Dạ Cậu, Em Là Mùa!

Chương 38:




Nước quanh cồn Quý dâng lên ngày càng cao, ở phía tây cồn nghe đâu có khu bị sạt lở, nước tràn vào nhà dân ngập lênh láng. Sáng sớm dân trên cồn túa nhau đến phụ đắp bờ, độ chừng nắng lên thì nước có thể sẽ rút bớt. Ông Năm lo sốt ruột từ sáng tới giờ, sau khi theo cậu Ba đến coi tình hình, ông liền tới từ đường thắp nhang khấn vái rồi ở đó mãi tới tận trưa mới về. Trông ông rầu rĩ lo lắng lắm, đến cả cơm cũng không buồn ăn, trà cũng không chịu uống. Mãi tới khi cậu Ba với cậu Tư vào an ủi khuyên ngăn thì ông mới chịu ăn được lưng bát cơm, Ngọc Hương pha thêm cho ông ly sữa, mọi người mới đỡ lo lắng.
Cậu Ba cũng có chút lo lắng:
– Nếu cứ tình hình này, chắc vài năm nữa cũng không còn thấy cồn Quý nữa rồi.
– Nghiêm trọng đến thế hả anh?
Cậu Ba gật đầu:
– Ừ, có nơi sạt lỡ rồi, đất mất đi từ từ, nước lại dâng cao… rồi cũng không còn đủ đất cho dân ở nữa.
Nói tới đây, giọng cậu trùng xuống, tôi thiệt tình cũng buồn nhưng không biết phải an ủi cậu thế nào đây nữa…
Không đợi tôi lên tiếng an ủi, cậu Ba lại nói thêm, giọng cũng trở nên bình thường:
– Nếu ý trời đã muốn như vậy thì chịu thôi, vào đất liền sống cũng tốt… không còn lo lắng đến khi nào cồn chìm nữa. Chuyện tới đâu thì tính tới đó, anh cũng không nghĩ gì nhiều đâu… em đừng lo.
Thấy cậu như vậy, tôi lại càng lo hơn… sao bạn trai của tôi cứ mãi lo toan nhiều thứ đến như vậy nhỉ? Là cháu đích tôn của nhà họ Quý thì phải vậy à? Phải mệt mỏi như vậy sao?
Tôi bĩu môi, nỉ non:
– Tự dưng… em muốn ôm anh một cái ghê.
Cậu Ba bật cười, hai tay dang rộng:
– Vậy thì lại đây, anh sẵn sàng.
Tôi cười tủm tỉm rồi đi nhanh về phía cậu, tay vừa chạm vào eo cậu thì sau lưng nghe tiếng gọi lớn:
– Mùa… mày đâu rồi Mùa… Mùa à.
Chết… là giọng của bà chủ… chết…
Nghe được tiếng bước chân đã gần sát mông, tôi hoảng quá liền đẩy cậu Ba một phát ra xa. Chắc do sức trâu sức bò tiềm ẩn, cứ tưởng là đẩy nhẹ ai dè đẩy phát cậu Ba ngã bật ngửa ra sau, lưng đập vào tường kêu cái “ạch”. Nhìn bạn trai té thấy thương đứt ruột, mà bà chủ đã tới gần sát rồi làm sao mà dám đỡ lên đây.
– Trời đất, con sao vậy Lãnh?
Bà chủ thấy cậu Ba ngã, bà hốt hoảng chạy đến đỡ lấy cậu rồi hỏi han. Cậu Ba thì không sao rồi đó, đàn ông lưng dài vai rộng, ngã chút xíu đó thì có là gì đâu, chỉ có điều… cậu cứ nhìn tôi chằm chằm, kiểu giống như là bị sốc văn hoá.
Biết là mình sai, tôi liền vờ chạy tới đỡ lấy cậu rồi giả bộ hỏi thăm xoa xoa nắn nắn sau lưng. Tất nhiên mấy hành động sờ mó này bà chủ làm gì thấy được, chỉ có cậu Ba là cảm nhận đuợc cho nên cứ chau mày nhìn tôi suốt từ nãy tới giờ. Thấy cậu nhìn tôi cũng nhìn lại cậu, còn nháy nháy mắt ra hiệu thay cho lời xin lỗi từ tận tâm can.
Bà chủ lo lắng nhìn con trai, bà hỏi:
– Đi đứng sao té dữ vậy hả con? Bộ thấy yếu trong người hay sao, có gì nói má để má đưa mày đi bác sĩ nữa.
Cậu Ba cười nhẹ, cậu dịu giọng trấn an bà chủ:
– Không có, con vẫn khỏe mà, con là bị… bò nó húc.
Hai chữ “bò húc” cậu nhấn thật mạnh, ý là cậu nói tôi là bò là trâu đó…
Bà chủ sững sốt:
– Bò húc? Mày nói giỡn hay thiệt vậy con? Bò đâu? Má có thấy con bò nào đâu?
Tôi liếc mắt nhìn cậu Ba, thấy tôi mặt mày bặm trợn, cậu đột nhiên cười lớn rồi quay sang trấn an bà chủ:
– Con nói giỡn đó, con đi không cẩn thận nên trượt chân ấy mà.
Bà chủ chau mày trách móc:
– Mày… cái tính cà rỡn… không có sao hết phải không? Có đau ở đâu không?
Cậu Ba lại cười:
– Không có mà, chút xíu đó nhầm nhò gì với con, mẹ đừng lo.
– Không sao là được rồi, mẹ thấy mày té mẹ hết hồn, đi đứng không coi để cho té cắm đầu cắm cổ. Thôi, không sao là được rồi…
Nói rồi bà lại quay sang tôi, bà kêu:
– Mùa, theo bà vô phòng chút coi… bà có công chuyện.
– Dạ.
Bà chủ đi trước, tôi liền nối gót theo sau, đi được vài bước vẫn thấy cay cú mà quay đầu liếc mắt cảnh cáo cậu Ba. Mà cái tên Quý Lãnh này đúng là khó ưa, nói tôi là bò thì thôi đi, giờ còn nhe răng ra cười hớn hở nữa chứ… tức ghê luôn.
Tôi đi từ phòng bà chủ ra, trong đầu không ngừng suy nghĩ rối rắm thành một nùi. Ngồi canh nấu thuốc cho bà chủ mà tôi để củi cháy tàn lúc nào không hay. Mãi khi chị Trâm chạy tới kêu tôi, tôi mới giật mình lật đật dọn dẹp lại bếp lò. Chị Trâm thấy tôi thất thần, chị cười hỏi:
– Gì vậy Mùa, nhớ người yêu hay gì mà ngồi thẩn thờ vậy cà?
Tôi cười gượng gạo:
– Dạ đâu có, em nhớ cha em á mà.
– Thiệt không vậy?
– Dạ thiệt, thiệt mà, ủa mà quên nữa… thuốc này thuốc gì mà bữa nào cũng nấu hết vậy hả chị?
Chị Trâm bắt nồi canh hầm lên bếp, chị nói:
– Thì thuốc bổ gì của bà chủ á mà, Liễu kêu chị canh nấu chứ chị cũng có biết đâu.
– À dạ…
Đợi chị Trâm đi rồi, tôi lại tiếp tục ngồi thẩn thờ nhìn vào bếp lửa đang cháy. Ban nãy bà chủ kêu tôi vào phòng, bà muốn tôi đi rình cậu Ba, bà nghi là cậu Ba có qua lại với cô gái nào đó mà bà không biết mặt, nghe đâu là người ở trên cồn. Không nhắc tới thì thôi mà nhắc tới lại thấy rầu, chẳng nhẽ giờ tôi tự đi rình mò tôi hay sao đây trời?
Mà chuyện đó cũng không có quan trọng, quan trọng là bà chủ không đồng ý cho cậu Ba quen với con gái nhà không môn đăng hộ đối với nhà họ Quý. Cậu Tư thì không nói gì đi, bởi dù sao cậu cũng là con thứ, có lấy vợ nghèo thì cũng không ảnh hưởng lắm. Chỉ có cậu Ba là quyết không thể được, bởi cậu là con trưởng, lại còn là cháu đích tôn của dòng họ, tuyệt đối không thể lấy vợ quá kém so với nhà cậu được. Bà chủ còn nói, bà nhắm được một cô cho cậu rồi, gia đình môn đăng hộ đối, lại có học thức xinh đẹp giỏi giang nữa chứ. Công nhận yêu cậu chủ khổ ghê luôn, ông Năm thì chọn cô Uyển, bà chủ thì chọn cô tiểu thư khác… riết rồi tôi không biết tương lai của tôi và cậu sẽ đi về đâu nữa đây?!
………………….
Vụ ly hôn của cậu Tư và mợ Diệp có vẻ sẽ kéo dài khá lâu khi mợ Diệp cứ liên tục đưa ra những yêu cầu quá đáng để đòi hỏi tài sản từ cậu Tư. Ban đầu cậu Tư còn phản kháng nhưng về sau, cậu cũng không buồn nói nữa. Mà nói nào ngay, cậu Ba đã vào cuộc giúp cậu Tư một tay, tôi thiết nghĩ là mợ Diệp sẽ phải thất vọng càng lúc càng nhiều đây.
Chị Hồng càng lúc càng kỳ lạ, chị cứ rút ở trong phòng hiếm khi ra ngoài, chỉ trừ khi nào cậu Tư đưa chị đi dạo thì chị mới chịu đi thôi. Tôi có lên khuyên can an ủi chị nhưng chị cứ bảo là chị sợ có người làm hại con chị nên chị phải bảo vệ đứa bé. Chị đã nói như vậy thì tôi cũng hết cách, chỉ cảm thấy chị Hồng có gì đó giấu giếm tôi mà thôi, giống như là đang giấu một bí mật nào đó đáng sợ lắm vậy…
Bởi vì chuyện bà chủ nghi ngờ nên tôi với cậu Ba cũng ít hẹn gặp nhau ở ngoài, có hẹn thì cũng cảnh giác hơn nhiều. Cậu Ba đôi lần càu nhàu tôi vì chuyện không chịu công khai, mỗi lần như thế tôi luôn tìm cách nũng nịu rồi dỗ dành cậu cho qua chuyện. Thôi thì giờ lỡ rồi, cố gắng mấy tháng nữa là được, đợi khi trả nợ xong xuôi, cậu có kêu tôi ngày mai đám cưới ngay và luôn tôi cũng chịu. Tôi hứa!
………………………..
Thoắt cái một tháng trôi qua nhanh như cái chớp mắt, em bé trong bụng chị Hồng cũng lớn thêm được một tháng. Vụ ly hôn dần dần đi vào hồi kết khi cậu Ba điều tra ra được chuyện mợ Diệp có nhân tình ở bên ngoài. Nếu như vậy thì cả hai vợ chồng cậu mợ đều nằm trong dạng “ông ăn chả, bà ăn nem”, không ai trách ai được.
Ngồi trên xe, tôi quay sang hỏi cậu Ba:
– Mợ Diệp coi xong hình đó… mợ có nói gì không hả anh?
Cậu Ba cười nhạt:
– Biết nói gì nữa, trong ảnh chính xác là cô ta nên cô ta đâu cãi được gì. Anh biết là cô ta vẫn chưa quên tình cũ nhưng cả gan dám trốn đi rồi cắm sừng chú Luân… nghĩ thôi anh cũng không dám nghĩ là Diệp lại gian xảo đến như vậy.
Tôi gật gù:
– Tình cũ? Bộ mợ Diệp có tình cũ trước đó hả anh?
Cậu Ba khẽ gật:
– Có, trước kia anh có nghe người ta nói là Diệp có người yêu nhưng sau đám hỏi của chú Luân, anh cũng không còn nghe người ta nói nữa. Lúc đó anh chỉ nghĩ đơn giản là Diệp sắp xếp chuyện tình cảm ổn thỏa rồi, thấy cô ta cũng hiền lành nên anh cũng không có nghĩ nhiều. Thật không dám tin là người hiền lành như Diệp lại gian xảo mưu mô tới như vậy. Cô ta chưa hề chia tay với tình cũ, đã vậy còn mặt dày gả cho chú Luân… thật là không thể tưởng tượng nổi.
Tôi thoáng sững sờ:
– Tức là khi đã về chung sống với cậu Tư rồi… mợ Diệp vẫn còn qua lại với… người yêu cũ.
Giọng cậu Ba nặng nề:
– Theo thám tử điều tra thì có khả năng là như vậy, Diệp vẫn hay lén lút gặp người cũ chỉ sau mấy tháng gả cho chú Luân.
Chu choa mạ ơi, sao mợ Diệp có thể trơ trẽn mất nết đến như vậy được nhỉ? Nếu đúng thiệt là như vậy thì tội cậu Tư quá rồi, bị vợ cắm cho cái sừng dài ơi là dài mà đâu có biết. Nhưng khoan đã, hình như vẫn còn một chuyện mà tôi… không… không đâu, đừng nghĩ oan cho người ta như vậy chứ. Mợ Diệp dù có tệ tới đâu thì cũng không tệ tới mức đó đâu… không có đâu…
– Em đang nghĩ cái gì mà thừ người ra vậy?
Nghe cậu hỏi, tôi liền trả lời:
– À đâu có gì đâu, em chỉ đang nghĩ chuyện của mợ Diệp thôi à.
– Đừng nghĩ tới cô ta nữa, người như vậy không đáng để mình phải bận tâm tới.
– Dạ….
Cậu Ba chở tôi tới đầu ngõ thì dừng xe lại, cậu quay sang tôi, chau mày hỏi:
– Không cho anh vào trong chào hỏi bác trai một tiếng thật à?
Thấy mặt cậu buồn so, tôi liền xoa xoa hai má cậu an ủi:
– Chưa phải lúc đâu, để em nói với cha em trước đã, giờ anh mà xông vào chắc cha em sốc lắm luôn á.
– Nhưng… anh muốn vào thưa chuyện với cha em.
Tôi chậc lưỡi:
– Vậy… để em vào trong lựa lời nói với cha em, có gì… sang tuần sau anh hãy tới.
Cậu Ba nắm lấy tay tôi, biểu cảm vui mừng:
– Thật không?
Tôi gật gật:
– Thật, em nói thật mà.
– Hứa nha?
Thấy cậu vui mừng như trẻ con, tôi bật cười:
– Anh này, cần gì phải hứa, em cũng định là hôm nay về thưa chuyện với cha mà.
Vừa dứt lời, cậu liền tháo dây an toàn giúp tôi, nhét giỏ trái cây vào trong tay tôi, cậu liền nói:
– Vậy em mau xuống xe đi, chờ đợi gì nữa mà còn ngồi đây. Em nói chuyện với cha xong thì gọi cho anh, báo cho anh một tiếng có biết không?
– Biết rồi mà.
Tôi bước xuống xe đi bộ vào trong, bên tai vẫn còn nghe tiếng cậu Ba nhắc nhở là phải gọi cho cậu ấy. Cái tên này, trông thì nghiêm túc vậy chứ có lúc cũng giống y hệt trẻ con. Nhưng mà cậu như vậy lại chứng minh được là cậu thật lòng quan tâm đến tôi, thật lòng muốn cùng tôi tiến xa hơn trong chuyện tình cảm. Ây chà, quyết định bữa nay về nói chuyện với cha quả thật là một quyết định sáng suốt mà.
Vừa thấy tôi ở đằng xa, cha tôi ngoài ruộng đã vẫy tay chào rồi gọi tên tôi vang vọng khắp một vùng trời. Tôi đứng trên đường vẫy vẫy tay, miệng kêu “cha, cha” mấy tiếng, hai cha con chỉ trỏ vào trong nhà, ý bảo là vào nhà rồi nói chuyện.
Trong lúc đợi cha tôi từ ruộng đi vào, tôi trong nhà thay hoa khác trên bàn thờ cho mẹ, sắp trái cây ra đĩa cúng mẹ rồi thắp cho mẹ nén nhang. Sẵn tiện bỏ bánh trái vừa mua vào tủ cho cha, để ông ở nhà có cái ăn uống nước trà cho đỡ buồn. Xong xuôi hết tôi ngồi nhâm nhi tách trà, đợi cha vào hai cha con tâm sự. Đang uống trà đột nhiên nghe có tiếng huyên náo ngoài sân, lại nghe được giọng ai đó quen quen, tôi vội đặt tách trà xuống bàn rồi đi ra xem thử…
– Bà chủ… có chuyện gì vậy bà chủ?
Bà chủ đẩy cha tôi qua một bên, chợt nhìn thấy tôi, bà liền xông tới chỗ tôi, bà gào ầm lên:
– Là mày, bữa nay tao bắt quả tang mày qua lại với con trai tao. Ha… mấy bữa tao hỏi mày, mày chối với tao là mày không biết thằng Lãnh nó quen ai… thì ra là mày… là chính mày dụ dỗ nó.
Chân tôi bắt đầu run run, hai tai cũng ù đi, tôi sợ tới mức không nói được gì ngoài đứng trơ mắt ra nhìn bà chủ đang gào ầm lên trước nhà. Sao bà chủ lại đến đây… sao bà ấy biết… sao… sao lại như vậy?
Cha tôi nghe tôi bị chửi, ông chạy nhanh lại chỗ tôi, ông run run hỏi:
– Bà chủ nói cái gì hả Mùa? Con dụ dỗ ai? Lãnh là ai?
Tôi nhìn cha tôi, môi mấp máy chưa kịp trả lời thì bà chủ đã nhào vào trong miệng tôi mà nói:
– Thì là ai nữa, Lãnh là con trai của tôi, là cháu đích tôn của dòng họ Quý. Ông khôn hồn thì kêu con ranh này tránh xa con trai tôi ra… cha, nhìn vậy tưởng là người hiền lành, ai dè… cũng là loại quân ngũ đỉ điếm, tới ở nhà chủ rồi canh me dụ dỗ cậu chủ. Hên, hên cho tôi là tôi biết được bộ mặt thật của cha con nhà ông, chứ nếu không… con gái ông nó bắt hồn ăn hết của con trai tôi à.
Bà chủ vừa chửi vừa vung tay loạn xạ, hai mắt bà giận dữ nhìn tôi kiểu như tôi vừa gϊếŧ người không bằng vậy. Càng nói bà càng thể hiện máu hung hăng khác thường ngày, bà coi tôi như một người xa lạ, giống y như là đi bắt ghen thứ giật chồng người khác vậy. Bà gào lên:
– Mày nói đi, mày tòm tem với con tao bao lâu rồi? Mày bỏ bùa gì nó mà nó chịu qua lại với mày?
Tôi nhìn bà, hít một hơi thật sâu rồi run run trả lời:
– Con… con không có bỏ bùa gì cậu Ba hết.
Bà chủ xông xồng xộc tới chỗ tôi:
– Không có… không có vậy tại sao nó chịu mày trong khi con Phi Uyển nó không chịu, con Thuỳ nó không ưng?
Cha tôi sợ bà chủ sẽ đánh tôi, ông liền nhào tới đẩy bà chủ ra xa, mất người đi theo bà chủ liền xông tới như muốn đánh nhau luôn vậy.
Cha tôi giận thật sự, ông đứng ra chỉ trích:
– Bà chủ, bà ăn bậy được chứ nói bậy không được nghen, bà dựa vào đâu mà nói con gái tôi bỏ bùa con bà? Bộ trên đời này có mình con trai bà quý thôi hả? Con gái tôi không quý hay sao?
Bà chủ cười khinh, bà nói lớn:
– Con gái ông quý quá… quý giá quá nên mới đi ở đợ cho nhà tôi đó chứ. Nhà nghèo mà bày đặt trèo cao, đỉa mà đòi đeo chân hạc… nằm mơ đi, tôi có chết cũng không cho nó bước chân vô nhà họ Quý đâu. Nằm mơ đi, ông nằm mơ đi!
Cha tôi chống nạnh trừng mắt, ông gằn giọng:
– Hứ, tôi ở đây cũng không gả con tôi cho con trai nhà bà đâu mà bà to miệng. Bà ỷ bà là chủ mà ngon hả? Nghỉ, tôi cho con tôi nghỉ, không làm gì nữa hết, còn nợ bà bao nhiêu tôi đem tiền qua trả không thiếu một xu.
– Ừ, ông giàu có quá thì đem tiền qua trả cho tôi, chắc lại lấy tiền của con tôi để trả chứ gì? Thứ nghèo đói hèn mọn, lũ hút máu đàn ông, nghèo mà mất nết.
Cha tôi run run, ông giận quá liền quay sang quơ cái xẻng giơ lên cao, ông quát ầm lên khiến hàng xóm nghe tiếng kéo nhau chạy tới:
– Thứ giàu có mà ác nhơn thất đức, ép uổng con cái, vu oan giá họa cho người nghèo. Bà có tin tôi thay trời hành đạo bửa cái xẻng này vô đầu bà là bà chết tươi liền không?
Bà chủ vừa sợ nhưng cũng vừa dữ tợn hùa lên:
– Ông dám không? Ông dám đụng vào tôi không?
Cha tôi sấn tới, ông cười ha hả:
– Bà đưa cái đầu bà đây, cùng lắm thì một mạng đổi một mạng, tôi chơi khô máu với bà luôn nè chứ bà dám đụng đến con gái tôi. Con tôi là cành vàng lá ngọc, bà có kêu con trai bà quỳ ba ngày ba đêm trước cửa nhà tôi cũng chưa chắc tôi chịu gả con gái tôi cho con trai bà nữa chứ ở đó mà tới đây kiếm chuyện. Bộ bà tưởng tôi nghèo là tôi hèn hả? Không có đâu, quên đi nha, quên chuyện đó đi Diễm nha.
Hàng xóm xung quanh thấy cha tôi chửi quá, mọi người liền xông vào can ngăn sợ là xảy ra án mạng. Khu nhà tôi là khu nhà nghèo, nghèo thì nghèo nhưng được cái thương nhau với đoàn kết lắm. Bà chủ với vài người đi chung chịu đâu nổi khu nhà tôi, thế là kéo nhau ra đầu đường chửi vọng vào.
– Ông coi chừng tôi đó… dòng thứ hung dữ như quỷ…
Cha tôi cũng không chịu thua, ông quát lên:
– Bà cũng coi chừng tôi đó, giàu mà hắc dịch… biến biến khỏi nhà tôi, coi chừng tôi thả bầy chuột ra cắn sứt cái móng giò bà ra giờ.
Bà chủ còn đang định chửi nữa thì từ đằng xa, xe cậu Ba chạy thật nhanh tới rồi thắng gấp lại, cậu mở cửa bước với xuống xe, cậu quát lên một tiếng:
– Mẹ! Mẹ làm cái gì ở đây?
Bà chủ nghe tiếng con trai, bà liền quay lại tố cáo cha tôi:
– Lãnh, con tới đúng lúc lắm, con coi ổng chửi mẹ kìa… ổng đòi lấy xẻng đập vô đầu mẹ nữa đó… con…
Cậu Ba đi gần tới bà ấy, cậu chau mày, mặt lạnh tanh, cậu gằn lên từng tiếng:
– Con hỏi mẹ, tại sao mẹ lại tới đây?
Bà chủ sượng mặt:
– Mẹ… mẹ… mẹ không muốn con quen với con Mùa? Mẹ đã từng nói với nó rồi nhưng nó vẫn lỳ lượm, nó không…
– Đây là chuyện tình cảm của con, con muốn quen ai thì con quen, muốn yêu ai thì yêu… sao mẹ lại làm vậy với Mùa và bác trai? Mẹ có còn coi con là con của mẹ không, có không hả?
– Nhưng con Mùa nó không hợp với con, nhà nó không môn đăng hộ…
Cậu Ba giận dữ gào lên:
– Môn đăng hộ đối làm cái gì, hả? Mẹ ép thằng Luân lấy con Diệp chưa đủ hay sao… bây giờ mẹ còn muốn ép con với ai? Chuyện của bà Mai chưa đủ cho mẹ sáng mắt ra à? Mẹ có biết vì mẹ mà Mùa cũng bị người ta bỏ bùa sắp chết hay không? Mẹ có từng thấy cảnh em ấy vật vờ ói ra máu mỗi ngày không? Mẹ có không? Có không?
– Mẹ… mẹ…
Cha tôi lúc này sững sờ nhìn tôi, tôi thấy rõ được ánh mắt ông nhìn tôi run rẩy, môi mấp máy mãi nhưng không nói được nên lời. Tôi nhìn ông, khoé mắt cay xè, tôi… tôi thương ông quá… thật sự thương quá!
Cậu Ba ở phía kia bước tới trước mặt cha tôi, cậu cúi đầu trước ông, thái độ cung kính, biểu cảm thành khẩn vô cùng:
– Bác trai, con thay mặt mẹ con… thật lòng xin lỗi bác. Chỉ là hiểu lầm thôi, không phải như những gì bác nghĩ đâu.
– Lãnh!
Bà chủ đứng ở đằng kia vẫn gào tên cậu nhưng cậu lúc này dường như không muốn nghe nữa, cậu cứ nhìn chằm chằm vào cha tôi, ý như muốn nghe một lời nói từ ông. Cha tôi cũng là người hiểu chuyện, ông khẽ thở ra một hơi, giọng nghiêm nghị:
– Cậu đưa mẹ cậu về đi, con Mùa ở lại đây với tôi luôn, kể từ nay trở đi không về nhà cậu làm nữa. Còn riêng cậu, cậu muốn gì thì nay mai tới thưa rõ ràng mọi chuyện với tôi. Còn bây giờ… tôi mệt rồi, không muốn tiếp khách.
Cậu Ba ngước mắt sang nhìn tôi, tôi biết là cậu lo cho tôi, cậu muốn ở lại thưa chuyện rõ ràng nhưng mà tạm thời cứ nghe theo cha tôi đã… giờ mà cãi lại lời ông là đôi ngã chia ly luôn đó.
Quý Lãnh khẽ gật đầu chào nhận, thái độ trước sau như một, hoàn toàn cung kính:
– Dạ… con hiểu rồi bác, ngày mai con sẽ qua thưa chuyện với bác.
– Ừ, về đi, dắt mẹ cậu về liền đi, tôi thấy bả giờ nào tôi chướng mắt giờ đó.
– Con… vậy con xin phép về trước… hy vọng bác bỏ qua cho mẹ con chuyện hôm nay… con thật lòng xin lỗi!
Thấy cha tôi không trả lời, tôi liền ra hiệu cho cậu cứ về trước đi, có gì mai nói sau vậy…
Cậu Ba chào hỏi xong, cậu quay người đi chưa được mấy bước thì có điện thoại gọi tới. Chợt, tôi thấy cậu quay người lại nhìn tôi, biểu cảm trên gương mặt nặng nề, giọng cậu nghiêm nghị:
– Hồng… cô ấy sảy thai rồi, giờ đang trên đường đến bệnh viện.
Tôi cả kinh như không tin vào tai mình, mới vừa nãy thôi chị ấy vẫn còn khỏe lắm mà… làm sao… làm sao chưa đầy một tiếng đồng hồ mà đã… không… không thể nào… không thể nào!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.