Đã Có Anh Trong Nỗi Nhớ Của Em Chưa?

Chương 22:




Tôi rầu rĩ băng qua những con phố dài, lòng rối như tơ vò. Hai hôm rồi Phong không về cùng đường, tôi cứ thấy nhớ nhớ mà giận giận,… mặc dù tôi đã đợi cậu ấy được mười năm rồi.
Đạp xe mông lung, thay vì đi về phía khu chung cư cũ, tôi lạc vào con đường dẫn đến trường cấp I ngày xưa, giờ ngôi trường đã xây lên hai tầng nữa, không còn mái lợp tôn xi măng, cây bằng lăng ngày trước tôi ngủ gục vẫn còn đây, nhưng nhánh cây của nó đã bị chặt bớt cho bức tường xây cao. Nghĩ thế nào tôi gửi xe đạp, tha thẩn xung quanh trường, chợt nhớ đến quán truyện tranh của tụi học sinh cấp II, rúc vào đấy đọc một lèo qua trưa luôn. Đọc hết Đô-rê-mon, tôi vơ lấy một quyển truyện màu mè đọc thử, nó có tên “Đại ca đi học”, tôi nghĩ ngay đến Vũ.
Mai Mít từng nói, Vũ không quậy phá gì cả, nhưng nó không hề biết những buổi học đầu tiên, Vũ đã rất ngang ngược.
Cậu ấy vì tôi mà thay đổi ư?
“Chun!”
Tôi giật mình đánh rơi quyển truyện, ngước lên nhìn cậu con trai mà cách đây mười năm, cậu ấy vẫn hay gọi tôi như thế.
Tôi cứ nhìn cậu ấy mà không thốt lên được lời nào. Cách đây rất lâu rồi, tôi cũng đang ngồi bệt như lúc này, Phong đẩy cuốn Đô-rê-mon cho tôi xem tranh và nói: “Mày còn ngơ hơn cả thằng Nobita.”
“Không còn đọc Đô-rê-mon nữa à?”
Phong lấy cuốn truyện tập một rồi ngồi xuống ngay cạnh, cậu ấy không lấy giấy kê mông như tôi mà ngồi bệt luôn, dẫu rằng mặc quần sáng màu.
“Mặt… mặt cậu bị sao vậy?”
Gò má phải của Phong bị thâm tím và sưng lên, khiến cậu ấy cười trong nhăn nhó dù đó là một nụ cười rất tươi.
“À… tớ bị va vào cửa.”
Phong nghĩ tôi dễ bị lừa như vậy ư, nhìn là biết bị ăn đấm, nhưng với tính cách ôn hòa thì ai “nỡ lòng” gây sự với cậu ấy?
“Chứ không phải va vào tay người khác hả?”
Phong lại cười, điều đó khiến vết bầm càng đau hơn. Tôi ngó quanh, chạy đi xin bác chủ quán vài cục đá lạnh, gói trong chiếc khăn hay dùng để xì mũi đem ra áp lên má cậu ấy một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Dù đã biết nhưng Phong không khỏi rùng mình vì lạnh.
Hồi đó Phong trèo cây vặt dâu da cho tụi con gái mẫu giáo lớp bên thì bị vập cành cây, trong khi đó thằng Phú hái ngon lành, nó chia cho tất cả trừ tôi và Yến, Yến thì không thèm lấy của nó, còn Phong bắt tôi ăn hết chùm dâu da xanh lè duy nhất mà cậu ấy với được, dù tôi có dùng ánh mắt thèm thuồng nhìn những đứa con gái khác. Về đến nhà Yến lấy đá chườm vào tay cho Phong, hai đứa chúng nhìn nhau mắt không chớp, trong khi đó tôi chạy té khói vào nhà vệ sinh.
Lần này hai đứa tôi cũng nhìn nhau chằm chằm, chừng mười giây.
“Hồi đó tớ nhìn Yến mà nghe tiếng tõm tõm trong nhà tắm.”
Tôi tiếp tục nhìn Phong thêm hai giây nữa mới vội vã úp tay lên mặt, cậu ta cũng đang nhớ tới chuyện con nít đáng xấu hổ của tôi đó. Biết thế ngày xưa nghe lời mẹ, đi vệ sinh phải đóng cửa, tại bà cứ bảo chưa vào lớp một chưa cần giữ ý tứ.
Phong ôm bụng cười như chưa bao giờ được cười, còn tôi tức nổ đom đóm mắt, cứ thế đấm thụm thụm vào lưng cậu ấy khiến mấy em khóa dưới đang đọc truyện chẹp miệng liên tục.
Cậu ta vẫn tiếp tục cười, bực quá tôi đứng dậy trả truyện và đi ra ngoài luôn, cậu ta hớt hải đuổi theo. Tôi giận không thèm nói luôn. Khi đuổi kịp Phong chìa cây kem ốc quế có phủ nước sô-cô-la sữa trước mặt. Hứ, nghĩ tôi tham ăn như ngày xưa chứ gì? Tôi ngoảnh mặt bước tiếp.
“Cậu không ăn tớ ăn hết đấy!”
Tôi cóc thèm. Thế là cậu ấy ăn thật, trước nay Phong đã nói gì là sẽ làm nhưng lần này tôi thấy tưng tức, cậu ta đang dỗ tôi cơ mà.
“Chán nhỉ?”
Phong ngẩng lên trời nhìn một lượt.
“Sao chán?”
Giả bộ hỏi bằng giọng không thèm quan tâm nhưng rõ ràng tôi quá quan tâm, bày đặt làm bộ làm tịch.
“Chạm được tới cành dâu da rồi mà không có chùm nào để hái.”
Vì bây giờ không phải mùa dâu da, tôi và cậu ấy lớn qua mùa dâu da rồi.
“Ai thèm ăn dâu da!”
Nói xong câu này tôi hơi ngượng, ngày xưa tôi là cái đứa đứng rung cây dâu da chờ quả rụng, hoặc năn nỉ ỉ ôi Phong vặt trộm mỗi khi hai đứa đi qua đầu đường. Nhưng cậu ấy vẫn nhớ nên tôi thấy vui vui, và vì vui vui nên hết giận, tự dưng bật cười thích thú.
“Cậu đến trường mình làm gì?”
Chỉ cùng hỏi một câu mà hai đứa cũng nhe răng cười.
“Tớ cho em đi học, tiện ghé qua quán truyện tranh vì… nhớ bác chủ quán.”
Thảo nào xe cậu ấy vẫn còn để ở quán, thế mà tôi cứ nghĩ cậu ấy nhớ… tôi cơ. Phong nói có một cô em gái, chắc cậu đã về nhà mẹ nên mấy hôm không gặp.
“Em cậu học lớp mấy?”
“Lớp một. Cậu đến trường mình làm gì?”
Phong hỏi lại tôi, dù chỉ học một kỳ ở ngôi trường này nhưng cách nói của Phong rất gần gũi. Tuy tôi đã hỏi cậu ấy nhưng chưa hề chuẩn bị câu trả lời, lẽ nào lại nói vì tớ nhớ… cậu. Hic hic.
“Em ấy tên gì?”
Tôi đánh trống lảng rất không chuyên nghiệp.
“Vân Anh.”
“À, Phong, Vân, Lâm,… gió, mây và mấy cái cây. Tên anh em cậu hay thật.”
Tôi xòe ngón tay ra đếm, gật đầu giống như lúc ông nội ngẫm về những cái tên của mấy đứa cháu.
“Cậu vẫn chưa trả lời?”
Trời ạ, cậu ấy vẫn tò mò lí do tôi ở đây sao?
“Thì… tớ nhớ cây dâu da.”
“Thế vừa rồi nói không thích.”
“Ờ thì… thực ra tớ nhớ chị… chị bán kem ở cổng trường. Tớ… tớ nhớ chị ấy chứ không phải nhớ kem.”
Lần này tôi nói trước khi bị bắt bài, xong im lặng luôn. Cậu ta muốn cười thì cười, nghĩ sao thì nghĩ.
Thế mà chị bán kem nhớ tôi thật. Phong kéo tôi vào quán bán quà vặt ven đường, giờ chị ấy là chủ của sạp nước và cái tủ lạnh to hoành tráng.
“Bạn gái của em đấy à?”
Chị ấy nói bằng chất giọng tỉnh queo nhưng khiến tôi bị nghẹn với cốc nước lọc.
“Không không!”
Phong nhận que kem từ chị bán hàng giúp tôi. Tôi đã gọi một cây kem vị chanh.
“Nó là con gái, không phải bạn gái thì là con gà mái hả? Việc gì hai đứa chúng bay phải cúi gằm mặt như thế, chẳng lẽ chị nói đúng rồi? Trông xinh xắn đấy.”
Tôi là con gà mái, hic hic, giọng điệu của chị ấy y hệt ông nội, vì thế tôi cúi mặt còn sát hơn.
“Chị nhớ hồi bé mày chơi thân với con bé mũm mĩm, thế không thích nó mà lại là con bé này à? Tiếc nhỉ?”
Ra là Phong hay cho em Vân Anh la cà quán kem nên chị bán hàng nhận ra cậu ấy từ lâu. Giờ nếu tôi là Lệ Quyên, chị ấy nói như vậy lỡ bạn ấy giận Phong thì… Tự nhiên tôi thấy buồn khó tả.
“Chính bạn ấy đây chứ còn ai nữa chị!”
Nhưng câu trả lời đó không làm tôi nghĩ đến Lệ Quyên nữa.
“Mày nghĩ chị không nhớ mặt con bé Chun Chun này à?”
Đó, chị ấy nhận ra tôi mà vờ như không, năm năm trời tôi đi học qua chỗ chị, ăn kem chỗ chị sao không nhớ. Chị ấy bảo nụ cười của tôi không lẫn đi đâu được, dù có sún răng hay không.
Phong cũng thừa nhận điều đó.
Sau đó chị vào nhà dỗ em bé để mặc tôi nhâm nhi que kem và run lên vì lạnh, còn Phong chống cằm ngồi nhìn. Trời chẳng có nắng mà hai má tôi đỏ hây hây.
“Tớ không ngờ gặp Lâm Anh ở đây.”
Tôi dừng lại liếc mắt nhìn cậu ấy đang cười nhẹ, chất giọng đều đều và chỉ vừa nghe. Nó làm tôi nhớ đến câu nói “Còn Lâm Anh thích Phong.”, có lẽ đúng là như vậy.
Tôi đi về và bị mẹ mắng một trận tội đi tít mít không màng giờ giấc gì hết. Mẹ phạt tôi bằng hai chậu quần áo chất cao như núi và đống bát đĩa từ trưa, dù sao như vậy còn đỡ hơn việc đi chợ nấu cơm.
Hì hục cọ xoong nồi, giặt giũ, phơi phóng, xong xuôi đâu đó trời đổ cơn mưa, tôi lại lúi húi rút về. Sau cuối khi được nằm ườn trên đi-văng chờ cơm, ông ném cái điện thoại vào trúng người cháu gái, lớn giọng:
“Dịch giùm ông cái thư của người hâm mộ.”
Tôi đưa cái điện thoại to ngang cục gạch lên nhìn.
“T da danh thang P.”
Không phải tin tổng đài, từ một số máy lạ. Những người được ông cho số đều biết rằng ông tôi không thể sử dụng tin nhắn.
“Nó gọi hỏi số mày nhưng ông nghĩ không cần thiết.”
Vì thế ông cho phép Vũ nhắn vào số của mình để bà không biết, như vậy bố mẹ cũng không biết. Tôi đọc tin nhắn rồi xóa ngay lập tức, trả lại ông. Cậu ấy sao lại đánh Phong chỉ vì tôi thích… Phong chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.