Dã Thú Và Chim Hoàng Yến

Chương 15:




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Dịch: Liêu Lạc Hà Hy
Biên: Duẩn Duẩn
Buổi tuyển vai diễn ra tại hội trường nhà hát. Tôi nhẩm tính thời gian, đi từ phòng ngủ đến hội trường cũng hơn ba mươi phút, đột nhiên thấy hơi lười biếng, chỉ muốn trùm chăn ngủ tiếp, nhưng đã bị Christine cưỡng ép lôi xuống giường.
Trên đường đi, tôi bắt gặp khá nhiều quý cô và diễn viên đang nổi, thậm chí bấy giờ có người đã trở thành "đóa hoa" hạng sang* trong giới thượng lưu. Họ búi tóc cao bồng bềnh, cài đủ các loại hoa và đội những chiếc nón rộng vành, có cô bận chiếc váy Crinoline cầu kỳ và quyến rũ, phe phẩy cây quạt tay cầm bằng ngà đi ngang qua tôi.
(*) Nguyên văn là 交际花: là một uyển ngữ chỉ những người phụ nữ xinh đẹp, có vị trí cao và sôi nổi trong các hoạt động giao tiếp xã hội của chế độ xưa, thường sử dụng các hình thức nghệ thuật để thu hút khách hàng giàu có, quyền lực (ngụ ý khinh rẻ). Loại hành nghề mại dâm cao cấp này đều có những tên gọi khác nhau trong các ngôn ngữ: "Courtesan" trong tiếng Anh; "Hetaira" trong tiếng Hy Lạp cổ; "Oiran" trong tiếng Nhật; "Ganika" trong tiếng Ấn Độ... nghĩa là đĩ quý phái, điếm hạng sang hay có thể nói giảm nói tránh là "người xu nịnh". Ngày nay từ này còn dùng để chỉ những người phụ nữ mãnh mẽ, có giao thiệp rộng rãi trong xã hội (có ý khen ngợi), đồng nghĩa với "social butterfly" trong tiếng Anh.
Nhìn lại chiếc váy hoa in trên nền đá cẩm thạch của mình, rồi lại ngó qua đôi bông tai kim cương trị giá vài ngàn franc trên tai của cô diễn viên nọ, tôi bỗng đâm bối rối, ngờ ngệch quay đầu hỏi Christine: "Nữ chính của vở kịch chẳng phải là một cô gái chăn cừu ư?"
Christine bận một chiếc váy cotton trắng, im lặng hai giây rồi cũng tỏ ra bối rối giống tôi.
Thật may là cảm giác bối rối đã biến mất tăm ngay khi đi vào phía sau hội trường - những diễn viên ăn bận đẹp đẽ, xịt nước hoa thơm phức đã bị người hầu của Hearst yêu cầu tháo bỏ tất cả trang sức và châu báu trên người xuống.
Dĩ nhiên bọn họ không hề phản đối mà ngược lại còn vô cùng hợp tác, ngoan ngoãn tháo hết mấy món đồ xuống rồi nhẹ nhàng đặt lên chiếc mâm trải nhung êm ái trên tay người hầu nam. Đến lượt tôi, kẻ đơn giản đến không gì có thể đơn giản hơn được nữa, ngần ngại sờ sợi dây cột tóc ngọc trai tầm thường trên đầu và hỏi với điệu đắn đo: "Cái này cũng phải tháo ra ư?"
Cậu ta nhìn tôi một cái, đột nhiên xưng hô bằng tên họ của tôi vô cùng chuẩn xác: "Đúng vậy, thưa tiểu thư Giry."
Tôi gật đầu, tháo sợi dây cột tóc ngọc trai xuống rồi đặt lên chiếc mâm nhung. So với viên đá ngọc bích sáng lấp lánh bên cạnh, viên ngọc trên dải cột tóc của tôi trông nhỏ bé và "ảm đạm" đến đáng thương. Nhưng cũng chẳng sao cả, tôi đã quá cái độ tuổi thèm khát mấy thứ phù phiếm ấy rồi, thành thử lúc đặt lên vẻ mặt tôi vẫn bình tĩnh lạ thường.
Phía sau chợt truyền tới tiếng cười khúc khích, tôi quay đầu nhìn lại, hóa ra là cô diễn viên đeo đôi bông tai kim cương tôi gặp ban nãy. Cô ta phe phẩy chiếc quạt trên tay, chầm chậm tiến về phía trước, cầm sợi dây buộc tóc ngọc trai của tôi giơ lên với dáng vẻ điệu đà như một con công, rồi hỏi cậu người hầu bằng chất giọng ngọt xớt: "Viên ngọc bé thế này cũng không cho đeo sao? Anh ấy đúng là càng ngày càng chấp nhất nhỉ."
Xung quanh liền vang lên tiếng cười khe khẽ.
Người hầu nam trả lời: "Thưa Madame, đây là dặn dò của ngài Hearst."
Cô ta gấp chiếc quạt lại, để tay cầm bằng ngà chạm vào môi dưới của mình: "Tôi cũng phải làm theo nguyên tắc này ư?"
"Đúng vậy, thưa Madame."
"Nhưng tôi là diễn viên nữ được ngài ấy o bế đấy."
Vừa dứt lời, tiếng cười xung quanh bỗng biến thành những âm thanh hít vào nặng nề.
Người hầu nam vẫn giữ một điệu lạnh lùng như chủ nhân của cậu: "Ngài Hearst trước giờ chưa từng o bế một nữ diễn viên nào, mong Madame đừng ăn nói hàm hồ."
Nếu đổi lại là Carlotta, chắc chắn lúc này đã ném chiếc quạt đi mất rồi, vậy mà cô nàng không hề giận dữ, ngược lại còn rất nhẹ nhàng nói: "Tôi chỉ đùa một chút thôi mà, ý tôi là tất cả các vở kịch của ngài ấy tôi đều tham gia diễn xuất cả đấy." Vừa nói cô ta vừa cúi đầu, tháo bông tai, dây chuyền và vòng đeo tay rồi đặt lên chiếc mâm nhung, "Anh đừng kể lại với ngài ấy nhé, tôi sợ ngài ấy nổi giận."
Tôi ở kế bên quan sát hết tất cả, trước giờ toàn nghe nói phụ nữ tốt nhất nên tỏ ra ngây thơ duyên dáng với đàn ông một chút, khốn nỗi ai biết được làm sao để trông vừa duyên dáng mà lại vừa ngây thơ cơ chứ, hôm nay đúng là được mở mang tầm mắt. Thân hình cô ta có vẻ quyến rũ của một người đàn bà, nhưng giọng nói và ánh mắt thì hệt như một cô gái ngây ngô chưa trải sự đời.
Sau khi cô ta đi, tôi nghe có người phía sau lẩm bẩm: "Giọng nghe õng ẹo gớm chết." Ồ, sao tôi lại cảm thấy khá hay mà nhỉ, đương nhiên tôi sẽ không bao giờ thừa nhận rằng giọng tôi cũng tương tự như giọng của cô ta.
Đi theo mọi người đến khán phòng của sảnh bên, trên sân khấu đã có người bắt đầu biểu diễn: một cô gái trẻ mặc váy bằng lụa mỏng, tay cầm chiếc quạt gấp, nhón nhân, vẻ mặt ngạo nghễ lượn quanh mấy người đàn ông, đôi lúc giơ cổ tay lên để chờ đợi một nụ hôn, đôi khi lại khẽ cười gằn rồi đẩy họ ra xa.
Đây là đoạn mở đầu của The Shepherdress, khi nữ chính hay tin nam chính phá sản và khuôn mặt bị biến dạng, một mặt thì giả vờ an ủi nam chính, một mặt lại thường xuyên tham gia mấy bữa tiệc của hội độc thân để tìm kiếm người bạn đời kế tiếp. Nữ chính phải di chuyển bằng cách nhón mũi chân trong suốt đoạn mở đầu, không có lời hát, những gì cần đến giọng hát của nữ chính đều được thay thế bằng các âm cao của đàn harpsichord*. Đây là lý do vì sao một số giọng nữ cao thường liệt vở kịch này vào danh sách đen - bởi nó không chỉ không cho họ cơ hội thể hiện giọng hát tuyệt vời của mình mà còn bị tra tấn vì phải đi bằng ngón chân suốt đoạn mở màn. Nhận diễn vở kịch này chẳng khác nào tự tìm đường chết.
(*) Harpsichord là một nhạc cụ bộ dây phím cổ, chơi bằng cách nhấn các phím trên một bàn phím. Khi một phím được nhấn, một cái búa nhỏ sẽ đập vào dây tương ứng và phát ra âm thanh. Harpsichord là nhạc cụ chuẩn cho hàng loạt các loại nhạc cụ bộ dây khác, như đàn virginals, muselar, và spinet.
Đúng lúc đó, tình tiết của vở kịch đã phát triển đến đoạn cao trào - nam chính nhìn thấu bộ mặt thật của nữ chính, nhạc đệm dồn dập như tiếng sấm xuân lạnh lẽo và tăm tối. Thiếu nữ bận váy mỏng đứng trong một quầng sáng mờ ảo, chân trái giơ cao, chân phải nhón lên và cúi xuống hôn một trong những đối tác nam của mình, một người khác quỳ xuống đất, ánh mắt si mê dõi theo mũi chân đang duỗi thẳng của cô ta.
Động tác này giống hệt một bức tranh bị đóng khung trong lồng kính, nữ chính phải yên vị như thế ba phút đồng hồ để phối hợp với vị trí di chuyển của nam chính - đầu tiên anh ta sẽ diễn cảnh đau khổ chần chừ ở phía bên kia sân khấu trong vòng hơn hai phút, sau đó mới giận dữ bước đến bên nữ chính, nắm lấy cằm cô ta và kéo cô ta ra khỏi hai người đàn ông đang bày trò tán tỉnh.
Ở đoạn này phần diễn xuất của nam chính bị lược bớt, song động tác thì vẫn giữ nguyên. Tôi thấy ngón chân của cô gái đang run rẩy. Thành thật mà nói, nhìn dáng người có thể nhận ra ngay cô ấy vốn không phải một diễn viên múa ba lê chuyên nghiệp. Để đạt đến trình độ này, hẳn cô ấy đã phải quan tâm và luyện tập vở kịch này chăm chỉ biết chừng nào. Nếu như tôi là người phê bình cho màn biểu diễn, đại khái cũng có thể nhận xét theo hướng nhẹ nhàng và khuyến khích. Song tiếc là không phải.
Hearst mặc áo choàng, khoanh tay ngồi phía sau chiếc đàn harpsichord, nhìn cô gái mặc váy một cách thờ ơ. Tôi nghe nói đàn harpsichord là một loại nhạc cụ thanh lịch và mỏng manh, lấy lông vũ làm phím gảy, người nghệ sĩ phải gõ một cách nhẹ nhàng như thể đang mơn trớn làn da trắng như tuyết của thiếu nữ, nếu không các phím đàn sẽ dễ dàng gãy lìa ngay tại chỗ. Nhưng tôi nhớ có lần đọc được trên báo, hình như nhạc cụ mà Hearst chơi tốt nhất là đàn phong cầm cơ mà. Đàn phong cầm là một loại nhạc cụ khoáng đạt, sang trọng và phức tạp, phong cách chơi của hai nhạc cụ này hoàn toàn trái ngược nhau. Thật tò mò là làm thế nào mà anh ta vừa có thể làm chủ được đàn harpsichord và lại vừa thông thạo được ngón đàn phong cầm một lúc được nhỉ.
Hai phút sau, cô gái bận váy sắc mặt trắng bệch đặt chân trái xuống, cơ thể run rẩy như sắp ngã xuống sàn. Hai người đàn ông vội đỡ lấy cô ấy. Hearst cúi đầu, ngón tay thon dài nhẹ nhàng búng ra một âm thanh nhỏ, dường như chẳng hề trông thấy sự mệt mỏi của cô nàng, thờ ơ hỏi: "Còn sức không?"
Cô gái mặc váy yếu ớt gật đầu.
"Vậy tôi đàn một điệu nhạc, cô múa cho tôi xem thử."
Cô nàng kinh ngạc trợn to mắt.
Không đợi cô ấy trả lời, tiếng đàn đã vang lên. So với âm thanh vang dội và dầy nặng của dương cầm thì âm thanh phát ra từ harpsichord vừa sắc mỏng lại vừa véo von, dường như mỗi âm tiết đều được chạm khắc cẩn thận, mang đến cảm giác thanh lịch và mạnh mẽ. Tôi luôn nghĩ rằng một nhạc cụ như thế sẽ không bao giờ độc tấu được cái cảm giác yêu đương say đắm, vậy mà khi nốt đầu tiên vừa vang lên, tôi đã cảm nhận được ngay tình yêu mãnh liệt của người nghệ sĩ, hệt như ánh mặt trời nóng bỏng hôn lên những phiến lá xanh ngây ngất khiến chúng phải bẽn lẽn cuộn tròn lại.
Rõ ràng không phải đàn cho tôi nghe, thế nhưng trong khoảnh khắc những sợi dây đàn rung rẩy, tôi bất giác nhớ lại nụ hôn khẽ khàng trong bóng tối của Bóng ma hôm trước. Vừa nghĩ đến điều này, tôi không cách nào kiểm soát nổi ý thức của mình nữa. Giai điệu dần chậm lại, anh ta gõ phím nhẹ nhàng và mềm mại hơn. Tiếng đàn trong khoảnh khắc đã thiêu đốt mọi thứ, dường như có thể cảm nhận được vầng sáng mùa hạ đã biến thành âm thanh văng vẳng bên tai.
Điệu nhạc kết thúc, tôi cảm thấy mặt mình như nóng bừng cả lên.
Cô gái mặc váy vội vàng tạo vài dáng kết với bạn nhảy, ngay cả tôi cũng cảm thấy vô cùng cứng nhắc và gượng ép. Hearst đàn xong, lập tức thoát khỏi trạng thái thăng hoa và si mê ban nãy. Anh ta nới lỏng chiếc nơ cổ, giọng điệu cực kỳ lạnh nhạt: "Người tiếp theo."
Cô gái khập khiễng bước xuống sân khấu với đôi mắt ầng ậng nước.
Sau đó cũng có một vài diễn viên lên thử vai nhưng đều bị Hearst đuổi xuống không thương tiếc. Trong đó có một cô gái giọng cao, hát hay và nhảy cũng rất cừ, đặc biệt là phần trình diễn ngẫu hứng, theo đánh giá của tôi như thế là hoàn hảo rồi, thế mà vẫn không thỏa mãn được yêu cầu của Hearst.
Dưới sân khấu có người cảm thấy bất bình thay cô ta. Có người chỉ cười trừ nói: "Bộ mấy cô không nghe ngóng tin tức trước buổi tuyển vai hay sao? Ngài Hearst có ấn tượng với các diễn viên tóc vàng, tất cả các bài hát mà ngài ấy viết, dù là múa ba lê hay opera thì tóc của các nữ chính đều màu vàng. Tóc của cô gái giọng cao màu nâu đỏ, tất nhiên là không đạt yêu cầu của ngài Heasrt rồi."
Câu này vừa nói ra đã gom nhặt được không ít tiếng than thở kinh sợ. Christine đắn đo hồi lâu, phản ứng đầu tiên là: "Tóc chị màu nâu đỏ, vậy chị không cần phải thử vai làm gì nữa đúng không?"
"......Chị không muốn trở thành diễn viên nữ giọng cao sao?"
"Như thế cũng tốt thôi, chẳng cần phải nghĩ nhiều. Meg, để chị kể cho em một bí mật." Christine thì thầm vào tai tôi: "Từ sau khi cha qua đời, chị không còn hứng thú với âm nhạc như trước nữa, có một khoảng thời gian âm trầm chị cũng không hát được. Một lần, chị nhớ cha nên về phòng lấy chiếc huy hiệu vàng ông để lại ra ngắm, thì bỗng một giọng nói vang lên bên tai, hỏi chị có muốn mở rộng âm vực của mình hay không. Lúc đó chị nghĩ, âm vực muốn mở là mở được sao. Thật không ngờ anh ta lại giúp chị luyện tập, giọng chị có thể mở rộng đến quãng độ không thể tin được."
Giọng nói trong lời kể của Christine tất nhiên là Bóng ma. Tim tôi bỗng nhiên đập loạn lên, đoạn khô khốc hỏi: "Thế sau này thì thế nào?"
"Sau này, chị mới phát hiện anh ta là một tên siêu lừa gạt!" Christine nói một cách giận dữ: "Anh ta dạy chị hai ba tháng, sau đó bỏ trốn mất tăm. Hơn nữa chị còn phát hiện, quãng giọng của chị không hề mở ra một chút nào, hoàn toàn là do anh ta thôi miên khiến chị sinh ra ảo giác. Chỉ cần không có anh ta bên cạnh, âm trầm của chị vẫn rất khàn, âm cao thì lại lưng lửng ở đâu đó. Tức chết mất thôi."
Tôi: "......" đợi, đợi một chút!
Christine vẫn tiếp tục kể: "Anh ta còn nói gì mà 'ngày nào đó cả Paris này sẽ kinh ngạc vì tôi một phen', thế mà khi đó chị lại ngu ngốc tin lời anh ta thật cơ chứ. Sau này nghĩ lại, có thể anh ta chỉ đang hăm he chiếc huy hiệu vàng của cha chị để lại, bởi lẽ chỉ khi nào lấy chiếc huy hiệu ấy ra thì anh ta mới chịu xuất hiện."
Tôi: "......"
Chuyện Christine kể như một cái búa đập mạnh vào đầu tôi, khiến tôi choáng váng, xây xẩm mặt mày. Tôi lắc lắc đầu, ngồi phịch xuống ghế: "Anh ta không phải là thiên thần âm nhạc của chị ư?"
Christine bỗng đỏ mặt khi nghe tôi hỏi câu này: "Làm sao em biết được chị gọi anh ta là thiên thần âm nhạc?"
Tôi mơ hồ nói: "Em cũng từng gặp anh ta."
Christine không hỏi gì thêm, dường như cô ấy đang nhớ đến điều gì, hai má bất chợt ửng hồng như ráng mây chạng vạng. Tôi lén nhìn biểu cảm của cô ấy, con tim như bị ai bóp nghẹn, chẳng lẽ cái danh xưng "thiên thần âm nhạc" ở kiếp này vẫn còn ý nghĩa đặc biệt gì đó khác?
Chỉ thấy Christine siết chặt tay, xấu hổ khẽ buông mi mắt, thì thầm nói: "Lúc, lúc ấy chị vô cùng nhớ cha, mà giọng anh ta thì lại rất giống cha... Cha từng nói, sau khi mất sẽ biến thành thiên thần âm nhạc chỉ dạy chị, lúc ấy vì quá xúc động nên chị đã bật thốt lên. Ai ngờ được anh ta không biết xấu hổ mà trực tiếp thừa nhận điều đó chứ!"
Tôi: "......" 
Cô ấy lại thao thao bất tuyệt: "Meg, chị coi em là bạn thân nhất của chị. Em không được nói với ai đâu đấy, đặc biệt là Tử tước Chagny, về chuyện suýt nữa thì chị coi tên bịp bợm thành cha của mình."
Khó khăn lắm tôi mới thốt ra được một lời: "......được rồi."
Nói xong câu đó, tôi cứ như người mộng du, ngồi bàng hoàng suốt nửa tiếng đồng hồ. Trong nửa tiếng, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, tôi không nghĩ được gì cả, cũng không giải thích được gì tất. Cho đến khi có ai đó vỗ vỗ vào vai tôi nói lớn: "Tiểu thư Giry, đến lượt cô thử vai rồi."
~~~
P/s: Ôi, Meg ơi, sao em lại ngốc thế nhỉ ~

Đàn harpsichord - ông tổ của piano thời hiện đại

Váy Crinoline - chiếc váy phồng, ở dưới có khung cố định như lồng chim tạo độ bồng cầu kỳ

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.