, cha con là Hai Được, thiếu bà chủ tiền nên con ở hết năm nay để trừ nợ.
Ông Năm hơi trầm ngâm:
- Hai Được... là người trong đất liền à?
- Dạ, nhà con ở bên đất liền.
- Ra là vậy... sao con không ở lại đây làm luôn cho ông đi hay tính lên Sài Gòn đi làm?
Tôi cười nhẹ:
- Dạ, con làm hết năm rồi lên lại thành phố đi học tiếp đại học. Phải có cái chữ cái bằng với người ta mới mong đổi đời được ông ơi.
Ông Năm chợt nhìn tôi, ông cười khích lệ:
- Chà, con nhỏ này ý chí dữ nha, ông nghe mày nói mà thấy mừng cho mày. Còn trẻ là phải vậy, phải có ước mơ rồi hoài bão vậy mới được chứ con. Thấy mày ông lại nhớ tới bé Uyển, nó tính tình cương nghị giống y như mày...
Nói tới đây, ông lại quay sang nhìn cậu Ba, ông hỏi:
- Phi Uyển chừng nào mới chịu về đây làm cháu dâu ông đây hả Lãnh?
Cậu Ba nhún vai, cười trả lời:
- Con chịu, em ấy nói khi nào xong việc sẽ về.
- Hai đứa cũng lớn tuổi rồi, phải tính chuyện đi chứ hả con?
- Tính chuyện gì ông nội, con với Phi Uyển thì có gì để tính?
Ông Năm cau mày:
- Mày nói gì nghe như phường gian manh vậy hả con, con gái người ta chờ mày bao nhiêu năm rồi...
Cậu Ba bĩu môi:
- Là chuyện lúc còn nhỏ, nếu em ấy cần con thì đã về từ lâu rồi... Con cũng không để tâm lắm, có duyên thì đến với nhau, không duyên chờ đợi cũng vô ích.
Cậu Tư lúc này cũng xen vào:
- Anh Ba với chị Uyển là thanh mai trúc mã, hai người đẹp đôi lắm.
Cậu Ba với tay lấy ly trà rồi hớp một hơi, cậu nhàn nhã nói:
- Còn Quý Trung nữa, ba đứa bọn anh chứ không phải chỉ anh với Phi Uyển.
Lần này, ông Năm lại thở dài, giọng điệu tiếc nuối:
- Con, thằng Trung với con bé Uyển... ba đứa sao lại thành ra... thiệt là...
Cậu Ba vỗ nhè nhẹ lên tay ông Năm, nụ cười không qua khỏi khóe mắt:
- Tụi con lớn hết rồi, Quý Trung cũng có vợ có con, ba đứa bọn con đừng ai nên vợ nên chồng với ai là tốt nhất, tránh cho có người tổn thương.
Ông Năm vẫn là tiếc nuối:
- Thằng Trung từ bỏ rồi, con cũng đừng để ý đến em nó nữa...
Cậu Ba đưa mắt nhìn xa, cậu nói bằng giọng thoải mái nhất:
- Con vẫn bình thường mà ông nội.
- Nếu bình thường thì đã không ở một mình tới giờ... anh Ba là đang chờ chị Uyển về phải không?
Nghe cậu Tư hỏi, cậu Ba im lặng không trả lời, phút chốc tôi thấy trong mắt cậu hiện lên vẻ cô độc khó nói nên lời...
Chú Thạch quản gia của ông Năm đang tưới cây trong vườn chợt đi ra, chú ấy đi tới gần ba người đang uống trà, giọng vui mừng:
- Ông chủ, cậu Ba, cậu Tư... bên ông Sáng vừa cho người gọi báo... ông ấy nói cô Phi Uyển đang trên đường về...
Ông Năm nghe nhắc đến Phi Uyển, ông vui mừng đứng dậy:
- Phi Uyển đang về à?
Chú Thạch gật đầu:
- Dạ, cô Uyển đang về, bên ông Sáng có ý kêu sắp xếp phòng cho cô ấy đó ông chủ.
- Tốt quá tốt quá, con bé Mùa... mày vô dọn phòng cho ông đi con, dọn cái phòng kế phòng cậu Ba mày đó... nhanh nhanh nha.
Tôi dạ một tiếng rồi quay lưng đi vào trong, lúc tôi quay người rời đi, tôi có len lén nhìn về phía cậu Ba lại thấy môi cậu hơi cong lên... hình như là đang cười...
Bất chợt, trong lòng tôi có chút không thoải mái, cảm xúc lên xuống khó kìm nén lại được. Phải mất mấy giây sau tôi mới bình tâm lại rồi cúi người lặng lẽ rời đi, công việc còn bộn bề, hơi đâu mà bận tâm cho mệt.
Uầy, suy nghĩ gì nữa vậy, nữ chính về rồi, nữ phụ nên nhường sang một bên đi nào!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.